TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 28/2017/HSST NGÀY 24/07/2017 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI
Ngày 24/7/2017, tại trụ sở TAND tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 36/2017/HSST ngày 16/6/2017 đối với bị cáo:
Phàn Giàng P ( tên gọi khác Phàn Quẩy Q) sinh năm 1983 tại xã S, huyện M, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú tổ 01, thôn S, xã S, huyện M, tỉnh Hà Giang; số CMND/số hộ chiếu/số căn cước công dân:…..................; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ văn hóa: 5/12; dân tộc: Dao; con ông Phàn Chí S (Đã chết 2001) và bà Phàn Mẩy S (đã chết năm 2001); có vợ là Phàn Mẩy P sinh năm 1985 và 02 con sinh năm 2001 và 2009; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt ngày 29/3/2017. Hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang, có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang, có mặt
Người làm chứng:
1. Ông Chảo Khái T; sinh năm 1970, vắng mặt;
2. Ông Lục Văn K; sinh năm 1976, có mặt;
3. Anh Nông Đức M; sinh năm 1995, có mặt;
4. Anh Chảo Văn T; sinh năm 1999, vắng mặt;
5. Ông Hoàng Văn P; sinh năm 1981, vắng mặt;
6. Ông Phùng Quốc H; sinh năm 1961, có mặt;
7. Ông Vàng Sài P; sinh năm 1982, có mặt;
8. Ông Lù A S; sinh năm 1987, có mặt;
9. Ông Dò Văn T; sinh năm 1976, vắng mặt;
10. Ông Mùng A D; sinh năm 1975, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bị cáo Phàn Giàng P bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Trong khoảng thời gian từ ngày 17/02/2016 đến ngày 28/02/2016 Phàn Giàng P đã tổ chức 02 lần đưa tổng số 15 người là công dân huyện Y, tỉnh Hà Giang đi nước ngoài (Trung Quốc) cụ thể như sau:
Lần thứ nhất:
Ngày 09/02/2016 Phàn Giàng P nhận được điện thoại của M (người Trung Quốc, do thời gian trước đây, từ năm 2010 P làm nghề thu mua dép rách đưa đến chợ Lũng Phìn, huyện D, tỉnh Hà Giang bán cho M, nhà ở xã M, huyện M, tỉnh V - Trung Quốc. Năm 2014 P đã cùng vợ là Phàn Mẩy P sang Trung Quốc làm thuê cho M trong thời gian 11 tháng, công việc là làm gạch, tiền công là 1.600NDT/tháng/ người. Năm 2015 P tiếp tục sang Trung Quốc làm thuê cho M trong thời gian 02 tháng, công việc là cắt, nghiền nhựa, tiền công tháng đầu 2.000NDT, tháng sau được tăng lên 2.200NDT). M bàn bạc với P việc tìm người và đưa sang Trung Quốc làm thuê cho M, công việc là cắt, nghiền nhựa và làm móc áo, tiền công 2.000NDT/tháng/người, nếu làm tốt thì sẽ được tăng lương theo sản phẩm. Nếu P tìm được người và đi làm cùng cho M thì M sẽ trả tiền công lao động cho P là 2.600NDT/tháng cao hơn số người được P đưa đi làm 600NDT/tháng, P đồng ý nhận lời.
Ngày 11/02/2016 ( mùng 4 tết nguyên đán Bính Thân) Phàn Giàng P đến nhà Chảo Khái T sinh năm 1970, trú tại thôn B, xã S, huyện Y chơi tết, P có kể với Tờ là năm ngoái P sang Trung Quốc làm thuê, công việc làm móc áo tiền công 2.600NDT/tháng. Đến ngày 13/02/2016 P tiếp tục sang nhà Tờ để rủ con trai của Tờ là Chảo Văn C và Chảo Văn T đi sang Trung Quốc làm thuê, C đồng ý đi làm. Chảo Khái T nhất trí cho con trai của T là Chảo Văn C sinh năm 1996 đi sang Trung Quốc làm thuê, hôm đó Chảo Văn T đi vắng. P đưa C về nhà mình ở thôn S chờ P để cùng đi làm. Ngày 14/02/2016 sau khi Chảo Văn C đi theo P sang xã S để đi Trung Quốc làm thuê, Chảo Văn T sinh năm 1999 cùng một số người cùng thôn cũng muốn đi làm, nên đã nhờ Chảo Khái T gọi điện cho P để hỏi và được P đồng ý.
