TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 28/2020/KDTM-PT NGÀY 26/11/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TỔNG ĐẠI LÝ VÀ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ CHIẾT NẠP KHÍ DẦU HÓA LỎNG
Vào ngày 26 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2020/TLPT-KDTM ngày 01/10/2020 về việc “tranh chấp hợp đồng tổng đại lý và hợp đồng dịch vụ chiết nạp khí dầu hóa lỏng”.
Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 23/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 39/2020/QĐ-PT ngày 02/11/2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần K; địa chỉ: phường B, Quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Võ Đình Q, sinh năm:
1976; địa chỉ: phường B, Quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (văn bản ủy quyền ngày 16/4/2020), có mặt.
2. Bị đơn: Công ty TNHH T; địa chỉ: phường T1, thành phố A, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Trần Thị Kiều M, sinh năm: 1990 và bà Nguyễn Thị Hương G, sinh năm: 1975; cùng địa chỉ: phường B, Quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (văn bản ủy quyền ngày 05/11/2020), có mặt.
3. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung bản án sơ thẩm:
* Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn và đại diện nguyên đơn trình bày:
Nguyên đơn và bị đơn có ký 02 hợp đồng gồm Hợp đồng thuê nạp khí dầu mỏ hóa lỏng số 20/2011/HĐDV/PVGAS SG –ANTHUAN (gọi tắt là Hợp đồng số 20) ký ngày 01/10/2011 có hiệu lực đến ngày 01/10/2012 và 07 Biên bản bổ sung Hợp đồng số 20 để điều chỉnh về thời gian kết thúc hợp đồng, về đơn giá và về chủ thể ký kết hợp đồng do trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty Cổ phần K (gọi tắt là Công ty K) có thay đổi tên giao dịch. Ngày 31/10/2018, căn cứ vào nhu cầu kinh doanh, 02 bên đã lập Biên bản thanh lý hợp đồng đối với Hợp đồng số 20. Tại biên bản thanh lý hợp đồng hai bên cùng ký, đóng dấu xác nhận Công ty TNHH T (gọi tắt là Công ty T) còn giữ của Công ty K số vỏ bình màu xám loại 12 kg là 300 vỏ; vỏ bình loại 45kg là 166 vỏ và 2.879kg khí LPG. Hiện nay, bị đơn đồng ý thanh toán giá trị là 35.080.615 đồng đối với số lượng khí LPG bị đơn đang lưu giữ, số vỏ bình 300 cái loại 12kg bị đơn cũng đã trả lại cho nguyên đơn và số vỏ bình 166 loại 45kg cũng đã được bị đơn trả lại cho nguyên đơn trong tổng số 670 vỏ bình đã trả tính đến thời điểm xét xử. Như vậy, Hợp đồng số 20 đã được hai bên giải quyết xong, nguyên đơn không có ý kiến gì.
Đối với Hợp đồng Tổng đại lý bao tiêu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) số 16/2013/HĐTĐL LPG/PVGAS- AN THUAN (gọi tắt là Hợp đồng số 16) ký ngày 31/3/2013 có hiệu lực đến ngày 31/3/2016 và 03 Biên bản bổ sung Hợp đồng số 16 để điều chỉnh về thời gian kết thúc hợp đồng, về chủ thể ký kết hợp đồng và điều chỉnh bảo lãnh thanh toán trả sau tiền khí LPG. Quá trình thực hiện hợp đồng trong sáu tháng đầu năm 2019, do bị đơn không tiêu thụ đủ lượng khí LPG đã thỏa thuận trong Hợp đồng số 16 nên ngày 05/8/2019 bên nguyên đơn đã có công văn yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, bị đơn không đồng ý chấm dứt hợp đồng và cũng không thực hiện yêu cầu theo văn bản của nguyên đơn nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại cho nguyên đơn số vỏ bình gas loại 45kg mà bị đơn đang giữ. Tại đơn khởi kiện nguyên đơn xác định bị đơn đang giữ 1.773 vỏ bình loại 45kg, trong đó 166 vỏ của Hợp đồng số 20, 1.607 vỏ của Hợp đồng số 16. Tại phiên tòa nguyên đơn xác định số vỏ bình loại 45kg bị đơn đã trả được cho nguyên đơn từ khi nguyên đơn khởi kiện đến nay là 670 vỏ, hiện tại bị đơn còn giữ của nguyên đơn số vỏ là 1.103 vỏ. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn số vỏ bình còn lại là 1.103 vỏ của Hợp đồng số 16 (tương đương số tiền 1.599.350.000 đồng).
