Bản án 282/2019/DS-PT ngày 28/10/2019 về tranh chấp hợp đồng trông coi rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 282/2019/DS-PT NGÀY 28/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TRÔNG COI RỪNG

Trong các ngày 25 và 28 tháng 10 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 205/2019/TLPT-DS ngày 13 tháng 8 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng trông coi rừng”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2019/DS-ST ngày 01/07/2019 của Tòa án nhân dân huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 54/2019/QĐ-PT ngày 29 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Ngô Nhật T1, sinh năm 1956; Cư trú: số 20, đường Lê Đại Hành, khóm 3, phường 6, thành phố Cà Mau (có mặt).

- Bị đơn:

1. Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1956 (có mặt).

2. Bà Đỗ Thị Ng (Đỗ Thu Ng), sinh năm 1962 (vắng mặt);

Cùng cư trú tại: Ấp K, xã T, huyện N, tỉnh C

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông T2: Luật sư Hoàng Việt Hùng, Công ty Luật Kiến Tạo thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Huỳnh Kim H, sinh năm 1960 (có mặt); cư trú tại: số 20, đường Lê Đại Hành, khóm 3, phường 6, thành phố Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của bà Huỳnh Kim H: Ông Ngô Nhật T1 theo văn bản ủy quyền ngày 19/12/2017 (có mặt).

2. Anh Nguyễn Chí N2 (con ông T2), sinh năm 1990 (có mặt);

3. Anh Nguyễn Chí T4 (con ông T2), sinh năm 1992 (có mặt);

Cùng cư trú tại: Ấp K, xã T, huyện N, tỉnh C

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Ngọc Hiển.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Ngọc Thảo - Chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của ông T5: Ông Nguyễn Văn Thảnh - Chức vụ: Phó giám đốc (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện N, tỉnh c ..

Người kháng cáo:

Ông Ngô Nhật T1, là nguyên đơn;

Ông Nguyễn Văn T2, là bị đơn;

Anh Nguyễn Chí T4, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện đề ngày 04/3/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Ngô Nhật T1 trình bày:

Năm 1994, ông T1 có nhận phần đất rừng giao khoán diện tích 93.885,3 m2, này là thửa đất số 101, 102, khoảnh 17, tiểu khu 129 tọa lạc tại ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn theo hồ sơ giao khoán số: 1522 tháng 4 năm 2015 với Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển (trước đây khi giao đất phần đất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 3). Thực tế, ông TI quản lý đất từ trước năm 1994.

Lần thứ nhất cấp sổ giao khoán là vào năm 1994, do Lâm trường Tam Giang III cấp, đến năm 2015 thì do hết hạn hợp đồng giao khoán nên khi giao khoán lại thì được Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển cấp lại sổ giao khoán. Hiện trạng khi nhận đất: Cây rừng dày đặc khoảng 10 tuổi, đã có con kinh nằm song song với sông kinh 17, 01 con kênh dẫn xuất của Lâm Trường.

Sau khi nhận đất: Ông T1 có đào kênh hậu, ngang 03m, dài hết hậu. Ngoài ra tôi có đào kênh bên trái nhìn từ mặt tiền kinh 17 vào, ngang 03 m, dài từ sông kinh 17 đến hậu, không nhớ giá trị, do vợ chồng Thanh thuê đào, nhưng ông T1 ra tiền.

Đến khi khai thác trắng khoảng năm 2007, nhu cầu cần nước thì ông T1 có đầu tư cây nước khoan để phục vụ khai thác, thì ông T1 có đầu tư cây nước và múc phần mương (để nuôi tôm), giá trị khoảng hơn 10 triệu đồng.

Ngoài ra có 01 chòi giữ rừng hiện nay không còn nữa do đã xây nhiều năm, ông T1 không có yêu cầu gì về phần chòi này.

Sau đó, ông T1 giao phần đất rừng cho vợ chồng ông T2, bà Nguyệt trông coi, không có làm hợp đồng trông coi vì là chỗ tình nghĩa. Vợ chồng ông T2, bà Nguyệt được nhận lợi ích từ việc khai thác thủy sản trên đất, ông T1 có nói nếu khai thác được nhiều sẽ tính mức khoán sau.

Phần đất đã được khai thác một phần lần đầu vào năm 2002, đoạn 100m từ sông Kinh 17 vào, lần này ông T1 được nhận giá trị là 03 triệu đồng, toàn bộ quá trình thủ tục là Lâm Trường làm hết, ông T1 chỉ nhận tiền nên không giữ lại giấy tờ gì. Lần khai thác trắng thứ hai là vào năm 2007, lần này khai thác toàn bộ phần đất rừng còn lại, ông T1 trực tiếp khai thác, giá trị ông T1 được nhận sau khi đối trừ hết là khoảng 300 triệu đồng, các giấy tờ là do Lâm Trường giữ toàn bộ, ông T1 không còn lưu giữ.

