Bản án 31/2018/HSPT ngày 05/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 31/2018/HSPT NGÀY 05/06/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 05 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 26/2018/HSPT ngày 13 tháng 4 năm 2018 do có kháng cáo của bị cáo Giang T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu.

- Bị cáo có kháng cáo: Giang T, sinh năm 1970 Bạc Liêu. Nơi cư trú: Ấp C, xã H, huyện V, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 3/12; dân tộc: Khmer; Quốc tịch: Việt Nam; Cha là Giang P, sinh năm 1922 (đã chết) và mẹ là Lâm Thị D, sinh năm 1928 (đã chết); có vợ tên: Tăng Thị H, sinh năm 1977 và 03 người con, lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 2009; tiền sự:

Không; tiền án: Không; bị cáo tại ngoại, (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo:

- Bà Tạ Nguyệt T – Là Luật sư thuộc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

- Ông Trần Văn V - Là Luật sư của Văn phòng Luật sư Nguyễn Thị H thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

- Người bị hại không kháng cáo:

+ Ông Trương Na R, sinh năm 1967. Nơi cư trú: Ấp C, xã H, huyện V, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

+ Ông Trương Văn T, sinh năm 1975. Nơi cư trú: Ấp C, xã H, huyện V, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt)

- Người phiên dịch: Ông Thạch H – Phiên dịch viên tiếng Khmer hợp đồng của Phòng tư pháp thành phố B, tỉnh Bạc Liêu, (có mặt).

NHẬN THẤY

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Giữa Giang Thành Đ là con của bị cáo Giang T với Thạch Minh T có mâu thuẫn từ trước nên khoảng 18 giờ ngày 22/6/2017, khi bị cáo Giang T nhìn thấy Minh T nên cầm dao dọa sẽ chém Minh T nếu còn đánh Đ. Lúc này, bà Trương Thị Thu L (mẹ Minh T) thấy có cự cãi với bị cáo Giang T; ông Trương Na R (anh của bà L) nghe tiếng cự cãi nên đi đến và xảy ra việc xô xát, Giang T cầm dao bằng tay phải chém nhiều cái vào người của ông R gây thương tích tại vùng vai phải, tay trái, cổ trái và cánh tay trái. Thấy vậy, ông Trương Văn T đến can ngăn, ông Văn T cầm lưỡi dao thì hai bên giằng co nên ông Văn T bị thương tích tại bàn tay trái, sau đó ông Văn T dùng chân phải đạp một cái vào người Giang T làm Giang T ngã xấp xuống mé ao và bị thương tích ở ngón tay cái bàn tay trái.

Tại Bản kết luận giám định số 188/TgT ngày 01/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận: Trương Na R có các thương tích: Một sẹo ở vành tai trái, không co rúm, tỷ lệ 01%; một sẹo ở tai trái, tỷ lệ 01%; một sẹo ở cổ trái, một sẹo ở vai phải, tỷ lệ 08%; một sẹo ở trên ngoài cánh tay trái, tỷ lệ 01%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là: 11%, cơ chế hình thành thương tích do vật sắc tác động.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 194/TgT ngày 22/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận: Trương Văn T có các thương tích sau: Một sẹo ở kẻ ngón I – II bàn tay trái, đứt cơ khép ngón cái, không ảnh hưởng đến vận động ngón tay, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 09%, cơ chế hình thành thương tích do vật sắc tác động.

Tại Bản kết Luận giám định pháp  y về thương tích số 187/TgT ngày 01/8/2017 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận Giang T có các thương tích: Gãy kín xương bàn I bàn tay trái, không hạn chế chức năng bàn tay – ngón tay, tỷ lệ 08%; cơ chế hình thành thương tích do vật tầy tác động.

Tại Bản án sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu quyết định:

Tuyên bố bị cáo Giang T phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Áp dụng khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

Xử phạt bị cáo Giang T 02 (hai) năm tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584; 585; 590 Bộ luật Dân sự. Buộc bị cáo Giang T bồi thường cho ông Trương Na R 3.006.300 đồng; bồi thường cho ông Trương Văn T 11.666.300 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí, lãi suất trong giai đoạn thi hành án theo Luật thi hành án dân sự và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14 tháng 3 năm 2018, bị cáo Giang T kháng cáo yêu cầu các nội dung:

-   Giám định lại tỷ lệ thương tích của ông Trương Na R;

-    Xem xét, giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho bị cáo;

-    Giám định lại cây dao (bị cáo cho rằng cây dao không phải là hung khí nguy hiểm)

-   Xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa, bị cáo Giang T bổ sung thêm nội dung kháng cáo xin hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu về việc giải quyết vụ án:

- Về hình thức: Bị cáo Giang T kháng cáo đúng theo quy định tại các Điều 331, 333, 334 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, về quyền kháng cáo, thủ tục và thời hạn kháng cáo, nên Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu thụ lý và đưa ra xét xử phúc thẩm là đúng luật định.

