Bản án 29/2018/DSPT ngày 09/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và tài sản bị xâm phạm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 29/2018/DSPT NGÀY 09/04/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THUỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE, DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN VÀ TÀI SẢN BỊ XÂM HẠI

Trong các ngày 04 và 09 tháng 4 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 113/2017/DSPT ngày 31/10/2017 về việcTranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và tài sản bị xâm phạm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2017/DS-ST ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 108/2017/QĐ-PT ngày 17 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1972; (Có mặt).

Địa chỉ cư trú: số nhà 25, tổ 5, khu phố 3, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bình Phước.

Bị đơn: Ông Nguyễn Thế L, sinh năm 1957; (Vắng mặt).

Địa chỉ cư trú: tổ 5, khu phố 3, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bình Phước.

Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T trình bày:

Bà T không có quan hệ họ hàng với ông Nguyễn Thế L, hai bên cùng sinh sống tại tổ 5, khu phố 3, thị trấn C. Vào sáng ngày 17/6/2014 bà T đi chợ ngang qua nhà bà S thấy nhà bà S có dấu hiệu trộm cắp đào hố, chặt cây, xe ô tô lạ đậu trong nhà. Bà T gọi điện báo cho Công an thị trấn C, sau khi công an đến bà T yêu cầu công an lập biên bản, quay phim, chụp hình lại hiện trường nhưng công an thị trấn không làm. Vì vậy bà T tự lấy điện thoại quay phim, chụp hình lại hiện trường để sau này nếu như cơ quan công an có hỏi bà T có chứng cứ trình báo. Khi bà T quay từ ngoài tới trong nhà của bà S, bà T có gọi bà S nhưng không thấy ai ở nhà và có 01 chiếc ô tô lạ đậu ở giữa nhà bà S, bà T có quay lại chiếc xe. Sau đó đi ra phía trước cây xăng thì thấy ông H, ông P đứng gần nhau, ông L ngồi gần trụ bơm xăng, bà M (trưởng khu phố 3) ngồi ngay đầu bàn tính tiền nơi bà S bán xăng thì bổng dưng ông L hỏi bà T “tại sao mày quay xe của tao”, bà T trả lời “nghe nói đâu ông là ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân mà tại sao ông nói chuyện với dân bằng mày tao”, thì ông L trả lời “chẳng lẽ tao kêu mày bằng bà”, bà T nói “ông kêu bằng cái gì thì ông về cơ quan nào cho ông ứng cử để người ta sẽ dạy ông kêu dân bằng cái gì”, lúc này bà T đứng cách xa ông L thì bỗng dưng ông L chạy tới bất ngờ đấm vào đầu bà T, ngã lăn từ bậc thềm cây xăng lăn xuống đất, tay bị trầy xước, rỉ máu, bầm tím. Bà T có yêu cầu công an lập biên bản nhưng công an không lập biên bản mà ông P, bà M bỏ đi không hỏi bà T có bị gì không, bà T gọi điện thoại cho ông N công an huyện C báo sự việc như thế mà công an thị trấn và bà M bỏ đi không lập biên bản. Còn lại một mình ông H, bà T yêu cầu chụp lại thương tích và hiện trường nhưng ông H không chụp, bà T tiếp tục trình báo cho ông N thì ông H mới chụp lại cánh tay. Sau đó bà T đến trụ sở công an thị trấn xin giấy giới thiệu chụp hình, khám thương tích, và bà T có làm đơn tố cáo ông L có hành vi xâm phạm đến sức khỏe.

