Bản án 32/2021/HS-PT ngày 03/05/2021 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

BẢN ÁN 32/2021/HS-PT NGÀY 03/05/2021 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Các ngày 27 và 28 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 39/2020/TLPT-HS, ngày 10 tháng 3 năm 2021 đối với các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ và Nguyễn Hồng K; do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2021/HS-ST ngày 01/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đăk RLấp, tỉnh Đăk Nông. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 48/2021/QĐXXPT-HS, ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông.

Bị cáo có kháng cáo:

1. Hồ Thị M, sinh năm 1979, tại tỉnh Bắc Giang; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở trước khi phạm tội: Thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hoá: 5/12; Dân tộc: Hoa; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Hồ Xuân H và bà Đường Thị T; Có chồng là Lù Phóng Đ và 03 con (con lớn nhất sinh năm 2004, con nhỏ nhất sinh năm 2011). Bị bắt tạm giữ từ ngày 16-3-2020, sau đó chuyển tạm giam; ngày 08-9-2020 được thay thế bằng biện pháp Bảo lĩnh. Có mặt.

2. Lù Phóng Đ, sinh năm 1976, tại tỉnh Bình Thuận; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở trước khi phạm tội: Thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước; Nghề nghiệp: Không; Trình độ văn hoá: 3/12; Dân tộc: Hoa; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lù Chi H và bà Dương Nhịt P; Có vợ là Hồ Thị M và 03 con (con lớn nhất sinh năm 2004, con nhỏ nhất sinh năm 2011). Bị bắt tạm giữ từ ngày 16-3-2020, ngày 25-3-2020 được thay thế bằng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

3. Nguyễn Hồng K, sinh năm 1976, tại tỉnh Bến Tre; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở trước khi phạm tội: Ấp C, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ văn hoá: 6/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Hồng L và bà Phạm Thị P; Có vợ là Đặng Thanh T và 03 con (con lớn nhất sinh năm 2002, con nhỏ nhất sinh năm 2017). Bị bắt tạm giữ từ ngày 16-3-2020, sau đó chuyển tạm giam; hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Đ. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Hồ Thị M và Lù Phóng Đ:

Ông Đặng Trọng D và bà Nguyễn Thị Ninh H - Văn phòng Luật sư Đ & N thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: Số a đường P, phường b, quận G, thành phố Hồ Chí Minh – Có mặt. Ông Phạm Văn T - Văn phòng Luật sư MT thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: Số c, ấp C, xã T, huyện H, thành phố Hồ Chí Minh – Có mặt.

- Bị hại: Ông Nguyễn Minh Q – Có mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Thù Thị M1, sinh năm 1980 – Có mặt.

Anh Nguyễn Minh H - sinh năm 2002 – Vắng mặt. Anh Nguyễn Phi H - sinh năm 2004 – Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.

- Người làm chứng:

Ông Nguyễn Anh T, sinh năm 1977 – Vắng mặt. Địa chỉ: Thôn d, xã Đ, huyện T, tỉnh Đăk Nông. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1981 – Vắng mặt. Địa chỉ: Ấp e , xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước. Ông Nguyễn Minh T, sinh năm 1974 – Vắng mặt. Địa chỉ: Thôn f, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.

Ông Vòng Văn P, sinh năm 1977; bà Hồ Thị X, sinh năm 1986.

Cùng địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vợ chồng anh Nguyễn Minh Q và chị Thù Thị M1 trước đây sinh sống tại ấp e, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước, có mối quan hệ bạn bè thân thiết với Hồ Thị M và Lù Phóng Đ. Khoảng từ năm 2009, M nhiều lần gửi tiền cho chị M1 giữ giúp, thỏa thuận khi nào M cần thì chị M1 phải trả. Việc gửi tiền không lập thành văn bản và cũng không có ai chứng kiến, chỉ có M tự ghi chép để theo dõi.

