Bản án 31/2019/DS-PT ngày 13/06/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 31/2019/DS-PT NGÀY 13/06/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 12, 13 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số: 17/2018/TLPT-DS ngày 16 tháng 7 năm 2018 về việc: Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 45/2018/DS-ST, ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Y bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 34/2019/QĐ-PT, ngày 27 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1935.

Địa chỉ: Xóm 7, xã Q, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang. Có mặt tại phiên tòa. Vắng mặt khi tuyên án.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Trần Thị Kim A, sinh năm 1963, được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 11 tháng 6 năm 2019. Có mặt tại phiên tòa. Vắng mặt khi tuyên án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn ông Nguyễn Văn C: Ông Lê Quý T, Luật sư Văn phòng luật sư M, Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang.

Địa chỉ: số 52, phố T, phường Q, thành phố T. Có mặt tại phiên tòa. vắng mặt khi tuyên án.

2. Bị đơn:

- Anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1968. Có mặt.

- Anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1977. Có mặt.

Cùng địa chỉ: Xóm 7, xã Q, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn anh Nguyễn Văn D và anh Nguyễn Văn H: Ông Văn Trường G, Luật sư Văn phòng luật sư N, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: số 5 +7, ngõ 16 phố Tạ Quang B, phường B, quận H, thành phố Hà Nội. Có mặt tại phiên tòa. Vắng mặt khi tuyên án.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Chị Lèng Thị Thu H, sinh năm 1971. Có mặt.

- Chị Phạm Thị K, sinh năm 1980. Có mặt.

- Chị Nguyễn Thị X, sinh năm 1965. Có mặt tại phiên tòa. Vắng mặt khi tuyên án.

- Chị Nguyễn Thị P, sinh năm 1972. Có mặt.

- Bà Nguyễn Thị Y, sinh năm 1945. Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Xóm 7, xã Q, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Y: Bà Trần Thị Kim O; sinh năm 1963, được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 11/6/2019.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Nguyễn Văn C trình bày: Ông là anh trai của ông Nguyễn Văn Đ (ông Đ là bố đẻ của anh Nguyễn Văn D và anh Nguyễn Văn H). Năm 1991 ông được Ủy ban nhân dân xã Q giao cho 03 ha đất vườn rừng tại xóm 07, xã Q, huyện Y để phát triển sản xuất, quản lý sử dụng đất vườn rừng (Sổ lâm bạ số 14, cấp ngày 11/11/1991). Gia đình ông canh tác đến năm 2003 ông cho em trai ông là ông Nguyễn Văn Đ mượn khoảng 2 ha để trồng cây ngắn ngày, nhưng không có giấy tờ gì, sau đó ông Đ trồng cây keo đến năm 2007 ông Đ chết, sau khi ông Đ chết các con của ông Đ là anh Nguyễn Văn D và anh Nguyễn Văn H tiếp tục quản lý sử dụng và anh D làm nhà tạm trên đất để ở. Đến năm 2012 anh D và anh H khai thác gỗ keo theo phương thức khai thác trắng. Sau khi anh D và anh H khai thác xong ông có gặp anh D và H đề nghị hai anh trả lại diện tích đất đã cho mượn, đồng thời ông cho người dọn thực bì và tiến hành trồng bưởi và một số cây trên diện tích đất trước đây đã cho ông Đ mượn. Sau khi trồng cây xong, được một thời gian ngắn thì ông phát hiện toàn bộ số cây trồng bị nhổ và anh H là người nhổ, ông đã báo chính quyền đến hòa giải nhưng không thành. Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Y, buộc anh D và anh H phải trả cho ông diện tích đất mà ông cho ông Đ mượn là 2 ha và bồi thường thiệt hại số cây anh H đã nhổ của gia đình ông. Tại phiên tòa sơ thẩm ông rút yêu cầu khởi kiện về việc đề nghị Tòa án buộc anh H bồi thường thiệt hại do chặt phá cây ăn quả ông đã trồng trên đất tranh chấp với số tiền là 3.350.000đ.

