TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 284/2019/HS-PT NGÀY 31/10/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 30, 31 tháng 10 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 218/2019/TLPT-HS ngày 06 tháng 9 năm 2019 đối với bị cáo Đỗ Văn M, do có kháng cáo của các bị hại và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố CL đối với Bản án sơ thẩm số: 57/2019/HS-ST ngày 22/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố CL.
- Bị cáo bị kháng cáo, kháng nghị:
Đỗ Văn M, sinh năm 1985, tại tỉnh Bến Tre; HKTT: Tổ 8, ấp TC, xã TT, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp; Chỗ ở: Tổ 20, khóm MH, Phường 3, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp; nghề nghiệp: Mua bán; trình độ học vấn: 04/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đỗ Văn Đ và bà Lê Thị Ph; có vợ (đã ly hôn) và có 03 người con; chung sống như vợ chồng với chị Lý Vân H; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 13/10/2003, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xử phạt 03 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” chấp hành xong hình phạt tù ngày 28/4/2006; tạm giữ, tạm giam: không. Hiện bị cáo đang tại ngoại, có mặt.
- Bị hại có kháng cáo:
1. Nguyễn Châu Gi, sinh năm 1985; Nơi cư trú: ấp TH, xã TT, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp, có mặt.
2. Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1982; Nơi cư trú: ấp TH, xã TT, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyễn Thị Ch và Nguyễn Châu Gi sống như vợ chồng ở địa chỉ: ấp TH, xã TT, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp vì nghe vợ chồng Lý Vân H và Đỗ Văn M trú tại khóm MH, Phường 3, thành phố CL nói Ch thiếu nợ nhiều. Cho rằng vợ chồng M nói xấu mình nên ngày 06/8/2018 Ch nói lại cho Gi nghe và kêu Gi cùng đến quán cháo của vợ chồng M bán tại Tổ 32, Khóm 3, Phường 2, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu nguyên nhân, được Gi đồng ý, nên vào khoảng 17 giờ cùng ngày Ch và Gi rủ thêm Lê Thanh Ph, sinh năm: 1999; Lê Hoàng A, sinh năm: 1994 và Phạm Tấn Nh, sinh năm 1997 cùng ngụ Tổ 9, ấp TC, xã TT, thành phố CL cùng đi. Tất cả là 05 người cùng đi đến quán cháo của vợ chồng M, lúc này khoảng 17 giờ 30 phút, khi đến nơi Gi, Ph, Nh và A dừng xe ở bên ngoài, còn Ch vào quán gặp chị H và hai bên cãi nhau, trong lúc đó chị H gọi điện thoại nói cho M biết là Ch kéo giang hồ xuống quậy quán, đồng thời cũng điện báo Công an Phường 2. Nghe điện của H xong M chạy về quán nói chuyện với chị Ch, chị Ch chửi M nhiều lời, vì bức xúc trước lời lẽ của chị Ch, nên M vào bên trong quầy lấy con dao cán gỗ dài 18cm, lưỡi bằng kim loại dài 29cm (con dao có hình bán nguyệt) chém vào người của chị Ch nhiều cái, trúng vào vai, khuỷu tay phải, khuỷu tay trái. Thấy chị Ch bị chém, Gi dùng ghế nhựa và bàn Inox đánh lại M, M đưa tay đỡ rồi cầm dao chém Gi nhiều cái, gây thương tích cho Gi ở vùng má phải, mu bàn tay trái. Thấy Gi và Ch bị M chém, nên Ph, Nh và A lấy bàn ghế tại quán và mũ bảo hiểm để làm hung khí đánh M, nhưng M dùng dao chém tới tấp làm cho nhóm của Gi bỏ chạy, lúc này Công an Phường 2 cũng vừa tới, nên hai bên ngưng không đánh nhau, do bị thương tích nặng nên Gi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp điều trị đến ngày 10/12/2018 thì xuất viện.
Theo kết quả Kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp số 397/TgT ngày 27/12/2018 đã kết luận thương tật của Nguyễn Châu Gi như sau: Sẹo vết thương phần mềm vùng mũi má phải, thái dương phải ảnh hưởng thẩm mỹ; Sẹo phần mềm vùng vai phải, lưng phải; vết thương mu bàn tay trái gây đứt gân duổi ngón IV, V, gãy xương bàn ngón V tay trái đã phẫu thuật klhâu nối gân, kết hợp xương, tỷ lệ thương tật 22% tại thời điểm giám định.
Theo kết quả Kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp số 398/TgT ngày 27/12/2018 đã kết luận thương tật của Nguyễn Thị Ch như sau: Đa sẹo vết thương phần mềm số lượng sẹo nhiều, kích thước nhỏ, tỷ lệ thương tật 05% tại thời điểm giám định.
Theo kết quả Kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp số 401/TgT ngày 27/12/2018 đã kết luận thương tật của Đỗ Văn M như sau: Sẹo sây sát da mặt ngoài cẳng tay phải số lượng sẹo ít, kích thước nhỏ, tỷ lệ thương tật 01% tại thời điểm giám định.