Ngoài ra, tiền bồi thường làm lộ về trung tâm xã sẽ tính vào khoảng tiền làm 02 cống trên vuông, còn dư khoảng 21 triệu đồng ông T1 trực tiếp nhận.

Do có nhu cầu sử dụng đất nên ông T1 yêu cầu vợ chồng ông T2, bà Nguyệt trả lại phần đất nhưng ông bà không thực hiện.

Vào tháng 01/2017 thì ông T1 có yêu cầu chính quyền xã Tam Giang giải quyết vụ việc nhưng không có kết quả.

Nay ông T1 yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng trông coi rừng và buộc vợ chồng ông T2, bà Nguyệt di dời tài sản trên đất để giao trả toàn bộ phần đất cho ông T1.

Về các tài sản trên đất ông T1 thống nhất như các biên bản thẩm định của Tòa án. Về giá trị định giá phần đất và tài sản trên đất thì ông T1 đồng ý như kết quả định giá không có ý kiến gì khác.

Về chi phí đo đạc, thẩm định và đính giá tài sản trên đất thì ông T1 đã đóng tạm ứng, khi nào có kết quả xét xử của Tòa thì tính theo quy định pháp luật, bên nào sai phạm sẽ chịu trách nhiệm.

* Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn - Ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng đồng ý kiến trình bày :

Vợ chồng ông T2 là em rể chú bác với ông T1. Năm 1992, ông T1 có cho gia đình ông T2 phần đất, vì ông T1 không có người trông coi sản xuất nên gia đình ông T2 nhận quản lý canh tác đất, gia đình ông T2 bán hết tài sản ở Bạc Liêu xuống Tam Giang nhận đất và canh tác đến nay.

Hiện trạng khi nhận đất trên đất chỉ toàn là rừng, không có mương hay kênh gì. Vuông chưa xổ được, chỉ có bờ xáng mặt tiền, đất toàn bộ là cây rừng, không có kênh mương, gia đình ông T2 phải cải tạo một năm mới xổ vuông được. Khi vừa nhận đất ông T2 phải bỏ tiền ra thuê nhân công đào các kênh mương xung quanh đất, cụ thể:

1/ Kênh mặt tiền rừng - tôm: Dài 189m, ngang 3m, sâu 0,4m.

2/ Kênh bờ vách rừng - tôm: Dài 338m, ngang 4m, sâu 0,85m.

3/ Kênh hậu rừng - tôm: Dài 196m, ngang 7m, sâu 0,9m.

4/ Kênh giữa rừng - tôm: Dài 330m, ngang 4m, sâu 0,6m.

Trước đây ông T2 có đào thêm một kênh bờ vách phải nữa nhưng hiện đã bỏ lạng, do quy định của Công ty Lâm nghiệp không đào chu vi nên phải bỏ 01 kênh.

Đến năm 2003 sau khi khai thác tráng để làm mô hình rừng tôm riêng biệt, thì ông T2 có đào thêm tổng cộng 09 kênh cùng vào năm 2003, cụ thể:

1/ Kênh bờ vách trái chuyên tôm: Dài 92 m, ngang 12m, sâu 1,2m.

2/ Kênh bờ vách phải chuyên tôm: Dài 92m, ngang 7m, sâu 0,8m.

3/ Kênh hậu chuyên tôm: Dài 58m, ngang 9m, sâu 0,8m.

4/ Kênh hậu chuyên tôm: Dài 99m, ngang 17m, sâu 0,8m.

5/ Kênh giữa chuyên tôm: Dài 68m, ngang 9m, sâu 0,8m.

6/ Kênh giữa chuyên tôm: Dài 68m, ngang 9m, sâu 1m.

7/ Kênh giữa chuyên tôm: Dài 73m, ngang 9m, sâu 0,8m.

8/ Kênh giữa chuyên tôm: Dài 73m, ngang 10m, sâu 0,8m.

9/ Kênh giữa chuyên tôm: Dài 77m, ngang 6m, sâu 0,8m.

Còn một kênh mặt tiền chuyên tôm nhưng kênh này khi nhận đất đã có, do Lâm trường đào, ông T2 chỉ sên vét hàng năm để nuôi tôm. Gia đình ông T2 còn đầu tư xây dựng nhà để sinh sống và tài sản khác trên đất như đã thẩm định.

