Bản án 28/2020/HNGĐ-PT ngày 06/11/2020 về tranh chấp hôn nhân gia đình – ly hôn, nuôi con khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 28/2020/HNGĐ-PT NGÀY 06/11/2020 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN GIA ĐÌNH – LY HÔN, NUÔI CON KHI LY HÔN

Ngày 06 tháng 11 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 33/2020/TLPT-HNGĐ ngày 15 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp hôn nhân gia đình – ly hôn, nuôi con khi ly hôn”.

Do bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 89/2020/HNGĐ-ST ngày 03/08/2020 của Toà án nhân dân thành phố L, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 166/2020/QĐPT- HNGĐ ngày 15 tháng 10 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Châu Thị Ngọc T, sinh năm 1984; (có mặt) Địa chỉ: Số 1B3, đường N, khóm B 2, phường B, thành phố L, tỉnh An Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Trần Tiến V – thuộc Đoàn luật sư tỉnh An Giang. (có mặt)

- Bị đơn: Ông Hà Đoàn Thanh T, sinh năm 1982. (có mặt) Địa chỉ: Số 31, đường 28, phường B B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người kháng cáo: Ông Hà Đoàn Thanh T – Bị đơn.

Theo nội dung án sơ thẩm 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Châu Thị Ngọc T trình bày:

Về hôn nhân: Bà Châu Thị Ngọc T và ông Hà Đoàn Thanh T tìm hiểu và kết hôn vào ngày 02/8/2009; có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường M, thành phố L, tỉnh An Giang theo Giấy Chứng nhận kết hôn số 208, Quyển số 01, ngày 09/9/2009 (Giấy chứng nhận kết hôn). Chung sống hạnh phúc đến khoảng tháng 05 năm 2017 thì phát sinh mâu thuẫn; nguyên nhân do bất đồng quan điểm, vợ chồng thường xuyên cãi nhau, nên bà T về nhà cha mẹ ruột tại thành phố L, tỉnh An Giang cho đến nay.

Về con chung: Bà T và ông T, có 1 con chung là cháu Hà Gia A vào ngày 30/5/2013. Từ thời gian ly thân con chung do ông T nuôi dạy, nhưng do ông T công tác trong ngành Công an, thường xuyên có công tác đột xuất bất kể ngày đêm, không chủ động được thời gian, từ đó rất ít khi ở nhà nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A là do ông, bà nội cháu A là ông Hà Văn C và bà Đoàn Thị Thúy N cùng người chú ruột của cháu A trực tiếp chăm sóc. Thời gian bà bỏ đi, cháu A được 4 tuổi, nhiều lần bà mong muốn mang cháu về Long Xuyên cùng chung sống nhưng đều bị ông T và ông, bà nội cháu A ngăn cản. Trong những năm qua, chiều thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần thì bà phải đi từ thành phố Long đến Thành phố Hồ Chí Minh đón cháu về sống chung với bà tại nhà riêng trong chung cư Remax tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện bà là Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại dịch vụ H An Giang; công việc ổn định, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 36.000.000 đồng (ba mươi sáu triệu đồng) và do đây là Công ty của mẹ ruột bà là bà Trần Kim H nên bà càng có thêm thời gian, điều kiện thích hợp cho việc chăm sóc con chung hơn. Cháu A là bé gái đang tuổi trưởng thành bà muốn trực tiếp nuôi dạy chăm sóc cháu A, để đảm bảo sự phát triển tốt cho tâm sinh lý của cháu A đang độ tuổi trưởng thành; mặc khác bà cũng có khả năng vô sinh. Nên bà yêu cầu được nuôi con chung, không yêu cầu ông T cấp dưỡng.

Về tài sản chung: Vợ chồng không có tài sản chung.

Về nợ chung: Vợ chồng không nợ ai và cũng không ai nợ vợ chồng.

Bị đơn ông Hà Đoàn Thanh T trình bày:

Về quan hệ hôn nhân: Ông Hà Đoàn Thanh T thống nhất về tình trạng hôn nhân như bà T trình bày, ông cũng nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn nên ông đồng ý ly hôn theo yêu cầu của bà T.

