TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 30/2020/DS-PT NGÀY 28/05/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 68/2019/TLST-DS ngày 24/12/2019 về tranh chấp về thừa kế tài sản.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 16/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 19/2020/QĐ-PT ngày 24/02/2020; Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 20/2020/TB-TA ngày 11/3/2020; Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 86/2020/TB-TA ngày 27/4/2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 40/2020/QĐ-PT ngày 07/5/2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 46/2020/QĐ-PT ngày 21/5/2020; giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Phương Đ, sinh năm 1945;
Địa chỉ: Đường Đ, phường N, quận L, thành phố Hà Nội. Có mặt;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:
+ Ông Đinh Ngọc P - Luật sư Văn phòng luật sư P - Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương; Địa chỉ: Phường T, thành phố D, tỉnh Hải Dương. Có mặt.
+ Bà Phạm Thị H - Luật sư Công ty Luật V; Địa chỉ: Đường P, quận Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt.
2. Bị đơn:
2.1. Ông Nguyễn Đức N (tên gọi khác Nguyễn Văn N), sinh năm 1936;
2.2. Bà Dương Thị N1, sinh năm 1938;
Đều có địa chỉ: Xóm L, thôn X, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương; Đều vắng mặt;
Người đại diện do ông N, bà N1 ủy quyền: Anh Nguyễn Đức B, sinh năm 1972. Địa chỉ: Xóm L, thôn X, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương theo giấy ủy quyền 09/5/2019; Có mặt;
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Trịnh Thị N2, sinh năm 1945;
Địa chỉ: thôn C, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương; Vắng mặt;
3.2. Bà Trịnh Thị N3, sinh năm 1964;
Địa chỉ: thôn X, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương; Vắng mặt;
3.3. Anh Nguyễn Đức B, sinh năm 1972;
3.4. Chị Nguyễn Thị G, sinh năm 1976;
Đều có địa chỉ: Xóm L, thôn X, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương. Chị G ủy quyền cho anh B theo giấy ủy quyền ngày 09/5/2019; Đều có mặt;
3.5. Bà Trịnh Thị N4, sinh năm 1949;
3.6. Bà Trịnh Thị N5, sinh năm 1951;
Đều có địa chỉ: Phường L, quận B, TP. Hải Phòng; Đều vắng mặt;
3.7. Bà Phan Thị Thanh M, sinh năm 1965;
Địa chỉ: Đường T, quận Q, thành phố Hải Phòng; Vắng mặt;
3.8. Ông Phan Quyết C, sinh năm 1967;
Địa chỉ: Đường C, quận B, TP Hải Phòng; Vắng mặt;
3.9. Ông Phan Thanh B1, sinh năm 1969;
Địa chỉ: Phường D, quận L, thành phố Hà Nội; Vắng mặt;
3.10. Bà Trịnh Thị N6, sinh năm 1961;
Địa chỉ: Phường L, thành phố T, tỉnh Khánh Hòa; Vắng mặt;
3.11. Bà Trịnh Thị L, sinh năm 1954;
Địa chỉ: Phường P, thành phố T, tỉnh Khánh Hòa; Vắng mặt;
3.12. Anh Trần Phú H1, sinh năm 1976;
Địa chỉ: Phường T, thành phố T, tỉnh Khánh Hòa; Vắng mặt;
3.13. Chị Trần Thị Y, sinh năm 1974;
Địa chỉ: phường T, thành phố T, tỉnh Khánh Hòa; Vắng mặt;
4. Người làm chứng:
4.1. Cụ Nguyễn Đức S, sinh năm 1927;
Địa chỉ: thôn X, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương; Vắng mặt;
4.2. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1968;
Địa chỉ: Xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương; Vắng mặt;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 16/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:
- Theo các tài liệu có trong hồ sơ bà Nguyễn Thị Phương Đ trình bày: Bố bà là cụ Nguyễn Đức L, sinh năm 1892, chết năm 1945 không để lại di chúc. Cụ có 03 người vợ:
+ Vợ cả là cụ Hoàng Thị L1 mất năm 1944 không để lại di chúc. Hai cụ có 05 người con là Nguyễn Thị T1, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Đức V, Nguyễn Đức C1 và Nguyễn Thị V1. Ông V, ông C1, bà V1 chết trẻ không có con.
Năm 2006, bà Nguyễn Thị T1 chết. Bà T1 có 06 người con gái là Trịnh Thị N2, Trịnh Thị N4, Trịnh Thị N5, Trịnh Thị N6, Trịnh Thị N3, Trịnh Thị N7. Bà N7 chết năm 2000 có hai người con là Trần Phú H1, Trần Thị Y đang sinh sống tại thành phố Nha Trang.
Bà Nguyễn Thị T2 lấy chồng và sinh sống tại Hải Phòng. Năm 2015, bà T2 chết có 03 người con là Phan Thị Thanh M, Phan Quyết C, Phan Thanh B1.
+ Vợ hai là cụ Lê Thị N8 chết năm 1979 không để lại di chúc. Hai cụ không có con chung.
+ Vợ ba là cụ Đặng Thị N9 không để lại di chúc. Cụ N9 chết năm 2004. Hai cụ có 01 con chung là bà Nguyễn Thị Phương Đ.
Cụ L chết có để lại 1042 m2 đất (trong đó có 300 m2 đất ở, 104 m2 đất vườn, 336 m2 đất vườn thừa hợp pháp, 262 m2 đất ao) trên đất có 05 gian nhà lợp rạ, 03 gian nhà hiên tây cổ lợp ngói, 01 cây hương, 02 cây vải tổ.
Cụ L, cụ L1 chết được một vài năm, cụ N9 đi lấy chồng, toàn bộ nhà đất trên do cụ N8 sử dụng. Năm 1979, cụ N8 chết, tài sản của các cụ không người trông nom. Đến năm 1985, bà T2, bà T1 nhờ ông N đến trông coi giúp. Quá trình ở nhờ, ông N tự kê khai nhà đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông N vào năm 1993. Năm 2007, bà Đ về xây mộ các cụ phát hiện ông N xây thêm nhà ở trên đất của bố mẹ bà và biết ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất này. Bà Đ khiếu nại đến Ủy ban nhân dân huyện H, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các phòng ban liên quan về tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông N nhưng không được giải quyết. Ngày 20/6/2012, bà Đ khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A396438 ngày 13/9/1993 đã được đóng dấu chứng thực hợp pháp ngày 10/5/2002 tại trang 3 cấp cho ông Nguyễn Văn N. Tòa án nhân dân huyện H và Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông N.
Ngày 19/5/2017, bà Đ khởi kiện đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế của cụ N9 và xác định người có quyền sở hữu phần nhà và phần di sản của cụ L do hết thời hiệu khởi kiện, buộc vợ chồng ông N trả lại toàn bộ đất, nhà của cụ L, cụ N9 để lại cho người được hưởng.Ngày 08/4/2019, bà bổ sung yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ L, cụ N9 cho bà được hưởng; thay đổi yêu cầu khởi kiện đề nghị xử lý di sản thừa kế của cụ L và vợ của cụ L theo quy định của pháp luật hiện hành. Mục đích đề nghị hưởng di sản bằng hiện vật để làm nhà thờ. Ngoài ra, bà không còn bất kỳ yêu cầu khởi kiện nào khác.
- Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Đức N trình bày: Cụ L có ba người vợ và có những người con, những người cháu như bà Đ khai là chính xác. Ông xác nhận thời điểm cụ L, cụ L1, cụ N8, cụ N9 , bà T1, bà T2 chết trùng với lời khai của bà Đ.