Vào năm 2007, rừng đến kỳ khai thác (được 17 năm) thì ông T1 đến khai thác và thu toàn bộ sản lượng, không chia gia đình tôi phần nào. Sau khi khai thác, ông T1 để lại đất cho gia đình tôi làm vệ sinh. Sau đó ông T2 tiếp tục mua cây giống về trồng lại 06ha rừng theo quy định từ năm 2007 đến nay. Sau khi khai thác trắng năm 2007, gia đình ông T2 tụ mua cây giống trồng lại rừng.

Vợ chồng ông T2 không đồng ý yêu cầu của ông T1 và có yêu cầu phản tổ yêu cầu chia đôi diện tích đất theo chiều dọc của phần đất, ông T1 và ông T2 mỗi người nhận ½ diện tích hoặc yêu cầu được khai thác toàn bộ giá trị cây rừng hoặc ông T1 phải bồi thường chi phí đầu tư trên đất số tiền 1.574.723.439 đồng.

Vợ chồng ông T2 đồng ý kết quả thẩm định về các tài sản trên đất, khối lượng kênh mương, cây trồng trên đất và kết quả định định giá của các loại tài sản này.

Riêng về phần trữ lượng rừng và kết quả định giá giá trị cây rừng thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, theo bị đơn ước tính giá trị rừng thục tế khoảng 01 tỷ đồng (tính theo 20.000 đồng/cây). Bị đơn không có yêu cầu định giá lại tài sản tranh chấp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền đóng tiền định giá lại.

Về chi phí đo đạc, thẩm định và định giá tài sản thì yêu cầu xem xét theo quy định pháp luật.

* Trong quá trình giải quyết vụ án - Tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Ngọc Hiển trình bày:

Vào ngày 01/4/1995, Công ty Sản xuất kinh doanh và dịch vụ lâm nghiệp (nay là công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, gọi tắt là Công ty) có ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp với ông Ngô Nhật T1 (ông Nguyễn Văn T2 là người trực tiếp canh tác từ năm 1995 đến nay) Hợp đồng số 59 ngày 01/4/1995 tại thửa số 61 khoảnh 17, Tiểu khu 129. Đến ngày 03/4/2015, Công ty đã đổi sổ theo nghị định 135/2005/NĐ-CP, đại diện chủ hộ ông Ngô Nhật T1 theo hồ sơ nhận khoán rừng và đất sản xuất số: 1522 tại thửa 101+102, khoảnh 17, Tiểu khu 129 thuộc; nằm trên địa giới hành chính ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Công ty thống nhất được phép cắt chia diện tích phần đất để quản lý, canh tác và bảo vệ rừng theo sự phán quyết của Tòa án. Phần cây rừng trên đất hiện chưa đến tuổi khai thác nên chưa khai thác ở thời điểm hiện tại.

Công ty xác định việc giao khoán là xác lập với ông Ngô Nhật T1, chữ viết Thanh trên bìa sổ hợp đồng giao khoán chỉ để thuận tiện cho việc quản lý đất vì ông T2 là người trực tiếp canh tác trên đất.

Căn cứ xác lập hợp đồng giao khoán năm 1995 là Nghị định số 01/1995/NĐ- CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ; Căn cứ xác lập hợp đồng giao khoán năm 2015 là Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ. Xét về điều khoản nhận giao khoán thì ông Ngô Nhật T1 không có vi phạm và được ưu tiên tiếp tục ký hợp đồng. Việc giao kết hợp đồng giao khoán với ông T1 là đúng trình tụ thủ tục.

Về tỷ lệ ăn chia giá trị cây rừng khi khai thác đối với phần đất của ông Ngô Nhật T1 tại thời điểm hiện tại thì Công ty chưa thể xác định được vì Nghị định 178 không còn hiệu lực và chưa có hướng dẫn cụ thể (nếu theo cách tính tỷ lệ trước đây thì tỷ lệ giá trị cây rừng hộ nhận giao khoán được hưởng tại thời điểm hiện tại là 39%).

Công ty xin vắng mặt vì lý do có nhiều công việc không thể tham gia trong quá trình tố tụng.

* Người có quyền lợi liên quan - Anh Nguyễn Chí N2 trình bày:

Anh N2 đồng ý toàn bộ lời trình bày của cha mẹ anh N2 là ông T2, bà Nguyệt. Anh N2 không đồng ý tháo dỡ căn nhà trên đất. Nếu trường hợp Tòa án giải quyết buộc trả phần đất cho ông T1 thì anh N2 yêu cầu hoàn lại giá trị căn nhà cho anh N2.