Hiện tại, nguyên đơn còn giữ của bị đơn số tiền chiết khấu tháng 01 năm 2019 là 175.407.660 đồng, tiền bao giá tháng 5/2019 là 14.025.000 đồng, tổng cộng là 189.432.660 đồng. Số tiền này sẽ được cấn trừ với số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn hoặc sẽ được nguyên đơn thanh toán cho bị đơn bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản sau khi bị đơn đã trả đủ số lượng vỏ bình cho nguyên đơn.
Nguyên đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn vì những yêu cầu đó không có cơ sở.
* Đại diện bị đơn trình bày:
Thống nhất với ý kiến của đại diện nguyên đơn về việc ký kết Hợp đồng số 16, số 20 cùng các biên bản bổ sung hợp đồng, biên bản thanh lý hợp đồng số 20. Bị đơn cũng thống nhất với số lượng khí gas, vỏ bình gas mà bị đơn còn giữ của nguyên đơn khi thanh lý Hợp đồng số 20 và khi kết thúc năm 2019 (theo biên bản đối chiếu công nợ vỏ bình tháng 01/2019), cụ thể: Vỏ bình loại 12kg màu xám - 300 vỏ, vỏ bình loại 45kg – 166 vỏ, khí LPG 2.879kg. Tại phiên tòa, bị đơn thống nhất với nguyên đơn số lượng vỏ bình đã trả đến thời điểm xét xử sơ thẩm là: 300 vỏ loại 12 kg màu xám, 670 vỏ loại 45 kg.
Bị đơn đề nghị được thanh toán bằng giá trị đối với 166 vỏ bình loại 45kg còn giữ của nguyên đơn sau khi thanh lý hợp đồng số 20, tương đương số tiền 190.900.000 đồng, không đồng ý trả vỏ bình; đồng ý thanh toán bằng giá trị đối với số lượng 2.879 kg khí LPG cho nguyên đơn bằng tiền là 35.080.660 đồng. Tổng cộng bị đơn sẽ thanh toán cho nguyên đơn số tiền là 225.980.615 đồng.
Đối với số vỏ bình gas theo Hợp đồng số 16, tại phiên tòa, bị đơn xác định hiện nay bị đơn còn giữ của nguyên đơn số vỏ bình là 1.103 vỏ loại 45 kg và yêu cầu được trả dần vì hiện nay số vỏ bình này không nằm trong kho của bị đơn mà đang được giao cho người tiêu dùng và các đại lý cấp dưới của bị đơn nên khó thu hồi được đủ để trả ngay một lần cho nguyên đơn.
Ngoài ra bị đơn còn có các yêu cầu phản tố, cụ thể:
1. Sau khi thanh lý hợp đồng bên nguyên đơn không đến nhận lại số lượng hàng bên bị đơn còn giữ của nguyên đơn mặc dù bị đơn đã thông báo cho nguyên đơn, do vậy bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán tiền lưu kho cho bị đơn với đơn giá 10usd/1kg LPG/tháng và 50.000 đồng/1 vỏ/1 tháng, tương đương số tiền 226.459.577 đồng.
2. Hợp đồng Tổng đại lý bao tiêu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) số 16/2013/HĐTĐL LPG/PVGAS- AN THUAN ký ngày 31/3/2013, có hiệu lực đến ngày 31/12/2019 nhưng đến ngày 05/8/2019, nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật làm thiệt hại cho bị đơn, cụ thể bị đơn bị mất khoản thu nhập lẽ ra được hưởng từ Hợp đồng số 16, đó là tiền thù lao đại lý. Vì vậy, bị đơn yêu cầu nguyên đơn bồi thường tiền thù lao đại lý được hưởng do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là 336.591.745đ x 4,58 tháng = 1.541.590.192 đồng.
3. Buộc nguyên đơn bồi thường cho bị đơn tiền thù lao đại lý trong thời gian bị đơn làm đại lý cho nguyên đơn từ ngày 31/3/2013 đến 31/12/2019 (tương ứng một năm làm đại lý là một tháng bình quân thù lao đại lý được hưởng, thời gian làm đại lý là 06 năm 09 tháng, tương ứng với số tháng được tính thù lao đại lý là 6,75 tháng): 336.591.745 đồng x 6,75 tháng = 2.271.994.278 đồng.
