TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 28/2017/HSST NGÀY 08/12/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 08 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 29/2017/HSST ngày 08 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Trịnh Văn H1, sinh năm 1969 tại huyện T, tỉnh Thanh Hóa; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú xóm T, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; chỗ ở trước khi bị bắt khu 1B, phường A, thị xã T, tỉnh Bình Dương; trình độ văn hóa 5/10; nghề nghiệp lao động tự do; con ông Trịnh Văn T và bà Trần Thị T (đều đã chết); có vợ Trần Thị N và có 02 con đã trưởng thành; không có tiền án, tiền sự. Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 25/8/2017 đến ngày 01/9/2017 thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (Có mặt).
* Người bị hại: Ông Trần Văn D, sinh năm 1926.
Trú tại: Xóm 10, xã H, huyện K, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt:
1. Ông Trịnh Duy H2, sinh năm 1960.
Trú tại: Xóm T, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
2. Ông Nguyễn Đình S1, sinh năm 1968.
Trú tại: Xóm P, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
3. Bà Trần Thị N1, sinh năm 1972.
Đăng ký nhân khẩu thường trú: Xóm T, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa. Chỗ ở hiện nay: Khu 1B, phường A, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
4. Ông Trịnh Duy M, sinh năm 1975.
Trú tại: Xóm 21, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
NHẬN THẤY
Bị cáo Trịnh Văn H1 bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Trịnh Văn H1, Trịnh Duy H2 và Nguyễn Đình S1 đều trú tại xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa có mối quan hệ quen biết nhau từ trước. Tháng 8 năm 1998, Trịnh Duy H2 đến nhà ông Trần Văn D trú tại xóm 10, xã H, huyện K, tỉnh Ninh Bình tự giới thiệu tên là N2 quê ở huyện B, tỉnh Thanh Hóa và H2 đã tạo lòng tin với ông D bằng việc cho ông D lạng cao, chai mật ong. Khi đã gây được lòng tin, H2 về xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa bàn với Nguyễn Đình S1 và Trịnh Văn H1 về việc lừa ông D để chiếm đoạt tài sản của ông D. Sau đó cả ba người thống nhất, H2 đem con trăn gửi ông D bán hộ với giá 500.000 đồng, sau đó S1 đến mua với giá cao hơn để ông D lãi khoảng 100.000 đồng nhằm tiếp tục tạo lòng tin với ông D.
Tháng 8/2000, H2 mang 01 con trăn đến nhà ông D chào bán cho ông D nhưng ông D không mua, H2 liền nhờ ông D bán hộ con trăn với giá 500.000 đồng, sau đó H2 điện thoại cho S1 thông báo địa chỉ nhà ông D. Sau khi nhận điện thoại của H2, S1 điều khiển xe mô tô (không rõ biển kiểm soát) đến nhà ông D hỏi mua con trăn và trả giá 80.000 đồng/01 kg trăn rừng, ông D cân con trăn được 7 kg, tính thành tiền là 560.000 đồng. Sau khi mua con trăn, S1 tự giới thiệu tên là L ở Hà Nội chuyên đi mua trăn, rắn, ba ba và xương thú rừng các loại đồng thời S cho ông D số điện thoại 04.8.732882 và số điện thoại di động là 0915432471 để liên hệ. Khi S1 đi khỏi nhà ông D thì H2 đến, ông D đưa cho H2 số tiền 560.000 đồng tiền vừa bán con trăn, H2 đưa lại cho ông D 60.000 đồng, sau đó về Thanh Hóa gặp S1, H2 đưa 500.000 đồng cho S1, S1 bảo mấy hôm nữa đem xương hổ giả ra bán cho ông D.
Hai ngày sau, S1 điện thoại cho H2 hẹn gặp nhau tại thành phố T để đi bán xương hổ giả. Khi đến thành phố T, H2 gặp S1 và H1, tại đây S1 đưa cho H2 01 bộ xương và nói với H2 đem bộ xương đến nhà ông D nói đó là xương hổ và nhờ ông D bán hộ với giá 5.600.000 đồng, nếu bán được thì H2 cho ông D 500.000 đồng. Khoảng 17 giờ cùng ngày H2 mang bộ xương hổ giả đến nhà ông D nhờ ông D bán hộ, ông D đã điện thoại cho S nói có hàng. Sáng hôm sau S1 điều khiển xe mô tô (không rõ biển kiểm soát) đến nhà ông D xem hàng rồi giả vờ xác nhận bộ xương mà H2 đem đến là xương hổ thật đồng thời trả giá 1.500.000 đồng/01kg, ông D cân bộ xương hổ được 4 kg, S trả ông D 5.600.000 đồng rồi gói bộ xương vào bao xác rắn dùng băng dính lại và nói dối ông D là S1 phải đi thành phố V mua hàng nên xin gửi bộ xương tại nhà ông D. Sau đó S1 về Thanh Hóa đợi H2. Khi đến nhà ông D, ông D đưa cho H2 5.600.000 đồng tiền bán xương hổ giả, H2 cho ông D 600.000 đồng rồi về Thanh Hóa gặp và đưa cho S1 số tiền 5.000.000 đồng, S1 nói với H2 lần sau đi sẽ báo cho H2 biết trước.
