Bản án 29/2017/DS-PT ngày 02/11/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 29/2017/DS-PT NGÀY 02/11/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 02 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 21/2017/TLPT-DS ngày 11 tháng 9 năm 2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 45/2017/DS-ST ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo và kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1658/2017/QĐ-PT ngày 03 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê Văn L (tên gọi khác: Lê Văn D), sinh năm 1962; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn: Bà Lê Thị A, sinh năm 1952; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ L quan:

1. Bà Bùi Thị T (tên gọi khác: Bùi Thị H), sinh năm 1962; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

2. Anh Trần Văn K, sinh năm 1990; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Ông Lê Văn L là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:

Nguồn gốc diện tích đất ông L và bà A đang tranh chấp là của cụ Đào Văn B, có diện tích 390m2 (trong đó đất thổ cư là 312m2, diện tích còn lại là đất rau xanh (đất 5%). Diện tích đất này cụ B được Ủy ban nhân dân xã Đ giao theo Quyết định giao đất số 04 ngày 28 tháng 3 năm 1986. Diện tích đất này thuộc hai thửa trên bản đồ giải thửa đó là thửa số 614 và 618 đều thuộc tờ bản đồ số 2 Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng. Diện tích đất trên của cụ B hiện do ông L và bà A quản lý sử dụng. Cụ thể: phần diện tích đất ông L sử dụng là đất thổ cư nằm trong thửa 614, phần diện tích bà A đang sử dụng là đất 5% nằm trong thửa 618. Tuy nhiên cụ B vẫn đứng tên là chủ sử dụng diện tích đất trên tại hồ sơ địa chính của địa phương, ông L, bà A chưa làm thủ tục sang tên, chưa được đứng tên trong sổ theo dõi, đăng kí, quản lý đất đai ở địa phương.

Nguyên đơn là Ông Lê Văn L trình bày: Năm 1989 ông có mua của bà Đào Thị R có chồng là ông Bùi Xuân H (Bà R là con gái của cụ B) diện tích đất 390m2, trên đất có nhà cấp bốn với giá 8 triệu đồng, gia đình ông sử dụng cho đến nay nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại thời điểm mua chưa lập giấy tờ, không thông qua chính quyền địa phương, cho đến năm 1992 thì mới làm Hợp đồng mua bán có chính quyền địa phương xác nhận nhưng chưa lập trích đo đất. Năm 1992 và năm 2010, ông L tự đo, ướm 5 gang tay thành một mét dài vào cây (tạo thành cây dài 1m để làm thước đo) rồi tiến hành đo khảo sát đất nhưng vẫn thấy thiếu. Ông L xác định, trong thời gian sử dụng, bà Lê Thị A là hộ liền kề đã lấn của gia đình ông 70,7m2 đất về phía Nam thửa đất của gia đình ông (chiều rộng 10m, chiều dài hơn 7m), vì vậy ông L yêu cầu bà A phải trả đất cho ông sử dụng.

Bị đơn Lê Thị A trình bày: Năm 1990 bà có thuê diện tích đất rau xanh (khoảng 200m2) của ông G (là con trai cụ B), sau đó bà đã mua lại diện tích đất rau xanh với giá 1.000.000 đồng và xây nhà ở, sử dụng cho đến nay; Việc mua bán có viết giấy tay với ông G nhưng do thời gian đã lâu nên đã bị thất lạc, bà không lấn chiếm đất của ông L nên không đồng ý trả đất cho ông L.

Với nội dung nêu trên tại bản án sơ thẩm số 45/2017/DS-ST ngày 19/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện TN, Hải Phòng đã quyết định: Áp dụng các Điều 91, 92, 97,147, 153 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng Điều 170, 212, 234, 266, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Áp dụng Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Áp dụng Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Áp dụng Luật Đất đai năm 2013; Áp dụng Khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Khoản 2 Điều 16 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Lê Văn Lvề việc đòi bà Lê Thị A phải trả diện tích đất 70,7m2 tại Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng.

