Bản án 310/2020/DS-PT ngày 21/12/2020 về tranh chấp kiện đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 310/2020/DS-PT NGÀY 21/12/2020 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN

Trong các ngày 14, 21 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 278/2020/TLPT-DS ngày 06 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp kiện đòi tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 24/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 289/2020/QĐ-PT ngày 29 tháng 10 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH Bình Dương C (viết tắt Công ty C); địa chỉ: Lô A, đường B, Khu Công nghiệp C, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông C, sinh năm 1957– Chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện hợp pháp của ông C: Bà Văn Thị Diễm T, sinh năm 1976; địa chỉ: Số B, Phường C, Quận E, Thành phố H; địa chỉ liên hệ: Số B, Phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 16/5/2019).

- Bị đơn: Bà Phạm Thị T, sinh năm 1988, địa chỉ: Số D, đường E, khu A, phường C, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty TNHH Bao bì Giấy G; địa chỉ: Số S, khu phố Đ, phường D, thành phố D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm 1979 – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.

2. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M; địa chỉ: Số A, phường B, Quận D, Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ nhà máy: Lô A, đường N, Khu công nghiệp P, xã P, huyện B, tỉnh Long An.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vương Đình K, sinh năm 1960; địa chỉ: Số A, lô B, Chung cư H, phường S, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của ông Vương Đình K: Ông Vương Đình Quỳnh H, sinh năm 1986, địa chỉ: Số B, đường N, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 14/12/2020).

- Người làm chứng: Bà Trịnh Thị G, sinh năm 1986; địa chỉ: Số T, khu phố U, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; địa chỉ liên hệ: Phòng C, lầu X, Chung cư A, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Tại Đơn khởi kiện đề ngày 18/9/2019 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn, đại diện nguyên đơn trình bày: Năm 2010, Công ty C ký hợp đồng lao động số 1000016 với bà Phạm Thị T, giữ chức vụ nhân viên (tổ 2) phụ trách kinh doanh. Thời gian đầu bà T luôn làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Ngày 14/5/2019, Công ty C phát hiện bà T lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của công ty. Sau khi làm rõ sự việc, ngày 14/5/2019, bà T thừa nhận hành vi của mình và cam kết thanh toán tiền nợ. Nội dung của cam kết thanh toán tiền nợ cụ thể như sau: “Bà T xác nhận đã chiếm đoạt trái phép tài sản của Công ty C tổng số tiền 1.355.780.000 đồng; bà T cam kết sẽ thanh toán số tiền nợ vào ngày 17/5/2019 và sẽ dùng mọi tài sản cá nhân để thanh toán các khoản nợ cho Công ty như đã thỏa thuận; nếu bà T chậm trả theo thỏa thuận thì sẽ chịu trách nhiệm đối với số tiền chậm trả tương ứng với mức lãi suất là 0,5%/ngày trên số tiền chậm thanh toán”. Chữ ký, dấu lăn tay trong bản Cam kết thanh toán tiền nợ là của bà T. Cùng ngày 14/5/2019, bà T nghỉ việc tại Công ty. Đến ngày 17/5/2019, bà T không trả tiền lại cho công ty.

Số tiền trên không liên quan đến hai khoản nợ của Công ty TNHH Bao bì Giấy G (viết tắt: Công ty G) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M (viết tắt: Công ty M) như bà T trình bày. Số tiền trên là do quá trình làm việc bà T đã lừa dối Công ty C có được, bà T tự ngồi khai ra với công ty và tự nộp bản cam kết thanh toán tiền nợ cho công ty, công ty không soạn thảo văn bản sẵn đưa cho bà Thơm điền thông tin vào như bà T trình bày. Ngoài tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 giữa Công ty C và bà Phạm Thị T thì Công ty C không còn chứng cứ nào khác chứng minh bà T chiếm đoạt số tiền 1.355.780.000 đồng. Số tiền trên do bà T tự tính ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2019, còn Công ty C không thể xác định được bà T chiếm đoạt số tiền cụ thể bao nhiêu.

Thủ đoạn bà T chiếm đoạt tiền của Công ty C là lợi dụng việc quản lý sơ hở của công ty và được công ty giao quyền quá lớn nên bà T đã cấu kết với nhân viên của công ty khách hàng báo về Công ty C hàng hóa bị lỗi (thực tế hàng hóa không bị lỗi) để Công ty C sản xuất lượng hàng hóa khác thay thế vào. Sau đó, bà T lấy hàng hóa đó bán lại cho chính công ty đã mua hàng trước đó với giá rẻ hơn giá hàng hóa ban đầu nhưng cao hơn giá phế liệu nhằm thu lợi bất chính.

