Bản án 30/2021/DS-PT ngày 05/04/2021 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 30/2021/DS-PT NGÀY 05/04/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Ngày 05 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2021/TLPT-DS ngày 22 tháng 02 năm 2021 về tranh chấp hợp đồng hợp tác.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST ngày 14/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 20/2021/QĐ-PT ngày 19 tháng 3 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Dương Thị T, sinh năm 1955 (có mặt).

Địa chỉ: Ấp C, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre; chỗ ở tạm trú hiện nay: Ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị đơn: Phạm Văn P, sinh năm 1966 (có mặt).

Địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

- Người làm chứng:

1. Châu Văn P2, địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

2. Nguyễn Văn Đ, địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

3. Nguyễn Văn T, địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

- Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Dương Thị T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là bà Dương Thị T trình bày: Vào ngày 26/5/2013 âm lịch, giữa bà với ông Phạm Văn P có thỏa thuận hợp đồng hợp tác hùn vốn trồng Cam và các loại cây khác để cùng hưởng lợi nhuận trên phần diện tích khoảng 10 công (tầm 3m). Ông P là chủ đất, bà T đầu tư chi phí 03 năm đầu, tiền công lên bờ liếp thì mỗi bên chịu một nửa, 06 năm sau thì chi phí chia đều, lợi nhuận chia đều, nếu có thua lỗ thì đôi bên cùng chịu. Thời hạn hợp đồng là 09 năm (đến hết ngày 26/5/2022 âm lịch là hết hạn). Sau khi ký hợp đồng xong, bà T là bên đầu tư đã chi phí hết số tiền 280.000.000 đồng, bao gồm các khoản: Mua giống cây Cam, Bưởi, Cóc, Tràm, tiền lên mương, tiền đắp mô, tiền thuê mướn người trồng cây, thuê mướn xịt thuốc, rải vôi bột, mua phân bón, thuốc, làm cỏ, đổ bùn, làm lai đọt, tỉa nhánh, tưới nước, xăng, dầu,...

Sau 24 tháng (năm thứ 3), Cam đã cho trái, ông P yêu cầu bán Cam trái chia đôi, còn tiền phân thì chia theo tỷ lệ 6:4 (bà T 06 phần, ông P 04 phần); đến năm thứ 4 và 5 thì chi phí và thu hoạch chia đều nhau, thực hiện được 03 năm liên tục, tổng số tiền lợi nhuận mỗi người được chia khoảng hơn 200.000.000 đồng.

Đến năm thứ 6, ông P không cho bà T vào vườn chăm sóc cây trồng và thu hoạch theo thỏa thuận hợp đồng; ông P tự ý thuê người đến chặt đốn Cam, Bưởi và những cây trồng khác, tự ý đem thuốc xịt làm chết cây. Hiện nay hợp đồng chưa hết hạn nhưng việc làm của ông P đã vi phạm hợp đồng hợp tác đã ký kết với bà T từ năm 2013.

Bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Chấm dứt hợp đồng hợp tác (hùn vốn trồng Cam) giữa bà với ông Phạm Văn P lập ngày 26/5/2013 âm lịch; buộc ông Phạm Văn P bồi thường thiệt hại số tiền 280.000.000 đồng, là khoản tiền lẽ ra bà T được chia lợi nhuận trong những năm còn lại do hợp đồng mang lại, bằng với chi phí đầu tư ban đầu của bà T đã bỏ ra. Tại phiên hòa giải ở Tòa án ngày 11/12/2020, bà T xác định cả hai bên đều có lỗi, nên chỉ yêu cầu ông P bồi thường 50% số vốn đầu tư ban đầu của bà, bằng số tiền 140.000.000 đồng.