Về quan hệ con chung: Ông T thống nhất có 01 con chung là Hà Gia A vào ngày 30/5/2013 do ông trực tiếp nuôi dạy; cũng thống nhất với lời trình bày của bà T về công việc của ông và cách chăm sóc bé A khó ông phải nhận nhiệm vụ công tác; Tuy nhiên, dù công việc của ông có tính chất đặc thù như ông vẫn đảm bảo thời gian và điều kiện chăm sóc nuôi dạy con chung rất tốt, cụ thể từ khi cháu A được ông và gia đình ông chăm sóc cho đến nay cháu A được học hành và phát triển ổn về mọi mặt, để tránh xáo trộn về cuộc sống của cháu A, ông yêu cầu được tiếp tục nuôi dạy cháu A, nếu sau này cháu A trưởng thành nhận thức đầy đủ muốn sống cùng T thì ông tự nguyện giao cháu A để bà T nuôi dạy. Ông có đầy đủ khả năng và điều kiện về kinh tế để đảm bảo vật chất cũng như chăm lo tương lai sau này cho cháu A nên ông không đồng ý giao con chung cho bà T, ông yêu cầu được tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung Hà Gia A; ông không yêu cầu bà T cấp dưỡng nuôi con chung.

Về tài sản chung và nợ chung: Ông thống theo như ý kiến của bà Tuyền đã trình bày.

Tại Bản án sơ thẩm số 89/2020/HNGĐ-ST ngày 03/8/2020 của Toà án nhân dân thành phố L, tỉnh An Giang tuyên xử:

1. Về quan hệ hôn nhân: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa bà Châu Thị Ngọc T và ông Hà Đoàn Thanh T.

2. Về con chung: Giao con chung Hà Gia A, sinh ngày 30/5/2013 cho bà Châu Thị Ngọc T trực tiếp nuôi dưỡng. Ông Hà Đoàn Thanh T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở. Vì quyền lợi của con, khi cần thiết một hoặc hai bên có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, mức cấp dưỡng cho con.

3. Về tài sản chung: Không xem xét giải quyết.

4. Về nợ chung: Không xem xét giải quyết.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 10/8/2020 ông Hà Đoàn Thanh T có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm số 89/2020/HNGĐ-ST ngày 03/8/2020 của Toà án nhân dân thành phố L, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho ông là người trực tiếp nuôi con chung cháu Hà Gia A sau ly hôn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về nội dung tranh chấp.

Ông T trình bày kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm giao con chung cho ông được tiếp tục nuôi dạy để ổn định cuộc sống của cháu A; mặc dù bà T cũng chăm sóc con chung trong thời gian bà Tuyền không còn sống chung với gia đình ông nhưng việc nuôi dạy và chăm sóc cháu A là do chính ông cùng gia đình ông trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy công việc của ông mang tính đặc thù như bà T trình bày nhưng ông vẫn đảm bảo thời gian và điều kiện chăm sóc con tốt; cụ thể những lần ông nhận công tác đột xuất thì ba mẹ và em ruột của ông là Hà Đoàn Thanh N giúp ông chăm sóc cháu A. Thực tế như thế nào thì đều được thể hiện qua kết quả học tập của cháu A mà ông đã cung cấp cho Tòa cấp phúc thẩm; Ông và gia đình ông luôn tạo điều kiện tốt nhất để bà T thăm con chung; về việc cuối tuần bà Tuyền phải từ Long Xuyên, An Giang đến Thành phố Hồ Chí Minh thăm con là do bà T tự sắp xếp thời gian của bà T, nhưng nếu bà T không đi thì ông hoặc người trong gia đình của ông vẫn đưa cháu A từ Thành phố Hồ Chí Minh về An Giang cho bà T thăm con; Ông yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét cho ông được trực tiếp nuôi dưỡng con chung.

Luật sư Trần Tiến V bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T trình bày tranh luận: Đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét các căn cứ sau để bà T được trực tiếp nuôi dạy con chung như bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã xét xử, cụ thể:

