Bản án 31/2020/HS-ST ngày 10/09/2020 về tội tham ô tài sản và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 31/2020/HS-ST NGÀY 10/09/2020 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN VÀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIỆM TRỌNG

Ngày 10 tháng 9 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 19/2020/TLST-HS ngày 11 tháng 5 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 474/2020/QĐXXST- HS ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các bị cáo:

1. Trần Thị T, ngày 25 tháng 10 năm 1968, tại xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Số 45 đường L, tổ dân phố 4, phường Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Nguyên là Kế toán Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình; trình độ văn hoá: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trần Thanh S và bà Hoàng Thị N; có chồng Trần Đức N, có 02 con sinh các năm 1992, 1995; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị bắt tạm giam ngày 29 tháng 8 năm 2019 đến ngày 26 tháng 12 năm 2019 được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại. Có mặt.

2. Hoàng Thị H, sinh ngày 06 tháng 9 năm 1981 tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng. Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Số 6, ngõ 33, đường T, tổ dân phố 5, phường Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Nguyên Thủ quỹ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình; trình độ văn hoá: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Thanh B và bà Lê Thị H; có chồng Hà Minh A, có 2 con sinh các năm 2005, 2011; tiền án: Không; tiền sự: Không; không bị tạm giữ, không bị tạm giam, hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

3. Lê Quang S, sinh ngày ngày 15 tháng 08 năm 1958 tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Tổ dân phố 15, phường B, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Quỹ 1 Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình; trình độ văn hoá: Lớp 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Quang S và Lưu Thị P; có vợ Lê Thị T, có 2 con sinh các năm 1985, 1989; tiền án: Không; tiền sự: Không; không bị tạm giữ, không bị tạm giam, hiện đang tại ngoại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo Trần Thị T, Lê Quang S: Luật sư Trương Văn Bá, Văn phòng Luật sư Công Bằng, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình. Có mặt:

- Người bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị H: Luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

- Người bị hại: Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, có Trụ sở tại: Tiểu khu 10, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người đại diện theo pháp luật tham gia phiên toà: Bà Nguyễn Thị Mai H, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, Cơ quan chủ quản của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình có mặt ông Đoàn Xuân T, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình theo uỷ quyền của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Nguyễn Thị Kim A, sinh năm 1981, trú tại Tổ dân phố 6, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, công tác tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình. Có mặt:

Bà Nguyễn Thị Ngọc A, sinh năm 1991, trú tại: Tổ dân phố 15, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, công tác tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

- Đối với bị cáo Trần Thị T:

Từ năm 2013 đến năm 2018, trong thời gian làm Kế toán Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, Trần Thị T lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, đã rút tiền gửi tiết kiệm, tiền lãi tiết kiệm, tiền gửi của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình từ các Ngân hàng nhưng không gửi lại tiết kiệm, không ghi sổ sách kế toán và không nhập quỹ của đơn vị, nhận tiền mặt tại Hoàng Thị H để nộp vào tài khoản tại Ngân hàng nhưng không nộp để chiếm đoạt sử dụng vào mục đích các nhân với tổng số tiền 992.581.528 đồng, cụ thể như sau:

Ngày 22 tháng 02 năm 2013, Trần Thị T trực tiếp rút tiền tiết kiệm gửi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình số tiền 100.000.000 đồng nhưng không đưa về nhập quỹ cơ quan mà sử dụng cá nhân:

Ngày 16 tháng 8 năm 2013, Trần Thị T trực tiếp rút tiền tiết kiệm gửi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình với số tiền 100.000.000 đồng nhưng không đưa về nhập quỹ cơ quan mà sử dụng cá nhân:

- Ngày 13 tháng 01 năm 2014, Trần Thị T rút tiền tiết kiệm gửi tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình với số tiền 500.000.000 đồng nhưng không đưa về nhập quỹ cơ quan mà sử dụng cá nhân:

Ngày 28 tháng 4 năm 2017, Trần Thị T nhận tiền từ Hoàng Thị H Thủ quỹ để gửi vào tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Lý Thường Kiệt với số tiền 41.000.000 đồng nhưng không gửi mà giữ lại sử dụng cá nhân:

