Bản án 29/2020/KDTM-PT ngày 07/05/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 29/2020/KDTM - PT NGÀY 07/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong các ngày 06 và 07/5/2020, tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 173/2019/TLPT-KDTM ngày 24/12/2019 về việc Tranh chấp Hợp đồng tín dụng.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 25/2019/KDTM-ST ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân quận HĐ, thành phố Hà Nội bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 73/2020/QĐ-PT ngày 06/3/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Thông báo mở phiên tòa phúc thẩm ngày 16 tháng 4 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP VP

Địa chỉ trụ sở: số 89 LH, phường LH, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Phan Văn N – Trưởng bộ phận xử lý nợ và bà Phạm Thị Kim O - Cán bộ xử lý nợ (Theo Giấy ủy quyền số 5721/2019/UQ-VPB ngày 23/7/2019). (Có mặt).

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC .

Địa chỉ: Số 102, tổ 13 phường PL, quận HĐ, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hà Viết N - Giám đốc Công ty;

Trú tại: P2710 tòa nhà HH1, LĐ, HL, HM, Hà Nội. (Có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Hà Viết Ng, sinh năm 1986.

Trú tại: P2710 tòa nhà HH1A LĐ, phuờng HL, quận HM, thành phổ Hà Nội. (Có mặt).

4. Người kháng cáo: Ngân hàng TMCP VP – là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện Ngân hàng TMCP VP trình bày:

Ngày 29/5/2017, Ngân hàng TMCP VP – Chi nhánh Sở giao dịch – PGD Đông Hà Nội (gọi tắt là nguyên đơn) và Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC (gọi tắt bị đơn) có ký kết Hợp đồng cho vay hạn mức số 290517- 3671667- 01- SME ngày 29/5/2017; phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ ngày 29 tháng 5 năm 2017 và các khế ước nhận nợ kèm theo. Theo đó, nguyên đơn cho bị đơn vay với tổng số tiền là 1.005.532.000 đồng, mục đích đế bố sung vốn lưu động phục vụ hoạt động thương mại hóa chất; thời hạn duy trì hạn mức 12 tháng; lãi suất vay thể hiện trong khế ước nhận nợ.

Nguyên đơn đã giải ngân cho bị đơn 2 lần qua 2 khế ước nhận nợ:

- Khế ước nhận nợ số 310517-3671667-01-SME ngày 31/5/2017, số tiền vay 602.426.000 đồng; thời hạn vay 12 tháng từ ngày 31/5/2017 đến ngày 31/5/2018; lãi suất cho vay trong hạn 19,9%/năm. Lãi suất này được điều chỉnh định kỳ 01 tháng/1 lần, kỳ điều chỉnh đầu tiên là ngày 30/6/2017 với mức điều chỉnh bằng lãi suất bán vốn của bên Ngân hàng do Hội Sở chính của bên Ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh áp dụng đối với khoản vay có kỳ giải ngân có kỳ hạn là 12 tháng và kỳ điều chỉnh lãi suất 01 tháng + biên độ 12,5%.

- Khế ước nhận nợ số 270617-3671667-01-SME ngày 27/6/2017, số tiền 403.106.000 đồng; thời hạn vay 12 tháng từ ngày 27/6/2017 đến ngày 27/6/2018; lãi suất cho vay trong hạn 19,9%/năm. Mức lãi suất sẽ được điều chỉnh định kỳ 01 tháng/01 lần, kỳ điều chỉnh đầu tiên là ngày 27/7/2017 với mức điều chỉnh bằng lãi suất bán vốn bên ngân hàng do Hội sở chính của bên ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh áp dụng đối với khoản vay có kỳ giải ngân có kỳ hạn là 12 tháng và kỳ điều chỉnh lãi suất 01 tháng + biên độ 12,5%.

Ông Hà Viết Ng là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC có ký Hợp đồng bảo lãnh số 290517-3671667-01-SME/HĐBL ngày 29/5/2017, đồng ý dùng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho bị đơn trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng phát sinh từ Hợp đồng cho vay hạn mức.