Ngày 17/02/2016 Phàn Giàng P đã đưa 07 người gồm: Phùng Công B sinh năm 1992; Dò Văn H sinh năm 1999; Chảo Văn C sinh năm 1996; Chảo Văn T sinh năm 1999; Nông Đức M sinh năm 1995; Lù Văn L sinh năm 1979 và Phùng Công V sinh năm 1989 cùng trú tại xã S, huyện Y, tỉnh Hà Giang tập trung tại nhà Phàn Giàng P. P thuê xe ô tô của Vàng Sài P sinh năm 1982, trú tại xã S, huyện M (chuyên chạy chợ) đưa đến khu vực Trạm Biên Phòng cửa khẩu P, huyện D, rồi P đưa số người trên đi bộ theo đường mòn sang Trung Quốc, không qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng. P đưa 7 người trên đến Chợ M, huyện M, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc giao cho M sau đó M tiếp tục đưa họ đến nơi làm việc. Do P đang bị đau chân nên quay về Việt Nam mà không đi làm cùng số người trên. M đưa cho P 1.000NDT (Một nghìn nhân dân tệ) là tiền công lao động ứng trước của Chảo Văn C, Chảo Văn T để đưa cho Chảo Khái T.
Lần thứ hai: Đến giữa tháng 01/2016 Âm lịch, Dò Văn T sinh năm 1976, trú tại thôn B, xã S, huyện Y (là bố đẻ của Dò Văn H) đến xã D, huyện Y chơi (ăn cơm giải hạn theo phong tục địa phương) có gặp Lục Văn K sinh năm 1976, trú tại thôn Nà N, xã D, huyện Y, T nói chuyện với K là con trai của T là Dò Văn H, cùng mấy người ở thô S đi theo Phàn Giàng P người ở xã S, huyện M sang Trung Quốc làm thuê, công việc là làm móc áo, tiền công khoảng2.600NDT/tháng. K cũng muốn đi nên đã xin số điện thoại của Phàn Giàng P để hỏi, P đã đồng ý đưa đi và hẹn khi nào mọi người đi thì liên lạc lại P sẽ bố trí đưa đi. Sau đó K có đi ăn cơm giải hạn người cùng thôn có gặp Lục Văn N sinh năm 1989 (trú cùng thôn với K); Lù A S sinh năm 1987; Mùng A S sinh năm 1972; Mùng A D sinh năm 1975; Mùng Văn V sinh năm 1987 và Vàng Thị R sinh năm 1991 cùng trú tại thôn B, xã D, huyện Y, tỉnh Hà Giang. K nói chuyện với mọi người là K sắp đi làm thuê ở bên Trung Quốc và những người trên cũng muốn đi làm. K gọi điện hỏi P có mấy người nữa cũng muốn đi cùng, P nhất trí rồi hẹn K và những người trên đến ngày 21/01/2016 (âm lịch) đến nhà P để Pđưa đi Trung Quốc làm. Cũng trong thời gian này có hai vợ chồng Chảo Khái M sinh 1975 và Hoàng Thị H sinh 1976 trú tại thôn N, xã N, huyện Y (là cậu, mợ của Nông Đức M) biết tin M cùng Dò Văn H đi làm thuê bên Trung Quốc nên cũng muốn đi và đã liên lạc với Dò Văn T (bố của Hải) nhờ đưa đến nhà Phàn Giàng P, ngoài ra còn có Hoàng Văn P sinh 1981, trú tại thôn B, xã S cũng nhờ Chảo Khái T đưa đến nhà Phàn Giàng P để đi Trung Quốc làm thuê.
Sau khi nhận được điện thoại của Lục Văn K, Chảo Khái T và Dò Văn T, Phàn Giàng P gọi điện thoại thông báo cho M biết có thêm người tiếp tục muốn sang Trung Quốc làm cho M. M hẹn P đưa số người trên sang Trung Quốc qua khu vực Mốc 403 thuộc địa phận xã X, huyện D, M sẽ đón ở đó.
