Bản án 30/2018/DS-ST ngày 10/10/2018 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CƯ KUIN, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 30/2018/DS-ST NGÀY 10/10/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN

Ngày 10/10/2018, tại phòng xử án B, trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 43/2018/TLST-DS ngày 11 tháng 5 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 30/2018/QĐXXST-DS ngày 12/9/2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH-MTV) cà phê V, địa chỉ: Km 12, Quốc lộ 27, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Cảnh M, sinh năm 1965 - Giám đốc công ty;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đồng Quang D- Phó phòng kế hoạch khuyến nông của Công ty, có mặt.

- Bị đơn: Ông Nguyễn Mạnh T, sinh năm 1972, địa chỉ: Thôn 13, xã T, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1975, địa chỉ: Thôn 13, xã T, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo yêu cầu khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng, đại diện theo ủy quyền của công ty TNHH-MTV cà phê V trình bày như sau:

Năm 1997, hộ ông Nguyễn Mạnh T (do ông T đại diện) ký hợp đồng nhận khoán với Nông trường cà phê V (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V) để sử dụng vườn cà phê với diện tích 0,57 ha. Theo quyết định số 391/QĐ-HĐTV ngày 19/7/2011 về việc phê duyệt phương án giao nhận khoán sản xuất cà phê với kinh doanh của Tổng công ty cà phê Việt Nam đối với công ty TNHH-MTV cà phê V thì năm 2011 giữa Công ty TNHH-MTV cà phê V (gọi tắt là công ty V) với ông Nguyễn Mạnh T ký tiếp hợp đồng giao nhận khoán với tổng diện tích 1,1628 ha, thời hạn hợp đồng đến ngày 31 tháng 12 năm 2015. Định mức khoán sản lượng phải nộp là 2.850kg cà phê quả tươi/ha/năm. Theo Nghị quyết số 90/NQ-HĐTV ngày 13/9/2011 của công ty TNHH-MTV cà phê V thì Công ty điều chỉnh mức thu sản lượng xuống còn 2.680kg/ha/năm và trong quá trình thực hiện hợp đồng do gặp hạn hán, mất mùa nên công ty tiếp tục hỗ trợ giảm mức khoán cho người lao động, trong đó có hộ ông T. Như vậy, tổng sản lượng cà phê quả tươi từ năm 2011 đến năm 2015 ông T phải nộp/tổng diện tích 1,14 ha (diện tích thực tế sử dụng của ông Toàn) là:

Năm 2011 phải nộp 2.589kg/1,14ha, đã nộp 2.268kg, còn thiếu 321kg;

Năm 2012 phải nộp 2.589kg/1,14ha + 321kg = 2.910kg, đã nộp 2.919kg, còn thừa 09kg;

Năm 2013 phải nộp 2.589kg/1,14ha - 09kg = 2.580kg, đã nộp 2.388kg, còn thiếu 192kg

Năm 2014 phải nộp 1.683kg/1ha + 192kg = 1.875kg, đã nộp 1.506kg, còn thiếu 369kg

Năm 2015 phải nộp 1.683kg/1ha + 369kg = 2.052kg, đã nộp 1.154kg, còn thiếu 898kg cho đến nay.

Khi hết chu kỳ giao khoán 2011-2015, Tổng công ty cà phê Việt Nam có chủ trương về kế hoạch cổ phần hóa các công ty Cà phê, trong đó có công ty V, tuy nhiên đến hết năm 2015 thì chưa thể tiến hành cổ phần hóa được nên công ty tiến hành phổ biến với cán bộ công nhân viên, người lao động về việc áp dụng nội dung phương án khoán sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 thêm 02 năm (năm 2016 - 2017) theo quyết định phê duyệt số 297/QĐ-HĐTV ngày 11/7/2016 của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Sau khi triển khai thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V thông báo đến hộ ông Nguyễn Mạnh T để thực hiện ký hợp đồng giao nhận khoán đối với đất sản xuất cà phê nói trên với thời hạn giao nhận khoán kể từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2017, tài sản trên đất giao nhận khoán là vườn cây cà phê kinh doanh. Định mức khoán sản lượng năm 2016 là 1.547kg cà phê quả tươi và năm 2017 là 1.458kg cà phê quả tươi. Tuy nhiên ông T từ chối ký lại hợp đồng với công ty với lý do trước đây công ty thu vượt quá sản lượng đối với diện tích đất đã giao nhận khoán với hộ ông. Do đó từ năm 2016 đến 2017 ông T không nộp sản lượng giao khoán cho công ty, mặt dù hiện nay công ty vẫn giao đất cho ông T sử dụng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm trên toàn bộ diện tích đất mà công ty đã giao như mọi năm.