2. Về án phí: Ông Lê Văn Lphải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm..............

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ông Lê Văn L là nguyên đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

- Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định số 10/QĐKNPT-VKS-DS ngày 18/8/2017 Kháng nghị đề nghị sửa bản án sơ thẩm nêu trên về phần áp phí của nguyên đơn với căn cứ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009 về án phí lệ phí Tòa án và điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 01/2012 của Hội đồng thẩm phán thì ông L phải chịu án có giá ngạch chứ không phải là án phí không có giá ngạch như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tại phiên toà phúc thẩm:

* Ông Lê Văn L trình bày: Ông kháng cáo Bản án của Tòa án TN vì: Giải quyết không đúng quyền lợi của ông. Ông mua bán với vợ chồng bà R có chính quyền địa phương xác nhận, còn bà A chỉ mua bán bằng miệng không có giấy tờ gì. Diện tích đất ông mua của vợ chồng bà R từ năm 1989 nhưng đến năm 1992 gia đình ông mới về ở. Năm 1998 khi mua thì bà R nói diện tích gần 400m2, có giấy viết tay nhưng ông đã làm thất lạc, khi mua không đo đạc, không chỉ mốc giới, không ra chính quyền địa phương xác nhận. Đến năm 1992 thì cụ B có quyết định chuyển vùng nên mới làm giấy tờ mua bán là 390m2, có chính quyển địa phương xác nhận nhưng cũng không đo đạc và chỉ mốc giới. Diện tích gia đình ông mua của vợ chồng bà R là diện tích đất ở chứ không phải đất rau xanh, năm 1992 khi gia đình ông về ở thì đã thấy gia đình bà A ở rồi. Về kháng nghị của Viện Kiểm sát thì ông không có ý kiến gì.

* Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa có quan điểm:

- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về phía nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, phía bị đơn vắng mặt tại phiên tòa không có lý do là không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Tại cấp phúc thẩm có thu thập thêm tài liệu chứng cứ nhưng không sao gửi cho Viện Kiểm sát là không đúng quy định của pháp luật.

- Về nội dung:

1. Đối với nội dung kháng cáo của nguyên đơn:

Theo tài liệu có trong hồ sơ như Hợp đồng mua bán giữa bà R với ông L và lời khai của ông L, bà R ông H thì Kiểm sát viên xét thấy: Bản khai của ông H, bà R có sự mâu thuẫn với lời trình bày của ông L và các văn bản giấy tờ có L quan nêu trên về diện tích chuyển nhượng, tứ cận, giáp ranh nhưng chưa được cho đối chất để làm rõ. Hiện trạng mốc giới có sự thay đổi do việc mở rộng đường và chỉ giới hành lang giao thông chưa được làm rõ. Để việc giải quyết vụ án có căn cứ và đúng pháp luật, tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét quyết định tạm ngừng phiên tòa để bổ sung tài liệu chứng cứ nhưng Hội đồng xét xử đã thống nhất việc tiếp tục xét xử mà không ngừng phiên tòa.

Nguyên đơn là ông L khởi kiện và kháng cáo yêu cầu bị đơn trả 70,7m2 đất. Tuy nhiên, ông L trình bày thời điểm mua bán các bên không xác định cụ thể kích thước tứ cận, mốc giới, chưa lập trích đo, sơ đồ về mốc giới, diện tích đất nên không có căn cứ xác định cụ thể mốc giới và diện tích đất chuyển nhượng thực tế từ thời điểm mua bán đến nay. Việc ông L tự xác định ranh giới đất, tự đo, ướm 05 gang tay thành 01m dài vào cây để làm thước đo để đo diện tích đất và thấy thiếu 70,7m2 là không khách quan, chính xác và không có cơ sở chấp nhận. Phía bị đơn, bà A trình bày mua đất của ông Đào Văn G (là anh của bà R) năm 1990 đến năm 1992 thì hoàn thành việc giao tiền và mua bán đất. Phía bị đơn là bà A không cung cấp được giấy tờ thể hiện việc mua bán đất, nhưng theo trình bày của ông L thì khi ông đến ở trên thửa đất năm 1992 thì phát hiện bà A đã ở trên một phần diện tích đất của ông và ở từ đó đến nay. Điều đó thể hiện việc bà A đã thực tế ở trên một phần diện tích đất tranh chấp trước thời điểm ông L nhận chuyển nhượng và bàn giao đất.

