TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NHƯ XUÂN, TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 30/2017/HSST NGÀY 18/10/2017 VỀ TỘI TRỐN KHỎI NƠI GIAM
Vào ngày 18/10/2017, tại Hội trường Tòa án nhân dân huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 29/2017/HSST ngày 02 tháng 10 năm 2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 34/2017/HSST ngày 06/10/2017, đối với:
Bị cáo: Phạm Văn H (Tên gọi khác: Ph); Sinh năm: 1980; Nơi ĐKHKTT: Làng Cò Mùn, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay là Phạm nhân phân trại số 1, Trại giam Thanh Lâm, Tổng cục 8 – Bộ công an. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Mường; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: Không biết chữ; Con ông: Phạm Văn H (Đã chết); Con bà: Trương Thị Th - Sinh năm: 1934 - Nghề nghiệp: Làm ruộng; Chỗ ở hiện nay: Làng Cò Mùn, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Gia đình có 02 anh em, bị cáo là con thứ 02 trong gia đình.
Họ và tên vợ: Phạm Thị C - Sinh năm: 1982; Nghề nghiệp: Làm ruộng. Chỗ ở hiện nay: Làng Cò Mùn, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo có 03 con. Con lớn sinh năm 1999 và con nhỏ sinh năm 2006.
Tiền sự: Không; Tiền án: 04 lần. Ngày 18/12/2003 bị TAND huyện Ngọc lặc, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 09 tháng tù về tội: “Trộm cắp tài sản”. Ngày 15/7/2016 bị TAND huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 42 tháng tù về tội: “Trộm cắp tài sản”. Ngày 28/7/2016 bị TAND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 12 năm tù về tội: “Trộm cắp tài sản”. Ngày 23/8/2016 bị TAND huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình xử phạt 36 tháng tù về tội: “Trộm cắp tài sản”.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/7/2017 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hoàng Đức Hiếu – Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa. (Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 14/6/2017, Phạm Văn H cùng các phạm nhân khác xuất trại để đi lao động, cả đội xếp thành 02 hàng dọc đi từ cổng Phân trại số 1 đến Xưởng lao động, Phạm Văn H đi ở vị trí thứ hai tính từ người đầu tiên xuống, cán bộ quản giáo Nguyễn Ngọc H và cán bộ cảnh sát bảo vệ Phạm Văn Tr dẫn giải đi phía sau. Do nảy sinh ý định trốn trại từ trước nên quan sát thấy sơ hở, bị cáo H chạy lên trước mở cửa xưởng, chạy thẳng về phía nhà vệ sinh, rồi lên cầu thang của chòi gác phía sau tiếp tục nhảy qua tường rào trốn ra ngoài khu quản lý của các chiến sỹ Công an. Sau đó H chạy tiếp lên đồi rừng phía sau Trại giam, cởi quần áo phạm nhân vứt vào bụi luồng gần đó. Tiếp tục chạy tiếp và nhảy xuống hố rậm để nằm tránh bị phát hiện chờ trời tối để đi tiếp. Đến khi trời tối bị cáo H men theo bìa rừng đi ra đường Hồ Chí Minh, đi bộ tiếp về hướng Ngọc Lặc. Khi đi đến đoạn giáp gianh giữa xã Yên Lễ và xã Thượng Ninh, H gặp và đi nhờ một người đi xe máy được một đoạn thì xuống xe đi bộ, khi mệt thì lên đồi keo ngủ. Đến sáng ngày 15/6/2017, bị cáo tiếp tục đi bộ đến trưa thấy một nhà người dân ven đường không có người ở nhà. Bị cáo H vào nhà nằm ngủ một lúc rồi lấy trộm 01 con dao và 01 cái đèn pin rồi tiếp tục đi bộ xuyên đồi rừng về phía Ngọc Lặc. Đêm ngày 15/6/2017, bị cáo H đi đến thị trấn Khe Hạ, Luận Thành, Thường Xuân do đói quá nên vào một nhà dân ven đường lấy trộm một miếng thịt trâu rồi tiếp tục đi bộ đến 01 giờ ngày 16/6/2017 Phạm Văn H đi đến Cây Xăng Khe Hạ, Luận Thành, Thường Xuân thì bị cán bộ Trại giam chốt chặn phát hiện và bắt giữ theo Quyết định truy nã số 02/QĐ-TGTL ngày 14/6/2017 của Trại giam Thanh Lâm, Tổng cục 8, Bộ Công an.