Nay công ty V khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh T phải nộp sản phẩm còn thiếu của giai đoạn năm 2011 đến năm 2015 là 898 kg cà phê quả tươi; giai đoạn năm 2016 - 2017 là 3.005kg cà phê quả tươi, ngoài ra không yêu cầu gì khác.

Công ty rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu hộ ông T trả lại diện tích đất 1,1628 ha đã giao nhận khoán năm 2011.

* Quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn ông Nguyễn Mạnh T trình bày:

Năm 1997, hộ ông Nguyễn Mạnh T (do ông T đại diện) ký hợp đồng về việc giao nhận khoán vườn cây với Nông trường cà phê V (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V) với diện tích 0,57 ha. Đến năm 2011 ông T tiếp tục ký hợp đồng với công ty V với tổng diện tích giao nhận khoán là 1.1628ha, tuy nhiên trên thực tế ông T chỉ sử dụng 1,14 ha. Gia đình ông quản lý, canh tác ổn định vườn cây và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Công ty. Khi ký hợp đồng giao nhận khoán năm 2011 thì toàn bộ cây trồng trên đất do ông tạo dựng nên, phía công ty không đầu tư bất kỳ chi phí nào. Căn cứ thông báo ngày 20/10/1994 của xí nghiệp liên hiệp cà phê V trước đây thì ông chỉ phải đóng mức sản lượng là 1.200kg/ha/năm cà phê quả tươi/ha, nhưng từ năm 1997 công ty thông báo cho ông và ông phải nộp sản lượng là 3.800kg/ha/năm cà phê quả tươi. Đến năm 2004 - 2005, do hạn hán, mất mùa nên công ty giảm lượng sản phải đóng còn 2.400kg cà phê quả tươi/ha/năm; từ năm 2006 đến năm 2014 công ty tiếp tục yêu cầu ông T nộp sản lượng 3.800 kg cà phê quả tươi/ha. Từ năm 1997 đến năm 2014 gia đình ông đã nộp đầy đủ sản lượng theo giấy báo của công ty, đến năm 2015 ông chỉ nộp 50% theo giấy báo nộp của công ty vì lúc này gia đình ông mới biết trước đây công ty thu vượt quá mức sản lượng mà ông phải nộp.

Từ năm 2016 cho đến nay gia đình ông vẫn quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất mà công ty đã giao khoán trước đây và thu hoạch sản lượng như mọi năm nhưng không nộp sản lượng cà phê cho công ty khoản nào vì sau khi hết hạn hợp đồng giao khoán với công ty đến cuối năm 2015 thì giữa ông với công ty chưa ký lại hợp đồng giao nhận khoán với lý do hai bên chưa thỏa thuận được sản lượng phải nộp, mặt dù công ty đã thông báo cho ông mức khoán sản phẩm phải đóng theo quy định của năm 2016 - 2017.

Nay công ty khởi kiện yêu cầu hộ ông Nguyễn Mạnh T nộp sản lượng cà phê quả tươi còn thiếu giai đoạn năm 2011 đến năm 2015 là 898 kg; giai đoạn năm 2016 - 2017 là 3005 kg cà phê quả tươi thì ông không đồng ý.

Ngoài ra ông T không có yêu cầu gì trong vụ án và cũng không có tài liệu, chứng cứ gì để cung cấp cho Tòa án.

* Quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị N trình bày:

Bà N là vợ của ông Nguyễn Mạnh T, hiện tại bà với ông T đang sử dụng, chăm sóc và thu hoạch vườn cây cà phê mà trước đây ông T ký hợp đồng giao nhận khoán với công ty V. Bà đồng ý với toàn bộ lời trình bày của ông T tại phiên tòa, không có tài liệu, chứng cứ gì để giao nộp.

* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin phát biểu:

Thẩm quyền thụ lý vụ án: Đây là vụ án “tranh chấp hợp đồng giao khoán” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Vấn đề thu thập chứng cứ, thời hạn chuẩn bị xét xử và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu: Thực hiện đúng theo quy định tại Điều 97, 98, 100, 101, điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự và cho Viện kiểm sát đúng theo quy định tại Điều 170 đến Điều 175, Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử (viết là HĐXX), Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng các quy định Điều 70, 71, 72 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về quan điểm, đường lối xử lý đối với vụ án:

Căn cứ hợp đồng giao nhận khoán sản xuất cà phê được ký kết vào ngày 20/9/2011 giữa bên nhận khoán là hộ ông Nguyễn Mạnh T và bên giao khoán là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V thể hiện: Thời gian giao nhận khoán từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2015 với tổng diện tích 1,1628 ha, mức thu phần cứng cho cà phê kinh doanh là 2.850kg/ha, hình thức giao nhận khoán là công ty và người nhận khoán cùng đầu tư, bên nhận khoán có trách nhiệm nộp đúng, đủ sản lượng, chất lượng và được xem xét miễn, giảm một phần hay toàn bộ sản lượng phải nộp theo hợp đồng khi có rủi ro xảy ra thiệt hại theo quy định. Ông T xác định có ký hợp đồng giao nhận khoán với công ty giai đoạn 2011-2015.

Năm 2016-2017 tuy hộ ông T không ký lại hợp đồng với công ty, nhưng công ty vẫn giao đất và vườn cây cho hộ ông T quản lý, chăm sóc, hộ ông T vẫn tiếp tục sử dụng và thu sản phẩm trên vườn cây giao khoán. Do đó việc hộ ông Nguyễn Mạnh T không nộp đầy đủ số sản lượng là vi phạm hợp đồng giao nhận khoán đã ký kết với công ty nên công ty khởi kiện yêu cầu hộ ông T phải nộp tổng số sản lượng cà phê quả tươi còn thiếu từ năm 2011 đến 2017 là 3.903 kg/1,14ha là có căn cứ nên áp dụng Điều 305, 501, 506 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc hộ ông Nguyễn Mạnh T (do ông T làm đại diện) có trách nhiệm trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V số sản lượng cà phê quả tươi còn thiếu từ năm 2011 đến 2017 là 3.903 kg.

Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu ông Nguyễn Mạnh T trả lại diện tích 1,1628ha đất đã nhận khoán năm 2011.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:

Theo hợp đồng giao, nhận khoán sản xuất cà phê ngày 20/9/2011 giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V và hộ ông Nguyễn Mạnh T thực hiện ký kết hợp đồng giao - nhận khoán sản xuất cà phê với diện tích 1,1628 ha. Xét quan hệ pháp luật dân sự giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định Điều 388, 389, 501 Bộ luật dân sự năm 2005, do đó quyền và nghĩa vụ của các bên được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên nguyên đơn cho rằng bị đơn không thực hiện đúng theo thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng là vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp nên nguyên đơn có quyền khởi kiện là phù hợp tại khoản 3 Điều 26, Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Bị đơn cư trú tại thôn 13, xã T, huyện C, tỉnh Đắk Lắk nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin theo quy định tại khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, do đó Tòa án thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền.

[2] Về nội dung vụ án:

Năm 1997, Nông trường cà phê V (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V) với hộ ông Nguyễn Mạnh T ký hợp đồng giao nhận khoán quyền sử dụng vườn cà phê với diện tích 0,57 ha. Sau khi nhận khoán vườn cây, hộ ông T sử dụng, canh tác và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người nhận khoán.