4. Căn cứ Công văn số 40/CV-AT ngày 15/7/2019, nguyên đơn phải trả cho bị đơn số tiền còn nợ là 430.191.160 đồng.
Như vậy, theo yêu cầu phản tố của bị đơn, nguyên đơn phải trả cho bị đơn số tiền là 4.244.254.592 đồng và bị đơn yêu cầu nguyên đơn thanh toán ngay một lần cho bị đơn số tiền này (sau khi đã cấn trừ số tiền vỏ bình bên bị đơn không thể trả bằng hiện vật mà phải trả bằng giá trị với đơn giá 1.450.000đ/vỏ bình 45kg) và số tiền chiết khấu tháng 01/2019, tiền bao giá tháng 5/2019 (189.432.660 đồng) mà bên nguyên đơn còn giữ của bị đơn, sau khi Tòa án có phán quyết.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 23/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc Công ty TNHH T có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Cổ phần K số tiền 35.080.615 đồng.
2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH T đối với Công ty Cổ phần K.
3. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần K đối với bị đơn Công ty TNHH T.
Buộc Công ty TNHH T trả cho Công ty Cổ phần K 1.103 vỏ bình loại 45kg tương đương số tiền 1.599.350.000 đồng.
4. Công ty Cổ phần K có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH T số tiền 189.432.660 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm trả, quyền kháng cáo, kháng nghị, quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Ngày 31/7/2020, bị đơn có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn và bị đơn được trả dần đối với số vỏ bình còn nợ.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm; bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:
- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Về nội dung:
Kháng cáo của bị đơn không có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị đơn đã trả thêm cho nguyên đơn thêm 100 vỏ bình loại 45 kg được nguyên đơn thừa nhận nên bị đơn hiện còn đang giữ của nguyên đơn 1.003 vỏ bình loại 45 kg. Vì vậy, cần sửa một phần án sơ thẩm. Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và sửa một phần Bản án sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 23/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương theo hướng buộc bị đơn trả cho nguyên đơn 1.003 vỏ bình loại 45 kg và giữ nguyên các nội dung còn lại của bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các bên đương sự trình bày ý kiến và Kiểm sát viên phát biểu quan điểm; sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Về tố tụng:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Ngày 23 tháng 7 năm 2020, Tòa án nhân dân thành phố A xét xử sơ thẩm vụ án và ban hành Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST. Ngày 31/7/2020, bị đơn Công ty T có đơn kháng cáo.
Người kháng cáo nộp đơn kháng cáo trong thời hạn, đóng tạm ứng án phí đúng quy định tại các Điều 271, 273, 276 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về quan hệ pháp luật: Theo đơn khởi kiện ngày 24 tháng 9 năm 2019 và quá trình tố tụng, nguyên đơn, bị đơn đều xác định các bên tranh chấp về hợp đồng tổng đại lý bao tiêu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và hợp đồng thuê chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng. Vì vậy, bản án sơ thẩm xác định đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng tổng đại lý và hợp đồng cung ứng dịch vụ thuê chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng theo quy định tại các Điều 74, 168, 169 Luật Thương mại năm 2005 là đúng pháp luật, các văn bản tố tụng gồm: Quyết định phân công Thẩm phán số 33/QĐ-TA ngày 01/10/2020, Thông báo thụ lý số 32/TBTL-TA ngày 05/10/2020 và Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 39/2020/QĐ-PT ngày 02/11/2020 xác định quan hệ pháp luật “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” là không chính xác.