Ba ngày sau S1 và H1 về xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa gặp H2 để bàn nhau mang sừng Tê giác giả ra bán cho ông D. Cả ba thống nhất H1 và H2 trực tiếp mang sừng Tê giác giả ra nhờ ông D bán hộ, còn S ở bến xe Thanh Hóa đợi điện thoại của ông D. Khi H1 và H2 mang sừng Tê giác giả đến nhà ông D, H2 tự giới thiệu H1 là con trưởng bản có nhiều lâm sản quý hiếm rồi cả hai ăn cơm cùng gia đình ông D và ở lại chờ S1. Khoảng 19 giờ cùng ngày anh Trần Văn T (con trai ông D) gọi điện thoại cho S1 theo số điện thoại S1 đã cho ông D từ trước, anh T nói với S1 đến để xem hàng. Theo đúng kế hoạch của H1, H2 và S1 đã bàn nhau từ trước, sáng hôm sau S1 điều khiển xe mô tô (không rõ biển kiểm soát) đến nhà ông D, H1 và H2 lánh mặt xuống thuyền nhà ông D để S1 thực hiện kế hoạch lừa ông D. Tại nhà ông D, S1 cầm sừng Tê giác giả, bỏ vào cốc một ít bột viên C sủi đã được nghiền sẵn từ trước và đổ nước vào giả vờ thử. Ông D xem thấy sủi bọt, S1 nói với ông D đây là sừng Tê giác tốt, ông D cân lên được 0,24kg, S1 trả giá 80.000.000 đồng, ông D đồng ý bán. S1 nói dối ông D đang đi mua hàng không mang đủ tiền chỉ còn 5.000.000 đồng xin đặt cọc cho ông D và hẹn 4 - 5 ngày sau quay lại trả hết tiền và lấy hàng nhưng ông D không nhận tiền đặt cọc của S1. Sau khi S1 rời nhà ông D về Thanh Hóa thì H1 và H2 từ thuyền nhà ông D lên nói dối ông D là “ông trưởng bản chỉ cho mang sừng Tê giác đi có một ngày, nếu không bán được phải cầm sừng Tê giác về”. Ông D tưởng thật, sợ H1 và H2 không bán sừng Tê giác nữa nên đã đi vay 10.000.000 đồng đưa cho H2 để được giữ lại sừng Tê giác bán hộ kiếm lời. H2 và H1 đồng ý nhưng yêu cầu anh Phùng Văn S2 (con rể ông D) thay mặt gia đình viết giấy biên nhận với nội dung mua sừng Tê giác với giá 60.000.000 đồng, trả trước 10.000.000 đồng, số tiền còn lại 4 – 5 ngày sau trả nốt. Nhận 10.000.000 đồng xong, H1 và H2 đi về Thanh Hóa gặp S1 chia nhau hết số tiền trên.
Sau khi sự việc xảy ra, biết bị lừa dối hơn nữa số xương hổ giả và sừng Tê giác giả bốc mùi hôi thối, ông D đã vất xuống sông gần nhà và đã đến cơ quan công an trình báo, cơ quan điều tra không thu hồi được số tang vật nêu trên.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội Trịnh Văn H1 đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 23/12/2002 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn H1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự và ngày 25/12/2002 ra Quyết định truy nã đối với Trịnh Văn H1. Ngày 08/4/2003 hết thời hạn điều tra, bị can H1 vẫn đang bỏ trốn nên cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Trịnh Văn H1.
Ngày 25/8/2017 Trịnh Văn H1 bị bắt theo Lệnh truy nã khi đang lẩn trốn tại khu 1B, phường A,thị xã T, tỉnh Bình Dương. Ngày 01/9/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh NinhBình phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đối với Trịnh Văn H1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại thời điểm năm 2002 và năm 2003 do H1 bỏ trốn, căn cứ lý lịch do Ủy ban nhân dân xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa cung cấp, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố bị can và truy nã Trịnh Văn H1 có năm sinh là năm 1971. Sau khi Trịnh Văn H1 bị bắt, qua điều tra xác minh thì Trịnh Văn H1 có năm sinh là năm 1969. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã trưng cầu giám định dấu vân tay trên danh, chỉ bản và 02 tờ khai làm chứng minh thư nhân dân được lưu trữ tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa để xác định lý lịch căn cước, năm sinh thật của Trịnh Văn Hào.