Mẹ đẻ ông là Nguyễn Thị T3 kết hôn với cụ Nguyễn Đức T4 (em ruột cụ L). Hai cụ có một người con trai Nguyễn Đức T5 hơn ông 9 tuổi. Khi ông T5 chưa được hai tuổi thì cụ T4 chết. Mẹ ông ở cùng dãy nhà với cụ L. Hai người có quan hệ tình cảm với nhau. Khi mẹ ông có thai, để tránh điều tiếng cho gia đình cụ L, mẹ ông đã về bên ngoại ở để sinh con. Tuy nhiên, gia đình bên nội vẫn ngấm ngầm chăm sóc ông. Năm 1973, mẹ ông mất. Khi cụ L chết chưa được hai năm, cụ N9 kết hôn với cụ Nguyễn Văn T6 (cùng xóm) sinh được hai người con. Một người con là liệt sỹ Nguyễn Văn T7, chết năm 1972, một người con gái chết khi còn nhỏ. Cụ T6 chết khi nào và cụ N9 đi Hà Nội ở với bà Đ khi nào ông không nhớ. Năm 2004, cụ N9 chết. Gia đình ông có đến viếng. Sau này, bà Đ đưa hài cốt của cụ N9 về nghĩa trang Đống Lác, thôn X, xã T, ông là người xin đất để đặt hài cốt cụ N9 và chăm sóc phần mộ của cụ N9 chu đáo.
Di sản của cụ L để lại có 1054 m2 đất ở xóm L, thôn X, xã T, huyện H, trên đất có 01 mái hiên Tây cổ xây dựng năm 1924 không còn giá trị sử dụng, 02 cây vải lâu năm. Khi cụ L và cụ L1 chết khối tài sản này do bà T2, bà T1 và cụ N8 quản lý sử dụng. Năm 1979, cụ N8 chết. Bà T1 quản lý trông coi. Ông được bà T1 nói lại: Khi cụ N8 mất, bà Đ có mang tiền về đề nghị được mua lại toàn bộ diện tích đất của các cụ để lại nhưng bà T2, bà T1 không đồng ý.
Đến năm 1982, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị T2, bà Nguyễn Thị N10 (là vợ hai của ông Nguyễn Văn T6, ông T6 là chồng của bà Nguyễn Thị V1 con cụ L chết trẻ) đồng thuận đón ông về nhận thừa kế mảnh đất và tài sản trên đất của cụ L. Cụ N9 biết việc này nhưng không có ý kiến vì cụ N9 đã đi lấy chồng. Ông Trịnh Văn D (chồng của bà T1) đưa ông lên nhà bà Đ tại khu tập thể Bệnh viện E Hà Nội để nói chuyện với bà Đ về việc bà T1, bà T2 đón ông về ở trên đất cụ L để thờ phụng tổ tiên. Vợ chồng bà Đ không phản đối. Do không ai có ý kiến gì, ông đồng ý về ở trên đất của cụ L. Khoảng tháng 3 năm 1983, vợ con ông chuyển về ở trên đất cụ L trước. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu mới về sau. Khi gia đình ông về ở trên đất của cụ L không có ai ở cùng.
Năm 2003 (vào ngày giỗ cụ L), các chị em trong gia đình đã họp và lập biên bản về việc giao lại nhà đất của các cụ cho ông quản lý, sử dụng có chữ ký của bà T1, bà T2, bà Đ, bà N10 và ông nhưng văn bản này đã bị mất. Đến ngày giỗ cụ L năm 2004, gia đình lập biên bản lại với nội dung như biên bản năm 2003 nhưng bà Đ vắng mặt, không ký. Theo như Biên bản thỏa thuận: Đất đai của các cụ để lại, ông chỉ được sử dụng không được bán, chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ làm đất hương hỏa, thờ phụng tổ tiên, ông phải lo cúng giỗ tổ tiên, chăm sóc các phần mộ chu đáo. Đối với 02 cây vải, cây to ông được toàn quyền sử dụng. Cây nhỏ thu hoạch được thì chia làm năm phần ông được hai phần, ba phần còn lại chia cho bà T2, bà T1, bà Đ. Việc này ông vẫn thực hiện đúng như yêu cầu của bà T1, bà T2.
Khi cụ N8 còn sống, ông thường xuyên qua lại chăm sóc. Cụ N8 bảo ông là con của cụ L và quý ông như con đẻ. Ông thường đưa cụ N8 đi Hải Phòng khám chữa bệnh và bảo con gái lên ở để chăm sóc cụ N8. Nhà cụ L dột nát, không có ai chăm sóc, cụ N8 chuyển về ở cùng bà T1. Khi cụ N8 mất, ông chưa về ở nhà đất của cụ L nhưng đã cùng các chị ông lo ma cho cụ N8 tại nhà bà T1.
Ông về đất cụ L ở từ năm 1983 đến năm 1993 không có ai khiếu nại hoặc đơn từ đòi chia mảnh đất này nên Ủy ban nhân dân huyện H đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông. Bà Đ có yêu cầu trả cho bà Đ một miếng đất để xây nhà, ông không đồng ý và bảo phải để hỏi ý kiến của bà T1, bà T2. Sau khi các bên không thống nhất được, bà Đ khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân huyện H đã cấp cho gia đình ông.
Trong quá trình sinh sống trên đất, ông đã xây nhà mới liền với mái hiên tây. Nhà xây trên móng nhà cũ nhưng đã đào hết móng nhà cũ. Toàn bộ ba gian nhà hiện nay là xây mới hoàn toàn, công trình cũ chỉ còn bức tường phào chỉ trước hiên nhà có ghi 1924 không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ lại để làm kỷ niệm của các cụ. Ông xây thêm ba gian nhà mới diện tích bằng ba gian nhà xây trước nhưng quay về hướng Đông, công trình phụ, nhà ăn, nhà nghỉ ở phía sau, 02 bể ngầm để đựng nước, 04 gian nhà cấp bốn, trại chăn nuôi khoảng 100m2, xây lại cây hương, sửa lại hiên tây, xây toàn bộ tường bao, bờ ao, làm sân chơi, đường đi, vườn hoa cây cảnh và nhiều cây cối khác. Các tài sản trên là của vợ chồng ông và con trai ông là anh Nguyễn Đức B, vợ là Nguyễn Thị G xây dựng lên. Về tôn tạo đất gia đình ông đã xin bùn và mua đất đổ vào vườn hiện tại làm nhiều lần, số tiền chi phí là bao nhiêu ông không nhớ được chính xác nhưng mất rất nhiều công sức, gia đình ông phải nộp thuế đất từ trước đến nay.
Bà Đ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L và cụ N9, ông N không đồng ý. Vì khi bà T1, bà T2 còn sống cả gia đình đã thỏa thuận giao toàn bộ di sản của cụ L cho ông sử dụng. Cụ N9, bà Đ đều biết nhưng không ai phản đối. Bản thân cụ N9 không có di sản để lại vì cụ L và cụ N9 ở với nhau được thời gian ngắn, khi cụ L chết, cụ N9 đi lấy chồng. Nếu phải chia di sản thừa kế của cụ L, ông đề nghị xem xét công sức duy trì, tôn tạo, phát triển khối di sản của gia đình ông sao cho thỏa đáng, đúng pháp luật. Ông đề nghị xin hưởng bằng hiện vật.
- Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án ông Nguyễn Đức B trình bày: Năm 1983, anh theo bố mẹ về ở trên đất của cụ L tại xóm L, xã T theo yêu cầu của bà T2, bà T1. Khi đến ở chủ yếu là lau, sậy; trên đất chỉ có mái hiên tây xây năm 1924 không còn giá trị, 02 cây vải và 01 cây hương. Sau khi về gia đình đã tu tạo cải thiện lại đất và xây dựng nhà cửa trên đất, xây lại cây hương. Nay bà Đ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L và cụ N9 để lại anh không nhất trí. Nếu phải chia thừa kế, anh đề nghị xem xét công sức duy trì, tôn tạo, phát triển khối di sản của gia đình anh theo quy định của pháp luật, đề nghị hưởng bằng hiện vật.