* Người có quyền lợi liên quan - Anh Nguyễn Chí T4 trình bày:

Anh T4 đồng ý toàn bộ lời trình bày của cha mẹ anh T4 là ông T2, bà Nguyệt. Anh T4 không đồng ý tháo dỡ căn nhà trên đất. Nếu trường hợp Tòa án giải quyết buộc trả phần đất cho ông T1 thì anh T4 không yêu cầu hoàn lại giá trị căn nhà cho anh T4.

Anh T4 xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

* Người có quyền lợi liên quan - Bà Huỳnh Kim H trình bày:

Bà H là vợ của ông T1, bà đồng ý toàn bộ ý kiến của ông T1. Yêu cầu vợ chồng ông T2, bà Nguyệt di dời các tài sản trên đất và giao trả lại phần đất cho vợ chồng bà.

Bà H ủy quyền cho ông T1 tham gia tố tụng và quyết định mọi vấn đề trong vụ án.

Tại phiên tòa sơ thẩm: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T1 và ông T1 đồng ý kiến: Yêu cầu chấm dứt hợp đồng trông coi cây rừng và yêu cầu ông T2, bà Nguyệt và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở trên đất giao trả lại phần đất với diện tích là 9,39ha theo đo đạc thực tế. Ông T1 đồng ý hỗ trợ cho ông T2 40.000.000 đồng để ông T2 di dời tài sản, ngoài ra còn thống nhất hỗ trợ cho ông T2 giá trị căn nhà cất trên đất theo định giá là: 4.000.000 đồng, nhà anh T4 giá trị 5.000.000 đồng, nhà anh N2 giá trị 15.000.000 đồng; giếng nước khoan là 4.000.000 đồng; cây ăn trái trên đất là 4.309.000 đồng; 01 cống xổ vuông giá trị còn lại là 2.257.600 đồng. Buộc ông T2, bà Nguyệt, anh T4, anh N2 có nghĩa vụ tháo dỡ di dời nhà cửa trên đất để trả lại đất cho ông T1.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T2, bà Nguyệt cũng như ý kiến ông T2, bà Nguyệt trình bày: Đề nghị chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Từ nội dung vụ án nêu trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm sổ: 05/2019/DS-ST ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau quyết định:

Căn cứ Điều 422, Điều 427, Điều 472, Điều 482 Bộ luật dân sự; khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 26/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngô Nhật T1 đối với ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng. Buộc ông Nguyễn Văn T2, bà Đỗ Thị Ng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Chí N2, anh Nguyễn Chí T4 (02 người con của ông T2, bà N1 có nghĩa vụ di dời 03 căn nhà trên đất gồm nhà ông T2 và bà Nguyệt, nhà anh T4, nhà anh N2 giao lại phần đất với diện tích đo đạc thực tế là 93,885,3m2 thuộc thửa số 101 + 102, Khoảnh 17, Tiểu khu 129 tọa lạc tại ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho ông Ngô Nhật T1 (Sổ hợp đồng giao khoán xác lập lần đầu vào năm 1995 và đến năm 2015 thì Công ty tiếp tục giao khoán cho ông Ngô Nhật T1 theo Hồ sơ giao nhận khoán rừng và đất rừng sản xuất số: 1522 vào tháng 4 năm 2015 (kèm theo sơ đồ bản vẽ).

- Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngô Nhật T1 đòi chấm dứt Hợp đồng trông coi cây rừng với ông Nguyễn Văn T2 và Đỗ Thị Ng.

- Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng đối với ông Ngô Nhật T1. Buộc ông Ngô Nhật T1 có nghĩa vụ giao lại cho ông Nguyễn Văn T2, bà Đỗ Thị Ng số tiền là 342.025.905 đồng.

- Ồng T2, bà Nguyệt có trách nhiệm liên đới thanh toán cho ông TI Vì tổng số tiền chi phí đo đạc, thẩm định và định giá tài sản là 6.875.484 đồng.

- Buộc ông Ngô Nhật T1 giao số tiền tự nguyện hỗ trợ gồm: 40.000.000 đồng tiền di dời; 4.000.000 đồng tiền giá trị căn nhà; cây ăn trái trên đất là 4.309.000 đồng; cây nước khoan là 4.000.000 đồng; cống xổ là 2.257.600 đồng cho ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng. Giao cho anh Nguyễn Chí T4 giá trị căn nhà là 5.000.000 đồng; Giao cho anh Nguyễn Chí N2 giá trị căn nhà là 15.000.000 đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng với số tiền là 1.232.697.534 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 08-7-2019, ông Ngô Nhật T1 có đơn kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm, không chấp nhận hoàn trả tiền cây rừng 162.703.905 đồng (vì rừng ông T2 không trồng). Đồng thời không chấp nhận tính 02 con kênh đào có sẳn từ mặt tiền Kênh 17 đào qua bên phải chạy dài đã có từ trước; việc nguyên đơn tự nguyện hỗ trợ di dời 40.000.000 đồng, trong trường hợp vợ chồng ông T2 và các con ông T2 phải tự di dời nhà cửa trả lại đất thì nguyên đơn mới hỗ trợ.