Tại bản kết luận giám định số 22/KLGĐ – PC54 – ĐV ngày 31/8/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kết luận: “Các dấu vân tay in tại ô ngón trỏ phải và ngón trỏ trái trên danh bản, chỉ bản ghi số 094 ghi tên Trịnh Văn H1, sinh năm 1971 ký hiệu A1 so với dấu vân tay in tại các ô tương ứng trên tờ khai chứng minh nhân dân ghi tên Trịnh Văn H1 sinh ngày 05/10/1969 ký hiệu A2, A3 là vân tay của cùng một người”.
Tại bản cáo trạng số 25/CT – VKS ngày 08/11/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố bị cáo Trịnh Văn H1 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa bị cáo Trịnh Văn H1 đã khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với nội dung bản cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố. Bị cáo thừa nhận năm 2000 đã cùng với Nguyễn Đình S1, Trịnh Duy H2 dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt của ông Trần Văn D số tiền 10.000.000 đồng. Sau khi bị phát hiện bị cáo cùng với Trịnh Duy H2 và Nguyễn Đình S1 hoàn trả lại số tiền 10.000.000 đồng cho ông Trần Văn D. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố bị cáo với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội. Bị cáo H1 rất ăn năn hối hận đã nộp hơn 3 triệu đồng để trả cho người bị hại sau khi sự việc xảy ra bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và xin cải tạo tại địa phương vì hiện nay hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, bản thân đang bị bệnh tiểu đường và viêm gan C điều trị từ năm 2016 đến nay.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình giữ nguyên quan điểm như bản cáo trạng số 25/CT – VKS ngày 08/11/2017 đã truy tố bị cáo Trịnh Văn H1. Sau khi phân tích đánh giá tính chất của vụ án, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Trịnh Văn H1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 139; các điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Trịnh Văn H1 từ 24 tháng đến 30 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án được trừ 07 ngày tạm giữ từ ngày 25/8/2017 đến ngày 01/9/2017, bị cáo H1 phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Trách nhiệm dân sự: Năm 2002 Nguyễn Đình S1, Trịnh Văn H2 và Trịnh Văn H1 đã bồi thường số tiền 10.000.000 đồng cho ông Trần Văn D. Đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn D, chị Nguyễn Thị C đã nhận lại số tiền ngày 28/3/2002 nên không xem xét về phần trách nhiệm dân sự.
Bị cáo H1 không tranh luận về hành vi phạm tội chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được cải tạo tại địa phương.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Trịnh Văn H1 thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố đối với bị cáo. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của chính bị cáo tại Cơ quan điều tra, lời khai của người bị hại, lời khai của Trịnh Duy H2, Nguyễn Đình S1, người làm chứng và tài liệu chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra có đủ cơ sở kết luận:
Khoảng tháng 8 năm 2000 Trịnh Duy H2 là người khởi xướng tạo niềm tin đối với ông Trần Văn D. Sau đó cùng với Nguyễn Đình S1 và Trịnh Văn H1 bàn bạc, phân công vai trò, thống nhất cách thức phương án thực hiện tội phạm dùng thủ đoạn gian dối trong việc bán xương hổ và sừng tê giác giả làm cho ông Trần Văn D tin tưởng đó là sừng tê giác thật để chiếm đoạt số tiền 10.000.000 đồng là phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc trường hợp có tổ chức, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Trịnh Văn H1 là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật nhưng khi được Trịnh Duy H2 rủ rê đã đồng ý theo sự phân công của H2 tự nhận mình là con trưởng bản để H2 và S1 lừa ông D chiếm đoạt 10 triệu đồng. H2 khai đã chia cho H1 1.500.000 đồng. Hành vi của Trịnh Văn H1 là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện do lỗi cố ý, đã xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ là quyền sở hữu của công dân nên cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố bị cáo Trịnh Văn H1 ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình để xét xử về tội danh và điều luật như đã nêu ở trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Văn H1 là nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương do vậy cần phải xử lý bị cáo nghiêm minh trước pháp luật để giáo dục cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội. Trong vụ án này Trịnh Duy H2 và Nguyễn Đình S1 là người giữ vai trò chính trong vụ án và phạm tội nhiều lần. Nguyễn Đình S1 đã bị xét xử tại bản án số 50/HSST ngày 14/6/2002 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình với mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng. Trịnh Duy H2 đã bị xét xử tại bản án số30/HSST ngày 9/4/2003 với mức án 15 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thửthách 30 tháng.
