Bản án 30/2018/DS-ST ngày 19/11/2018 về yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ GIÁO, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 30/2018/DS-ST NGÀY 19/11/2018 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 14 và 19/11/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 80/2018/TLST-DS ngày 24 tháng 5 năm 2018, về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 35/2018/QĐXXST-DS ngày 15 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Phạm Thị N, sinh năm 1959.

Địa chỉ: số 23, tổ 3, ấp S C, xã P H, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Có mặt

- Bị đơn:

1. Ông Lê Trọng N, sinh năm 1952;

2. Bà Lê Thị X, sinh năm 1957;

3. Ông Lê Thanh B, sinh năm 1983.

Cùng địa chỉ: Tổ 3, ấp S C, xã P H, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Lê Trọng N, bà Lê Thị X và ông Lê Thanh B: Ông Nguyễn Tư L, sinh năm 1988. Địa chỉ: Thôn X N, xã H T, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (theo văn bản ủy quyền ngày 18/7/2018). Có mặt

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phạm Thị Thúy L, sinh năm 1969.

Địa chỉ: số nhà 39/1, tổ 6, ấp A, xã P H, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt

2. Ông Lý Văn Đ, sinh năm 1966.

Địa chỉ: Tổ 9, ấp 3, xã T B, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt

3. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1958.

Địa chỉ: số nhà 23, tổ 3, ấp S C, xã P H, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Có mặt

4. Ông Trần Văn H, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Ấp Đ S, xã B M, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Có đơn xin xét xử vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa nguyên đơn bà Phạm Thị N trình bày.

Ngày 01/9/2016, bà Phạm Thị N và bà Phạm Thị Thúy L thỏa thuận việc mua bán cây cao su thanh lý. Việc mua bán hai bên có lập hợp đồng đặt cọc, giá trị hợp đồng là 80.000.000 đồng (Tám mươi triệu đồng). Ngày 01/9/2016, bà đã nhận tiền đặt cọc của bà Phạm Thị Thúy L là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Ngày 02/12/2016, bà nhận đủ số tiền 70.000.000đ (Bảy mươi triệu đồng). Ngày 02/12/2016, bà Phạm Thị Thúy L và ông Lý Văn Đ (chồng bà L) tiến hành thuê công nhân, thuê xe vào để tiến hành cưa cây theo thỏa thuận. Khi bà Phạm Thị Thúy L cưa được khoảng 33 cây, thì gia đình ông Lê Trọng N, gồm ông N, con trai ông N là ông Lê Thanh B và vợ ông N là bà Lê Thị X chạy đến vườn cây cao su ngăn cản không cho mọi người bốc cây đưa lên xe. Ông N tuyên bố không cho đi qua đường của ông, vì con đường này thuộc phần đất của ông nên ông không cho xe đi qua. Ngoài con đường này, bà N không còn đi được con đường nào khác. Bà và chồng bà là ông T cùng vợ chồng bà L, đến nhà ông N để năn nỉ ông mở đường, nhưng ông N không cho chở cây cao su đã cưa đi qua. Bà đã trình báo vụ việc lên Công an xã P H nhưng cũng không được giải quyết. Vì thế bà đã làm đơn yêu cầu UBND xã P H giải quyết. Trước khi hòa giải, UBND xã P H hướng dẫn bà ký Hợp đồng đo đạc với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để có cơ sở giải quyết vụ việc. Sau khi có bản vẽ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và hoàn thành việc xác minh, đo đạc thực tế, UBND xã p H đã mời các bên lên hoà giải vào ngày 04/01/2017. Tại buổi hòa giải, UBND xã P H kết luận ông N đã lấn chiếm đường đi diện tích 190,3m2. Ông N biết rõ hành vi của mình là sai trái và con đường ông ngăn cản là con đường đi chung. Vì thế, ông đã mở đường đi cho gia đình bà tiếp tục thanh lý cây cao su. Tuy nhiên, số cây cao su thanh lý đã cưa vào ngày 02/12/2016 đến ngày 04/01/2017, đã hơn 01 tháng nên bị hư hại hoàn toàn, không thể tiếp tục bán được nữa. Việc hư hại tài sản của bà là do hành vi cản trở lối đi trái pháp luật của ông N và các thành viên trong gia đình ông N gây ra. Vì thế, bà yêu cầu ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản cho bà gồm:

1. Bồi thường tiền đặt cọc cho bà L là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).

2. Thiệt hại 33 cây cao su đã cưa không bán được, số tiền là 13.200.000 đồng (Mười ba triệu hai trăm ngàn đồng) khi bán cây có giá trị là 400.000đ/cây.