Ngày 11-7-2019, ông Nguyễn Văn T2 kháng cáo yêu cầu: Thứ nhất bác toàn bộ yêu cầu nguyên đơn. Thứ hai, nếu không được thì yêu cầu được hưởng 3ha khai thác trắng, vợ chồng ông T2 nuôi tôm đến nay. Đồng thời, buộc nguyên đơn phải trả tiền chi phí đầu tư trồng rừng: Tiền xáng múc, thuê nhân công đào kênh; bồi thường cây rừng bị thu hồi (khi ông T1 lấy 6ha đất, trong đó có 4 ha rừng dày đặc), tổng số tiền 1.654.723.439 đồng. Ông T2 cũng đề nghị miễn án phí cho bà Nguyệt với lý do vợ chồng ông thuộc hộ nghèo (có sổ hộ nghèo).

Ngày 18-7-2019, anh Nguyễn Chí T4 làm đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thu Ng.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Ông T2 thay đổi, bổ sung kháng cáo: Thứ nhất bác toàn bộ yêu cầu nguyên đơn; Thứ hai nếu không được chấp nhận thì yêu cầu nhận ½ diện tích cho bị đơn.

Ông T1 nhận ½ diện tích có nghĩa vụ hoàn trả tiền đào kênh, trồng rừng cho vợ chồng ông T2.

Ông T2 trình bày: Không yêu cầu định giá lại cây rừng, không yêu cầu đo đạc lại tại cấp phúc thẩm.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông T2: Đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định, về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; tuyên xử chấp nhận một phần kháng cáo nguyên đơn, cho nguyên đơn được hưởng 162.703.905 đồng tiền cây rừng và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông T2, anh Nguyễn Chí T4.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét kháng cáo của ông Ngô Nhật T1, ông Nguyễn Văn T2; anh Nguyễn Chí T4; Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết vụ án là đúng quan hệ pháp luật tranh chấp “Hợp đồng trông coi rừng” theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung tranh chấp: Ông Ngô Nhật T1 khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng trông coi rừng với ông Nguyễn Văn T2, bà Đỗ Thị Ng; yêu cầu di dời toàn bộ tài sản và giao trả lại toàn bộ diện tích phần đất giao khoán thuộc thửa số 101 + 102, Khoảnh 17, Tiểu khu 129 tọa lạc tại ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn diện tích 93.885,3m2 thuộc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Ngọc Hiển (trước là Công ty Sản xuất kinh doanh và dịch vụ lâm nghiệp). Quá trình giải quyết vụ án, phía Công ty có Công văn xác định: Bên nhận giao khoán là ông Ngô Nhật Tl, Sổ hợp đồng giao khoán xác lập lần đầu vào năm 1995 và đến năm 2015, thì Công ty tiếp tục giao khoán cho ông Ngô Nhật T1 theo Hồ sơ giao nhận khoán rừng và đất rừng sản xuất số: 1522 vào tháng 4 năm 2015. Như vậy, xác định hộ nhận giao khoán đất rừng từ năm 1995 đến nay là hộ ông Ngô Nhật T1.

[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, phía ông T2 và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông T2 xác định: Hợp đồng giao khoán của ông T1 với Công ty năm 2015 là không hợp pháp, vì chữ ký trong hợp đồng không phải là của ông T1, nên hợp đồng này không có giá trị pháp lý. Quá trình giải quyết vụ án, ông T1 xác định vào năm 2015, Công ty có liên hệ cho ông T1 qua điện thoại để xuống Công ty ký tên đổi sổ hợp đồng nhận khoán, do ông T1 bận công việc không xuống Công ty ký được và ông T1 cho rằng lúc đó Công ty có nói nhờ người khác ký thay, ông T1 nói nếu Công ty cho phép thì Công ty nhờ ai ký tên Thành dùm cho ông để hoàn tất thủ tục. Sau đó, Công ty nhờ người khác ký tên ông T1 (Ngô Nhật T1) vào sổ hợp đồng giao khoán năm 2015 này. Phía Công ty xác định thủ tục giao khoán cho ông Ngô Nhật T1 là đúng, ông T1 không có tranh chấp gì với Công ty, nên phía bị đơn đặt ra Hợp đồng giao khoán năm 2015 không có giá trị pháp lý là chưa đủ căn cứ.