Về nội dung:
[3] Nguyên đơn Công ty Cổ phần K và bị đơn Công ty TNHH T đều thống nhất việc ký hết các Hợp đồng gồm Hợp đồng thuê nạp khí dầu mỏ hóa lỏng số 20/2011/HĐDV/PVGAS SG –ANTHUAN (Hợp đồng số 20) ngày 01/10/2011 và 07 Biên bản bổ sung; Hợp đồng Tổng đại lý bao tiêu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) số 16/2013/HĐTĐL LPG/PVGAS- AN THUAN ngày 31/3/2013 và 03 Biên bản bổ sung. Ngày 31/10/2018, hai bên đã lập Biên bản thanh lý hợp đồng đối với Hợp đồng số 20 và sau khi thanh lý các bên thống nhất xác nhận bên Công ty T còn giữ của Công ty K số vỏ bình màu xám loại 12 kg là 300 vỏ; vỏ bình loại 45kg là 166 vỏ cùng 2.879kg LPG. Đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[4] Nguyên đơn cho rằng Hợp đồng số 20 đã được các bên thanh lý, bị đơn đã trả cho nguyên đơn đủ 300 vỏ bình loại 12kg; còn nợ số vỏ bình loại 45 kg là 166 vỏ cùng 2.879 kg LPG tương đương giá trị 35.080.615 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn xác định 166 vỏ bình loại 45 kg đã được bị đơn trả cho nguyên đơn trong tổng số 670 vỏ bình đã trả sau khi nguyên đơn khởi kiện, số 2.879 kg LPG nguyên đơn đồng ý cho bị đơn thanh toán giá trị là 35.080.615 đồng, nguyên đơn không tranh chấp đối với Hợp đồng số 20. Đối với Hợp đồng số 16, bị đơn còn giữ của nguyên đơn số vỏ bình 45 kg là 1.103 vỏ. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn số vỏ bình còn lại là 1.103 vỏ của Hợp đồng số 16 (tương đương số tiền 1.599.350.000 đồng) và 35.080.615 đồng giá trị của 2.879 kg khí LPG. Hiện tại, nguyên đơn còn giữ của bị đơn số tiền chiết khấu tháng 01 năm 2019 là 175.407.660 đồng, tiền bao giá tháng 5/2019 là 14.025.000 đồng, tổng cộng là 189.432.660 đồng. Số tiền này sẽ được cấn trừ với số tiền bị đơn phải trả nguyên đơn hoặc sẽ được nguyên đơn thanh toán cho bị đơn bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản sau khi bị đơn đã trả đủ số lượng vỏ bình cho nguyên đơn. Nguyên đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
[5] Bị đơn thống nhất với nguyên đơn về số lượng vỏ bình đã trả, tổng số vỏ bình chưa trả là 1.103 vỏ, không đồng ý với nguyên đơn về việc cấn trừ 166 vỏ bình loại 45 kg của Hợp đồng số 20 trong số vỏ bình đã trả mà yêu cầu được thanh toán bằng giá trị cho nguyên đơn số vỏ bình này. Sau khi thanh toán giá trị của 166 vỏ bình còn lại 937 vỏ bình loại 45 kg bị đơn yêu cầu được trả dần, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
[6] Các hợp đồng đã ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo các quy định của pháp luật nên phát sinh hiệu lực, có giá trị buộc thực hiện đối với các bên tham gia ký kết.
[7] Đối với Hợp đồng số 20, nguyên đơn và bị đơn thống nhất bị đơn sẽ thanh toán cho nguyên đơn giá trị của 2.879 kg dầu khí hóa lỏng là 35.080.615 đồng. Đây là sự thỏa thuận của các đương sự nên Tòa án cấp sơ thẩm công nhận là đúng quy định của pháp luật. Đối với 166 vỏ bình loại 45 kg mà bị đơn chưa trả, bị đơn yêu cầu được thanh toán giá trị nhưng không được nguyên đơn đồng ý. Theo quy định tại khoản 9.3 Điều 9 của Hợp đồng số 20 thì bên B (Công ty T) chỉ bồi thường bằng giá trị cho bên A (Công ty K) khi làm hư hỏng và mất mát vỏ bình với giá 1.450.000đ/1 vỏ, trong trường hợp này Công ty T vẫn thu hồi và trả được cho Công ty K số vỏ bình loại 45kg là 670 vỏ, như vậy, Công ty K yêu cầu cấn trừ 166 vỏ bình trong tổng số vỏ bình loại 45kg Công ty T đã trả để hoàn tất Hợp đồng số 20, không đồng ý nhận giá trị của số vỏ bình này là có cơ sở chấp nhận. Yêu cầu của công ty T về việc được thanh toán giá trị đối với 166 vỏ bình loại 45 kg cho Hợp đồng số 20 là không phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng đã ký. Tại phiên tòa, bị đơn đồng ý trả cho nguyên đơn 166 vỏ bình nên ghi nhận.
