TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN HỒNG BÀNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 30/2020/HS-ST NGÀY 28/05/2020 VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN CỦA CÔNG DÂN
Ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 23/2020/TLST-HS ngày 26 tháng 3 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 33/2020/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 5 năm 2020 và Thông báo số 03/2020/TB-HS ngày 19 tháng 5 năm 2020 về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa đối với bị cáo:
HVB, sinh ngày 19 tháng 8 năm 1981 tại thành phố Hải Phòng (khi phạm tội bị cáo 17 tuổi 21 ngày). Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 88 phố A, khu E1, phường B, quận C, thành phố Hải Phòng; nơi tạm trú, sinh sống hiện nay: Số 13/21 đường D, phường D, quận E, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Thợ sơn; trình độ học vấn: Lớp 11/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông F và bà G; sống như vợ chồng với chị H và có 01 con sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 20-9-2019, chuyển tạm giam từ ngày 28-9-2019; được thay đổi biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh từ ngày 17-12-2019; được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 31-3-2020. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông I thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng, là luật sư của Công ty Luật TNHH MTV J. Có mặt.
- Bị hại: Anh BH; địa chỉ: Số 218, phố K, phường L, Thị Xã M, Thành phố Hà Nội; vắng mặt.
- Người làm chứng: Anh NLC1, vắng mặt. Anh NLC2, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 10-9-1998, NLC1, N, P, HVB, O và NLC2 đi chơi bằng 03 xe đạp. Khi đi đến khu vực Vườn hoa Q thành phố Hải Phòng, NLC1 hỏi O “có tiền không mua thuốc lá hút”, O nói “hết rồi, vào vườn hoa xin đểu”, NLC2 đứng gần đó không nói gì. Sau đó, NLC1, N, O, P và HVB đi bộ vào khu vực vườn hoa R, thấy anh BH đang ngồi ở ghế đá, NLC1 nói: “Vào xin đểu thằng kia”. Trên đường vào vườn hoa, NLC1 nhặt được 01 con dao. Cả bọn theo NLC1 tiến về phía anh BH, NLC1 đến trước xin tiền, nhưng anh BH không cho. N xông đến dùng tay ôm vai, cổ. NLC1 rút dao Thái Lan dí vào sườn bắt anh BH ngồi im. Lúc này, HVB cùng đồng bọn đều nhìn thấy NLC1 dùng dao uy hiếp anh BH. P túm tay anh BH tháo đồng hồ Senko; O lấy túi xách trên ghế đá để bên phải, cạnh người anh BH, còn HVB móc túi áo ngực của anh BH lấy được 70.000 đồng. Anh BH vùng dậy, hô cướp, thì bị NLC1 dùng dao đâm một nhát vào đùi phải. Lúc này anh BH phản ứng đứng dậy rút trong người một con dao díp và hô “Cướp!”. Cả bọn bỏ chạy, O vứt lại chiếc túi xách lúc bỏ chạy. Trong lúc xảy ra sự việc trên, NLC2 đứng cách đó khoảng 15m đến 20m. Sau đó, cả bọn tập hợp nhau mới biết NLC1 kể việc đâm anh BH một nhát vào đùi. Đến sáng ngày 11-9-1998, P bán chiếc đồng hồ cho một người không quen biết được 30.000 đồng. NLC1 sử dụng 100.000 đồng cho cả bọn đi uống bia hơi, ăn nem ở Quán bia S, đường D. Anh BH không yêu cầu giám định thương tích trên đùi do NLC1 dùng dao đâm và không yêu cầu bồi thường thương tích do vết thương nhẹ.
Hai ngày sau, HVB đi học không có mặt ở địa phương. Năm 2016, HVB làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị H, thì HVB cùng gia đình biết việc bị truy nã. Sau hai lần ra đầu thú, nhưng đến ngày 20-9-2019, HVB được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng tiếp nhận.
Tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 134/STHS ngày 10-4-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và Bản án hình sự phúc thẩm số 1814 ngày 29-9- 1999 của Tòa phúc thẩm tại Hà Nội xử tuyên phạt NLC1 24 tháng tù; N 12 tháng 04 ngày tù; P 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng và O 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội Cướp tài sản công dân theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hình sự 1985. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với NLC2 về tội “Không tố giác tội phạm”.
Tại Cáo trạng số 14/CT-VKSHB ngày 25 tháng 3 năm 2020 truy tố HVB về tội “Cướp tài sản của công dân” theo điểm b khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985 được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 30-LCT/HĐNN ngày 28-12-1989 quy định tại khoản 7 Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985.