Cuối năm 2018, chị M1 cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại thôn T, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông. M nhiều lần gọi điện yêu cầu trả thì chị M1 trả cho M 10.000.000 đồng qua hệ thống Điện Máy Xanh. Lúc này, M mới kể cho Đ nghe về việc gửi tiền cho chị M1 giữ nhưng không đòi được. Sau đó, M và Đ tìm hiểu thì biết được nơi ở mới của gia đình chị M1 nên đã nhiều lần đến nhà chị M1 để đòi nợ. M đưa ra 01 tờ giấy ghi chép lại các lần M đã gửi tiền cho chị M1 do M tự viết với tổng số tiền là 335.000.000 đồng, trừ đi 10.000.000 đồng đã trả thì chị M1 còn nợ 325.000.000 đồng. Chị M1 thì cho rằng tổng số tiền chị nhận của M là 35.000.000 đồng. Hai bên không thống nhất được về số tiền chị M1 còn nợ nên anh Q và chị M1 không đồng ý trả tiền cho M.

Sau nhiều lần đòi nợ không thành, M và Đ thuê Nguyễn Anh T (tên gọi khác là TC) đòi nợ của chị M1. Hai bên thỏa thuận T được hưởng một nửa số tiền đòi được. T đồng ý nên vào khoảng tháng 8/2019, M và Đ dẫn T cùng một số người do T dẫn theo (không xác định được nhân thân, lai lịch) đến nhà anh Q, chị M1 để đòi nợ. Sau khi biết anh Q, chị M1 và M không thống nhất được số tiền nợ nên T đứng ra dàn xếp để các bên thống nhất số tiền nợ và phương án trả nợ. Vào ngày 09/8/2019, dưới sự tác động của T và anh Nguyễn Minh T (là anh trai của anh Q), anh Q chấp nhận trả cho Hồ Thị M 200.000.000 đồng (không phải 325.000.000 đồng M ghi trong giấy) và cam kết mỗi năm trả 50.000.000 đồng. M đồng ý nên anh Q ký vào giấy nhận nợ. Đến ngày 09/12/2019, anh Q trả cho M số tiền 50.000.000 đồng tại quán cà phê SK thuộc thôn g, xã Q, huyện Đ. M nhận tiền rồi đưa cho T 20.000.000 đồng vì trước đó T đã ứng 5.000.000 đồng. Sau đó, anh Q lấy ra 02 tờ giấy do anh Q viết sẵn, nội dung anh Q, chị M1 cam kết trả cho M số tiền 200.000.000 đồng và bổ sung nội dung đã trả được 50.000.000 đồng nhằm thay thế “giấy mượn tiền” lập ngày 09/8/2019. M ký xác nhận vào tờ giấy do anh Q đưa rồi anh Q giữ 01 bản, T giữ 01 bản, M vẫn giữ “giấy mượn tiền” lập ngày 09/8/2019.

Sau khi về lại huyện B, M và Đ thấy phương án trả nợ hàng năm rất lâu và muốn đòi hết số tiền 275.000.000 đồng (trong đó có 150.000.000 đồng anh Q cam kết trả theo từng năm). M nhiều lần gọi điện thoại cho T, yêu cầu T đòi nợ nhưng T không đồng ý nên M và Đ liên hệ và gặp Nguyễn Hữu Đ1 (tên gọi khác là K), thuê Đ1 tiếp tục đòi anh Q và chị M1 số tiền 275.000.000 đồng, thỏa thuận Đ1 sẽ được hưởng một nửa số tiền đòi được. Đ1 đồng ý rồi rủ thêm Nguyễn Hồng K đi cùng. Sau đó, Đ1 thuê xe ô tô chở K, M và Đ đến nhà anh Q để đòi nợ 02 lần nhưng cả 02 lần đến thì chị M1 vắng nhà, còn anh Q không đồng ý trả nợ. Sau 02 lần đòi nợ không thành nên Đ1 rủ thêm Nguyễn Văn L, Huỳnh Ngọc K1, Nguyễn Văn T1 cùng 03 đối tượng T2, L1, TT (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đi cùng. Sau đó, Đ1 tiếp tục thuê xe ô tô chở M, Đ, K, L, K1, T1, T2, L1, TT đến nhà anh Q để đòi nợ, nhưng anh Q không đồng ý trả nên cả nhóm lại đi về.