Khi yêu cầu bà T viết tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019, công ty yêu cầu bà T ghi rõ thủ đoạn lấy tiền của công ty như trên nhưng bà T chỉ đồng ý viết có chiếm đoạt trái phép số tiền 1.355.780.000 đồng không ghi thủ đoạn lấy tiền. Trong tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019, công ty cẩn thận ở mục thông tin cá nhân không cho bà T đánh máy mà yêu cầu bà T viết tay điền thông tin vào để bà T không chối cãi.

Ngoài ra, Công ty C đã báo với Công an thành phố T, tỉnh Bình Dương về hành vi lừa dối chiếm đoạt tiền của bà T. Công an có đến công ty (không làm việc với bà T) và nói với công ty đây là chuyện nội bộ công ty không nên làm lớn chuyện, trường hợp bà T không chịu trả lại tiền thì báo với công an giải quyết. Sau khi bà T viết tờ cam kết thanh toán nợ và hứa sẽ trả nợ cho công ty nhưng sau đó không trả, vì vậy công ty nộp đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương nhưng Công an tỉnh Bình Dương cho rằng đây là giao dịch dân sự nên không giải quyết. Vì vậy, Công ty C khởi kiện yêu cầu bà T hoàn trả số tiền 1.355.780.000 đồng đã chiếm đoạt của Công ty và lãi suất chậm thanh toán tính đến ngày 30/9/2019 là 39.819.073 đồng.

Công ty C cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Bình Dương C (bản photo chứng thực); Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000611 (bản photo chứng thực); Điều lệ Công ty TNHH MTV C Bình Dương (bản photo); Giấy ủy quyền ngày 16/5/2019 (bản chính); Phiếu hướng dẫn số 1067/HD-PC01 ngày 15/7/2019 của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương (bản photo chứng thực); Đơn xin xác nhận ngày 10/8/2019 của Công ty Bình Dương C (bản photo); Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 giữa Công ty Bình Dương C và bà Phạm Thị T (bản photo); Đơn xin nghỉ việc đề ngày 13/4/2019 của bà Phạm Thị T; Căn cước công dân của bà Văn Thị Diễm T (bản photo); Đơn tường trình ngày 26/11/2019 bà Văn Thị Diễm T (bản chính); Bản tự khai đề ngày 09/01/2020 của bà Văn Thị Diễm T (bản chính); Bản tự khai đề ngày 06/3/2020 của bà Văn Thị Diễm T (bản chính); Hợp đồng lao động ngày 01/9/2010 và phụ lục hợp đồng lao động giữa Công ty Bình Dương C - bà Phạm Thị T (bảo photo); Hợp đồng lao động ngày 01/9/2011 và phụ lục hợp đồng lao động giữa Công ty Bình Dương C - bà Phạm Thị T (bảo photo); Hợp đồng lao động ngày 01/9/2012 và 10 phụ lục hợp đồng lao động giữa Công ty Bình Dương C - bà Phạm Thị T (bảo photo).

- Tại Bản tự khai đề ngày 08/01/2020 và quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Phạm Thị T trình bày: Bà T bắt đầu làm việc tại Công ty C từ ngày 01/7/2010 theo Hợp đồng lao động số 100016/HĐLĐ không xác định thời hạn. Công việc chính của bà T tại công ty là nhân viên sales trong, phụ trách triển khai đơn hàng về bao bì thùng giấy carton và theo dõi tiến độ giao hàng của những khách hàng nhân viên sales tìm kiếm về. Từ giữa năm 2018 đến tháng 5 năm 2019, bà T được cấp trên phân công làm sales ngoài để khai thác khách hàng mới có sử dụng bao bì thùng carton.

Tại thời điểm kí vào giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ”, bà T vẫn đang là nhân viên kinh doanh của công ty, khi bị gọi lên phòng họp kín, bị luật sư hù dọa sẽ đuổi việc nếu không ký vào tờ giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ”, trong tâm trạng lo lắng và rất hoang mang và sợ mất việc nên bà T đã ký vào tờ giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ”. Sau khi ký xong, luật sư tiếp tục yêu cầu bà T kí vào “Đơn xin nghỉ việc” và nói đây là ý muốn của cấp trên.

