TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 285/2020/HS-PT NGÀY 09/11/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 09 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 262/2020/TLPT-HS ngày 01 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Nông Văn B. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2020/HSST ngày 22/07/2020 của Tòa án nhân dân huyện E1, tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo có kháng cáo: NÔNG VĂN B, sinh năm 1990 tại tỉnh Bắc Cạn.
Nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 01/12; Dân tộc: Nùng; Con ông: Nông Văn T (đã chết) và bà: Triệu Thị H, sinh năm 1959; Vợ: La Thị T, sinh năm 1991, có 02 con (con lớn sinh năm 2010, con nhỏ sinh năm 2016); Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt.
Ngoài ra còn có bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị: LÝ VĂN T, sinh năm 1993 tại tỉnh Bắc Cạn.
Nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 01/12; Dân tộc: Nùng; Con ông: Lý Văn H (đã chết) và bà: Triệu Thị G, sinh năm 1963; Vợ: Nông Thị M, sinh năm 1993, có 02 con (con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2014); Tiền án, tiền sự: Không – vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 20/10/2019, Nông Văn B và Lý Văn T đi vào tiểu khu H, khu bảo tồn thiên nhiên ES, thuộc xã ES, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk, để lấy măng tre, thì gặp một cây gỗ Trôm Hôi lớn nhưng B và T không biết là gỗ gì; B và T bàn bạc với nhau khai thác cây gỗ này, chia nhau làm bàn ghế sử dụng trong gia đình. Sáng ngày 21/10/2019, B và T mang theo cưa lốc và thực phẩm đi vào Tiểu khu H, dùng cưa lốc cưa hạ cây gỗ Trôm Hôi và xẻ gỗ; Tại đây, B và T gặp 07 người gồm Lý Văn H, Lý Văn C, Lâm Văn H1, Hoàng Chung Đ, Triệu Vi H2, Triệu Văn H3 và Triệu Văn T đang khai thác một cây gỗ gần đó. Đêm 21/10/2019, B và T đến lán trại của 07 người nêu trên xin ngủ nhờ; Sáng ngày 22/10/2019, B và T tiếp tục xẻ cây gỗ nêu trên được 08 tấm gỗ; Sau đó B và T đi về nhà. Trưa ngày 23/10/2019, B điều khiển xe công nông, độ chế cầu đẩy phía sau xe chở T vào Tiểu khu H để chở gỗ về nhà; Khi xe của B đến gần cây gỗ, thì Hoàng Chung Đ từ trong khu bảo tồn thiên nhiên ES chạy ra thông báo cho B và T biết cán hộ kiểm lâm đang tuần tra; B quay đầu xe chở T bỏ chạy thì bị tổ công tác Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên ES bắt giữ.
Bản kết luận giám định ngày 20/11/2020, của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận: Địa điểm khai thác gỗ có tọa độ VN 2000 là 0498872- 1437303, thuộc lô 4, khoảnh 5, tiểu khu H, xã ES, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk; Loại rừng: Rừng tự nhiên, được quy hoạch là rừng đặc dụng; Về chủng loại gỗ: 01 cây gỗ có tên Việt Nam là Trôm Hôi, nhóm VII, tên khoa học Stercoliafoetida; Về khối lượng gỗ: Tổng khối lượng gỗ tròn và gỗ xẻ hộp đã quy tròn là 6,043m3.
Bản kết luận định giá tài sản số: 28/2020/KL-HĐ 992 ngày 29/4/2020 của Hội đồng định giá tài sản huyện E1 kết luận: 6,043m3 gỗ Trôm Hôi (nhóm VII) trị giá 21.150.500đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 34/2020/HSST ngày 22/7/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Áp dụng: Điểm e khoản 1 Điều 232; các điểm s, i, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Nông Văn B 01 năm 03 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Xử phạt: Lý Văn T 01 năm 01 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn giải quyết bồi thường, xử lý vật chứng, quyết định án phí và tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 29/7/2020, bị cáo Nông Văn B có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nông Văn B khai nhận: Ngày 20/10/2019, bị cáo cùng với Lý Văn T đi vào Tiểu khu H thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên ES để tìm măng tre, thì gặp một cây gỗ lớn. Sáng ngày 21/10/2019, bị cáo và T mang theo cưa lốc máy và lương thực đi vào Tiểu khu H dùng cưa máy cưa hạ cây gỗ và xẻ được 8 tấm gỗ để làm bàn ghế. Trưa ngày 23/10/2019, bị cáo cùng với T điều khiển xe công nông vào rừng để chở 08 tấm gỗ về nhà, thì bị cán bộ kiểm lâm bắt giữ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng: Bản án sơ thẩm tuyên xử Nông Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 1 Điều 232 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Xét mức hình phạt 01 năm 03 tháng tù mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là thoả đáng nhưng Toà án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn lớp 01/12 nên nhận thức về pháp luật có phần hạn chế. Bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm i, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì chỉ đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Xét lời khai của Nông Văn B tại phiên toà phúc thẩm, là phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên toà sơ thẩm; phù hợp với lời khai của Lý Văn T là người cùng thực hiện hành vi phạm tội với bị cáo; phù hợp với vật chứng đang được thu giữ và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để kết luận: Do động cơ vụ lợi, ngày 21/10/2019, Nông Văn B và Lý Văn T đã mang theo cưa máy, vào Tiểu khu H là rừng tự nhiên, được quy hoạch là rừng đặc dụng, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên ES, thuộc xã ES, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk, khai thác trái phép 6,043m3 gỗ Trôm Hôi thuộc nhóm VII là thực vật thông thường, trị giá 21.150.500đồng.
Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử Nông Văn B và Lý Văn T, phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” với tình tiết định tội là khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 03 mét khối đến dưới 08 mét khối gỗ loài thực vật thông thường, theo điểm e khoản 1 Điều 232 BLHS là có căn cứ, đúng với quy định của pháp luật.
[2] Xét mức hình phạt 01 năm 03 tháng tù, mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Nông Văn B và xử phạt Lý Văn T 01 năm 01 tháng tù là thoả đáng nhưng Toà án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, các bị cáo có nhân thân tốt, lại là người dân tộc thiểu số, cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên nhận thức về pháp luật và xã hội có phần hạn chế; Các bị cáo được hưởng ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm i, s, t khoản 1 Điều 51 BLHS. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Nông Văn B, cho các bị cáo Nông Văn B và Lý Văn T được tự cải tạo ngoài xã hội, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và gia đình, cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo thành người công dân lương thiện.
[3] Các quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357; khoản 3 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nông Văn B. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2020/HSST ngày 22/7/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.
[2] Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 232; các điểm i, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự;
Xử phạt: Nông Văn B 01 năm 03 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời gian thử thách là 02 năm 06 tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Xử phạt: Lý Văn T 01 năm 01 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, thời gian thử thách là 02 năm 02 tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao các bị cáo Nông Văn B và Lý Văn T cho Uỷ ban nhân dân xã E, huyện K, là nơi các bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách; Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú, thì được thực hiện theo định của pháp luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.
[3] Về án phí: Bị cáo Nông Văn B, Lý Văn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 285/2020/HS-PT ngày 09/11/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Số hiệu: | 285/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 09/11/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về