Bản án 290/2018/HNGĐ-ST ngày 25/10/2018 về chia tài sản sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐB, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 290/2018/HNGĐ-ST NGÀY 25/10/2018 VỀ CHIA TÀI SẢN SAU KHI LY HÔN

Ngày 25/10/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện ĐB, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 47/TLST – HNGĐ ngày 02/11/2017 về tranh chấp “Chia tài sản sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 17/2018/QĐXX-ST ngày 03/5/2018, theo Quyết định ngừng phiên tòa số: 04/2018/QĐST-HNGĐ ngày 31/5/2018, theo Quyết định hoãn phiên tòa số: 07/2018/QĐST-HNGĐ ngày 28/6/2018, theo Quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 04/2018/QĐST-HNGĐ ngày 27/7/2018, theo Quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 05/2018/QĐST-TCDS ngày 27/8/2018, theo Quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 06/2018/QĐST-TCDS ngày 27/9/2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Lò Thị D, sinh năm 1982;(có mặt). Chỗ ở: Đội 1, xã Thanh Ch, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên.

2. Bị đơn: Anh Lò Văn Đ, sinh năm 1980.(Vắng mặt).

Trú tại: Đội 2, xã Thanh Ch, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà: Lường Thị H, sinh năm 1933;(Vắng mặt).

Trú tại: Đội 2, xã Thanh Ch, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên.

- Chị: Lò Thị M; ( Vắng mặt).

Trú tại: Bản PL, xã Thanh Ch, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên.

- Chị Lò Thị S; ( Vắng mặt).

Trú tại: Bản LB, xã SM, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn yêu cầu chia tài sản sau ly hôn ngày 20/9/2017 và trong quá trình tố tụng tại Tòa án nhân dân huyện ĐB nguyên đơn là chị Lò Thị D trình bày:

Chị D và anh Đ kết hôn từ ngày 02/01/2000, đến ngày 19/7/2017 ly hôn. Trong quá trình giải quyết ly hôn chị D không yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản mà để vợ chồng tự thỏa thuận. Nhưng sau khi ly hôn giữa chị D và anh Đ không tự thỏa thuận chia tài sản được, vì vậy chị D yêu cầu Tòa án chia tài sản chung gồm các khoản như sau:

Tiền công sửa lại nhà, tiền công thuê ủi khai hoang ruộng lúa, tiền công xây tường bao, tiền công xây kè ao cá, tiền công xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, tiền mua trâu từ năm 2007 sau này đẻ thêm 01 con thành 02 con, tiền mua xe máy.

Tất cả những tài sản trên là tài sản được tạo lập từ khi chị D về làm dâu, có sự đóng góp công sức của chị D, chị D yêu cầu được chia một phần tài sản theo quy định của pháp luật sau ly hôn.

Tại bản tự khai ngày 12/12/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn anh Lò Văn Đ trình bày:

Anh Đ và chị D kết hôn năm 2000, đến ngày 19/7/2017 ly hôn. Trong quá trình chung sống vợ chồng không có tài sản gì, tài sản có hiện tại đều do bố mẹ để lại, không nhất trí chia tài sản cho chị D.

Tại bản tự khai ngày 12/12/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lường Thị H trình bày:

Vợ chồng (D - Đ) lấy nhau từ năm 2000. Hai vợ chồng không có tài sản gì.

Tất cả ruộng nương, trâu là của bà, bà không nhất trí chia tài sản cho chị D.

Tại các biên bản lấy lời khai các ngày 23/8/2018 và ngày 28/9/2018 của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Lò Thị S và Lò Thị M đều trình bày: Khi sửa nhà trong gia đình lúc đó gồm 6 người( Lò Văn Thái, Lường Thị H, Lò Thị S, Lò Thị M, Lò Văn Đ, Lò Thị D). Chúng tôi không nhất trí chia tài sản cho chị D, nếu Tòa án chia thì phần chúng tôi để lại cho mẹ và em Đ quản lý.

