TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 29/2020/HS-PT NGÀY 23/06/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 23 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 35/2020/TLPT-HS ngày 14 tháng 4 năm 2020 đối với bị cáo Nông Thị N, do có kháng cáo của bị cáo và bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 14/2020/HS-ST ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo: Nông Thị N, sinh ngày 07 tháng 7 năm 1968 tại huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Thôn Q, xã M, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: 04/10; dân tộc: Nùng; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nông Văn Q (đã chết) và bà Lưu Thị X, sinh năm 1932; chồng: Hoàng Văn L, sinh năm 1966 và 02 con, lớn sinh năm 1989, nhỏ sinh năm 1991; tiền án, tiền sự: Không có; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 11 tháng 10 năm 2019; hiện tại ngoại, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Nông Thị N: Ông Triệu Hạnh H – Văn phòng luật sư T – Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.
- Bị hại có kháng cáo: Bà Nông Thị H, sinh năm 1957. Nơi cư trú: Thôn Q, xã M, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Nguyễn Tài H, Luật sư Văn phòng luật sư N thuộc Đoàn luật sư tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Người làm chứng:
1. Ông Hoàng Văn L, sinh năm 1966; có mặt.
2. Anh Hoàng Văn K, sinh năm 1987; có mặt. 3. Ông Hoàng Văn M, sinh năm 1957; có mặt.
4. Anh Nông Đức H, sinh năm 1981; có mặt.
5. Anh Nông Đức H1, sinh năm 1985; vắng mặt.
6. Chị Hoàng Thị P, sinh năm 1981; có mặt.
7. Chị Hoàng Thị Đ, sinh năm 1985; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nông Thị N và Nông Thị H là chị em dâu, nhà ở cạnh nhau; giữa hai gia đình đang có tranh chấp về lối đi dẫn vào nhà của Nông Thị N. Sáng ngày 20/4/2019, Nông Thị N gánh các bao đựng đất và đá mạt ra đắp vào phần đường đã bị gia đình bà Nông Thị H cuốc đi từ trước đó. Khoảng 11 giờ cùng ngày, gia đình bà Nông Thị H phát hiện có các bao đất đắp vào phần đường đang tranh chấp nên đã ra cuốc các bao đất xuống rồi đi về. Thấy vậy, Nông Thị N tiếp tục ra lấy đòn gánh bằng tre bẩy các bao đất vào vị trí đắp ban đầu thì Nông Thị H cầm một đoạn gậy tre đi ra; giữa hai người xảy ra tranh cãi, Nông Thị N đã dùng đòn gánh đánh trúng vùng trán đỉnh trái của bà Nông Thị H gây thương tích rồi bỏ chạy về nhà. Bị đánh, Nông Thị H đáp đoạn gậy đang cầm trong tay về phía Nông Thị N nhưng không trúng. Sau đó Nông Thị H được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Trung tâm y tế huyện H, tỉnh Lạng Sơn đến ngày 29/4/2019 thì ra viện. Ngày 28/4/2019, Công an xã M, huyện H, tỉnh Lạng Sơn báo cáo sự việc đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Quá trình điều tra, Nông Thị N khai nhận: Khi Nông Thị N đang dùng đòn gánh bẩy lại các bao đất vào vị trí đường bị cuốc thì thấy bà Nông Thị H một tay cầm dao quắm có tra cán gỗ, tay còn lại cầm một đoạn gậy dài khoảng hơn 01m đi ra, vừa đi vừa chửi bới. Lúc này, Nông Thị N đang đứng ở vị trí đất bị cuốc, thấp hơn mặt đường đi và quay lưng về phía cổng của gia đình bà Nông Thị H, sau đó Nông Thị N cảm nhận có vật cứng lạnh dúi vào gáy nên đã dùng hai tay hất ngược đòn gánh về phía sau rồi bỏ chạy về nhà. Khi xảy ra sự việc, Hoàng Văn K đang đứng cạnh chuồng trâu của gia đình bà Nông Thị H ở dưới vườn, cách vị trí của bà Nông Thị N khoảng hơn 01m chứng kiến sự việc. Bị can Nông Thị N khẳng định Nông Thị H là người đứng phía sau, dúi vật cứng lạnh vào gáy của Nông Thị N. Tuy nhiên, do không quay lại nhìn nên Nông Thị N không biết đó là vật gì.