- Tại phiên toà, bị cáo trình bày, thừa nhận nội dung Cáo trạng truy tố đúng sự việc xảy ra, thừa nhận tội danh, tình tiết định khung hình phạt. Do sợ NLC1 vì bị bắt nạt nhiều lần trước đó, bị cáo đi theo NLC1 cùng nhóm bạn của NLC1 rủ rê, lôi kéo vào Vườn hoa Q xin tiền cho NLC1 sử dụng. NLC1 tiến đến gần, rút dao đe dọa bị hại, những người khác ôm vai giữ người, lấy đồng hồ, túi xách, bị cáo tham gia lấy tiền trong túi áo ngực của bị hại. Thấy bị hại phản ứng quyết liệt, hô hoán, nên cả bọn bỏ chạy. Sau đó, NLC1 nói có đâm bị hại một nhát nhẹ vào đùi. Bị cáo không biết hành động của mình tham gia bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hai ngày sau xảy ra sự việc, bị cáo đi học xa, bị cáo cùng gia đình không nhận được giấy triệu tập của Cơ quan cảnh sát điều tra hoặc thông tin truy nã. Đến năm 2016, bị cáo làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị H, mới biết mình có quyết định truy nã. Bị cáo ra đầu thú hai lần, nhưng đến ngày 20-9-2019 Cơ quan cảnh sát điều tra mới tiếp nhận bị cáo do tìm thấy hồ sơ. Bị cáo rất hối hận về hành vi bột phát, nhất thời tham gia với các bạn xấu phạm tội, nên chủ động nhiều lần thăm hỏi gia đình bị hại với số tiền khoảng 4.000.000 đồng và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị hại do chưa nhận tiền bồi thường. Bị cáo đề nghị xem xét được cải tạo ngoài xã hội để tiếp tục lao động lương thiện, trách nhiệm với xã hội và gia đình, chăm sóc hiếu thuận với bố mẹ, bố là bệnh binh, con còn nhỏ.
Luật sư bào chữa cho bị cáo: Nhất trí về tội danh, tình tiết định khung hình phạt, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét toàn diện vụ án, nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội dưới 18 tuổi có vai trò đồng phạm không đáng kể như HVB. Đại diện Viện Kiểm sát thừa nhận có thiếu sót trong việc điều tra, truy nã đối với bị cáo trong vụ án hình sự khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với NLC1, N, P, O đều thể hiện đối tượng cùng tham gia sẽ xử lý sau là Nguyễn Bảo Việt hoặc Hoàng Bảo Việt. Đồng thời, thừa nhận không có tài liệu, chứng cứ thể hiện bị cáo hoặc gia đình nhận, biết giấy triệu tập, quyết định khởi tố, truy nã, nên việc truy nã bị cáo chưa bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hai lần tự nguyện ra đầu thú, nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đều không tìm thấy hồ sơ hình sự liên quan đến HVB. Bị cáo tích cực khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội giúp các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời giải quyết vụ án; có nhiều người cam đoan bảo lãnh, có nơi cư trú rõ ràng, lao động lương thiện, có trách nhiệm với gia đình, hiếu thuận với bố mẹ, quan tâm chăm sóc vợ con, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện trong thời điểm dịch Covid-19 thể hiện trách nhiệm với xã hội. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được tự cải tạo ngoài xã hội, cũng bảo đảm sự công bằng như kết quả xử lý P, O.
Bị hại anh BH trình bày theo Đơn đề nghị ghi ngày 05-5-2020 có xác nhận của chính quyền địa phương về việc: Anh chưa nhận bồi thường số tiền bị chiếm đoạt theo Bản án hình sự số 134 ngày 10-4-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Bị cáo HVB thừa nhận hành vi phạm tội, nhiều lần thăm hỏi, bồi thường thiệt hại tương xứng. Sự việc xảy ra đã lâu, không còn nguy hiểm, mà bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, dại dột theo bạn bè lầm lỡ chiếm đoạt tài sản nhỏ chỉ nhằm ăn uống vặt. Đề nghị xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho cải tạo ngoài xã hội đối với bị cáo hiện đang lao động lương thiện, có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng, đề nghị xem xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đó là: Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội dưới 18 tuổi, có bố là bệnh binh, ông ngoại tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương kháng chiến, ra đầu thú, bị hại xin miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Đề nghị xem xét việc bị cáo không bỏ trốn, bị cáo cùng gia đình không biết quyết định truy nã, vai trò đồng phạm không đáng kể, bảo đảm đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định của pháp luật. Đề nghị áp dụng điểm b khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985 được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 30-LCT/HĐNN ngày 28-12-1989 quy định tại khoản 7 Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985; các điểm a, d, h khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 38, các điều 17, 57, 59, 44 của Bộ luật Hình sự năm 1985; các điểm b, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các điều 3, 7, 17, 54, 58, 90, 91 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/ QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội; khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2015/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, xử phạt: HVB từ 15 tháng đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cướp tài sản của công dân” và ấn định thời gian thử thách từ 30 tháng đến 36 tháng.
Đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung. Dân sự: Bị hại anh BH chưa nhận bồi thường thiệt hại theo Bản án hình sự số 134 ngày 10-4-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, nhưng nhận tiền bồi thường đầy đủ, tương xứng của bị cáo HVB và không yêu cầu. Vật chứng: Không. Buộc bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhận định như sau:
Về thủ tục tố tụng:
[1] Về tài liệu, chứng cứ của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp đều thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo và người tham gia tố tụng khác không có khiếu nại về những chứng cứ, tài liệu đã thu thập, cung cấp. Do đó, những chứng cứ, tài liệu trong vụ án đều hợp pháp.
[2] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo là người phạm tội dưới 18 tuổi từ chối việc chỉ định luật sư bào chữa tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và mời người bào chữa tại phiên tòa xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, phù hợp các quy định của pháp luật. Kiểm sát viên thừa nhận ý kiến bào chữa của luật sư về việc bị cáo không bỏ trốn, gia đình cùng bị cáo không nhận, không biết quyết định khởi tố, quyết định truy nã, nhưng bị cáo, người bào chữa cho bị cáo đều không khiếu nại, nên cần xem xét, đánh giá tình tiết này khi quyết định hình phạt.
Về nhận định các tình tiết của vụ án:
[3] Về tội danh: Lời khai nhận tại phiên tòa của bị cáo, phù hợp với lời khai tại Cơ quan cảnh sát điều tra, bản tường trình, đơn xin đầu thú, phù hợp với lời khai của bị hại anh BH, phù hợp với lời khai của NLC1, N, P, O, người làm chứng anh NLC2 và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, nên đủ cơ sở khẳng định: Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 10-9-1998 tại khu vực Vườn hoa Q, HVB cùng với NLC1, N, P, O thực hiện các hành vi sử dụng dao đe dọa, rồi ôm vai, cổ khống chế, sau đó dùng dao đâm một nhát vào đùi phải anh BH, dùng vũ lực ngay tức khắc chiếm đoạt tài sản của bị hại anh BH. Do vậy, HVB phạm tội “Cướp tài sản của công dân” được quy định theo Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985, phù hợp điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội.
[4] Về tình tiết định khung hình phạt: HVB tham gia đồng phạm sử dụng 01 con dao, chiếm đoạt tài sản trị giá 170.000 đồng, nên bị cáo HVB phạm quy định điểm b khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985 được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 30-LCT/HĐNN ngày 28-12-1989 quy định tại khoản 7 Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985.
[5] Hành vi của bị cáo cùng các đồng phạm khác xâm phạm đến tài sản, tinh thần, sức khoẻ của người khác, gây mất trật tự trị an của địa phương, nên phải xử lý nghiêm minh, bảo đảm công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tại địa phương, răn đe đối với bị cáo.
[6] Xét vai trò đồng phạm: Cần xem xét toàn diện nhận định, đánh giá của Bản án hình sự sơ thẩm số 134 ngày 10-4-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và Bản án hình sự phúc thẩm số 1814 ngày 29-9-1999 của Tòa phúc thẩm tại Hà Nội Tòa án nhân dân tối cao xác định vai trò của NLC1 là người đề xuất, thực hành tích cực nhất, trực tiếp sử dụng dao nhọn khống chế, tấn công bị hại; N thực hành tích cực trực tiếp ôm giữ người bị hại, tạo điều kiện cho P, O và HVB tham gia lấy tài sản của bị hại. Do vậy, cần đánh giá khách quan vai trò của HVB ngang với P, tham gia đồng phạm có vai trò không đáng kể so với các bị cáo khác trong vụ án này.
[7] Về khả năng nhận thức đối với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm: Kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện bị cáo là học sinh có hạnh kiểm, học lực tốt, nhiều lần bị NLC1 cùng các bạn khác bắt nạt, nhất thời phạm tội theo sự khởi xướng, chỉ đạo của NLC1. Hội đồng xét xử nhất trí sự phân tích của người bào chữa cho bị cáo, trình bày luận tội của đại diện Viện Kiểm sát về việc bị cáo bị rủ rê, lôi kéo, a dua, làm theo sự đề xuất, chủ động của NLC1 nhằm lấy tiền tiêu vặt. Bị cáo phạm tội trong độ tuổi đang hoàn thiện diễn biến phát triển về sinh lí, tâm lí và ý thức, thiếu cân bằng trong giai đoạn phát triển cơ thể, nên bị động, nhận thức hạn chế nhất định đối với nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm.
