Bản án 28/2019/DS-PT ngày 27/06/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 28/2019/DS-PT NGÀY 27/06/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 11 tháng 6 năm 2019 và ngày 27 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 19/2019/TLPT-DS ngày 18 tháng 01 năm 2019 về việc tranh chấp về thừa kế tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1497a/2019/QĐXXPT-DS ngày 17 tháng 4 năm 2019 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 2305/2019/QĐPT-DS ngày 11 tháng 6 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

+ Bà Phạm Thị T; nơi cư trú: Số 102/263 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng, có mặt;

+ Ông Phạm Hữu V; nơi cư trú: Số 14/89 đường A, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt (phiên tòa ngày 11 tháng 6 năm 2019 vắng mặt)

+ Anh Phạm Quang V; nơi cư trú: Số 14/89 đường A, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng, vắng mặt;

+ Chị Phạm Thị H; nơi cư trú: Số 14/89 đường A, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng, có mặt;

+ Anh Phạm Hữu K; nơi cư trú: Số 14/89 đường A, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt (phiên tòa ngày 11 tháng 6 năm 2019).

Người đại diện theo ủy quyền cho ông Phạm Hữu Vượng, anh Phạm Quang Vinh và anh Phạm Hữu Khánh:

- Bà Ngô Thị Tuyết N, nơi cư trú: Số 1/21 đường N, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng, có mặt;

- Bà Đoàn Thị Huỳnh H, nơi cư trú: Số 99 CT6 A7, phường V, quận N, thành phố Hải Phòng, vắng mặt;

- Bà Phạm Thị H, nơi cư trú: Số 14/89 đường A, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng, có mặt;

- Bà Phạm Thị T; nơi cư trú: Số 102/263 đường L, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng, có mặt;

( Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 12 tháng 4 năm 2018 tại Văn phòng Công chứng Kim Minh).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N - Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn Thị Ninh, Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng, có mặt.

- Bị đơn: Bà Phạm Thị Ngọc T; nơi cư trú: Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Bà Nguyễn Thị Q; nơi cư trú: Số 90/34 đường C, phường Đ, quận L, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị Kim L; nơi cư trú: Số 90/34 đường C, phường Đ, quận L, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

+ Anh Phạm Xuân D; nơi cư trú: Số 90/34 đường C, phường Đ, quận L, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị Lan H; đều cư trú tại: Số 90/34 đường C, phường Đ, quận L, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

+ Ông Phùng Văn T; nơi cư trú: Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

+ Anh Phùng Thanh T; nơi cư trú: Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

+ Chị Phùng Thị Minh T, nơi cư trú: Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án: Cụ Phạm Trân T (chết năm 1988) có hai người vợ là cụ Phạm Thị V và cụ Lê Thị B (tên gọi ở nhà là R, chết năm 1984). Cụ T và cụ V có một người con chung là ông Phạm Trân T (cụ V chết sau khi sinh ông T được hai tháng). Cụ T và cụ B có ba người con chung là bà Phạm Thị H, sinh năm 1940; bà Phạm Thị T, sinh năm 1950; bà Phạm Thị Ngọc T, sinh năm 1955. Ông Phạm Trân T chết năm 1999, vợ ông T là bà Nguyễn Thị Q và 04 người con là chị Phạm Thị L, anh Phạm Trân N, anh Phạm Trân D, chị Phạm Thị H. Bà Phạm Thị H chết năm 2017, chồng bà H là ông Phạm Hữu V và ba người con là anh Phạm Quang V, chị Phạm Thị H và anh Phạm Hữu K.

Quá trình chung sống cụ T và cụ B tạo lập được khối tài sản là 852m2 đất thổ cư, thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1 xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng. Thửa đất trên đã được UBND huyện An Hải cấp Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất số 565GCN/QĐ ngày 16/6/1986 đứng tên cụ Phạm Trân T. Lúc còn sống, hai cụ đã cho con trai là ông Phạm Trân T 457m2 . Việc hai cụ cho ông T đất không có giấy tờ, nhưng các chị em trong gia đình đồng ý và không có ý kiến gì. Ông T đã bán diện tích 457m2 đất sau khi cụ T mất. Diện tích còn lại là 395 m2 hiện nay do vợ chồng bà Phạm Thị Ngọc T đang quản lý, sử dụng. Từ năm 2011, diện tích 395m2 thuộc diện tích đất trong dự án, được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất.