Bị đơn ông Phạm Văn P trình bày: Ông P thừa nhận giữa ông với bà T có làm hợp đồng hùn vốn trồng Cam từ ngày 26/5/2013 âm lịch với thời hạn 09 năm như trình bày của bà T là đúng, hợp đồng có ghi rõ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên, ngoài ra cũng có một số thỏa thuận riêng trong quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên đều có vi phạm, như thỏa thuận khi trồng Cam thì 03 năm mới để trái thu hoạch, nhưng khi Cam được 18 tháng tuổi thì bà T tự ý để cho trái và tự thu hoạch, đến năm thứ hai thì tiếp tục để cho trái và thu hoạch nhưng có chia cho ông P một nửa, ông cũng đồng ý. Vốn đầu tư ban đầu của bà T bỏ ra bao nhiêu thì ông không biết vì các bên chỉ căn cứ hợp đồng mà thực hiện, còn tiền mua phân bón hàng năm của mỗi bên thì của bên nào sẽ tự thanh toán và không đề cập để yêu cầu Tòa án xem xét. Đất canh tác để thỏa thuận hợp đồng là của ông P, có diện tích khoảng hơn 10 công (tầm 3m), đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông P đã thế chấp vay vốn ở ngân hàng nên không cung cấp được cho Tòa án. Sau khi thực hiện hợp đồng đến năm thứ 6 thì Cam xuống cấp do ít được chăm sóc, hai bên có gặp nhau để thương lượng nhưng không đưa ra được tiếng nói chung, rồi dần dần hư hỏng nặng nên ông P có thuê người xịt thuốc khai hoang và đốn hết cây; lúc đầu ông chỉ thực hiện xịt thuốc và đốn cây trên 02 liếp vườn, còn lại 02 liếp dành lại cho bà T tự xử lý, nhưng bà T không xử lý nên ông tiếp tục xử lý đốn hết cây luôn và từ đó đến nay đất bỏ hoang. Ông P cũng thừa nhận mỗi bên đã được chia lợi nhuận từ hợp đồng mang lại khoảng 200.000.000 đồng. Hiện nay hợp đồng còn khoảng một năm rưỡi nữa mới hết hạn (26/5/2022 âm lịch) nhưng không còn lợi nhuận gì trên đất, nay bà T kiện đòi chấm dứt hợp đồng và buộc ông P bồi thường thiệt hại cho bà T thì ông không đồng ý vì cả hai bên đều có lỗi, ông P cho biết thời gian còn lại thì bà T vẫn có quyền thỏa thuận với ông để sử dụng phần đất mà ông đã đưa vào hợp đồng cho đến khi hết hạn hợp đồng, chứ ông P không đồng ý bồi hoàn cũng không có hỗ trợ gì khác cho bà T.

Ngoài ra, ông P xác định đối với vốn đầu tư ban đầu của bà T bỏ ra, theo ông thì không tới số tiền 280.000.000 đồng, cụ thể là:

- Mua Cam giống 4.500 cây x 8.000 đồng/cây = 36.000.000 đồng (là đúng);

- Tiền lên mương 28.000.000 đồng, mỗi bên chịu một nửa bằng 14.000.000 đồng (chứ không P bà T bỏ ra 19.000.000 đồng như bà T trình bày);

- Tiền đắp mô 11.000.000 đồng (là đúng);

- Tiền mướn trồng cây 3.000.000 đồng (là đúng);

- Tiền mướn xịt thuốc 24 tháng = 12.000.000 đồng (phần này ông không biết);

- Tiền rải vôi bột và công làm 24 tháng = 12.000.000 đồng (ông xác nhận chỉ khoảng 500.000 đồng);

- Tiền phân bón trong 24 tháng = 150.000.000 đồng (là có nhưng ông không xác định được);

- Tiền mua thuốc và làm cỏ trong 24 tháng = 20.000.000 đồng (là có nhưng ông không xác định được);

- Tiền mua Bưởi, Cóc, Tràm con 1.000.000 đồng (có trồng thêm các loại cây này nhưng ông không đồng ý);

- Tiền công đổ bùn vào gốc Cam 10.000.000 đồng (ông xác nhận là không có);

- Tiền mướn công làm lai đọt, tỉa nhánh trong 24 tháng = 4.000.000 đồng (ông xác nhận là không có);

- Tiền công tưới nước và xăng, dầu trong 24 tháng = 6.000.000 đồng (ông chỉ xác nhận tiền nhiên liệu là 1.000.000 đồng, còn tiền công thì ông cũng có cùng tham gia tưới nên không thể tính vào).