Bị đơn anh Nguyễn Văn H trình bày: Ông Nguyễn Văn C là anh trai ruột của bố anh (ông Nguyễn Văn Đ). Từ năm 1980 đến nay gia đình anh liên tục sử dụng, canh tác và trồng cây trên diện tích đất đang có tranh chấp, nhưng chưa được cấp giấy tờ gì. Gia đình anh sử dụng đất trồng sắn và các cây ngắn ngày, đến năm 2003 gia đình anh đã trồng keo trên diện tích đất này. Năm 2007 bố anh ông Nguyễn Văn Đ chết gia đình anh đã an táng bố anh trên đất này, năm 2012 gia đình anh khai thác cây keo trên đất theo phương thức khai thác trắng vẫn để lại một số cây mỡ và trồng sắn, khi gia đình anh khai thác cây xong thì ông C đến đòi đất, nhưng không có cơ sở gì. Vì đất gia đình anh đang sử dụng là của bố anh để lại, diện tích đất trên đã được ông C xác định ranh giới đường biên bằng hàng tre gai do ông C trồng nên anh không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông C đòi anh phải trả lại diện tích đất mà ông C cho rằng bố anh mượn của ông C nhưng không có căn cứ cho mượn. Ông C cho rằng anh nhổ cây của ông C trồng là không đúng, anh có nhổ một số cành cây cắm trên đất của gia đình anh, số cành cây đó không có bầu, nay ông C không yêu cầu anh bồi thường số cành cây bị nhổ anh nhất trí.

Bị đơn anh Nguyễn Văn D trình bày: Về mối quan hệ giữa gia đình anh với ông C như ông C và anh H trình bày là đúng, về diện tích đất ông C khởi kiện đòi anh phải trả, đất có nguồn gốc do bố mẹ anh đã sử dụng từ năm 1980 quá trình sử dụng giữa gia đình bố mẹ anh và gia đình ông C không có ý kiến, không có tranh chấp gì. Việc ông C nói cho bố anh mượn đất anh không biết, cũng không thấy bố anh nói gì và không có giấy tờ về việc mượn đất nên sau khi bố mẹ anh chết anh em anh vẫn sử dụng, canh tác liên tục trên diện tích đất đó, nay ông C khởi kiện đòi đất anh không nhất trí.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Phạm Thị K (là vợ anh H) trình bày: Chị nhất trí như ý kiến của anh Nguyễn Văn H, khi về làm dâu chị đã cùng anh H trồng cây trên đất, việc sử dụng đất không có tranh chấp với ai nay ông C yêu cầu trả lại diện tích đất chị không nhất trí.

Chị Lèng Thị Thu H (là vợ anh D) trình bày: Chị nhất trí như lời khai của anh D, về thời gian sử dụng đất và nguồn gốc đất gia đình anh chị đang quản lý, sử dụng ổn định hơn 30 năm (từ năm 1980), việc ông C yêu cầu gia đình chị trả lại đất vì cho rằng gia đình bố mẹ chồng chị đã mượn đất là không có cơ sở, chị không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Chị Nguyễn Thị P (con gái của ông C) trình bày: Chị làm nhà gỗ 3 gian lợp ngói pluximang; 01 bếp vách nứa năm 2002, trên đất của ông Nguyễn Văn C (bố đẻ) cho, đất hiện đang có tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn C và anh Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn H, chị sử dụng nhà đất từ đó đến nay không có tranh chấp nên chị không yêu cầu giải quyết.

Chị Nguyễn Thị X (con gái của ông C) trình bày: Năm 2008 chị được bố đẻ ông Nguyễn Văn C cho một diện tích đất 400m2, trong sổ lâm bạ của ông C chị đã làm nhà gỗ 3 gian vách toóc xi lợp ngói pluximăng và sử dụng ổn định không có tranh chấp nên chị không yêu cầu giải quyết.

Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân huyện Y xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, hòa giải không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số: 45/2018/DS-ST, ngày 29/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Y.