Tại Biên bản ghi lời khai đương sự bà Nguyễn Thị T2 xác nhận: Ông N là con riêng của cụ L, là em cùng cha khác mẹ với bà. Việc gia đình ông N về sinh sống trên đất của cụ L được sự đồng thuận của cả gia đình, có lập biên bản thể hiện ý chí của các thành viên trong gia đình. Nay bà không tranh chấp gì đối với khối di sản của cụ L để lại, đồng ý để ông N tiếp tục sử dụng di sản của cụ L làm nơi thờ cúng tổ tiên, làm nơi đi lại của các con cháu xa gần trong những dịp giỗ tết.
Tại Biên bản ghi lời khai đương sự các bà Trịnh Thị N3, Trịnh Thị N4, Trịnh Thị N2, Trịnh Thị N6, Trịnh Thị L (là con gái bà Nguyễn Thị T1), anh Trần Phú H(là con của bà Trịnh Thị Nhuận, là cháu ngoại bà T1) đều xác nhận ông N là con cụ L, là em ruột bà T1, đồng ý với di nguyện của bà T1 khi con sống, đồng ý giao toàn bộ di sản của cụ L cho ông N tiếp tục quản lý, sử dụng để làm nơi thờ cúng tổ tiên, không yêu cầu gì về quyền lợi, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Đ, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án vắng mặt.
Tại Biên bản ghi lời khai, bà Nguyễn Thị N10 trình bày: Bà là vợ hai của ông Nguyễn Văn T6. Trước khi kết hôn với bà, ông T6 kết hôn với bà Nguyễn Thị V1 (con cụ L). Bà Nguyễn Thị V1 chết trẻ không có con. Hàng năm, gia đình bà vẫn theo giỗ tết với ông N vì bà V1 là chị ông N. Gia đình bà không có yêu cầu quyền lợi liên quan đến đất đai, tài sản của cụ L. Bà xác nhận có cùng bà T2, bà T1, ông N ký vào giấy giao đất của cụ L cho ông N vào năm 2003, 2004.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 22/4/2019, người làm chứng bà Nguyễn Thị T trình bày: Bà là con dâu của cụ Phạm Thị K. Một số tài liệu thể hiện cụ Phạm Thị K tên gọi là Nguyễn Thị K là không chính xác. Cụ K lấy họ của chồng nên gọi là Nguyễn Thị K. Cụ K và bà là dâu họ Nguyễn Đ1 thuộc xã T. Hiện nay mẹ chồng bà trên 95 tuổi bị tai biến không nói được. Bà xác nhận ông Nguyễn Đức N là con riêng của cụ Nguyễn Đức L, tên thường gọi là B3 nghĩa là con riêng, con ngoài giá thú. Ông N ở trên đất hiện nay từ năm nào bà không biết, chỉ biết khi bà về làm dâu thì ông N đã ở lâu trên thửa đất này. Ông N theo giỗ tổ của dòng họ Nguyễn Đ1 từ khi về sinh sống ở xóm 4 cho đến nay. Bà cam đoan lời khai là chính xác, nếu sai bà hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bà đề nghị giải quyết vụ án vắng mặt.
Tại biên bản ghi lời khai người làm chứng ngày 22/4/2019, ông Nguyễn Đức S trình bày: Cụ là em con chú con bác ruột với cụ L, không có mâu thuẫn gì với bà Đ, ông N. Cụ xác nhận Cụ L có ba người vợ và có những người con như ông N, bà Đ trình bày là đúng. Cụ L kết hôn với cụ N9 khoảng tháng 2/1945 (âm lịch). Khoảng tháng 8/1945 (âm lịch), cụ N9 đẻ bà Đ. Lý do cụ L kết hôn với cụ N9 là do tháng 2/1945 (âm lịch), cụ L đi tế ở Lăng Bia xã T, huyện H gặp cụ N9 làm nghề hát (ca trù). Hai người phải lòng nhau và nên vợ nên chồng. Tháng 10/1945 (âm lịch), cụ L chết. Khoảng tháng 2/1946 (âm lịch) cụ N9 kết hôn với ông Đoàn T6 (tên gọi khác là ông Nguyễn Văn T6 cùng xóm) và đem theo bà Đ đi cùng. Từ khi cụ N9 lấy chồng đến khi cụ N9 chết, cụ N9 và bà Đ không có thời gian nào về ở trên đất của cụ L. Khi cụ L chết để lại toàn bộ diện tích đất như hiện nay, mái hiên tây, 01 cây hương, 02 cây vải, không có nhà vì nhà đã bị bọn Pháp phá đi để lấy gạch xây bốt ngay lối rẽ vào cổng làng L bây giờ. Hiện nay, bốt đã bị phá bỏ.
Toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất do cụ N8 quản lý và sử dụng. Do không có nhà, gia đình cụ làm cho cụ N8 một bán mái lợp bằng rạ, vách bằng đất gác vào hiên tây để cụ N8 ở tạm. Sau đó dột nát, cụ N8 chuyển về nhà bà T1 ở. Khoảng năm 1978 hoặc năm 1979, cụ N8 chết, toàn bộ tài sản của cụ L do bà T1 quản lý. Khi cụ N8 chết, cụ N9 và bà Đ không về. Mọi việc mai táng cho cụ N8 đều do cụ, bà T2, bà T1 lo liệu. Khi cụ N8 còn sống đã nhận ông N là con của cụ L. Ông N đã đưa con gái lên trông nom cụ N8. Khi bị mọi người kích bác, cụ N8 lại đuổi con gái ông N về nên khi cụ N8 mất, vợ chồng bà T1 có tìm ông N về để lo ma cho cụ N8 nhưng ông N ngại không dám đứng ra. Sau khi sang cát cho cụ N8 xong, gia đình tổ chức họp thống nhất giao toàn bộ tài sản của cụ L cho ông N sử dụng, có lập biên bản có chữ ký của bà T1, bà T2, ông N, bà Đ nhưng biên bản này đã bị thất lạc. Sau đó có lập biên bản khác, bà Đ không ký. Lý do cả gia đình giao tài sản của cụ L cho ông N là vì cả gia đình và dòng tộc hai họ (Nguyễn Đ1 của cụ L, Hoàng Đ2 của cụ L1) đều thừa nhận ông N là con của cụ L. Từ khi được gia đình giao tài sản của cụ L, ông N theo giỗ tết của dòng họ Nguyễn Đ1 và dòng họ Hoàng Đ2, là người thờ cúng tổ tiên và sửa sang mồ mả các cụ chu đáo.
Bà Đ khai di sản cụ L để lại gồm nhà ngói hiên tây và có thời gian về sinh sống ở trên đất của cụ L là không đúng. Vì nhà ngói hiên tây, cây hương đã hư hỏng. Toàn bộ công trình trên đất hiện nay, gia đình ông N, anh B xây dựng không liên quan đến di sản của cụ L. Khi sinh ra, bà Đ sinh sống với cụ N9 và cụ Đoàn Trị, lớn lên đi học lấy chồng. Cụ N9 chung sống với cụ L thời gian quá ngắn, sau khi cụ L chết thì tái giá không có công sức gì. Nguồn gốc đất là của bố mẹ cụ L để lại. Việc bà Đ cho rằng ông N không phải là con của cụ L và khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L để lại là không đúng vì ông N là con cụ L đã được cả xã, cả dòng họ thừa nhận. Cụ đề nghị Tòa án giải quyết vụ án vắng mặt, đảm bảo quyền lợi cho ông N.