[8] Đối với số vỏ bình loại 45 kg theo Hợp đồng số 16, tại phiên tòa đại diện nguyên đơn và bị đơn thống nhất sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn tiếp tục trả cho nguyên đơn 100 vỏ, hiện nay bị đơn còn giữ của nguyên đơn số vỏ bình là 1.003 vỏ, bị đơn đồng ý trả cho nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn cho rằng hiện nay số vỏ bình này không có trong kho của bị đơn mà đang được giao cho người tiêu dùng và các đại lý cấp dưới của bị đơn, các đại lý và người tiêu dùng chưa sử dụng hết khí hóa lỏng trong đó nên chưa trả vỏ bình. Vì vậy, bị đơn không thể trả ngay một lần theo yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị nguyên đơn cho bị đơn trả dần để bị đơn có thời gian thu hồi vỏ bình. Nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu này của bị đơn. Theo thỏa thuận tại Điều 11 mục 11.2 của Hợp đồng số 16 các bên thỏa thuận “sau khi Hợp đồng chấm dứt, các bên vẫn tiếp tục có trách nhiệm thanh toán hết các khoản nợ còn tồn đọng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng”. Theo quy định tại Điều 177 Luật Thương mại thì thời hạn đại lý chỉ chấm dứt không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấp dứt hợp đồng đại lý. Căn cứ các quy định trên thì bị đơn vẫn có ít nhất 60 ngày để chấm dứt thời hạn đại lý và có 30 ngày theo thỏa thuận để thanh toán các khoản nợ tồn đọng, tuy nhiên ngày 05/8/2019, nguyên đơn có Công văn số 226 thông báo về việc chấm dứt Hợp đồng Tổng đại lý cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 23/7/2020) là gần một năm, bị đơn vẫn chưa trả hết số vỏ bình đang còn giữ cho nguyên đơn. Như vậy, bị đơn đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả ngay số vỏ bình còn giữ cho bị đơn là phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, nguyên đơn xác định yêu cầu bị đơn trả vỏ bình, trong trường hợp bị đơn không trả được vỏ thì yêu cầu thanh toán bằng giá trị. Đồng thời do số lượng vỏ bình bị đơn còn giữ của nguyên đơn có sự thay đổi (trả thêm 100 vỏ, còn 1003 vỏ) nên Hội đồng xét xử sửa phần nội dung buộc nghĩa vụ trả vỏ bình của bản án sơ thẩm.
Xét các yêu cầu phản tố của bị đơn:
[9] Bị đơn yêu cầu nguyên đơn thanh toán tiền phí lưu kho 300 vỏ bình loại 12 kg, 166 vỏ bình gas loại 45 kg, lượng khí hóa lỏng 2.879 kg cho thời gian lưu kho từ ngày 31/10/2018 đến ngày 25/6/2019 vì cho rằng sau khi hai bên ký thanh lý hợp đồng nguyên đơn không nhận hàng về và số tiền yêu cầu thanh toán là 226.459.577 đồng. Xét thấy quá trình tố tụng và tại phiên tòa đại diện bị đơn cho rằng bị đơn đã thông báo yêu cầu nguyên đơn đến lấy vỏ bình và khí hóa lỏng còn lại nhưng nguyên đơn không đến lấy, lời trình bày của bị đơn không có chứng cứ chứng minh, trong khi đó, nguyên đơn cung cấp Thông báo số 225 ngày 05/8/2019 về việc yêu cầu bị đơn trả 166 vỏ bình loại 45 kg và 2.879 kg khí hóa lỏng nhưng bị đơn vẫn không thực hiện. Đồng thời, bị đơn yêu cầu được thanh toán giá trị cho nguyên đơn đối với 166 vỏ bình loại 45 kg, 2.879 kg khí hóa lỏng và đề nghị được trả dần vỏ bình còn giữ của nguyên đơn đối với Hợp đồng số 16 vì hiện nay vỏ bình không nằm trong kho của bị đơn mà nằm rải rác ở các đại lý con của bị đơn và từ người tiêu dùng. Như vậy, nếu số vỏ bình được lưu giữ tại kho của bị đơn thì bị đơn phải trả cho nguyên đơn bằng hiện vật mà không thể yêu cầu thanh toán giá trị, hai bên cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc sẽ tính phí lưu kho đối với số lượng vỏ bình và khí hóa lỏng mà bên bị đơn còn giữ của nguyên đơn. Do đó yêu cầu của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.