Xét thấy Trịnh Văn H1 tham gia trong đồng phạm với vai trò giúp sức nên được xếp vai trò cuối và phải chịu trách nhiệm thấp hơn mức án của H2 và S1. Sau khi vụ việc bị phát hiện bị cáo đã bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra. Bị cáo bị bắt theo Lệnh truy nã khi đang lẩn trốn tại khu 1B, phường A, thị xã T, tỉnh Bình Dương vì vậy cần phải xử phạt bị cáo bằng loại hình phạt tù có thời hạn để giáo dục chính bản thân bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
Tuy nhiên khi lượng hình Hội đồng xét xử có xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo đó là trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; khi bị phát hiện ra hành vi phạm tội bị cáo cùng với Trịnh Duy H2 và Nguyễn Đình S1 đã bồi thường toàn bộ số tiền 10.000.000 đồng cho ông Trần Văn D; nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị cáo đang mắc bệnh đái tháo đường và viêm gan C (có sổ khám bệnh, Phiếu khám và điều trị bại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương tháng 3/2016) đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Bị cáo tham gia trong đồng phạm ở vai trò thứ yếu nên được áp dụng Điều 20; Điều 53; Điều 47 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt và để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Xét bị cáo H1 có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa nên không cần thiết bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù mà cần áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 cho bị cáo được hưởng án treo. Giao bị cáo cho chính quyền địa phương cùng gia đình giám sát giáo dục cũng đủ để cải tạo bị cáo thành người lương thiện, có ích cho xã hội đồng thời thể hiện rõ tính chất khoan hồng của pháp luật.
Về trách nhiệm dân sự: Năm 2002 Nguyễn Đình S1, Trịnh Duy H2 và Trịnh Văn H1 đã bồi thường số tiền 10.000.000 đồng cho ông Trần Văn D. Đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn D, chị Nguyễn Thị C đã nhận đủ (bút lục 210) và không yêu cầu gì khác. Tuy bị cáo H1 chỉ được chia số tiền 1.500.000 đồng sau khi hành vi bị phát hiện bị cáo đã nộp lại số tiền 3.300.000 đồng để bồi thường nhưng tại phiên tòa bị cáo cũng không có yêu cầu gì đối với việc yêu cầu xác định lại trách nhiệm bồi thường của các bị cáo. Do vậy Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
Liên quan đến quá trình bỏ trốn của bị cáo Trịnh Văn H1 theo tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 09/4/2011 ông Trịnh Duy M, sinh năm 1975 khi đó là Trưởng công an xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa đã ký xác nhận, đóng dấu tại Biên bản xác minh đối tượng truy nã Trịnh Văn H1 do ông Trần Đức H3 (cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Ninh Bình) lập tại xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 20/8/2015, ông Trịnh Duy M vẫn danh nghĩa Trưởng công an xã X đã trực tiếp viết hộ và ký xác nhận, đóng dấu Công an xã vào Đơn đề nghị cấp chứng minh thư nhân dân cho Trịnh Văn H1 để sử dụng làm chứng minh thư nhân dân mới tại Công an huyện T, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên căn cứ tài liệu điều tra không đủ căn cứ để xử lý đối với ông Trịnh Duy M về tội “Che giấu tội phạm” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đề nghị Công an huyện T, tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban nhân dân xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với ông Trịnh Duy M là đúng quy định của pháp luật.
Đối với bà Trần Thị N là vợ bị cáo Trịnh Văn H1 trong quá trình bị cáo trốn Lệnh truy nã của Công an tỉnh Ninh Bình đã cùng với gia đình sinh sống tại khu 1B, phường A, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Nhưng bà N không biết bị cáo H1 có Lệnh truy nã. Mặt khác theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, vợ, con … của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác tội phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của bị cáo H1 là tội nghiêm trọng nên bà N không bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm” là đúng quy định của pháp luật. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính đối với hành vi của bà Trần Thị N.
Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Trịnh Văn H1 phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Trịnh Văn H1 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 139; Điều 20; Điều 53; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Trịnh Văn H1 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 (Hai tư) tháng, thời hạn thử thách tính từ ngày 08/12/2017; giao bị cáo H1 cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách; gia đình bị cáo H1 có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
2. Án phí hình sự sơ thẩm: áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí và lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Trịnh Văn H1 phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm công khai bị cáo có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 08/12/2017. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 28/2017/HSST ngày 08/12/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 28/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 08/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về