Năm 2011, Tổng công ty cà phê Việt Nam có phê duyệt phương án giao nhận khoán giai đoạn 2011-2015 áp dụng đối với các hộ giao nhận khoán trên địa bàn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V chờ cổ phần hóa. Ngày 20/9/2011 giữa nguyên đơn và bị đơn thực hiện ký kết hợp đồng giao - nhận khoán sản xuất cà phê với diện tích 1,1628 ha, định mức sản lượng nộp khoán 6.203 kg cà phê quả tươi/ha/năm, trong đó nộp phần cứng 2.850kg. Thời gian nhận khoán từ ngày 01/01/2011 đến 31/12/2015. Hình thức giao nhận khoán là công ty và người nhận khoán cùng đầu tư, bên nhận khoán có trách nhiệm nộp đúng, đủ sản lượng khoán về số lượng, chất lượng, thời gian. Xét thấy quan hệ pháp luật dân sự giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định tại các Điều 388, 389, 401, 402, 502, 503, 504 Bộ luật dân sự năm 2005, do đó quyền và nghĩa vụ của các bên được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên HĐXX xét thấy:

Đối với hợp đồng 20/9/2011 giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký kết và định mức sản lượng khoán phải nộp ghi trong hợp đồng là đúng theo quy định của Quyết định số 391/QĐ-HĐTV ngày 19/7/2011 về phương án phê duyệt giao nhận khoán sản xuất cà phê của Tổng công ty cà phê Việt Nam đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê Việt Đức. Quá trình thực hiện hợp đồng công ty đã điều chỉnh mức thu từ 2.850 kg cà phê quả tươi/ha/năm xuống còn 2.680 kg cà phê quả tươi/ha/năm và qua tiến trình sản xuất do hạn hán, mất mùa nên công ty cũng đã hỗ trợ giảm mức khoán cho các hộ dân, trong đó có hộ ông T, do đó tổng sản lượng từ năm 2011 đến năm 2015 ông Nguyễn Mạnh T phải và đã nộp/tổng diện tích 1,14 ha (diện tích thực tế sử dụng của ông Toàn) là:

Năm 2011 phải nộp 2.589kg/1,14ha, đã nộp 2.268kg, còn thiếu 321kg;

Năm 2012 phải nộp 2.589kg/1,14ha + 321kg = 2.910kg, đã nộp 2.919kg, còn thừa 09kg;

Năm 2013 phải nộp 2.589kg/1,14ha - 09kg = 2.580kg, đã nộp 2.388kg, còn thiếu 192kg

Năm 2014 phải nộp 1.683kg/1ha + 192kg = 1.875kg, đã nộp 1.506kg, còn thiếu 369kg

Năm 2015 phải nộp 1.683kg/1ha + 369kg = 2.052kg, đã nộp 1.154kg, còn thiếu 898kg cho đến nay là phù hợp với phương án phê duyệt của Tổng công ty cà phê Việt Nam và hợp đồng giao, nhận khoán giữa hai bên. Nhưng hộ ông T cho rằng theo thông báo ngày 20/10/1994 của Xí nghiệp liên hiệp cà phê V (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V) thì ông chỉ phải đóng sản lượng cho công ty là 1.200kg cà phê quả tươi/ha/năm và đã đóng đầy đủ. Từ năm 2015 chỉ đóng 50% sản lượng theo giấy báo của công ty là không có cơ sở, không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh nên HĐXX không có cơ sở để xem xét. Theo nội dung thông báo ngày 20/10/1994 của Xí nghiệp liên hiệp cà phê V thì đến năm 2011 hai bên đã ký lại hợp đồng giao khoán theo phương án đã được Tổng công ty cà phê Việt Nam phê duyệt nên thông báo này không còn được áp dụng, mặt khác theo mục 1.2, khoản 1 Điều 4 của hợp đồng quy định “ trách nhiệm của bên nhận khoán là nộp đúng, đủ sản lượng khoán về số lượng, chất lượng, thời gian”. Do đó hộ ông T không nộp đủ sản lượng thuê khoán cho công ty là vi phạm hợp đồng, vi phạm nghĩa vụ trả khoán theo quy định tại Điều 506 Bộ luật dân sự năm 2005.