Như đã hẹn, ngày 28/02/2016 ( ngày 21/01/2016 âm lịch) số người đi Trung Quốc làm thuê đến xã S để P đưa đi Trung Quốc. Khi đến khu vực ngã ba thuộc xã S, Tờ gọi điện cho Phàn Giàng P thông báo, P yêu cầu mọi người vào quán nước cạnh đường chờ P. P đi xe máy từ nhà đến Sủng Trà thì thấy có 10 người gồm: Lục Văn K sinh 1976; Lục Văn N sinh 1989 cùng trú tại thôn N, xã D, huyện Y; Lù A S sinh năm 1987; Mùng A S sinh năm 1972; Mùng A D sinh năm 1975; Mùng Văn V sinh năm 1987; Vàng Thị R sinh 1991 cùng trú tại thôn B, xã D, huyện Y; Chảo Khái M sinh năm 1975; Hoàng Thị H sinh năm 1976 cùng trú tại thôn N, xã N, huyện Y và Hoàng Văn P sinh năm 1981, trú tại thôn B, xã S, huyện Y đang chờ P. P thuê Phàn Lão S, trú tại thôn S, xã S, huyện M là người chuyên lái xe chạy chợ, đến thôn S đưa số người trên đến khu vực xóm L, xã X, huyện D. Sau đó P đưa mọi người đi bộ vượt biên qua Mốc 403 sang đất Trung Quốc, khi đó M đã cho xe ô tô chờ đón mọi người. Khi P đưa 10 người trên giao cho M, M chỉ nhận 8 người, còn hai vợ chồng Chảo Khái M, Hoàng Thị Hà thì M không nhận do lớn tuổi, yếu, nên P cùng hai vợ chồng (M, Hà) quay về Việt Nam. M đưa cho P 800NDT tiền ứng của Dò Văn H để P cầm về cho Dò Văn T, còn 8 người trên đi theo M vào sâu nội địa Trung Quốc để làm thuê.
Tổng số 15 người Phàn Giang P đưa sang Trung Quốc được chia đi làm các công việc khác nhau, một số người làm móc áo, một số người phân loại và nghiền nhựa, một số người bốc vác, vận chuyển các bao hạt nhựa lên xe và làm ở nhiều địa bàn khác nhau. Trong số người này, người làm ít nhất là 2 tháng, người làm nhiều nhất là 11 tháng và đều trở về Việt Nam từ cuối năm 2016. Trước khi về Việt Nam họ đều được thanh toán tiền công và bị trừ tiền ứng trước. Do khi Phàn Giàng P rủ người đi Trung Quốc làm thuê có nói là P đi làm được 2.600NDT/tháng nên họ nghĩ, họ đi làm cũng được bằng số tiền trên, nhưng khi thanh toán ông chủ không thanh toán như P đã nói, đồng thời trừ cả tiền ứng trước. Vì vậy khi về nhà biết gia đình chưa được nhận tiền ứng trước, nên những người đi làm thuê đã đến nhà Phàn Giàng P đòi tiền còn thiếu. Phàn Giàng P liên lạc với M trao đổi về việc trả tiền công cho người lao động do P đưa đi. M đã đưa cho P 3.000 NDT để trả lại số tiền M đã trừ cho số người trên. P đổi ra tiền Việt Nam được 9.200.000đ (Chín triệu hai trăm ngàn đồng) và đưa cho Lục Văn K 6.000.000đ (Sáu triệu đồng) để K chia cho số người ở xã D, huyện Y, P đưa cho số người đi làm lần thứ nhất ở xã S, huyện Y là 3.200.000 đ (Ba triệu hai trăm ngàn đồng) để họ tự chia nhau. Ngoài ra M còn đưa cho P 1.000NDT tiền công tìm người và tiền xe cho những người đi lao động mà trước đó P đã ứng trả trước.
Tại bản cáo trạng số 12/KSĐT ngày 16/6/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố Phàn Giàng P về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài theo khoản2 Điều 275 BLHS.
Tại phiên tòa đại diện VKSND tỉnh Hà Giang đề nghị Hội đồng xét xử:
1. Tuyên bố: Bị cáo Phàn Giàng P phạm tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
2. Hình phạt: Áp dụng khoản 2 Điều 275; các điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 47 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Phàn Giàng P từ 3 - 4 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam.