Ngày 23 tháng 8 năm 2017, Trần Thị T trực tiếp rút tiền gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lý Thường Kiệt với số tiền 250.000.000 đồng nhưng không đưa về nhập quỹ cơ quan mà giữ lại sử dụng cá nhân:

Ngày 27 tháng 4 năm 2018, Trần Thị T trực tiếp rút lãi tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình với số tiền 1.581.528 đồng nhưng không đưa về nhập quỹ cơ quan mà giữ lại sử dụng cá nhân:

Ngoài ra, trong thời gian làm Kế toán, Trần Thị T đã viết Phiếu thu số 64T ngày 26 tháng 10 năm 2016, với số tiền ủng hộ 5.210.000 đồng của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình nhưng không nhập quỹ, không ghi vào sổ sách kế toán tăng nguồn thu để chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tổng số tiền Trần Thị T đã chiếm đoạt của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình là 997.791.528 đồng. Sau khi bị phát hiện, Trần Thị T đã nộp lại tổng số tiền 1.091.382.000 đồng để khắc phục hậu quả (trong đó có số tiền 2.925.000 đồng của Hoàng Thị H nhờ nộp tại giấy nộp tiền mặt số 0196 ngày 8 tháng 5 năm 2019, số tiền 6.000.000 đồng Trần Thị T nộp vào tài khoản của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình ngày 03 tháng 7 năm 2018 và số tiền 84.665.472 đồng Trần Thị T nộp bồi hoàn lại theo yêu cầu của Đoàn thanh tra do đã chi không đúng theo chế độ kế toán tài chính).

- Đối với bị cáo Hoàng Thị H:

Từ năm 2016 đến năm 2018, Hoàng Thị H, trong thời gian làm Thủ quỹ tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, Hoàng Thị H lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, đã trực tiếp thu tiền của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại tỉnh Quảng Bình ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, nhận tiền thu hộ quỹ của các cá nhân trong đơn vị nhưng không nhập quỹ tiền mặt, không báo cáo với Kế toán để hạch toán tăng nguồn thu số tiền 276.669.433 đồng; ngoài ra Hoàng Thị H còn nhận tiền mặt để nộp vào tài khoản tại Ngân hàng nhưng không nộp với số tiền 25.000.000 đồng; tạm ứng nguồn ngân sách tại Kho bạc chưa chi hết nhưng không nhập quỹ cơ quan với số tiền 11.961.000 đồng; tiền mặt thực tế thiếu so với sổ sách kế toán 62.511.722 đồng. Như vậy, Hoàng Thị H đã chiếm đoạt tổng số tiền 376.142.155 đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Sau khi bị phát hiện Hoàng Thị H đã nộp và nhờ người khác nộp khắc phục hậu quả số tiền 165.692.000 đồng, hiện còn thiếu 210.450.155 đồng chưa được khắc phục.

Đối với bị cáo Lê Quang S:

Bị cáo Lê Quang S, trong thời gian làm Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đã không theo dõi, kiểm tra việc thu chi tại đơn vị, không sâu sát, thiếu kiểm tra đôn đốc giám sát công tác quản lý tài chính kế toán, duyệt chứng từ thu, chi các nguồn kinh phí không đúng với quy định của pháp luật hiện hành; không cùng Thủ quỹ, Kế toán kiểm kê quỹ tiền mặt để phát hiện thừa, thiếu tiền tại quỹ, để Kế toán, Thủ quỹ do mình quản lý lợi dụng lập trùng chứng từ, lập chứng từ khống thanh toán, rút tiền từ Ngân hàng không gửi tiết kiệm và không nhập quỹ, chi tiền nộp Ngân hàng nhưng không nộp, thu tiền của các cơ quan, đơn vị ủng hộ nhưng không nhập quỹ để tăng nguồn thu mà sử dụng vào mục đích cá nhân gây thiệt hại tài sản của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, có chức năng tổ chức vận động, thu nhận, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp xây dựng quỹ, nguồn tài trợ trong nước và quốc tế để góp phần thực hiện các mục tiêu về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với số tiền 1.373.933.683 đồng.