Việc giao con chung cho ba hoặc mẹ nuôi dưỡng cần xem xét các điều kiện chăm sóc con chung; cháu A là bé gái về điều kiện chăm sóc để cháu A thích nghi với xã hội về giới tính thì bà T phù hợp hơn, cùng là giới tính nữ thì cháu A sẽ được mẹ trực tiếp giáo dục giải đáp và trao đổi thuận tiện cụ thể rõ ràng hơn; Ông T là nam không phù hợp hơn bà T để giáo dục giới tính cho cháu A và với tính chất công việc ông T thường xuyên phải giao cháu A lại cho ông bà nội chăm sóc trong khi ông bà nội của cháu A đã hơn 60 tuổi thì về sức khỏe có phần hạn chế sẽ khó khăn trong thời gian chăm sóc cháu. Mặc khác để tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em mà pháp luật đang bảo vệ. Tuy tại biên bản lời khai của Tòa cấp phúc phẩm đã tiến hành lấy lời khai của cháu A ngày 30/10/2020 có nội dung ý kiến cháu A “….con muốn được sống với ba con…” nhưng qua chứng cứ bà T cung cấp là usb do bà T cung cấp có thời gian ghi âm là 01 phút 50 giây có lời trình bày của cháu A (T) với nội dung “….Con muốn ở với mẹ ngay bây giờ” chứng tỏ cháu A luôn muốn được sống với bà T nhưng có mặt ông T cháu không trình bày đúng với ý kiến của mình; bà T đã chuẩn bị mọi mặt để nuôi dưỡng cháu A cũng như về việc học tập đã được xác nhận của hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quí Đôn thuận nhận cháu A vào học lớp 2 năm học 2020-2021; Từ những căn cứ trên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 89/2020/HNGĐ-ST ngày 03 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân thành phố L, tỉnh An Giang giao con chung cho bà T trực tiếp nuôi dạy.

Bà T bổ sung ý kiến tranh luận: Ông T là người sống rất gia trưởng, nên con chung là cháu A rất sợ, có mặt ông T nên cháu không dám nói là muốn sống cùng với mẹ nhưng qua đoạn ghi âm bà T đã cung cấp cho Tòa cấp phúc thẩm cháu A luôn có ý sống cùng với mẹ, yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm cho tôi được tiếp tục nuôi dạy con chung.

Ông T bổ sung tranh luận: Ông T thừa nhận bản thân có tính gia trưởng, nhưng bé A luôn được chăm sóc và giáo dục tốt như đã trình bày, về giới tính của bé là nữ để mẹ chăm sóc tốt hơn người nam thì chưa có kết luận nào chứng minh, việc nhận thức cuộc sống về giới tính phụ thuộc vào cách giáo dục về giới tính và giáo dục về kỹ năng sống chứ không phụ thuộc là cùng giới tính sẽ giáo dục tốt. Trong suốt thời gian bà T không trực tiếp nuôi dạy chăm sóc con chung thì ông đã chăm sóc và giáo dục con chung rất tốt. Chuyện ly hôn cả ông và bà T đều không muốn cho con chung biết nhưng cách bà T cố tình khơi gợi sự việc để ghi âm giọng nói của con là ông không đồng ý và làm ông càng không an tâm để giao con chung cho bà T nuôi dạy nên yêu cầu HĐXX xem xét cho ông được nuôi cháu A.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu:

+ Về thủ tục tố tụng, kháng cáo của ông Hà Đoàn Thanh T là phù hợp pháp luật; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã chấp hành đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử. Các đương sự cũng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tố tụng.

+ Về nội dung giải quyết vụ án: xét thấy từ khi bà T và ông T ly thân từ năm 2007 cho đến nay, cháu A được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng , cháu A đang sinh sống ổn định và phát triển bình thường. Điều đó cho thấy ông T có khả năng và có đủ điều kiện nuôi dưỡng cháu A. Đồng thời tại biên bản ghi lời khai ngày 30/10/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang có mặt bà T và ông T, cháu A đã 07 tuổi trình bày nguyện vọng được sống với ông T. Việc Tòa án cấp sơ thẩm giao cháu Hà Gia A cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng là không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng đến tinh thần của cháu A và làm xáo trộn cuộc sống của cháu và trong thời gian ông T nuôi dưỡng cháu A thì ông T và gia đình ông T không ai cản trở bà T thăm con chung.

Do đó, việc ông Hà Đoàn Thanh T kháng cáo xin được quyền trực tiếp nuôi cháu Hà Gia A là có cơ sở chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T. Sửa bản án sơ thẩm: Giao con chung Hà Gia A, sinh ngày 30/5/2013 cho ông Hà Đoàn Thanh T trực tiếp nuôi dưỡng. Các phần còn lại của bản án sơ thẩm giữ nguyên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Ông Hà Đoàn Thanh T kháng cáo trong hạn luật định và có đóng tạm ứng án phí đầy đủ nên được Hội đồng xét xử giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông T, thấy:

