TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
BẢN ÁN 31/2017/DS-PT NGÀY 10/07/2017 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN
Trong các ngày 15 tháng 5 và ngày 10 tháng 7 năm 2017, tại Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 04/2017/TLPT-DS ngày 20 tháng 2 năm 2017 về tranh chấp kiện đòi tài sản.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2017/DS-ST ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 64/2017/QĐ-PT ngày 29 tháng 03 năm 2017, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Ksor H’B, sinh năm: 1964; địa chỉ: Buôn M, xã P, huyện K, tỉnh Gia Lai;
2. Bị đơn: Ông Rmăh B, bà Nay H’V, chị Nay H’M, chị Nay H’S; cùng địa chỉ: Buôn H’L, xã C, huyện K, tỉnh Gia Lai.
3. Người kháng cáo là nguyên đơn bà Ksor H’B.
4. Người phiên dịch tiếng Jrai: Bà Nay H’Gian; địa chỉ: Thôn 4, xã A, thành phố P, tỉnh Gia Lai.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng bà Ksor H’B trình bày:
Vào ngày 15-3-2009, bà với ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S có thực hiện 01 hợp đồng trồng sắn (sắn) chung, các bên cam kết trồng 2.2 héc ta sắn trên đất của ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M, chị Nay H’S, bà chịu đầu tư các khoản tiền ăn, tiền công, tiền phân bón còn phía bị đơn chịu đất trồng. Việc thỏa thuận có lập thành “Giấy hợp đồng” có chị Nay H’M đại diện cho ông Rmah B, bà Nay H’V và chị Nay H’S và bà cùng ký. Bà và các bị đơn cam kết khi thu hoạch sẽ chia đôi sản lượng sắn thu được. Sau đó đến vụ thu hoạch thì ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S tự ý đi thu hoạch hết 2,2 hecta sắn trồng chung này được 40 tấn sắn tươi và 4 tấn sắn tươi trên diện tích đất 1.7ha mà bà thuê của bà Nay H’R. Như vậy theo cam kết ban đầu thì phần sản lượng sắn bà được hưởng là 20 tấn sắn tươi làm trên đất chung và 4 tấn sắn tươi trên đất bà thuê của bà Nay H’R, tổng cộng là 24 tấn sắn tươi x 2.000đ/kg = 48.000.000 đồng. Nay bà yêu cầu ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S phải trả cho bà 48.000.000 đồng.
Về phía các bị đơn là ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S:
Kể từ khi Tòa án nhân dân huyện K thụ lý vụ án đã nhiều lần thông báo, triệu tập ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S để tham gia phiên họp, hòa giải và xét xử nhưng các bị đơn đều vắng mặt, không cung cấp lời khai, chứng cứ để Tòa án xem xét. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị đơn đã được Tòa án tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng họ vắng mặt không có lý do và cũng không ủy quyền cho ai khác tham gia tố tụng
Tại Bản án dân sụ sơ thẩm số 01/2017/DSST ngày 11-1-2017, Tòa án nhân dân huyện K đã quyết định:
Căn cứ các Điều 4,5,6; Điều 26, 35, 39, điểm b khoản 2 Điều 227, 266 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ksor H’B.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 23 tháng 1 năm 2017, nguyên đơn là Ksor H’B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên nội dung kháng cáo; Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị đơn là ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do và không vì sự kiện bất khả kháng, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không hoãn phiên tòa mà tiến hành xét xử vắng mặt các bị đơn.
Chứng cứ do nguyên đơn giao nộp là “Giấy hợp đồng” (bút lục số 123-125) thể hiện ngày 15-3-2009, giữa bà A mí N (tên gọi khác là Ksor H’B) và chị A mí H (tên gọi khác là Nay H’M) thỏa thuận và giao kết hợp đồng đầu tư trồng sắn, theo đó bên B là bà Ksor H’B đầu tư các khoản gồm tiền cày, tiền công; tiền mua thức ăn, đồ uống, gia vị; phân bón; gạo… để cùng trồng sắn chung trên 2,2 ha đất tại Buôn H’L, xã C, huyện K của bên A là chị Nay H’ Mol.
Nguyên đơn trình bày, mặc dù không ghi nhận trong hợp đồng nhưng các bên thỏa thuận đến khi thu hoạch sẽ chia đôi sản lượng sắn thu được. Sự việc trên được bị đơn là chị Nay H’M thừa nhận (bút lục số 65) nên lời khai của nguyên đơn là có cơ sở để chấp nhận.