Tại bản án hình sự sơ thẩm sổ: 57/2019/HS-ST ngày 22/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố CL đã quyết định:
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Tuyên bố bị cáo Đỗ Văn M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Đỗ Văn M 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự:
Căn cứ vào Điều 48 BLHS và Điều 590 BLDS;
Buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường cho bị hại Nguyễn Châu Gi tổng cộng các khoảng là 18.800.000đ.
Buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường cho bị hại Nguyễn Thị Ch số tiền là 3.000.000đ
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 01/8/2019, bị hại Nguyễn Châu Gi có đơn kháng cáo tăng hình phạt tù đối với Nguyễn Văn M lý do mức án sơ thẩm là nhẹ và buộc bị cáo M bồi thường thêm tiền tổn thất tinh thần là 55.600.000đ (tương đương với 40 tháng lương cơ sở)
Ngày 01/8/2019 bị hại Nguyễn Thị Ch kháng cáo tăng hình phạt tù đối với bị cáo và bồi thường 15.000.000 đồng (gồm tiền điều trị thương tích 3.000.000đ + tiền thu nhập bị mất do không lao động được 6.000.000đ + tổn thất tinh thần 6.000.000đ= 15.000.000đ)
Ngày 05/8/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố CL có Quyết định số 02/QĐ-VKSND-TPCL kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 57/2019/HS-ST ngày 22/7/2019 của Tòa án thành phố CL về phần trách nhiệm dân sự. Buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại theo quy định tại khoản 2 Điều 590 BLDS.
Tại phiên tòa, các bị hại giữ nguyên kháng cáo, Viện kiểm sát giữ nguyên kháng nghị.
Tại phiên tòa, Viện kiểm sát cho ràng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, mức án sơ thẩm tuyên xử là có căn cứ, đúng với mức độ cũng như tính chất phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, mức án 02 năm tù là tương xứng vì việc phạm tội của bị cáo có phần lỗi của các bị hại, tự kéo đến gây chuyện xúc phạm bị cáo. Tuy nhiên, án sơ thẩm nhận định do lỗi của bị hại nên không buộc bồi thường tổn thất tinh thần là không đúng theo quy định tại Khoản 2 Điều 590 BLDS mà bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần cho phía bị hại do hành vi gây thương tích của mình. Việc các bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tiền tổn thất tinh thần là có căn cứ. Từ những phân tích trên, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị hại về yêu cầu tăng hình phạt tù đối với bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt tù, chấp nhận một phần kháng cáo của các bị hại về việc buộc bị cáo bồi thường tiền tổn thất tinh thần, tiền công lao động và chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố CL. Sửa án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.
Bị cáo Đỗ Văn M không có phát biểu tranh luận.
Các bị hại Nguyễn Châu Gi và Nguyễn Thị Ch không phát biểu tranh luận.
Nói lời sau cùng, bị cáo yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm mức bồi thường do hoàn cảnh gia đình của bị cáo khó khăn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Bị cáo Đỗ Văn M thừa nhận thực hiện hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Nguyễn Châu Gi với tỷ lệ là 22% và gây thương tích cho Nguyễn Thị Ch với tỷ lệ 5%. Do đó, án sơ thẩm kết tội bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan, sai, mức án 02 năm tù của cấp sơ thẩm đối với bị cáo là tương xứng nên bị cáo không kháng cáo. Bị hại Nguyễn Châu Gi và Nguyễn Thị Ch cũng đồng ý với Bản án sơ thẩm kết tội bị cáo Đỗ Văn M phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, các bị hại cho rằng mức án 02 năm tù đối với bị cáo là quá nhẹ so với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, chưa đủ sức răn đe bị cáo và phòng ngừa chung. Hành vi của bị cáo M là côn đồ gây thương tích cho bị hại nhiều nơi và gây thương tích cho nhiều người, nên bị hại Nguyễn Châu Gi và Nguyễn Thị Ch đề nghị tăng hình phạt tù đối với bị cáo. Xét thấy, hành động phạm tội của bị cáo có phần lỗi của các bị hại đã tự ý cùng nhiều người kéo đến nơi kinh doanh của bị cáo để lớn tiếng với nhau không đáng có và khi gặp bị cáo thì bị hại Ch đã có lời lẽ xúc phạm bị cáo, từ đó gây bức xúc cho bị cáo, dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo, cấp sơ thẩm đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng mà bị cáo được hưởng và phải chịu. Vì vậy, mức hình phạt 02 năm tù mà cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị hại yêu cầu tăng hình phạt tù đối với bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt tù.