Quá trình thực hiện hợp đồng, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ ngày 25/8/2017 đối với nguyên đơn nên toàn bộ khoản vay bị chuyến sang nợ quá hạn. Tạm tính đến ngày 19/9/2019, bị đơn nợ nguyên đơn số tiền: Nợ gốc: 679.400.836 đồng; Nợ lãi trong hạn: 21.043.753 đồng; Nợ lãi quá hạn: 336.418.645 đồng; phạt chậm trả: 33.624.669 đồng. Tổng số: 1.070.487.902 đồng.

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án: Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn toàn bộ số nợ gốc, nợ lãi, phạt chậm trả, các khoản phát sinh theo hợp đồng tín dụng đã ký kểt giữa hai bên.

Trong trường hợp bị đơn không thực hiện hoặc thực hiện không đủ nghĩa vụ thanh toán nợ cho nguyên đơn, đề nghị Tòa án buộc ông Ng phải có nghĩa vụ trả nợ thay bị đơn; nguyên đơn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mại tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bị đơn và tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Hà Viết Ng đế thu hồi khoản nợ vay theo Hợp đồng bảo lãnh mà ông Ng đã ký kết với nguyên đơn.

* Ông Hà Viết Ng : Đại diện theo pháp luật của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trình bày:

Bị đơn có ký Hợp đồng hạn mức số 290517- 3671667 - 01 - SME ngày 29/5/2017, 01 phụ lục hợp đồng và 02 khế ước nhận nợ kèm theo. Ông thừa nhận hiện nay bị đơn còn nợ nguyên đơn tính đến ngày 19/9/2019 như nguyên đơn trình bày là đúng.

Hiện nay bị đơn đang gặp khó khăn về tài chính, chưa có khả năng trả nợ, vì vậy mong muốn nguyên đơn tạo điều kiện để bị đơn trả nợ. Ông Ng xác nhận cá nhân có ký Hợp đồng bảo lãnh số 290517-3671667-01-SME/HĐBL ngày 29/5/2017, đồng ý dùng toàn bộ tài sản của mình vô điều kiện và không hủy ngang cho bị đơn trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đối với nguyên đơn phát sinh từ Hợp đồng cho vay hạn mức. Khi vay tiền của nguyên đơn ông đã ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, ông đã đóng 10.500.000 đồng cho Công ty bảo hiểm, đề nghị làm rõ về khoản tiền bảo hiểm này.

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir - ông Nguyễn Phi H trình bày: Ngày 31/5/2017, Công ty bảo hiếm có ký hợp đồng bảo hiếm với bị đơn, trong đó ông Hà Viết Ng là người được bảo hiếm; phí mua bảo hiểm là 10.500.000 đồng/1năm; thời hạn mua đóng bảo hiểm là 2 năm từ ngày 31/5/2017 đến 31/5/2019; ông Ng đã đóng được phí bảo hiếm 1 năm. Trong trường hợp ông Ng chết hoặc thương tật vĩnh viễn thì Công ty bảo hiểm mới phát sinh trách nhiệm bảo hiểm đối với nguyên đơn bằng số tiền mà bị đơn đã vay của ngân hàng, hoặc số tiền còn lại mà Công ty chưa trả cho ngân hàng tính đến thời điểm người được bảo hiểm chết hoặc xảy ra thương tật vĩnh viễn, số tiền còn lại nếu ông Ng chết sẽ trả cho người thừa kế của ông Ng, nếu ông bị thương tật vĩnh viễn thì sẽ trả cho chính ông Ng số tiền còn lại. Đây là bảo hiểm nhân thọ cho cá nhân ông Ng chứ không phải bảo hiểm cho bị đơn, ông Ng mua bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện. Tại phiên tòa sơ thẩm: Nguyên đơn xin rút yêu cầu phạt chậm trả, còn các yêu cầu khởi kiện khác vẫn giữ nguyên.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 25/2019/KDTM - ST ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân quận HĐ, thành phố Hà Nội đã quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng thương mại cổ phần VP (VP ) đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC . Buộc Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC phải trả cho Ngân hàng VP số tiền phát sinh theo hợp đồng cho vay hạn mức số 290517- 3671667-01-SME ngày 29/5/2017, phụ lục hợp đồng số 01 /HĐ và khế ước nhận nợ số 310517-3671667-01-SME ngày 31/5/2017, khế ước nhận nợ số 270617- 3671667-01-SME ngày 27/6/2017, tổng số tiền tạm tính đến ngày 19/9/2019 là: 1.031.366.928 đồng, trong đó: Nợ gốc: 679.400.836 đồng; Nợ lãi trong hạn: 21.043.753 đồng; Nợ lãi quá hạn: 330.922.339 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, khế ước kèm theo tương ứng với thời gian chậm trả, cho đến khi trả xong nợ gốc.