Quyết định:

Căn cứ vào các Điều 26; 35; 39; 147; 157; 227; 271; 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Điều 166; 203 Luật đất đai, các Điều 180, 182; khoản 1 Điều 183 và Điều 236 của Bộ luật dân sự: Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn C về việc kiện đòi diện tích đất rừng do anh Nguyễn Văn D đang quản lý sử dụng diện tích đất 10.461.5m2, trị giá 299.722.000đ và anh Nguyễn Văn H đang quản lý sử dụng diện tích đất 16.313.5m2 trị giá là 130.508.000đ. Tại xóm 07, xã Q, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 07 tháng 6 năm 2018 Tòa án nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C đơn ghi ngày 06/6/2018, đơn kháng cáo có nội dung: Ông Nguyễn Văn C kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 45/2018/DS-ST, ngày 29/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Y cụ thể như sau:

- Về nguồn gốc đất: Diện tích đất đang có tranh chấp có nguồn gốc do gia đình ông khai phá từ trước những năm 1980, sau khi khai phá gia đình sử dụng để trồng cây hoa màu, sau đó cho con gái mượn để canh tác, hiện tại con gái ông vẫn đang quản lý, sử dụng một phần diện tích đất trên và đã làm nhà trên đất, sau khi cho mượn đất gia đình đã làm hàng rào tre ngăn cách để gia súc không phá hoại vì một bên trồng sắn, một bên trồng ngô, hàng rào tre gai sau này mọc thành mấy bụi tre gai và gia đình vẫn giữ nguyên như ngày nay.

- Bản án sơ thẩm nhận định mấy bụi tre là mốc giới ngăn cách là không có cơ sở, vì đây là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” không phải là "Tranh chấp ranh giới giữa hai bất động sản liền kề".

- Đất đai trước đây Nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất, đến năm 1987 Luật đất đai ra đời, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND xã đã cấp sổ Lâm bạ để sử dụng lâu dài. Năm 1991 gia đình ông cùng rất nhiều các hộ dân trong xã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm xin cấp sổ Lâm bạ, ông Đ không xin cấp, cũng không có tranh chấp, không có ý kiến phản đối vì chỉ là đất mượn của gia đình ông. Án sơ thẩm nhận định cấp sổ lâm bạ ông đứng tên thay ông Đ, nhưng không có tài liệu nào chứng minh việc cấp chung sổ, sổ Lâm bạ chỉ mang tên ông, không mang tên ông Đ. Trên sổ Lâm bạ thể hiện số nhân khẩu của gia đình ông là 4 người gồm hai vợ chồng và 02 con. Bản án sơ thẩm căn cứ vào lời khai của một số người trong xóm là cấp chung sổ lâm bạ nhưng không có tài liệu chứng minh là thiếu căn cứ.

- Đất gia đình ông sử dụng ổn định, lâu dài có giấy tờ chứng minh là sổ Bìa xanh (sổ Lâm bạ) đây là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và Điều 100 Luật đất đai năm 2013. Án sơ thẩm nhận định ông Đ sử dụng từ những năm 1980 đến nay và bác yêu cầu khởi kiện của ông là không có căn cứ bởi: Nếu ông Đ sử dụng đất liên tục 30 năm thì được xác lập quyền sử dụng theo thời hiệu nếu phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp. Ở đây ông Đ mượn đất của ông để sử dụng và đất của ông đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1987 thì việc ông Đ sử dụng đất suốt đời cũng không mất đi quyền sử dụng đất của ông.

- Về chứng cứ: Ông có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ lâm bạ) theo Luật Đất đai năm 1987 để chứng minh quyền sử dụng đất của mình. Anh D, anh H không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc đất là của ông Đ, không có bất kỳ một tài liệu gì về địa chính. Tòa án chỉ căn cứ vào lời khai của một số dân (chứng cứ gián tiếp) về việc ông Đ sử dụng từ năm 1980 và cấp sổ Lâm bạ chung, trồng hàng tre làm ranh giới để bác yêu cầu khởi kiện của ông là thiếu căn cứ.

Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của ông.

Tại phiên tòa nguyên đơn người kháng cáo ông Nguyễn Văn C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; ông C, người đại diện theo ủy quyền của ông C, Luật sư người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C trình bày: Đề nghị hủy bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Ủy ban nhân dân xã Q, không đưa anh L (con ông C) và anh T (chồng chị P) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm đo đạc thẩm định lại thửa đất đang có tranh chấp ở cấp cao hơn (Sở Tài nguyên và Môi trường).

