TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 302/2017/HSPT NGÀY 28/04/2017 VỀ TỘI TÀNG TRỮ HÀNG CẤM
Ngày 28 tháng 4 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 174/2017/HSPT ngày 21 tháng 02 năm 2017 đối với bị cáo Lê Thị D do có kháng cáo của bị cáo đối với Bán hình sự sơ thẩm số 02/2017/HSST ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội:
Bị cáo có kháng cáo:
Lê Thị D, sinh năm: 1987; Trú tại: Thôn N, xã N, huyện T, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Văn hoá: 12/12; Con ông Lê Chí T và bà Nguyễn Thị H; Chồng Nguyễn Bá M và có 02 con (lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2009); Danh chỉ bản số 191 lập ngày 03/8/2016 tại Công an huyện Thường Tín, Hà Nội; tiền án, tiền sự: không; Tạm giữ từ ngày 19/7/2016 đến ngày 25/7/2016; Bị cáo tại ngoại, có mặt (0906646866).
NHẬN THẤY
Bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Tín, Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, Hà Nội truy tố, xét xử về hành vi phạm tội như sau:
Khoảng tháng 10/2015 Đỗ Xuân T sinh năm 1992 ở Đội 4 - Thụy Ứng - Hòa Bình - Thường Tín - Hà Nội nảy sinh ý định buôn bán các sản phẩm làm từ ngà voi để kiếm lời. T đăng thông tin rao bán các sản phẩm bằng ngà voi trên mạng xã hội Facebook với tên "Ông Cao T" và 'Phong Thủy Ngọc N" cùng thông tin liên lạc với T qua số điện thoại 0962075141. Đến khoảng 17 giờ 30 phút ngày 18/7/2016 T nhận được điện thoại của một người thanh niên tên là T1 ở huyện P - Hà Nội hỏi mua vòng và mặt dây chuyền làm từ ngà voi. T đồng ý và thỏa thuận với T1 giá vòng tay là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng), mặt dây chuyền giá 1.000.000 đồng (một triệu đồng), địa điểm giao hàng tại quán bia nhà chị Nguyễn Thị M sinh năm 1970 ở Đỗ Hà - Khánh Hà - Thường Tín - Hà Nội. Sau khi thỏa thuận xong, T đi xe mô tô biển kiểm soát 29Y5 - 303.23 ra quán bia nhà chị M gặp T2, T đưa cho T2 xem vòng đeo tay và mặt dây chuyền làm từ ngà voi, trong khi hai bên đang ngồi giao dịch mua bán thì bị Tổ công tác gồm Công an huyện Thường Tín, Phòng PC49 Công an thành phố Hà Nội, Cục C49 Bộ Công an phát hiện bắt quả tang.
Tang vật thu giữ của Đỗ Xuân T gồm:
- 01 (một) vòng đeo tay, 02 (hai) mặt dây chuyền thu giữ tại bàn của T đang ngồi.
- 01 (một) túi xách bằng da màu đen T đeo trên người, bên trong có 18 (mười tám) mặt dây chuyền, 02 (hai) vòng hạt tròn đeo tay, 01 (một) dây chuyền, 125 (một trăm hai lăm) mặt hoa tai, 19 (mười chín) nhẫn, 02 (hai) vòng tròn đeo tay, 20 (hai mươi) hạt tròn, 02 (hai) mảnh hình trụ, 08 (tám) hình con tỳ hưu, 04 (bốn) đầu nối vòng, 03 (ba) mảnh màu trắng đục, 02 (hai) mảnh màu trắng trên mặt có khắc chữ, 02 (hai) nanh động vật, 01 thước kẹp bằng nhựa dài khoảng 20cm (T sử dụng để đo các sản phầm chế tác từ ngà voi).
- Thu giữ trên người T: 01 (một) vòng đeo tay, 03 (ba) nhẫn màu trắng đục, 01 (một) điện thoại Iphone 4S màu trắng đã qua sử dụng bên trong có số thuê bao 0972.094.444, 01 (một) điện thoại di động Iphone 5 màu đen bên trong có số thuê bao 0962.075.141.
- 01 xe Honda biển kiểm soát 29Y5 - 303.23, kiểm tra thu giữ trong cốp xe có 02 (hai) mảnh màu trắng đục, 04 (bốn) khối hình trụ.