Tại biên bản định giá tài sản ngày 16/3/2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện ĐB, có ý kiến tham gia nhất trí của các đương sự trong vụ án đã xác định được như sau:

1. Phần gỗ trên mái nhà là: 90 xà gồ + 03 câu đầu = 1,4m3 x 5.000.000đ = 6.000.000đ;

2. Phần gỗ sàn nhà là: 80 tấm = 06m3 x 5.000.000đ = 30.000.000đ;

3. Phần ván gỗ chưa sử dụng là: 28 tấm = 1,8m3 x 5.000.000đ = 9.000.000đ;

4. Ngói là: 4.000 viên x 1.500đ = 6.000.000đ;

5. 01 xe máy còn giá trị sử dụng là: 3.000.000đ;

6. Tường rào là: 84m2 x 283.000đ = 11.886.000đ;

7. Tường xây kè ao là: 100m x 283.000đ = 28.300.000đ.

Tại phiên hòa giải ngày 12/12/2017, anh Đ và bà Hặc đều công nhận trong thời gian chị D về làm dâu có sửa nhà và làm một số công trình như trên là đúng. Nhưng không công nhận công sức đóng góp của chị D và không nhất trí chia phần đóng góp công sức cho chị D.

Tại phiên tòa hôm nay bị đơn Lò Văn Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt không có lý do, mặc dù Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần. Tòa án đã gửi quyết định tạm ngừng phiên tòa hợp lệ cho các đương sự, nhưng bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn vắng mặt. HĐXX căn cứ khoản 3 Điều 228/BLTTDS, điểm b khoản 2 Điều 227/BLTTDS, HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt của các đương sự trên.

Các đương sự không ai cung cấp thêm tài liệu chứng cứ và cũng không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐB: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử trong thời gian chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa đều tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng. Quan điểm giải quyết vụ án: Chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của chị D theo phần công sức đóng của chị D, cụ thể:

- Phần giá trị tài sản sửa nhà ( Phần gỗ trên mái nhà là: 6.000.000đ + Phần gỗ sàn nhà là: 30.000.000đ + Phần ván gỗ chưa sử dụng là: 9.000.000đ + Ngói là: 6.000.000đ = 51.000.000 đồng) chia làm 6 phần, chị D được hưởng 1 phần;

- Phần giá trị tài sản như công (san ủi ruộng 10.000.000đ + trị giá hai con trâu là 14.000.000đ + giá trị xe máy 3.000.000đ = 27.000.000 đồng) chia làm 4 phần, chị D được hưởng 1 phần;

- Phần giá trị tài sản còn lại có được từ sau thời gian ông Thái chết năm 2010 gồm (Tường rào là: 11.886.000đ + Tường xây kè ao là: 28.300.000đ = 40.186.000 đồng) sẽ được chia làm 3 phần, chị D được hưởng 1 phần.

- Anh Đ và chị D mỗi người phải chịu chi phí xem xét thẩm định và chi phí định giá theo tỷ lệ giá trị phần tài sản được chia, mỗi người phải chịu 1/2.

- Anh Đ và chị D phải chịu án phí DSST có giá ngạch đối với tài sản được hưởng.

- Còn những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Không phải chịu án phí DSST, bởi vì những người này không tranh chấp đối với phần công sức đóng góp trong trong khối tài sản chung của gia đình

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình hỏi tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Quan hệ pháp luật: Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án và yêu cầu của nguyên đơn. Tòa án xác định đây là vụ án “Chia tài sản sau khi ly hôn”.

[2]. Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của chị Lò Thị D; anh Đ và chị D cùng tài sản đang tranh chấp đều có địa chỉ tại Đội 2, xã Thanh Ch, huyện ĐB, nên theo quy định tại khoản 1 Điều 28; khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện ĐB.

