TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 32/2019/HS-ST NGÀY 24/07/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Ngày 24 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 30/2019/TLST-HS ngày 18 tháng 6 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 31/2019/QĐXXST-HS ngày 03 tháng 7 năm 2019 đối với các bị cáo:
1,Trần Hồng S, sinh ngày 23/8/1970; Nơi sinh: Xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; Nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ văn hoá: 7/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Hải C, sinh năm 1946 và bà Đào Thị X, sinh năm 1945; vợ: Đặng Thị M, sinh năm 1970; có 02 con, con lớn, sinh năm 1993, con nhỏ sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại (có mặt).
2,Nguyễn A, sinh ngày 24/8/1978; Nơi sinh: Xã C, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc; Nơi cư trú: Tổ 7, B, phường D, thành phố V, tỉnh Phú Thọ; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Mạnh T, sinh năm 1954 và bà Nguyễn Thị G (đã chết); vợ: Trần Thị H, sinh năm 1981; có 02 con, con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại (có mặt).
- Bị hại: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1939 (đã chết).
-Những người đại diện hợp pháp của người bị hại:
1,Cụ Đại Văn E, sinh năm 1941 (vắng mặt).
2,Ông Đại Văn B, sinh năm 1962 (có mặt).
3,Bà Đại Thị D, sinh năm 1965 (vắng mặt).
4,Ông Đại Văn F, sinh năm 1968 (vắng mặt).
5,Bà Đại Thị H, sinh năm 1970 (vắng mặt).
6,Ông Đại Văn K, sinh năm 1975 (vắng mặt).
7,Bà Đại Thị G, sinh năm 1982 (vắng mặt).
Cùng cư trú: Khu 2 thôn Trung, thị trấn Y, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đại diện theo ủy quyền của cụ E, bà D, ông F, bà H, ông K, bà G là ông Đại Văn B, sinh năm 1962 (Văn bản ủy quyền ngày 21/3/2019) ( phiên tòa có mặt ông B).
8.Cháu Đại Văn M, sinh ngày 05/8/2002 (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của cháu M: Bà Tạ Thị P, sinh năm 1979 là mẹ cháu M (vắng mặt).
Cùng cư trú: Phường K, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
9.Bà Phạm Thị TH, sinh năm 1981 (vắng mặt).
10.Cháu Đại Thị MK, sinh ngày 26/8/2010 (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của cháu MK: Bà Phạm Thị TH, sinh năm 1981 là mẹ cháu MK (vắng mặt).
Cùng cư trú: Tổ 22, phường DV, quận C, thành phố Hà Nội.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Anh Nguyễn Văn Q, sinh năm 1967 (vắng mặt).
Nơi cư trú: Khu 1, phường D, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 08 giờ 30 phút ngày 13/3/2019, Trần Hồng S có giấy phép lái xe ô tô hạng B2 điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 88C - 070.76 đi trên đường Tỉnh lộ 304 hướng từ xã B về xã T, huyện Y. Khi đi đến khu vực giao nhau giữa đường Tỉnh lộ 304 với Tỉnh lộ 305 và đường trục thôn T, thị trấn Y, S giảm tốc độ, bật đèn xi nhan rẽ trái sang đường Tỉnh lộ 305. Do không chú ý quan sát, chuyển hướng không đảm bảo an toàn nên phần thùng xe bên trái của S điều khiển va chạm vào xe đạp của bà Nguyễn Thị L đang đi bên trái đường theo chiều đi của S vào khu vực ngã tư làm bà L ngã xuống đường. Cùng lúc này Nguyễn A có giấy phép lái xe ô tô hạng C điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 19C-056.43 đi trên đường Tỉnh lộ 304 hướng từ xã T về xã B. Do không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên xe ô tô đã chèn vào người bà L đang nằm ngã trên đường trong khu vực ngã tư. Hậu quả bà L bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, ngay sau đó tử vong. Trần Hồng S quan sát qua gương chiếu hậu phát hiện va quyệt với xe đạp của bà L đã điều khiển xe ô tô rời khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Cơ quan điều tra Công an huyện Yên Lạc đã khám nghiệm hiện trường, khám các phương tiện tham gia giao thông theo quy định. Thu giữ vật chứng là ô tô biển kiểm soát 19C-056.43 do Nguyễn A điều khiển, thu giữ ô tô biển kiểm soát 88C-070.76 do Trần Hồng S điều khiển và xe đạp của bà Nguyễn Thị L.
Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Đoạn đường nơi xảy ra tai nạn giao thông là ngã tư giao nhau giữa đường Tỉnh lộ 304 với Tỉnh lộ 305 và đường trục khu 2 thôn T, thị trấn Y được đổ bê tông bằng phẳng, không có chướng ngại vật, trong khu dân cư, tầm nhìn không bị hạn chế, giữa đường Tỉnh lộ 304 có dải phân cách cứng chia mặt đường thành hai chiều riêng biệt và có lối mở rộng 38,36m. Vị trí xẩy ra va chạm giữa hai phương tiện nằm trên chiều đường từ xã T đi thị trấn Y chiều rộng 7,5m lề đường có biển cảnh báo “Giao nhau với đường không ưu tiên”, hai đầu đường có gờ giảm tốc. Lấy mép đường phải theo hướng từ xã T đi xã B là mép đường chuẩn, các số đo được tính bằng mét (m). Các dấu vết để lại tại hiện trường được thể hiện tại biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường ngày 13/3/2019 (bút lục 34, 35, 36), biên bản khám phương tiện giao thông ngày 13/3/2019 (bút lục 43, 44, 45, 46, 47, 48).
Ngày 13/3/2019, Cơ quan điều tra Công an huyện Yên Lạc ra Quyết định trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc giám định nguyên nhân tử vong của bà Nguyễn Thị L. Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 550/KLGĐ ngày 03/4/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Vĩnh Phúc kết luận:
“ 1. Các kết quả chính:
- Trên tử thi Nguyễn Thị L có các vết tụ máu, sây sát, rách da cơ chủ yếu vùng mạn sườn, thắt lưng bên phải, rách lóc diện rộng da cơ vùng đùi phải, rách phức tạp bộ phận sinh dục ngoài.
- Thành ngực bên phải mất vững, Gãy xương đòn bên phải.
- Vỡ giập phức tạp 1/3 dưới xương đùi.
2. Nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị L: Đa chấn thương”.
Cơ quan điều tra trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự giám định hành trình, vận tốc của các phương tiện có liên quan từ các thiết bị giám sát hành trình. Tại kết luận số 461, 462/KLGĐ cùng ngày 3/3/2019 kết luận: Thời điểm xẩy ra tai nạn giao thông xe ô tô biển kiểm soát 88C-070.76 đi với vận tốc khoảng 20 - 25km/h còn xe ô tô biển kiểm soát 19C-056.43 đi với vận tốc 42km/h.
Về trách nhiệm dân sự: Sau khi sự việc xảy ra các bị cáo và anh Q là chủ xe ô tô 19C-056.43 đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại 120.000.000 đồng, ông Đại Văn B là đại diện theo ủy quyền của gia đình bị hại nhận đủ số tiền, không yêu cầu bồi thường gì thêm về dân sự và có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Tại Cáo trạng số 32/CT-VKS ngày 18/6/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lạc truy tố Trần Hồng S về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015; truy tố Nguyễn A về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lạc giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo theo tội danh và điều luật như Cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 2 Điều 260, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điều 54, khoản 1,2, 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo S, đề nghị phạt bị cáo S từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 05 năm; đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 260, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 khoản 1,2, 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Nguyễn A, đề nghị phạt bị cáo từ 01 năm đến 01 năm 03 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và đề nghị cấm các bị cáo lái xe từ 01 đến 02 năm. Xác nhận các bị cáo đã bồi thường xong cho gia đình bị hại và đề nghị xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa các bị cáo nói lời sau cùng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và đề nghị xin được hưởng án treo.
Người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và đề nghị cho các bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Yên Lạc, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lạc, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo, đại diện bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không ai có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]Về hành vi phạm tội của các bị cáo: Do không chú ý quan sát, chuyển hướng không đảm bảo an toàn nên thùng xe ô tô bên trái của Trần Hồng S điều khiển va chạm vào xe đạp của cụ Nguyễn Thị L điều khiển đi cùng chiều, làm cụ L ngã ra đường sau khi gây tai nạn S lái xe rời khỏi hiện trường. Cùng lúc này, xe ô tô do Nguyễn A điều khiển đi đến do không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào người cụ Nguyễn Thị L làm cụ L bị thương nặng dẫn đến tử vong.
Xét lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, lời khai người làm chứng, kết luận giám định về tử thi của Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc, phù hợp biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, phù hợp các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với nội dung Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lạc. Như vậy đủ cơ sở kết luận Trần Hồng S chuyển hướng không đảm bảo an toàn đã va quyệt làm cụ Nguyễn Thị L và xe đạp đổ ra đường, xe ô tô của Nguyễn A đi đến chèn qua người cụ L, hành vi của Trần Hồng S là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của cụ L, sau khi gây tai nạn S lái xe rời khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm, hành vi của Trần Hồng S đã vi phạm quy định tại khoản 17 Điều 8 và khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ:
“ Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm:
Khoản 17: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
Khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ quy định: Trong khi chuyển hướng, người lái xe chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác”.
Nguyễn A không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép có thể dừng lại một cách an toàn khi đi vào nơi đường bộ giao nhau cùng mức, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm, không chấp hành biển báo hiệu đường bộ, dẫn đến xe ô tô chèn qua người làm cụ L tử vong đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 luật Giao thông đường bộ và khoản 1, 3 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/5/2015 của Bộ Giao thông vận tải.
Khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ quy định về quy tắc tham gia giao thông:
“1, Người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/5/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định:
1, Có biển cảnh báo nguy hiểm.