Khi sự việc trên xảy ra, Công an thị trấn không giải quyết đơn tố cáo của bà T nên bà T làm đơn gửi lên Công an huyện C xin giám định thương tích và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông L. Bà T được Công an huyện C đưa đi giám định thương tích, mấy tháng sau bà T biết được kết quả. Công an thị trấn có mời bà T lên làm việc, buổi làm việc có ông P, ông H1, bà M, ông L và bà T. Tại buổi làm việc bà M cho rằng “ông L nói chuyện với cô T bằng mày, tao là có”. Ông P cho rằng “cô T quay máy điện thoại sát mặt ông L, ông L giơ tay đỡ dẫn đến cô T mất đà ngã xuống đất, hành vi của ông L đã xâm hại đến sức khỏe của cô T”. Bà T có cho rằng bà T quay hiện trường và quay chiếc ô tô là có chứ không quay sát mặt ông L như ông P nói. Vì khi bà T đang quay lại hiện trường từ trong đi ra thì ông L có nói mày tao với bà T và đấm vào đầu bà T bất ngờ chứ không quay điện thoại sát vào mặt ông L. Vì vậy đề nghị Tòa án tiến hành xác minh, yêu cầu ông P và bà M phải trả lời và cung cấp chứng cứ nào thể hiện việc bà T quay điện thoại sát mặt ông L như văn bản trả lời của công an thị trấn. Còn chi phí viện phí điều trị vết thương và các khoản tiền bồi thường khác của bà T, ông L không đồng ý bồi thường nên bà T khởi kiện tại Tòa án.

Nay bà T yêu cầu ông L bồi thường tất cả các khoản thiệt hại cụ thể: tiền viện phí, tiền thuốc là 11.149.000 đồng, tiền mất thu nhập 30.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần 5.000.000 đồng, bồi thường điện thoại Nokia giá 7.200.000 đồng và đồng thời ông L phải công khai xin lỗi bà T trước chính quyền địa phương nơi bà T sinh sống.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Nguyễn Thế L trình bày:

Buổi sáng ngày 17/6/2014 ông L sang nhà bà S đào 02 cây phát tài trồng vào 02 chậu kiểng do bà S đã cho ông L trước đó. Khi sang đào cây bà S có ở nhà đào gần xong thì bà đi công việc. Cùng thời điểm này bà T đến dùng điện thoại quay phim, chụp hình, do bà T gọi điện cho Công an báo nhà bà S mất trộm nên Công an thị trấn C và trưởng khu phố 3 cùng có mặt tại hiện trường, Công an thị trấn có nhắc nhở bà T không được quay phim nhưng bà T không hợp tác mà tiếp tục quay và cầm điện thoại quay xe ô tô của ông L đang gửi ở gian nhà trống của bà S. Ông L thấy bà T quay xe của mình thì ông L có nói “Tao làm gì mà mày quay xe của tao” sau đó bà T cầm điện thoại quay sát vào mặt ông L, theo phản xạ tự nhiên ông L dùng tay đẩy tay cầm điện thoại của bà T ra. Do bà T đứng gần mép bậc thềm nên bị ngã, ngã xong bà T đứng dậy tiếp tục cầm điện thoại đánh vào ông L nhưng ông L đưa tay đỡ trúng tay bà T điện thoại rơi xuống nền.

Sau khi sự việc trên xảy ra thì phía Công an thị trấn có mời ông L và bà T lên trụ sở Công an thị trấn làm việc, hòa giải. Công an có giải thích sự việc và ông L không làm gì sai cả. Đúng như nội dung kết luận của công an thị trấn C, phía công an có ra quyết định xử phạt hành chính 2.000.000 đồng. Còn nội dung công an cho rằng “hành vi của ông L đã xâm hại đến sức khỏe của bà T” thì ông L không đồng ý. Vì trong quá trình xảy ra sự việc ông L không đánh đập bà T, chỉ phản ứng lại khi bà T cố ý cầm điện thoại quay sát vào mặt ông L và hành động giơ tay để tránh bà T dùng điện thoại đánh vào mặt ông L, chứ không có hành vi đánh vào đầu bà T như bà trình bày. Khi Công an ra quyết định xử phạt hành chính về việc ông L có hành vi xâm hại đến sức khỏe của bà T thì ông L không khiếu nại và không đóng số tiền 2.000.000 đồng theo quyết định xử phạt hành chính.

Nay bà T khởi kiện yêu cầu ông L có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà T tổng số tiền 53.214.000 đồng. Đồng thời yêu cầu ông L phải công khai xin lỗi bà T trước chính quyền địa phương nơi bà T sinh sống thì ông L không đồng ý.

Tại Bản án sơ thẩm số 25/2017/DS-ST ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C đã tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T.

