TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 32/2019/DS-PT NGÀY 06/03/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
Trong các ngày 01 và 06 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 251/2018/TLPT-DS ngày 17 tháng 12 năm 2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”.
Do Bản án Dân sự sơ thẩm số: 44/2018/DS-ST ngày 06 tháng 11 năm 2018, của Toà án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 38/2019/QĐ-PT ngày 14 tháng 02 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Hồ Thị D, sinh năm 1964; cư trú tại: Ấp G, xã Mỏ C, huyện Tân B, tỉnh Tây Ninh; có mặt.
- Bị đơn: Bà Trần Thị S, sinh năm 1965; cư trú tại: Ấp T, xã Tân L, huyệnT, tỉnh Tây Ninh; có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1992; cư trú tại: Số A, ấp Long T, xã L, huyện H, tỉnh Tây Ninh (theo văn bản ủy quyền ngày 30-10-2018); có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Văn T1, Luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bảo Minh Lý, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh; có mặt.
- Người kháng cáo: Bà Trần Thị S, bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn – bà Hồ ThịD trình bày:
Bà và bà Trần Thị S có quan hệ mua bán mì lát nhiều năm, cả hai đều không có đăng ký kinh doanh, bà S là người bán và bà là người mua. Tuy nhiên, từ tháng 6/2018, do người Campuchia có nhu cầu mua bắp hạt nên bà S mua bắp hạt của bà để bán lại và hưởng chênh lệch giá, sau khi cân bắp tại trạm cân thì bà nhận 01 phiếu cân, bà S nhận 02 phiếu cân và bà S giao lại cho người Campuchia 01 phiếu cân. Khi bà S nhận bắp hạt thì thanh toán tiền cho bà, cũng có khi nợ lại, suốt quá trình mua bán bà S không đặt cọc tiền trước lần nào. Hình thức thanh toán tiền là thanh toán trực tiếp hoặc có khi chuyển tiền vào tài khoản của bà, tiền giao dịch thanh toán có khi là tiền Việt Nam đồng, có khi là tiền Campuchia nhưng khi chốt nợ, thanh toán tiền với nhau thì đều quy đổi ra tiền Việt Nam đồng dựa theo tỷ giá tại khu vực mua bán.
Quá trình mua bán bắp hạt giữa bà và bà S diễn ra từ ngày 06-6-2018 đến ngày 18-6-2018, cụ thể như sau:
Ngày 06-6-2018, bà bán cho bà S 04 xe bắp hạt với tổng khối lượng là 211.620 kg, thành tiền là 1.193.479.622 đồng, bà S đã thanh toán 1.050.000.000 đồng, còn nợ lại 143.479.622 đồng;
Ngày 08-6-2018, bà bán cho bà S 01 xe bắp hạt với khối lượng 40.440 kg, thành tiền 227.446.278 đồng, bà S nợ lại số tiền này;
Ngày 09-6-2018, bà bán cho bà S 02 xe bắp hạt với tổng khối lượng là 108.890 kg, thành tiền 615.990.924 đồng. Tồng cộng bà S nợ bà 986.916.864 đồng tiền bắp hạt. Cùng ngày 09-6-2018, bà S trực tiếp trả cho bà 5.860.000 đồng;
Ngày 10-6-2018, bà S trực tiếp trả cho bà 300.000.000 đồng;
Ngày 11-6-2018, bà S nhờ tài khoản tên Võ Thị S1 (doanh nghiệp của anh Tài) chuyển tiền vào tài khoản của bà để trả số tiền 500.000.000 đồng.
Tổng cộng, bà S đã trả cho bà 805.860.000 đồng, còn nợ lại 181.056.864 đồng (có số dư là do quy đổi từ tiền Campuchia sang tiền Việt Nam), bà thống nhất với bà S làm tròn thành 181.000.000 đồng.
Vào khoảng 19 giờ ngày 12-6-2018, tại kho hàng của bà thuộc ấp Tân K, xã Tân L, huyện Tân B, tỉnh Tây Ninh, bà và bà S có tính toán tiền bắp, sau khi trừ số tiền chuyển khoản 500.000.000 đồng thì bà S còn nợ bà 181.000.000 đồng và bà S đã trực tiếp thanh toán tiền mặt số này cho bà và bà có thể hiện việc thanh toán này trong sổ ghi chép của mình, thời gian bà S trả tiền thì ông C cũng có mặt để trả tiền cho bà, do trời tối, sợ nguy hiểm nên bà S có yêu cầu ông C chờ bà S cùng về và được ông C đồng ý.