Tại bản Cáo trạng số: 30/CT-KSĐT-TA ngày 30/9/2017của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Như Xuân đã truy tố bị cáo Phạm Văn H - Tên gọi khác: Ph về tội "Trốn khỏi nơi giam" theo khoản 1 Điều 311 của BLHS. Tại phiên toà, Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng: khoản 1 Điều 311; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33; Điều 50; và khoản 2 điều 51 BLHS. Xử phạt bị cáo Phạm Văn H từ 24 đến 30 tháng tù.
Tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung kể từ ngày tạm giam.
Ngoài ra, Đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị giải quyết các vấn đề khác của vụ án theo quy định của pháp luật.
Phần tranh luận: Người bào chữa cho bị cáo phát biểu quan điểm thống nhất như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát về các tình tiết vụ án, tội danh, điều luật, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ và xử lý vật chứng của vụ án. Tuy nhiên, Người bào chữa còn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm về nhân thân của bị cáo: Là người dân tộc thiểu số; về trình độ văn hóa không biết chữ; gia đình bị cáo khó khăn theo trình bày thuộc hộ nghèo, có con nhỏ bị bệnh tâm thần bẩm sinh, đang nuôi mẹ già ốm đau. Đây là những tình tiết quy định ở khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 để giảm nhẹ cho bị cáo mức thấp nhất có thể và miễn tiền án phí cho bị cáo theo chính sách của nhà nước. Ngoài ra, còn đề nghị Hội đồng xét xử Nghị quyết số 41/2017/NQQH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và khoản 3 Điều 7; khoản 1 Điều 386 BLHS 2015 để áp dụng những quy định có lợi cho bị cáo.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận bổ sung gì.
Lời nói sau cùng, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, Quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Như Xuân, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Như Xuân, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, bị hại, người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, Quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, Quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Lời khai của bị cáo tại phiên toà hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người làm chứng, biên bản bắt người phạm tội, cùng với các tài liệu điều tra khác có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở để kết luận: Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 14/6/2017, lợi dụng sự sơ hở của Cán bộ quản giáo trong lúc đang cùng các phạm nhân đến hiện trường lao động bị cáo đã bỏ trốn khỏi khu vực quản lý của Trại giam để về nhà giải quyết việc riêng. Đến 01 giờ ngày 16/6/2017, bị cáo H bị Cán bộ công an Trại giam Thanh Lâm bắt giữ theo lệnh truy nã. Hành vi trên của bị cáo đã phạm vào tội "Trốn khỏi nơi giam" theo khoản 1 Điều 311 BLHS như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Vì khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự 2015 có quy định mức hình phạt nhẹ hơn so với khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự 1999 nên Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 7; khoản 1 Điều 386 BLHS 2015; điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để quyết định mức hình phạt theo hướng có lợi cho bị cáo.
[2] Xét về tính chất, mức độ hành vi, hậu quả và nhân thân thấy rằng: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động tư pháp, ảnh hưởng đến tư tưởng cải tạo của các phạm nhân khác, gây mất trật tự trị an và an toàn xã hội. Do vậy, cần thiết phải có hình phạt nghiêm minh đối với bị cáo và tiếp tục phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội thêm một thời gian để giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm chung.