[10] Bị đơn cho rằng do nguyên đơn chấm dứt hợp đồng sai quy định nên phải có trách nhiệm bồi thường tiền thù lao đại lý cho bị đơn trong thời gian bị đơn làm đại lý cho nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 177 Luật Thương mại với số tiền 2.271.994.278 đồng. Lý do bị đơn cho rằng nguyên đơn chấm dứt hợp đồng sai quy định là không báo trước 60 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 177 Luật Thương mại. Xét thấy tại khoản 1 Điều 177 Luật Thương mại quy định: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấp dứt hợp đồng đại lý.” Nội dung điều luật chỉ quy định về thời hạn chấm dứt đại lý không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày nguyên đơn thông báo việc chấm dứt hợp đồng đại lý mà không quy định phải báo trước, đồng thời quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp không có thỏa thuận khác. Tại Điều 11 của Hợp đồng số 16, các bên thỏa thuận về các điều kiện chấm dứt hợp đồng tại mục 11.1 gồm“…; bán hàng không đúng khối lượng tối thiểu đã thỏa thuận trong Hợp đồng;..” và số lượng tối thiểu các bên thỏa thuận trong Hợp đồng này là Bên B (Công ty T) phải đảm bảo mức tiêu thụ tối thiểu 160 tấn/1 tháng (mục 2.3 Điều 2 của Hợp đồng số 16) và mức tiêu thụ tối thiểu này được điều chỉnh lại bằng Biên bản làm việc giữa hai bên ngày 01/7/2018 (BL số 131-133) là 40 tấn/1 tháng. Tuy nhiên, theo bảng tổng hợp chiết khấu, hỗ trợ bán hàng do bị đơn cung cấp (BL số 190) thể hiện tháng 5/2019 bị đơn chỉ tiêu thụ 10.350kg khí hóa lỏng còn các tháng 02, 3, 4, 6, 7 năm 2019 bên bị đơn không tiêu thụ hàng của bên nguyên đơn, đây là hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để chấm dứt hợp đồng, đồng thời 03 tháng liên tiếp là tháng 5, 6, 7 bị đơn không xác nhận công nợ cho nguyên đơn nên cũng vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là “không đối chiếu và xác nhận công nợ, vỏ chai định kỳ và đột xuất theo đề nghị của bên A” (quy định tại mục 7.2.18 Điều 7 của Hợp đồng). Vì vậy, ngày 05/8/2019 nguyên đơn ban hành Văn bản số 226/CNMĐ-KD để thông báo chấm dứt thanh lý Hợp đồng là có căn cứ.
Bị đơn cho rằng nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là không phù hợp. Do nguyên đơn chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận, đúng pháp luật, nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với bị đơn theo khoản 2 Điều 177 Luật Thương mại. Vì vậy, yêu cầu bồi thường một khoản tiền trong thời gian làm đại lý của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận. Tại phiên tòa, đại diện bị đơn cho rằng bị đơn không vi phạm sản lượng hàng bán tối thiểu do sau khi ký hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận tại biên bản làm việc ngày 01/7/2018, theo thỏa thuận này thì không quy định về sản lượng bán hàng tối thiểu. Xét biên bản làm việc ngày 01/7/2018 (BL 133): Tại mục 1 phần III thể hiện chính sách bán hàng với sản lượng thấp nhất là 40.000kg, được chiết khấu 3.700 đồng/kg, hỗ trợ bán hàng 600 đồng/kg, chính sách bán hàng này được thay thế cho toàn bộ chính sách bán hàng mà hai bên đã thống nhất trước đây. Ngoài Hợp đồng số 16, hai bên không có bất kỳ thỏa thuận nào khác về việc tiêu thụ khí ga, như vậy chính sách bán hàng mà hai bên đã thống nhất tại biên bản làm việc ngày 01/7/2018 sẽ thay thế cho quy định tại khoản 2.3 Điều 2 Hợp đồng số 16 và đây là quy định về mức tiêu thụ LPG tối thiểu mà bị đơn phải đảm bảo tiêu thụ. Do vậy ý kiến của bị đơn là không phù hợp với thỏa thuận thực tế của các bên theo hợp đồng đã ký kết. Đại diện bị đơn cũng cho rằng các tháng 5, 6, 7 bị đơn không xác nhận công nợ cho nguyên đơn là do số liệu không chính xác, tuy nhiên bị đơn không có chứng cứ chứng minh việc có phản hồi cho nguyên đơn về lý do không xác nhận công nợ nên ý kiến này của bị đơn cũng không có cơ sở chấp nhận.
