TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SA THẦY - TỈNH KONTUM
BẢN ÁN 31/2017/HSST NGÀY 29/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM HƯ HỎNG TÀI SẢN
Ngày 29/12/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Toà án nhân dân huyện Sa Thầy mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 30/2017/HSST ngày 03/11/2017, đối với :
* Bị cáo là người có nhược điểm về thể chất (Bị câm điếc bẩm sinh) không sử dụng được tiếng việt: A Đ (Tên gọi khác : A B). Sinh năm: 1984 tại tỉnh Kon Tum; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng R, xã Y, huyện S, tỉnh Kon Tum; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hoá: 02/12; Dân tộc: Ja Rai; Tôn giáo: Không; Con ông A H và bà Y H’ (đều đã chết); Bị cáo có vợ là Y P (đã chết) và con là A S; Tiền sự: không; Tiền án: 01. Bị cáo tại ngoại- có mặt tại phiên tòa.
Người đại diện theo pháp luật của A Đ : Ông A D (Tên gọi khác: A Y), sinh năm: 1962- Là anh ruột của A Đ
Địa chỉ: Làng R, xã Y, huyện S, tỉnh Kon Tum.(Có mặt)
* Người bào chữa cho bị cáo A Đ : Ông H M T- Luật sư Văn phòng Luật sư MT thuộc Đoàn luật sư tỉnh Kon Tum..(Có mặt)
Địa chỉ: Số 157 PCT, thành phố K, tỉnh Kon Tum.
* Người phiên dịch cho bị cáo A Đ: Ông A H, sinh năm: 1945. Địa chỉ: Làng R, xã Y, huyện S tỉnh Kon Tum .(Có mặt)
* Người bị hại: 1. Anh A S, sinh năm 1964.
Trú tại: Làng O, xã Y, huyện S tỉnh Kon Tum.(Có mặt)
2. Anh Nguyễn Ngọc M, sinh năm: 1973. Trú tại: Thôn Y, xã Y, huyện S tỉnh Kon Tum. .(Có mặt)
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Anh Nguyễn HN, sinh năm 1975 (Vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt))
Trú tại: Thôn 3 tt S, huyện S tỉnh Kon Tum.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Vào 13 giờ ngày 01/02/2017 sau khi uống rượu ở nhà, A Đ điều khiển xe mô tô (xe độ chế) đi từ nhà tại làng R, xã Y đến ngã ba xã Y rồi đi theo hướng đường vào khu tưởng niệm C. Đi được khoảng 01km A Đ điều khiển xe vào rẫy cao su phía bên trái đường theo hướng đi, đến đầu rẫy của anh Nguyễn Ngọc M thì dừng lại rồi đi bộ khoảng 100m đến hàng cao su thứ hai tính từ rẫy mì nhà ông A P, A Đ lấy trong túi quần một bật lửa gas màu xanh và cúi người xuống dùng tay phải cầm bật lửa đốt đống lá cây cao su. Lúc này có chị Y C và chị Y B đang lấy củi tại rẫy nhà anh M cách chỗ A Đ đứng khoảng 30m và thấy A Đ cầm bật lửa đốt lá liền ra ký hiệu và nói “đừng đốt rẫy người ta”. Thấy vậy, A Đ giơ tay lên dọa đánh, vì sợ bị đánh nên chị Y C và Y B bỏ về. Sau khi đốt đống lá cao su thứ nhất, A Đ đi khoảng 03m về phía để xe rồi đốt đống lá cao su thứ hai, đốt xong A Đ tiếp tục đi khoảng 5m về phía để xe rồi đốt đống lá cao su thứ ba. Sau đó, A Đ ném bật lửa vào trong đám cháy rồi đi lại chỗ để xe và điều khiển xe mô tô đi qua rẫy nhà anh Nguyễn HN để đi vệ sinh rồi về nhà ngủ. Việc A Đ dùng bật lửa đốt rẫy đã làm cháy 463 cây cao su trồng từ năm 2008 của nhà anh Nguyễn Ngọc M đồng thời làm cháy lan sang 32 cây cao su trồng từ năm 2011 của nhà ông A S.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 10, 12 ngày 14/3/2017 của Hội đồng định giá tố tụng hình sự kết luận: Tài sản bị thiệt hại của ông Nguyễn Ngọc M có giá trị 165.233.200 đ (Một trăm sáu mươi lăm triệu hai trăm ba mươi ba nghìn hai trăm đồng); Tài sản bị thiệt hại của ông A S có giá trị 2.983.200đ (Hai triệu chín trăm tám mươi ba nghìn hai trăm đồng). Tổng giá trị thiệt hại là: 168.216.400đ (Một trăm sáu mươi tám triệu hai trăm mười sáu nghìn bốn trăm đồng)
Tại bản cáo trạng số 27/KSĐT ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy truy tố bị cáo A Đ về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy giữ quyền công tố trình bày lời luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên tội danh và khung hình phạt như bản cáo trạng đã truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bố A Đ phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; áp dụng khoản 2 Điều 143, các điểm n, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS 1999 đề nghị xử phạt bị cáo A Đ từ 36 tháng đến 42 tháng tù giam; Về trách nhiệm dân sự: Những người bị hại không yêu cầu gì nên không đề cập đến; Về án phí: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm..