Mục đích khi bà T ký vào tờ “Cam kết thanh toán tiền nợ” là để xác nhận số tiền nợ của hai khách hàng là Công ty G và Công ty M do bà T phụ trách tính đến thời điểm ngày 14/5/2019, vì theo quy định của công ty, nhân viên kinh doanh có trách nhiệm thu hồi tiền công nợ của khách hàng về đúng hợp đồng nguyên tắc mà Công ty C đã ký với khách hàng vì hai công ty này do bà T tự tìm kiếm về cho Công ty C để giao dịch mua bán giấy carton. Việc thỏa thuận bà T có trách nhiệm trả hai khoản nợ trên nếu không thu được tiền nợ của khách hàng chỉ bằng lời nói không ghi trong hợp đồng lao động hay quy chế, điều lệ công ty.

Bà T thừa nhận chữ viết, chữ ký (bằng bút bi) và dấu vân tay trong tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 là chữ viết chữ ký và dấu vân tay của bà T, còn những chữ đánh bằng máy vi tính là do Công ty C soạn sẵn yêu cầu bà T điền thông tin cá nhân, ký tên và lăn tay. Tuy nhiên, ngày bà T viết, ký đơn nghỉ việc là ngày 14/5/2019 cùng ngày viết tờ Cam kết thanh toán tiền nợ không phải ngày 13/4/2019 như bà T trình bày. Sau khi ký đơn nghỉ việc, bà T bị bà T và 02 người khác yêu cầu bà T ra khỏi công ty, không cho làm việc.

Bà Thơm không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty C vì bà T không lừa dối, chiếm đoạt số tiền 1.355.780.000 đồng.

Chứng cứ chứng minh Công ty C ép buộc bà T ký tờ cam kết thanh toán nợ là do công ty không muốn bà T và bà G (bà Trịnh Thị G- người làm chứng trong vụ án) làm việc tại công ty nữa nên ép buộc bà T và bà G nghỉ việc. Tuy nhiên, do bà T còn có trách nhiệm đòi nợ hai Công ty M và Công ty G nên Công ty C ép buộc bà T ký tờ cam kết thanh toán nợ, do sơ suất không đọc kỹ, đồng thời bà T nghĩ chỉ là tờ cam kết thanh toán nợ và thấy số tiền khách hàng nợ hợp lý nên bà T ký mà không biết trong đó có nội dung bà T chiếm đoạt số tiền 1.355.780.000 đồng.

Bà T cho biết nếu hàng hóa không đạt chất lượng, khách hàng trả hàng hóa thì bộ phận vận chuyển sẽ gọi cho nhóm kinh doanh của bà T. Nhóm của bà T sẽ gọi cho khách hàng hỏi nguyên nhân vì sao trả hàng, hàng hóa bị những lỗi gì (in sai màu, độ nén không đạt, màu giấy không giống mẫu, sai quy cách…). Sau khi biết lỗi, nhân viên kinh doanh sẽ làm 01 phiếu nhận hàng trả về, đưa cho bộ phận vận chuyển (vận chuyển và kho chung bộ phận) để lấy hàng về. Sau khi lấy hàng về, bộ phận QC (kiểm tra chất lượng sản phẩm) sẽ xuống kiểm tra lỗi, bộ phận kho kiểm tra số lượng hàng hóa chuyển về. Bộ phận QC sẽ làm 01 báo cáo lỗi cho Xưởng trưởng, sau đó Xưởng trưởng có trách nhiệm xử lý lại hàng hóa bị lỗi để giao lại hàng hóa cho khách hàng, nếu hàng hóa bị lỗi nhiều phải hủy bỏ thì bộ phận sản xuất sẽ sản xuất lại đơn hàng để giao lại khách hàng. Hàng hóa bị lỗi, hủy bỏ do bộ phận xưởng và kho tự thực hiện, bên bộ phận kinh doanh không biết. Bà T chỉ nghe nói cách xử lý đối với hàng hóa bị lỗi là cắt nhiễn giấy carton nén cục đem đi tái chế lại.

Tất cả hàng hóa không đảm bảo chất lượng đều phải đem về kho để bộ phận QC để kiểm tra lại, không có hàng hóa nào cho phép bộ phận kinh doanh được bán phế liệu, bán rẻ cho khách hàng vì đó là quy định, quy trình của công ty.