UBND xã T cung cấp:
+ Theo bản đồ địa chính 299, ông Nguyễn T N đăng ký sử dụng 855 m2 đất vườn và 79 m2 đất ao thửa 32 + 33 tờ bản đồ số 05. Địa phương lý giải trong sổ đăng ký tên Nguyễn T N do lỗi ghi nhầm tên đệm, thực tế là Nguyễn Đức N.
+ Theo tài liệu đo đạc bản đồ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1992, ông Nguyễn Văn N đăng ký sử dụng thửa 100, 101 tờ bản đố số 03 diện tích 300 m2 đất ở và 480 m2 đất vườn, 262 m2 đất ao đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A396438 hiện bị cơ quan Nhà nước tuyên hủy và thu hồi.
+ Theo tài liệu đo đạc bản đồ năm 2011, ông Nguyễn Đức N đăng ký sử dụng tờ số 14, thửa 47 diện tích 1066 m2, loại đất ở nông thôn. Do tại thời điểm đó đất ao trong khu dân cư liền thửa được đo vào đất ở nhưng vẫn có nét đứt thể hiện ranh giới ao. Theo Luật đất đai năm 2013, giá trị đất ao tính riêng. Nguồn gốc thửa đất này trước bản đồ 299 là của ai địa phương không có tài liệu lưu giữ.
Căn cứ vào sổ giao ruộng theo Quyết định 721 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, hộ gia đình bà Dương Thị N1 (vợ ông Nguyễn Đức N) có 02 khẩu được giao ruộng gồm bà Dương Thị N1, anh Nguyễn Đức B (con bà N1) tổng diện tích giao theo tiêu chuẩn là 1248m2 trong đó trừ vào đất vườn 144m2, còn lại giao đất ruộng ngoài đồng 1104m2. Thực tế diện tích trừ vào vườn 144m2 của hộ bà N1 thuộc đất ở xóm 4 hay xóm 7 xã T thì xã không nắm được chính xác vì không còn hồ sơ lưu giữ.
Thời điểm thực hiện việc chia đất tại xã T, theo diện tích đo đạc qua các thời kỳ diện tích đất có chênh lệch là do sai số đo đạc và biến động ranh giới sử dụng đất không có chuyển nhượng.
Tại biên bản ghi lời khai người làm chứng, bà Nguyễn Thị N3 trình bày: Khi làm chủ nhiệm hợp tác xã, bà không nắm rõ được tiêu chuẩn 721 của bà Dương Thị N1 (vợ ông N) trừ vào thửa đất nào của gia đình ông N vì ông N có 02 thửa đất, 01 thửa đất ở xóm 7 và 01 thửa đất ở xóm 4 xã T. Thửa đất ở xóm 4 nguồn gốc là của cụ L. Bà khẳng định đất của cụ L là đất thổ cư của tổ tiên để lại không có việc trừ đất tiêu chuẩn 721 của gia đình ông N vào thửa đất của cụ L. Bà cam đoan lời xác nhận của bà là đúng, nếu sai bà hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tại Biên bản xác minh ngày 10/7/2019, ông Ngô Xuân K cung cấp: Ông giữ chức vụ chủ tịch UBND xã T từ năm 2000 đến năm 2010. Từ năm 2010 đến tháng 6/2016 là bí thư đảng ủy xã. Từ tháng 6/2016 cho đến nay là chủ tịch UBND xã. Sau khi được cán bộ Tòa án cho xem Văn bản bàn giao tài sản được lập ngày 21/11/2004 giữa bà T1, bà T2, ông N, bà N10 (bản pho to). Ông xác nhận việc lập văn bản bàn giao tài sản giữa các bên là có thật và ông đã ký xác nhận ở bên dưới văn bản với tư cách là Chủ tịch UBND xã T.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 16/9/2019, Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hải Dương:
Căn cứ Điều 611, 623, 649, 650, 651, 652, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự; khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, điểm a b khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, Điều 238, Điều 266, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của bà Nguyễn Thị Phương Đ đối với di sản của cụ Đặng Thị N9.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị Phương Đ đối với di sản của cụ Nguyễn Đức L.
3. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Đức L gồm: cụ N9, bà T1, bà T2, bà Đ, ông N.
4. Xác định di sản của cụ L để lại gồm 1068 m2 đất thổ cư (trong đó 300m2 đất ở; 104 m2 đất vườn, 441,9 m2 đất vườn thừa hợp pháp, 222,1 m2 đất ao) tại thửa số 47, tờ bản đồ số 17 xã T, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, 02 cây vải lâu năm trị giá 331.689.000 đồng.
5. Áng trích công sức duy trì, tôn tạo và phát triển di sản cho ông Nguyễn Đức N, bà Dương Thị N1, anh Nguyễn Đức B, chị Nguyễn Thị G bằng quyền sử dụng 323 m2 đất trị giá 99.300.000 đồng từ di sản đất thổ cư tại thửa 47, tờ bản đồ số 17 ở thôn Lại Xá, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương. Ghi nhận đề nghị của anh B tự nguyện nhập toàn bộ tài sản mà vợ chồng anh được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung của gia đình ông N.
6. Xác định di sản của cụ L còn lại sau khi áng trích công sức cho ông N, bà N1, anh B, chị G là 232.389.000 đồng.
7. Xác định mỗi kỷ phần thừa kế theo pháp luật được hưởng 46.478.000 đồng.
8. Ghi nhận sự tự nguyện những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà T1, bà T2 giao cho ông N tiếp tục sử dụng kỷ phần của bà T1, bà T2 được hưởng để làm nơi thờ cúng tổ tiên.
9. Xác nhận bà Đ được hưởng 2/5 kỷ phần thừa kế, ông N được hưởng 3/5 kỷ phần thừa kế.
10. Chia di sản cụ thể bằng hiện vật như sau:
Chia cho bà Đ 2/5 kỷ phần thừa kế được hưởng 298 m2 đất ( trong đó có 75,9 m2 đất ở, 222,1 m2 ao) tại thửa 47 tờ bản đồ số 14 xã T, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình A’B’BA và 02 cây quất trị giá 180.000 đồng, 02 cây đu đủ trị giá 200.000 đồng, 02 cây dừa trị giá 1.200.000 đồng, 01 cây bưởi có đường kính gốc 5 cm trị giá 90.000 đồng, 01 cây chay trị giá 390.000 đồng, 03 đoạn tường rào gạch chỉ kè bờ ao trị giá 3.990.000, 01 chuồng gà 13 m2 trị giá 1.656.000 đồng, 11,2 m tường bao trị giá 1.963.000 đồng, 5,9 m tường bao gần chuồng gà trị giá 857.000 đồng, tổng trị giá tài sản bà Đ được hưởng 83.857.000 đồng + 2.060.000 đồng + 8.466.00 đồng = 94.383.000 đồng. Bà Đ phải trả anh B, chị G tiền cây và tài sản trên đất là 10.526.000 đồng.
Chia cho ông N 3/5 kỷ phần thừa kế, được hưởng 447 m2 đất ( trong đó có 133,1 m2 đất ở, 73m2 đất vườn thừa, 240,9 m2 đất vườn thừa hợp pháp) trị giá 143.332.000 đồng và áng trích công sức cho ông N, bà N1, anh B, chị G bằng quyền sự dụng 323 m2 đất thổ cư (trong đó có 91 m2 đất ở, 31m2 đất vườn thừa, 201 m2 đất vườn thừa hợp pháp) tại thửa 47 tờ bản đồ số 14 xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình A’B’CDEF , 02 cây vải lâu năm trị giá 5.200.000 đồng có trị giá 247.832.000 đồng. Ông N chích trả chênh lệch phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà Đ là 9.099.000 đồng.
Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.
Các đương sự tự mở lối đi và có trách nhiệm đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia.
(Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo) 11. Đối với tài sản, công trình trên đất là tài sản riêng của ông đình N, gia đình anh B. Gia đình ông N, gia đình anh B tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.
Ngoài ra, Bản án còn quyết định về lãi suất, thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 28/9/2019, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Phương Đ có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm về những nội dung sau: Không xác định cụ N9 có di sản là không đúng quy định; Xác định ông N là con của cụ L và được chia thừa kế là không chính xác; Xác định di sản thừa kế không đầy đủ, thiếu cây hương cổ và mái hiên tây cổ; Giải quyết về phần công sức không chính xác; Việc phân chia di sản không công bằng; Quyết định về án phí và chi phí thẩm định định giá không chính xác.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn bà Đ vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện và nội dung kháng cáo. Đồng thời, bà Đ đề nghị HĐXX xem xét công sức của bà và của mẹ bà là cụ N9 đối với khối di sản.
- Ông Đinh Ngọc P là người bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Đ xác định: Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh đầy đủ nhân thân của ông N mà chỉ căn cứ vào lời khai của những người làm chứng để xác định ông N là con của cụ L là không chính xác. Thực tế, xác minh lý lịch của ông N là con của cụ T4. Do đó, đề nghị HĐXX không xác định ông N là con của cụ L và không được hưởng 01 suất thừa kế; Thứ hai, ông N ở trên đất của cụ L từ năm 1982 là do bà T2, bà T1 và bà Đ cho ở nhờ để trông coi giúp; Thứ ba, Tòa án cấp sơ thẩm tính công sức và áng trích 323m2 đất cho gia đình ông N là nhiều, không phù hợp; Thứ tư, Tòa án cấp sơ thẩm chia cho bà Đ đất ao và một phần đất thổ cư là không công bằng. Vị trí đất được chia là cuối thửa đất, đi lại khó khăn; Thứ năm, Tòa án cấp sơ thẩm áng trích công sức cho anh B, chị G. Anh B, chị G tự nguyện nhập vào tài sản của ông N. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không tính án phí đối với phần công sức của anh B, chị G là không chính xác. Do cấp sơ thẩm có những sai sót trên nên đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
- Bà Phạm Thị H là người bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Đ xác định: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào lời khai của những người làm chứng, trong đó có ông S để xác định ông N là con của cụ L là không chính xác; Các văn bản của bà T2, bà T1 cho đất ông N là không chính xác vì giữa bà Đ với bà T2 và bà T1 có mâu thuẫn; Các lời khai của các con và cháu bà T2, bà T1 không chính xác vì họ sinh sau thời điểm cụ L mất; Cấp sơ thẩm không xem xét công sức của bà Đ và cụ N9 là thiếu; Tòa án cấp sơ thẩm chia cho bà Đ đất ao và một phần đất thổ cư là không công bằng. Do đó, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét để đưa ra một phán quyết đúng pháp luật.
- Anh B, chị G không đồng ý với kháng cáo của bà Đ. Đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu quan điểm: Về việc tuân thủ pháp luật: Từ khi thụ lý vụ án, trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký và các đương sự tham gia phiên tòa tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng; về hướng giải quyết vụ án: Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ và trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Phương Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 16/9/2019 của TAND huyện Thanh Hà.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Phương Đ là hợp lệ và được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vắng mặt đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX quyết định xét xử vụ án vắng mặt các đương sự trên.
[2] Về thời điểm mở thừa kế: Năm 1945, cụ L chết nên xác định thời điểm mở thừa kế của cụ L là năm 1945.
[3] Về thời hiệu khởi kiện: Năm 2017, bà Đ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Căn cứ vào Điều 184 BLTTDS xác định thời hiệu thừa kế được quy định trong Bộ luật dân sự tại Điều 623 là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Theo hướng dẫn tại mục I Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Tối cao thì: Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì ...thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990. Như vậy, thời hiệu khởi kiện thừa kế trong vụ án vẫn còn.
[4] Xét kháng cáo của bà Đ thì thấy:
[4.1] Về hàng thừa kế: Tài liệu có trong hồ sơ và lời khai thống nhất của các đương sự xác định cụ L có ba người vợ gồm: Vợ cả Hoàng Thị L1, chết năm 1944, vợ thứ hai Lê Thị N8, chết năm 1979, vợ thứ ba Đặng Thị N9, chết năm 2004. Các cụ chết không để lại di chúc.
Nguyên đơn bà Đ không thừa nhận ông N là con của cụ L và ông N cũng không có giấy tờ pháp lý nào chứng minh ông N là con cụ L. Tuy nhiên, căn cứ vào lời thừa nhận của bà T1, bà T2 khi còn sống, bà Nguyễn Thị N10, cụ Nguyễn Đức Sùng, các con của bà T1, bà T2 và một số người trong dòng họ Nguyễn Đ1 ở xã T, huyện H có trong hồ sơ đều xác nhận ông N là con riêng của cụ L. Thực tế, ông N cũng đã được bà T1, bà T2 đón về ở trên đất của cụ L từ năm 1983 đến nay được mọi người trong gia đình thừa nhận, bản thân bà Đ cũng như cụ N9 trong một thời gian dài biết được việc đó, không phản đối, hàng năm vẫn theo giỗ, Tết tại nhà đất mà gia đình ông N quản lý. Hơn nữa, các đương sự đều xác định lý lịch của ông N sinh năm 1936, trong khi họ tên bố là Nguyễn Đức T4 mất năm 1930. Do đó, ông N không thể là con của cụ T4. Từ năm 1983 đến nay, ông N thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người con, người cháu đối với dòng họ Nguyễn Đ1 trong việc quản lý di sản của cụ L, cụ L1, cụ N8 và cụ N9 để lại, thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mộ phần của tổ tiên chu đáo được dòng họ Nguyễn Đ1 ở địa phương ghi nhận. Ông N hoàn toàn tự nguyện giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống với cụ L. Như vậy, có cơ sở xác nhận ông N là con của cụ L, có quyền được hưởng di sản thừa kế của cụ L theo quy định của pháp luật. Xét thấy, cấp sơ thẩm xác định ông N là con của cụ L là có cơ sở, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, phù hợp với thực tế quản lý di sản của ông N. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này. Như vậy, những người được hưởng thừa kế di sản của cụ L gồm: Bà T1, bà T2, bà Đ, ông N và cụ N9.
Như vậy, cụ L và cụ L1 có 05 người con là bà T1, bà T2, bà V1, ông V, ông C1. Bà V1, ông V, ông C1 đều chết trẻ không có vợ, chồng và con. Bà T1 chết năm 2006, có 07 người con là bà Trịnh Thị N2, Trịnh Thị N4, Trịnh Thị L, Trịnh Thị N5, Trịnh Thị N6, Trịnh Thị N3, Trịnh Thị N7. Trong đó, bà Trịnh Thị N7 chết năm 2000, có hai người con là Trần Thị Y, Trần Phú H. Bà T2 chết năm 2015, có 3 người con là Phan Thị Thanh M, Phan Quyết C, Phan Thanh B1.
Cụ L và cụ N8 không có con chung.
Cụ L và cụ N9 có 01 con chung là bà Nguyễn Thị Phương Đ.
Cụ L có một người con riêng là ông Nguyễn Đức N.
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ L1 là cụ L và các con chung là bà T1 và bà T2. Cụ N8 chết năm 1979 không có con. Hàng thừa kế của cụ L gồm cụ N8, cụ N9, bà T1, bà T2, bà Đ và ông N. Hàng thừa kế của cụ N9 chỉ có bà Đ.