3. Án phí: Buộc bị cáo Phàn Giàng P phải nộp 200.000đ án phí HSST theo quy định của pháp luật.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày: Trong thời gian từ ngày 17/02 đến 28/02/2016 bị cáo Phàn Giàng P đã 02 lần đưa 15 người sang Trung Quốc làm thuê không làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Viện kiểm sát truytố bị cáo về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài theo khoản 2 Điều 275 BLHS là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo bởi lẽ:
- Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, 15 người bị cáo đưa sang Trung Quốc đều đã trở về, hậu quả gây ra không lớn là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm g, p khoản 1 Điều 46 BLHS;
- Bị cáo là người dân tộc thiểu số trình độ nhận thức hạn chế, trong số 15 người bị cáo đưa sang Trung Quốc chỉ có Chảo Văn C và Chảo Văn T là do bị cáo rủ rê, còn lại những người khác đều tự liên hệ nhờ bị cáo đưa đi để tìm việc làm;
- Khoản 2 Điều 349 BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt nhẹ hơn khoản 2 Điều 275 BLHS năm 1999, nên cần áp dụng Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.
Những người làm chứng khai về việc Phàn Giàng P tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài như sau:
Ông Chảo Khái T khai taị cơ quan điều tra: Phàn Giàng P có đến nhà ông để rủ con ông là Chảo Văn C và Chảo Văn T sang Trung Quốc làm thuê và ông cũng đồng ý cho C và T đi theo P sang Trung Quốc làm thuê, ông cũng thừa nhận có được điện cho P để hỏi cho những người khác là: Phùng Công B, Dò Văn H, Nông Đức M, Lù Văn L, Phùng Công V và Hoàng Văn P để P đưa đi Trung Quốc làm thuê.
Ông Dò Văn T khai tại cơ quan điều tra: Ông có con là Dò Văn H được bịcáo P đưa sang Trung Quốc làm thuê và ông có nói cho Lục Văn K biết về việcđó, ngoài ra ông cũng được đưa vợ chồng Chảo Khái M và Hoàng Thị Hà đến nhà P để nhờ P đưa sang Trung Quốc làm thuê.
Tại phiên tòa Lục Văn K, Nông Đức M, Lù A S và Mùng A D đều khai được P đưa sang Trung Quốc làm thuê như lời khai nhận của bị cáo P tại phiên tòa.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét một cách đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Tại phiên tòa bị cáo Phàn Giàng P thừa nhận hành vi phạm tội của mình là Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài như cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra (từ BL số 57 đến BL số 98); phù hợp với lời khai của người làm chứng tại phiên tòa cũng như lời khai trong giai đoạn điều tra (Từ BL số 99 đến BL số 138) và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như biên bản nhận dạng (từ BL số 146 đến BL số 154). Như vậy, có đủ căn cứ kết luận:
Trong khoảng thời gian ngày 17/02/2016 đến ngày 28/02/2016 (tức ngày 10/01- 21/01/2016) Phàn Giàng P (tên gọi khác: Phàn Quẩy Quyển) sinh năm 1983, trú tại thôn S, xã S, huyện M, tỉnh Hà Giang đã 02 lần tổ chức đưa tổng số 15 người là công dân huyện Y, tỉnh Hà Giang đi nước ngoài (Trung Quốc). Lần thứ nhất đưa 07 người gồm: Phùng Công B. Dò Văn H, Chảo Văn C, Chảo Văn T, Nông Đức M, Lù Văn L và Phùng Công V cùng trú tại xã S, huyện Y, tỉnh Hà Giang đi bộ qua trạm Biên Phòng cửa khẩu P, huyện D, tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc giao cho M (người Trung Quốc). Lần thứ hai P đưa 08 người gồm: Lục Văn K, Lục Văn N cùng trú tại thôn N, xã D, huyện Y; Lù A S, Mùng A S, Mùng A D, Mùng Văn V, Vàng Thị R cùng trú tại thôn B, xã D, huyện Y và Hoàng Văn P trú tại thôn B, xã S, huyện Y đi bộ vượt biên qua Mốc 403 thuộc địa phận xã X, huyện D, tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc giao cho M (người Trung Quốc). Phàn Giàng P được M trả cho 1.000NDT (Một ngàn nhân dân tệ) tiền công đưa người sang làm thuê và tiền xe cho những người đi sang làm thuê cho M.
