Bản án 32/2020/DS-PT ngày 29/06/2020 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 32/2020/DS-PT NGÀY 29/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

Ngày 29 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sư thụ lý số 37/2020/TLPT-DS ngày 10 tháng 4 năm 2020, về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 17/02/2020 của Tòa án nhân dân thị xã L bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 99/2020/QĐ-PT, ngày 09 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Bùi Xuân T, sinh năm 1960 (có mặt) Địa chỉ: Số 04, đường C, phường P, thị xã L, Bình Thuận Ông Hoàng K, sinh năm 1969 (vắng mặt) Địa chỉ: 211A, đường 3/2 quận N, Cần Thơ Người đại diện theo ủy quyền của ông Hoàng K là ông Bùi Xuân T. Theo văn bản ủy quyền ngày 03/10/2018 Địa chỉ: Số 04, đường C, phường P, thị xã L, Bình Thuận.

2. Bị đơn: Ông Lê Minh H, sinh năm 1958 (có mặt) Địa chỉ: khu phố 9, phường A, thị xã L, Bình Thuận.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn trình bày: Doanh nghiệp Tư nhân Q do ông Lê Minh H làm chủ được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng trên khu đất có diện tích 44.592m2 tại xã Tân Bình, thị xã L. Căn cứ theo giấy phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường số 2148/GP-UBND ngày 20/9/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận và hợp đồng thuê đất số 52/HĐTĐ ngày 26/4/2011 giữa Doanh nghiệp Q và UBND tỉnh Bình Thuận.

Ngày 02/02/2018 nguyên đơn là ông Bùi Xuân T, ông Hoàng K và ông Lê Minh H có viết giấy thỏa thuận chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác khoáng sản đá xây dựng tại khu đất trên với giá trị chuyển nhượng là 1.550.000.000 đồng. Hai bên thỏa thuận việc giao kết hợp đồng sẽ được thực hiện sau khi Doanh nghiệp Q được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò khoáng sản.

Để đảm bảo cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng, ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K đã đặt cọc cho ông Lê Minh H tổng số tiền là 200.000.000 đồng. Khi giao nhận tiền hai bên có làm giấy xác nhận.

Đến cuối tháng 3/2018 ông Lê Minh H đã được cấp giấy phép thì ông H không chịu ký hợp đồng chuyền nhượng quyền thăm do khai thác cho nguyên đơn như thoả thuận. Vì vậy nguyên đơn yêu cầu ông H là Chủ Doanh nghiệp Tư nhân Q phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc là 200.000.000 đồng và phạt cọc 200.000.000 đồng do không thực hiện hợp đồng. Tổng cộng hai khoản là 400.000.000 đồng.

Bị đơn ông Lê Minh H là Chủ Doanh nghiệp Tư nhân Q trình bày:

Ông Lê Minh H thừa nhận vào ngày 02/02/2018 ông có nhận của nguyên đơn 150.000.000 đồng và ngày 05/02/2018 nhận 50.000.000 đồng. Tổng cộng 200.000.000 đồng và nội dung nhận tiền đúng như nguyên đơn trình bày, tuy nhiên hiện nay ông không đồng ý trả lại tiền cho nguyên đơn vì theo ông thì việc không ký hợp đồng được là do lỗi của nguyên đơn cụ thể:

Khi giao dịch đặt cọc hai bên đã thỏa thuận, “Khi có quyết định cho phép thăm dò khoáng sản bên mua sẽ thanh toán dứt điểm cho bên bán”. Đến ngày 26/3/2018, sau khi được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản, lập tức ông thông báo bằng điện thoại cho nguyên đơn biết và yêu cầu chuyển tiền cho ông để ký hợp đồng. Ngày 27/3/2018 ông T đến gặp và ông đưa bản photo giấy phép cho ông T nhưng ông T cũng không có ý kiến gì về việc chuyển tiền. Sau đó từ ngày 27/3/2018 đến ngày 05/4/2018 hai bên có gặp nhau nhiều lần để đàm phán nhưng không thể thống nhất được phương thức thanh toán và ký hợp đồng. Từ đó phát sinh mâu thuẫn. Ông nghi ngờ khả năng tài chính của nguyên đơn nên sau đó hai bên không tiếp tục hợp đồng và ông đã tìm đối tác khác. Nay nguyên đơn yêu cầu phải hoàn trả số tiền đặt cọc là 200.000.000 đồng và phạt cọc 200.000.000 đồng, ông H không đồng ý.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân thị xã L đã quyết định:

Căn cứ: Các điều 26, 35,39 BLTTDS, Điều 328 BLDS năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016.