[4.2] Xác định di sản thừa kế là đất ở: Tòa án cấp sơ thẩm xác định khi còn sống cụ L có di sản là diện tích 1042 m2 đất thổ cư tại thửa 100, 101 tờ bản đồ số 03 xã T tại xóm 4, thôn Lại Xá, xã T, huyện H. Theo bản đồ năm 2011, là thửa đất thuộc tờ bản đồ số 14, thửa số 47, tại xã T, diện tích 1066 m2. Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ xác định hiện trạng diện tích đất là 1068 m2, tăng 02m2 là do sai số trong đo đạc. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ L để lại 1068 m2 đất, gồm: 300m2 đất ở, 104m2 đất vườn, 441,9m2 đất vườn thừa hợp pháp, 222,1m2 đất ao. Tuy nhiên, việc xác định toàn bộ di sản là của cụ L là không phù hợp với thực tế và quy định. Trước thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực thì Nhà nước chưa có quy định về việc kết hôn với nhiều người. Việc cụ L kết hôn với cụ L1, cụ N8 và cụ N9 được thừa nhận là vợ chồng. Do đó, diện tích đất 1068m2 là tài sản chung của cụ L, cụ L1, cụ N8 và cụ N9. Vì vậy, cần sửa bản án sơ thẩm về việc xác định di sản thừa kế của cụ L để chia theo quy định của pháp luật.
[4.3] Tại thời điểm cụ L1 mất năm 1944, thì diện tích đất 1068m2 là tài sản chung của cụ L, cụ L1 và cụ N8. Như vậy, cụ L1 mất năm 1944 được hưởng 1/3 giá trị của 1068m2/3 = 356m2. Di sản của cụ L1 được thừa kế cho cụ L, bà T1 và bà T2. Mỗi người được hưởng là 118,66m2 đất.
[4.4] Phần tài sản của cụ L, cụ N8 là 2/3 bằng 712m2 đất và 118,66m2 đất mà cụ L được hưởng của cụ L1. Tổng là 830,66m2 đất. Năm 1945, cụ L kết hôn với cụ N9 và sống cùng với cụ L, cụ N8. Do đó, diện tích đất 830,66m2 đất là tài sản chung của cụ L, cụ N8 và cụ N9. Mỗi người được sử dụng 276,88m2. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm xác định 276,88m2 là di sản do cụ L để lại để chia cho những người được thừa kế.
[4.5] Về tài sản trên đất: Bà Đ cho rằng khi cụ L chết để lại 03 gian nhà lợp ngói hiên tây, 01 cây hương thờ thượng thiên, 02 cây vải lâu năm. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai của cụ Nguyễn Đức S (là anh em con chú, con bác ruột với cụ L, người cao tuổi nhất trong gia đình) xác nhận di sản của cụ L để lại chỉ có 02 cây vải lâu năm còn 03 gian nhà hiên tây, cây hương thờ thượng thiên do thời gian, do chiến tranh không còn, chỉ còn bức tường phào chỉ trước hiên nhà không còn giá trị. Lời khai này phù hợp với lời khai ông N, anh B, phù hợp với biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 22/3/2019. Cây hương được thể hiện trong Biên bản thẩm định đã được gia đình ông N xây mới trên nền cũ không liên quan đến di sản. Như vậy, đủ căn cứ xác định tài sản trên đất là di sản của cụ L, cụ L1, cụ N8 và cụ N9 để lại gồm 02 cây vải tổ.
[4.6] Theo các tài liệu có trong hồ sơ xác định bà T1, bà T2 là con chung của cụ L và cụ L1 nên được hưởng thừa kế của cụ L và cụ L1. Ngoài ra, do cụ N8 không có con với cụ L, nhưng sống chung một nhà với cụ L1 và các con của cụ L1 là bà T1 và bà T2. Giữa cụ N8 và các con của cụ L1 là bà T1 và bà T2 có quan hệ chăm sóc nhau, coi nhau như mẹ con. Khi về già, các bà T2 và bà T1 chăm sóc, nuôi dưỡng cụ N8. Do đó, phần di sản của cụ N8 được chia cho các bà T1 và Tư phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Như vậy, bà T1, bà T2 được thừa kế tài sản của cụ L1, cụ L và của cụ N8. Từ năm 1983 bà T1 và bà T2 đón ông N về và giao toàn bộ diện tích đất cho ông N quản lý. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định đối với kỷ phần của bà T1, bà T2 nhận được từ cụ L1, cụ L và cụ N8 đã tặng cho ông N để sử dụng và làm nơi thờ cúng tổ tiên. Điều này phù hợp với việc năm 2004 (vào ngày giỗ cụ L), các chị em trong gia đình đã họp và lập biên bản về việc giao lại nhà đất của các cụ cho ông N quản lý, sử dụng có chữ ký của bà T1, bà T2, bà N10 và xác nhận của UBND xã. Đến nay, các con của bà T1, bà T2 không có tranh chấp gì tự nguyện giao cho ông N tiếp tục sử dụng. Căn cứ khoản 2 Điều 176, Điều 242 Bộ luật dân sự năm 1995 thì việc tặng cho có hiệu lực pháp luật.
[4.7] Sau khi cụ L mất một thời gian, cụ N9 đi lấy chồng và không có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng với các con của cụ L1 và cụ L. Do đó, phần di sản của cụ N9 được thừa kế cho bà Đ là phù hợp. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ về nội dung này là không chính xác. Do đó HĐXX chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Đ sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.
[4.8] Về giá trị di sản: Căn cứ vào Biên bản định giá tài sản ngày 05/4/2019, di sản của cụ L có trị giá như sau: 300 m2 đất ở x 900.000 đồng/m2 = 270.000.000 đồng; 104 m2 đất vườn x 75.000 đồng/m2 = 7.800.000 đồng; 222,1 m2 ao x 70.000 đồng/m2 = 15.547.000 đồng; 441,9 m2 đất vườn thừa hợp pháp x 75.000 đồng/m2 = 33.142.000 đồng; 01 cây vải có đường kính tán trên 15 m trị giá 3.500.000 đồng; 01 cây vải có đường kính tán trên 7 m trị giá 1.700.000 đồng. Tổng cộng 331.689.000 đồng.
Xác định trị giá di sản của cụ L1 để lại là 110.563.000đồng. Trong đó, cụ L, bà T1 và bà T2 mỗi người được hưởng là 36.854.333đồng.
Tại thời điểm cụ L mất, tài sản của cụ L, cụ N8 và cụ N9 là 221.126.000đồng và 36.854.333đồng giá trị tài sản của cụ L thừa kế của cụ L1. Tổng là 257.980.333đồng. Xác định cụ L, cụ N8 và cụ N9 mỗi người có giá trị tài sản là 85.993.444đồng. Trong đó:
Phần di sản của cụ L để lại là 85.993.444đồng được chia cho bà T1, bà T2, bà Đ, ông N và cụ N9. Mỗi người được hưởng giá trị di sản là 17.198.688đồng. [4.9] Như vậy, bà T1 và bà T2 được hưởng phần di sản của cụ L1 là 73.708.666đồng; Bà T1 và bà T2 được hưởng phần di sản của cụ N8 là 85.993.444đồng; Bà T1, bà T2 và ông N được hưởng giá trị di sản của cụ L là 17.198.688đồng x 3= 51.596.064đồng. Tổng là 211.298.174đồng.
[4.10] Bà Đ, cụ N9 được hưởng phần di sản của cụ L là 34.397.376đồng; Bà Đ được hưởng phần di sản của cụ N9 là 85.993.444đồng. Tổng là 120.390.820đồng.
