TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 303/2019/HC-PT NGÀY 22/05/2019 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Ngày 22 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 24/2018/TLPT-HC ngày 09 tháng 01 năm 2018 về việc Khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước về chế độ chính sách Do Bản án hành chính sơ thẩm số 33/2017/HC-ST ngày 12 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 570/2019/QĐPT-HC ngày 02 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:
- Người khởi kiện: Ông Phạm Đình C, sinh năm: 1959 (có mặt).
Địa chỉ: thôn H1, xã Đ1, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn C1 (có mặt).
Địa chỉ: thôn L1, xã Đ1, huyện ĐạTẻh, tỉnh Lâm Đồng.
(Theo văn bản ủy quyền lập ngày 28/10/2016).
- Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Văn H (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Văn H (có mặt).
- Người kháng cáo: Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện, ông Nguyễn Văn C1.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 24/8/2016 và bản tự khai của người khởi kiện - ông Phạm Đình C trình bày thì:
Từ tháng 9/1983 đến tháng 3/2015, ông làm việc tại xã Đ1, huyện Đ và giữ các chức vụ: Cán bộ văn phòng, Ủy viên thư ký, Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND), Chủ tịch Hội đồng nhân dân (sau đây viết tắt là HĐND), Bí thư đảng ủy xã, Đại biểu HĐND huyện, Huyện ủy viên Ban chấp hành đảng bộ huyện Đ hai nhiệm kỳ (2005-2010 và 2010-2015).
Ngày 01/4/2015, ông được Ban thường vụ Huyện ủy Đ điều động và chỉ định cán bộ lãnh đạo quản lý tại Đảng ủy xã Hương Lâm theo Quyết định số 502/QĐ-HU ngày 26/3/2015 và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm theo Quyết định số 509/QĐ-HU ngày 06/4/2015 của Ban thường vụ Huyện ủy Đ.
Thực hiện kết luận số 426/KL-HU ngày 05/6/2015 của Ban thường vụ Đ, Ban tổ chức huyện ủy Đ đã có công văn số 123/CV-BTC ngày 08/6/2015 gửi Đảng ủy xã Đ1 thống nhất cho ông thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐND xã Đ1 và điều động về nhận công tác tại cơ quan Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Đ để giới thiệu bầu giữ chức danh Phó chủ tịch UBMTTQVN huyện nhiệm kỳ 2014- 2019 nhưng lại không thực hiện việc điều động ông về công tác.
Ngày 20/7/2015, ông đến nhận công tác tại Ban Dân vận thuộc Huyện ủy Đ theo Quyết định số 611/QĐ-HU ngày 17/7/2015 với chức vụ Phó Ban của Ban Thường vụ Huyện ủy Đ. Tuy nhiên vào ngày 07/9/2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Đ lại ban hành Quyết định số 05/QĐ-HU về việc thu hồi quyết định số 611/QĐ-HU.
Đến ngày 20/9/2015, ông nhận được Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND huyện Đ về việc cho ông nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Quyết định này được ban hành là trái với quy định của pháp luật, cụ thể:
+ Khoản 1 Điều 31 - Luật cán bộ công chức năm 2008 quy định: Nghỉ hưu đối với cán bộ trong khi Quyết định 1281/QĐ-UBND lại căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội;
+ Khoản 1 Điều 187 - Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 quy định tuổi nghỉ hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng ông chỉ mới đủ 55 tuổi 10 tháng đã cho nghỉ hưu;
+ Khoản 3 Điều 127 - Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 thì Chủ tịch UBND mới có thẩm quyền ban hành quyết định cho nghỉ hưu.
Ngoài ra, việc nghỉ hưu phải được thông báo trước 06 tháng, tính đến ngày cán bộ nghỉ hưu; Trước 03 tháng tính đến ngày cán bộ nghỉ hưu phải ra quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Đ chưa ban hành Thông báo nghỉ hưu đã ban hành Quyết định nghỉ hưu và trước thời gian nghỉ hưu 15 ngày là sai quy định.
Thời điểm ban hành Quyết định, ông C không phải Bí thư nhưng tại Quyết định thể hiện chức danh của ông C là Bí thư là không đúng quy định.
+ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính Phủ tại mục 3 điểm 2 Điều 11 quy định: Trường hợp cán bộ công chức cấp xã nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có đủ từ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp theo quy định tại Nghị định 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hàng tháng. Theo quy định trên thì ông chưa hết tuổi lao động nhưng ông đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 32 năm 01 tháng. Do vậy, căn cứ Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 là trái với quy định của pháp luật.
Do vậy, ông khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND huyện Đ; Buộc UBND huyện Đ bồi thường tổn thất tinh thần cho ông với số tiền 36.000.000đồng (Ba mươi sáu triệu đồng).
Người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện Chủ tịch UBND huyện Đ trình bày:
Ông Phạm Đình C, sinh năm: 1959 có trình độ chuyên môn Trung cấp Quản lý Nhà nước, Bí thư Đảng ủy xã Đ1, huyện Đ điều động đến giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm từ tháng 4/2015. Đến tháng 6/2015, ông C được Ban Thường vụ huyện ủy Đ quy hoạch để bầu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tuy nhiên, sau khi Đảng ủy xã Hương Lâm tiến hành Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông C không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ xã nên không được giới thiệu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm.
