Bản án 288/2017/HSPT ngày 27/09/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 288/2017/HSPT NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 9 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 284/2017/HSPT ngày 07/9/2017đối với bị cáo Cao Văn L về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do bị cáo kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 168/2017/HSST ngày 15/8/2017, của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Họ và tên: CAO VĂN L (Cao Xuân L), sinh năm 1950, tại tỉnh Hưng Yên; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: Lớp 4/10.

Tiền án, tiền sự: Không.

Con ông Cao Văn Q và con bà Bùi Thị L (Đều đã chết); Vợ Đoàn Thị H, sinh năm 1955 và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1977, con nhỏ nhất sinh năm 1990.

Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

- Nguyên đơn dân sự: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đ. Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tấn L, chức vụ: Chuyên viên Phòng người có công; địa chỉ: Đường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo hồ sơ và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột thì nội dung vụ án: Cao Văn L tham gia Quân đội từ tháng 02/1972, huấn luyện tại huyện H, tỉnh Quảng Ninh. Tháng 11/1972 chuyển công tác đến Đại đội 1, Trung đoàn 541, Đoàn 559, đóng quân trên địa bàn huyện C, tỉnh Quảng Trị và làm nhiệm vụ giữ kho. Khoảng tháng 12/1972, L bị thương ở đầu gối trái, mắt cá chân trái, bắp chân phải do bị pháo kích và được điều trị tại trạm xá Binh trạm 12, đóng tại huyện V, tỉnh Quảng Trị. Sau khi được điều trị, tháng 01/1973 L tiếp tục về lại đơn vị phục vụ chiến đấu.

Tháng 5/1976, Cao Văn L xuất ngũ về xã T, huyện T, tỉnh Hưng Yên sinh sống (Thời điểm năm 1976 là tỉnh Hải Hưng). Khi xuất ngũ L được đơn vị cấp Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định xuất ngũ, nhưng trong quá trình lưu trữ L đã làm mất các loại giấy tờ này. Đến năm 1985 L vào tỉnh Đắk Lắk làm kinh tế. Năm 1987 đến sinh sống tại xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Khoảng đầu năm 2009, trong một lần đi chơi tại xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, L tình cờ quen biết Nguyễn Hữu T, qua trò chuyện L nói cho T biết việc L có tham gia Quân đội và bị thương, nhưng do đã làm mất các giấy tờ liên quan nên không làm hồ sơ để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước được. Nghe vậy, T nói với L là T làm được các giấy tờ liên quan đến việc L tham gia quân đội và bị thương, nếu L đồng ý làm thì T sẽ giúp. L nói để về suy nghĩ và liên lạc lại sau. Khoảng 03 ngày sau, L gọi điện thoại cho T hỏi về việc làm giấy tờ có chắc chắn không, T khẳng định làm được. Tháng 7/2009, L đến nhà T đặt vấn đề mua Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định xuất ngũ giả, T đồng ý bán cho L với giá 4.000.000 đồng và yêu cầu L cung cấp các thông tin liên quan như: Ngày nhập ngũ, xuất ngũ, đơn vị công tác, bị thương ở đâu, tên người ký trên các giấy tờ đã mất để T làm giả cho phù hợp.

Khoảng 03 tuần sau, T đưa cho Cao Văn L 01 Quyết định xuất ngũ số 036/QĐPV ngày 15/10/1976 có nội dung: Đơn vị khi xuất ngũ Đại đội 1 (C1), Tiểu đoàn 1 (D1), Trung đoàn 541 (E541), Binh trạm 12 (BT12), Đoàn 559, phần người ký trong quyết định là Thủ trưởng Trung đoàn 541 - Trung tá Trần H; 01 giấy ra viện số 15976/CN ngày 16/01/1973 nội dung: Vết thương phần mềm cổ chân, đầu gối chân trái, vết thương chân phải, sức ép, phần người ký trong giấy chứng nhận là Viện trưởng Viện quân y 59 - Bác sỹ Trần Văn H. Sau khi mua của T các giấy tờ trên, L bổ sung thêm một số tài liệu khác để làm hồ sơ xin cấp chế độ thương binh.

Cao Văn L nhờ con trai là Cao Xuân T viết một số giấy tờ để gửi các cơ quan có thẩm quyền cấp chế độ thương binh. Ngày 24/4/2013 Cao Văn L được Hội đồng y khoa Quân khu 5 Bộ Quốc phòng giám định với tỷ lệ 23% thương tật. Tháng 5/2013 L được cấp giấy chứng nhận thương binh loại A, hạng 4/4 và được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đ chi trả tiền ưu đãi, chính sách hàng tháng. Tổng số tiền L đã nhận của Nhà nước từ tháng 5/2013 đến tháng 12/2014 là 22.208.000 đồng.