[3]. Về xác định tư cách tham gia tố tụng: Bà Lường Thị H, chị Lò Thị S, chị Lò Thị M được Tòa án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[4]. Về điều luật áp dụng: Chị D và anh Đ kết hôn từ ngày 02/01/2000 đến 19/7/2017 ly hôn vì vậy Tòa án sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự 1995; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật hôn nhân và gia đình năm 1986; Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để xem xét giải quyết việc chia tài sản sau khi ly hôn của chị D, anh Đ và gia đình.

[5]. Xét yêu cầu của chị D: Việc chia tài sản của chị D, anh Đ sau ly hôn, Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, do vậy Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết.

[5.1]. Đối với yêu cầu chia tài sản chung.

[5.1.1]. Chị D và anh Đ kết hôn ngày 02/01/2000 có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Thanh Ch, huyện ĐB, nên quan hệ hôn nhân của chị D và anh Đ là hợp pháp. Sau khi kết hôn chị D và anh Đ về sống chung với gia đình chồng, không có tài sản riêng. Ngày 19/7/2017 chị D và anh Đ ly hôn theo Quyết định thuận tình ly hôn số: 210/2017/QĐST - HNGĐ ngày 19/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện ĐB, tỉnh Điện Biên. Chị D yêu cầu Tòa giải quyết chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình tạo lập nên từ khi chị D về làm dâu trong gia đình, trong thời gian 17 năm gồm: Tiền công sửa lại nhà, tiền công thuê ủi khai hoang ruộng lúa, tiền công xây tường bao, tiền công xây kè ao cá, tiền công xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, tiền mua trâu từ năm 2007 sau này đẻ thêm 01 con thành 02 con, tiền mua xe máy để đi lại.

Những tài sản do vợ chồng tạo lập ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân giữa anh Đ và chị D ở cùng với gia đình, nên được xác định là tài sản chung của chị D, anh Đ và gia đình.

[5.1.2]. Tại biên bản định giá tài sản BL( 60-63) đã xác định giá trị tài sản cụ thể như sau:

1. Phần gỗ trên mái nhà là: 90 xà gồ + 03 câu đầu = 1,4m3 x 5.000.000đ = 6.000.000đ;

2. Phần gỗ sàn nhà là: 80 tấm = 6m3 x 5.000.000đ = 30.000.000đ;

3. Phần ván gỗ chưa sử dụng là: 28 tấm = 1,8m3 x 5.000.000đ = 9.000.000đ;

4. Ngói lợp nhà là: 4.000 viên x 1.500đ = 6.000.000đ;

5. 01 xe máy còn giá trị sử dụng là: 3.000.000đ;

6. Tường rào là: 84m2 x 283.000đ = 11.886.000đ;

7. Tường xây kè ao là: 100m x 283.000đ = 28.300.000đ.

Như vậy tổng giá tài sản chung cần phải chia, sau khi định giá là 94.186.000đ.

Theo biên bản định giá tài sản như trên, tại thời điểm định giá thì 02 con trâu không còn, số tiền san ủi ruộng chưa thống nhất và công trình chuồng trại đã cũ(chị D đồng ý không chia phần chuồng trại chăn nuôi), nên Hội đồng định giá không xem xét định giá được trị giá 2 con trâu và tiền công san ủi ruộng.

Tại phiên tòa và trong quá trình giải quyết vụ án, chị D yêu cầu được chia một phần giá trị 02 con trâu. Bởi vì, khi chị D sang nhà bố mẹ đẻ ở thì 02 con trâu vẫn còn ở nhà anh Đ bà Hặc, anh Đ và bà Hặc vẫn là người trông nom và quản lý và một phần tiền công san ủi ruộng trị giá là 10 triệu đồng. Phần chuồng trại chị D không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong quá trình giải quyết vụ án chị D đã chứng minh được tổng giá trị tài sản sau biên bản định giá tài sản là 94.186.000đ còn thêm trị giá 02 con trâu là 14.000.000đ và tiền công thuê san ủi ruộng lúa là 10.000.000đ, nên tổng giá trị tài sản cần phải chia sẽ là: 94.186.000đ + 14.000.000đ + 10.000.000đ = 118.186.000đ