Trưa ngày 11/02/2020, Đ1 tiếp tục thuê xe ô tô chở M, Đ, K, L, K1, T1, T2, L1, TT đến nhà anh Q. Lúc này, có anh Q và con trai là Nguyễn Minh H ở nhà. Đ1 vào phòng khách ngồi bên cạnh anh Q, L ngồi đối diện, những người còn lại thì đứng xung quanh anh Q. M và Đ yêu cầu anh Q trả số tiền 150.000.000 đồng theo giấy cam kết ngày 09/8/2019 nhưng anh Q không đồng ý. Lúc này, L cầm ly nước ném mạnh xuống nền nhà và dùng tay tát vào mặt anh Q. H thấy vậy định chạy lại can ngăn thì bị TT chặn lại rồi dùng gậy 03 khúc đánh 01 cái trúng vào vai nên H bỏ chạy ra phía sau nhà. Thấy vậy anh Q đồng ý trả nhưng do không có tiền mặt nên đề nghị trả bằng thửa đất của anh Q ở chợ B, huyện B, tỉnh Bình Phước và yêu cầu M phải lấy lại “Giấy cam kết trả nợ”lập ngày 09/12/2019 do TC đang giữ. Lúc đầu M đồng ý nên L1 lấy giấy viết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó M đổi ý không lấy đất mà phải lấy tiền nên hai bên thống nhất đi đến thị trấn K để gặp TC. Anh Q đi xe mô tô một mình, Đ1 nói K1, T1 và TT ở lại rồi cùng K, L, L1, T2, M và Đ đi bằng xe ô tô. Khi đến Cây xăng H thuộc xã Q, huyện Đ, Đ1 thay đổi ý định, không đến gặp TC nữa mà đưa anh Q về chợ B để thuận tiện cho việc đòi nợ. Do đó, Đ1 gọi điện thoại yêu cầu anh Q dừng lại ở Cây xăng H, Đ1 dắt xe mô tô của anh Q vào gửi ở cây xăng rồi yêu cầu anh Q lên xe ô tô. Anh Q thấy xe ô tô quay đầu về hướng tỉnh B nên thắc mắc thì Đ1 nói là TC đang ở huyện Đ. Khi đến địa phận xã Đ, huyện Đ, anh Q và nhóm của Đ1 xuống ăn cơm, uống rượu với nhau, còn tài xế thì quay lại nhà anh Q đón K1, T1 và TT. Về phía TT, do chờ lâu nên TT tự ý lấy chiếc xe Yamaha Exciter biển kiểm soát 60B6- 627.81 của anh H chở K1, T1 đi về. Con anh Q là Nguyễn Phi H thấy TT lấy xe đi thì điều khiển chiếc xe nhãn hiệu Dream đuổi theo nói TT đổi xe nhưng TT không đổi. Sau đó, TT gặp xe ô tô do Đ1 thuê nên giao xe lại cho K1, nói K1 chạy về quán cơm NT thuộc xã N, huyện B, còn TT và T1 lên xe ô tô. Sau khi ăn cơm xong, nhóm của Đ1 đưa anh Q về quán cơm NT. Tại đây, nhóm của Đ1 yêu cầu anh Q liên hệ với người thân đưa tiền đến trả nhưng anh Q không gọi. Sau đó, chị M1 gọi điện cho anh Q thì anh Q nói cho chị M1 biết là nhóm của Đ đã đưa anh Q về quán cơm NT. Nghe vậy chị M1 gọi điện nói sự việc với em trai của anh Q là (tên thường gọi là C). Sau đó, anh Nguyễn Văn T đến quán cơm NT để thỏa thuận với nhóm của Đ1. Lúc này, Đ1 nhận được cuộc điện thoại từ một người tên TTr (chưa xác định được nhân thân lai lịch), nội dung TTr đứng ra bảo lãnh cho anh Q về và cam kết sẽ đưa anh Q ra gặp Đ1 vào ngày hôm sau để giao tiền cho Đ1. Do đó, nhóm của Đ1 đi về.

Đến tối ngày 12/02/2020, anh Q đến gặp M, Đ, Đ1, K, TTr tại quán cơm NT. Anh Q đưa cho NT số tiền 150.000.000 đồng, NT đưa cho M 60.000.000 đồng, đưa 20.000.000 đồng cho một đối tượng (chưa rõ nhân thân lai lịch) do TC cử đến trả “Giấy cam kết trả nợ”, đưa cho Đ1 22.000.000 đồng. Số tiền còn lại, sau khi trả tiền thuê xe, ăn uống thì TTr giữ. Đ1 lấy 8.000.000 đồng, chia cho K và L mỗi người 7.000.000 đồng và trả lại cho anh Q xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter biển kiểm soát 60B6-627.81.