3. Số tiền thuê 02 xe máy cày trong ngày cắt cây cao su là 2.400.000 đồng (Hai triệu bốn trăm ngàn đồng) phải trả cho bà L.

4. Chi phí đo đạc, số tiền là 1.847.172 đồng (Một triệu tám trăm bốn mươi bảy ngàn một trăm bảy mươi hai đồng).

Tổng cộng số tiền ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X có trách nhiệm liên đới bồi thường là 27.447.172 đồng (Hai mươi bảy triệu trăm bốn mươi bảy nghìn một trăm bảy mươi hai đồng).

Tại phiên tòa bà N cho rằng trước đây bà yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền 3.000.000đ tiền thuê công nhân cắt cây, nay bà xin rút không yêu cầu phần này.

Tại bản tự khai và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Trọng N, bà Lê Thị X, ông Lê Thanh B là ông Nguyễn Tư L trình bày:

Việc thiệt hại của bà Phạm Thị N là do bên bà N không xác định được con đường các bên tranh chấp nằm trên phần đất của ai, hay là con đường đi chung nên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc ông N, bà X và ông B không cho gia đình bà N vào cưa cây cao su. Qua việc đo đạc và áp tọa độ ngày 21/3/2017, xác định phần con đường đi nằm trong phần đất của ông N. Khi được ấp và xã hòa giải thì hai bên thỏa thuận được con đường này là con đường đi chung chứ không phải con đường đi chung của xã. Hiện nay sự việc đã rõ ràng, phía ông N, bà X và ông B cũng không ngăn cản việc gia đình bà N thanh lý cây cao su. Với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý vì hợp đồng đặt cọc mua bán cây cao su thanh lý ngày 01/9/2016 không có giá trị, vì hợp đồng không nêu rõ vị trí, địa điểm vườn cây cao su bà N bán cho bà L và bà N đã không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra. Ông cho rằng thiệt hại 33 cây cao su là 50.000đ/cây.

Tại phiên tòa đại diện bị đơn cho rằng nguyên đơn biết không có đường đi, biết hai bên tranh chấp nhưng vẫn cố tình cưa cây thì sẽ không có đường vận chuyển cây và thiệt hại chắc chắn sẽ xảy ra. Nguyên đơn biết được điều đó nhưng không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Bị đơn không biết có con đường giáp đất của bị đơn nên mới ngăn cản không cho nguyên đơn đi xe qua. Do vậy, đây là lỗi của nguyên đơn nên bị đơn không phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại trên.

Tại bản tự khai và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyên Văn T trình bày:

Ngày 02/12/2016, vợ chồng ông có bán vườn cây cao su thanh lý cho vợ chồng ông Đ và bà L, trong lúc thợ cưa cây cao su để vận chuyển cây ra ngoài, thì gia đình ông N không cho vận chuyển cây cao su thanh lý đã cưa qua đường nhà ông N. Sau nhiều lần xuống nhà nói chuyện với gia đình ông N để xin được đi nhờ đường đi, nhưng gia đình ông N không đồng ý. Phần con đường đi được hình thành từ năm 1986 - 1987 là con đường đi chung của Công ty cao su P H, chứ không phải là con đường của nhà ông N. Sự việc đã được hòa giải ở ấp là mở đường lưu thông cho mọi người đi lại, còn đất đai nhà ông N tới đâu thì ấp sẽ đề xuất đo lại và trả lại đất. Việc ngăn cản không cho đi lại, dẫn đến thiệt hại cho gia đình ông.