Tuyên xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K về việc buộc ông Lê Minh H phải trả tiền cọc là 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) và phạt cọc là 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.

Ngày 02/3/2020, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Bị đơn không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

- Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

+ Về tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.

Doanh nghiệp Tư nhân Q do ông Lê Minh H làm chủ, ngày 07 tháng 5 năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đã cho phép chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nên cần xác định lại tư cách chủ thể của bị đơn.

+ Về nội dung: Việc thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng mỏ đá giữa hai bên xác lập ngày 02/02/2018 trái với quy định của Luật khoáng sảnNghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ; vi phạm điều cấm của pháp luật nên phải xác định là giao dịch dân sự vô hiệu, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại số tiền 200.000.000 đồng là phù hợp. Nguyên đơn yêu cầu phạt cọc số tiền 200.000.000 đồng là trái với quy định tại khoản 1 Điều 131, Bộ luật dân sự. Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là đúng. Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến trình bày và tranh luận tại phiên tòa của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án và không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ. Cho nên Hội đồng xét xử chỉ đánh giá về tính hợp pháp và giá trị chứng minh của các tài liệu, chứng cứ mà cấp sơ thẩm đã thu thập.

[2] Việc xác định tư cách đương sự: Vụ án được Tòa án nhân dân thị xã L thụ lý vào ngày 27 tháng 9 năm 2018 và xác định bị đơn là ông Lê Minh H - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Q. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Tư nhân Q từ ngày 07 tháng 5 năm 2018 đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quyền Vũ.

Như vậy, kể từ ngày 07/5/2018, Doanh nghiệp Tư nhân Q đã chấm dứt hoạt động và ông Lê Minh H không còn là chủ Doanh nghiệp Tư nhân Q nên bị đơn trong vụ án này phải là cá nhân ông Lê Minh H.

[3] Ngày 02/02/2018 nguyên đơn là ông Bùi Xuân T, ông Hoàng K và ông Lê Minh H viết giấy thỏa thuận chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác khoáng sản đá xây dựng tại khu đất thuộc xã Tân Bình, thị xã L, tỉnh Bình Thuận với giá trị chuyển nhượng là 1.550.000.000 đồng. Hai bên thỏa thuận việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác khoáng sản sẽ được thực hiện sau khi Doanh nghiệp Tư nhân Q được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu đất trên. Để đảm bảo cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng, ông Bùi Xuân T, ông Hoàng K đã đặt cọc cho ông Lê Minh H 200.000.000 đồng.

Ngày 26/3/2018 Doanh nghiệp Tư nhân Q được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản.

Nguyên đơn cho rằng do bị đơn không ký kết hợp đồng chuyển nhượng nên phải bồi thường gấp đôi tiền cọc; bị đơn khẳng định do nguyên đơn không ký kết hợp đồng chuyển nhượng nên phải chịu mất tiền cọc.

Án sơ thẩm nhận định: Ngày 26/3/2018 bị đơn được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản; ngày 27/3/2018 nguyên đơn đã nhận được bản photo giấy phép do bị đơn cung cấp. Từ ngày 27/3/2018 đến ngày 06/4/2018 hai bên đã gặp nhau nhiều lần để đàm phán ký kết hợp đồng. Tuy nhiên nguyên đơn vẫn không thanh toán tiền cho bị đơn như thỏa thuận, đối chiếu với thỏa thuận trong hợp đồng ngày 02/2/2018 ghi: “khi có quyết định cho phép thăm dò khoáng sản nguyên đơn sẽ thanh toán dứt điểm cho bị đơn” thì nguyên đơn đã vi phạm do đó nguyên đơn mất cọc theo quy định là có căn cứ.

Xét kháng cáo của nguyên đơn, cũng như toàn bộ nội dung vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Đi tượng tranh chấp trong vụ án này số tiền 200.000.000 đồng mà nguyên đơn đã đặt cọc cho bị đơn để nhận chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác khoáng sản đã được các bên giao kết ngày 02/02/2018.