[2] Hành vi phạm tội của bị cáo Phàn Giàng P là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động quản lý của Nhà nước về lĩnh vực xuất nhập cảnh, xâm hại đến trật tự về an ninh biên giới. Hành vi của bị cáo đã cấu thànhtội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 275 của Bộ luật hình sự. Chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 17/02/2016 đến ngày 28/02/2016 bị cáo Phàn Giàng P đã 02 lần tổ chức cho 15 người trốn sang Trung Quốc, như vậy bị cáo phạm tội thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần được quy định tại khoản 2 Điều 275 của BLHS, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố theo khoản 2 Điều 275 của BLHS là đúng người, đúng tội.
[3] Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo biết rõ việc tổ chức người khác ra nước ngoài khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật, bị cáo cũng biết việc tổ chức xuất khẩu lao động phải do các cơ quan tổ chức được Nhà nước cấp phép thực hiện. Nhưng do hám lời, muốn được hưởng khoản tiền công lao động cao nếu đưa được người khác đi làm, nên bị cáo đã bất chấp quy định của nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cũng như quy định của nhà nước về xuất khẩu lao động đưa 15 người trốn sang Trung quốc làm thuê. Do đó cần xử lý nghiêm minh, buộc bị cáo phải cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, có như vậy mới cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người lương thiện biết chấp hành pháp luật, đồng thời góp phần đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm này đang xảy ra rất phức tạp trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Hà Giang nói riêng. Tuy nhiên khi xem xét mức hình phạt đối với bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Mục đích của bị cáo tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài là để được hưởng mức tiền công lao động cao hơn; những người được bị cáo tổ chức trốn ra nước ngoài đều là người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Sau một thời gian làm thuê ở Trung Quốc toàn bộ 15 người mà bị cáo đưa sang Trung Quốc đều đã trở về, hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn. Trong quá trình điều tra vụ án cũng như tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, do đó cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm g, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 và Điều 47 của BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Khoản 2 Điều 349 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm tù, nhẹ hơn hình phạt quy định tại khoản 2 Điếu 275 của BLHS năm 1999 ( phạt tù từ 05 năm đến 12 năm), vì vậy cần áp dụng thêm điểm h khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.
[4] Về hành vi xuất nhập cảnh trái phép của bị cáo đã bị Công an tỉnh Hà Giang xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo, nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[5] Đối với Chảo Khái T, sinh năm 1970, trú tại thôn Bản Ruồng, xã S, huyện Y có hai lần được đi cùng Phàn Giàng P đưa người đi làm bên Trung Quốc, T chỉ đến khu vực biên giới là để lấy tiền ứng cho 2 con trai là Chảo Văn C, Chảo Văn T, sau đó có 6 người cùng thôn biết thông tin và có nhu cầu đi làm nên nhờ Tờ liên lạc với Phàn Giàng P, T không được M, P hứa hẹn, hưởng lợi gì. Do đó cơ quan tiến hành tố tụng không xử lý đối với Chảo Khái T.
[7] Đối với đối tượng tên M là người Trung Quốc, giữ vai trò chủ mưu. Do Phàn Giàng P chỉ biết tên, chỉ nghe M nói nhà ở xã M, huyện M, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc chứ P cũng không biết họ tên đầy đủ, tuổi, địa chỉ cụ thể của M. Do vậy Cơ quan An ninh điều tra không có đủ thông tin, điều kiện để xác minh, làm rõ, cũng như có hình thức xử lý đối với M.
[8] Bị cáo còn phải chịu án phí theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Bị cáo Phàn Giàng P ( tên gọi khác Phàn Quẩy Q) phạm tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
2. Hình phạt: Áp dụng khoản 2 Điều 275; các điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm h khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội Xử phạt bị cáo Phàn Giàng P 3 ( ba ) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam ( 29/3/2017).
3. Án phí: Căn cứ Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự; Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Buộc bị cáo Phàn Giàng P phải nộp 200.000 đồng án phí HSST.
Báo cho bị cáo Phàn Giàng P biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 28/2017/HSST ngày 24/07/2017 về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài
Số hiệu: | 28/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!