Như vậy, tổng nợ tiền bắp các ngày 06, 08, 09-6-2018, bà S đã thanh toán hết cho bà vào ngày 12-6-2018, không còn nợ.
Ngày 15-6-2018, bà bán cho bà S 02 xe bắp hạt, tổng khối lượng là 108.250 kg, thành tiền 609.858.850 đồng, bà S trực tiếp trả 85.000 tiền Campuchia, bà S trực tiếp ghi vào sổ của bà “85000 ria”, quy đổi thành tiền Việt Nam là 480.000.000 đồng, bà S còn nợ bà 129.858.850 đồng.
Ngày 16-6-2018, bà bán cho bà S 01 xe bắp hạt với khối lượng 53.300 kg,thành tiền 300.281.540 đồng, bà S nợ lại toàn bộ số tiền này.
Ngày 18-6-2018, bà tiếp tục bán cho bà S 01 xe bắp hạt với khối lượng 54.900 kg, thành tiền 308.245.932 đồng, bà S nợ lại toàn bộ số tiền này.
Tổng cộng trong 03 ngày 15, 16 và 18/6/2018, bà S còn nợ bà tiền bắp hạt là 738.323.322 đồng. Ngày 20-6-2018, bà S nhờ người tên Oanh trả thay cho bà S 238.000.000 đồng, còn nợ lại 500.323.322 đồng.
Bà và bà S trực tiếp tính toán và thanh toán tiền với nhau, không có người chứng kiến, có đối chiếu phiếu cân, tự ghi chép vào sổ của mình, tuy có chênh lệch vài trăm nghìn đến một hai triệu đồng là do tỷ giá quy đổi từ tiền Campuchia sang tiền Việt Nam, bà không tranh chấp về số lần mua bán, số ki lô gam, giá bán bắp hạt, chênh lệch số tiền quy đổi từ tiền Campuchia sang tiền Việt Nam.
Bà yêu cầu một mình bà Trần Thị S trả số tiền 500.000.000 đồng, rút yêu cầu tính tiền lãi và rút yêu cầu bà S phải trả số tiền 323.322 đồng cho bà.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn – bà Trần Thị S và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Nguyễn Văn T trình bày:
Bà S có giới thiệu người Campuchia mua bắp của bà Hồ Thị D để hưởng huê hồng, mỗi xe bắp hạt bán thì bà S được nhận huê hồng từ bà D là 800.000 đồng/xe, không hưởng giá chênh lệch nhưng bà S không tranh chấp tiền huê hồng này, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bà S thống nhất với bà D về thời gian, số lần, khối lượng và giá mua bán bắp hạt, số tiền bắp hạt phải thanh toán, tuy có sự chênh lệch về số tiền Việt Nam giữa bà và bà D khi tính toán tiền bắp với nhau nhưng đó là do cách quy đổi từ tiền Campuchia sang tiền Việt Nam, không có tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bà S chỉ tranh chấp về số tiền 500.000.000 đồng mà bà đã trực tiếp trả tiền mặt cho bà D vào ngày 10-6-2018 và 500.000.000 đồng bà S nhờ tài khoản tên Võ Thị S1 chuyển tiền vào tài khoản của bà D để đặt cọc mua bắp, không phải trả tiền mua bắp hạt, cụ thể:
Khoảng 21 giờ ngày 10-6-2018, bà S trực tiếp trả cho bà D số tiền 500.000.000 đồng tại kho của bà D thuộc ấp Tân K, xã Tân L, huyện Tân B, tỉnh Tây Ninh, thời gian này có ông C cũng đến thanh toán tiền mua hàng hóa cho bà D, bà S có yêu cầu ông C về chung vì trời tối, nguy hiểm và có cùng về với ông C.
Tính đến hết ngày 10-6-2018, bà S còn nợ bà D số tiền 181.000.000 đồng, số tiền này bà S thanh toán cho bà D vào khoảng 8 đến 9 giờ sáng ngày 11-6- 2018, không phải trả vào ngày 12-6-2018 như lời bà D trình bày.
Như vậy, tổng nợ tiền bắp hạt các ngày 06, 08, 09/6/2018 đã được bà S thanh toán xong cho bà D vào ngày 11-6-2018.