[3] Xét về nhân thân, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo có nhân thân xấu, đã có 04 tiền án về tội: “Trộm cắp tài sản”. Lẽ ra sau các lần phạm tội bị cáo phải nhận thức được lỗi lầm của mình để có gắng cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, nhưng với bản chất coi thường pháp luật, bị cáo lại tiếp tục cố ý thực hiện hành vi phạm tội mới nhằm trốn tránh việc chấp hành hình phạt. Hành vi phạm tội của bị cáo lần này là tái phạm nguy hiểm nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo thành khẩn khai báo; Bị cáo là người dân tộc thiểu số, bản thân bị cáo lại không biết chữ, gia đình khó khăn thuộc hộ nghèo, đang nuôi mẹ già ốm đau và có con nhỏ bị bệnh tâm thần bẩm sinh cần phải áp dụng điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Quá trình cải tạo tại Trại giam bị cáo chưa được xét giảm thời gian chấp hành án, cũng như chưa được đặc xá.
[4] Xét về tổng hợp hình phạt: Bị cáo Phạm Văn H hiện đang chấp hành Bản án số: 10/2016/HSST ngày 23/8/2016 của Tòa án nhân dân huyện Lạc Thủy, Hòa Bình; Bị cáo bị xử phạt về tội “Trộm cắp tài sản” và tổng hợp hình phạt chung của các bản án là 18 (Mười tám) năm 6 (Sáu) tháng tù giam, thời hạn tù tính từ ngày 04/02/2016. Tính đến ngày phạm tội bỏ trốn 14/6/2017, thì bị cáo đã chấp hành được 16 tháng 10 ngày tù. Thời gian còn lại chưa chấp hành là 17 (Mười bảy) năm 01 (Một) tháng 20 (Hai mươi) ngày tù. Căn cứ theo quy định tại Điều 50; khoản 2 Điều 51 BLHS, Hội đồng xét xử sẽ quyết định hình phạt cho tội mới và tổng hợp với phần hình phạt còn lại của bản án trước.
[5] Về vật chứng: Trong quá trình điều tra đã thu giữ được của Phạm Văn H 01 Con dao bằng kim loại, lưỡi dao dài 35 cm, rộng 03 cm, cán gỗ dài 15 cm, lưỡi dao sắc, nhọn; 01 Con dao bằng kim loại, lưỡi dao dài 25 cm, rộng 04 cm, cán gỗ dài 10 cm, lưỡi dao sắc, nhọn; có bao bằng gỗ dài 25 cm. Hiện đang được quy trữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Như Xuân không có giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy là phù hợp.
[6] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo có tội nên phải chịu án phí; Bị cáo có quyền kháng cáo Bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn H - Tên gọi khác: Ph, phạm tội "Trốn khỏi nơi giam".
Áp dụng: khoản 1 Điều 311; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điểm g khoản 1 Điều 48 và Điều 33 BLHS; khoản 3 điều 7 BLHS 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn H (Tên gọi khác: Ph) 18 (Mười tám) tháng tù. Tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án số 10/2016/HSST ngày 23/08/2016 của Tòa án nhân dân huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình là 17 năm 01 tháng 20 ngày. Buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 18 (Mười tám) năm 7 (Bảy) tháng 20 (Hai mươi) ngày tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam: 16/06/2017.
Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 BLHS; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS. Tịch thu tiêu hủy 01 Con dao bằng kim loại, lưỡi dao dài 35 cm, rộng 03 cm, cán gỗ dài 15 cm, lưỡi dao sắc, nhọn; 01 Con dao bằng kim loại, lưỡi dao dài 25 cm, rộng 04 cm, cán gỗ dài 10 cm, lưỡi dao sắc, nhọn; có bao bằng gỗ dài 25 cm. Các vật chứng có đặc điểm như trên hiện đang lưu trữ tại kho của Chi cục thi hành án dân sự theo biên bản giao nhận ngày 09 tháng 09 năm 2017 giữa Công an huyện và Chi cục thi hành án huyện Như Xuân.
Về án phí: Áp dụng điều 99 BLTTHS; Điều 5; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 16; Điều 21 và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Phạm Văn H.
Trường hợp bản án quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm công khai, có mặt bị cáo. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 30/2017/HSST ngày 18/10/2017 về tội trốn khỏi nơi giam
Số hiệu: | 30/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Như Xuân - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/10/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về