[5.1.3]. Theo quy định tại Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình 2014; Điều 7 Thông tư liên tịch số: 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

[5.2.1]. Đối với yêu cầu chia tài sản chung phần sửa nhà:

Anh Đ, chị D và bà Hặc đều là người lao động làm ruộng bình thường, không ai có nghề nghiệp khác, nên cả ba người đều được coi là có công sức đóng góp ngang nhau trong việc tạo lập duy trì tài sản chung cùng với gia đình. Ngoài ra, trong thời gian sửa nhà thì gia đình còn có 3 người nữa đang sống chung gồm ông Thái, chị So, chị Minh và đều là người lao động bình thường, nên phần công sức đóng góp vào việc sửa nhà được tính bằng nhau và chia làm 6 phần thì chị D được hưởng 1 phần; còn phần của (ông Thái, chị So, chị Minh) sẽ được cộng vào phần của bà Hặc và anh Đ. Vì ông Thái đã chết năm 2010, chị So và chị Minh tự nguyện cho mẹ và em phần công sức đóng góp của mình, cụ thể: ( Phần gỗ trên mái nhà là: 6.000.000đ + Phần gỗ sàn nhà là: 30.000.000đ + Phần ván gỗ chưa sử dụng là: 9.000.000đ + Ngói là: 6.000.000đ) : 6 = 8.500.000đ. Nhà ở hiện tại anh Đ và bà Hặc đang quản lý và sử dụng, nên anh Đ và bà Hặc phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thanh toán số tiền 8.500.000đ cho chị D.

Bà Hặc và anh Đ được hưởng 5 phần sẽ là: 8.500.000đ x 5 = 42.500.000đ [5.2.2]. Đối với yêu cầu chia tài sản chung(phần tiền tường rào, kè ao). Ngoài ra anh Đ, chị D đã đầu tư vào xây dựng các công trình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, tổng giá trị tài sản (Tường rào: 11.886.000đ +

Tường xây kè ao : 28.300.000đ = 40.186.000đ.

Do công sức đóng góp phần này là của 03 người (chị D, anh Đ và bà Hặc), phần này chị D cũng đồng ý chia làm 03 phần bằng nhau, mỗi người được hưởng 01 phần là: 40.186.000đ: 3 = 13.395.333đ.

Phần tài sản này, hiện tại anh Đ và bà Hặc đang quản lý và sử dụng, nên anh Đ và bà Hặc phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thanh toán số tiền 13.395.333đ cho chị D.

Bà Hặc và anh Đ được hưởng 2 phần là 13.395.333đ x 2 = 26.790.667đ;

[5.2.3]. Tại đơn đề nghị của chị D và tại BL (01, 02 và 39), có chữ ký của những người đại diện cho thôn, bản đã xác định những tài sản thỏa thuận chia sau ly hôn còn gồm có cả 02 con trâu. Ý kiến chị D cho rằng, hiện nay không còn 02 con trâu là do anh Đ, bà Hặc đã đem giấu đi. Nhưng hiện tại không biết 02 con trâu đang ở đâu, theo anh Đ và bà Hặc thì 01 con đã chết, còn 01 con thì bán được 7.000.000đ.

Sau này chị D đã chứng minh được con trâu con (khi 2 người ly hôn được 3 tuổi) hiện nay đang do gia đình chị Lò Thị M(chị gái anh Đ) đang chăn dắt. Qua khảo sát giá ở địa phương thì con trâu chị Minh đang chăn dắt khi đó có trị giá là 7.000.000đ, chị D cũng đồng ý với giá 7.000.000đ.