Sau Đại hội trong thời gian từ ngày 29/5/2015 đến tháng 9/2015, do không có vị trí khác phù hợp để bố trí, sắp xếp cho ông C tiếp tục tham gia công tác nên ngày 08/9/2015, huyện ủy Đ đã có Văn bản số 08-CV/HU đề nghị UBND huyện giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với ông C.
Việc rà soát các đối tượng tinh giảm biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP thì tháng 8/2015, UBND huyện Đ đã ban hành đề án số 91/ĐA-UBND về tinh giảm biên chế cán bộ công chức viên chức giai đoạn 2015-2020. Ông C không thuộc đối tượng tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Do vậy, UBND huyện không xem xét thực hiện nghỉ hưu theo quy định trên.
Trường hợp xem xét nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức Chính trị - Xã hội; Căn cứ mục 2 Hướng dẫn 35-HD/BTCTW ngày 24/4/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 26/2015/NĐ-CP.
Sau khi xem xét, ông Phạm Đình C không thuộc đối tượng nghỉ chế độ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 26/5015/NĐ-CP thì ngày 16/9/2015, UBND huyện Đ ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND cho ông Phạm Đình C nghỉ hưu để hưởng lương hưu vì lý do không vị trí khác phù hợp để bố trí, sắp xếp cho ông Phạm Đình C tiếp tục tham gia công tác trên cơ sở các quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29/6/2006 đối chiếu với quá trình công tác từ tháng 9/1983 đến tháng 9/2015 là 32 năm, công tác tại khu vực 0,7; Tại thời điểm nghỉ hưu, ông C đã đủ 55 tuổi 10 tháng. Như vậy, ông C đủ điều kiện nghỉ hưu.
Căn cứ Quyết định số 473-QĐ/TU ngày 11/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng v/v ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ quy định cán bộ cấp xã thẩm quyền ban hành quyết định nghỉ hưu.
Do đó, Chủ tịch UBND huyện Đ ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 về việc cho ông nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là đúng pháp luật nên đề nghị Tòa án không chấp nhận nội dung khiếu kiện của ông Phạm Đình C yêu cầu hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 17/2016/HC-ST ngày 23/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xử:
Bác đơn khởi kiện của ông Phạm Đình C yêu cầu hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Phạm Đình C. Và yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần.
Ngày 28/4/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh số 71/2017/HC-PT đã xử “Hủy bản án số 17/2016/HC-ST ngày 23/12/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết lại theo thủ tục chung”.
Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm, ông Phạm Đình C rút một phần nội dung khiếu kiện: không yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần theo Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước đối với số tiền 36.000.000 đồng (Ba mươi sáu triệu đồng). Ông C giữ nguyên nội dung khiếu kiện đề nghị Tòa án xem xét hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Phạm Đình C.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 33/2017/HC-ST ngày 12 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định:
- Căn cứ Điều 30, Điều 32, Điều 116, Điều 143 Điều 193, Điều 204, Điều 206 và Điều 348 - Luật tố tụng hành chính năm 2015;
- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006;
- Căn cứ Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
- Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên:
1/. Đình chỉ giải quyết đối với nội dung khiếu kiện của ông Phạm Đình C yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng gây ra đối với số tiền 36.000.000 đồng (Ba mươi sáu triệu đồng);
2/. Bác nội dung khởi kiện của ông Phạm Đình C yêu cầu hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo.
Ngày 16/10/2017, Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện – ông Nguyễn Văn C1 có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm theo hướng hủy Quyết định hành chính số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ. Và yêu cầu yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đ thực hiện chi trả chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện là ông Phạm Đình C và ông Nguyễn Văn C1, người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ. Với lý do: Quyết định không căn cứ theo Điều 31 Luật Cán bộ công chức, khoản 1, 2 Điều 187 Luật bảo hiểm xã hội và không thực hiện theo đúng Nghị quyết hướng dẫn, không đúng thực tế, không đảm bảo chính xác của văn bản. Điều 50 Luật bảo hiểm xã hội làm tiêu chí để cho nghỉ hưu là không có căn cứ pháp luật.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa:
Về tố tụng, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính về phiên tòa phúc thẩm. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính.
Về nội dung, qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ về việc cho ông C nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội: là do không thể bố trí việc làm đối với ông C, ông C hơn 55 tuổi, có 32 năm đóng bảo hiểm xã hội nên đủ điều kiện nghỉ hưu. Ngạch cán bộ thì ông C phải phụ thuộc vào bầu cử còn ngạch công chức thì phải có bằng cấp. Tuy có thiếu sót về trình tự thủ tục, áp dụng pháp luật nhưng Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ giải quyết đúng đối tượng, không ảnh hưởng quyền lợi của ông C. Án sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ, đúng pháp luật, không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, có đủ cơ sở để kết luận: Toàn bộ diễn biến vụ án như phần tóm tắt nội dung đã được viện dẫn ở trên, xét kháng cáo của ông Phạm Đình C, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên như sau:
[1] Về tố tụng:
Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ về việc cho ông C nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 30 Luật tố tụng hành chính.