- Tiền Việt Nam 47.700.000 đồng (bốn bảy triệu bảy trăm nghìn đồng).
Cơ quan điều tra Công an huyện Thường Tín đã ra Lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đỗ Xuân T những không thu giữ được gì liên quan đến sự việc trên. Ngày 19/7/2016 Cơ quan điều tra Công an huyện Thường Tín ra quyết định trưng cầu giám định số 149 trưng cầu Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đối với các mẫu vật thu giữ của T gồm: 06 (sáu) vòng đeo tay, 20 (hai mươi) mặt dây chuyền, 01 (một) dây chuyền, 125 (một trăm hai lăm) mặt hoa tai, 22 (hai mươi hai) nhẫn, 20 (hai mươi) hạt tròn, 02 (hai) mảnh hình trụ, 08 (tám) hình con tỳ hưu, 04 (bốn) đầu nối vòng, 05 (năm) mảnh màu trắng đục, 02 (hai) mảnh màu trắng trên mặt có khắc chữ, 04 (bốn) khối hình trụ, 02 (hai) nanh động vật. Tại kết luận giám định mẫu vật số 576 ngày 19/7/2016, số 611 ngày 28/7/2016 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam xác định ngoài trừ 02 (hai) răng nanh động vật thì toàn bộ số mẫu vật còn lại có tổng khối lượng là 1,21 kg là các sản phẩm được chế tác từ ngà của loài voi Châu Phi, có tên khoa học là Loxodonta africana. Loài voi trên có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loại động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ NN và PTNT); đối với 02 (hai) chiếc răng nanh động vật được làm giả từ chất dẻo tổng hợp.
Tại Cơ quan điều tra Đỗ Xuân T khai nhận vào khoảng tháng 01/2016 T đến nhà anh rể là Nguyễn Văn K sinh năm 1981 ở Đội 7 - Thụy Ứng - Hòa Bình - Thường Tín - Hà Nội, lúc này K đang ở ngoài sân, T vào trong nhà thấy trên kệ tivi nhà K có ba túi nhỏ bên trong có 125 hoa tai là các sản phẩm chế tác từ ngà voi liền nói với K :"Để cho em số hoa tai này". Do không thấy K trả lời nên T nghĩ là K đồng ý nên đã cầm số hoa tai trên về với mục đích bán kiếm lời sau đó sẽ thanh toán tiền cho K sau. Đến khoảng tháng 04/2016 T nhờ Nguyễn Văn K tìm giúp người bán phôi ngà voi để T mua về chế tác sản phẩm bán kiếm lời, sau khi được Nguyễn Văn K giới thiệu T tìm đến nhà của Lê Thị D sinh năm 1987 ở N - N - T - Hà Nội và trực tiếp gặp mua của D 01 (một) kg phôi ngà voi với giá 10.000.000 đồng (mười triệu đồng). Sau đó T mang số phôi ngà voi trên thuê một người tên là Đ ở khu vực Cầu Chiếc - Hiền Giang - Thường Tín - Hà Nội làm thành các mặt đeo dây chuyền để bán kiếm lời. Ngoài ra T còn mua một số sản phẩm làm từ ngà voi thông qua mạng xã hội Facebook và cũng thông qua mạng xã hội này T trực tiếp đăng các thông tin rao bán các sản phẩm bằng ngà voi.
Ngày 11/7/2016 T nhận được điện thoại của một người giới thiệt tên là T2 nhà ở huyện P - Hà Nội hỏi mua 01 mặt dây chuyền làm từ ngà voi, T đồng ý và bán cho T2 01 (một) mặt dây chuyền làm từ ngà voi với giá 1.000.000 đồng (một triệu đồng), số tiền trên T đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Đến khoảng 17 giờ 30 phút ngày 18/7/2016 người thanh niên tên T2 trên tiếp tục gọi điện cho T để mua các sản phẩm từ ngà voi, T đồng ý và gặp T2 để trao đổi mua bán thì bị bắt quả tang như đã nêu trên.