Đối với việc ông Nguyễn Mạnh T không ký hợp đồng thuê khoán giai đoạn 2016-2017, Hội đồng xét xử thấy rằng: Công ty TNHH MTV cà phê V trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam và được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nhằm mục đích sản xuất cà phê. Ngày 20/9/2011 ông T và công ty ký hợp đồng giao khoán thời hạn 2011-2015. Hết thời hạn này phía Tổng công ty có phương án gia hạn thêm 02 năm (2016-2017) và công ty cà phê V đã thông báo cho ông T biết để tiếp tục ký hợp đồng nhưng hộ ông T không thực hiện vì cho rằng trước đó công ty thu vượt quá sản lượng giao khoán, nhưng ông T, bà Nguyễn Thị N và phía công ty đều thừa nhận trên thực tế từ năm 2016 cho đến nay công ty vẫn giao đất, ông T và bà N vẫn quản lý, sử dụng, chăm sóc và thu hoạch sản lượng như mọi năm, nên công ty cà phê V yêu cầu trả sản lượng khoán từ năm 2016-2017 tổng cộng 3.005kg cà phê quả tươi là có cơ sở quy định tại các Điều 401, 501 Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó cần chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tổng cộng 3.903 kg cà phê quả tươi.

Ngày 15/8/2018 công ty V có đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu bị đơn trả lại diện tích đất vườn cây cà phê 1.1628 ha và không yêu cầu định giá tài sản, phía bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì nên HĐXX không xem xét giải quyết và đình chỉ đối với yêu cầu này.

[3] Về án phí:

Do toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết là: 3.903 kg cà phê quả tươi x giá cà phê quả tươi tại thời điểm xét xử là 7.890kg x 5% = 1.539.500 đồng. Nguyên đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

[4] Về chi phí tố tụng khác: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên căn cứ Điều 157, 158 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; buộc bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 600.000 đồng, số tiền này nguyên đơn đã nộp tạm ứng và đã chi ngày 16/8/2018 nên bị đơn phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho nguyên đơn.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, các Điều 144, 147, 157, 158, 203, 220, 235, 266, 271 và 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015;

Áp dụng các Điều 106, 107, 388; 389; 401; 402; 501; 502; 506 Bộ luật dân sự năm 2005;

Áp dụng khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 47 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V.

Buộc hộ ông Nguyễn Mạnh T (do ông Nguyễn Mạnh T làm đại diện) phải trả sản phẩm giao nhận khoán còn thiếu từ năm 2011 - 2015 là 898kg cà phê quả tươi; từ năm 2016 - 2017 là 3.005kg cà phê quả tươi. Tổng cộng: là 3.903kg (ba nghìn chín trăm lẻ ba kilôgam) cà phê quả tươi cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V.

Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V đối với yêu cầu trả lại diện tích đất vườn cây cà phê 1.1628 ha.

2. Về án phí:

Buộc hộ ông Nguyễn Mạnh T (do ông T đại diện) phải chịu 1.539.500 đồng (một triệu năm trăm ba mươi chín nghìn năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V được nhận lại 1.175.000 đồng (một triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2017/0001406 ngày 09 tháng 5 năm 2018 và 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2017/0001405 ngày 09 tháng 5 năm 2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

3. Về chi phí tố tụng khác: Hộ ông Nguyễn Mạnh T (do ông T đại diện) phải hoàn trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê V 600.000 đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật THADS; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật THADS./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

716
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 30/2018/DS-ST ngày 10/10/2018 về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản

Số hiệu:30/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cư Kuin - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:10/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về