Tại Công văn trả lời ủy thác điều tra số: 13/KL-UTĐT ngày 26/12/2014 và Công văn số: 01/TLXM ngày 08/02/2017 của Cơ quan điều tra hình sự Binh Đoàn 12 – Bộ Quốc phòng, xác định: Tại thời điểm tháng 10/1976, không có Binh trạm 12; sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, Đoàn 559 giải thể; giai đoạn trước ngày 30/4/1975 Trung đoàn 541 trực thuộc Đoàn 559, đến tháng 11/1975 về trực thuộc Cục vận tải – Tổng cục hậu cần – Bộ Quốc phòng, sau đó giải thể theo Quyết định số 53/QĐ-QP ngày 08/4/1976 của Bộ Quốc phòng; giai đoạn từ tháng 5/1959 đến tháng 3/1976, Quân y viện 59 trực thuộc Đoàn 559, từ tháng 4/1976 trực thuộc Tổng cục xây dựng kinh tế - Bộ Quốc phòng, đến tháng 8/1979 chuyển về Tổng cục hậu cần – Bộ Quốc phòng.

Quá trình điều tra, Cao Văn L đã khai nhận hành vi làm giả hồ sơ thương bệnh binh để chiếm đoạt số tiền 22.208.000 đồng của Nhà nước. Sau khi vụ án bị phát hiện bị cáo đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền 22.208.000 đồng, trong đó, giao nộp cho Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 5 – Bộ Quốc phòng số tiền 20.000.000đ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đ 2.208.000đ; 01 giấy chứng nhận thương binh số 108862/AQ-K5 và 01 sổ lĩnh tiền ưu đãi hàng tháng do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đ cấp, để phục vụ công tác điều tra và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Nguyễn Hữu T không thừa nhận việc đã bán giấy tờ giả cho Cao Văn L và không thu thập được tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc T có liên quan đến việc làm giả và bán giấy tờ giả cho L. Vì vậy, không đủ căn cứ để xử lý Nguyễn Hữu T về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đối với Cao Xuân T (Con trai của Cao Văn L) là người giúp L viết một số tài liệu để Cao Văn L làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận thương binh, nhưng Cao Xuân T không nhận thức được việc L làm giả hồ sơ thương binh để chiếm đoạt tiền của Nhà nước nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với Cao Xuân T.

Ti bản án hình sự sơ thẩm số: 168/2017/HSST ngày 15/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Cao Văn L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm b, g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự; Xử phạt bị cáo Cao Văn L 09 (Chín) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, tuyên án phí, quyền kháng cáo cho bị cáo và nguyên đơn dân sự.

Ngày 18/8/2017, bị cáo Cao Văn L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Cao Văn L đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và khẳng định: Hành vi phạm tội của bị cáo đã mua và làm hồ sơ thương binh giả để hưởng chế độ thương binh và các khoản ưu đãi của Nhà nước với số tiền 22.208.000đ nên bản án hình sự sơ thẩm số: 168/2017/HSST ngày 15/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã xử phạt bị cáo Cao Văn L 09 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có thời gian tham gia trong quân đội thời kỳ chống Mỹ, có nhân thân tốt, có địa chỉ rõ ràng và thực tế bị cáo có bị thương nhưng bị mất giấy tờ nên không cần cách ly bị cáo, mà cho bị cáo được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát giáo dục của địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo. Bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải cách ly khỏi đời sống xã hội là không cần thiết nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo – Sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt. Xử phạt bị cáo Cao Văn L 09 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo không tranh luận gì với quan điểm của Viện kiểm sát, chỉ xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Lời khai của bị cáo Cao Văn L tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hành vi phạm tội của bị cáo đã mua và làm hồ sơ thương binh giả để hưởng chế độ thương binh và các khoản ưu đãi của Nhà nước. Từ tháng 5/2013 đến tháng 12/2014, bị cáo Cao Văn L đã chiếm đoạt của Nhà nước số tiền 22.208.000 đồng nên bản án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Cao Văn L 09 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Cao Văn L, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (04) tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự, có thời gian tham gia trong quân đội và thực tế bị cáo có bị thương nhưng bị mất giấy tờ và áp dụng các quy định có lợi cho bị cáo như Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khóa XIV về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 12/2017/QH14 và khoản 3 Điều 7 BLHS 2015; đồng thời, bị cáo có nhân thân tốt, có địa chỉ rõ ràng nên không cần cách ly bị cáo mà cho bị cáo được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát giáo dục của địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo. Vì vậy, cần áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248, điểm đ khoản 1 Điều 249 của Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo – Sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Cao Văn L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 1 Điều 249 của Bộ luật tố tụng hình sự; Chấp nhận kháng cáo của bị cáo – Sửa bản án sơ thẩm số 168/2017/HSST ngày 15/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về phần hình phạt.

Áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm b, g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Cao Văn L 09 (Chín) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục bị cáo.

Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Cao Văn L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

578
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 288/2017/HSPT ngày 27/09/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:288/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về