- Về nội dung: Xét các yêu cầu kháng cáo của bị cáo thấy rằng, hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho nguười khác của bị cáo là vi phạm pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bị cáo yêu cầu giám định cây dao có phải hung khí nguy hiểm không ?

tại phiên tòa bị cáo thừa nhận có sử dụng dao để gây thương tích cho ông Trương Văn T và ông Trương Na R, lời khai bị cáo phù hợp với lời khai bị hại, căn cứ Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì cây dao là hung khí nguy hiểm, nên việc giám định cây dao là không cần thiết. Bị cáo yêu cầu giám định thương tích thì thấy rằng tại Bản kết luận giám định pháp y số 188/TgT ngày 01/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của ông Trương Na R là: 11%, cơ chế hình thành thương tích do vật sắc tác động nên việc yêu cầu giám định lại thương tích của ông Trương Na R là không có căn cứ, vì trong bản giám định nêu trên đã xác định rõ. Bị cáo yêu cầu ông Văn T bồi thường cho bị cáo là 43.489.365 đồng, theo tài liệu có trong hồ sơ thể hiện hành vi gây thương tích của ông Trương Văn T chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự nên cấp sơ thẩm tách ra phần yêu cầu bồi thường thành một vụ việc dân sự khác và giải quyết sau là hợp lý.

Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo thấy rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, Tòa án sơ thẩm xử phạt bị cáo 02 năm tù là có căn cứ nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, Tòa sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về việc áp dụng khoản 2 Điều 134 nhưng không nêu rõ điểm nào của khoản 2, nhưng việc này không vi phạm nghiêm trọng nên chỉ cần rút kinh nghiệm, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.

Luật sư Trần Văn V trình bày quan điểm: Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như sau: Bị cáo không hiểu tiếng Việt nhiều, trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra lại không yêu cầu người phiên dịch cho bị cáo; Kết luận giám định thương tích của anh Trương Na R tỷ lệ 11%, ông Trương Văn T 09% là chưa chính xác. Theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế về quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể thì đây là tổn thương phần mềm, tỷ lệ tổn thương của ông Trương Na R chỉ có từ 01-03% và thuộc khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 mà khoản 1 là khởi tố theo yêu cầu bị hại và tại phiên tòa các bị hại không yêu cầu về phần trách nhiệm hình sự. Tất cả kết quả của 03 Bản giám định thương tích Cơ quan điều tra đều không giao cho bị cáo là vi phạm điểm c khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; không giải quyết vấn đề dân sự là vi phạm Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo quy định pháp luật.

Luật sư Tạ Nguyệt T trình bày quan điểm: Đồng ý với phần tranh luận của Luật sư V, không đồng ý quan điểm của Viện kiểm sát. Bị cáo yêu cầu giám định lại cả 03 vấn đề là đúng, vì kết quả giám định có thể quyết định bị cáo có tội hoặc không có tội nhưng bị cáo không hề được thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý về kết quả giám định. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát căn cứ lời khai nhân chứng để kết tội bị cáo đã chủ động đánh bị hại là không có cơ sở, người bị hại đánh bị cáo trước, bị cáo không đánh bị hại Văn T, chính điều này bị hại  Văn T cũng thừa nhận tại phiên tòa hôm nay và bị cáo bị thương tật nặng hơn 02 người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Kiểm sát viên có ý kiến đáp lại ý kiến trình bày của các Luật sư và xác định giữ nguyên quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Giang T thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định: Do có mâu thuẫn trước đó giữa con của bị cáo Giang T là Giang Thành Đ với Thạch Minh T nên vào khoảng 18 giờ ngày 22 tháng 6 năm 2017, trên đường đi rẫy về tại ấp C, xã H, huyện V, tỉnh Bạc Liêu thì bị cáo Giang T thấy Minh T nên cầm dao dọa sẽ chém Minh T nếu còn đánh Đ. Sau đó, giữa bị cáo Giang T với bà Thu L (mẹ Minh T) có xảy ra cự cãi thì ông Trương Na R nghe thấy và đi đến nên tiếp tục xảy ra mâu thuẫn với bị cáo Giang T. Bị cáo Giang T cầm dao chém nhiều cái vào người ông R gây thương tích tại vùng vai phải, tai trái, cổ trái và cánh tay trái. Ông Trương Văn T đến can ngăn và dùng tay trái cầm lưỡi dao, bị cáo Giang T giật dao lại nên gây ra thương tích tại bàn tay trái của ông Văn T. Ông Văn T dùng chân phải đạp một cái vào người bị cáo Giang T làm Giang T ngã xuống mé ao và bị thương ở ngón tay cái bàn tay trái.