Buộc ông Nguyễn Thế L phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà T với số tiền 2.488.200 đồng (Hai triệu bốn trăm tám mươi tám ngàn hai trăm đồng)

Bác yêu cầu khởi kiện của bà T đối với yêu cầu buộc ông L phải bồi thường thiệt hại với số tiền 50.860.800 đồng, bồi thường chiếc điện thoại Nokia N81 SG1 và yêu cầu ông L công khai xin lỗi bà T tại khu dân cư.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Các ngày 22/8/2017, ngày 08/9/2017 và ngày 18/9/2017 nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T có đơn kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện C. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2017/DSST ngày 12/7/2017; cụ thể: Xem xét đơn miễn giảm án phí; Bồi thường điện thoại Nokia N81; Bồi thường mất thu nhập 30.000.000 đồng; Tiền thuốc, viện phí 11.149.000 đồng; Bồi thường tổn thất tinh thần 5.000.000 đồng; Yêu cầu ông L công khai xin lỗi trước chính quyền địa phương nơi bà T sinh sống.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu:

- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về đường lối giải quyết vụ án: Nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T có đơn kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm số 25/2015/DS-ST ngày 07/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện C theo hướng chấp nhận yêu cầu của bà T về: Xem xét đơn miễn giảm án phí; Bồi thường điện thoại Nokia N81; Bồi thường mất thu nhập 30.000.000 đồng; Tiền thuốc, viện phí 11.149.000 đồng; Bồi thường tổn thất tinh thần 5.000.000 đồng; Yêu cầu ông L công khai xin lỗi trước chính quyền địa phương nơi bà T sinh sống nhưng bà T không cung cấp được chứng cứ nào khác so với cấp sơ thẩm nên kháng cáo của bà T không có căn cứ chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2017/DS-ST ngày 07/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện C.

Vì các lẽ trên,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Phúc thẩm nhận định:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm bà Nguyễn Ngọc T tự nguyện rút một phần kháng cáo đối với yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần. Xét thấy, việc bà T tự nguyện rút một phần kháng cáo này là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên được chấp nhận đình chỉ xét xử phúc thẩm về phần này.

Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T thấy rằng:

[2] Về yêu cầu bồi thường chi phí điều trị, tiền thuốc: Theo Kết luận giám định pháp y về thương tích số 217/2014/TgT ngày 31/7/2014 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Phước, kết luận thương tích của bà Nguyễn Ngọc T tỷ lệ tổn thương do thương tích gây nên hiện tại là 00%. Kết luận trên để xác định việc không khởi tố hình sự đối với ông L, nhưng theo giấy chứng nhận thương tích số 65/CN ngày 17/6/2014 của Bệnh viện đa khoa huyện C thì việc bà T bị trầy xước, sưng bầm tím mặt trước cẳng tay phải 4cm x 2cm, chấn thương đầu là có thật, bởi lẽ ngày xảy ra xô xát là ngày 17/6/2014 đến ngày 31/7/2014 sau đó 01 tháng 14 ngày mới tiến hành giám định thì các vết thương của bà T đã liền sẹo. Do đó ông L phải có trách nhiệm bồi thường cho bà T chi phí điều trị vết thương do bác sỹ chỉ định có hóa đơn hợp lệ, bao gồm: Hóa đơn bán lẻ ngày 23/6/2014 số tiền 425.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 28/6/2014 số tiền 345.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 04/7/2014 số tiền 430.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 11/7/2014 số tiền 440.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 22/7/2014 số tiền 183.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 28/7/2014 số tiền 440.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 08/8/2014 số tiền 440.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 22/8/2014 số tiền 135.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 28/8/2014 số tiền 200.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 29/10/2014 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 03/10/2014 số tiền 190.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 08/10/2014 số tiền 380.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 18/10/2014 số tiền 380.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 29/11/2014 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 29/11/2014 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 29/01/2015 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 29/02/2015 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 30/3/2015 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 29/4/2015 số tiền 760.000 đồng, hóa đơn bán lẻ ngày 01/6/2015 số tiền 760.000 đồng, 02 biên lai thu tiền lệ phí ngày 22/8/2014 số tiền 46.000 đồng, biên lai thu tiền lệ phí ngày 28/8/2014 số tiền 8.000 đồng, biên lai thu tiền lệ phí ngày 03/10/2014 số tiền 8.000 đồng. Tổng số 10.131.000 đồng, do vậy cần chấp nhận một phần kháng cáo này của bà T.