[11] Bị đơn cho rằng do nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng sai quy định pháp luật nên bị đơn bị mất số thu nhập lẽ ra bị đơn được hưởng trong thời gian từ tháng 8/2019 (thời gian thông báo chấm dứt Hợp đồng số 16) đến tháng 12/2019 (thời gian hết hiệu lực của Hợp đồng số 16) với thời gian cụ thể là 4,58 tháng và yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn số tiền tương ứng là 1.541.590.192 đồng. Xét, theo phân tích ở phần trên cho thấy việc nguyên đơn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là hoàn toàn do lỗi của bị đơn như: để xảy ra hành vi vi phạm thỏa thuận của hợp đồng là không tiêu thụ được. Trong trường hợp nếu vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng bị đơn không lấy hàng hoặc có lấy nhưng không đủ khối lượng hàng tối thiểu như đã thỏa thuận thì bị đơn cũng không được hưởng các khoản thu nhập từ hợp đồng. Vì vậy, yêu cầu này của bị đơn không có cơ sở chấp nhận.
[12] Đối với số tiền 430.191.160 đồng, bị đơn cho rằng nguyên đơn còn nợ bị đơn, số tiền này bao gồm các khoản: 175.407.660 đồng tiền chiết khấu tháng 01/2019; 14.025.000 đồng tiền bao giá tháng 5/2019; 61.753.500 đồng tiền chiết khấu tháng 5/2019; 10.005.000 đồng tiền thưởng Tết năm 2019 và 169.000.000 đồng tiền Công ty T thanh toán dư cho Công ty K. Nguyên đơn thừa nhận hiện nay đang giữ của bị đơn số tiền 189.432.660 đồng bao gồm tiền chiết khấu tháng 01/2019, tiền bao giá tháng 05/2019 và đồng ý thanh toán cho bị đơn số tiền này. Đây là sự tự nguyện của nguyên đơn nên ghi nhận. Đối với các khoản khác gồm: Tiền chiết khấu tháng 5/2019, tiền thưởng Tết năm 2019 và tiền thanh toán dư, nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu của bị đơn. Xét thấy, tại Biên bản làm việc ngày 01/7/2018, giữa nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận về mức chiết khấu bán hàng và hỗ trợ bán hàng, theo đó mức tiêu thụ tối thiểu để được hưởng chiết khấu là 40.000kg/tháng nhưng tháng 5/2019 bên B chỉ tiêu thụ được sản lượng khí hóa lỏng là 10.350kg (BL số 99, 106, 107). Như vậy, bị đơn chưa đạt được chỉ tiêu để hưởng chiết khấu nên nguyên đơn không tính tiền chiết khấu tháng 5/2019 là có cơ sở. Đối với số tiền thưởng Tết năm 2019, bị đơn trình bày là do ông Trần Thoại L – cán bộ kinh doanh của Công ty K hứa với Công ty T và được gửi bằng tin nhắn. Ông L đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng không đến dự phiên tòa, nguyên đơn không thừa nhận có khoản tiền thưởng này và cho rằng nguyên đơn không có chính sách thưởng Tết đối với tất cả hệ thống đại lý. Ngoài tin nhắn của ông L bị đơn không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ nào thể hiện Công ty K có chính sách hỗ trợ tiền Tết năm 2019 cho các đại lý bao tiêu sản phẩm nên yêu cầu của bị đơn là không có căn cứ.
[13] Bị đơn cho rằng theo Công văn số 187/CNMĐ-KT ngày 28/6/2019 của nguyên đơn gửi cho Ngân hàng TMCP P thì bị đơn thanh toán dư cho nguyên đơn 169.000.000 đồng, vì trong Công văn ghi: “tính đến ngày 27/6/2019, Công ty T còn nợ Công ty K số tiền 264.232.558 đồng”, đến ngày 28/6/2019 Công ty T đã thanh toán cho Công ty K số tiền 169.000.000 đồng theo Ủy nhiệm chi ngày 28/6/2019 (BL số 180) nên Công ty T chỉ còn nợ Công ty K số tiền 95.232.558 đồng. Tuy nhiên, ngày 12/7/2019, căn cứ Thông báo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh số 170/2019/CNSG của Ngân hàng TMCP P thể hiện Ngân hàng giải ngân theo chứng thư bảo lãnh cho Công ty K số tiền 264.232.558 đồng. Như vậy, đã thanh toán dư so với Công văn số 187 ngày 28/6/2019 của Công ty K gửi cho Ngân hàng TMCP P 169.000.000 đồng. Công ty K cho rằng do thời điểm phát hành Văn bản số 187 ngày 28/6/2019 trùng với ngày Công ty T chuyển trả tiền, chưa cập nhật kịp thời nên không chính xác về số liệu. Xét thấy, theo bản đối chiếu công nợ tháng 6/2019 do chính bị đơn cung cấp cho Tòa án (BL số 193) thể hiện dư nợ đầu tháng 6/2019, Công ty T còn nợ Công ty K số tiền 433.232.525 đồng, ngày 28/6/2019, Công ty T thanh toán số tiền 169.000.000 đồng và dư nợ cuối kỳ là 264.232.525 đồng, bản đối chiếu công nợ này có đóng dấu xác nhận của Công ty T. Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định đến cuối tháng 6/2019, Công ty T còn nợ Công ty K số tiền 264.232.525 đồng, ngày 12/7/2019, Ngân hàng giải ngân theo chứng thư bảo lãnh thanh toán số tiền còn nợ này cho Công ty K là hoàn toàn phù hợp với chứng từ là bản đối chiếu công nợ giữa hai bên. Công ty T không thanh toán dư cho Công ty K số tiền 169.000.000 đồng như lời trình bày của bị đơn.