Quan điểm của nguyên đơn: Diện tích 395m2 đất hai cụ sử dụng đến khi chết không để lại di chúc. Cụ B khi còn sống có nói chia đều cho 3 con gái (bà H, bà T và bà T). Khi chị em bà T về cúng giỗ bố mẹ đã đề nghị và yêu cầu bà T giao lại phần đất như ý nguyện của cụ B nhưng bà T không đồng ý. Và bà T xuất trình Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988 và cho rằng đó là di chúc của cụ T đã cho bà T quyền sử dụng 395m2. Nguyên đơn cho rằng cụ T không cho bà T quyền sử dụng 395m2. Vì nội dung Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988 chỉ thể hiện giao quyền sử dụng tài sản của cụ T là một nhà phụ và hoa màu, chứ không phải cho bà T quyền sử dụng diện tích 395m2 đất và giấy giao quyền này không phải là di chúc của cụ T nên không hợp pháp. Bởi vì, khoảng thời gian cụ T ốm, nằm liệt giường không thể tự viết được di chúc; chữ viết trong Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988 không phải là chữ của cụ T.

Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Đề nghị Tòa án xác định di sản thừa kế của cụ T và cụ B để lại là diện tích 395m2 đất. Vì bà T đã có công tôn tạo thửa đất bố mẹ để lại nên nguyên đơn sẽ để lại 95m2 cho bà T. Diện tích 300m2 còn lại đề nghị Tòa án chia đều cho bà T, bà H và T, tương đương với giá trị tính bằng tiền khi Nhà nước bồi thường. Nay, bà H đã mất thì phần di sản thừa kế của bà H được hưởng sẽ do chồng và ba con của bà H được thừa kế.

Quan điểm của bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T: Bà T sống với hai cụ từ khi còn nhỏ. Năm 1982, bà Tư kết hôn với ông Phùng Văn T và ở cùng chăm sóc bố mẹ đến khi bố mẹ mất. Hiện nay, trên diện tích đất có vợ chồng bà T, cùng con trai Phùng Thanh T, con gái Phùng Thị Minh T đang quản lý sử dụng. Bà T không đồng ý yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn vì ngày 20 tháng 3 năm 1988, cụ Phạm Trân T có Giấy giao quyền sử dụng tài sản, có xác nhận của UBND phường Đ, thể hiện nội dung: Khi cụ T già yếu qua đời, giao cho ông Phạm Trân T được quyền sử dụng diện tích 457m2 đất và 01 nhà gỗ làm hương hỏa thờ cúng sau này. Đối với diện tích đất 395m2 còn lại, giao cho con gái út là bà Phạm Thị Ngọc T cùng chồng (T) được quyền sử dụng gồm 01 nhà phụ và hoa màu trên đất. Bà T không nhớ rõ ai là người đã viết Giấy giao quyền sử dụng tài sản, nhưng khi viết giấy có đại diện cho gia đình là ông Phạm Trân T (đã chết), chú họ Phạm Trân C (đã chết), tổ trưởng nhân dân là ông Phạm Đức L, có xác nhận của UBND phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng. Ông T, vợ và các con ông T không có tranh chấp với bà T về khối di sản thừa kế của cụ T để lại.

Từ năm 1993 cho đến thời điểm hiện tại, bà T là người đóng thuế đất hàng năm, là người thờ cúng hương hỏa các cụ vì anh trưởng đã mất. Bà T, bà H không có ý kiến gì cho đến trước thời điểm có đơn khởi kiện tại Tòa án xảy ra mâu thuẫn, gia đình bà H và gia đình bà T không đến nhà bà T để cúng giỗ bố mẹ nữa.

Quan điểm của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như sau:

- Bà Nguyễn Thị Q, chị Phạm Thị Kim L, anh Phạm Xuân D và chị Phạm Thị Lan H có đơn từ chối chia di sản thừa kế của cụ T và cụ B.