3,Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức”.
Đối chiếu với Bộ luật Hình sự năm 2015, Trần Hồng S phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
c, Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn''.
Nguyễn A phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a, Làm chết 01 người”.
Xét tính chất vụ án rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó đã xâm phạm đến an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng của cụ L. Như chúng ta biết trong những năm qua mặc dù Đảng và Nhà nước ta có nhiều biện pháp nhằm giảm bớt các vụ tai nạn giao thông nhưng tình trạng vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ đã cướp đi biết bao sinh mạng con người và làm cho nhiều người bị tàn phế, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người tham gia giao thông mỗi khi ra đường. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức của người tham gia giao thông đã không thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Trong vụ án này lỗi chính do các bị cáo gây ra vì vậy cần có hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo. Có như vậy mới có tác dụng giáo dục riêng đối với các bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
Xét nhân thân của các bị cáo đối chiếu với các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thấy rằng các bị cáo đều là người có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, nhận biết được hành vi nào pháp luật cấm. Bị cáo Trần Hồng S điều khiển xe ô tô chuyển hướng không đảm bảo an toàn, bị cáo Nguyễn A không chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, không làm chủ tốc độ lại không quan sát đường phía trước, không đảm bảo an toàn khi vào đường giao nhau nên đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng gây nên cái chết của cụ L. Lẽ ra phải phạt các bị cáo mức án cao, xét thấy các bị cáo đều là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Ở cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình, sau khi xảy ra tại nạn các bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho đại diện bị hại, bị hại cũng có lỗi một phần điều khiển xe đi vào khu vực ngã tư không đảm bảo an toàn, không chú ý quan sát. Đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự các bị cáo được hưởng theo quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Xét thấy các bị cáo phạm tội lần đầu với lỗi vô ý, sau khi phạm tội thực sự tỏ ra ăn năn hối cải, tích cực bồi thường khắc phục hậu quả, có nơi cư trú ổn định, nên Hội đồng xét xử đã cân nhắc xem xét áp dụng hình phạt tù cho các bị cáo được hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách, giao các bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã nơi các bị cáo cư trú giám sát giáo dục trong thời gian thử thách cũng đủ điều kiện để các bị cáo cải tạo trở thành người công dân tốt có ích cho gia đình và xã hội.
[3]Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra các bị cáo và anh Q đã tự nguyện bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại 120.000.000 đồng, nhận đủ tiền đại diện theo ủy quyền của đại diện hợp pháp của bị hại ông Đại Văn B không yêu cầu bồi thường gì thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Đối với anh Nguyễn Văn Q là chủ xe ô tô giao cho Nguyễn A điều khiển xe ô tô chở quá trọng tải quy định Cơ quan điều tra đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Lạc ra quyết định xử phạt hành chính 15.000.000 đồng là đúng quy định pháp luật.
[4]Về hình phạt bổ sung: Khoản 5 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Hội đồng xét xử thấy rằng cần cấm các bị cáo lái xe trong thời gian nhất định.
[5]Về xử lý vật chứng: Chiếc ô tô biển kiểm soát 19C-056.43 do Nguyễn A điều khiển; xe ô tô biển kiểm soát 88C-070.76 do Trần Hồng S điều khiển và xe đạp của cụ Nguyễn Thị L. Cơ quan điều tra đã trả cho anh Q, bị cáo S, ông B. Nhận lại tài sản anh Q, bị cáo S và ông B không có yêu cầu đề nghị gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[6]Về án phí: Các bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Các bị cáo Trần Hồng S và Nguyễn A phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt: Bị cáo Trần Hồng S 03 (Ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (Năm) năm, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Trần Hồng S cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn A 01 (Một) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 (Hai) năm, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Nguyễn A cho Uỷ ban nhân dân phường D, thành phố V, tỉnh Phú Thọ giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố tình vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Căn cứ vào khoản 5 Điều 260 Bộ luật Hình sự: Cấm bị cáo Trần Hồng S và bị cáo Nguyễn A lái xe ô tô trong thời hạn 01 (Một) năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Trả lại 01 giấy phép lái xe số 260092261420 do Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc cấp ngày 06/10/2014 cho Trần Hồng S; Trả lại 01 giấy phép lái xe số 250019000489 do Sở Giao thông vận tải Phú Thọ cấp ngày 18/3/2019 cho Nguyễn A nhưng cần tạm giữ trong thời gian cấm lái xe ô tô để đảm bảo công tác thi hành án (Các vật chứng có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng ngày 05 tháng 7 năm 2019 giữa Công an huyện Yên Lạc và Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Yên Lạc).
Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án buộc các bị cáo Trần Hồng S và Nguyễn A mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án các bị cáo, đại diện người bị hại, có mặt có quyền kháng cáo bản án. Đại diện người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày được giao nhận bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 32/2019/HS-ST ngày 24/07/2019 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Số hiệu: | 32/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/07/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về