Ngày 16/10/2017, ông C có đơn khởi kiện là đúng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật tố tụng hành chính.
Do đó, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính.
[2] Về nội dung: Xét tính hợp pháp của Quyết định số 1281/QĐ-UBND.
[2.1] Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành các quyết định.
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và Điều 9 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức thì thẩm quyền ban hành quyết định cho ông C nghỉ hưu phải là của Chủ tịch UBND huyện Đ. Nhưng Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 lại do UBND huyện Đ ký ban hành là không đúng về mặt thẩm quyền theo quy định nêu trên.
Tại khoản 2 Điều 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ quy định:
“2. Thông báo nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu đối với công chức cấp xã:
a) Chủ tịch UBND cấp huyện thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí cho công chức trước 06 tháng; ra quyết định cho công chức cấp xã nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí trước 03 tháng, tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Mẫu thông báo và quyết định nghỉ hưu thực hiện theo Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 46/2010/NĐ-CP”.
Cho đến thời điểm Chủ tịch UBND huyện Đ ban hành Quyết định số 1281/QĐ- UBND cho ông C nghỉ hưu thì Chủ tịch UBND huyện Đ không ban hành thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu cho ông C nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu chỉ được ban hành trước thời điểm nghỉ hưu là 15 ngày là không đảm bảo thời hạn trước 3 tháng theo quy định nêu trên. Do đó, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ là không đúng theo quy định của pháp luật.
[2.2] Về nội dung của quyết định:
- Ông Phạm Đình C, sinh năm 1959. Từ tháng 9/1983 đến tháng 3/2015, ông C làm việc tại xã Đ1, huyện Đ và giữ các chức vụ: Cán bộ văn phòng, Ủy viên thư ký, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, Bí thư Đảng ủy xã, Đại biểu HĐND huyện, Huyện ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đ hai nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015). Ngày 01/4/2015, ông C giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm (theo Quyết định điều động số 502/QĐ-HU ngày 26/3/2015 và Quyết định số 509/QĐ-HU ngày 06/4/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đ về việc chuẩn y Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm (Bút lục 30, 31). Tháng 6/2015, ông C được Ban Thường vụ Huyện ủy Đ quy hoạch để bầu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, sau khi Đảng ủy xã Hương Lâm tiến hành Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, ông C đã không trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã nên không được giới thiệu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm.
- Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và tính đến thời điểm Chủ tịch UBND huyện Đ có quyết định cho ông C nghỉ hưu ông C đã đủ 55 tuổi 10 tháng thì ông C đủ điều kiện để hưởng lương hưu chứ không phải là căn cứ để cho nghỉ hưu như cấp sơ thẩm đã nhận định.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ quy định:
“1. Công chức cấp xã được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp sau:
a) Theo nguyện vọng và được UBND cấp huyện đồng ý;
b) Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức;
…
2. Thủ tục giải quyết thôi việc, trợ cấp thôi việc, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc, chế độ bảo hiểm xã hội khi thôi vệc đối với công chức cấp xã được áp dụng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 8 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 46/2010/NĐ-CP).”
Ông C chưa có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi và cũng không thuộc trường hợp 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Tại Công văn số 722/UBND ngày 01/10/2016 của UBND huyện Đ gửi Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định ông C không thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ- CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ vì không có tên trong Đề án tinh giản biên chế số 91/ĐA-UBND của huyện Đ giai đoạn 2005-2020 và cũng không thuộc đối tượng nghỉ hưu chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ. Chủ tịch UBND huyện Đ cho rằng do không sắp xếp được công việc phù hợp cho ông C và ông C đã đủ điều kiện nghỉ hưu để ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 cho ông C nghỉ hưu là không đúng quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C.
- Ngoài ra, Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ còn căn cứ vào Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Thấy:
Toàn bộ nghị định này không có quy định về việc nghỉ hưu và chế độ nghỉ hưu đối với công chức xã. Chỉ có khoản 2 Điều 11 quy định: “Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã khi nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp theo quy định tại Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu hàng tháng” thì cũng không thuộc trường hợp mà Chủ tịch UBND huyện Đ áp dụng cho nghỉ hưu đối với ông C.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện Đ được ban hành là không đúng quy định của pháp luật cả về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, căn cứ áp dụng pháp luật và nội dung, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C. Nên chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Đình C, sửa án sơ thẩm.
[3] Do kháng cáo được chấp nhận nên người khởi kiện ông Phạm Đình C không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Đình C, sửa bản án hành chính sơ thẩm.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đình C yêu cầu hủy Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
2. Về án phí:
- Án phí hành chính sơ thẩm: Ông Phạm Đình C không phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hành chính sơ thẩm, hoàn trả cho ông C số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0007828 ngày 11/10/2016 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng.
Người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng phải chịu 200.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.
- Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm Đình C không phải chịu 300.000 đồng và hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 4696 ngày 30/10/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 303/2019/HC-PT ngày 22/05/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước, chế độ chính sách
Số hiệu: | 303/2019/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 22/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về