[14] Từ những phân tích trên, nhận thấy bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ. Yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không xác định cụ thể các nội dung yêu cầu phản tố không được chấp nhận là tuyên án không rõ ràng, đồng thời, có tình tiết mới do thay đổi về số lượng vỏ bình bị đơn đã trả cho nguyên đơn (trả thêm 100 vỏ) nên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm. Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tại phiên tòa là phù hợp với quy định của pháp luật.
[15] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm chưa tính án phí đối với số tiền 189.432.660 đồng Công ty Cổ phần K có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH T là chưa phù hợp với quy định tại Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Đồng thời, tại cấp phúc thẩm số lượng bình ga Công ty TNHH T có nghĩa vụ trả cho Công ty Cổ phần K có sự thay đổi theo nhận định tại mục [14]. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm đối với phần án phí.
- Án phí phúc thẩm: Bị đơn không phải chịu.
Bởi các lẽ trên, Áp dụng:
QUYẾT ĐỊNH
- Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH T, sửa một phần Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 23/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương như sau:
1. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc Công ty TNHH T có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Cổ phần K giá trị của 2.879 kg LGP với số tiền 35.080.615 đồng.
2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH T về việc buộc Công ty Cổ phần K thanh toán tổng cộng 4.244.254.592 đồng, gồm:
- Tiền lưu kho: 226.459.577 đồng.
- Bồi thường tiền thù lao đại lý được hưởng do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: 1.541.590.192 đồng.
- Bồi thường tiền thù lao đại lý trong thời gian bị đơn làm đại lý cho nguyên đơn: 2.271.994.278 đồng.
- Trả cho bị đơn số tiền còn nợ: 430.191.160 đồng.
3. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần K đối với bị đơn Công ty TNHH T.
Buộc Công ty TNHH T trả cho Công ty Cổ phần K 1.003 vỏ bình chứa khí LPG loại 45kg. Trong trường hợp Công ty TNHH T không trả được vỏ bình thì phải thanh toán cho Công ty Cổ phần K giá trị số vỏ bình chưa trả là 1.450.000 đồng/vỏ, tổng giá trị là 1.003 vỏ x 1.450.000 đồng/vỏ = 1.454.350.000 đồng.
4. Công ty Cổ phần K có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH T số tiền 189.432.660 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chậm thi hành số tiền trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
5. Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:
5.1. Công ty TNHH T phải chịu số tiền án phí là 169.394.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền đã nộp là 56.122.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0040274 ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố A, tỉnh Bình Dương. Công ty TNHH T còn phải nộp số tiền 113.272.000 đồng.
5.2. Công ty Cổ phần K chịu số tiền án phí là 10.372.000 đồng. Được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp là 40.165.000 theo Biên lai thu tiền số 0039974 ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã A (nay là thành phố A), tỉnh Bình Dương. Công ty Cổ phần K được Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã A (nay là thành phố A), tỉnh Bình Dương trả lại số tiền còn thừa là 29.795.000 đồng.
6. Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm:
Công ty TNHH T không phải chịu, hoàn trả cho Công ty TNHH T 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0040977 ngày 05/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố A.
Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 28/2020/KDTM-PT ngày 26/11/2020 về tranh chấp hợp đồng tổng đại lý và hợp đồng dịch vụ chiết nạp khí dầu hóa lỏng
Số hiệu: | 28/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 26/11/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về