Khoảng 14 giờ ngày 11-6-2018, bà S có nhờ tài khoản tên Võ Thị S1 chuyển khoản cho bà D số tiền 500.000.000 đồng để đặt cọc tiền mua bắp ngày 11-6-2018, do từ ngày 11 đến ngày 14-6-2018, xe của người Campuchia không lưu thông vào được Việt Nam, đến ngày 15-6-2018, xe của người Campuchia lưu thông vào được Việt Nam nên bà S mới thực hiện được việc mua bắp của bà D, bà S có trực tiếp đưa thêm cho bà D 85.000 tiền Campuchia, quy đổi thành tiền Việt Nam là 478.873.000 đồng, thống nhất 480.000.000 đồng, bà S có tự viết vào sổ bà D “15-6-8 đưa 85000 ria” để nhớ;
Từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 6/2018, bà S mua của bà D 03 xe bắp hạt với tổng số tiền phải trả là 914.715.000 đồng, khấu trừ vào số tiền chuyển khoản500.000.000 đồng đặt cọc và tiền đưa trực tiếp 478.873.000 đồng, bà D còn nợ lại bà S 64.650.000 đồng;
Ngày 18-6-2018, bà S tiếp tục mua của bà D 01 xe bắp hạt số tiền 307.746.000, khấu trừ số tiền bà D còn nợ bà S và trừ tiền cò là 5.000.000 đồng, bà S còn nợ bà D 238.000.000 đồng; Ngày 20-6-2018, bà S nhờ người quen tên O trả số tiền 238.000.000 đồng cho bà D là không còn nợ bà D tiền mua bán bắp hạt.
Nay bà S không đồng ý trả số tiền 500.000.000 đồng như yêu cầu của bà D.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 12-9-2018, người làm chứng – ông Huỳnh Văn C trình bày: Ông xác định vào khoảng 18 giờ ngày 12/6/2018, tại kho hàng của bà Hồ Thị D thuộc ấp Tân K, xã Tân L, huyện Tân B, tỉnh Tây Ninh, ông có đến trả tiền mua bán hàng hóa với bà D. Tại đây, ông có gặp bà Trần Thị S đang tính tiền bắp với bà D và sau đó có cùng về với bà S. Tuy nhiên, việc trả tiền giữa bà D và bà S thì ông không trực tiếp chứng kiến nên không biết.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2018/DS-ST ngày 06 tháng 11 năm 2018, của Toà án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 430 và 440 của Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 26, Điều147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị D, buộc bà Trần Thị S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Hồ Thị D số tiền 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng tiền mua bán bắp hạt. Ghi nhận bà D không yêu cầu bà S trả tiền lãi.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí; quyền kháng cáo; quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo Luật Thi hành án Dân sự.
Ngày 16 tháng 11 năm 2018, bị đơn là bà Trần Thị S có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị D.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà S– Luật sư Phạm Văn T1 trình bày:
Để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của bị đơn là có cơ sở, luật sư đưa ra một số chứng cứ nhằm chứng minh hai vấn đề, như sau:
Thứ nhất, số tiền 500.000.000 đồng chuyển khoản vào chiều ngày 11-6-2018 là tiền đặt cọc để mua hàng. Bởi tại Bút lục 24 bà D thừa nhận ngày 15-6- 2018 bà S có giao cho bà D 85.000.000 tiền Ria và ngày này bà S chỉ nhận 01 xe bắp, khối lượng 54.140 kg là tiền nhận nhiều hơn số hàng được nhận, nhưng bà S không đòi lại tiền dư và chờ tính tiếp cho chuyến hàng sau. Từ thực tế này cho thấy rằng các bên vẫn có kiểu thỏa thuận giao tiền trước và nhận hàng sau. Từ Bút lục 39-40 ghi nội dung đối đáp của bà S và bà D tại Công an địa phương cũng xác định bà D có nhận tiền nhưng chưa bán hàng, tức là đối với số tiền 500.000.000 đồng chuyển khoản là tiền bà S đặt cọc cho bà D, bà D thừa nhận có nhận mà chưa có bán hàng. Không phải là tiền cấn trừ nợ như bà D trình bày.