Tại bản tự khai và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị Thúy L trình bày:

Vào ngày 02/12/2016, bà có cho người vào vườn cao su nhà bà N cưa cây cao su và 02 xe máy cày để vận chuyển thì vợ chồng ông N và ông Lê Thanh B không cho đi qua đường nhà của gia đình ông N dẫn đến việc khai thác cây cao su và vận chuyển cây cao su không được tiến hành, gây thiệt hại cho bà. Ngày 24/12/2016, bà N đã bồi thường hợp đồng và trả tiền đặt cọc số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), tiền thuê xe máy cày là 2.400.000 đồng (Hai triệu bốn trăm ngàn đồng), tiền công 10 người làm việc một ngày số tiền 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng). Tổng cộng số tiền bà N đã bồi thường cho tôi là 15.400.000 đồng (Mười lăm triệu bốn trăm ngàn đồng).

Trong bản tự khai và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lý Văn Đ trình bày:

Vợ chồng ông bà có mua cây cao su thanh lý của gia đình bà N và ông T, nhưng do gia đình ông N ngăn cản đường đi dẫn đến việc khai thác cây cao su và vận chuyển gặp khó khăn, thiệt hại về số cây cao su đã khai thác, không vận chuyển được. Ông và ông T đã nhiều lần xuống nhà ông N để thương lượng xin đi qua, nhưng ông N vẫn không đồng ý. Hiện tại, gia đình bà N đã bồi thường số tiền vi phạm đặt cọc hợp đồng, tiền thuê xe máy cày, tiền thuê công nhân số tiền 15.400.000 đồng (Mười lăm triệu bốn trăm ngàn đồng).

Trong bản tự khai và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn H trình bày:

Ngày 02/12/2016, vợ chồng ông Lý Văn Đ có thuê ông dùng xe máy cày chở cây cao su thanh lý đã cưa ra ngoài với số tiền 1.200.000 đồng (Một triệu hai trăm ngàn đồng) và vợ chồng ông Đ đã thanh toán đủ cho ông số tiền 1.200.000 đồng (Một triệu hai trăm ngàn đồng).

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa phát biểu về việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình thụ lý, chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Đối với yêu cầu về tiền thuê công nhân trong ngày 02/12/2016 cắt cây cao su là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) tại phiên tòa bà Phạm Thị N xin rút đối với yêu cầu này, việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của bà N là tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật, nên đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ đối với yêu cầu này của bà N. Việc ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X có hành vi ngăn cản bà Phạm Thị N thanh lý cây cao su, không cho bà N vận chuyển cây cao su thanh lý qua đường đi chung của xã là hành vi có lỗi và trái pháp luật. Mặt khác, căn cứ vào kết quả đo đạc và kết luận của Ủy ban nhân dân xã P H tại biên bản hòa giải ngày 04/01/2017, bị đơn cũng thừa nhận có hành vi ngăn cản dẫn đến thiệt hại cho nguyên đơn bà Phạm Thị N. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa của các bên đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Giáo, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn H, ông Lý Văn Đ, bà Phạm Thị Thúy L có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về thẩm quyền giải quyết:

Đây là tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản được quy định tại khoản 6 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hiện bị đơn đang thường trú tại xã P H, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và nguyên đơn có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Phú Giáo theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Về nội dung vụ án:

Ngày 02/12/2016, bà Phạm Thị N bán vườn cao su thanh lý cho bà Phạm Thị Thúy L, khi bà Phạm Thị Thúy L cưa được khoảng 33 cây thì ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B, bà Lê Thị X ngăn cản, không cho mọi người bốc cây cao su đã cưa đưa lên xe và không cho xe chở cao su ra đi trên con đường giáp đất ông N. Ông N cho rằng con đường này thuộc phân đất của ông nên ông không cho xe đi qua, ai muốn đi qua thì phải được sự đồng ý của ông. Chỉ sau khi UBND xã P H hòa giải ngày 04/01/2017, ông N biết rõ hành vi của mình là sai và con đường ông ngăn cản là con đường đi chung nên ông N đã mở đường đi cho bà Phạm Thị N chở cây cao su đi ra. Tuy nhiên, số cây cao su thanh lý đã cưa vào ngày 02/12/2016 đến ngày 04/01/2017, đã hơn 01 tháng nên bị hư hại không thể bán cho công ty làm bao bì được. Vì thế, nguyên đơn yêu cầu bị đơn có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về tài sản tổng cộng số tiền là 27.447.172 đồng (Hai mươi bảy triệu bốn trăm bốn mươi bảy ngàn một trăm bảy mươi hai đồng), cụ thể gồm: Tiền bồi thường tiền đặt cọc cho bà Phạm Thị Thúy L là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), thiệt hại 33 cây cao su đã cưa, số tiền là 13.200.000 đồng (Mười ba triệu hai trăm ngàn đồng) không bán được, tiền thuê 02 xe máy cày trong ngày cắt cây cao su là 2.400.000 đồng (Hai triệu bốn trăm ngàn đồng), chi phí đo đạc, số tiền là 1.847.172 đồng (Một triệu tám trăm bốn mươi bảy ngàn một trăm bảy mươi hai đồng). Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì hợp đồng đặt cọc mua bán cây cao su thanh lý ngày 01/9/2016 không có giá trị, hợp đồng không nêu rõ vị trí, địa điểm vườn cây cao su bà N bán cho bà L và bà N đã không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra.