[3.1] Ông Ngô Nhật T1 xác định sau khi nhận giao khoán đất với Công ty, do ông không có điều kiện trực tiếp canh tác trên đất nên ông T1 đã thuê hộ ông Nguyễn Văn T2 trông coi cây rừng, quản lý phần đất từ năm 1994 đến nay. Việc thuê mướn này không có lập hợp đồng, chỉ nói miệng, không có thù lao (vì các bên thỏa thuận ông T2 sẽ được ở trên đất và khai thác toàn bộ nguồn lợi thủy sản trên đất). Ông T2 thừa nhận ông là người trực tiếp canh tác quản lý đất từ trước năm 1995 đến nay, phía Công ty cũng đồng quan điểm về việc ông T2 là người trực tiếp canh tác trên đất nhiều năm nay. về yêu cầu khởi kiện của ông T1, ông T2 không đồng ý, ông T2 không thừa nhận có hợp đồng trông coi rừng mà thực chất ông T1 hứa tặng phần đất này cho ông T2, nên ông T2 và gia đình quản lý canh tác từ khi nhận khoán đến nay. Việc hứa tặng phần đất này ông T1 hứa miệng chứ không làm thủ tục sang tên (lời trình bày này của ông T2 không được ông T1 thừa nhận); ông T2 trình bày tại tòa nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ gì chứng minh, nên lời trình bày này của ông T2 là chưa có cơ sở được chấp nhận.

[4] Về quá trình sử dụng đất nhận khoán này: Phần đất này đã được khai thác một phần lần đầu vào năm 2002, đoạn 100m (từ sông Kinh 17 vào), lần này ông T1 được nhận giá trị là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng). Lần khai thác trắng thứ hai là vào năm 2007, lần này khai thác toàn bộ phần đất rừng còn lại, ông T1 trực tiếp khai thác, giá trị rừng ông T1 được nhận sau khi đối trừ hết là khoảng 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng). Ngoài ra, tiền bồi thường làm lộ về trung tâm xã sẽ tính vào khoảng tiền làm 02 cống trên vuông, còn dư khoảng 21.000.000 đồng (Hai mươi mốt triệu đồng) ông T1 trực tiếp nhận.

[4.1] Xét quá trình sử dụng đất nêu trên cho thấy phần đất không phải của ông T2, nên ông T1 đã thực hiện nhiều hoạt động khẳng định quyền sử dụng của người nhận khoán, ông T2 không có phản đối gì. Cụ thể, nếu có việc tặng cho thì từ năm 1995 đến nay, vì sao ông T2 không yêu cầu chuyển tên hộ nhận giao khoán, mà vẫn để ông T1 đứng tên nhận giao khoán. Đến năm 2015, khi Công ty cấp đổi sổ cho ông T1, sự việc này ông T2 biết và phải biết vì là người trực tiếp canh tác trên đất, nhưng ông T2 không có ý kiến hay khiếu nại gì về việc người đứng tên nhận giao khoán cho đến thời điểm phát sinh tranh chấp. Điều này cũng được Công ty khẳng định việc Công ty giao khoán đất cho ông T1 là đúng pháp luật. Từ phân tích trên cho thấy ông T1 khởi kiện bị đơn là có căn cứ, nên án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của ông T1 là phù hợp. Đối với ông T2 yêu cầu phản tố đòi toàn bộ diện tích đất hoặc 1.574.723.439 đồng (Một tỷ năm trăm bảy mươi bốn triệu, bảy trăm hai mươi ba nghìn, bốn trăm ba mươi chín đồng) là không có cơ sở, nên án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông T2, bà Nguyệt là phù hợp.