Bị đơn anh Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn D và Luật sư người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Không nhất trí yêu cầu kháng cáo của ông C, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị Hòa, chị Lèng Thị Thu Hiền đề nghị: Không nhất trí yêu cầu kháng cáo của ông C đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Chị Nguyễn Thị P, chị Nguyễn Thị X trình bày: Các chị được ông C bố đẻ cho đất làm nhà ở ổn định, đề nghị xem xét quyền lợi cho các chị trong sổ lâm bạ khi giải quyết tranh chấp đất giữa ông C và anh D, anh H.

Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định tại Điều 70; Điều 71; Điều 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn C là hợp lệ trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.

Về nội dung: Đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 45/2018/DS-ST ngày 29/5/2018 của TAND huyện Y không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn C về việc kiện đòi diện tích đất rừng do anh Nguyễn Văn D đang quản lý sử dụng 10.461.5m2, trị giá 299.722.000đ và diện tích đất rừng do anh Nguyễn Văn H đang quản lý sử dụng 16.313.5m2 trị giá 130.508.000đ, tại xóm 7 xã Q, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang. Sửa một phần bản án theo hướng: Xác định ranh giới hiện trạng sử dụng đất giữa nhà anh Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn D và nhà ông Nguyễn Văn C là hàng tre kéo dài, được tính từ mép lối đi vào nhà ông C cho đến điểm cuối hàng tre theo sơ đồ hiện hạng.

Về án phí: Ông C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Chi phí thẩm định: Anh H tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại giai đoạn phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn C: Yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của ông vì diện tích đất tranh chấp gia đình ông đã được UBND xã cấp sổ Lâm bạ năm 1991, đây là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và Điều 100 Luật đất đai năm 2013. Tại phiên tòa phía nguyên đơn đề nghị hủy bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng, không đưa UBND xã Q, không đưa anh Nguyễn Văn K (là con đẻ của ông Nguyễn Văn C), và anh Vũ Hồng T (là chồng chị P) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Xét thấy: Năm 1991 ông Nguyễn Văn C có “Đơn xin đất làm vườn rừng” và đề nghị UBND xã Q xét cấp diện tích 03 ha đất làm vườn rừng (đơn được điền theo mẫu đơn in sẵn). Ngày 11/11/1991 UBND xã Q có quyết định giao cho ông Nguyễn Văn C tổng diện tích đất vườn rừng 3 ha, tại mục "Thuộc các lô", “khoảnh” bỏ trống không điền thông tin, ông C có trách nhiệm thực hiện đầy đủ “Quy ước xây dựng vườn rừng”. Các nội dung của quy ước: Tự bỏ vốn và sức lao động để kinh doanh vườn rừng; đưa nhanh, đưa hết đất vườn rừng vào sản xuất kinh doanh, không để đất hoang hóa; không mua bán đổi chác vườn rừng; tự túc lâm sản, không khai thác vào rừng Nhà nước, tiến tới có lâm sản hàng hóa bán cho Nhà nước theo giá khuyến khích; tuân theo sự hướng dẫn, quy hoạch, kế hoạch, kỹ thuật của hợp tác xã và ngành có liên quan; nghiêm chỉnh chấp hành pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và các chế độ chính sách của Nhà nước về vườn rừng. UBND xã ủy quyền cho Ban lâm nghiệp xã, Quản trị HTX phối hợp với cán bộ kiểm lâm nhân dân tiểu khu giao vườn rừng và có trách nhiệm hướng dẫn ông C phát triển sản xuất, quản lý sử dụng tốt đất vườn rừng. Tại Sơ đồ vườn rừng kèm theo sổ Lâm bạ, tại mục “tỷ lệ” bỏ trống không điền thông tin; sơ đồ mô tả đất vườn rừng được giao, có một phía giáp sông; một phía giáp vườn ông V cửa ngòi (Suối); một phía giáp ruộng; một phía giáp nhà ông C, ông Đ; không có kích thức các cạnh, có ghi diện tích 3 ha. Phía nguyên đơn không cung cấp được biên bản giao đất trong sổ lâm bạ trên thực địa.