Đình chỉ xét xử yêu cầu bị đơn thanh toán 33.624.669 đồng phạt chậm trả của Ngân hàng thương mại Cổ phần VP đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC .

Trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng VP, ông Hà Viết Ng có nghĩa vụ trả nợ thay Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC toàn bộ số tiền gốc, nợ lãi trong hạn, lãi quá hạn theo Hợp đồng tín dụng, 01 phụ lục hợp đồng và 2 khế ước nhận nợ kèm theo và Ngân hàng VP có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xác minh, kê biên, thu giữ, phát mại tài sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC và tài sản thuộc sở hữu của ông Hà Viết Ng theo Hợp đồng bảo lãnh đã ký kết số 290517-3671667-01-SME/HĐBL ngày 29/5/2017 để thu hồi nợ.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 27/9/2019, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án kinh doanh thương mại nêu trên của Tòa án nhân dân quận HĐ với lý do: Bản án sơ thẩm đã nhận định và quyết định căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về lãi suất để không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần nợ lãi áp dụng mức lãi suất vượt quá 20%/năm là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, cũng như không phù hợp với sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, không phù hợp với pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về lãi suất. Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ gì mới, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự vẫn giữ nguyên lời trình bày và quan điểm như giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên tòa có quan điểm như sau:

+ Về tố tụng: Việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã đảm bảo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Về nội dung: Hợp đồng, các khế ước nhận nợ và phụ lục hợp đồng mà các bên đã ký kết với nhau trên cơ sở tự nguyện, đáp ứng về mặt hình thức, điều kiện vay vốn, thời hạn vay vốn nên xác định là có thật và hợp pháp.

Về lãi suất áp dụng: Hợp đồng tín dụng ký ngày 29/5/2017, Ngân hàng áp dụng lãi suất 19,9%/ năm tại thời điểm giải ngân qua từng khế ước nhận nợ và có điều chỉnh 1 tháng/1 lần theo đúng thỏa thuận trong khế ước mà các bên đã ký kết là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010; Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạm vi phạm.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định và quyết định khi căn cứ vào Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 để không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của VP đối với phần nợ lãi (áp dụng lãi suất vượt quá 20%) là không phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và qui định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn làm trong thời hạn luật định và nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết theo trình tự phúc thẩm là đúng thẩm quyền.

[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo của nguyên đơn đối với toàn bộ bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận thấy:

2.1. Xét hợp đồng tín dụng được ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn:

Ngày 29/5/2017, nguyên đơn và bị đơn có ký kết Hợp đồng cho vay hạn mức số 290517- 3671667- 01-SME và phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ là hoàn toàn tự nguyện, do các cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và đủ tư cách đại diện tham gia ký kết. Theo đó, nguyên đơn giải ngân cho bị đơn số tiền 1.005.532.000 đồng theo khế ước nhận nợ ngày 31/5/2017 và ngày 27/6/2017. Hình thức và nội dung hợp đồng phù hợp các quy định của pháp luật nên có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành đối với các bên. Sau khi được vay vốn, bị đơn không thực hiện đúng các cam kết của Hợp đồng tín dụng về thời hạn thanh toán, nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản nợ nhưng bị đơn không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền tạm tính đến ngày 19/9/2019 là: 1.036.863.234 đồng, trong đó: Nợ gốc: 679.400.836 đồng; Nợ lãi trong hạn: 21.043.753 đồng; Nợ lãi quá hạn: 336.418.645 đồng là có căn cứ. Cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán nợ gốc, nợ lãi trong hạn cho nguyên đơn như trên là có căn cứ, phù hợp với qui định của pháp luật.