Sau khi lấy được 150.000.000 đồng, M và Đ tiếp tục thuê Đ1 đòi số tiền 125.000.000 đồng. M viết giấy ủy quyền đòi nợ cho Đ1. Ngày 16/3/2020, Đ1, M, Đ, K và vợ chồng ông Vòng Văn P, bà Hồ Thị X (là em rể và em ruột của M) đến nhà anh Q để đòi nợ. Đến nơi chỉ có Đ1, M, Đ và K vào nhà anh Q, còn ông P và bà X đứng ở ngoài sân, không tham gia việc đòi nợ. Vì lo sợ Đ1 tiếp tục dùng vũ lực, đồng thời phát hiện Đ1 sử dụng chất ma túy tại nhà mình nên anh Q đã giao cho K số tiền 15.000.000 đồng. Do đếm nhầm nên Đ1 viết nội dung nhận số tiền 20.000.000 đồng. Khi K đang nhận tiền thì bị cơ quan điều tra bắt quả tang.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2021/HS-ST, ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đăk RLấp, tỉnh Đăk Nông đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ và Nguyễn Hồng K phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hồ Thị M 04(bốn) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành án. Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 16-3-2020 đến ngày 08-9-2020.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170; điểm p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lù Phóng Đ 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành án. Được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 16-3-2020 đến ngày 25-3-2020.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng Kh 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 16-3-2020.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Hữu Đ1, Huỳnh Ngọc K1, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn L (các bị cáo này không kháng cáo), về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 03-02-2021, các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ kháng cáo toàn bộ bản án cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không thấu tình đạt lý, có sự vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các bị cáo. Ngày 05-4-2021, các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ có đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo. Ngày 13/4/2021,bị cáo Hồ Thị M và Lù Phóng Đ có đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 05-02-2021, bị cáo Nguyễn Hồng K kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Hồ Thị M và Lù Phóng Đ giữ nguyên nội dung kháng cáo cho rằng bị cáo M có cho Thù Thị M1 vay tiền nhiều lần với tổng số tiền là 335.000.000đ. Các lần vay không viết giấy, bị cáo tự ghi vào sổ tổng cộng 18 lần, không có chữ ký của M1. Sau đó gia đình M1 bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống mà không hề báo cho bị cáo biết, điện thoại cũng không liên lạc được. Sau khi tìm được nơi ở của M1, vợ chồng bị cáo đã đến nhà đòi tiền nhiều lần nhưng M1 đều không có ở nhà, chồng M1 không đồng ý trả nợ. Do đó, M và Đ đã thuê Nguyễn Anh T (TC) để đòi nợ, hai bên thỏa thuận nếu đòi được tiền thì T được hưởng 50%. Bị cáo M và Đ đã cùng với T đến nhà Q đòi nợ nhiều lần thì Q đã viết giấy xác nhận nợ với số tiền 200.000.000đ, xin trả trong thời gian 04 năm. Ngày 09/12/2019, Q đã trả được 50.000.000đ, M đưa cho T 20.000.000đ vì trước đó T đã ứng 5.000.000đ. Sau khi lấy được tiền các bị cáo thấy phương án trả nợ trong thời gian 04 năm là quá lâu, nên M đã điện thoại cho T yêu cầu đòi tiếp số tiền 150.000.000đ và số tiền còn lại 125.000.000đ nhưng T không đồng ý. Do đó, M và Đ liên hệ với “D” và biết được Nguyễn Hữu Đ1 để thuê Đ1 đòi anh Q, chị M1 số tiền 275.000.000đ. Hai bên thỏa thuận Đ1 sẽ được hưởng ½ số tiền đòi được. M và Đ chỉ đi cùng với nhóm của Đ1 để đòi nợ, không có hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh Q. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là không đúng, các bị cáo bị oan, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Bị cáo Nguyễn Hồng K cho rằng cấp sơ thẩm xét xử bị cáo 04 năm 06 tháng tù là quá nặng, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo xét thấy, ngày 09/11/2020, bị cáo M đã tự nguyện nộp số tiền 5.000.000đ; đến ngày 20/01/2021, bị cáo Đ nộp 1.000.000đ để khắc phục hậu quả cho anh Q, nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự cho bị cáo M và Đ là có phần thiếu sót. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa bản án sơ thẩm về áp dụng pháp luật, giữ nguyên về hình phạt đối với các bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Hồ Thị M và Lù Phóng Đ (đều có luận cứ bào chữa lưu trong hồ sơ vụ án) và cho rằng các bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản như cáo buộc của cấp sơ thẩm, bởi các lý do: Sau khi bà M đòi tiền, bà M1 không trả mà âm thầm bán nhà chuyển đến Thôn T, xã Đ, huyện Đ sinh sống, đây là hành vi có dấu hiệu của việc chạy trốn nợ.