Bị hại Nông Thị H không công nhận nội dung sự việc như Nông Thị N khai báo và khẳng định khi đi ra chỗ Nông Thị N, bà chỉ được cầm một đoạn gậy tre dài khoảng hơn 01m, ngoài ra không được cầm theo vật dụng gì khác. Nông Thị N cùng chồng là Hoàng Văn L mỗi người cầm 01 chiếc đòn gánh đang đứng trên phần lối đi còn chưa bị cuốc; khi Nông Thị H đi đến đứng đối diện cách Nông Thị N khoảng hơn 01m; dùng đoạn gậy chỉ xuống vị trí các bao đất thì bị Nông Thị N dùng đòn gánh đánh một nhát trúng vào đầu ở vị trí bên trái sát cạnh trán khiến bà bị thương. Hoàng Văn L và Hoàng Văn K không thừa nhận được có mặt tại hiện trường khi Nông Thị N dùng đòn gánh gây thương tích cho Nông Thị H. Tuy nhiên Hoàng Văn K khẳng định khi Nông Thị N và Nông Thị H cãi nhau, Hoàng Văn K đang ngồi ở ghế uống nước trong nhà nhìn ra và quan sát được Nông Thị N đứng đối diện với Nông Thị H dùng tay phải cầm đòn gánh đánh 01 nhát trúng vào đầu bà Nông Thị H gây thương tích.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 199/2019/PYTT ngày 18/6/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Lạng Sơn kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của Nông Thị H là 13%, trong đó sẹo vết thương vùng trán đỉnh trái, có tóc che phủ 02%; vỡ xương hộp sọ vùng đỉnh trái, điện não đồ có tổn thương 11%. Cơ chế hình thành vết thương do vật tày cứng có cạnh gây nên. Do vết thương đã được xử lý, chắt lọc nên không xác định được chiều hướng đánh.
Vật chứng vụ án: Cơ quan điều tra Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã thu giữ và làm rõ 01 chiếc đòn gánh bằng tre dài 1,2m; chỗ rộng nhất 05 cm, chỗ nhỏ nhất 03cm là công cụ Nông Thị N sử dụng gây thương tích cho Nông Thị H và 01 đoạn gậy tre dài 1,16m, đường kính đầu nhỏ nhất 02 cm, đường kính đầu to 2,5cm là đoạn gậy Nông Thị H cầm theo khi đi từ nhà ra gặp Nông Thị N.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 14/2020/HS-ST ngày 04/3/2020 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Nông Thị N phạm tội Cố ý gây thương tích.
Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm a khoản 1 Điều 47, Điều 48, các Điều 38, 50 của Bộ luật hình sự; các Điều 357, 468, 584, 585, 586, 590 của Bộ luật dân sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106, khoản 2 Điều 136, các Điều 332, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự và các điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; xử phạt bị cáo Nông Thị N 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án.
Về bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo Nông Thị N phải bồi thường cho bị hại bà Nông Thị H số tiền là 20.000.000 đồng (làm tròn số).
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, bị cáo Nông Thị N có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án phúc thẩm xem xét hủy án sơ thẩm. Cũng trong hạn luật định, bị hại Nông Thị H có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa, bị cáo Nông Thị N thừa nhận Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Cố ý gây thương tích là đúng hành vi phạm tội, không oan. Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nông Thị N thay đổi kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo và tự nguyện bồi thường thêm cho bị hại Nông Thị H số tiền 5.000.000 đồng. Bị hại Nông Thị H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt, tăng mức bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn: Đơn kháng cáo của bị cáo là hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo với tội danh Cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo; xử phạt bị cáo mức án 03 năm tù là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại là 20.000.000 đồng cho bị hại; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động duy nhất trong gia đình, chồng bị cáo bị bệnh tật, cần áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo có nhân thân tốt; có nơi cư trú rõ ràng; bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, cho bị cáo được hưởng án treo.
Đơn kháng cáo của bị hại là hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo; xử phạt bị cáo mức án 03 năm tù là phù hợp. Tuy nhiên, phần bồi thường thiệt hại chưa phù hợp, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại.
Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo về phần hình phạt, giữ nguyên nội dung Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù. Về bồi thường thiệt hại, đề nghị Hội đồng xét xử sửa Bản án hình sự sơ thẩm; tăng mức bồi thường thiệt hại, tiền bồi dưỡng sức khỏe; tăng mức tiền mất thu nhập; tăng tiền tổn thất tinh thần; tiền chức năng bị giảm sút; tiền phục hồi sức khỏe.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nông Thị N thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nông Thị N về tội Cố ý gây thương tích theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan.
[2] Xét kháng cáo của bị hại Nông Thị H. Thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo xử phạt bị cáo mức án 03 năm tù là phù hợp.