Tuy nhiên, đối với lãi suất quá hạn, bản án sơ thẩm nhận định: từ ngày 30/11/2018 đến ngày 19/9/2919, cả 2 khế ước nhận nợ nguyên đơn áp dụng lãi suất vượt quá 20%/năm là vượt quá qui định của Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên đã tính lại lãi suất của 2 khế ước này và chỉ chấp nhận một phần yêu cầu tính lãi suất quá hạn của nguyên đơn. Về nội dung này, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì:

1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy đinh chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.

Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. Tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước - hướng dẫn về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng cũng quy định:“ Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này”. Tại khoản 2 của điều luật nêu trên qui định: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn là:

a. Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b.Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c. Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ. Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Khoản vay của bị đơn tại Hợp đồng tín dụng này không thuộc 1 trong 5 trường hợp qui định từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều 13 của Thông tư số 39 nêu trên nên lãi suất mà các bên thỏa thuận và Ngân hàng đã điều chỉnh là phù hợp với qui định của pháp luật.

Tại khoản 5 Điều 1 của các Khế ước nhận nợ số 310517-3671667-01- SME và Khế ước nhận nợ số 2706173671667 - 01- SME, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận về mức lãi suất và phương thức điều chỉnh lãi suất: "... Lãi suất cho vay trong hạn được cố định trong vòng 01 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Hết thời hạn 01 tháng, lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh định kỳ 1 tháng/1 lần. Mức điều chỉnh lãi suất được xác định bằng lãi suất bán vốn của bên ngân hàng do Hội Sở chính của bên ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh áp dụng đối với khoản giải ngân có kỳ hạn là 12M và kỳ điều chỉnh lãi suất là 1M + biên độ 12,5%/năm”.

Xét thấy, Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn ngày 29/5/2017, nguyên đơn áp dụng lãi suất 19,9%/năm tại thời điểm giải ngân qua từng khế ước nhận nợ và trong suốt quá trình cho vay cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm, nguyên đơn đã có điều chỉnh lãi suất 1 tháng/1 lần theo đúng thỏa thuận trong khế ước nhận nợ mà các bên đã ký kết. Việc điều chỉnh lãi suất đó phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy đinh chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất. Bản án sơ thẩm nhận định như đã nêu trên và đã tính lại lãi suất của 2 khế ước này là chưa phù hợp với thỏa thuận của các bên đương sự và với các qui định của pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này.

2.2 Xét Hợp đồng bảo lãnh số 290517- 3671667-SME/HĐBL ngày 29/5/2017 thì thấy: Hợp đồng được ký kết giữa bên bảo lãnh là ông Hà Viết Ng và bên nhận bảo lãnh là Ngân hàng TMCP VP – Chi nhánh Sở giao dịch – PGD Đông Hà Nội. Theo đó, ông Ng đồng ý dùng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho bị đơn trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đối với nguyên đơn phát sinh từ Hợp đồng cho vay hạn mức theo hợp đồng bảo lãnh mà ông Ng đã ký kết với nguyên đơn.