[2.1] Trong thời gian chung sống vợ chồng bà Châu Thị Ngọc T và ông Hà Đoàn Thanh T có 01 con chung là cháu Hà Gia A, sinh ngày 30/5/2013. Khi cháu A được 01 tuổi thì vợ chồng bà T, ông T đã từ An Giang chuyển công tác đến thành phố Hồ Chí Minh và cùng sống chung với cha mẹ ông T. Tại phiên tòa cả hai đều thừa nhận thời gian đầu vợ chồng chung sống hạnh phúc, nhưng đến tháng 5/2017 thì vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn và không thể hàn gắn mối quan hệ nên cả hai đã sống ly thân và từ thời điểm này bà T không còn sống chung với gia đình ông T và cháu A. Mặc dù bà T trình bày cho rằng bà rất muốn đưa cháu A ra ngoài sống cùng bà nhưng cha mẹ chồng và ông T không đồng ý, thời điểm này cháu A chỉ mới 4 tuổi là độ tuổi cần có sự chăm sóc trực tiếp của người mẹ. Đối với độ tuổi này thì cháu A chưa hình thành được ý thức, chưa tự chăm sóc được bản thân mà đây là giai đoạn khó khăn để nuôi lớn một đứa bé, cần phải có người chăm sóc, nuôi dưỡng vì con học ăn, học nói, học đi, ... học hình thành nhân cách nhưng tại Bản án sơ thẩm (trang 3) trong quá trình giải quyết vụ án bà T có nêu rõ quan điểm tại thời điểm ra ngoài sống bà làm việc với mức thu nhập bình quân mỗi tháng là 35.000.000 đồng, nhưng nhận thấy không có nhiều thời gian để chăm sóc trẻ nhỏ. Chính vì vậy mà đây cũng là lý do thời gian vợ chồng ly thân bà ra ngoài ở riêng, tuy bà T đã thuê nhà gần nhà của ông T để tiện chăm sóc con chung khi không thể sống cùng cháu A với gia đình ông T nhưng cũng được một thời gian thì bà T thay đổi chổ ở, bà T đã không thật sự tìm cho mình một biện pháp nào để có thể ở cùng con, mặc dù với vai trò là một người mẹ bà rất muốn được sống với con mình và thực tế là hiện tại bà T đã về lại Long Xuyên sinh sống.

[2.2] Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì thấy quyền nuôi con của ông T và bà T là như nhau. Do cả hai không thỏa thuận được ai là người được nuôi con khi vợ chồng ly hôn và cháu A cũng có lời khai tại bút lục 45 với nội dung: “nếu cha mẹ không sống chung với nhau thì em ở với cha hoặc mẹ cũng được”, Cấp sơ thẩm đã căn cứ các lý do bà T nêu ra để giao con chung cho bà Tuyền được trực tiếp nuôi dưỡng, cụ thể:

Thứ nhất, bà T không còn khả năng sinh con do từng trị bệnh vô sinh. HĐXX phúc thẩm thấy, căn cứ vào hai sổ khám chữa bệnh của bà T tại Phòng khám sản phụ khoa T mặc dù quá trình để có được cháu A đối với bà T là rất khó khăn so với những trường hợp bình thường nhưng sau thời gian điều trị bà T đã có thể mang thai và sinh được cháu A nên không thể cho rằng bà T vô sinh. Đến tháng 7/2020, bà T đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện sản nhi An Giang với lý do mong con theo sổ khám bệnh của bà T (bút lục 61), Tòa án nhân dân tỉnh An Giang có Quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ và thông tin đối với trường hợp của bà Tuyền thì Giám đốc Bệnh viện sản nhi An Giang có công văn phúc đáp thể hiện nội dung: “… một trường hợp vô sinh nguyên phát hay thứ phát thì bắt buộc phải khám cả vợ lẫn chồng…” và bà T đến khám với lý do mong con. Trong khi đó, đối với vụ tranh chấp này thì bà T và ông T cùng trình bày cả hai đã sống ly thân từ tháng 5/2017 đến nay, do đó từ năm 2017 đến 2020 thì giữa bà T và ông T không có đời sống chung của vợ chồng thì bà T đi khám với lý do mong con tại Bệnh viện sản nhi An Giang để cho rằng bà bị vô sinh trong vụ án này để được quyền nuôi con chung là không hợp lý.

Thứ hai, hàng tuần bà T phải từ thành phố Long Xuyên đến thành phố Hồ Chí Minh đón cháu A về chăm sóc chỉ được thứ 7 và Chủ nhật, thấy được sự vất vả của bà T nhưng đây là cách bà Tuyền đã sắp xếp để đến thăm con. Nếu trường hợp cháu A ở với bà T thì khi ông T muốn đến thăm con cũng sẽ gặp phải trường hợp quãng đường xa như bà T hiện nay. Mặc khác, bà T cũng thừa nhận nếu bà T không đến thăm con thì ông T hoặc gia đình ông T cũng đưa cháu A về Long Xuyên cho bà thăm nom, cả ông T và gia đình ông T không ai cản trở, gây khó khăn việc bà thăm cháu A.