- Ông Phùng Văn T, anh Phùng Thanh T và chị Phùng Thị Minh T trình bày: Ông T đồng ý với quan điểm của bị đơn Phạm Thị Ngọc T. Nếu Nhà nước thu hồi đất và trả tiền bồi thường cho gia đình ông, thì gia đình ông sẽ hỗ trợ một khoản tiền nhỏ cho các đồng nguyên đơn. Cụ Phạm Trân T đã có di chúc để lại tài sản cho bà T được thể hiện tại Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988. Ông T đề nghị Tòa án xác minh tính xác thực của Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988.

Tại Bản án số 21/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 của TAND quận N căn cứ vào khoản 5 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Phạm Trân T và cụ Phạm Thị B theo pháp luật:

1.1. Di sản thừa kế của cụ Phạm Trân T và Phạm Thị B là diện tích 395m2 đất thổ cư, thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng. Di sản thừa kế có tổng trị giá 834.240.000 (tám trăm ba mươi bốn triệu hai trăm bốn mươi nghìn) đồng.

1.2. Di sản thừa kế của cụ Phạm Trân T và cụ Phạm Thị B được chia làm 04 (bốn) kỷ phần. Bà Phạm Thị Ngọc T được hưởng hai kỷ phần, bà Phạm Thị T được hưởng một kỷ phần, các thừa kế chuyển tiếp của bà Phạm Thị H được hưởng một kỷ phần. Một kỷ phần là 395m2 : 4 = 98,75m2, tương đương số tiền 208.560.000 đồng.

1.3. Cụ thể phân chia như sau:

- Bà Phạm Thị Ngọc T được quản lý sử dụng 395m2 đất và sở hữu vật kiến trúc trên đất tại thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng.

- Bà Phạm Thị Ngọc T phải có trách nhiệm thanh toán cho những người không được nhận kỷ phần thừa kế bằng hiện vật là: 395m2 - 98,75m2 - 98,75m2 = 197,5m2, tương đương giá trị bằng tiền 417.120.000 (bốn trăm mười bảy triệu một trăm hai mươi nghìn) đồng.

- Bà Phạm Thị T được nhận diện tích đất 98,75m2, tương đương giá trị bằng tiền 208.560.000 (hai trăm linh tám triệu năm trăm sáu mươi nghìn) đồng.

- Các thừa kế chuyển tiếp của bà Phạm Thị H là ông Phạm Hữu V, anh Phạm Quang V, chị Phạm Thị H, anh Phạm Hữu K được nhận diện tích đất 98,75m2, tương đương giá trị bằng tiền 208.560.000 (hai trăm linh tám triệu năm trăm sáu mươi nghìn) đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo đối với các đương sự.

Ngày 30/11/2018, bị đơn bà Phạm Thị Ngọc T kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tính hợp pháp của di chúc; xác định lại cách phân chia di sản (trường hợp di chúc không hợp pháp một phần);

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày quan điểm: Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988 không phải là di chúc và không đúng quy định của pháp luật nên không hợp pháp. Đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật, phần các hàng thừa kế được hưởng giao bằng đất tương đương với giá trị tiền khi nhà nước bồi thường.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Dân sự, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Di sản của cụ Tuy và cụ Bốn là 395m2 đất chia làm 4 phần, Bà T được hưởng 2 kỷ phần, bà T được hưởng 1 kỷ phần, các thừa kế chuyển tiếp của bà H được hưởng 1 kỷ phần, khi nhà nước thực hiện việc thu hồi các đương sự mỗi người được nhận bồi thường tương ứng với với giá trị tài sản được hưởng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về áp dụng pháp luật tố tụng:

[1] Đây là tranh chấp về thừa kế tài sản, bị đơn cư trú tại phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng. Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Cụ Phạm Trân T chết năm 1988 và cụ Lê Thị B chết năm 1984. Theo Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối Cao thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Căn cứ Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện là ba mươi năm kể từ thời điểm mở thừa kế đối với di sản thừa kế là bất động sản. Như vậy, vụ án chia di sản thừa kế của cụ T và cụ B còn trong thời hiệu khởi kiện.

- Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn xem xét tính hợp pháp của di chúc, xác định lại cách phân chia di sản trong trường hợp di chúc không hợp pháp một phần. Hội đồng xét xử đánh giá như sau:

[3] Xác định nguồn gốc tài sản tranh chấp: Lời khai của các đương sự thể hiện khi còn sống cụ Phạm Trân T và cụ Lê Thị B đã tạo lập được 852m2 đất thổ cư, thửa số 1045, tờ bản đồ số 02, xóm T, xã Đ, huyện A, thành phố Hải Phòng. Lời khai của các đương sự phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất số 565GCN/QĐ ngày 16 tháng 6 năm 1986 của UBND huyện A cấp chủ sử dụng cụ Phạm Trân T, thời điểm này cụ Tuy và cụ Lê Thị B là vợ chồng nên xác định Thửa đất có diện tích 852m2 nêu trên thuộc quyền quản lý sử dụng của vợ chồng cụ Phạm Trân T và cụ Phạm Thị B.

[4]. Xác định di sản thừa kế: Quá trình sử dụng, cụ T và cụ B đã cho ông Phạm Trân T ( là con trai trưởng) diện tích là 457 m2 đất, việc cho này cụ T chỉ nói miệng, bà H và bà T, bà T không có ý kiến gì. Thực tế thì ông T đã quản lý sử dụng đến năm 1988 ông T đã chuyển nhượng diện tích đất cho người khác. Nay các nguyên đơn không yêu cầu chia diện tích đất này, bị đơn không có yêu cầu phản tố. Do vậy tài sản của hai cụ chi còn là 395m2 đất thổ cư, thửa số 1045, tờ bản đồ số 02, tổ 1, xóm T, xã Đ, huyện A, thành phố Hải Phòng (nay là phường Đ, quận N) được xác định là di sản của cụ T và cụ B để lại.

[5]. Xét Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20 tháng 3 năm 1988.

+ Về hình thức: Giấy giao quyền sử dụng đất là chữ viết tay, phần chữ ký: Có chữ ký và chữ viết “ Phạm Trân T” được lập ngày 20-3-1988, phần đại diện gia đình có chữ ký và chữ viết Phạm Trân T ký ngày 24- 4- 1988 và Hội đồng gia tộc chú Phạm Trân C, nhưng đến ngày 05 - 4-1988 xác nhận của tổ trưởng nhân dân ông Phạm Đức L “Nhận thực theo lời khai trên đây là đúng đề nghị trên giúp đỡ”, UBND phường Đ do ông Đặng Đức Điền Phó chủ tịch xác nhận ngày 07/4/1988. Như vậy ngày tháng xác lập, ngày tháng chứng kiến và ngày tháng xác nhận trong Giấy giao quyền sử dụng tài sản không thống nhất. Nên xác định những người có mặt ký tên nêu trên không chứng kiến việc lập giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988. Mặt khác xác nhận ngày 07/4/1988 của UBND phường Đ với nội dung “ ông Phạm Trân Tuy có tài sản cùng đất ở xóm T nay làm đơn xin chuyển quyền sử dụng cho con trai cùng con gái. Con trai diện tích 457m2, con gái 395m2 khi chuyển quyền sử dụng gia đình nộp lệ phí báo cáo địa chính xác minh cụ thể.”. Như vậy nội dung xác nhận của ông Phó chủ tịch Đặng Đức Đ là người thay mặt cho UBND phường Đ chỉ xác nhận cụ T chuyển quyền sử dụng cho đất cho con trai và con gái, chưa rõ việc chuyển quyền sử dụng tài sản đã được thực hiện hay chưa.