Tại công văn số 43/BC-HKL, ngày 23/3/2015 của Hạt Kiểm lâm huyện Y xác nhận: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp sổ Lâm bạ căn cứ Chỉ thị số 14/UB-CT ngày 04/4/1982 của UBND tỉnh Hà Tuyên cũ (nay là UBND tỉnh Tuyên Quang) về việc "Tổ chức xây dựng vườn rừng góp phần phát triển vốn rừng".

Chỉ thị số 14/UB-CT ngày 04/4/1982 có nội dung: Mục đích yêu cầu của việc giao và xây dựng vườn rừng là từ nhu cầu thực tế của các hộ gia đình, phù hợp với tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp ở miền núi, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai và phát triển lâm nghiệp. Chỉ thị quy định thời gian mượn đất xây dựng vườn rừng, tối thiểu là 01 chu kỳ sống của loài cây trồng Lâm nghiệp, nếu quá 2 vụ mà gia đình không trồng cây thì UBND xã sẽ thu hồi quyết định và giao cho gia đình khác.

Tại Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 12/1/2010 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc “Công bố danh mục văn bản do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên (cũ) ban hành không còn áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”; trong danh mục tại số thứ tự 81 có Chỉ thị số 14/UB-CT ngày 4/4/1982 của UBND tỉnh Hà Tuyên về việc tổ chức xây dựng vườn rừng góp phần phát triển vốn rừng.

Tại mảnh trích đo địa chính số QQ 02- 2018 (xác định hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông C và hiện trạng đất tranh chấp, BL250) do Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện xem xét thẩm định tại chỗ, thể hiện về hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông C có một phía giáp Sông Gâm, một phía giáp suối (ngòi) và ruộng trồng lúa; một phía giáp ruộng của hộ gia đình ông N, ông Q, giáp đất vườn nhà bà K; một phía giáp với diện tích đất đang tranh chấp hiện anh H, anh D đang quản lý, sử dụng. Tại phiên tòa phía nguyên đơn xác nhận các mốc trên hiện trạng như Sông Gâm, suối (ngòi) và ruộng trồng lúa quá trình sử dụng không có sự thay đổi, diện tích đất hiện trạng gia đình ông C đang sử dụng 31.626,0m2. Ranh giới tiếp giáp giữa phần đất gia đình ông C đang sử dụng và phần đất có tranh chấp hiện anh H, anh D đang sử dụng có các bụi tre trồng nối nhau liên tiếp. Ông C và anh H, anh D đều thừa nhận các bụi tre do ông C trồng từ khoảng năm 1993-1994, từ khi trồng chưa khai thác lần nào. Thực tế gia đình ông C sử dụng đất từ ranh giới hàng tre kéo ra phía bờ sông, gia đình ông Đ và sau này là gia đình anh D, anh H sử dụng đất từ ranh giới hàng tre kéo ra phía đường liên xã (đi X). Ông C cho rằng trồng hàng tre là để ngăn cách gia súc không phá hoại.

Trên diện tích đất tranh chấp phần đất anh H hiện đang sử dụng có 06 ngôi mộ của gia đình anh H anh D (là mộ của bố, mẹ, em, các cháu), được an táng từ những năm 1984 và các năm sau đó, khi an táng các ngôi mộ trên đất gia đình ông C không có ý kiến gì, các bên không có tranh chấp; trên đất có nhà ở của chị Nguyễn Thị X (là con gái của ông C) nhưng giữa chị X và anh H không có tranh chấp. Trên diện tích đất tranh chấp phần anh D hiện đang sử dụng có nhà của anh D; nhà của anh Q (là em trai của anh H và anh D); nhà của chị Nguyễn Thị P (là con gái ông C) nhưng giữa anh D, anh Q, chị P không có tranh chấp.

Quá trình sử dụng đất của các bên: Theo ông C ông sử dụng diện tích đất tranh chấp từ khi được cấp sổ lâm bạ, đến năm 2003 ông cho ông Nguyễn Văn Đ (là em trai ruột của ông) mượn, việc cho mượn chỉ nói bằng miệng không có giấy tờ, năm 2007 ông Đ chết con trai của ông Đ anh H, anh D tiếp tục sử dụng, anh D làm nhà trên đất, tháng 10/2012 đến chu kỳ khai thác cây sau khi anh D anh H khai thác xong thì ông C đòi đất hai bên xảy ra tranh chấp. Anh D, anh H không thừa nhận việc ông C cho ông Đ mượn đất năm 2003 vì cho rằng ông C không xuất trình được giấy cho mượn đất. Bố mẹ các anh đã sử dụng đất hiện có tranh chấp từ trước năm 1993 đã được các hộ gia đình xác nhận tại các biên bản họp thôn.