[8] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phạm tình tiết này.
[9] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: HVB có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương tự NLC1, N như nhận định của Bản án hình sự số 1814 ngày 29-9-1999 của Tòa phúc thẩm tại Hà Nội Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời có các tình tiết khác đó là: Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại, phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có bố là bệnh binh, ông ngoại tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương kháng chiến, ra đầu thú, bị hại xin miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Do vậy, cần chấp nhận quan điểm của kiểm sát viên, luật sư về việc bị cáo được hưởng các tình tiết quy định theo các điểm a, d, h khoản 1, khoản 2 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 1985 và cần áp dụng khoản 3 Điều 38 của Bộ luật Hình sự như đối với NLC1, N, P, O, bảo đảm công bằng, phù hợp tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội vào thời điểm cách đây hơn 21 năm. Khi phạm tội, bị cáo dưới 18 tuổi, nên cần áp dụng các điều 57, 59 của Bộ luật Hình sự năm 1985, các điều 90, 91 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
[10] Bản Kết luận điều tra vụ án số 48/PC16 ngày 28-12-1998 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng, Cáo trạng số 113/KSĐT- TA ngày 06-02-1999 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, Bản án sơ thẩm số 134 ngày 10-4-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và Bản án phúc thẩm số 1814 ngày 29-9-1999 của Tòa phúc thẩm tại Hà Nội Tòa án nhân dân tối cao đều xác định không chính xác đối với HVB. Các cơ quan tiến hành tố tụng nêu trên đều phải đính chính, sửa chữa các văn bản tố tụng trên cơ sở HVB ra đầu thú. Cần chấp nhận ý kiến của kiểm sát viên, luật sư về việc không có tài liệu, chứng cứ thể hiện bị cáo hoặc gia đình được thông báo, cấp, tống đạt giấy triệu tập, quyết định khởi tố, truy nã, nên cần đánh giá bị cáo không bỏ trốn, quyết định truy nã bị cáo chưa bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Cần xem xét Điều 44 của Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định đối với biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện có lợi hơn Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999, Nghị quyết số 01/2007/NQ- HĐTP ngày 02-10-2007, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có lợi hơn Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[11] Trên cơ sở đánh giá toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vai trò thứ yếu trong đồng phạm, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, khả năng nhận thức của bị cáo dưới 18 tuổi đối với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Nhận định HVB có nhân thân tốt, không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 1985, khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Bị cáo hiện đang lao động làm thợ sơn có hợp đồng lao động, công việc ổn định, có nơi cư trú rõ ràng, được bị hại xin miễn giảm trách nhiệm hình sự, được nhiều người bảo lãnh, có xác nhận của chính quyền địa phương, thể hiện là người có trách nhiệm, lao động chính trong gia đình, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào nhiều hoạt động xã hội. Ngoài lần phạm tội này bị cáo luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, nơi làm việc. Cần đánh giá khách quan, công bằng đối với bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn P, O đã được xử phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tình hình an ninh trật tự công cộng khu vực Vườn hoa Q hơn 15 năm trở lại đây được bảo đảm; cộng đồng dân cư, du khách yên tâm sinh hoạt, giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí trên Dải vườn hoa trung tâm thành phố được đánh giá xứng đáng cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, an toàn của Đô thị trung tâm, loại I cấp Quốc gia. Xét thấy, bị cáo có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của 21 năm trước đây. Do vậy, cần chấp nhận đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, của luật sư bào chữa, của bị hại, của những người bảo lãnh và của bị cáo để quyết định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với HVB tương xứng như P, O, bảo đảm sự công bằng, khoan hồng của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[12] Về dân sự, vật chứng được giải quyết theo Bản án hình sự sơ thẩm số 134/STHS ngày 10-4-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, anh BH nhận bồi thường thiệt hại, không yêu cầu.
[13] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985 được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 30-LCT/HĐNN ngày 28-12-1989 quy định tại khoản 7 Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 1985; các điểm a, d, h khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 38, các điều 17, 57, 59, 44 của Bộ luật Hình sự năm 1985; điểm b, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các điều 3, 7, 17, 58, 54, 90, 91 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm b, c khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015; khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2015/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, xử phạt: HVB 15 (Mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cướp tài sản của công dân”, thời gian thử thách là 30 (Ba mươi) tháng kể từ ngày tuyên án.
Giao HVB cho Ủy ban nhân dân phường D, quận E, thành phố Hải Phòng theo dõi, giáo dục trong thời gian thử thách.
Về án phí: HVB phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Về quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 30/2020/HS-ST ngày 28/05/2020 về tội cướp tài sản của công dân
Số hiệu: | 30/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hồng Bàng - Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về