[4] HĐXX xét thấy:

Xét về lỗi của các bên: Căn cứ vào hợp đồng mua bán, kết quả đo đạc, kết luận tại biên bản hòa giải ngày 04/01/2017 của Ủy ban nhân dân xã P H và việc thừa nhận của bị đơn đã có hành vi ngăn cản nguyên đơn không cho xe chở cây cao su đã cưa đi ra trên con đường đất đỏ giáp đất bị đơn, đất này là đường đi công cộng nhưng bị đơn đã có hành vi ngăn cản không cho mọi người bốc củi lên xe, không cho đi trên con đường giáp đất bị đơn để đi ra đường ngoài (ngoài con đường này ra không còn con đường nào khác để nguyên đơn vận chuyển cây cao su ra ngoài và bị đơn cũng xác nhận con đường tranh chấp có từ năm 1985, cuối con đường tranh chấp không ai đi từ năm 1986 đến nay và hiện tại nước ngập không thể đi được - thể hiện tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 25/9/2018). Như vậy, có đủ cơ sở kết luận bị đơn có hành vi ngăn cản nguyên đơn bốc cây lên xe, vận chuyển cây cao su thanh lý qua đường đi chung của xã là hành vi có lỗi và trái pháp luật, dẫn đến thiệt hại cho nguyên đơn. Do không vận chuyển được cây cao su đã cưa nên bà N đã phải bồi thường tiền cọc cho bà Phạm Thị Thúy L, tiền thuê xe máy cày, 33 cây cao su đã cưa không vận chuyển được nên dẫn đến không bán được và chi phí đo đạc khi giải quyết tranh chấp con đường. Do đó, bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn do hành vi có lỗi của mình gây ra.

[5] Xét yêu cầu bồi thường:

Về yêu cầu hoàn trả tiền bồi thường tiền đặt cọc cho bà Phạm Thị Thúy L là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng). Hội đồng xét xử xét thấy giữa bà Phạm Thị Thúy L và nguyên đơn có ký hợp đồng đặt cọc mua bán cây cao su thanh lý 200 cây giá 80.000.000đ (thực tế các bên có mua bán cây với nhau, đã cưa được 33 cây cao su bà L cũng xác nhận đã nhận số tiền của nguyên đơn bà N bồi thường là 10.000.000 đồng). Do hành vi cản trở trái pháp luật của bị đơn dẫn đến việc nguyên đơn vị phạm hợp đồng đặt cọc với bà L, đã phải bồi thường cho bà L số tiền 10.000.000 đồng, nên yêu cầu này được chấp nhận.