Bà T cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng sau: Bản tự khai đề ngày 08/01/2020 của bà T (bản chính); Giấy phép lái xe của bà T (bản photo):

- Tại Bản tự khai ngày 06/3/2020 và quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Bao bì Giấy G trình bày:

Khoảng năm 2018, nhân viên Công ty C tên là A gọi điện thoại qua Công ty G chào hàng bán giấy carton. Công ty G đồng ý mua hàng nên sau đó, Công ty C cử hai nhân viên có tên là T, G đến công ty để bàn bạc ký kết hợp đồng. Sau khi xem xét, Công ty G đồng ý nên Công ty C soạn hợp đồng và 02 bên ký kết.

Quá trình thực hiện hợp đồng đến năm 2019 thì không tiếp tục nữa do sản phẩm giấy tấm giao liên tục trễ tiến độ và chất lượng không đảm bảo như cam kết, đồng thời tăng giá quá cao so với tình hình tăng giá của thị trường nên Công ty G không đặt hàng bên công ty C nữa. Tính đến tháng 5/2019, Công ty G còn nợ Công ty C số tiền 1.458.102.582 đồng, trả dần cho đến ngày 03/3/2020, Công ty G còn nợ lại số tiền 380.332.768 đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty G có thiếu nợ Công ty C nên chị T, chị G có đến công ty để đòi nợ. Việc thanh toán tiền hàng giữa Công ty C và Công ty G bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, không có việc trả tiền mặt cho nhân viên Công ty C.

Đối với việc tranh chấp giữa Công ty C và chị T, Công ty Công ty G không có ý kiến, chỉ mong Tòa án căn cứ vào chứng cứ các bên cung cấp để xét xử đúng quy định pháp luật.

Công ty G cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao y bản chính); Bản tự khai ngày 06/3/2020 của ông Nguyễn Thanh T (bản chính); Giấy CMND của ông Nguyễn Thanh T (bản sao y bản chính); Đơn đề nghị vắng mặt của ông T (bản chính).

- Tại Văn bản số 02/2020-MP ngày 24/02/2020 và quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M trình bày:

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M bắt đầu đặt thùng carton của Công ty C từ năm 2011 thông qua nhân viên tên G. Sau này, thêm một nhân viên tên T, mọi việc diễn ra rất tốt, chất lượng hàng hóa đảm bảo, Công ty M thanh toán đầy đủ từ tài khoản của Công ty M đến tài khoản Công ty C theo đúng hóa đơn được Công ty C phát hành. Đến thời điểm khoảng 11/2018, chất lượng thùng carton do Công ty C cung cấp kém dần đi, cụ thể là rất nhiều thùng bị bung keo khi chưa sử dụng, bị thấm ẩm, sụp bể trong quá trình vận chuyển xuất khẩu. Sau nhiều lần thông báo nhưng Công ty C không có sự cải thiện, làm cho Công ty M bị thiệt hại khá nhiều. Vì vậy, đến tháng 04/2019, Công ty M quyết định ngưng đặt hàng và giữ công nợ số tiền hơn 600.000.000 đồng, để yêu cầu Công ty C xử lý vấn đề.

Đến tháng 12/2019, Công ty M và Công ty C đi đến thống nhất, Công ty C chấp nhận chịu phạt 50% tổng công nợ để đền bù thiệt hại của Công ty M. Công ty M đồng ý và thanh toán toàn bộ công nợ còn lại cho Công ty C.

Quá trình thực hiện hợp đồng, bên phía công ty M có thiếu nợ Công ty C nên chị T, chị G có đến Công ty M để đòi nợ. Việc thanh toán tiền hàng giữa Công ty C và Công ty M là bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, không có việc trả tiền mặt cho nhân viên công ty C.

Đối với việc tranh chấp giữa Công ty C và chị T, Công ty M không có ý kiến, chỉ mong Tòa án căn cứ vào chứng cứ các bên cung cấp để xét xử đúng quy định pháp luật.

Công ty M cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ sau: Công văn số 02/2020-MP ngày 24/02/2020 của Công ty M về việc phúc đáp thông báo của Tòa án (bản chính); Phiếu thu dịch vụ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ngày 13/01/2020 (bản sao y bản chính); Giấy báo nợ ngày 24/02/2020 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (bản sao có mộc dấu); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty M (bản sao); Giấy ủy quyền của Công ty M cho ông Vương Đình Huỳnh H (bản sao); Đơn đề nghị vắng mặt của ông H (bản chính).