[3] Xét kháng cáo yêu cầu bồi thường về mất thu nhập do ngày công lao động bị mất trong thời gian điều trị vết thương: Căn cứ vào giấy chứng nhận thương tích số 65/CN ngày 17/6/2014 của Bệnh viện đa khoa huyện C thể hiện bà T vẫn bị trầy xước, sưng bầm tím mặt trước cẳng tay phải 4cm x 2cm và chấn thương vùng đầu, mặc dù bà T bị thương nhẹ nhưng cũng cần phải có một thời gian nghỉ dưỡng, uống thuốc, phục hồi sức khỏe phù hợp với thực tế là 30 ngày, nên việc bà T yêu cầu ông L bồi thường ngày công lao động bị mất thu nhập là có cơ sở. Tuy nhiên, bà T yêu cầu buộc ông L phải bồi thường 200 ngày công lao động bị mất là quá nhiều không phù hợp thực tế nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo này như sau: 30 ngày x 150.000 đồng/ngày = 4.500.000 đồng.

[4] Xét kháng cáo yêu cầu bồi thường chiếc điện thoại Nokia N81 của bà T, thấy rằng: Chiếc điện thoại di động hiệu Nokia N81 được bà T mua vào ngày 29/7/2008 có giá 7.200.000 đồng. Căn cứ vào quyết định 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ tài chính thời hạn sử dụng của chiếc điện thoại di động là 05 năm, như vậy tính đến ngày 17/6/2014 chiếc điện thoại Nokia N81 SG1 đã hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, tại thời điểm ông L làm rơi chiếc điện thoại này của bà T vẫn đang sử dụng bình thường (bà T sử dụng quay phim). Theo Biên bản xác minh của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước ngày 27/02/2018 tại Cửa hàng điện thoại “Kết Nối” số 628, đường P, phường T, thị xã X, tỉnh Bình Phước, thì chủ cửa hàng cho biết: chiếc điện thoại hiệu Nokia N81 SG1 sản xuất năm 2008 đã qua sử dụng tại thời  điểm tháng 6/2014  giá bán trên  thị trường khoảng 900.000 đồng. Như vậy, chiếc điện thoại bị hư hỏng xuất phát từ hành vi của ông L dùng tay đẩy bà T ngã làm điện thoại của bà T bị hư hỏng (bút lục 158), nên cần buộc ông L phải bồi thường cho bà T giá trị còn lại của chiếc điện thoại là 900.000đồng.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ Kết luận giám định thương tích vào Kết quả định giá, mà không căn cứ vào các chi phí hợp lý mà bà T bỏ ra để điều trị vết thương và không căn cứ vào giá trị thực tế còn lại của chiếc điện thoại để giải quyết là chưa đảm bảo quyền lợi của bà T.

[5] Đối với kháng cáo của bà T yêu cầu buộc ông L công khai xin lỗi, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm bà Nguyễn Ngọc T đã tự nguyện rút kháng cáo đối với yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần. Hơn nữa bà T cũng không chứng minh được ông L xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà T. Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thì chỉ những trường hợp khi quyền nhân thân (danh dự, nhân phẩm) bị xâm hại thì cá nhân đó mới được quyền yêu cầu người vi phạm phải công khai xin lỗi. Do đó, Tòa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà T buộc ông L phải công khai xin lỗi là đúng pháp luật, nên kháng cáo của bà T về yêu cầu này không có cơ sở để chấp nhận.

[6] Xét kháng cáo của bà T về tính lại án phí, thấy rằng: Theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Do đó, bà T không phải nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và không phải chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận. Nhưng đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản là chiếc điện thoại thì bà T phải nộp tạm ứng án phí và chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu bà T nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu về tài sản là thiếu sót. Hơn nữa, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định rõ những yêu cầu nào phải chịu án phí và những yêu cầu nào không phải chịu án phí mà gộp chung buộc bà T phải chịu án phí chung 2.543.040 đồng đối với những yêu cầu không được chấp nhận là không phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên cần sửa Bản án sơ thẩm về phần này. Cụ thể: Bà T yêu cầu bồi thường giá trị chiếc điện thoại 7.200.000 đồng nhưng chỉ được chấp nhận 900.000 đồng. Do đó, bà T phải chịu án phí đối với phần không được chấp nhận là: 6.300.000 đồng x 5% = 315.000 đồng (ba trăm mười lăm nghìn đồng).