Đối với 33 cây cao su đã cưa, sau hơn 01 tháng khi bị đơn không ngăn cản nguyên đơn vận chuyển cây thì nguyên đơn phải hạn chế mức thấp nhất của thiệt hại là bán cây thành phẩm củi, tại các bản tự khai, tại phiên tòa nguyên đơn cho rằng giá cây 400.000đ/cây bị hư hỏng hoàn toàn nên bị đơn phải trả 400.000đ/cây cho nguyên đơn. Bị đơn không đồng ý mà chỉ đồng ý bồi thường giá trị cây cao su bị giảm giá trị là 50.000đ/cây. Tòa án đã yêu cầu các đương sự có đơn yêu cầu Tòa án ra Quyết định định giá tài sản, đóng tiền tạm ứng chi phí tố tụng nhưng các đương sự không có đơn gửi Tòa án, không nộp tiền tạm ứng để Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập hội đồng định giá nên HĐXX căn cứ vào giá của các bên đưa ra, các biên bản xác minh giá trị cây cao su thành phẩm củi, HĐXX quyết định giá cây cao su có giá bán thành phẩm củi là 950.000đ/tấn, 04 cây cao su tương đương 01 tấn, do đó 33 cây cao su tính ra 237.500đ/cây (33 cây x 237.500đ/cây = 7.837.500đ). Như vậy, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu này, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 5.362.500đ giá trị cây sao su bị thiệt hại (13.200.000đ - 7.837.500đ = 5.362.500đ)

Đối với tiền thuê xe máy cày vào ngày 02/12/2016, ông Lý Văn Đ và ông Trần Văn H đều xác nhận có nhận kéo thuê cao su cưa mỗi người một chuyến với số tiền mỗi chuyến là 1.200.000 đồng, thành tiền là 2.400.000 đồng và số tiền này bà Phạm Thị Thúy L đã trả cho hai ông (bà L đã được bà N trả 2.400.000đ để trả cho ông Đ, ông H) nên với yêu cầu này là có cơ sở chấp nhận.

Đối với số tiền chi phí đo đạc 1.847.172 đồng, đây là số tiền nguyên đơn bà Phạm Thị N hợp đồng đo đạc với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để có cơ sở giải quyết vụ việc và hòa giải tại UBND xã P H nên có cơ sở chấp nhận.

Đối với yêu cầu về tiền thuê công nhân trong ngày 02/12/2016 cắt cây cao su là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) trong quá trình hòa giải và tại phiên tòa bà Phạm Thị N xin rút yêu cầu này, việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của bà N là tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử sẽ đình chỉ đối với yêu cầu này của bà N.

[6] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn có trách nhiệm liên đới bồi thường cho nguyên đơn tổng số tiền là 19.609.172 đồng (mười chín triệu sáu trăm lẻ chín nghìn một trăm bảy mươi hai đồng). Trong đó: Tiền bị phạt cọc là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng), 33 cây cao su đã cưa bị hư hỏng thành tiền là 5.362.500đ (năm triệu ba trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm đồng), tiền thuê xe máy cày là 2.400.000đ (hai triệu bốn trăm nghìn đồng), tiền chi phí đo đạc 1.847.172đ (một triệu tám trăm bốn mươi bảy nghìn một trăm bảy mươi hai đồng).

[7] Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Giáo tham gia phiên tòa là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8] Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần không được chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần nguyên đơn được chấp nhận. Riêng bị đơn ông Lê Trọng N là người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Điều 5, Điều 6, khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 91, 92 và các Điều 147, 184, 228, 266, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự;

- Điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị N đối với bị đơn ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X về việc "Yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản".

2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường tiền thuê công nhân cắt cây cao su ngày 02/12/2016 là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) của nguyên đơn bà Phạm Thị N đối với bị đơn ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X.

3. Buộc bị đơn ông Lê Trọng N, ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn bà Phạm Thị N số tiền 19.609.172 đồng (mười chín triệu sáu trăm lẻ chín nghìn một trăm bảy mươi hai đồng)

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong số tiền thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành với mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

4.1 Bị đơn ông Lê Trọng N được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

4.2 Buộc ông Lê Thanh B và bà Lê Thị X phải liên đới nộp số tiền 654.000 đồng (sáu trăm năm mươi bốn nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

4.3 Buộc bà Phạm Thị N phải chịu 391.875đ (ba trăm chín mươi mốt nghìn tám trăm bảy mươi lăm đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm được khấu trừ vào số tiền 762.000đ đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0007145 ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Giáo.

4.4 Hoàn trả cho bà Phạm Thị N số tiền 370.125 đồng (ba trăm bảy mươi nghìn một trăm hai mươi lăm đồng).

5. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

647
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 30/2018/DS-ST ngày 19/11/2018 về yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:30/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phú Giáo - Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về