Trong quá trình điều tra, ngày 25 tháng 02 năm 2020, Cơ quan Canh sat điêu tra Công an tinh Quang Binh đa ra Quyêt định trưng cầu giám định số 48/QĐ- PC03 Trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình giam định chữ viết, chữ ký tại các phiếu thu và giấy biên nhận tiền mà các đối tượng đã trực tiếp thu tiền và giao nhận tiền. Ngày 12 tháng 3 năm 2020, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình có Kết luận giám định số : 170/PC09(GĐ), kêt luân : Các chữ viết, chữ ký dưới các mục trên các mẫu cần giám định so với chữ viết, chữ ký trên các mẫu so sánh là do cùng một người viết, ký ra.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ số tiền 454.303.274 đồng do các bị cáo tự nguyện nộp.

Quá trình thanh tra phát hiện sai phạm, bị cáo Trần Thị T đã nộp đủ toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả là 997.791.528 đồng, bị cáo Hoàng Thị H đã nộp để khắc phục thiệt hại số tiền: 165.692.000 đồng, hiện còn thiếu 210.450.155 đồng chưa được khắc phục. Tổng số tiền mà Trần Thị T, Hoàng Thị H đã nộp lại khắc phục hậu quả là 1.163.483.528 đồng, trong số tiền này Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đã sử dụng chi trong quá trình hoạt động hết 709.180.254 đồng, còn lại 454.303.247 đồng, đã được chuyển vào tài khoản Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình theo Uỷ nhiệm chi ngày 11 tháng 5 năm 2020.

Cáo trạng số 301/CT-VKS-P3 ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình truy tố bị cáo Trần Thị T về tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; truy tố bị cáo Hoàng Thị H về tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; truy tố bị cáo Lê Quang S về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên toà, các bị cáo, Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S khai nhận diễn biến, nội dung vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo đúng như Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố để Toà án xét xử đối với các bị cáo.

Các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H thừa nhận Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “Tham ô tài sản”, trong đó bị cáo Trần Thị T bị truy tố theo điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, bị cáo Hoàng Thị H bị truy tố theo khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng.

Bị cáo Lê Quang S thừa nhận Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” theo quy định của điểm c khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo Trần Thị T, Lê Quang S không tranh luận tội danh “Tham ô tài sản” đối với Trần Thị T; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Lê Quang S. Khung hình phạt quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà Viện kiểm sát đã truy tố để Toà án xét xử đối với bị cáo Trần Thị T; Khung hình phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà Viện kiểm sát đã truy tố để Toà án xét xử đối với bị cáo Lê Quang S. Chỉ đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng cho các bị cáo các tình tiết giảm nhẹ như: Trong quá trình điều tra và xét xử các bị cáo luôn khai báo thành khẩn, biết ăn năn, hối cải với hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Trần Thị T đã nộp lại đủ số tiền đã “Tham ô”, bố, mẹ bị cáo là người có công. Bị cáo Lê Quang S trong quá trình công tác đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, được tặng Giấy khen, bố, mẹ bị cáo là người có công. Từ trước đến khi phạm tội các bị cáo chưa có vi phạm gì. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ của các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Trần Thị T, xử phạt bị cáo Trần Thị T mức án thấp nhất của khung hình phạt liền kề. Miễn áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo vì hiện tại hoàn cảnh gia đình bị cáo đang gặp nhiều khó khăn.

Đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ của các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Lê Quang S, xử phạt bị cáo Lê Quang S mức án thấp nhất và cho bị cáo được hưởng án treo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị H không tranh luận tội danh “Tham ô tài sản”, khung hình phạt quy định của khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà Viện kiểm sát đã truy tố để Toà án xét xử đối với bị cáo Hoàng Thị H.

Chỉ đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ như: Trong quá trình điều tra và xét xử đã khai báo thành khẩn, biết ăn năn, hối cải với hành vi phạm tội của mình. Tuy hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện tại đang gặp nhiều khó khăn nhưng đã vay mượn nộp lại số tiền 165.692.000 đồng đã “Tham ô”; bố, mẹ bị cáo là người có công. Từ trước đến khi phạm tội bị cáo chưa có vi phạm gì, việc phạm tội của bị cáo do có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát của Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình và của các cơ quan chức năng, bản thân bị cáo hiện đang bị bệnh nặng cần được tại ngoại để điều trị. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ của các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo, xử phạt bị cáo mức án thấp nhất của khung hình phạt liền kề. Miễn áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo vì hiện tại hoàn cảnh gia đình bị cáo đang gặp nhiều khó khăn.