Tuy nhiên tất cả chi phí theo thỏa thuận hợp đồng trong hai năm đầu là trách nhiệm của bà T phải chịu, ông P chỉ xác nhận như vậy.

* Sự việc được Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng, thụ lý giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2021/DS-ST ngày 14/01/2021 quyết định: Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 147, 244, 266, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các Điều 422, 504, 505, 506, 507 và 512 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ khoản 4 Điều 26 và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác giữa bà Dương Thị T với ông Phạm Văn P, lập ngày 26/5/2013 âm lịch.

2. Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dương Thị T về việc yêu cầu ông Phạm Văn P bồi thường thiệt hại số tiền 140.000.000 đồng.

* Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

* Ngày 26/01/2021 nguyên đơn bà Dương Thị T có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn Phạm Văn P bồi thường thiệt hại 140.000.000 đồng cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án.

* Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Đồng thời, phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị T, áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm 04/2021/DS-ST ngày 14/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Người có quyền kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị T là đúng theo qui định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, nên kháng cáo là hợp lệ và đúng luật định.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn Dương Thị T, Hội đồng xét xử xét thấy: Về nội dung, hình thức của hợp đồng hợp tác, đã được thiết lập bằng văn bản, có người làm chứng, thể hiện tương đối đầy đủ các nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ theo ý chí của các bên, được các bên duy trì thực hiện hơn một nửa thời gian của hợp đồng, nên hợp đồng này được coi là hợp pháp.

[3] Xét về mức độ lỗi, nguyên đơn thừa nhận cả hai bên đều cùng có lỗi do thiếu chăm sóc cây trồng nên năng suất thu hoạch thấp, nhưng cho rằng nguyên nhân phát sinh là do bị đơn không cho vào vườn chăm sóc cây trồng và thu hoạch theo thỏa thuận hợp đồng sau khi kết thúc năm thứ 5, rồi bị đơn tự ý đem thuốc xịt làm chết cây, thuê người đến chặt đốn hết cây trồng, đã gây thiệt thòi về quyền lợi của nguyên đơn. Bị đơn thì chỉ thừa nhận có chặt đốn hết cây trồng nhưng cho rằng cây trái thời điểm này không còn phát triển, hư hại nặng do thiếu sự đầu tư chăm sóc, mặt khác giá cả trái cây cũng đang giảm thấp nên ít được quan tâm đầu tư, trước khi chặt phá, hai bên có gặp nhau bàn bạc, thương lượng để có kế hoạch đầu tư loại cây trồng khác, nhưng bị đơn không hợp tác; khi chặt đốn cây, bị đơn có dành lại một nửa diện tích cho nguyên đơn tự xử lý nhưng nguyên đơn cũng không thực hiện.

[4] Qua xác minh chính quyền địa phương tại biên bản xác minh ngày 06/01/2021 đối với ông Lê Hồng Đ2 (bút lục 44 a) ông Đợi làm Trưởng ban nhân dân ấp A từ năm 2015 đến tháng 7 năm 2020, ông Đ2 biết cả hai bên đều thực hiện không đúng hợp đồng, bị đơn khi đốn cây cũng không trình báo chính quyền địa phương, nguyên đơn biết việc bị đơn đốn cây cũng không có biện pháp yêu cầu ngăn chặn, không báo chính quyền địa phương, còn việc nguyên đơn cho rằng bị đơn không cho vào vườn chăm sóc cây trồng thì địa phương cũng không hay biết; việc cây trồng xuống cấp là do hai bên đùn đẩy trách nhiệm, không quan tâm đầu tư dẫn đến cây trồng bị khô héo và chết dần theo từng cụm, không khả năng phục hồi nếu không tập trung xử lý kịp thời; mặt khác, tại thời điểm năm 2016 giá Cam trái đang sụt giảm nhanh (được biết giá Cam trái bình quân cao nhất từ 35.000 đồng/kg giảm xuống còn 18.000 đồng/kg, có lúc giảm mạnh thấp nhất chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg tùy thời điểm cho trái mùa nghịch, mùa thuận), nên ít được coi trọng việc đầu tư để tránh bị thua lỗ. Điều này cho thấy cả hai bên (nguyên đơn và bị đơn) đều có lỗi, lẽ ra khi cây trồng bị xuống cấp, hư hỏng thì các bên phải cùng nhau bàn bạc để tìm hướng tháo gỡ, hoặc trình báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp, nhưng không bên nào thực hiện được điều đó.