+ Về nội dung: “Cụ T để lại 457m2 đất và 01 nhà gỗ làm hương hỏa gia đình sau khi cụ T qua đời thì giao lại cho con trai là Phạm Trân T được quyền sử dụng. Còn lại 395m2 được sự nhất trí của gia đình cho con gái út là Phạm Thị T cùng chồng là Phùng Văn T được quyền sử dụng gồm 01 nhà phụ và hoa màu trên đất”. Quá trình xác minh thu thập chứng cứ: Nguyên đơn khai chữ viết trong giấy giao quyền sử dụng tài sản không phải là của cụ T viết ra và không phải là chữ ký và viết của cụ T; bị đơn khai không biết là chữ của ai viết, vì sau khi cụ T chết ông T đã đưa cho bà giấy này. Hiện nay ông T, ông C và ông Phó chủ tịch Đặng Đức Đ đều đã chết. Theo lời khai của ông Tổ trưởng nhân dân xác định đúng là chữ ký và chữ viết “Phạm Đức L” là do ông L ký và viết ra nhưng phần chữ xác nhận ở trên của ai viết thì ông không biết, chữ viết trong Giấy giao quyền sử dụng tài sản này ông L không biết ai viết, thời gian và địa điểm ký ông không nhớ là ở đâu, vì ông không chứng kiến, đây chỉ là làm thủ tục, có khả năng khi ông ký đã có nội dung viết sẵn. Thời điểm năm 1988 mới thành lập phường Đ ông là “Xóm trưởng” không phải là tổ trưởng nhân dân như ghi trong giấy giao quyền sử dụng tài sản. Đối với đơn xác nhận ngày 31/7/2017 là do ông T (là chồng bà Tư) mang sang nhà ông nói xin ký giấy xác nhận sao y giấy cũ, nội dung ông không nắm được. Trong khi đó bị đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh là chữ ký và chữ viết là của cụ T. Quá trình giải quyết vụ án các đương sự không đề nghị giám định chữ viết và chữ ký “T” và “Phạm Trân T”, cụ T đã chết quá lâu, các đương sự khai không còn lưu giữ những bút tích của cụ T tại thời điểm lập giấy giao quyền sử dụng tài sản. Do vậy, Tòa án không trưng cầu giám định chữ ký và chữ viết của cụ T.

Như vậy, chưa đủ cơ sở khẳng định nội dung giấy giao sử dụng tài sản ngày 20- 3- 1988 đúng là ý chí của cụ T chuyển quyền sử dụng tài sản cho con trai là ông T và con gái là bà T.

[5]. Theo quy định tại mục A phần IV Thông tư số 81/TANDTC ngày 24 tháng 7 năm 1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế: Quy định “ Di chúc viêt phải do người có năng lực hành vi dân sự tự nguyện lập ra được chính quyền địa phương xác nhận. Nếu di chúc không có sự chứng nhận hợp lệ nhưng có người làm chứng bảo đảm hoặc xác định được di chúc đúng là do người có tài sản tự nguyện viết ra ( như đúng là chữ viết, chữ ký của người có tài sản, thời gian và địa điểm ghi trong di chúc cũng phù hợp”, “ người lập di chúc có thể tự viết hoặc nhờ người khác viết bản di chúc nhưng người lập di chúc phải trực tiếp ký vào bản di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực”. Đối chiếu với Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988 nêu trên về hình thức và nội dung không đúng quy định của pháp luật nên không hợp pháp.

[6]. Do vậy: Cấp sơ thẩm đã xác định Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20-3-1988 là không hợp pháp và xác định diện tích 395m2 đất là di sản của cụ T và cụ B, xác định hàng thừa kế thứ nhất chia theo quy định của pháp luật và đã xem xét công sức của duy trì bảo quản khối di sản của bà T bằng một phấn thừa kế là đúng quy định của pháp luật. Song phần nhận định trong bản án sơ thẩm “Cụ T chỉ được quyền định đoạt đối với một nửa tài sản chung của hai cụ và phần cụ T được hưởng của cụ B” để xác định Giấy giao quyền sử dụng tài sản không hợp pháp là không có căn cứ. Như phân tích nêu trên Giấy giao quyền sử dụng tài sản ngày 20/3/1988 là không hợp pháp nên không đánh giá đến quyền định đoạt một nửa của cụ T.