Đại diện bị hại, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đề nghị xét xử vụ án theo pháp luật, đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Buộc bị cáo Hoàng Thị H trả lại số tiền đã chiếm đoạt, chuyển trả số tiền đang tạm giữ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà khẳng định Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H về tội “Tham ô tài sản”, trong đó bị cáo Trần Thị T bị truy tố theo điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, bị cáo Hoàng Thị H bị truy tố theo các điểm c, d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; truy tố bị cáo Lê Quang S về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” theo điểm c khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật.

Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H phạm tội “Tham ô tài sản”; tuyên bố bị cáo Lê Quang S phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đề nghị áp dụng điểm a khoản 3 Điều 353, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Trần Thị T, xử phạt bị cáo Trần Thị T mức án từ 07 đến 08 năm tù.

Đề nghị áp dụng các điểm c, d khoản 2 Điều 353, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Hoàng Thị H, xử phạt bị cáo Hoàng Thị H mức án từ 04 năm đến 05 năm tù.

Cấm các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 5 năm.

Miễn áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền theo quy định tại khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H.

Đề nghị áp dụng điểm c khoản 2 Điều 360, các điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Lê Quang S, xử phạt bị cáo Lê Quang S 36 tháng tù cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo quy định.

Cấm bị cáo Lê Quang S đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 5 năm.

Buộc bị cáo Hoàng Thị H nộp lại số tiền 210.450.155 đồng còn chiếm đoạt để trả lại cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng ngày 29 tháng 7 năm 2020 bị cáo Lê Quang S nộp bồi thường cho Hoàng Thị H.

Chuyển trả cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình số tiền 454.303.247 đồng đang tạm giữ cùng 10.000.000 đồng bị cáo Lê Quang S nộp bồi thường cho Hoàng Thị H.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, các Luật sư bào chữa cho các bị cáo; các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S, người bị hại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Theo đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[1]. Về tội danh “Tham ô tài sản”, khung hình phạt theo truy tố của Viện kiểm sát đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H; tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khung hình phạt theo truy tố của Viện kiểm sát đối với bị cáo Lê Quang S.

Theo nội dung vụ án, công việc Kế toán Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình được bổ nhiệm đối với Trần Thị T trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2018; công việc Thủ quỹ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình được giao cho Hoàng Thị H trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018. Số tiền 992.581.528 đồng bị cáo Trần Thị T đã chiếm đoạt của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình; số tiền 376.142.155 đồng bị cáo Hoàng Thị H đã chiếm đoạt của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, lời khai của các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H tại phiên tòa thừa nhận số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ vụ án như: Các chứng từ thu, chi, sổ kế toán, sổ quỹ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, phù hợp với lời khai của đại diện bị hại, phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phù hợp với kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn đối với các tài liệu được trưng cầu giám định, Hội đồng xét xử thấy hành vi phạm tội của các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H có đủ yếu tố cấu thành của tội “Tham ô tài sản” được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015). Theo số tiền 997.791.528 đồng bị cáo Trần Thị T đã chiếm đoạt của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình; số tiền 376.142.155 đồng bị cáo Hoàng Thị H đã chiếm đoạt của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, Cáo trạng số 301/VKS-P3 ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình truy tố và Luận tội của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử sơ thẩm vụ án đề nghị xét xử bị cáo Trần Thị T về tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; xét xử Hoàng Thị H về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, đúng khung hình phạt đối với các bị cáo.

Theo chức vụ được bổ nhiệm là Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình và số tiền 1.373.933.683 đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình bị Trần Thị T, Hoàng Thị H chiếm đoạt do Lê Quang S không thực hiệc đúng chức vụ, công việc được giao, gây thiệt hại tài sản của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, có chức năng tổ chức vận động, thu nhận, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp xây dựng quỹ, nguồn tài trợ trong nước và quốc tế để góp phần thực hiện các mục tiêu về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Cáo trạng số 301/VKS-P3 ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình truy tố và Luận tội của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử sơ thẩm vụ án đề nghị xét xử bị cáo Lê Quang S về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm c khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, đúng khung hình phạt đối với bị cáo.