Diện tích đất tranh chấp theo xác minh tại UBND xã Q, huyện Y đất chưa được kê khai trong sổ mục kê, chưa kê khai xin cấp GCNQSDĐ.

Tại Biên bản họp thôn 7 ngày 31/01/2013 (BL 09) về việc “Lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất giữa hộ ông Nguyễn Văn C và Nguyễn Văn H; Biên bản lấy ý kiến công dân thôn 7 xã Q về nguồn gốc đất đang có tranh chấp ngày 27/9/2017 (BL90), các ý kiến xác nhận gia đình ông Đ sử dụng đất thường xuyên liên tục từ trước năm 1993. Tại Biên bản hòa giải về việc tranh chấp đất giữa gia đình ông C và gia đình anh H, anh D ngày 04/02/2013 (BL 10), UBND xã kết luận diện tích đất hiện gia đình anh H, anh D đang sử dụng (ông C tranh chấp) chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng hai gia đình đã sử dụng ổn định trước năm 1993 đến tháng 11/2012 không có tranh chấp.

Như vậy gia đình ông Nguyễn Văn Đ sau này là gia đình anh Nguyễn Văn H và Nguyễn Văn D đã sử dụng diện tích đất (hiện ông C đang tranh chấp) ổn định, thường xuyên, liên tục từ trước năm 1993. Quá trình sử dụng đất giữa gia đình ông Nguyễn Văn C và ông Nguyễn Văn Đ đã hình thành ranh giới là hàng tre được ông C trồng chạy dọc ranh giới ngăn cách phần đất giữa hai bên, ranh giới này được các bên tôn trọng sử dụng ổn định, thường xuyên, liên tục (hàng tre hiện vẫn tồn tại được thể hiện trên sơ đồ). Trên diện tích đất tranh chấp có nhà ở của gia đình anh D, nhà của anh Q (con trai ông Đ), có 6 ngôi mộ của gia đình anh D, anh H an táng trên đất. Khi gia đình các anh làm nhà và an táng mộ trên đất phía gia đình ông C không có ý kiến gì, các bên không có tranh chấp. Phía ông C không có tài liệu chứng minh cho ông Đ mượn diện tích đất hiện đang có tranh chấp vào năm 2003. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C đòi anh H phải trả diện tích đất 10.461,5m2 và anh D phải trả diện tích đất 16.313,5m2 tại xóm 7 xã Q là có căn cứ, vì vậy cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về nội dung này, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông C đòi anh D anh H phải trả lại đất.

Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không xác định ranh giới sử dụng đất giữa gia đình ông C và gia đình anh H, gia đình anh D, không xác định quyền sở hữu đối với các bụi tre gia đình ông C trồng (tại vị trí ranh giới hiện trạng) là chưa giải quyết triệt để vụ án. Do đó cần sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo của ông C xác định ranh giới sử dụng đất giữa ông C và anh H, anh D theo ranh giới hiện trạng đang sử dụng, xác định ông C bà Yêu có quyền sở hữu các bụi tre trồng tại vị trí ranh giới hiện trạng.

Về yêu cầu của ông C đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành đo đạc thẩm định lại thửa đất đang có tranh chấp ở cấp cao hơn (Sở Tài nguyên và Môi trường). Xét thấy quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ; tại Tòa án cấp phúc thẩm cơ quan chuyên môn đã đo đạc, vẽ mảnh trích đo địa chính (xác định hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông C và hiện trạng đất tranh chấp) và đã được các đương sự nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ký xác nhận. Do đó không chấp nhận yêu cầu của ông C đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành đo đạc thẩm định lại thửa đất đang có tranh chấp.