Thứ ba, do ông T công tác trong ngành Công an, là nghề có tính chất đặc thù của công việc nên ít nhiều sẽ khó làm chủ được thời gian để chăm sóc cháu A. Ngoài ra cháu A là bé gái, ông T là cha chăm sóc con ở độ tuổi dậy thì không phù hợp. HĐXX phúc thẩm thấy, trong suốt thời gian cháu A được ông T nuôi dưỡng; tuy do tính chất đặc thù của công việc nhưng ông T vẫn sắp xếp thời gian để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A làm tốt trách nhiệm của một người cha để lo cho cháu A, con vẫn sống vui khỏe, tâm lý cháu vẫn ổn định, học tốt.

Xét những điều kiện vật chất như ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập của cháu A và điều kiện về tinh thần như thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm của ông T đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện vui chơi giải trí, nhân cách của cháu A qua các kết quả học tập của cháu A được ông Trà cung cấp thì cháu A đạt được nhiều Giấy khen trong thành tích trong học tập như: “Bé khỏe bé ngoan, Cháu ngoan Bác Hồ, Học sinh tiêu biểu….”.

Trường hợp ông T là cha chăm sóc, nuôi dạy con gái trong giai đoạn dậy thì không phù hợp thì không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh và pháp luật cũng không có quy định trường hợp này nên giao con cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sẽ phù hợp hơn cha, bà T cũng không có chứng cứ nào chứng minh được ông T không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nôm, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu A.

Từ những nhận định trên, cho thấy cấp sơ thẩm căc cứ vào các lý do bà T nêu ra để giao con chung cho bà Tuyền trực tiếp nuôi dạy là chưa phù hợp.

[3] Ngoài ra, tại giai đoạn phúc thẩm Tòa án đã tiến hành ghi nhận ý kiến của cháu A theo đơn yêu cầu của người kháng cáo. Trong quá trình lắng nghe và ghi nhận nguyện vọng của cháu A tại Tòa thì có sự chứng kiến của ông T và bà T, cháu A muốn được sống với cha là ông T.

Sau khi Tòa án ghi nhận ý kiến của cháu A thì bà T cung cấp USB cho rằng đây là giọng nói của cháu A (ở nhà tên T) ý muốn của cháu A muốn được sống với mẹ. Nguyên đơn cung cấp USB cho rằng đây là giọng nói của cháu A và nguyện vọng cháu An muốn sống cùng mẹ nhưng đối với chứng cứ này không được ông T thừa nhận. Do đó, Tòa án cần chấp nhận nguyện vọng của cháu A theo nội dung tại buổi ghi nhận ý kiến đã được lập biên bản ngày 30/10/2020 là cháu A muốn được sống với ông T.

[4] Với những nhận định trên, HĐXX phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Hà Đoàn Thanh T như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu A sau ly hôn của bà T. Giao con chung Hà Gia A, sinh ngày 30/5/2013 cho ông Hà Đoàn Thanh T trực tiếp nuôi dưỡng. Bà Châu Thị Ngọc T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở. Vì quyền lợi của con, khi cần thiết một hoặc hai bên có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, mức cấp dưỡng cho con.

[5] Về án phí: Ông Hà Đoàn Thanh T không phải chịu án phí hôn nhân phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 148, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Hà Đoàn Thanh T.

- Sửa bản án sơ thẩm số 89/2020/HNGĐ-ST ngày 03/8/2020 của Toà án nhân dân thành phố L, tỉnh An Giang về người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn:

Giao con chung Hà Gia A, sinh ngày 30/5/2013 cho ông Hà Đoàn Thanh T trực tiếp nuôi dưỡng. Bà Châu Thị Ngọc T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở. Vì quyền lợi của con, khi cần thiết một hoặc hai bên có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, mức cấp dưỡng cho con.

Phần Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

- Án phí phúc thẩm: Ông Hà Đoàn Thanh T không phải chịu án phí hôn nhân phúc thẩm, được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0005083 ngày 18/8/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố L, tỉnh An Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

317
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 28/2020/HNGĐ-PT ngày 06/11/2020 về tranh chấp hôn nhân gia đình – ly hôn, nuôi con khi ly hôn

Số hiệu:28/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 06/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về