[5] Đối với yêu cầu giải quyết về công sức. Như đã phân tích, từ năm 1982 ông N đã được bà T2, bà T1 tặng cho toàn bộ phần di sản được hưởng. Ông N quản lý, sử dụng tài sản từ thời gian đó đến nay, vì vậy chỉ xem xét phần công sức của gia đình ông N trong việc quản lý di sản của cụ N9 và phần di sản của cụ L thừa kế cho cụ N9 và bà Đ. Mặc dù, gia đình ông N không có số liệu cụ thể, để chứng minh cho công sức của gia đình ông N trong việc duy trì, tôn tạo, phát triển đối với phần thửa đất là di sản thừa kế của cụ L, cụ N9 để lại. Tuy nhiên căn cứ vào lời khai của các đương sự, người làm chứng, Hội đồng xét xử thấy rằng trong một thời gian dài gia đình ông N có công sức trông nom, duy trì, tôn tạo đối với thửa đất là di sản thừa kế. Do sửa bản án sơ thẩm về giá trị di sản của cụ L nên HĐXX quyết định sửa bản án sơ thẩm về phần công sức của gia đình ông N cho phù hợp. Mức áng trích hợp lý công sức trông nom, duy trì, tôn tạo, vượt lập phần di sản của cụ N9 và phần di sản của cụ L thừa kế cho cụ N9 và bà Đ bằng tiền là 20.000.000đồng cho ông N, bà N1, anh B, chị G. Anh B, chị G tự nguyện nhập toàn bộ tài sản vợ chồng được chia trong vụ án này vào tài sản chung của ông N, bà N1. Sự tự nguyện của anh B không trái pháp luật và đạo đức xã hội được ghi nhận. Bà Đ có trách nhiệm trả cho ông N, bà N1 số tiền 20.000.000đồng.
[6] Do di sản là quyền sử dụng đất rộng và các đương sự đều có nhu cầu được hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật nên chia cho bà Đ, ông N bằng quyền sử dụng đất là phù hợp. Bà Đ kháng cáo không đồng ý với cách chia, diện tích chia cho ông N và bà Đ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định. Tuy nhiên, hiện nay ông N và gia đình đã quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích 1068m2 đất trong một thời gian dài, đã xây dựng các công trình, trồng cây trên toàn bộ khuôn viên. Hơn nữa, căn cứ vào giá trị phần di sản mà bà Đ được hưởng, bản thân bà Đ có chỗ ở ổn định tại Hà Nội, việc Tòa án cấp sơ thẩm chia cho bà Đ 75,9m2 đất ở và 222,1m2 đất ao là phù hợp. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bà Đ. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về việc phân chia diện tích đất thực tế như sau:
[6.1] Chia cho bà Đ được hưởng 298 m2 đất (trong đó có 75,9 m2 đất ở, 222,1 m2 ao) tại thửa 47 tờ bản đồ số 14 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình A’B’BA và 02 cây quất trị giá 180.000 đồng, 02 cây đu đủ trị giá 200.000 đồng, 02 cây dừa trị giá 1.200.000 đồng, 01 cây bưởi có đường kính gốc 5 cm trị giá 90.000 đồng, 01 cây chay trị giá 390.000 đồng, 03 đoạn tường rào gạch chỉ kè bờ ao trị giá 3.990.000đồng, 01 chuồng gà 13 m2 trị giá 1.656.000 đồng, 11,2 m tường bao trị giá 1.963.000 đồng, 5,9 m tường bao gần chuồng gà trị giá 857.000 đồng. Như vậy, giá trị quyền sử dụng đất bà Đ được hưởng 83.857.000 đồng; giá trị cây cối và công trình trên đất là 10.526.000 đồng. Tổng là 94.383.000 đồng. Bà Đ phải trả anh B, chị G tiền cây và tài sản trên đất là 10.526.000 đồng.
[6.2] Đối trừ giữa giá trị di sản bà Đ được hưởng là 120.390.820đ với phần di sản thực tế được chia là 83.857.000 đồng + 10.526.000đồng tiền cây. Tuy nhiên trừ đi số tiền 20.000.000đồng tiền công sức của gia đình ông N. Bà Đ còn được nhận lại 6.007.820đồng (làm tròn 6.008.000đ).
[7] Chia cho ông N được hưởng thừa kế của cụ L là 17.198.688đồng;
Công nhận việc tặng cho giá trị phần di sản 194.099.486đồng của bà T2, bà T1 nhận được của cụ L1, cụ L và cụ N8 cho ông N.
Giao cho ông N được quyền sử dụng 770 m2 đất (trong đó có 224,1 m2 đất ở, 104m2 đất vườn thừa, 441,9 m2 đất vườn thừa hợp pháp) trị giá 242.632.000đồng tại thửa 47 tờ bản đồ số 14 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình A’B’CDEF, 02 cây vải lâu năm trị giá 5.200.000 đồng, tổng cộng 247.832.000 đồng.
Ông N trích trả chênh lệch phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà Đ là 36.534.000đồng (làm tròn). Tuy nhiên, bà Đ có trách nhiệm trả số tiền công sức quản lý di sản và tiền cây cho ông N là 30.526.000đồng. Như vậy, ông N còn phải trả cho bà Đ số tiền là 6.008.000đồng. Anh B, chị G tự nguyện nhập toàn bộ tài sản mà vợ chồng anh được nhận trong vụ án này vào khối tài s ản chung của gia đình ông N.
[8] Các đương sự tự mở cổng đi và có trách nhiệm đến Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia. Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ. (Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo) [9] Đối với tài sản riêng của gia đình ông N, gia đình anh B: Gia đình ông N, gia đình anh B tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.
[10] Đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Phương Đ về nghĩa vụ chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Căn cứ Điều 157 và Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự xác định ông N và bà Đ phải chịu chi phí tương ứng với phần tài sản nhận được. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Đ phải chịu ½ chi phí bằng 2.500.000đồng là không chính xác. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm, bà Đ phải chịu 1.260.000đồng; ông N phải chịu 3.740.000đồng số tiền này ông N hoàn trả cho bà Đ.
[11] Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đ đề nghị HĐXX xem xét công sức của bà và cụ N9 đối với khối di sản thừa kế: Xét thấy, cụ N9 là người có di sản để lại thừa kế, sau khi cụ L chết một thời gian ngắn đã đi lấy chồng nên không có công sức đối với phần di sản của cụ L. Đối với yêu cầu của bà Đ được hưởng công sức đối với khối di sản của cụ L, xét thấy sau khi cụ L mất thì bà Đ mới sinh ra, sau đó đi học, đi làm trên Hà Nội nên không có công sức đối với di sản của cụ L để lại. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận đề nghị của bà Đ.
[12] Về án phí: Bà Đ kháng cáo được chấp nhận một phần và là người cao tuổi nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bà Đ kháng cáo đề nghị xem xét án phí về tính công sức cho anh B và chị G. Xét thấy, anh B và chị G tự nguyện cho ông N, bà N1 phần công sức đóng góp nên việc tính án phí cho ông N là phù hợp. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của bà Đ về nội dung này.
[13] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 148, Điều 157, Điều 165, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;
Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Phương Đ, sửa một phần bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 16/9/2019, Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hải Dương:
Căn cứ khoản 2 Điều 176, Điều 242 Bộ luật dân sự năm 1995; Căn cứ Điều 611, 623, 649, 650, 651, 652, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của bà Nguyễn Thị Phương Đ đối với di sản của cụ Nguyễn Đức L và cụ Đặng Thị N9.
2. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Đức L gồm cụ N9, bà T1, bà T2, bà Đ, ông N.
3. Xác định di sản của cụ L, cụ L1, cụ N8 và cụ N9 để lại gồm 1068 m2 đất (trong đó 300m2 đất ở; 104 m2 đất vườn, 441,9 m2 đất vườn thừa hợp pháp, 222,1 m2 đất ao) tại thửa số 47, tờ bản đồ số 17 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương, 02 cây vải lâu năm. Tổng trị giá 331.689.000 (Ba trăm ba mươi mốt triệu, sáu trăm tám mươi chín nghìn) đồng, trong đó:
- Xác định trị giá di sản của cụ L1 để lại là 110.563.000 (Một trăm mười triệu, năm trăm sáu mươi ba nghìn) đồng. Hàng thừa kế của cụ L1 gồm: Cụ L, bà T1 và bà T2, mỗi người được hưởng là 36.854.333 (Ba mươi sáu triệu, tám trăm năm mươi tư nghìn, ba trăm ba mươi ba) đồng.