[2]. Về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S.

Các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Kế toán, Thủ quỹ để chiếm đoạt tài sản của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình được giao cho các bị cáo trực tiếp quản lý, hành vi phạm tội của các bị cáo đã vi phạm pháp luật Hình sự. Các bị cáo phạm tội khi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012 đang có hiệu lực thi hành nên còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý tài sản ở các cơ quan Nhà nước, cản trở hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình và chế độ, chính sách đối với trẻ em thuộc diện được hưởng chể độ bảo trợ từ các nguồn tiền được huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm..., gây tâm lý hoài nghi, bức xúc, phẫn nộ, mất lòng tin trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định trật tự, trị an trên địa bàn nên cần phải xử phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc đủ để trừng trị riêng và răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung đối với loại tội thuộc nhóm tội “Tham nhũng” chưa được kiềm chế này.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Thị T đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Kế toán để chiếm đoạt hoàn thành số tiền 997.791.528 đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình nên bị truy tố và xét xử theo điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”, có hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Bị cáo phạm tội có tình tiết tăng nặng “Phạm tội 2 lần trở lên” của điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xét trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo luôn thành khẩn khai báo, biết ăn năn, hối cải với hành vi phạm tội của mình, đã nộp lại đủ số tiền mà bị cáo đã tham ô của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, được đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có bố là ông Trần Thanh S được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng 3, có mẹ là bà Hoàng Thị N được hưởng chính sách như Thương Binh, theo đó để áp dụng cho bị cáo tình tết giảm nhẹ của điểm b, các tình tiết giảm nhẹ của điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo mức án dưới khởi điểm của khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 như quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và ý kiến đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo là thoả đáng.

Bị cáo Hoàng Thị H đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Thủ quỹ để nhiều lần chiếm đoạt hoàn thành tổng số tiền 367.142.155 đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình nên bị truy tố và xét xử theo các điểm c “Phạm tội 2 lần trở lên”, d “Chiếm đoạt tài sản trị giá 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” của khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, có hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Xét trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo luôn thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình, đã bồi thường được 165.692.000 đồng/367.142.155 đồng mà bị cáo đã tham ô của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, được đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có bố là ông Hoàng Thanh B được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng 3, có mẹ là bà Lê Thị H được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất, theo đó để áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ của điểm b, các tình tiết giảm nhẹ của điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo mức án dưới khởi điểm của khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 như quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và ý kiến đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo là thoả đáng. Việc ốm đau của bị cáo sẽ được xem xét theo chế định hoãn thi hành án ở giai đoạn thi hành án hình sự.

Cấm các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Điều 41, khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xét hoàn cảnh kinh tế hiện tại của các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Hội đồng xét xử miễn áp dụng phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H theo quy định của khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Lê Quang S bị truy tố, xét xử theo điểm c khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo tang số của số tiền 1.373.993.155 đồng do thiếu trách nhiệm để các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H tham ô chiếm đoạt của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, (Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng, có hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm). Hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ vi phạm pháp luật Hình sự mà còn vi phạm Điều 54 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách nên cần phải được xử phạt mức án nghiêm minh, đủ để trừng trị riêng và răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Xét trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo luôn thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình, quá trình công tác, năm 2012, 2014 được Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, được tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” các năm 2012, 2014, 2015, 2016, được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội. Được đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có bố là ông Lê Quang S, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến Hạng nhất, có mẹ là bà Lưu Thị P, được Nhà nước tặng thưởng một Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất, một Huy chương Kháng chiến Hạng Nhì. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, ngày 29 tháng 7 năm 2020, bị cáo tự nguyện nộp 10.000.000 đồng giúp bị cáo Hoàng Thị H khắc phục hậu quả cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình. Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ của các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó để xử phạt bị cáo mức án khởi điểm của khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, cho bị cáo được hưởng án treo như quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo là phù hợp.

Cấm bị cáo Lê Quang S đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Điều 41, khoản 4 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[3]. Về trách nhiệm trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho bị hại đối với các bị cáo.