Do đó, chưa có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo cũng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông L về việc buộc bà A phải trả lại diện tích 70,7m2 đất tại Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng.

2. Về nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát:

Nguyên đơn là ông L khởi kiện đòi lại tài sản là 70,7m2 đất tại Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng là tranh chấp về quyền sử dụng đất. Trong vụ án này, ông L có đơn đề nghị Tòa án định giá tài sản. Tòa án đã ra quyết định và tiến hành định giá tài sản đối với diện tích đất và giá trị tài sản trên đất tranh chấp. Căn cứ vào Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 và Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 để xác định nghĩa vụ chịu án phí của đương sự là có căn cứ. Tuy nhiên, yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận nên theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 và điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án ông L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 12.373.000 đồng, Bản án sơ thẩm chỉ buộc ông L phải chịu án phí không có giá ngạch là 200.000 đồng là không đúng.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát, căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa Bản án sơ thẩm theo hướng phân tích nêu trên.

Sau khi xem xét các tài liệu có trong hồ sơ, cũng như lời trình bày của các đương sự, quan điểm của Viện Kiểm sát tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, theo quy định tại khoản 9 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Về sự vắng mặt của các đương sự: Các đương sự bà L, bà T, anh K đã được triệu tập phiên tòa hợp lệ nhưng cả hai lần đều vắng mặt không có lý do, căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt các đương sự nêu trên.

[1]. Xét kháng cáo của nguyên đơn:

Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ, lời khai của ông L, bà A, lời khai của bà R, ông G thì diện tích diện tích đất của cụ B đã được bà R bán cho ông L là phần diện tích đất thổ cư, còn ông G bán cho bà A là diện tích đất rau xanh. Tuy nhiên cả ông L bà A đều chưa làm thủ tục sang tên, trên hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương cả diện tích ông L và bà A đang sử dụng vẫn được xác định mang tên cụ Đào Văn B. Do giữa bên mua và bên bán không có tranh chấp mà chỉ có những người mua (người đang thực tế sử dụng) tranh chấp về ranh giới quyền sử dụng đất. Vậy, vấn đề phải xem xét trong vụ án là ông L, bà A khi mua của các con cụ B thì mỗi người mua là bao nhiêu? Và mua ở phần đất nào? Có vị trí, kích thước, mốc giới như thế nào?

Xét:

- Theo xác nhận của chính quyền đại phương thì năm 1986 cụ B được giao 390m2 đất thì chỉ có 13 thước (312m2) là đất ở và phần đất ở này thuộc thửa 614 tờ bản đồ số 02 Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng. Còn lại phần diện tích đất đằng sau là đất rau xanh thuộc thửa 618 tờ bản đồ số 2 Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng.

- Theo hợp đồng mua bán nhà ở và vật kiến trúc, cây lâu năm lập ngày 10/9/1992 giữa vợ chồng ông L với vợ chồng bà R thì toàn bộ tài sản ông L mua nằm trên diện tích 390m2. Hợp đồng này có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên đối với diện tích đất thì không xác định được vị trí, kích thước mốc giới.

Ông L khai khi mua bán hai bên không đo đất, không chỉ mốc giới nên ông cũng không biết chiều dài, chiều rộng thửa đất là bao nhiêu. Nhưng bà R, ông H (chồng bà R) khai thì khi mua bán không đo đất nhưng có cắm mốc và ông L đã nhận đất theo mốc đó. Và theo lời khai của các bên thì diện tích đất của ông L mua là diện tích đất thổ cư còn diện tích đất của bà A mua là diện tích đất rau xanh.

Trong quá trình giải quyết cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ông L thừa nhận hiện diện tích gia đình ông đang sử dụng là 319,3m2, như vậy phần diện tích trên thực tế ông L sử dụng vẫn nhiều hơn phần diện tích thổ cư mà cụ B được giao. Hơn nữa diện tích đất ông L đang tranh chấp với bà A theo xác nhận của chính quyền địa phương lại là đất rau xanh nằm trên thửa 618.