Sau khi biết được nơi cư trú của vợ chồng bà M1, bà M đã đến đòi nợ nhiều lần thì bà M1 mới thừa nhận số nợ 35.000.000đ và chỉ trả được 10.000.000đ qua điện máy xanh. Sau khi bà M nhờ TC đến nhà đòi nợ, ông Q không biết được khoản nợ, nên nói để hỏi lại bà M1. Đến ngày 09/8/2019, ông Q đã viết giấy xác nhận nợ bà M 200.000.000đ, cam kết trả trong vòng 04 năm, mỗi năm trả 50.000.000đ. Việc ông Q viết giấy xác nhận nợ 200.000.000đ là hoàn toàn tự nguyện, không có sự đe dọa sử dụng vũ lực để uy hiếp tinh thần. Số tiền còn lại 125.000.000đ ông Q, bà M1 không thừa nhận.

Bị cáo M và Đ đã đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xin giải quyết việc vay tài sản của bà M1. Bị cáo đã gặp và nghe những người có trình độ tư vấn về pháp luật và xác định việc đòi tài sản chỉ là giao dịch dân sự.

Các bị cáo chỉ là người đi cùng nhóm của Đ1 để đòi nợ, nếu lấy được tiền thì Đ1 sẽ đưa lại cho Đ và M, chứ không có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần đối với ông Q, bà M1 để buộc vợ chồng bà M1 phải giao tài sản cho ông Đ, bà M.Việc đe dọa dùng vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào khác nhằm uy hiếp tinh thần đối với vợ chồng bà M1 thì bên nhận ủy quyền là Đ1 và nhóm của Đ1 phải chịu trách nhiệm.Vợ chồng bà M ủy quyền cho Đ thu hồi nợ giùm, thực ra chỉ là thực hiện nguyên tắc tự do, ý chí, tự do thỏa thuận của pháp luật dân sự. Do đó, các bị cáo không thể là đồng phạm trong vụ án được vì không đủ các dấu hiệu quy định tại Điều 17 của Bộ luật hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm khởi tố, điều tra, xét xử bị cáo M và Đ về tội: “Cưỡng đoạt tài sản” là thiếu căn cứ.

Giao dịch giữa M và Nguyễn Anh T đối với ông Q là hợp pháp, đây là giao dịch phù hợp theo nguyên tắc tự do ý chí cá nhân, sự tự nguyện của các bên, không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội, nên cơ quan tiến hành tố tụng đã không điều tra, truy tố, xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với giao dịch giữa bà M và TC.

Giao dịch giữa M và Nguyễn Hữu Đ cũng hoàn toàn hợp pháp, bởi lẽ, bà M đã ủy quyền cho Đ tiếp tục thu hồi 150.000.000đ theo giấy xác nhận nợ ngày 09/8/2019, do ông Q tự nguyện xác lập với TC, vì trả trong thời gian 04 năm là quá lâu, nên bà M ủy quyền cho Đ1 thu hồi nợ.

Tối ngày 12/02/2020, ông Q đến gặp M, Đ, Đ1, K, TTr (người quen của T và Q) tại quán cơm NT, ông Q đưa cho M 60.000.000đ, đưa cho TTr 90.000.000đ. Sau khi ông Q trả xong số tiền 200.000.000đ, ông Q cũng không có khiếu nại hay tố cáo đối với số tiền này.