[4.2] Riêng đối với cây rừng, ông T1 kháng cáo cho rằng: Cây rừng không phải do ông T2 trồng, qua đối chiếu hồ sơ trồng rừng là do Công ty hợp đồng với ông Nguyễn Văn Đỏ trồng dặm, có kèm theo họp đồng, biên lai xuất chi tiền cho ông Đỏ (Bút lục từ: 289 đến 292), nên lời trình bày của ông T1 trồng rừng là không có cơ sở chấp nhận. Đối với ông T2 cho rằng ông T2 trồng rừng, có xác nhận của ông Nguyễn Thanh Phong là nhân viên Tiểu khu (Bút lục số: 176), tuy nhiên lời xác nhận này có mâu thuẫn với tài liệu, chứng từ trồng rừng, nên lời trình bày ông T2 có trồng rừng là không có cơ sở chấp nhận. Ông T1 không trồng rừng, ông T2 cũng không trồng rừng. Tuy nhiên, rõ ràng ông T2 có công chăm sóc rừng này từ khi nhận đất đến khi Công ty trồng dặm từ năm 2007 đến nay là thực tế có xảy ra, nên án sơ thẩm xét chia giá trị rừng cho vợ chồng ông T2, buộc ông T1 hoàn trả cho vợ chồng ông T2 giá trị cây rừng với số tiền 162.703.905 đồng là có xem xét về công sức đóng góp rất lớn của vợ chồng ông T2 trong việc chăm sóc cây trồng, làm vệ sinh rừng hàng năm. Từ đó, thấy rằng việc ông T1 kháng cáo không chấp nhận hoàn trả giá trị cây rừng cho vợ chồng ông T2 là không phù hợp, nên nội dung kháng cáo này của ông T1 không được chấp nhận. Đối với ông T2 cho rằng giá trị cây rừng còn lại nhiều hơn giá trị định giá, song tại phiên tòa phúc thẩm, ông T2 khẳng định không yêu cầu định giá lại cây rừng, cũng như không yêu cầu đo đạc lại, nên không có cơ sở pháp lý để tiếp tục xem xét về giá trị cây rừng cho ông T2.

[4.3] Đối với nội dung ông T1 kháng cáo về kênh đào mặt tiền kênh 17 bọc qua bên phải phần đất đã có từ trước, nên ông không đồng ý với án sơ thẩm về tính chi phí kênh đào này cho bị đơn. Thực tế, ông T2 quản lý đất từ năm 1992 đến nay, hoạt động đầu tư sên vét kênh hàng năm, ông T2 tự bỏ chi phí, hơn nữa cũng không có căn cứ xác định con kênh có sẵn vào năm 1992 dài, rộng như thế nào, thì có cơ sở để đối trừ chi phí đầu tư đào kênh này của vợ chồng ông T2. Vì vậy, án sơ thẩm đã chấp nhận về chi phí đào kênh của bị đơn (trong đó có con kênh nêu trên), buộc nguyên đơn trả cho bị đơn số tiền kênh đào với khối lượng là 11.954,8 m3, bằng số tiền 179.322.000 đồng là phù hợp.

[4.4] Ông T1 cũng đặt ra kháng cáo, ông chấp nhận hỗ trợ 40.000.000 đồng cho vợ chồng ông T2 và các con ông T2 trong điều kiện họ phải tự di dời nhà cửa, kiến trúc hoa màu để trả lại đất cho ông T1. Nay, vợ chồng ông T1 phải chịu trả tiền di dời nhà, vật kiến trúc, còn hỗ trợ thêm 40.000.000 đồng là không hợp lý. Xét kháng cáo của ông T1, thấy rằng án sơ thẩm tuyên xử vấn đề nêu trên là có thiệt thòi cho vợ chồng ông T1. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh của vợ chồng, con cái ông T2 thuộc diện hộ nghèo, khó khăn; sau khi di dời hoàn trả đất cho ông T1, thì phía gia đình ông T2 gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngoài chi phí di dời nhà như án sơ thẩm đã nêu (giá trị căn nhà ông T2, bà Nguyệt hiện có trên đất là 4.000.000 đồng; cây ăn trái trên đất là 4.309.000 đồng; cây nước khoan là 4.000.000 đồng; cống xổ là 2.257.600 đồng; căn nhà của anh T4 là 5.000.000 đồng; căn nhà của anh N2 là 15.000.000 đồng), thì cần hỗ trợ thêm cho ông T2, bà Nguyệt 40.000.000 đồng, để vợ chồng ông T2 ổn định đời sống là phù hợp. Vì hoàn cảnh khó khăn của hộ ông T2, Hội đồng xét xử kiến nghị với Công ty Lâm nghiệp, nếu còn quỹ đất, nên xét cho hộ ông T2 nhận khoán một phần đất khác để ổn định cuộc sống.

[5] Từ phân tích trên, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T1, ông T2, anh T4. Đối với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Ngô Nhật T1 về giá trị cây rừng (cho ông T1 được hưởng) là chưa phù hợp.