 Bị cáo Trần Thị T tham ô chiếm đoạt số tiền 997.791.52 đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, sau khi phát hiện sai phạm bị cáo đã trả lại đủ toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, trong quá trình điều tra và tại phiên toà, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình không có yêu cầu gì thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Bị cáo Hoàng Thị H tham ô chiếm đoạt số tiền 367.142.155 đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, sau khi phát hiện sai phạm bị cáo đã trả lại số tiền 165.692.000, còn thiếu 210.450.155 đồng. Ngày 29 tháng 7 năm 2020 được bị cáo Lê Quang S nộp 10.000.000 đồng giúp Hoàng Thị H khắc phục thiệt hại cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình nên Hoàng Thị H còn phải trả lại cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình số tiền còn thiếu 200.450.155 đồng.

[4]. Về xử lý vật chứng vụ án:

Số tiền 454.303.247 đồng đang tạm giữ cùng số tiền 10.000.000 đồng bị cáo Lê Quang S nộp theo trách nhiệm giúp Hoàng Thị H bồi thường ngày 29 tháng 7 năm 2020 là tiền do các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S nộp để trả lại cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình nên được chuyển trả cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình để chi trả cho các đối tượng được hưởng theo quy định.

Liên quan trong vụ án có:

Ông Nguyễn Thế L, Viên chức bộ phận Chương trình dự án của Quỹ Bão trợ trẻ em Quảng Bình, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã lập khống chứng từ thanh toán tiền mừng tuổi, lập chứng từ chi trùng học bổng, lập lại chứng từ, lập chứng từ thanh toán trùng tiền xăng xe, công tác phí với tổng với tổng số tiền 57.895.500 đồng. Quá trình điều tra, xác minh chưa làm rõ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Thế L, hiện tại ông L đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi của ông Nguyễn Thế L.

Bà Nguyễn Thị Kim A, là chuyên viên phụ trách các chương trình dự án, kiêm Thủ quỹ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, quá trình làm việc do kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ Thủ quỹ, không am hiểu nguyên tắc tài chính và không được hướng dẫn, nên bà Nguyễn Thị Kim A không mở sổ quỹ tiền mặt, chỉ ghi chép thu, chi vào sổ theo dõi cá nhân, không đối chiếu nhập, xuất quỹ tiền mặt hàng ngày và kiểm kê quỹ tiền mặt với Kế toán vào cuối tháng, quý, năm để phát hiện thừa, thiếu quỹ tiền mặt. Trong quá trình làm thủ quỹ việc thu tiền dựa trên các phiếu thu do Kế toán lập, sau khi thu xong chỉ ghi chép theo dõi vào sổ cá nhân và giao lại các phiếu thu cho Kế toán lưu chứng từ. Việc Trần Thị T, Kế toán không hạch toán ghi chép số tiền đã thu 19.666.000 đồng của năm 2016 vào sổ sách kế toán để tăng nguồn thu, sử dụng chi và để thanh quyết toán cuối năm bà Nguyễn Thị Kim A không biết. Mặt khác bà Nguyễn Thị Kim A không đối chiếu xuất nhập quỹ với Kế toán, nên không biết được tồn quỹ tiền mặt hay không, do đó quá trình bàn giao quỹ tháng 4/2017 bà Nguyễn Thị Kim A chỉ dựa vào số tiền tồn quỹ trên sổ sách kế toán để bàn giao, không biết còn thừa số tiền trên để giao lại cho Thủ quỹ mới. Đến khi thanh tra, kiểm tra, cân đối mới phát hiện có các phiếu thu không vào sổ sách kế toán và không quyết toán cuối năm. Như vậy, bà Nguyễn Thị Kim A không cố ý vụ lợi, không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt số tiền trên. Quá trình thanh tra bà Nguyễn Thị Kim A đã kịp thời nộp lại số tiền trên để khắc phục hậu quả. Hành vi trên của bà Nguyễn Thị Kim A có dấu hiệu “Thiếu trách nhiệm”. Tuy nhiên số tiền gây thiêt hai chưa đên 100.000.000 đồng, do đo không đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Ngọc A, năm 2017 và năm 2018 trong quá trình làm việc tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình đã thu của 04 cơ quan, đơn vị nộp tiền ủng hộ quỹ, sau khi thu xong bà Nguyễn Thị Ngọc A đã giao lại toàn bộ số tiền cho Hoàng Thị H, có giấy giao nhận tiền kèm theo, bà Nguyễn Thị Ngọc A chỉ nhận thay và nộp tiền thay cho Hoàng Thị H. Quá trình điều tra Hoàng Thị H khai đã nhận đủ số tiền từ bà Nguyễn Thị Ngọc A nên không xem xét trách nhiệm đối với bà Nguyễn Thị Ngọc A.