Tại phiên tòa sơ thẩm: Người đại diện của nguyên đơn là bà Văn Thị Diễm T thay đổi yêu cầu khởi kiện về tiền lãi. Tiền lãi tính từ ngày 14/5/2019 đến ngày 23/6/2020, là 404 ngày, mức lãi suất 8%/năm (365 ngày), tương đương số tiền 120.051.428 đồng. Tổng số tiền bà Thúy yêu cầu bà T trả cho Công ty C là 1.475.831.428 đồng (bao gồm tiền gốc 1.355.780.000 đồng và tiền lãi 120.051.428 đồng).

Bà T cung cấp thêm cho Tòa án tài liệu chứng cứ sau: Danh sách 22 công ty (trong đó có Công ty G và M) mua hàng của Công ty C do bà T phụ trách đã thanh toán xong tiền nợ trước khi bà T nghỉ việc. Bà T trình bày số tiền Công ty G và Công ty M chưa thanh toán là những hợp đồng phát sinh sau khi bà T nghỉ việc tại Công ty C, không liên quan đến hai khoản nợ như bà T trình bày.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 24/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty C đối với bị đơn bà Phạm Thị T về việc tranh chấp kiện đòi số tiền 1.475.831.428 đồng (một tỷ bốn trăm bảy mươi lăm triệu tám trăm ba mươi mốt ngàn bốn trăm hai mươi tám đồng), bao gồm: tiền gốc 1.355.780.000 đồng và tiền lãi 120.051.428 đồng.

Tuyên bố tờ Cam kết thanh toán nợ ngày 14/5/2019 giữa Công ty C và bà Phạm Thị T vô hiệu do bà T bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trước khi ký.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 03/7/2020, nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Đồng thời, nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu tính lãi đến thời điểm xét xử phúc thẩm với số tiền 169.676.796 đồng. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

- Về nội dung: Xét tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 được ký kết giữa Công ty C và bà Phạm Thị T (bút lục 16), bị đơn thừa nhận chữ ký, dấu lăn tay là của bị đơn. Xét thấy, nguyên đơn không chứng minh được số tiền 1.355.780.000 đồng mà bị đơn chiếm đoạt trong đơn hàng nào? thời điểm cụ thể ra sao? Các khách hàng của nguyên đơn đã thanh toán tiền cho bị đơn? Nguyên đơn cho rằng bị đơn lợi dụng nhiệm vụ được giao đã lập các chứng từ báo lỗi sản phẩm để công ty bán phế liệu cho đối tác gây thất thoát tài sản cho nguyên đơn nhưng nguyên đơn không chứng minh được đã phân công nhiệm vụ cho bị đơn trong quá trình làm việc từ năm 2010 cho đến thời điểm lập tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019. Ngoài ra, nguyên đơn cho rằng số tiền 1.355.780.000 đồng là kết quả tổng hợp những thiệt hại do bị đơn gây thất thoát trong quá trình làm việc từ năm 2010 nhưng những vi phạm đó không được nguyên đơn lập biên bản hoặc chứng cứ để chứng minh bị đơn có sai phạm.

Trong quá trình làm việc tại công ty, bị đơn hoàn toàn không vi phạm quy định, nội quy công ty.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của Công ty M đã xác định thanh toán cho Công ty C số tiền 695.476.000 đồng vào ngày 15/01/2020 là những khoản nợ những đơn hàng trong năm 2018, 2019 phù hợp với lời trình bày của bị đơn là tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 thể hiện số nợ của Công ty M và Công ty G. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nhưnng tuyên bố giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ” vô hiệu là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Vì vậy, kháng cáo của nguyên đơn không có cơ sở chấp nhận nên đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm về cách tuyên.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; ý kiến Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Bao bì Giấy G đã được Tòa án triệu tâp hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không rõ lý do nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đương sự trên theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về nội dung vụ án: Năm 2010, nguyên đơn có ký hợp đồng lao động số 1000016 với bà Phạm Thị T, giữ chức vụ nhân viên (tổ 2) phụ trách kinh doanh. Thời gian đầu bà T luôn làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bị đơn bà T đã lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo, sơ hở và tin tưởng của Công ty C đối với những hàng hóa (thùng giấy carton) giao cho khách hàng không bị lỗi nhưng bị đơn bà T báo là có lỗi nhằm thu lợi bất chính nên bà T đã soạn thảo bằng máy vi tính, điền thông tin cá nhân vào tờ Cam kết thanh toán tiền nợ và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 rồi giao nộp cho Công ty C. Số tiền 1.355.780.000 đồng là do bà T tự tính ra trong khoảng thời gian 10 năm làm việc tại Công ty C. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn bà T hoàn trả số tiền 1.355.780.000 đồng đã chiếm đoạt của công ty và lãi suất chậm thanh toán tính đến ngày 30/9/2019 là 39.819.073 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đề nghị yêu cầu tính lãi đến thời điểm xét xử phúc thẩm với số tiền 169.676.796 đồng.