Xét thấy, việc ký kết giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, do các cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tham gia giao dịch, hình thức và nội dung phù hợp với quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015 nên có giá trị thi hành đối với các bên. Tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Hợp đồng bảo lãnh qui định: “Bên được bảo lãnh phải trả nợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ theo các văn kiện tín dụng tại Điều 1 của Hợp đồng này. Trường hợp nội dung của văn kiện tín dụng quy định bên được bảo lãnh phải trả nợ gốc, lãi theo nhiều phân kỳ, nếu bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của bất kỳ phân kỳ nào, bên ngân hàng có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh để thu hồi toàn bộ dư nợ gốc, lãi còn lại của tất cả các văn kiện tín dụng, không cần chờ đến khi hết thời hạn trả nợ cuối cùng”; tại khoản 5 Điều 2 của Hợp đồng cũng quy định “Bên bảo lãnh cam kết dùng mọi tài sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của bên bảo lãnh hoặc thu xếp để có tài sản từ tất cả các nguồn khác nhau để bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh và ủy quyền cho bên ngân hàng được tự mình hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sử dụng, sở hữu của bên bảo lãnh và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hà Viết Ng cũng không có ý kiến gì về nội dung của Hợp đồng bảo lãnh. Bản án sơ thẩm quyết định trong trường hợp bị đơn không trả nợ hoặc không trả đủ nợ thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của ông Ng để đảm bảo thi hành án là có căn cứ, phù hợp với qui định của pháp luật.

Đối với hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC ký hợp đồng bảo hiểm đổi với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, ông Ng là người được hưởng bảo hiểm. Đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trách nhiệm bảo hiểm của Công ty bảo hiểm cũng chưa phát sinh. Ông Ng cũng không có yêu cầu độc lập về nội dung này, Tòa án cấp sơ thẩm không xét là có căn cứ.

Ngoài ra, một số văn bản tố tụng trong hồ sơ vụ án tại bút lục số 318 còn có sai sót, nhầm lẫn về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”; Bút lục 317- Biên bản thảo luận, thể hiện: Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tiến hành thảo luận về việc hoãn phiên tòa đối với “vụ án ly hôn”. Đây là những lỗi do sự cầu thả của Thẩm phán cần rút kinh nghiệm.

Từ những phân tích trên, xét thấy kháng cáo của nguyên đơn có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu về lãi suất của nguyên đơn, cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng phân tích trên. Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên cần tính lại án phí sơ thẩm, không buộc nguyên đơn chịu án phí sơ thẩm; nguyên đơn được chấp nhận kháng cáo nên không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 25/2019/ KDTM-ST ngày 19/9/2019 của Tòa án nhân dân quận HĐ, Thành phố Hà Nội về lãi suất. Cụ thể:

Áp dụng khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 39; các Điều 146, 271, và 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 292,293,335,336,339,340,342,463 và 466 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng; Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu lệ phí, án phí Toà án. Xử:

1. Chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng TMCP VP về lãi suất.

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP VP về yêu cầu đòi tiền lãi phạt chậm trả là 33.624.669 đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC .

3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng thương mại Cổ phần VP đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC . Buộc Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC phải trả cho Ngân hàng thương mại Cổ phần VP tổng số tiền tạm tính đến ngày 19/9/2019 là: 1.036.863.234 đồng, trong đó: Nợ gốc: 679.400.836 đồng; Nợ lãi trong hạn: 21.043.753 đồng; Nợ lãi quá hạn: 336.418.645 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC còn phải tiếp tục chịu lãi quá hạn trên số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng được ký giữa các bên cho đến khi thanh toán xong nợ gốc.

4. Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ thì Ngân hàng TMCP VP có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xác minh, kê biên, thu giữ, phát mại tài sản thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư HC và của ông Hà Viết Ng theo Hợp đồng bảo lãnh đã ký kết số 290517-3671667-01-SME/HĐBL ngay 29/5/2017 để đảm bảo thu hồi nợ.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

6. Về án phí: Công ty Cổ phần Đầu tư nghiên cứu HC phải chịu 43.105.897 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Ngân hàng thương mại cổ phần VP không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả Ngân hàng thương mại cổ phần VP 16.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AB/2015/0001373 ngày 10/5/2018 và 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án theo biên lai số AA/2018/0008298 ngày 14 tháng 10 năm 2019 đã nộp tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận HĐ, Thành phố Hà Nội.

7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm, ngày 07/5/2020.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

548
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 29/2020/KDTM-PT ngày 07/05/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:29/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 07/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về