Khon 1 Điều 34 Luật khoáng sản quy định:

1. Tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản được thăm dò khoáng sản bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

c) Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam”.

Điều 43, Luật khoáng sản quy định việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản:

1. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải có đủ điều kiện để được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.

2. Việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản chấp thuận; trường hợp được chấp thuận, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản mới.

3. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản đã thực hiện được ít nhất 50% dự toán của đề án thăm dò khoáng sản”.

Điều 27 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện được chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản:

1. Điều kiện chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản:

a) Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật khoáng sản; nếu không có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản thì phải có hợp đồng với tổ chức đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật khoáng sản để tiếp tục thực hiện đề án thăm dò;

b) Tính đến thời điểm chuyển nhượng, tổ chức, cá nhân chuyển nhượng đã hoàn thành các nghĩa vụ quy định tại các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều 42; khoản 3 Điều 43 Luật khoáng sản và quy định trong Giấy phép thăm dò khoáng sản”.

Trong trường hợp này, ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh là họ đủ điều kiện hành nghề kinh doanh thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật khoáng sản nên không được quyền nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản.

Tính đến ngày 26 tháng 3 năm 2018 (thời điểm Doanh nghiệp Tư nhân Q được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản), không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh là Doanh nghiệp Tư nhân Q đã hoàn thành các nghĩa vụ quy định tại các điểm b, c, d và e khoản 2 Điều 42; khoản 3 Điều 43 Luật khoáng sản và quy định trong giấy phép thăm dò khoáng sản nên chưa đủ điều kiện để được phép chuyển nhượng.

Do việc thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng giữa hai bên xác lập ngày 02/02/2018 trái với quy định của Luật khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ; vi phạm điều cấm của pháp luật theo Điều 117 Bộ luật dân sự nên phải xác định là giao dịch dân sự vô hiệu.

Điều 131, Bộ luật dân sự quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Do giao dịch bị vô hiệu nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại số tiền 200.000.000 đồng là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự. Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là không phù hợp quy định pháp luật nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa phần này.

Do giao dịch bị vô hiệu nên nguyên đơn yêu cầu phạt cọc bị đơn số tiền 200.000.000 đồng là trái với quy định tại khoản 1 Điều 131, Bộ luật dân sự. Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là đúng quy định.

Tại điểm c, khoản 1 Điều 199 Luật doanh nghiệp quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn”.

Khi là chủ Doanh nghiệp Tư nhân Q, ông Lê Minh H còn khoản nợ chưa thanh toán của ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K là 200.000.000 đồng. Nên nay ông Lê Minh H phải có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ này với tư cách cá nhân là phù hợp.

[4] Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn ông Bùi Xuân T và bị đơn ông Lê Minh H là những người thuộc trường hợp được miễn tiền án phí, nhưng do ông T và ông H không có đơn xin miễn tiền án phí theo quy định nên vẫn phải chịu án phí. Ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận; ông Lê Minh H phải chịu án phí đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: khon 1 Điều 148, Điều 270, 293, khoản 2 Điều 308, 309 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Bùi Xuân T. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Tòa án nhân dân thị xã L.

1. Áp dụng: Điều 116, 117, 123 và Điều 131 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 34 và Điều 43 Luật khoáng sản; Điểm c khoản 1 Điều 199 Luật doanh nghiệp; Điều 27 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ; khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K.

- Xác định thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng mỏ đá giữa ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K với ông Lê Minh H - Chủ Doanh nghiệp Tư nhân Q xác lập ngày 02/02/2018 là giao dịch dân sự vô hiệu.

- Buộc ông Lê Minh H phải trả lại cho ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) tiền đặt cọc.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K về việc yêu cầu ông Lê Minh H bồi thường tiền cọc 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).

Kể từ ngày 30/6/2020 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K mỗi người phải nộp 5.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí 10.000.000 đồng theo biên lai số 0021926 ngày 20/9/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận;

Ông Lê Minh H phải nộp 10.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Ông Bùi Xuân T và ông Hoàng K không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn lại cho ông Bùi Xuân T 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp ngày 02/3/2020 theo Biên lai số 0022691 và hoàn lại cho ông Hoàng K 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp ngày 02/3/2020 theo Biên lai số 0022692 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã La Gi.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a, 7b, 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

633
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 32/2020/DS-PT ngày 29/06/2020 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Số hiệu:32/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về