[5] Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy việc các bên thực hiện hợp đồng trên thực tế đã được khoảng hai phần ba thời gian, trong thời gian này, chi phí và lợi nhuận được chia đồng đều nhau, các bên đều thừa nhận đã có hưởng lợi, cho nên khi rủi ro nếu có xảy ra thì các bên phải cùng gánh chịu; mặt khác, về mức độ lỗi của các bên là tương ứng nhau, đồng thời sau khi đối chiếu với nội dung hợp đồng đã ký kết, cho thấy các đương sự không đề cập đến việc xử lý cây trái sau khi kết thúc hợp đồng, cũng không có một thỏa thuận nào khác khi chấm dứt hợp đồng, hiện nay toàn bộ vườn cây không còn, đối tượng tranh chấp không còn, nên không có căn cứ để xử lý hậu quả của hợp đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường 140.000.000 đồng là 50% chi phí nguyên đơn bỏ ra ban đầu, nhưng bị đơn không thừa nhận là nguyên đơn đầu tư ban đầu là 280.000.000 đồng, còn nguyên đơn thì không chứng minh được chi phí bỏ ra ban đầu là bao nhiêu. Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn bồi thường thiệt hại 140.000.000 đồng là có căn cứ.

[6] Đối với yêu cầu chấm dứt hợp đồng của nguyên đơn, xét thấy tại phiên tòa, bị đơn còn thiện ý muốn tiếp tục duy trì hợp đồng và cho biết trong khoảng thời gian còn lại của hợp đồng thì nguyên đơn vẫn có quyền thỏa thuận với bị đơn để sử dụng phần đất mà bị đơn đã đưa vào hợp đồng cho đến khi hết hạn hợp đồng, nhưng nguyên đơn không đồng ý và các bên không có thỏa thuận nào khác, nên Hội đồng xét xử xét thấy cần tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác giữa các bên.

[7] Từ những căn cứ nêu trên, xét thấy kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị T là không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[8] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên nguyên đơn bà Dương Thị T phải chịu án phí theo qui định nhưng nguyên đơn là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí, nên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguyên đơn không P nộp án phí phúc thẩm.

[9] Đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ, phù hợp với qui định của pháp luật, Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.

[10] Các phần khác được nêu trong phần quyết định của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 308, Khoản 1 Điều 148, của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tuyên xử:

Không chấp nhận kháng cáo của bà Dương Thị T Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 14/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng như sau:

Căn cứ: Khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 147, 244, 266, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng: các Điều 422, 504, 505, 506, 507 và 512 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ khoản 4 Điều 26 và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dương Thị T. Tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác giữa bà Dương Thị T với ông Phạm Văn P, lập ngày 26/5/2013 âm lịch.

2. Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dương Thị T về việc yêu cầu ông Phạm Văn P bồi thường thiệt hại số tiền 140.000.000 đồng.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

3.1. Bà Dương Thị T được miễn không P nộp.

3.2. Ông Phạm Văn P phải chịu án phí số tiền 300.000 đồng.

4. Án phí phúc thẩm: Bà Dương Thị T được miễn không P nộp.

5. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

440
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 30/2021/DS-PT ngày 05/04/2021 về tranh chấp hợp đồng hợp tác

Số hiệu:30/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:05/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về