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của các bị hại Nguyễn Châu Gi và Nguyễn Thị Ch về trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần cho các bị hại. Nhận thấy ngoài chi phí điều trị và tiền công lao động bị hại có yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần, nhưng án sơ thẩm nhận định: Do các bị hại vô cớ kéo nhiều người đến quán của bị cáo, các bị hại có ý thức sẵn sàng gây sự và đánh nhau khi cần thiết, nên không chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần của bị hại Nguyễn Châu Gi, Nguyễn Thị Ch cùng khoản bồi thường tiền thu nhập bị mất của chị Ch. Đây là nhận định không đúng pháp luật và không phải là căn cứ để xem xét bồi thường tổn thất tinh thần, theo quy định tại Điều 590 BLDS, trách nhiệm bồi thường trong vụ án gây thương tích là nghĩa vụ của bị cáo, mức bồi thường dựa vào lỗi của các bên. Thực tế bị cáo đã gây thương tích cho bị hại Nguyễn Châu Gi với tỷ lệ thương tật 22% và Nguyễn Thị Ch là 05% làm cho các bị hại bị tổn thương về thể xác và làm ảnh hưởng đến tinh thần, do đó buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần cho các bị hại là đúng quy định. Tuy nhiên, xét lỗi trong vụ án này cũng có một phần của các bị hại là kéo đông người đến quán cháo của bị cáo, đồng thời cũng có lời lẽ xúc phạm bị cáo, điều này tại phiên tòa phúc thẩm các bị hại cũng thừa nhận, cho nên mức bồi thường 55.000.000đ mà bị hại Gi yêu cầu là không phù hợp, mà chấp nhận sự tự nguyện của bị cáo bồi thường cho bị hại Gi 5.000.000đ tiền tổn thất tinh thần là có căn cứ. Riêng đối với bị hại Nguyễn Thị Ch yêu cầu tiền tổn thất tinh thần là 6.000.000đ nhưng không đưa được lý do chính đáng, trong khi xét về lỗi trong vụ án này, thì chị Ch là người đề xuất với Gi và bạn Gi đến quán của bị cáo, đồng thời trực tiếp lớn tiếng xúc phạm bị cáo, nếu không có những hành vi này của chị Ch thì không có việc bị cáo M phạm tội, cho nên chỉ cần bồi thường tổn thất tinh thần cho chi Ch 02 tháng lương cơ sở tương ứng với mức 2.980.000đ là phù hợp. Ngoài ra, quá trình bị thương tích thì bị hại Ch phải nghỉ lao động 03 tháng, nên có yêu cầu bồi thường 6.000.000đ là có cơ sở, vì chị Ch là lao động không ổn định nếu tính trung bình trong xã hội hiện nay từ 150.000đ đến 200.000đ/ngày thì yêu cầu trên chỉ tương đương có 01 tháng cho nên cần chấp nhận yêu cầu bồi thường tiền thu nhập thực tế của chị Ch bị mất 6.000.000đ là có căn cứ.
[3] Xét lời đề nghị của Viện kiểm sát yêu cầu HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị hại về yêu cầu tăng hình phạt tù đối với bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt tù, lời đề nghị này của Viện kiểm sát là có căn cứ, cần chấp nhận.
[4] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân thành phố CL cho rằng việc không chấp nhận yêu cầu của các bị hại về bồi thường tổn thất tinh thần là không đúng khoản 2 Điều 590 BLDS, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Xét thấy kháng nghị là có căn cứ, vì tại phiên tòa bị cáo Đỗ Văn M cũng thống nhất bồi thường tổn thất tinh thần cho các bị hại vì thương tích của các bị hại là do bị cáo gây ra, nhưng việc phạm tội của bị cáo cũng có phần lỗi của các bị hại nên tự nguyện bồi thường cho bị hại Gi là 5.000.000đ, còn đối với bị hại Ch đề nghị HĐXX xem xét theo quy định của pháp luật, đây cũng là đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa nên cần chấp nhận.
[5] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự nên buộc bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Các phần khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị hại Nguyễn Châu Gi, Nguyễn Thị Ch yêu cầu tăng hình phạt tù đối với bị cáo Đỗ Văn M, giữ nguyên phần phạt tù bản án sơ thẩm số: 57/2019/HS-ST ngày 22/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố CL;
2. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại Nguyễn Châu Gi, Nguyễn Thị Ch buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất.
3. Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố CL buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho các bị hại Nguyễn Châu Gi, Nguyễn Thị Ch.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
4. Tuyên bố bị cáo Đỗ Văn M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Đỗ Văn M 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành hình phạt.
5. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào Điều 590 BLDS;
Buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường cho bị hại Nguyễn Châu Gi tổng cộng các khoảng là 23.800.000đ (trong đó chi phí điều trị thương tích 11.300.000đ; tiền công lao động của bị hại và người chăm sóc 7.500.000đ; tiền tổn thất tinh thần 5.000.000đ).
Buộc bị cáo Đỗ Văn M bồi thường cho bị hại Nguyễn Thị Ch số tiền là 11.980.000đ (trong đó chi phí điều trị thương tích 3.000.000đ; tiền thu nhập bị mất 6.000.000đ; tiền tổn thất tinh thần 2.980.000đ).
Đối với tiền bồi thường khi có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án mà người phải thi hành án chưa thi hành thì hàng tháng phải chịu lãi suất theo khoản 2 Điều 468 BLDS cho đến khi thi hành xong.
5. Về án phí:
Buộc bị cáo phải chịu 1.789.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 284/2019/HS-PT ngày 31/10/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 284/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/10/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về