Khi bà M tiếp tục nhờ Đ đòi nợ ông Q, bà M1 thông qua giấy ủy quyền thu hồi nợ 125.000.000đ xác lập vào ngày 23/01/2020, trong tổng số tiền 335.000.000đ mà bà M khai cho bà M1 mượn từ khoảng năm 2011, nhưng bà M1 không thừa nhận. Như vậy, vợ chồng ông Q đã thừa nhận nợ bà M số tiền 210.000.000đ, trong đó 200.000.000đ ông Q, bà M đã thừa nhận trong giấy xác nhận nợ ngày 09/8/2019 và 10.000.000đ trả qua Điện máy xanh. Qua nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không hề có căn cứ nào cho thấy nhóm của Đ1 đe dọa dùng vũ lực trong lần đòi số tiền 125.000.000đ. Chính ông Q đã gọi điện thoại cho vợ chồng bà M lên để trả nợ, nhưng thực ra đây là cái bẫy do chính ông Q và phía Công an huyện Đăk R’Lấp giăng ra để bắt vợ chồng M và nhóm của Đ1.

Cơ quan điều tra chưa ghi lời khai của TTr và người của TC cử đến và chưa điều tra làm rõ TTr là người tham gia trong sự việc trả nợ tối ngày 12/02/2020. Quá trình điều tra, bị cáo M xin được đối chất với Thù Thị M1 nhưng không được cơ quan điều tra chấp nhận là thiếu sót.

Cơ quan điều tra không xem xét đến chứng cứ là bản tự khai của Nguyễn Hữu Đ1 viết ngày 16/3/2020 (BL 262) là không phù hợp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Bị cáo Hồ Thị M và Lù Phóng Đ đồng ý với luận cứ bào chữa của người bào chữa và cho rằng các bị cáo chỉ là người đi cùng với nhóm của Đ để đòi nợ, chứ không có hành vi cưỡng đoạt tài sản như cấp sơ thẩm đã xét xử. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Bị cáo Nguyễn Hồng K không có ý kiến gì tranh luận, chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hồng K đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 170 của Bộ luật hình sự là đúng quy định của pháp luật.

[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Hồng K, Hội đồng xét xử xét thấy, Toà án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tuy nhiên, mức hình phạt 04 năm 06 tháng tù là có phần nghiêm khắc. Do đó, cần chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là phù hợp.

[3]. Xét kháng cáo của các bị cáo Hồ Thị M và Lù Phóng Đ yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Xét thấy, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án và lời khai của bị hại thể hiện: Vào khoảng tháng 8/2019, bị cáo M và Đ đã liên hệ với Nguyễn Anh T (TC) để thuê T đòi nợ của anh Q, chị M1, hai bên thỏa thuận nếu lấy được tiền thì T được hưởng 50%. Ngày 09/8/2019, dưới sự tác động của T và anh Nguyễn Minh T (anh trai anh Q) nên anh Q chấp nhận trả số tiền 200.000.000đ, cam kết mỗi năm trả 50.000.000đ. Đến ngày 09/12/2019, anh Q đã trả cho M được 50.000.000đ có viết giấy biên nhận tiền, M và Đ đã đưa cho T 20.000.000đ vì trước đó T đã ứng của M 5.000.000 đồng.

[3.1]. Sau đó, thấy phương án trả nợ hàng năm lâu và muốn đòi hết số tiền 275.000.000đ, nên M nhiều lần gọi điện cho T yêu cầu đòi nợ nhưng T không đồng ý. Đến cuối năm 2019, M và Đ liên hệ với Đ1 để thuê Đ1 tiếp tục đòi anh Q, chị M1 số tiền trên, hai bên thỏa thuận Đ1 sẽ được hưởng ½ số tiền đòi được. Đ1 đồng ý và rủ thêm Nguyễn Hồng K, Nguyễn Văn L, Huỳnh Ngọc K1, Nguyễn Văn T1 cùng T2, L2, TT (chưa rõ nhân thân lai lịch) cùng với M và Đ nhiều lần đến nhà anh Q để đòi nợ. Tại nhà anh Q, L đã cầm ly nước ném mạnh xuống nền nhà và dùng tay tát vào mặt anh Q. H (con anh Q) thấy vậy định chạy vào can thì bị TT chặn lại và dùng gậy 03 khúc đánh vào vai anh H nên anh H bỏ chạy ra phía sau nhà. Thấy vậy, anh Q đã đồng ý trả nhưng phải lấy lại giấy cam kết trả nợ do T đang giữ. Trên đường đi gặp T thì anh Q bị ép lên xe ô tô chở về Bình Phước, mục đích để yêu cầu anh Q phải trả tiền. Do đó, đến tối ngày 12/02/2020 anh Q đến quan cơm NT ở Bình Phước để trả số tiền 150.000.000đ.