Còn tiền thuê san ủi khai hoang ruộng lúa thì được người đi ủi thuê tên là ông Quàng Văn Cu đã xác nhận và có lời khai trong hồ sơ tiền công thuê san ủi khai hoang ruộng lúa là 10.000.000đ, do anh Đ và chị D là người trực tiếp thanh toán tiền cho ông Cu vào năm 2008, nên Hội đồng xét xử cần phải xem xét, giải quyết thêm phần này. Cụ thể như sau:

Đối với yêu cầu chia tài sản chung phần giá trị tài sản chung như công (san ủi ruộng 10.000.000đ + trị giá 02 con trâu là 14.000.000đ = 24.000.000đ) chia làm 4 phần, chị D được hưởng 1 phần. Bởi vì, thời gian này trong gia đình anh Đ, chị D vẫn còn 4 người chung sống, còn 2 chị gái của Đ đã đi lấy chồng. Phần tài sản này, hiện tại anh Đ và bà Hặc đang quản lý và sử dụng, nên anh Đ và bà Hặc phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thanh toán số tiền 24.000.000đ : 4 = 6.000.000đ cho chị D.

Bà Hặc và anh Đ được hưởng 3 phần là 6.000.000đ x 3 = 18.000.000đ;

[5.2.4] Đối với yêu cầu chia tài sản chung là 01 xe mô tô:

Thời gian này trong gia đình anh Đ, chị D vẫn còn 4 người chung sống, còn 2 chị gái của Đ đã đi lấy chồng. Phần tài sản này, hiện tại anh Đ và bà Hặc đang quản lý và sử dụng, nên anh Đ và bà Hặc phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thanh toán số tiền 3.000.000đ : 4 = 750.000đ cho chị D.

Bà Hặc và anh Đ được hưởng 3 phần là 750.000đ x 3 = 2.250.000đ;

[5.2.5]. Sau khi xem xét đơn đề nghị của chị D HĐXX xét thấy tổng giá trị tài sản trong khối tài sản chung có phần công sức đóng góp của chị D và gia đình cần phải chia là: 118.186.000đ, trong đó phần của chị D được chia là: 8.500.000đ + 13.395.333đ + 6.000.000đ + 750.000đ = 28.645.333đ.

Phần giá trị tài sản chung còn lại anh Đ và bà Hặc được hưởng là: 118.186.000đ - 28.645.333đ = 89.540.667đ.

Tất cả các tài sản trên, hiện nay đều do anh Đ và bà Hặc đang quản lý và sử dụng, nên anh Đ và bà Hặc phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thanh toán số tiền là: 28.645.333đ cho chị D.

Tại phiên tòa hôm nay, chị D có yêu cầu được nhận phần tài sản là xe mô có giá trị là 3.000.000đ, với lý do khi mua mô tô và đăng ký xe mang tên Lò Thị D, hiện nay chị D đang giữ đăng ký xe máy còn anh Đ đang sử dụng xe máy. Ngoài ra chị D không yêu cầu HĐXX giải quyết thêm vấn đề gì nữa. HĐXX xét thấy yêu cầu của chị D là chính đáng cần chấp nhận, buộc anh Đ phải trả xe mô tô cho chị D và chị D phải thanh toán cho anh Đ tiền xe mô tô là: 3.000.000đ.

Như vậy, tổng giá tài sản chị D sẽ được chia là 01 xe máy có giá trị là 3.000.000đ(trong đó có phần chị D là 750.000đ), nên chị D còn được hưởng số tiền là 28.645.333đ - 2.250.000đ = 26.395.333đ.

Tổng giá trị tài sản anh Đ và bà Hặc được hưởng là: 89.540.667đ + 3.000.000đ = 92.540.667đ.( Trong đó phần giá trị tài sản anh Đ được chia cũng bằng phần giá trị tài sản chị D được chia là 28.645.333đ)

[6]. Về các chi phí tố tụng và án phí DSST:

[6.1]. Về các chi phí tố tụng:

- Chị D đã nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 2.000.000đ; tạm ứng chi phí định giá tài sản là: 3.000.000đ. Thực tế đã chi phí là:

- Số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là: 650.000đ;

- Số tiền chi phí định giá tài sản là: 1.350.000đ. Tổng cộng số tiền chi phí là: 2.000.000đ.