Ngày 18/7/2016 Cơ quan điều tra Công an huyện Thường Tín đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Văn K ở Đội 7 và nhà xưởng của K ở đội 5 - T - Hòa Bình, kết quả khám xét không thu giữ được gì liên quan đến việc việc mua bán ngà voi tại nơi ở và nhà xưởng của Nguyễn Văn K. Tại cơ quan điều tra Nguyễn Văn K khai nhận vào khoảng tháng 1/2016 K đang ở xưởng sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ tại thôn T - Hòa Bình thì có một người đàn ông Trung Quốc không quen biết đến xem hàng, khi về người đàn ông trên để quên ba túi nilon nhỏ bên trong có các hoa tai màu trắng đục trên bàn uống nước, thấy vậy K liền cầm bỏ lên kệ tivi. Một lúc sau Đỗ Xuân T đến chơi và cầm số hoa tai trên nhưng lúc này K ở ngoài sân nên không biết T cầm lúc nào. Ngoài ra vào khoảng tháng 4/2016 T có hỏi K chỗ mua phôi ngà voi nên K đã chỉ chỗ cho T đến nhà Lê Thị D để mua 1kg phôi ngà voi.
Cơ quan điều tra Công an huyện Thường Tín đã tiến hành khám xét khẩn cấp nhà và nơi ở của Lê Thị D ở N - N - Thường Tín - Hà Nội. Kết quả như sau:
- Thu giữ tại nhà của Lê Thị D các tang vật như sau: 02 (hai) vòng đeo tay màu trắng đục, 03 (ba) nhẫn đeo tay màu trắng đục, 03 (ba) hạt trắng đục nhiều kích thước thu giữ tại kệ trong phòng ngủ tầng 2 của Lê Thị D, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M1; 08 (tám) hạt tròn màu trắng đục nhiều kích thước thu dưới gầm tủ gỗ tại chân cầu thang tầng 1, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M2; 02 (hai) mảnh không rõ hình dạng màu trắng đục thu trong két sắt tại gầm cầu thang tầng 1, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M3; 04 (bốn) nanh màu trắng đục thu tại ngăn kéo phía trên bàn học ở gầm cầu thang tầng 1, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M4; 01 (một) nhẫn màu trắng đục thu tại kệ kính để đồ trong nhà tắm tại tầng 1, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M5; 01 (một) nanh màu trắng đục thu trong tủ quần áo tại phòng ngủ tầng 1, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M6, 79 (bảy mươi chín) hạt tròn màu trắng đục thu trong rổ màu xanh cạnh máy khoan lỗ trong xưởng sản xuất của Lê Thị D, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M7; 01 (một) vật hình trụ màu trắng đục, 01 vật hình trụ tam giác trắng đục thu trong cốp xe máy biển kiểm soát 30N - 4592 tại nhà Lê Thị D, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M8; 02 (hai) hạt màu trắng đục thu trong cốp xe máy biển kiểm soát 29Y5 - 361.00, được niêm phong trong bì thư dán kín ký hiệu M9; các mảnh nhiều kích thước màu trắng đục thu tại phía trước máy xẻ màu đen trong xưởng sản xuất được niêm phong trong 01 thùng các tông dán kín ký hiệu M10; các mảnh nhiều kích thước, hình dạng màu trắng đục thu phía sau máy xẻ trong xưởng sản xuất được niêm phong trong 01 thùng các tông dán kín ký hiệu M11; các mảnh thanh dài khoảng 15cm, màu trắng đục thu tại phía sau máy xẻ trong xưởng sản xuất được niêm phong trong 01 thùng các tông dán kín ký hiệu M12; các mảnh nhiều kích thước, hình dạng màu trắng đục thu tại phía trước máy xẻ trong xưởng sản xuất được niêm phong trong 01 thùng các tông dán kín ký hiệu M13. Ngoài ra trong quá trình khám xét, bà Đinh Thị H sinh năm 1964 ở đội 8 - N - N - Thường Tín - Hà Nội (là mẹ chồng của Lê Thị D) tự nguyện giao nộp 64 (sau mươi tư) tờ tiền Việt Nam mỗi tờ có mệnh giá 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng), 28 tờ tiền Đô la mỹ mỗi tờ tiền có mệnh giá 100 USD.