Thứ hai, quá trình khởi kiện nguyên đơn khai rằng số tiền 181.000.000 đồng được trả vào tối ngày 12-6-2018, sau khi đã trừ số tiền chuyển khoản500.000.000 đồng vào ngày 11-6-2018 và nguyên đơn đưa ra nhân chứng là có ông C cũng đến trả tiền vào ngày đó (12-6-2018). Tuy nhiên, lời khai củanguyên đơn và lời khai của nhân chứng có sự mâu thuẫn nhau, không đủ cơ sở để xác định lần trả tiền 181.000.000 đồng cuối cùng của đợt 1 là ngày 12-6-2018 như trình bày của nguyên đơn. Vì trong chứng cứ trình bày trên tại Bút lục 39, bà D khai “Buổi sáng trả 180 triệu” và “ngày 11 trả trăm mấy chục triệu, chuyển khoản thêm”. Căn cứ lời trình bày của nguyên đơn cho thấy rằng ngày 11 là ngày số tiền 181.000.000 đồng còn lại được thanh toán và thời điểm thanh toán là vào buổi sáng ngày 11-6 không phải là buổi tối ngày 12-6 như lời trình bày của nguyên đơn. Do vậy, lần giao hàng đợt 1 đã thanh toán xong vào sáng ngày 11-6 thì số tiền 500.000.000 đồng chuyển khoản buổi chiều là tiền bị đơn đặt cọc như đã trình bày ở trên. Từ những phân tích trên, căn cứ vào nội dung ghi âm, biên bản lời giải nội dung ghi âm do bà D cung cấp, căn cứ quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những tình tiết sự kiện không cần chứng minh, quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự về hành viđặt cọc, cho thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh:
Về tố tụng: Thẩm phán thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, chuẩn bị xét xử và quyết định đưa vụ án ra xét xử đều đảm bảo đúng quy định về thời hạn, nội dung, thẩm quyền của Bộ luật Tố tụng dân sự; Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng trình tự, thủ tục đối với phiên tòa dân sự. Những người tham gia tố tụng đều thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành tốt nội quy phiên tòa;
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Trần Thị S; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm bà Hồ Thị D và bà Trần Thị S đều thống nhất về mối quan hệ mua bán, về số lượng ki-lô-gam bắp hạt, số tiền phải thanh toán, chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán và số lượng chuyến xe vận chuyển bắp hạt mà các bên đã mua bán từ ngày 06 đến ngày 18-6-2018, không tranh chấp về tỷ giá quy đổi từ tiền Campuchia sang tiền Việt Nam.
[2] Bà D cho rằng trong khoảng thời gian từ ngày 06-6-2018 đến ngày 18-6-2018, bà bán bắp hạt cho bà S chia làm 02 đợt và trong 02 đợt giao hàng này bà S chỉ chuyển trả cho bà một lần đối với số tiền 500.000.000 đồng thông qua tài khoản mượn của bà Võ Thị S1 tại Ngân hàng Sacombank vào ngày 11-6- 2018, không có lần nào trả tiền mặt 500.000.000đồng, cụ thể:
[2.1] Đợt giao hàng thứ nhất: Vào các ngày 06,08,09-6-2018 bà bán cho bà S 07 xe bắp hạt, tính thành tiền tổng cộng là 2.036.916.424 đồng; bà S thanh toán 03 lần cho bà được số tiền 1.355.860.000 đồng. Cộng sổ bà S còn nợ bà 681.056.000 đồng, tính tròn số 681.000.000 đồng. Chiều ngày 11-6-2018 bà S nhờ tài khoản tên Võ Thị S1 chuyển khoản trả cho bà số tiền 500.000.000 đồng thông qua Ngân hàng Sacombank. Đến buổi tối ngày 12-6-2018, tại kho hàng của bà thuộc ấp Tân K, xã Tân L, huyện Tân B, tỉnh Tây Ninh, bà và bà S có tính sổ thanh toán tiền bắp, sau khi trừ số tiền bà S đã chuyển khoản cho bà là 500.000.000 đồng thì bà S còn nợ bà 181.000.000 đồng. Tại đây bà S đã trực tiếp thanh toán tiền mặt số nợ này cho bà, nên hai bên đã hết nợ của đợt hàng thứ nhất tính đến ngày 12-6-2018.
[2.2] Đối với đợt giao hàng thứ hai: Vào các ngày 15,16,18-6-2018, bà D bán cho bà S 04 xe bắp hạt, thành tiền tổng cộng là 216.175.000 Ria, bà S đưa 85.000.000 Ria (vào ngày 15-6-2018), còn nợ lại là 131.175.000 Ria; hai bên thống nhất quy đổi thành tiền Việt Nam là 738.323.322 đồng. Ngày 20-6-2018, bà S có nhờ một người tên Oanh trả thay cho bà S 238.000.000 đồng, như vậy bàS còn nợ lại 500.323.322 đồng. Nhưng bà chỉ lấy số chẳn và yêu cầu bà S thanh toán số tiền còn nợ mua bắp hạt đợt hai là 500.0000.000 đồng.