Bị đơn bà Phạm Thị T không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và cho rằng mình không soạn thảo tờ cam kết và đơn xin nghỉ việc. Bà T bị bà T dụ dỗ, ép buộc ký tờ cam kết và đơn xin nghỉ việc do Công ty C soạn sẵn.

Khi ký tờ Cam kết thanh toán tiền nợ bà T nghĩ là số tiền nợ của Công ty G và Công ty M chưa thanh toán, không nghĩ là tiền chiếm đoạt bằng hành vi lừa dối Công ty C.

[3] Xét ý kiến của hai bên đương sự, đối chiếu với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, thấy rằng:

[3.1] Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn và bị đơn thống nhất trình bày: Năm 2010, bị đơn bà T bắt đầu làm việc tại Công ty C theo Hợp đồng lao động số 1000016 với chức vụ nhân viên kinh doanh nên đây là tình tiết không cần phải chứng minh quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trước khi khởi kiện vụ án thì Công ty C đã nộp đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương. Ngày 15/7/2019, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương có Phiếu hướng dẫn số 1067/HD-PC01 với nội dung: “Việc bà Văn Thị Diễm T và Công ty TNHH Bình Dương C nghi ngờ bà Trịnh Thị G và Phạm Thị T gian dối trong thời gian làm kinh doanh để chiếm đoạt tiền của công ty nhưng không cung cấp được cơ sở để xác định. Số tiền G và T xác nhận với Công ty C là tiền khách hàng do G và T phụ trách đang thiếu nợ chưa đến thời hạn thanh toán nên trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì đây là tranh chấp dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương”. Như vậy, giao dịch giữa bà T với Công ty C là giao dịch dân sự.

[3.2] Xét tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 với nội dung: “Hôm nay, ngày 14 tháng 05 năm 2019 tại C…Điều 1: Thỏa thuận xác nhận nợ: “Bên B xác nhận đã chiếm đoạt trái phép tài sản của Công ty TNHH Bình Dương C tổng số tiền là 1.355.780.000 đ (Một tỷ ba trăm năm mươi lăm triệu bảy trăm tám mươi nghìn đồng).

Điều 2: Cam kết của Bên B:

- Bên B cam kết sẽ thanh toán số tiền nợ vào ngày 17 tháng 05 năm 2019 và sẽ dùng mọi tài sản cá nhân để thanh toán các khoản nợ cho Bên A như thỏa thuận.

- Kể từ thời điểm ký văn bản này, Bên B cam kết sẽ không có bất cứ hành vi nào gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sản xuất của Công ty TNHH Bình Dương C và các đối tác của công ty. Đồng thời, gây đe dọa, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của các thành viên trong ban lãnh đạo Công ty TNHH Bình Dương C. Bên B cam kết chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu thực hiện các hành vi trên…” Cuối tờ cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 ở mục Bên A là chữ ký và con dấu của Công ty C; Bên B là chữ ký và dấu vân tay của bà Phạm Thị T.

Bị đơn cho rằng bị bà T dụ dỗ, ép buộc ký tờ cam kết thanh toán tiền nợ và đơn xin nghỉ việc do Công ty C soạn sẵn. Khi ký tờ cam kết thanh toán tiền nợ bà Thơm nghĩ là số tiền nợ của Công ty G và Công ty M chưa thanh toán, không nghĩ là tiền chiếm đoạt bằng hành vi lừa dối Công ty C nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Tại phiên tòa, bị đơn trình bày là bị đơn có trình độ văn hóa 12/12, tốt nghiệp Đại học. Hội đồng xét xử thấy bị đơn là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên việc bà T ký vào tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 là đồng nghĩa với việc bà chấp nhận toàn bộ nội dung trong tờ cam kết trên. Vì vậy, bà T phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đồng thời, nội dung tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 không vi phạm điều cấm nên phát sinh hiệu lực giữa các bên. Điều này hoàn toàn phù hợp với quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà T thừa nhận chữ viết bằng bút bi, chữ ký tên Phạm Thị T và dấu vân tay trong tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 là do bà T viết, ký tên và lăn tay. Tại phiên tòa, bị đơn cũng thừa nhận trước khi ký tờ Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019, bị đơn có đọc qua nội dung nhưng vẫn ký vào nên có căn cứ xác định bà T đã chiếm đoạt trái phép tài sản của Công ty TNHH Bình Dương C tổng số tiền là 1.355.780.000 đồng. Do đó, có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[3.3] Đối với yêu cầu tính tiền lãi đến thời hạn xét xử phúc thẩm với số tiền 169.676.796 đồng.