[6.2]. Căn cứ khoản 2 Điều 157; khoản 2 Điều 165/BLTTDS năm 2015 thì anh Đ và chị D phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chịu phần chi phí định giá tài sản theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà anh Đ và chị D được chia.

Do những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải chịu phần này, nên anh Đ và chị D mỗi người phải chịu 1/2 phần chi phí này là 2.000.000đ: 2 = 1.000.000đ.

Số tiền chi phí trên chị D đã nộp tạm ứng trước, nên anh Đ phải có trách nhiệm trả lại cho chị D số tiền là 1.000.000đ.

[6.3]. Trả lại cho chị D số tiền chi phí xem xét, thẩm định còn thừa là: 2.000.000đ - 650.000đ = 1.350.000đ.(đã trả ngày 16/3/2018).

[6.4]. Trả cho chị D số tiền chi phí định giá còn thừa là: 3.000.000đ - 1.350.000đ = 1.650.000đ.(đã trả ngày 16/3/2018).

[6.5] .Về án phí:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 147/BLTTDS năm 2015; khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVHQ 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[6.6]. Anh Đ phải chịu án phí DSST có giá ngạch là: 28.645.333đ x 5% = 1.432.267đ.

[6.7]. Chị D phải chịu án phí DSST có giá ngạch là: 28.645.333đ x 5% = 1.432.267đ.

Chị D đã nộp tạm ứng án phí DSST là: 1.700.000đ, chị D còn được trả lại số tiền: 1.700.000đ - 1.432.267đ= 267.733đ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 28 ; khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 157; khoản 2 Điều 165; khoản 2 Điều 147 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986;

- Căn cứ Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình 2014;

- Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Căn cứ Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

- Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVHQ 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ ph í Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Lò Thị D.

1. Tuyên xử:

1.1. Chị D được chia một phần tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình với tổng số tiền là: 28.645.333đ (trong đó có tiền mặt là 26.395.333đ và 01 xe mô tô BKS: 27H2 -7177, trị giá 2.250.000đ).

1.2. Anh Đ được chia một phần tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình với số tiền bằng số tiền chị D là: 28.645.333đ.

1.3. Anh Đ và bà Hặc được quản lý, sử dụng các tài sản gồm: 01 nhà sàn và các công trình xây dựng trên đất ở tại đội 2, xã Thanh Ch, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên.

Anh Đ và bà Hặc phải có trách nhiệm liên đới trong việc thanh toán số tiền là: 26.395.333đ (Hai mươi sáu triệu ba trăm chín mươi lăm nghìn ba trăm ba mươi ba đồng) và 01 xe mô tô BKS: 27H2 -7177 cho chị D.

Kể từ ngày chị D có đơn yêu cầu thi hành án nếu anh Đ và bà Hặc không tự nguyện thi hành đối với khoản tiền phải thanh toán cho chị D thì anh Đ và bà Hặc phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

2. Về các chi phí tố tụng và án phí DSST.

2.1. Về các chi phí tố tụng:

2.1.1. Chị D phải chịu số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và số tiền chi phí định giá tài sản là: 1.000.000đ, chị D đã nộp đủ.

2.1.2. Anh Đ phải trả cho chị D số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và số tiền chi phí định giá tài sản là: 1.000.000đ.

2.2. Về án phí:

2.2.1. Anh Đ phải chịu án phí DSST có giá ngạch là: 1.432.267đ.

2.2.2. Chị D phải chịu án phí DSST có giá ngạch là: 1.432.267đ.

Chị D đã nộp tiền tạm ứng án phí DSST là: 1.700.000đ, chị D còn được trả lại số tiền: 267.733đ.

3. Về quyền kháng cáo: Chị D có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Anh Đ , bà Hặc, chị So, chị Minh đều vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án chính hoặc ngày niêm yết bản án.

Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự báo cho người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự biết: Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

479
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 290/2018/HNGĐ-ST ngày 25/10/2018 về chia tài sản sau khi ly hôn

Số hiệu:290/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Điện Biên - Điện Biên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:25/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về