[6] Tuy nhiên, do án sơ thẩm không tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án các khoản tiền hoàn trả của các bên là không phù hợp. Bên cạnh đó, đối với án phí sơ thẩm, do bà Đỗ Thị Ng có sổ hộ nghèo, nhưng bà mới cung cấp tại giai đoạn phúc thẩm và có đơn xin miễn án phí, nên cần xét miễn án phí sơ thẩm cho bà Nguyệt theo quy định tại Điều 12, 14 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

[7] Từ các cơ sở trên, cần sửa một phần bản án sơ thẩm về án phí và nghĩa vụ chậm thi hành án cho phù hợp.

[8] về án phí phúc thẩm: Ông Ngô Nhật T1 được miễn, ông Nguyễn Văn T2 được miễn. Anh Nguyễn Chí T4 phải chịu án phí phúc thẩm, đã dụ nộp 300.000 đồng được chuyển thu đối trừ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sụ; Điều 26, 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa an.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Ngô Thật Thành, ông Nguyễn Văn T2, anh Nguyễn Chí T4. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2018/DS-ST ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau về phần án phí và nghĩa vụ chậm thi hành án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngô Nhật T1 đối với ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng. Buộc ông Nguyễn Văn T2, bà Đỗ Thị Ng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Chí N2, anh Nguyễn Chí T4 (02 người con của ông T2, bà N1 có nghĩa vụ di dời 03 căn nhà trên đất gồm nhà ông T2 và bà Nguyệt, nhà anh T4, nhà anh N2 giao lại phần đất với diện tích đo đạc thực tế là 93,885,3 m2 thuộc thửa số 101 + 102, Khoảnh 17, Tiểu khu 129 tọa lạc tại ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho ông Ngô Nhật T1 (Sổ hợp đồng giao khoán xác lập lần đầu vào năm 1995 và đến năm 2015 thì Công ty tiếp tục giao khoán cho ông Ngô Nhật T1 theo Hồ sơ giao nhận khoán rừng và đất rừng sản xuất số: 1522 vào tháng 4 năm 2015, kèm theo sơ đồ bản vẽ).

- Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngô Nhật T1 đòi chấm dứt Hợp đồng trông coi cây rừng với ông Nguyễn Văn T2 và Đỗ Thị Ng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng đối với ông Ngô Nhật T1. Buộc ông Ngô Nhật T1 có nghĩa vụ giao lại cho ông Nguyễn Văn T2, bà Đỗ Thị Ng số tiền là 342.025.905 đồng

- Buộc ông Ngô Nhật T1 giao số tiền tự nguyện hỗ trợ gồm: 40.000.000 đồng tiền di dời; 4.000.000 đồng tiền giá trị căn nhà; cây ăn trái trên đất là 4.309.000 đồng; cây nước khoan là 4.000.000 đồng; cống xổ là 2.257.600 đồng cho ông Nguyên Văn T2 và bà Đô Thị Ng. Giao cho anh Nguyễn Chí T4 giá trị căn nhà là 5.000.000 đồng; Giao cho anh Nguyễn Chí N2 giá trị căn nhà là 15.000.000 đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng với số tiền là 1.232.697.534 đồng.

2. Về chi phí tố tụng: Ông T2, bà Nguyệt có trách nhiệm liên đới thanh toán cho ông T1 ½ tổng số tiền chi phí đo đạc, thẩm định và định giá tài sản là 6.875.484 đồng (sáu triệu, tám trăm bảy mươi lăm nghìn, bốn trăm tám mươi bốn đồng).

Kể từ ngày, người có quyền yêu cầu thi hành án yêu cầu thi hành; nếu bên phải thi hành án không thi hành xong khoản tiền trên thì còn phải chịu lãi đối với số tiền và thời gian chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

3. Về án phí: Án phí dân sự sơ thẩm nguyên đơn ông Ngô Nhật T1, không phải chịu (và đuợc miễn), đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai số: 0015325 ngày 15-3-2017 tại Cục thi hành án dân sự huyện Năm Căn được nhận lại. Miễn toàn bộ án phí cho ông Nguyễn Văn T2 và bà Đỗ Thị Ng, đã dự nộp số tiền 12.000.000 đồng theo biên lai số 0015577 ngày 5-9-2017 tại Cục thi hành án dân sự huyện Năm Căn được nhận lại.

4. Về án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm: Ông Ngô Nhật T1, ông Nguyễn Văn T2 được miễn. Anh Nguyễn Chí T4 phải chịu 300.000 đồng, đã dự nộp theo biên lai số: 0006819, ngày 06-8-2019 tại Cục thi hành án dân sự huyện Năm Căn được chuyển thu đối trừ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dãn sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

323
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 282/2019/DS-PT ngày 28/10/2019 về tranh chấp hợp đồng trông coi rừng

Số hiệu:282/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về