Ngày 20/7/2016 Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín ra quyết định trưng cầu giám định số 151 trưng cầu Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đối với các mẫu vật được niêm phong ký hiệu M1, M2, M3, M4, M5, M6, M7, M8, M9, M10, M11, M12, M13. Tại kết luận giám định số 586 ngày 20/7/2016, 611 ngày 28/7/2016 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam xác định ngoại trừ mẫu vật M12 có khối tượng 5kg là xương động vật, mẫu M4, M6 là 05 chiếc nanh được làm từ nhựa tổng hợp có trong lượng 0,284 kg, thì toàn bộ các mẫu vật còn lại có khối tượng 32,016 kg là phế phẩm ngà voi Châu Phi sau chế tác có tên khoa học là Loxodonta africana. Loài voi trên có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loại động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ NN và PTNT).
Tại Cơ quan điều tra Lê Thị D khai nhận về toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân như sau:
Khoảng đầu năm 2016 Lê Thị D được một số người khách Trung Quốc mang ngà voi đến thuê D gia công làm thành các hạt tròn, D đồng ý thỏa thuận giá tiền công là 1.000 đồng (một nghìn đồng)/1 hạt. Sau đó D có thuê anh Nguyễn Bá H sinh năm 1987, Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1992 đều là người Thôn N - N - Thường Tín - Hà Nội để làm hạt cho D với giá 150.000 đồng (một trăm năm mươi nghìn đồng)/1 ngày. Toàn bộ lượng ngà voi 32,016 kg Cơ quan điều tra thu giữ tại nhà của D trong quá trình khám xét là các phế phẩm thừa ra trong quá trình D sản xuất các hạt tròn từ ngà voi. Vào khoảng tháng 04/2016 Nguyễn Văn K có gọi điện cho D để đặt vấn đề mua phôi ngà voi, do tận dụng được các sản phầm ngà voi thừa trong quá trình chế tác nên D đồng ý bán. Sau đó, Đỗ Xuân T đến nhà D hỏi mua phôi ngà voi, biết T là em của K nên D đã bán cho T 1kg phôi ngà voi với giá 10.000.000 đồng (mười triệu đồng). Toàn bộ số tiền D làm thuê và tiền bán phôi ngà voi cho T, D đã chi tiêu hết.
Ngày 03/10/2016 Đỗ Xuân T tự nguyện giao nộp số tiền 1.000.000 đồng (một triệu đồng) thu lời được từ việc bán sản phầm làm từ ngà voi vào ngày 11/7/2016.
Tại Bản án sơ thẩm số 02/2017/HSST ngày 16/01/2017 Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội
Tuyên bố bị cáo Lê Thị D phạm tội " Tàng trữ hàng cấm’’
Áp dụng khoản 1,4 Điều 155; điểm p khoản 1,2 Điều 46 Bộ Luật Hình Sự
Xử phạt: Lê Thị D 15 (mười lăm ) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 19/7/2016 đến ngày 25/7/2016.
Nộp: 5.000.000 đồng để sung quỹ nhà nước
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về vật chứng, án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 19 tháng 01 năm 2017, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận nội D bản án sơ thẩm nêu là đúng, bị cáo nhận tội và xin được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm:
-Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị cáo trong hạn luật định là hợp lệ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.
-Về nội D: Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn nhận tội, hành vi của bị cáo đã rõ, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo về tội “Tàng trữ hàng cấm” là có căn cứ, đúng pháp luật. Xét tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo tù là đúng. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm bị cáo xuất trình biên lai bị cáo đã nộp 15.200.000đ (bao gồm tiền phạt, tiền thu lợi bất chính và tiền án phí sơ thẩm), thể hiện thái độ nghiêm túc chấp hành pháp luật của bị cáo; bị cáo là lao động chính trong gia đình; đang nuôi hai con nhỏ. Đây là những tình tiết M cần được xem xét tại cấp phúc thẩm. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo, giúp bị cáo yên tâm cải tạo thành công dân có ích cho xã hội, đề nghị áp dụng thêm Điều 60 BLHS, xử phạt bị cáo 15 tháng tù nhưng hưởng án treo, thử thách 30 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm, giao bị cáo về ủy ban nơi cư trú giám sát, giáo dục.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo.
XÉT THẤY
Về hình thức: Kháng cáo của bị cáo trong hạn luật định là hợp lệ, nên được chấp nhận.