Các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ thể hiện, trên thực tế, nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện việc đầu tư trồng sắn chung trong vụ sắn năm 2009-2010. Kết thúc niên vụ đầu tư, phía bị đơn đã thu hoạch toàn bộ sản lượng sắn, nhưng không chia cho nguyên đơn là đã vi phạm thỏa thuận giữa các bên nên việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả một nửa sản lượng sắn thu được là có căn cứ.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định rằng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã được giải quyết bằng Bản án số 11/2011/DSST ngày 31-8-2011 và Bản án số 02/2015/DSST ngày 26-5-2015 của Tòa án nhân dân huyện K là không đúng, bởi lẽ các bản án này chỉ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả nợ và yêu cầu trả lại tài sản đã đầu tư chứ không giải quyết yêu cầu của nguyên đơn đối với việc đòi các bị đơn trả một nửa sản lượng sắn thu được trong đó bao gồm cả phần lợi tức phát sinh từ việc góp vốn đầu tư trồng sắn chung. Trường hợp này, yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở để chấp nhận nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn trình bày, bà tự ước lượng sản lượng sắn thu hoạch được là 40 tấn tươi và giá sắn tươi tại thời điểm năm 2010 là 2.000 đồng/kg, thành tiền là 80.000.000 đồng, theo thỏa thuận thì bà được chia 40.000.000 đồng. Mặc dù trình bày như vậy, nhưng nguyên đơn không xuất trình được chứng cứ gì để chứng minh, các bị đơn cũng không thừa nhận lời khai trên của nguyên đơn.
Tại Công văn số 26/CV-NN ngày 26-5-2017, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện K xác định “Năng suất săn tươi tính trung bình trên toàn huyện K là 16 tấn/ha (năm 2010). Nếu diện tích 2.2 ha thì sản lượng tương đương là 35.2 tấn”.
Tại Công văn số 65/CV-TCKH ngày 30-5-2017, Phòng Tài chính kế hoạch huyện K xác định giá sắn tươi trên địa bàn huyện K tại thời điểm thu hoạch sắn niên vụ 2009-2010 là 1.300 đồng/kg.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ căn cứ vào nội dung của các công văn trên để xác định sản lượng sắn thu được từ việc đầu tư chung của các bên là 35.2 tấn săn tươi, giá trị mỗi tấn là 1.300.000 đồng, tổng giá trị là 45.760.000 đồng, theo thỏa thuận của các bên phần được chia của nguyên đơn là 17.6 tấn sắn tươi.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2011/DSST ngày 31-8-2011, Tòa án nhân dân huyện K đã buộc các bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn 13.820.000 đồng là các khoản tiền mà nguyên đơn đã đầu tư, tương đương với 10.6 tấn sắn tươi. Bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, trong vụ án này, Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc các bị đơn phải trả cho nguyên đơn lợi tức thu được là (17.6 tấn- 10.6 tấn) = 7 tấn sắn tươi.
Ngoài ra, tuy có yêu cầu đòi các bị đơn phải trả 4 tấn sắn tươi mà nguyên đơn cho rằng các bị đơn đã tự ý thu hoạch trên phần đất mà nguyên đơn thuê của bà H’R tại Buôn H’L, xã C nhưng nguyên đơn không xuất trình được được chứng cứ để chứng minh. Mặt khác, kết quả điều tra, xác minh của Công an huyện K tại Thông báo số 16/TB-CAH ngày 16-5-2014 (bút lục số 66) cũng thể hiện không có sự việc như nguyên đơn đã trình bày nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn.
Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm như sau:
- Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: (24 tấn sắn tươi – 7 tấn sắn tươi) x 1.300.000 đồng/tấn x 5% = 1.105.000 đồng.
- Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: (7 tấn sắn tươi x 1.300.000 đồng/tấn) x 5 % = 455.000 đồng.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26, 27, 29 của Nghị quyết số 326/2014/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn là bà Ksor H’B; sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2017/DSST ngày 11-1-2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai đã xét xử tranh chấp kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là bà Ksor H’B với bị đơn là ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S như sau:
Áp dụng các Điều 235, 280, 281, 285, 289 của Bộ luật dân sự năm 2005; tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ksor H’B.
Buộc ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S phải liên đới trả cho bà Ksor H’B 7 tấn sắn tươi.
Buộc bà Ksor H’B phải chịu 1.105.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 1.200.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0005755 ngày 13-6-2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Gia Lai; bà Ksor H’B được nhận lại khoản tiền chênh lệch là 95.000 đồng.
Buộc ông Rmah B, bà Nay H’V, chị Nay H’M và chị Nay H’S phải liên đới chịu 455.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm:
Bà Ksor H’B không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại cho bà Ksor H’B 300.0000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0005808 ngày 24-1-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 31/2017/DS-PT ngày 10/07/2017 về tranh chấp kiện đòi tài sản
Số hiệu: | 31/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Gia Lai |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về