[2] Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 188/TgT ngày 01/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với ông Trương Na R là 11%; Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 194/TgT ngày 22/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với ông Trương Văn T là 09%; Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 187/TgT ngày 01/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Bạc Liêu kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với bị cáo Giang T là 08%

[3] Với những hành vi trên do bị cáo Giang T thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” như Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 05/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện V đã xét xử đối với bị cáo.

[4] Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng đầy đủ quy định pháp luật; vi phạm về thủ tục tố tụng, cụ thể: Tại biên bản nghị án ngày 27 tháng 02 năm 2018 (bút lục 303) Tòa án cấp sơ thẩm không xác định rõ bị cáo bị xét xử theo điểm nào của khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017; trong khi tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 qui định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm nghị án không giải quyết hết từng vấn đề của vụ án là vi phạm điểm c khoản 3 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, từ đó dẫn đến việc ban hành bản án cũng không áp dụng điểm nào của khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017; việc không ghi rõ căn cứ vào điểm nào của khoản 2 Điều 134 Bộ luật  Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xử phạt bị cáo Giang T thì không làm rõ được căn cứ Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo với hành vi phạm tội thuộc trường hợp nào được qui định tại các điểm ở khoản 2 Điều 134 để từ đó buộc bị cáo phải chịu mức hình phạt đúng theo qui định của pháp luật. Theo qui định tại điểm b khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được sửa án sơ thẩm về áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn. Do vậy

Hội đồng xét xử không thể xem xét bổ sung áp dụng điểm nào của khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.

[5] Bị cáo là dân tộc Khmer nhưng tại các biên bản ghi lời khai trong quá trình điều tra, Điều tra viên chỉ hỏi bị cáo có nghe, nói và viết được tiếng Việt không? Bị cáo trả lời: Có thể nghe, nói, viết được tiếng Việt (bút lục 177; 233; 237), chứ không hỏi bị cáo có yêu cầu dùng tiếng Khmer không và bị cáo cũngkhông xác định có hay không việc yêu cầu phiên dịch. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo đều có yêu cầu phiên dịch. Thực tế tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không hiểu hết các nội dung được hỏi. Do vậy, việc Điều tra viên tiến hành tố tụng không có phiên dịch là chưa đảm bảo về quyền của bị cáo được dùng tiếng nói của dân tộc mình nên đã vi phạm Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[6] Cấp sơ thẩm không giải quyết phần dân sự về yêu cầu bồi thường của bị cáo Giang T đối với ông Văn T là chưa tuân thủ theo qui định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 qui định: “ việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”; và tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự qui định: ”Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, Luật khác có liên quan qui định khác”. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại được qui định tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Như vậy, thiệt hại thực tế của bị cáo Giang T đã có xảy ra, quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm ông Văn T thừa nhận thương tích của bị cáo do ông Văn T gây ra và đồng ý bồi thường (bút lục 198). Hành vi của ông Văn T là vi phạm pháp luật nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích nên đã bị Công an huyện V, tỉnh Bạc Liêu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác” quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (bút lục số 249), do vậy ông Văn T phải có trách nhiệm bồi thường chi phí điều trị cho bị cáo Giang T; bị cáo Giang T có yêu cầu bồi thường số tiền là 43.489.365 đồng và đã cung cấp các giấy tờ, chi phí về việc điều trị thương tích tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy (từ bút lục 75 – 116) cấp sơ thẩm không xem xét tính hợp pháp của các tài liệu này để giải quyết và khấu trừ khoản tiền bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Văn T là không đúng với qui định của pháp luật về đối trừ quyền và nghĩa vụ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.

[7] Như vậy, việc cấp sơ thẩm không áp dụng điểm nào của khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; không hỏi rõ bị cáo có yêu cầu dùng tiếng Khmer không để mời hoặc không mời người phiên dịch cho bị cáo và không giải quyết phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Giang T yêu cầu là đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Do vậy, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, cần hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

[8] Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn sai sót như: Bản án áp dụng khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xử phạt bị cáo, nhưng tại công văn số 02/2018/HSST-TB ngày 05/3/2018 (bút lục số 345), Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện V, tỉnh Bạc Liêu bị cáo bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Đối với sai sót này cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Do cấp sơ thẩm có vi phạm các nội dung như đã phân tích nêu trên, nên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 02/2018/HSST ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu là không được chấp nhận; có căn cứ chấp nhận đề nghị của các Luật sư bào chữa tại phiên tòa.

Do vụ án bị hủy nên các nội dung kháng cáo còn lại của bị cáo sẽ được cấp sơ thẩm xem xét khi thụ lý, xét xử lại vụ án.

Bị cáo Giang Thắng không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 358; Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HS-ST ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu.

Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện V, tỉnh Bạc Liêu để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Bị cáo Giang T không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm. 

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

658
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 31/2018/HSPT ngày 05/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:31/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:05/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về