Luật sư bào chữa cho bị cáo thống nhất với tội danh và điều luật mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị đồng thời đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo mức án 24 tháng tù giam, các vấn đề khác đều thống nhất như luận tội của đại diện Viện kiểm sát.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa HĐXX nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đều đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, đại diện theo pháp luật của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]Về hành vi phạm tội của bị cáo: Vào khoảng 13 giờ ngày 01/02/2017 tại rẫy cao su của anh Nguyễn Ngọc M ở làng R, xã Y, huyện S, bị cáo A Đ sau khi uống rượu đã dùng quẹt lửa đốt 03 đám lá cao su trong rẫy của anh M đã làm cháy 463 cây cao su trồng từ năm 2008 của anh Nguyễn Ngọc M đồng thời làm cháy lan sang 32 cây cao su của anh A S. Theo bản kết luận định giá tài sản số 10, 12 ngày 14/3/2017 của Hội đồng định giá tố tụng hình sự huyện Sa Thầy kết luận: Tài sản bị thiệt hại của anh Nguyễn Ngọc M có giá trị 165.233.200 đ (Một trăm sáu mươi lăm triệu hai trăm ba mươi ba nghìn hai trăm đồng); Tài sản bị thiệt hại của anh A S có giá trị 2.983.200đ (Hai triệu chín trăm tám mươi ba nghìn hai trăm đồng). Tổng giá trị thiệt hại do hành vi đốt rẫy của bị cáo A Đuưr gây ra là: 168.216.400đ (Một trăm sáu mươi tám triệu hai trăm mười sáu nghìn bốn trăm đồng). Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy truy tố bị cáo về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 2 Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3] Đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội: Xét thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Hành vi của bị cáo đã gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng nhân dân. Do vậy cần phải xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với hành vi phạm tội do bị cáo gây ra đồng thời răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
[4] Xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo:
- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Ngày 25/3/2010 A Đ bị Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xử phạt 07 năm tù về tội “Giết người”, sau khi chấp hành xong hình phạt chưa được xóa án tích mà lại phạm tội nghiêm trọng do cố ý nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.
- Về giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, bị cáo là người dân tộc thiểu số lại bị câm điếc bẩm sinh, hạn chế về khả năng giao tiếp ảnh hưởng đến khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình, nên coi đây là các tình tiết giảm nhẹ tại các điểm n, p khoản 1 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Căn cứ nhân thân cũng như tính chất mức độ, hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra thì cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ để cải tạo bị cáo trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
[5] Khi A Đ thực hiện hành vi đốt lá cao su tại rẫy anh Nguyễn Ngọc M có chị Y C và chị Y B chứng kiến và can ngăn nhưng do sợ bị A Đ đánh nên đã bỏ về. Sau đó, chị Y C và Y B đã cùng mọi người tham gia dập lửa để hạn chế thiệt hại. Hơn nữa, chị Y C và Y B cũng phối hợp khai báo rõ toàn bộ sự việc với Cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo nên không xem xét xử lý về hành vi “Không tố giác tội phạm’’ đối với chị Y B và Y C là phù hợp. Ngoài ra, trong vụ án này có 72 cây cao su của anh Nguyễn HN cũng bị cháy nhưng quá trình điều tra chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi gây thiệt hại đối với rẫy anh N nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Sa Thầy tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ. Theo đơn đề nghị xét xử vắng mặt, anh Nguyễn HN cũng nhất trí để tiếp tục điều tra làm rõ đối với 72 cây cao su của anh có bị cháy nên HĐXX không đề cập trong vụ án này nữa.
[6]. Về trách nhiệm dân sự: Những người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại nên HĐXX không xem xét giải quyết.
[7] Về xử lý vật chứng: Đối với xe mô tô (xe độ chế không rõ nguồn gốc) bị cáo sử dụng để làm phương tiện đi đốt rẫy. Trong quá trình điều tra, A Đ khai đã làm mất khi đi rừng, cơ quan điều tra đã truy tìm nhưng không thu thập được giấy tờ sở hữu nên không có cơ sở đề cập đến trong vụ án này. Chiếc quẹt lửa gas màu xanh đã bị bị cáo ném vào đám lá cháy nên không đề cập đến nữa.
[8] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo A Đ phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản"
Áp dụng khoản 2 Điều 143; các điểm n, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999.
Xử phạt bị cáo A Đ 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.
- Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Căn cứ Điều 21; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và mục I phần A Danh mục mức án phí, lệ phí Toà án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Bị cáo A Đ phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Căn cứ Điều 231; 234 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (29/12/2017) bị cáo, người đại diện theo pháp luật của bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, những người bị hại có quyền làm đơn kháng cáo gửi đến Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum để xin xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Đối với anh Nguyễn HN vắng mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, điều 7 và điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 31/2017/HSST ngày 29/12/2017 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản
Số hiệu: | 31/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Sa Thầy - Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về