[3.2]. Sau khi lấy được 150.000.000đ, M và Đ tiếp tục thuê Đ1 đứng ra đòi số tiền 125.000.000đ, lúc này M viết giấy ủy quyền cho Đ1 đòi nợ. Ngày 16/3/2020, Đ1 cùng M, Đ, K và vợ chồng anh Vòng Văn P, chị Hồ Thị X đến nhà anh Q đòi nợ. Vì sợ Đ1 tiếp tục dùng vũ lực, nên anh Q đã giao cho K 15.000.000đ, khi đang nhận tiền thì bị Công an bắt quả tang. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170 của Bộ luật Hình sự. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là có căn cứ. Tại phiên phúc thẩm các bị cáo M, Đ và ý kiến của những người bào chữa cho rằng bị cáo M và Đ không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” là không phù hợp.

[4]. Đối với nội dung của người bào chữa cho rằng bị cáo M và Đ không phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nội dung này đã được Hội đồng xét xử nhận định tại mục [3]; [3.1] và [3.2]nêu trên, nên không có căn cứ để chấp nhận.

[4.1]. Đối với nội dung cơ quan điều tra chưa ghi lời khai của TTr và người của TC cử đến và chưa điều tra làm rõ TTr là người tham gia trong sự việc trả nợ tối ngày 12/02/2020. Hội đồng xét xử xét thấy: Tại biên bản xác minh ngày 03/7/2020 thể hiện: Đối tượng “TTr” không đăng ký tạm trú, tạm vắng hay hộ khẩu tại địa phương, hiện tại đi đâu làm gì, địa phương không quản lý. Đối với người của TC cử đến thì theo lời khai của Nguyễn Anh T ngày 15/9/2020 thể hiện: Đầu năm 2020 bà M, ông Q gọi điện cho T đề nghị gửi trả “Giấy cam kết trả nợ” T đồng ý và hỏi cách thức giao nhận giấy tờ ở đâu thì họ nói gửi xe Taxi xuống huyện B, tỉnh Bình Phước theo số điện thoại đã cho để liên hệ, người nhận giấy tờ sẽ trả tiền công và được lái xe Taxi đồng ý. Hiện nay T không biết tài xế Taxi và cũng không có số điện thoại của họ (BL 367, 368). Vì vậy, cơ quan điều tra không thể lấy lời khai của TTr và người của TC cử đến.

[4.2]. Cơ quan điều tra không xem xét đến chứng cứ là bản tự khai của Nguyễn Hữu Đ1 ngày 16/3/2020 (BL 262) là không phù hợp. Xét thấy, ngày 16/3/2020, Nguyễn Hữu Đ1 có viết bản tự khai có nội dung như ý kiến của người bào chữa (BL 262). Tuy nhiên, đến ngày 18/3/2020, bị cáo Đ1 đã có bản tự khai bổ sung, thay đổi đối với lời khai trước thể hiện tại bút lục số 263, nên cơ quan điều tra không xem xét đến bản tự khai ngày 16/3/2020 của bị cáo Đ1 là phù hợp.

[4.3]. Đối với nội dung quá trình điều tra, bị cáo M xin được đối chất với Thù Thị M1 nhưng không được cơ quan điều tra chấp nhận. Xét thấy, lời khai của bị cáo M không có nội dung đề nghị được đối chất với Thù Thị M1. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã đối chất giữa bị cáo với chị M1 để làm rõ số tiền chị M1 vay mượn của bị cáo, hay là bị cáo gửi cho chị M1 giữ hộ đồng thời làm rõ tổng số tiền, nhưng chị M1 vẫn xác định tổng số tiền bị cáo M1 gửi cho chị M1 giữ hộ là 35.000.000đ, chứ không phải 335.000.000đ và không có việc vay mượn tiền như lời khai của bị cáo.

