Bản án 32/2018/HS-PT ngày 19/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 32/2018/HS-PT NGÀY 19/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 19 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 08/2018/TLPT-HS ngày 23 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo Hoàng Tuấn D do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2017/HS-ST ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện C, thành phố Hải Phòng.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, bị kháng nghị:

Hoàng Tuấn D, sinh ngày 11 tháng 3 năm 1978 tại Hải Phòng. Nơi đăng ký HKTT và nơi cư trú: Tổ dân phố 18, thị trấn B, huyện C, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Minh K và bà Vũ Thị Q; có vợ Bùi Hương Q1 (đã ly hôn) và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 20 tháng 3 năm 2017; có mặt.

- Bị hại: Anh Phạm Văn Đ, sinh năm 1983.

Nơi cư trú: Số nhà 154, Tổ dân phố 8, thị trấn B, huyện C, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 21 giờ ngày 21 tháng 9 năm 2016, D đang ở quán ăn Tịnh Tâm Quán của mình ở Tổ dân phố 14, thị trấn B, huyện C, thành phố Hải Phòng thì thấy các anh Phạm Văn Đ, sinh năm 1983, có địa chỉ tại Tổ dân phố 8, thị trấn B, huyện C, thành phố Hải Phòng; anh Nguyễn Hữu T, sinh năm 1996, có địa chỉ tại xã A, huyện K, tỉnh H đi vào trong quán gọi D: “Anh D ơi ra em bảo cái này”, D trả lời lại: “Tao đéo có chuyện gì để nói với chúng mày”, rồi D đuổi Đ và T ra khỏi quán, hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát, đánh nhau. Chị L (là bạn gái D) chạy từ phía sau bếp lên can ngăn và đuổi Đ và T cho D chạy. Khi D bỏ chạy về phía quầy bar, T đã lấy 01 vỏ ốc ở trên mặt quầy bar ném về phía D nhưng không trúng. D chạy vào phía bên trong khu vực kê quầy bar lấy một thanh thép (dạng kiếm) có chiều dài 66,5cm, một lưỡi sắc dài (46 x 3,5cm), một đầu nhọn, phần cán được quấn băng dính đen, bị cáo cầm kiếm bên tay phải chạy đuổi theo anh Đ và T về hướng cửa ra vào. Anh T chạy trước, Đ chạy sau, khi đến khu vực giữa nhà, D vung kiếm chém một nhát không trúng, nhát chém thứ hai sượt vai anh Đ, anh Đ vấp ngã úp mặt xuống nền nhà. Khi anh Đ chống hai tay nhổm người đứng dậy thì bị D chém tiếp nhát thứ ba theo hướng từ trên xuống dưới, lúc này, anh Đ giơ tay trái lên đỡ và bị lưỡi kiếm chém trúng vào khuỷu tay trái, gây thương tích.

Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 thanh kiếm có chiều dài 66,5cm, phần lưỡi kiếm có bám dính chất màu nâu đỏ; thu giữ 01 vỏ con ốc bị vỡ.

Ngày 13 tháng 10 năm 2016, Phạm Văn Đ nộp cho Cơ quan Công an 01 quần soóc vải màu xanh, phần mặt trước ống quần bên trái có 01 vết sờn rách vải dài 2,5cm, rộng nhất 0,7cm.

Sau khi thực hiện việc gây thương tích cho Đ, D đã bỏ trốn đến ngày 26 tháng 9 năm 2016 đã đến Công an huyện C trình báo.

Tại Bản Kết luận giám định pháp y số: 382/2016/TgT ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Trung tâm Giám định pháp y Hải Phòng kết luận: Nạn nhân bị 01 vết thương phần mềm nhỏ vùng mặt dưới mép phải không ảnh hưởng thẩm mỹ và 01 vết thương lớn vùng sau khuỷu tay trái đứt gân cơ, chạm xương đang dần ổn định, còn ảnh hưởng nhiều chức năng, thẩm mỹ khuỷu tay trái.

Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của vết thương dưới mép phải là 01%, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của vết thương khuỷu tay trái là: 12%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích gây nên theo phương pháp cộng lùi và làm tròn số là 13%. Các thương tích đều có đặc điểm do vật sắc tác động trực tiếp gây nên.

Tại kết luận giám định dấu vết sinh học số 94/2017/GĐSV ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận: Chất có màu nâu đỏ trên thanh kiếm là máu của Phạm Văn Đ.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2017/HSST ngày 19 tháng 12 năm 2017, Toà án nhân dân huyện C, thành phố Hải Phòng đã áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 33; điểm đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội xử phạt Hoàng Tuấn D 24 tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án; áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 590 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại là anh Phạm Văn Đ với số tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng).

Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29 tháng 12 năm 2017, bị cáo Hoàng Tuấn D có đơn kháng cáo vơi nôi dung kháng cáo đối với tội danh và mức hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo chỉ còn yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo, bỏ nội dung kháng cáo về tội danh và trình bày như sau: Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo. Lý do là bị cáo từng tham gia quân đội, gia đình có công với cách mạng, bà nội bị cáo là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bị cáo phạm tội lần đầu. Mặt khác, bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại số tiền 70 triệu đồng và người bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa thể hiện như sau: Xét kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo: Căn cứ vào tài liệu chứng cứ và lời khai của bị cáo, bị hại có trong hồ sơ vụ án đủ để kết luận hành vi bị hại ném vỏ ốc vào bị cáo chưa đến mức kích động tinh thần của bị cáo khiến cho bị cáo phải có hành vi dùng kiếm chém bị hại như vậy. Tại giai đoạn điều tra và xét xử sơ thẩm, bị cáo chưa thành khẩn khai báo, thay đổi lời khai nên cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “ăn năn hối cải” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 là chưa phù hợp. Ngoài ra cấp sơ thẩm còn bỏ sót tình tiết tăng nặng là phạm tội đến cùng. Tuy nhiên, vì nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố sẽ không đề nghị sửa bản án sơ thẩm mà sẽ tập hợp kiến nghị gửi Tòa án cấp sơ thẩm sau. Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo có giao nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo của người bị hại và văn bản thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại giữa gia đình bị cáo và bị hại. Tuy nhiên các văn bản này không có xác nhận của chính quyền địa phương, không đủ cơ sở để xác định ý kiến của bị hại trong 02 văn bản này có đúng là của người bị hại hay không. Vì vậy, không có cơ sở để khẳng định bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại. Vì các lý do trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo đã biết tội của mình, đây là phạm tội lần đầu của bị cáo, hiện bị cáo còn phải nuôi dưỡng bố mẹ già và hai con nhỏ nên bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

- Về việc áp dụng pháp luật:

[1] Về việc áp dụng Bộ luật Hình sự để giải quyết vụ án: Khi cấp sơ thẩm xét xử vụ án, Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực pháp luật. Khi xét xử theo thủ tục phúc thẩm, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, so sánh giữa tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội này quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được xác định là nặng hơn. Vì vậy, theo Nghị quyết của Quốc hội cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 để giải quyết theo hướng có lợi cho bị cáo.

- Về yêu cầu kháng cáo:

[2] Xét yêu cầu kháng cáo về tội danh và mức hình phạt: Bị cáo có 02 đơn kháng cáo, trong đó đơn kháng cáo ban đầu bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo là phòng vệ chính đáng. Tại đơn kháng cáo thứ hai, bị cáo D đã không kháng cáo về tội danh nữa mà chỉ kháng cáo về mức hình phạt, đề nghị được hưởng án treo. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã rút yêu cầu kháng cáo về tội danh, chỉ đề nghị xem xét kháng cáo về hình phạt và xin hưởng án treo.

[3] Về mức hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ tính chất vụ án, hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tuyên xử bị cáo 24 tháng tù. Tại cấp phúc thẩm, xuất hiện tình tiết mới là bị cáo đã nộp thêm văn bản thỏa thuận bồi thường thiệt hại, trong đó gia đình bị cáo đã bồi thường cho bị hại 70 triệu đồng và bị hại Phạm Văn Đ có đơn đề nghị miễn giảm hình phạt cho bị cáo. Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, đã có thời gian phục vụ trong quân đội, mặt khác, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại và bị hại cũng có đơn đề nghị xin miễn giảm hình phạt cho bị cáo. Vì vậy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, cần áp dụng khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) để cho bị cáo hưởng án treo là phù hợp với các quy định của pháp luật.

[4] Về phần trách nhiệm dân sự: Do gia đình bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại số tiền 70.000.000 (bẩy mươi triệu) đồng, người bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại thêm nên không đặt vấn đề xem xét nữa.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử không xét.

[6] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Tuấn Dũng, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 104; Điều 33; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với các điểm b, e, s, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015); Điều 65; khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị T số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, xử phạt bị cáo Hoàng Tuấn D 24 (hai mươi tư) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”; thời gian thử thách 48 (bốn mươi tám) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm, và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

2. Về án phí: Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

337
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 32/2018/HS-PT ngày 19/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:32/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về