[7]. Song mặc dù gia đình bà Phạm Thị Ngọc T quản lý sử dụng di sản thừa kế thời gian dài, là người xây dựng vật kiến trúc trên đất nên không thể chia bằng hiện vật và bản án án sơ thẩm quyết định bà Tư phải có trách nhiệm thanh toán cho những người không nhận thừa kế bằng hiện vật tương đương với giá trị bằng tiền theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá của quận N là chưa đảm bảo quyền lợi cho các đồng thừa kế còn lại vì: Diện tích đất tranh chấp nằm trong chỉ giới thu hồi thuộc dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Đông khê II tại phường Đ, quận N đã có thông báo số 394/TB-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2011 về việc thu hồi đất và Thông báo thu hồi đất từ số 188 đến số 196/TB-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2018. Do vậy không thể thực hiện việc giao dịch mua bán chuyển nhượng đất trên địa bàn. Khi thi hành án, Bà T không thể có tiền ngay để trả cho các hàng thừa kế, phải chờ khi nhà nước bồi thường. UBND quận N đã thông báo chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình nhưng đến nay chưa thu hồi và chưa có có quyết định bồi thường cụ thể. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự về quyền thừa kế tài sản. Hội đồng xét xử cần sửa phương pháp chia thừa kế cụ thể như sau:

[8]. Di sản thừa kế của cụ Phạm Trân T và cụ Lê Thị B được chia làm bốn kỷ phần 395m2 : 4 = 98,75m2

+ Bà Phạm Thị Ngọc T được hưởng hai kỷ phần là 98,75 m2 + 98,75 m2 = 197,5m2 đất. Bà T và ông T được sở hữu toàn bộ công trình kiến trúc trên đất tương ứng với giá trị tính bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

+ Bà Phạm Thị T được hưởng một kỷ phần là 98,75m2 tương đương với giá trị tính bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

+ Các thừa kế chuyển tiếp của bà Phạm Thị H là ông Phạm Hữu V, anh Phạm Quang V, chị Phạm Thị H, anh Phạm Hữu K hưởng một kỷ phần là 98,75m2 tương đương với giá trị tính bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

[9]. Về án phí: Do không chấp nhận kháng cáo nên bà Phạm Thị Ngọc T phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

[10]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 21/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 của Tòa án nhân dân quận N không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Ngọc T; sửa bản án sơ  thẩm.

Căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Căn cứ Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 hướng dẫn các tranh chấp về thừa kế.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Phạm Trân T và cụ Phạm Thị B theo pháp luật:

- Di sản thừa kế của cụ Phạm Trân T và cụ Phạm Thị B là diện tích 395m2 đất thổ cư, thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng.

+ Giao cho bà Phạm Thị Ngọc T được quyền quản lý sử dụng 197,5m2 đất, thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; tương ứng với giá trị nhận bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

+ Giao cho bà Phạm Thị Ngọc T và ông Phùng Văn T sở hữu toàn bộ công trình vật kiến trúc trên diện tích 395m2 đất thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; tương ứng với giá trị nhận bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

+ Giao cho bà Phạm Thị T được quản lý sử dụng 98,75m2 thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng tương ứng với giá trị nhận bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

+ Giao cho ông Phạm Hữu V, anh Phạm Quang V, chị Phạm Thị H, anh Phạm Hữu K quản lý sử dụng 98,75m2 thửa số 1045, tờ bản đồ số 2 tại Tổ 1, xóm T, phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng tương ứng với giá trị nhận bằng tiền tại thời điểm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bồi thường.

2. Về án phí:

+ Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Phạm Thị T, ông Phạm Hữu V, bà Phạm Thị Ngọc T được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Anh Phạm Quang V, chị Phạm Thị H, anh Phạm Hữu K mỗi người phải nộp 8.400.000 đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 5.265.000 đồng theo biên lai số 0014732 ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Q, thành phố Hải Phòng. Anh Phạm Quang V, chị Phạm Thị H, anh Phạm Hữu K phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm là 3.135.000đ.

+ Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Phạm Thị Ngọc T phải nộp số tiền 300.000đ được trừ vào số tiền bà Phạm Thị Ngọc T đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai thu tiền số 0014999 ngày 13 tháng 12 năm 2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Hải Phòng.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

466
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 28/2019/DS-PT ngày 27/06/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:28/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về