Ông L phải chịu án phí đối với phần yêu cầu của bà T được chấp nhận là: 10.131.000 đồng tiền thuốc + 4.500.000 đồng tiền ngày công lao động bị mất + 900.000 đồng tiền điện thoại = 15.531.000 đồng x 5% = 776.000 đồng (bảy trăm bảy mươi sáu nghìn đồng)

[7] Về chi phí định giá: Chi phí định giá 500.000 đồng. Do yêu cầu bồi thường giá trị của chiếc điện thoại của bà T được chấp nhận một phần nên chi phí định giá ông L phải chịu. Bà T đã nộp tạm ứng 1.000.000 đồng nên ông L có trách nhiệm trả lại cho bà T số tiền 500.000 đồng. Bà T liên hệ với Tòa án nhân dân huyện C nhận số tiền 500.000 đồng còn lại.

Từ những phân tích trên, cần sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2017/DS-ST ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát kiểm sát tại phiên tòa:

-  Tại phiên tòa bà T rút một phần yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ một phần kháng cáo về yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm là 5.000.000 đồng và sửa Bản án dân sự sơ thẩm về phần án phí là có căn cứ được chấp nhận.

-   Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm về phần bồi thường tiền thuốc, chi phí, viện phí; tiền thu nhập thực tế bị mất và không buộc ông L phải bồi thường đối với chiếc điện thoại bị hư hỏng là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Án phí dân sự sơ thẩm: Như đã phân tích ở mục

[6], bà Nguyễn Ngọc T phải chịu 315.000 đồng, ông Nguyễn Thế L phải chịu 776.000 đồng.

Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên người kháng cáo bà T không phải chịu. Hoàn trả lại cho bà T số tiền 300.000 đồng đã nộp.

Các phần Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Chấp nhận rút yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Ngọc T về buộc ông Nguyễn Thế L bồi thường về tổn thất tinh thần bị xâm hại. Đình chỉ xét xử phúc thẩm về phần kháng cáo của bà Nguyễn Ngọc T yêu cầu buộc ông Nguyễn Thế L bồi thường về tổn thất tinh thần bị xâm hại.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm 25/2017/DS-ST ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C.

[2] Căn cứ Điều 25, Điều 161, Điều 604, Điều 605, Điều 606, Điều 608, Điều 609, Điều 611 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Ngọc T như sau:

Buộc ông Nguyễn Thế L phải bồi thường cho bà T các khoản sau: Tiền chi phí tiền thuốc là 10.131.000 đồng; Tiền bồi thường mất thu nhập là 4.500.000 đồng; Tiền bồi thường giá trị của chiếc điện thoại Nokia N81 SG1 là 900.000 đồng. Tổng cộng là 15.531.000 đồng (mười lăm triệu, năm trăm ba mươi mốt nghìn đồng)

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Ngọc T về buộc ông Nguyễn Thế L công khai xin lỗi trước chính quyền địa phương nơi bà T sinh sống.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Căn cứ Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

- Buộc ông Nguyễn Thế L phải chịu số tiền 776.000 đồng (bảy trăm bảy mươi sáu nghìn đồng).

- Buộc bà Nguyễn Ngọc T phải chịu số tiền 315.000 đồng (Ba trăm mười lăm nghìn đồng)

[4] Về chi phí định giá: Chi phí định giá 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng). Ông Nguyễn Thế L phải có trách nhiệm trả cho bà Nguyễn Ngọc T số tiền 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng).

Bà Nguyễn Ngọc T liên hệ với Tòa án nhân dân huyện C nhận lại số tiền 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) còn lại.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Chi cục thi hành án huyện C trả lại cho bà Nguyễn Ngọc T số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm bà T đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án quyển sổ 000179, số 0008903 ngày 18 tháng 9 năm 2017.

Kể từ ngày thỏa thuận có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Các phần Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

693
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 29/2018/DSPT ngày 09/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và tài sản bị xâm phạm

Số hiệu:29/2018/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Chơn Thành - Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về