[3] Bà S không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà D và cho rằng bà đã thanh toán đủ tiền mua bắp hạt của 02 đợt như trên. Bà S cho rằng đã trả cho bà D được hai lần số tiền 500.000.000 đồng, cụ thể như sau:
[3.1] Lần thứ nhất vào ngày 10-6-2018, tại kho hàng của bà D thuộc ấp Tân Khai, bà trả tiền mặt cho bà D là 500.000.000 đồng, việc trả tiền không có ký nhận nhưng tự mỗi bên có ghi vào sổ của mình, bà còn nợ bà D 181.000.000đ. Khi bà trả tiền cho bà D thì có mặt ông Huỳnh Văn C. Đến sáng ngày 11-6-2018 bà trực tiếp trả cho bà D số tiền 181.000.000 đồng. Như vậy, đợt giao hàng vào các ngày 06,08,09-6-2018 bà đã thanh toán đủ tiền cho bà D, không còn nợ.
[3.2] Lần thứ hai vào buổi chiều ngày 11-6-2018, bà có mượn tài khoản của bà Võ Thị S1 để chuyển khoản cho bà D số tiền 500.000.000 đồng thông qua Ngân hàng Sacombank, đây là tiền đặt cọc tiền mua bắp ngày 11-6-2018. Nhưng ngày 11-6-2018 không có nhận hàng, đến ngày 15,16,18-6-2018 bà D mới giao hàng cho bà. Ngày 15-6-2018 bà có đưa thêm cho bà D 85.000.000 Ria. Sau khi tính sổ bà còn nợ bà D 238.000.000 đồng và ngày 20-6-2018 bà đã nhờ chị Oanh trả cho bà D số tiền 238.000.000 đồng. Như vậy, giữa bà và bà D đã tính toán xong tiền mua bán bắp hạt với nhau. Bà không nợ tiền bà D, nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà D.
[4] Xét yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị S, thấy rằng: Quá trình mua bán giữa hai bên đã xảy ra từ trước và thực hiện theo phương thức mua hàng, trả tiền. Hai bên không lập hợp đồng hay giấy tờ giao nhận gì, mỗi người tự theo dõi bằng sổ riêng của mình. Hai bên đều thống nhất số lượng xe vận chuyển, số lượng bắp hạt, đơn giá và tỷ giá quy đổi từ tiền Ria- Campuchia sang tiền Việt Nam đồng. Tại tòa, các bên chỉ tranh chấp về số tiền 500.000.000 đồng. Bà D cho rằng cả hai đợt mua bán trên bà S chỉ trả cho bà số tiền 500.000.000 đồng thông qua chuyển khoản tại Ngân hàng Sacombank để thanh toán nợ tiền bắp hạt của đợt hàng thứ nhất vào các ngày 06,08,09-6-2018. Bà S cho rằng bà đã trả cho bà D hai lần số tiền 500.000.000 đồng cho hai đợt giao hàng, lần trả 500.000.000 đồng đầu tiên vào ngày 10-6-2018 tại kho bà D, có ông C chứng kiến; lần thứ hai nhờ tài khoản của người khác chuyển khoản cho bà D 500.000.000 đồng vào chiều ngày 11-6-2018.