Từ phân tích trên thấy rằng, khi mua bán với vợ chồng bà R, các bên không tiến hành đo đạc, bản thân ông L không biết đất nhà mình mua dài rộng là bao nhiêu. Hơn nữa, diện tích đất mà ông L yêu cầu bà A trả lại là đất rau xanh nằm trong thửa 618 chứ không phải đất thổ cư của thửa 614. Do vậy, Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L là có căn cứ.

Tại phiên tòa, phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị ngừng phiên tòa để cho đối chất giữa vợ chồng bà R với ông L để làm rõ việc mua bán 390 m2 đất, Hội đồng xét xử xét thấy việc đối chất là không cần thiết, vì lời khai của vợ chồng bà R trong hồ sơ đều thống nhất là diện tích đất bán cho ông L là đất thổ cư và chính ông L cũng thừa nhận diện tích đất ông mua chỉ là đất thổ cư, trong khi đất tranh chấp là đất rau xanh và nằm trên một thửa đất khác, do vậy có cho đối chất cũng không làm thay đổi bản chất vụ việc.

[2]. Xét kháng nghị của Viện Kiểm sát về án phí đối với ông Lê Văn L: Vụ án được thụ lý tháng 6/2015, do vậy áp dụng Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 về án phí, lệ phí Tòa án và Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13-6-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để tính án phí.

Tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP quy định: “Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch”.

Đây là tranh chấp quyền sử dụng đất (cụ thể ông L cho rằng bà A lấn chiếm của nhà ông L 70,7m2 đất nên ông yêu cầu bà A phải trả lại ông 70,7m2 đất), khi giải quyết vụ án này Tòa án chỉ phải xem xét 70,7m2 đất thuộc quyền sử dụng của ai mà không xem xét giá trị hơn nữa cả ông L bà A đều chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất tranh chấp vẫn đứng tên cụ Đào Văn B. Như vậy theo điều luật quy định trên, án phí trong vụ án là án phí không có giá ngạch.

Do vậy kháng nghị về án phí đối với Ông Lê Văn L của Viện Kiểm sát không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Từ những phân tích trên, tại cấp phúc thẩm ông L không cung cấp được thêm chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của ông là có căn cứ, kháng nghị về phần án phí vủa Viện Kiểm sát cũng không có căn cứ nên không chấp nhận kháng cáo của ông L, không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TN.

Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Ông Lê Văn L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 91, 92, 97,147, 153, Điều 296, khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng Điều 170, 212, 234, 266, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Áp dụng Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Áp dụng Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Áp dụng Luật Đất đai năm 2013; Căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 31- 12/2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Căn cứ Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13-6-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Căn cứ khoản 2 Điều 16 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007,

Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của Ông Lê Văn L và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 45/2017/DS-ST ngày 19-7-2017 của Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Lê Văn L về việc đòi bà Lê Thị A phải trả diện tích đất 70,7m2 thuộc thửa 618, tờ bản đồ số 02, Thôn T, xã Đ, huyện TN, thành phố Hải Phòng.

2. Về án phí: Ông Lê Văn L phải chịu 200.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Nhưng được trừ vào số tiền 200.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số 0011086 ngày 16 tháng 6 năm 2015 và 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0005682 ngày 07 tháng 8 năm 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TN thành phố Hải Phòng, ông L đã nộp đủ.

3. Về chi phí uy thac tư phap ra nước ngoài : Ông Lê Văn L phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn đồng) chi phí uy thac tư phap ra nước ngoài , được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 150.000 đồng tại biên lai số 0007463 ngày 26 tháng 4 năm 2016 và 150.000 đồng tại biên lai số 0000321 ngày 30 tháng 8 năm 2016 do Ông Lê Văn L đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TN, thành phố Hải Phòng. Ông Lê Văn L đã nộp đủ chi phí ủy thác.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

361
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 29/2017/DS-PT ngày 02/11/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:29/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về