Về nội D: Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với vật chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ, như vậy có đủ cơ sở kết luận:
Khoảng đầu năm 2016, Lê Thị D đã làm gia công cho một số người khách Trung Quốc mang ngà voi đến thuê D gia công làm thành các hạt tròn với giá tiền công là 1.000 đồng (một nghìn đồng)/1 hạt. Trong quá trình chế tác D có thuê anh Nguyễn Bá Hiệp, Nguyễn Thanh Tùng để làm hạt cho D với giá 150.000 đồng (một trăm năm mươi nghìn đồng)/1 ngày. Vào khoảng tháng 04/2016 thông qua Nguyễn Văn K, Lê Thị D có bán cho T 1kg phôi ngà voi với giá 10.000.000 đồng (mười triệu đồng). Đỗ Xuân T sau khi mua được phôi ngà voi của D đã thuê một người tên là Đức ở Cầu Chiếc - Hiền Giang - Thường Tín - Hà Nội gia công thành mặt đeo dây chuyền và các sản phẩm khác, ngoài ra thông qua mạng xã hội Facebook T của mua một số sản phẩm làm từ ngà voi với mục đích bán để kiếm lời. Khoảng 18 giờ ngày 18/7/2016 Đỗ Xuân T có hành vi bán các sản phẩm từ ngà voi cho một đối tượng tên T2 ở P - Hà Nội thì bị bắt quả tang, thu giữ của T 1,21 kg các sản phẩm làm từ ngà voi. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp thu giữ tại nơi ở của Lê Thị D 32,016 kg là phế phẩm ngà voi sau chế tác. Các sản phẩm, phế phẩm từ ngà voi thu giữ của T và D được xác định là voi Châu Phi sau chế tác có tên khoa học là Loxodonta africana. Loài voi trên có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loại động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ NN và PTNT).
Với hành vi như trên, bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Tàng trữ hàng cấm” theo khoản 1 Điều 155 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.
Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy: hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội; vi phạm Công ước về buôn bán, trao đổi quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Công ước CITES) mà Việt Nam là thành viên; đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là chính sách độc quyền quản lý các động, thực vật quý hiếm và các sản phẩm của chúng.
Do hám lời, mặc dù biết làm các sản phẩm từ ngà voi là vi phạm pháp luật nhưng khoảng đầu năm 2016 bị cáo vẫn nhận làm gia công cho một số người khách Trung Quốc mang ngà voi đến thuê bị cáo gia công làm thành các hạt tròn với giá tiền công là 1.000 đồng (một nghìn đồng)/1 hạt. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nơi ở của Lê Thị D 32,016 kg là phế phẩm ngà voi sau chế tác. Các sản phẩm, phế phẩm từ ngà voi thu giữ của T và D được xác định là voi Châu Phi sau chế tác có tên khoa học là Loxodonta africana. Loài voi trên có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loại động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước quốc tế về
buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ NN và PTNT).
Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất mức độ hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như: Bị cáo đã khai báo thành khẩn; ăn năn hối cải; bị cáo có nhân thân tốt; phạm tội lần đầu; là người lao động làm thuê, nhất thời phạm tội, hiện bệnh tật, xử phạt tù bị cáo là đúng.
Tại cấp phúc thẩm bị cáo xuất trình tài liệu thể hiện bị cáo đã nộp số tiền 15.200.000 (bao gồm 5.000.000 đ tiền phạt, 10.000.000đ tiền thu lợi bất chính, 200.000đ tiền án phí HSST) thể hiện bị cáo có thái độ ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời bị cáo xuất trình Đơn có xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện bị cáo là lao động chính đang nuôi hai con nhỏ, chồng bị cáo đã đi biệt tích nhiều năm, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, không có tình tiết tăng nặng, xét cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, cũng có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Vì các lẽ trên;
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thị D, sửa một phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 02/2017/HSST ngày 16/01/2017 của Tòa án nhân dân huyên Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Tuyên bố bị cáo Lê Thị D phạm tội " Tàng trữ hàng cấm’’
Áp dụng khoản 1 Điều 155; điểm p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 60 BLHS; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí về lệ phí Tòa án.
Xử phạt: Lê Thị D 15 (mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, hạn thử thách 30 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Lê Thị D về Ủy ban nhân dân xã N, huyện T, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Xác nhận bị cáo đã nộp 15.200.000đ theo Biên lai thu tiền số AA/2012/ 09007 ngày 23/3/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 302/2017/HSPT ngày 28/04/2017 về tội tàng trữ hàng cấm
Số hiệu: | 302/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/04/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về