Về yêu cầu của ông C đề nghị đưa UBND xã Q (đã giao đất vườn rừng), đưa anh Nguyễn Văn K (là con đẻ của ông Nguyễn Văn C) là thành viên của hộ gia đình ông C được giao sổ lâm bạ, anh Vũ Hồng T (là chồng chị Phương) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Xét thấy sổ Lâm bạ giao đất vườn rừng cho gia gia đình ông C mục đích để trồng rừng không để đất hoang hóa, tại “đơn xin đất làm vườn rừng” ông C kê khai số lao động 4 lao động gồm ông C, bà Y, chị X, chị P Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa bà Y, chị X, chị P tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Anh Nguyễn Văn K sinh năm 1980 tại thời điểm giao sổ lâm bạ năm 1991 anh K chưa đủ tuổi lao động do đó không chấp nhận yêu cầu của ông C đề nghị đưa anh K tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Việc sử dụng đất của chị P, tại Tòa án cấp sơ thẩm chị P xác định không có tranh chấp nên chị không yêu cầu Tòa án giải quyết, chị P và anh T (chồng chị P) không có yêu cầu độc lập, sau khi xét xử sơ thẩm chị P không kháng cáo, do đó không chấp nhận yêu cầu của ông C đề nghị đưa anh T tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nếu chị P và anh T có tranh chấp về việc sử dụng đất của gia đình anh chị thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác. Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh tại UBND xã Q những nội dung liên quan đến việc giao đất theo sổ lâm bạ do đó không chấp nhận yêu cầu của ông C đề nghị đưa UBND xã Q tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Việc sử dụng đất của chị X, tại Tòa án cấp sơ thẩm chị X xác định không có tranh chấp nên chị không yêu cầu Tòa án giải quyết, chị X không có yêu cầu độc lập, sau khi xét xử sơ thẩm chị X không kháng cáo. Nếu chị X có tranh chấp về việc sử dụng đất của gia đình chị thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác

[2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên ông C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được trả lại số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp.

[3] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Tại Tòa án cấp phúc thẩm anh Nguyễn Văn H, anh Nguyễn Văn D có đơn đề nghị xem xét thẩm định tại chỗ, đã tự nguyện nộp tạm ứng và thanh toán xong tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ cho cơ quan chuyên môn và những người tiến hành thẩm định, anh H tự nguyện chịu toàn bộ số tiền 6.868.000đ chi phí thẩm định tại chỗ.

Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 308, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Điều 166; 170, 203 Luật đất đai. Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn C, giữ nguyên bản án sơ thẩm như sau: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn C đòi anh Nguyễn Văn D phải trả cho ông diện tích đất 10.461.5m2, trị giá 299.722.000đ hiện anh Nguyễn Văn D đang quản lý, sử dụng và yêu cầu đòi anh Nguyễn Văn H phải trả cho ông diện tích đất 16.313.5m2, trị giá 130.508.000đ, hiện anh Nguyễn Văn H đang quản lý, sử dụng. Địa chỉ đất: Xóm 07, xã Q, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang.

2. Chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn C, sửa bản án sơ thẩm như sau: Xác định ranh giới sử dụng đất giữa gia đình ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị Y với gia đình anh Nguyễn Văn D chị Lèng Thị Thu H và gia đình anh Nguyễn Văn H, chị Phạm Thị K được giới hạn bởi các điểm 20, 21, 22, 23, 24, 25,1 (điểm 20 là mép đường vào nhà ông C, từ điểm 21, 22, 23, 24, 25, 1 là các bụi tre được trồng liên tiếp). Kèm theo mảnh trích đo địa chính số QQ 02-2018 ngày 17/5/2019.

Các bụi tre từ điểm 21, 22, 23, 24, 25, 1 thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị Y.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên ông Nguyễn Văn C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, ông C được trả lại số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tại biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số No 0004702 ngày 25/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Tuyên Quang (do chị Ngô Thị M nộp thay).

4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ tại Tòa án cấp phúc thẩm: Anh Nguyễn Văn H tự nguyện chịu toàn bộ số tiền 6.868.000đ chi phí thẩm định tại chỗ, anh H đã tự nguyện nộp tạm ứng và thanh toán xong tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ cho cơ quan chuyên môn và những người tiến hành thẩm định.

Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 13/6/2019./.

"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự".

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

526
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 31/2019/DS-PT ngày 13/06/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:31/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:13/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về