[5]. Từ những phân tích và nhận định nêu trên, xét thấy kháng cáo của các bị cáo M, Đ và quan điểm đề nghị của người bào chữa cho bị cáo M và Đ là không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[6]. Tuy nhiên, ngày 09/11/2020, bị cáo M đã tự nguyện nộp số tiền 5.000.000đ; ngày 20/01/2021, bị cáo Đ nộp 1.000.000đ để khắc phục hậu quả cho anh Q, nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự cho bị cáo M và Đ là có phần thiếu sót. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, Hội đồng xét xử cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo M và Đ là phù hợp. Cần khấu trừ số tiền 1.000.000 đồng bị cáo Đ đã nộp để khắc phục hậu quả cho anh Q vào số tiền bị cáo M phải bồi thường.

[7]. Xét quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông tại phiên toà về tội danh và áp dụng pháp luật là có căn cứ. Đề nghị giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm là có phần nghiêm khắc, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[8]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Do bản án bị sửa nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[9]. Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ về yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hồng K.

Sửa bản án sơ thẩm số: 08/2021/HS-ST, ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đăk RLấp, tỉnh Đăk Nông về hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Hồng K, Hồ Thị M và Lù Phóng Đ.

1. Tuyên bố các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ và Nguyễn Hồng K phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hồ Thị M 03(Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành án, được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 16-3-2020 đến ngày 08-9-2020.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lù Phóng Đ 03(Ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 16-3-2020 đến ngày 25-3-2020.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 170; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng K 03(Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 16-3-2020.

2. Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 48 của Bộ luật hình sự; Điều 589 của Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Hồ Thị M có nghĩa vụ hoàn trả cho anh Nguyễn Minh Q số tiền 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng). Bị cáo M đã tự nguyện nộp 5.000.000đ (Năm triệu đồng) theo biên lai số 005375 ngày 09/11/2020 và bị cáo Đ tự nguyện nộp 1.000.000đ (Một triệu đồng) để khắc phục hậu quả cho anh Q theo biên lai số 005390 ngày 29/01/2021, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Đăk Nông. Bị cáo M còn phải trả cho anh Q số tiền 54.000.000đ (Năm mươi tư triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2, khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tiếp tục lưu hồ sơ vụ án các tài liệu thể hiện việc vay tiền, cam kết trả nợ, chuyển nhượng nhà đất và ủy quyền thu hồi nợ.

Chấp nhận quyết định xử lý vật chứng số 31 ngày 25/3/2020 và quyết định xử lý vật chứng số 70 ngày 09/10/2020 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk R’Lấp.

Tiếp tục thu giữ 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo và số tiền 1.005.000 đồng của bị cáo Hồ Thị M; 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Jupiter biển kiểm soát: 93K1-2537 (Kèm theo Giấy đăng ký xe), 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, 01 điện thoại di động hiệu Samsung, số tiền 450.000 đồng của bị cáo Lù Phóng Đ;

01 điện thoại di động hiệu Oppo của bị cáo Nguyễn Hữu Đ1; 02 điện thoại di động hiệu Iphone và số tiền 440.000 đồng của bị cáo Nguyễn Hồng K. Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Đ xử lý theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm của bị cáo Hồ Thị M và nghĩa vụ chịu án phí hình sự sơ thẩm của các bị cáo còn lại. Khi đã thực hiện xong nghĩa vụ, các bị cáo được hoàn trả lại tài sản theo quy định.

Tổng số tiền 1.895.000 đồng đã được Công an huyện Đăk R’Lấp nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước huyện Đ, tỉnh Đăk Nông ngày 11/11/2020 theo Giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước số 5878751.

(Các tài sản khác có đặc điểm như Biên bản giao nhận vật chứng ngày 11/11/2020 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk R’Lấp và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ).

4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Buộc các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ, Nguyễn Hữu Đ1, Nguyễn Hồng K, Nguyễn Văn T1, Huỳnh Ngọc K1 và Nguyễn Văn L mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo Hồ Thị M phải chịu 2.700.000 đồng (Hai triệu bảy trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Các bị cáo Hồ Thị M, Lù Phóng Đ và Nguyễn Hồng K không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

6. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

196
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 32/2021/HS-PT ngày 03/05/2021 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:32/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về