Kết quả xét xử thấy không xem xét trách nhiện đối với ông Nguyễn Thế Lanh, (vì ông Lanh đã chết), bà Nguyễn Thị Kim A, bà Nguyễn Thị Ngọc A là có căn cứ nhưng tại phiên toà cần nhắc nhỡ, chấn chỉnh cách làm việc của bà Nguyễn Thị Kim A, bà Nguyễn Thị Ngọc A để rút kinh nghiệm.

[5]. Về án phí vụ án đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S.

Các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, bị cáo Hoàng Thị H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo số tiền còn phải trả lại cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Quảng Bình để sung vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

[6]. Về quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S; người bị hại; các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự để yêu cầu xét xử vụ án theo trình tự, thủ tục phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H phạm tội “Tham ô tài sản”. Tuyên bố bị cáo Lê Quang S phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng”.

2. Về hình phạt:

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 353, điểm g khoản 1 Điều 52; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; khoản 3 Điều 3, Điều 4 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012; đối với bị cáo Trần Thị T. Xử phạt bị cáo Trần Thị T 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án, được khấu trừ thời hạn đã bị tạm giam từ ngày 29 tháng 8 năm 2019 đến ngày 26 tháng 12 năm 2019.

- Áp dụng các điểm c, d khoản 2 Điều 353; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; khoản 3 Điều 3, Điều 4 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012 đối với bị cáo Hoàng Thị H. Xử phạt bị cáo Hoàng Thị H 03 năm 06 tháng tù (ba năm sáu tháng), thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Áp dụng Điều 41, khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H. Cấm các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày các bị cáo chấp hành xong hình phạt.

Miễn áp dụng phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H.

- Áp dụng điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 360; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38, Điều 65, Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 54 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012 đối với bị cáo Lê Quang S. Xử phạt bị cáo Lê Quang S 03 (ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (10 tháng 9 năm 2020).

Giao bị cáo Lê Quang S cho Uỷ ban nhân dân phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách án treo, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trong thời gian thử thách mà Lê Quang S thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách mà Lê Quang S cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Toà án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.

Cấm bị cáo Lê Quang S đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Bản án xét xử bị cáo có hiệu lực pháp luật.

3. Về trách nhiệm trả lại tài sản cho bị hại.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; các Điều 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc bị cáo Hoàng Thị H trả lại số tiền còn chiếm đoạt 200.450.155 đồng (hai trăm triệu, bốn trăm năm mươi nghìn, một trăm năm mươi lăm đồng) cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình.

4. Về xử lý vật chứng vụ án:

Căn cứ Điều 30; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Chuyển trả số tiền 454.303.247 đồng đang tạm giữ theo Uỷ nhiệm chi ngày 11 tháng 5 năm 2020 của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình chuyển tiền vào tài khoản Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Bình cùng số tiền 10.000.000 đồng bị cáo Lê Quang S nộp giúp Trần Thị Hường bồi thường theo Biên lai thu tiền số AA/2018/0000 522 ngày 29 tháng 7 năm 2020, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình.

5. Về án phí đối với bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S.

Căn cứ khoản 2 các Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; các Điều 3, 21, 23, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTV Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S, mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm; bị cáo Hoàng Thị H phải nộp 10.022.507 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước.

Về nghĩa vụ chậm thi hành án:

“Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Về hướng dẫn thi hành án dân sự:

“Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự”.

6. Về quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm:

Các bị cáo Trần Thị T, Hoàng Thị H, Lê Quang S, người bị hại, các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (10 tháng 9 năm 2020) để yêu cầu xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

909
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 31/2020/HS-ST ngày 10/09/2020 về tội tham ô tài sản và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng

Số hiệu:31/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về