- Xác định trị giá di sản của cụ L, cụ N8 và cụ N9 là 221.126.000 (Hai trăm hai mươi mốt triệu, một trăm hai mươi sáu nghìn) đồng và 36.854.333 (Ba mươi sáu triệu, tám trăm năm mươi tư đồng, ba trăm ba mươi ba) đồng giá trị tài sản của Long thừa kế của cụ L1. Tổng là 257.980.333 (Hai trăm năm mươi bẩy triệu, chín trăm tám mươi nghìn, ba trăm ba mươi ba) đồng. Giá trị di sản của cụ L, cụ N8 và cụ N9, mỗi người là 85.993.444 (Tám mươi lăm triệu, chín trăm chín mươi ba nghìn, bốn trăm bốn mươi bốn nghìn) đồng.
- Phần di sản của cụ L để lại là 85.993.444 (Tám mươi lăm triệu, chín trăm chín mươi ba nghìn, bốn trăm bốn mươi bốn nghìn) đồng được chia theo pháp luật cho những người thừa kế gồm bà T1, bà T2, bà Đ, ông N và cụ N9. Mỗi người được hưởng giá trị di sản là 17.198.688 (Mười bẩy triệu, một trăm chín mươi tám nghìn, sáu trăm tám mươi tám) đồng.
- Phần di sản của cụ N8 là 85.993.444 (Tám mươi lăm triệu, chín trăm chín mươi ba nghìn, bốn trăm bốn mươi bốn nghìn) đồng. Di sản của cụ N8 được thừa kế cho bà T1, bà T2.
- Phần di sản của cụ N9 là 85.993.444 (Tám mươi lăm triệu, chín trăm chín mươi ba nghìn, bốn trăm bốn mươi bốn nghìn) đồng. Di sản của cụ N9 được thừa kế cho bà Đ.
4. Công nhận việc bà T1 và bà T2 tặng cho ông N phần di sản nhận của cụ L1, cụ L và cụ N8 trị giá 194.099.486 (Một trăm chín mươi tư triệu, chín mươi chín nghìn, bốn trăm tám mươi sáu) đồng.
5. Xác định ông N được tặng cho và được chia thừa kế tổng giá trị là 211.298.174 (Hai trăm mười một triệu, hai trăm chín mươi tám nghìn, một trăm bẩy mươi tư) đồng.
6. Xác định bà Đ được chia thừa kế di sản của cụ L và cụ N9 tổng giá trị là 120.390.820 (Một trăm hai mươi triệu, ba trăm chín mươi nghìn, tám trăm hai mươi nghìn) đồng.
7. Áng trích công sức cho ông N, bà N1, anh B và chị G duy trì, tôn tạo và phát triển di sản của cụ N9 và phần di sản của cụ L thừa kế cho cụ N9 và bà Đ bằng tiền là 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng. Buộc bà Đ phải có trách nhiệm trả cho ông Nguyễn Đức N, bà Dương Thị N1, anh Nguyễn Đức B, chị Nguyễn Thị G số tiền 20.000.000(Hai mươi triệu) đồng.
8. Chia di sản cụ thể bằng hiện vật như sau:
8.1. Chia cho bà Đ được hưởng 298 m2 đất (trong đó có 75,9 m2 đất ở, 222,1 m2 ao) giá trị 83.857.000 (Tám mươi ba triệu, tám trăm năm mươi bẩy nghìn) đồng tại thửa 47 tờ bản đồ số 14 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình A’B’BA và 02 cây quất trị giá 180.000 đồng, 02 cây đu đủ trị giá 200.000 đồng, 02 cây dừa trị giá 1.200.000 đồng, 01 cây bưởi có đường kính gốc 5 cm trị giá 90.000 đồng, 01 cây chay trị giá 390.000 đồng, 03 đoạn tường rào gạch chỉ kè bờ ao trị giá 3.990.000 đồng, 01 chuồng gà 13 m2 trị giá 1.656.000 đồng, 11,2 m tường bao trị giá 1.963.000 đồng, 5,9 m tường bao gần chuồng gà trị giá 857.000 đồng. Giá trị quyền sử dụng đất bà Đ được hưởng 83.857.000 (Tám mươi ba triệu, tám trăm năm mươi bẩy nghìn) đồng; giá trị cây cối và công trình trên đất là 10.526.000 (Mười triệu, năm trăm hai mươi sáu nghìn) đồng. Tổng là 94.383.000 (Chín mươi tư triệu, ba trăm tám mươi ba nghìn) đồng.
8.2. Bà Đ phải trả anh B, chị G tiền cây và tài sản trên đất là 10.526.000 (Mười triệu, năm trăm hai mươi sáu nghìn) đồng. Tuy nhiên, công nhận sự tự nguyện của anh B, chị G tự nguyện nhập toàn bộ tài sản là tiền công sức và tiền cây do bà Đ trả vào vào khối tài sản chung của ông N và bà N1.
8.3. Giao cho ông Nguyễn Đức N hưởng di sản của cụ L và tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất được tặng cho, tổng diện tích là 770 m2 đất (trong đó có 224,1 m2 đất ở, 104m2 đất vườn thừa, 441,9 m2 đất vườn thừa hợp pháp) trị giá 242.632.000 (Hai trăm bốn mươi hai triệu, sáu trăm ba mươi hai nghìn) đồng tại thửa 47 tờ bản đồ số 14 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương có tứ cận như hình A’B’CDEF, 02 cây vải lâu năm trị giá 5.200.000 (Năm triệu hai trăm nghìn) đồng, tổng cộng 247.832.000 (Hai trăm bốn mươi bẩy triệu, tám trăm ba mươi hai nghìn) đồng.
8.4. Ông N trích trả chênh lệch phần vượt quá kỷ phần được hưởng cho bà Đ là 36.534.000 (Ba mươi sáu triệu, năm trăm ba mươi tư nghìn) đồng (làm tròn). Tuy nhiên, được trừ đi số tiền bà Đ có trách nhiệm trả số tiền công sức quản lý, phát triển di sản là 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng và 10.526.000 (Mười triệu, năm trăm hai mươi sáu nghìn) đồng tiền cây, công trình cho gia đình ông N, bà N1. Ông N còn phải trả cho bà Đ số tiền là 6.008.000 (Sáu triệu, tám nghìn) đồng.
Các đương sự tự mở cổng đi và có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ quy định của Pháp luật trong quá trình sử dụng bất động sản được chia. Trường hợp đường ranh giới đi vào tài sản hoặc cây cối trên đất của ai thì người đó có trách nhiệm chặt bỏ hoặc tháo dỡ.
(Việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật có sơ đồ kèm theo) 9. Đối với tài sản, công trình trên đất là tài sản riêng của gia đình ông N, gia đình anh B. Gia đình ông N, gia đình anh B tiếp tục quản lý, sử dụng, không đặt ra giải quyết.
10. Án phí, lệ phí:
- Về án phí: Bà Đ không phải chịu án phí phúc thẩm dân sự;
- Lệ phí: Ông N phải trả cho bà Đ 3.740.000 (Ba triệu, bẩy trăm bốn mươi nghìn) chi phí thẩm định và định giá.
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn thi hành án mà người phải thi hành án chưa thi hành thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án 28/5/2020.
Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự;
thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.
Bản án 30/2020/DS-PT ngày 28/05/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 30/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về