Tại Điều 2 của Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 có nội dung “…- Bên B cam kết sẽ thanh toán số tiền nợ vào ngày 17 tháng 05 năm 2019 và sẽ dùng mọi tài sản cá nhân để thanh toán các khoản nợ cho Bên A như thỏa thuận…Nếu Bên B chậm trả theo thỏa thuận thì sẽ chịu trách nhiệm đối với số tiền chậm trả tương ứng với mức lãi suất là 0,5%/ngày trên số tiền chậm thanh toán”.

Như vậy, nguyên đơn với bị đơn thống nhất với nhau về việc thanh toán tiền nợ, quá thời hạn thanh toán thì bị đơn phải trả lãi với mức lãi suất 0,5%/ngày. Tuy nhiên, tại phiên tòa người đại diện của nguyên đơn là bà Văn Thị Diễm T thay đổi yêu cầu khởi kiện về yêu cầu tính tiền lãi từ ngày 18/5/2019 đến ngày 14/12/2020 với mức lãi suất 8%/năm. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. Vì vậy, mức lãi suất áp dụng cho nguyên đơn là 0,83%/tháng và thời gian bà T chậm trả đến ngày xét xử phúc thẩm là 18 tháng 26 ngày nhưng người đại diện hợp pháp của nguyên đơn chỉ yêu cầu mức lãi suất là 8%/năm (tương đương với 0,66%/tháng) với thời gian chậm trả từ ngày 18/5/2019 đến ngày 14/12/2020 (18 tháng 26 ngày) là có lợi cho bị đơn nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Số tiền lãi chậm trả: Số tiền gốc 1.355.780.000 đồng x 0,66%/tháng x 18 tháng 26 ngày = 168.821.725 đồng.

Do đó, tổng số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn: Số tiền gốc 1.355.780.000 đồng + tiền lãi chậm trả 168.821.725 đồng = 1.524.601.725 đồng (một tỷ năm trăm hai mươi bốn triệu sáu trăm lẻ một nghìn bảy trăm hai mươi lăm đồng).

[5] Từ những phân tích nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp.

Kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C là có căn cứ chấp nhận.

[6] Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát là không phù hợp.

[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

[8] Về án phí dân sự phúc thẩm: Kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C được chấp nhận nên nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 147; khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308; Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C.

2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 24/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương như sau:

2.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C về việc “tranh chấp kiện đòi tài sản”.

2.2. Buộc bị đơn bà Phạm Thị T trả cho nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C số tiền 1.524.601.725 đồng (một tỷ năm trăm hai mươi bốn triệu sáu trăm lẻ một nghìn bảy trăm hai mươi lăm đồng); trong đó nợ gốc là 1.355.780.000 đồng và nợ lãi là 168.821.725 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí sơ thẩm: Bị đơn bà Phạm Thị T phải chịu số tiền 57.738.051 đồng (năm mươi bảy triệu bảy trăm ba mươi tám nghìn không trăm năm mươi mốt đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Trả lại cho nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C số tiền tạm ứng án phí đã nộp 26.934.000 đồng (hai mươi sáu triệu chín trăm ba mươi bốn nghìn đồng) theo theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0041136 ngày 09/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Bình Dương (do bà Văn Thị Diễm T nộp thay).

4. Về án phí phúc thẩm: Hoàn trả lại cho nguyên đơn Công ty TNHH Bình Dương C số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0050241 ngày 22/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Bình Dương (do bà Văn Thị Diễm T nộp thay).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

320
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 310/2020/DS-PT ngày 21/12/2020 về tranh chấp kiện đòi tài sản

Số hiệu:310/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về