[3] Về bồi thường thiệt hại, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng mức thiệt hại thực đã xảy ra và buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại 20.000.000đồng là phù hợp. Những căn cứ yêu cầu tăng mức bồi thường của bị hại như: Tăng tiền công phục vụ cho hai con gái đưa bị hại vào viện cấp cứu; tiền bồi dưỡng sức khỏe; tăng mức tiền mất thu nhập; tăng tiền tổn thất tinh thần; tiền chức năng bị giảm sút; tiền phục hồi sức khỏe; về cơ bản đã được cấp sơ thẩm xem xét và xác định đúng thiệt hại thực tế xảy ra. Cụ thể: Chi phí điều trị có hóa đơn không được bảo hiểm chi trả: 2.050.766 đồng; tiền mất thu nhập của bị hại trong thời gian 10 ngày điều trị tại Trung tâm y tế huyện H, tỉnh Lạng Sơn (10 ngày x 96.000 đồng/ngày = 960.000 đồng); tiền mất thu nhập của một người chăm sóc cho bị hại trong thời gian điều trị (10 ngày x 96.000 đồng/ngày = 960.000 đồng); tiền mất thu nhập của Hoàng Thị P và Hoàng Thị Đ trong ½ ngày đưa Nông Thị H đi cấp cứu (96.000 đồng x 2 người x ½ ngày = 96.000 đồng); tiền xăng, thuê xe đi và về khi điều trị: 200.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 10 tháng lương cơ sở (10 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng/tháng = 14.900.000 đồng).
[4] Đối với khoản tiền chức năng bị giảm sút, bị hại không đưa ra được căn cứ chứng minh về việc chức năng bị giảm sút nên không được chấp nhận; đối với tiền phục hồi sức khỏe là không có căn cứ, tại phần tổng kết bệnh án (bút lục 90) đã kết luận tình trạng ra viện: Bệnh ổn định. Bị hại cũng không xuất trình được căn cứ chứng minh đã chi phí để phục hồi sức khỏe.
[5] Tuy nhiên, cần xem xét yêu cầu bồi thường tiền bồi dưỡng sức khỏe cho bị hại. Tại cấp phúc thẩm bị cáo nhất trí bồi thường thêm 5.000.000 đồng, thấy rằng số tiền này cũng tương ứng với số tiền cần phải buộc bị cáo bồi thường về bồi dưỡng sức khỏe cho bị hại nên cần buộc bị cáo phải bồi thường. Do đó, cần chấp nhận kháng cáo của bị hại về phần bồi thường thiệt hại.
[6] Xét kháng cáo của bị cáo Nông Thị N xin được hưởng án treo Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại cấp phúc thẩm bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thêm cho bị hại số tiền 5.000.000 đồngốnau khi xét xử sơ thẩm đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị hại với số tiền là 20.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2015/0007269 ngày 25/5/2020 và Biên lai thu tiền số AA/2015/0007272 ngày 28/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Lạng Sơn; bị cáo là lao động duy nhất trong gia đình, chồng bị cáo bị khuyết tật. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới cần áp dụng cho bị cáo theo quy định tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[7] Bị cáo là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng; có 03 tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[8] Trong thời gian tại ngoại vừa qua, bị cáo không có hành vi bỏ trốn hay vi phạm pháp luật; có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt đi chấp hành hình phạt tù thì việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối chiếu với các quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về án treo; bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo.
[9] Từ những phân tích trên, có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo giữ nguyên mức hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo nhưng chuyển cho bị cáo hưởng án treo; chấp nhận kháng cáo của bị hại về tăng mức bồi thường thiệt hại.
[10] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phù hợp với nhận định nêu trên nên cần chấp nhận; ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại không phù hợp với nhận định nêu trên nên không được chấp nhận.
[11] Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do sửa án về bồi thường thiệt hại nên án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại theo quy định tại tại Điều 147 Bộ luật Dân sự và Điều 26, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
[12] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt; chấp nhận kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại. Chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Nông Thị N; sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số: 14/2020/HS-ST ngày 04/3/2020 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn về phần hình phạt và bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 50; khoản 1, 2 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các Điều 357, 468, 584, 585, 586, 590 của Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm h khoản 2 Điều 23; Điều 26; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử phạt bị cáo Nông Thị N 03 (ba) năm tù cho hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích. Thời gian thử thách là 05 (năm) năm tính từ ngày xét xử phúc thẩm 23/6/2020 Giao bị cáo Nông Thị N cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện H, tỉnh Lạng Sơn để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã M, huyện H, tỉnh Lạng Sơn trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo Nông Thị N phải bồi thường cho bị hại bà Nông Thị H số tiền là 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng). Xác nhận bị cáo đã bồi thường số tiền là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số AA/2015/0007269 ngày 25/5/2020 và Biên lai thu tiền số AA/2015/0007272 ngày 28/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Về án phí : Bị cáo Nông Thị N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo Nông Thị N phải nộp 1.250.000 đồng (một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch sung ngân sách Nhà nước.
Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (23-6-2020) Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 29/2020/HS-PT ngày 23/06/2020 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 29/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về