[5] Bà S cho rằng khi trả trực tiếp số tiền 500.000.000 đồng tại kho của bà D là có ông Huỳnh Văn C chứng kiến. Tuy nhiên, tại Biên bản lấy lời khai ngày 12-9-2018, ông C xác định khi ông đến kho hàng của bà D vào khoảng 18 giờ ngày 12-6-2018 để thanh toán tiền mua bán hàng hóa với bà D thì có gặp bà S đang tính tiền bắp với bà D, nhưng việc trả tiền giữa bà D và bà S thì ông khôngtrực tiếp chứng kiến. Như vậy, lời trình bày của bà S cho rằng thời gian bà trả tiền cho bà D là vào ngày 10-6-2018 là không phù hợp với lời trình bày của ông C. Mặt khác, việc bà S trả tiền cho bà D không có làm biên nhận hay giấy tờ khác, không có người chứng kiến; sổ ghi chép việc trả tiền do bà S tự ghi, khôngđược bà D thừa nhận; bà S cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc bà có trả cho bà D 500.000.000 đồng vào ngày 10-6-2018
[6] Đối với số tiền bà S nhờ chuyển khoản cho bà D vào ngày 11-6-2018 là có thật và được bà D thừa nhận. Tuy nhiên, bà D không thừa nhận đây là tiền đặt cọc và xác định số tiền này dùng để thanh toán tiền mua bắp hạt vào các ngày 06, 08, 09-6-2018 mà bà S còn nợ bà. Xét lời khai của bà S về quá trình thực hiện phương thức thanh toán tiền mua bán bắp hạt giữa người Campuchia với bà S và bà D thể hiện người Campuchia trả cho bà S một nửa số tiền, khi nào bà D giao đủ hàng (bắp hạt) thì người Campuchia mới trả hết số tiền, phù hợp với chứng cứ về việc các lần thanh toán tiền thì bà S đều nợ lại bà D và xét cả quá trình hai bên mua bán với nhau cũng không thể hiện lần nào bà S đặt cọc tiền cho bà D để mua hàng; trong chứng từ sao kê tại Ngân hàng Saconbank cũng không thể hiện nội dung chuyển khoản số tiền là tiền đặt cọc để mua hàng.
[7] Xét lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà S, cho rằng: Chứng cứ bà S đưa trước cho bà D số tiền 85.000.000 Ria cũng là tiền đặt cọc. Tuy nhiên, việc bà S đưa cho bà D số tiền 85.000.000 Ria vào ngày 15-6-2018 cũng là ngày bà S nhận bắp hạt của bà D và tại phiên tòa sơ thẩm các bên đương sự xác nhận thống nhất ngày 15-6-2018 bà S có nhận của bà D 02 xe bắphạt. Ngoài ra, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà D cho rằng chứng cứ tại file ghi âm (Bút lục 38,39) thể hiện bà D thừa nhận có nhận tiền cọc của bà S, nhưng cũng tại bút lục 38,39 cũng có lời trình bày của bà D khẳng định “Không, chị không có đặt cọc hồi nào muốn mua thì mua không có đặt cọc đâu” và “không có khi nào đưa tiền trước, thiếu không, thiếu hoài luôn”. Do đó, không thể xem đây là chứng cứ xác nhận có đặt cọc số tiền 500.000.000 đồng để mua bắp hạt của bà S.
[8] Bà S và bà D đều thống nhất tổng số tiền mua bắp hạt các ngày 15, 16, 18-6-2018 thành tiền tổng cộng là 216.175.000 Ria, bà S đưa 85.000.000 Ria (vào ngày 15-6-2018), còn nợ lại là 131.175.000 Ria; hai bên thống nhất quy đổi thành tiền Việt Nam là 738.000.000 đồng. Ngày 20-6-2018, bà S có nhờ một người tên Oanh trả thay cho bà S 238.000.000 đồng, như vậy bà S còn nợ lại bà D là 500.000.000 đồng tiền mua bắp hạt của đợt hai.
[9] Do đó, Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D, buộc bà S có nghĩa vụ thanh toán cho bà D số tiền 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[10] Bà S kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh kháng cáo của mình là có cơ sở. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà S đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D là không có căn cứ.
[11] Đại diện Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà S; giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ.
[12] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà S; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[13] Về án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của bà S không được chấp nhận nên bà S phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự,
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị S.
- Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2018/DS-ST ngày 06 tháng 11 năm 2018, của Toà án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
2. Căn cứ vào Điều 430 và 440 của Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 26, Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị D đối với bà Trần Thị S về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”.
- Buộc bà Trần Thị S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Hồ Thị D số tiền 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng tiền mua bán bắp hạt. Ghi nhận bà D không yêu cầu bà S trả tiền lãi.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Về án phí sơ thẩm:
- Bà Trần Thị S phải chịu 24.000.000 (hai mươi bốn triệu) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
- Bà Hồ Thị D không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Biên hoàn trả cho bà D 12.007.000 đồng (mười hai triệu không trăm lẻ bảy nghìn) đồng, tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số: 0005503 ngày 02-8-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
4. Về án phí phúc thẩm:
Bà Trần Thị S phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số: 0005778 ngày 10 tháng 11 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 32/2019/DS-PT ngày 06/03/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản
Số hiệu: | 32/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về