Bản án 281/2018/HS-PT ngày 23/05/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 281/2018/HS-PT NGÀY 23/05/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 23 tháng 5 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 110/2018/TLPT-HS ngày 23 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Kiều P do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2018/HS-ST ngày 11 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Kiều P, sinh năm 1969; nơi cư trú: phường X, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu; nghề nghiệp: Nguyên giám đốc Doanh nghiệp tư nhân T; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Chí D, sinh năm 1945 và bà Lâm Thị Đ, sinh năm 1949; có chồng tên Ngô Hà N, sinh năm 1964; có 02 con, lớn sinh năm 1995 và nhỏ sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: Chưa có án tích; bị bắt tạm giam từ ngày 25/7/2013 cho đến nay (có mặt).

- Người bào chữa chỉ định cho bị cáo: Luật sư Vưu Tấn T – thuộc Văn phòng luật sư Vưu Tấn T – Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

- Nguyên đơn dân sự: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn C; chức vụ: Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh thành phố B (theo văn bản ủy quyền số 40/GUQ ngày 26/12/2017 – có mặt). Địa chỉ: đường Trần H, phường X1, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Nguyễn Phú H, sinh năm 1963, Địa chỉ: đường Trần Văn Ơ, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (có đơn xin xét xử vắng mặt).

2. Ông Huỳnh Quốc P1, sinh năm 1978, Địa chỉ: đường Nguyễn H, phường X2, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (có đơn xin xét xử vắng mặt).

3. Ông Đỗ Thanh K, sinh năm 1963, Địa chỉ: phường X3, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (có mặt). Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông K: Luật sư Lý Kim P2, thuộc Công ty luật hợp danh Tạ Nguyệt T – Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

4. Ông Ngô Hà N, sinh năm 1964, Địa chỉ: phường X, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Nguyễn Kiều P là giám đốc Doanh nghiệp tư nhân T theo giấy phép kinh doanh số 1900351041, trụ sở đặt tại số: Phường X, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu. Ngày 25/5/2009, bị cáo đã ký hợp đồng tín dụng số 065/09/F1/HĐTD với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) để vay số tiền 3.500.000.000đ, lãi suất 10,5%/năm, thời hạn vay 60 tháng, mục đích vay phục vụ kinh doanh, để đảm bảo cho khoản vay bị cáo ký hợp đồng thế chấp tài sản số 065/09/F1/HĐTC thế chấp 01 chiếc sà lan biển số BL-6878 cho Ngân hàng.

Ngày 20/3/2011, bị cáo tự ý bán sà lan biển số BL-6878 cho Nguyễn Văn P3 với giá 2.380.000.000đ nhưng không có sự đồng ý của Ngân hàng, ông P3 đưa trước cho bị cáo 1.145.464.000đ, còn nợ lại số tiền 1.234.536.000đ, bị cáo sử dụng số tiền 1.145.464.000đ trả cho ông Nguyễn Minh Đ2 300.000.000đ, trả ông S 50.000.000đ, trả cho ông Nguyễn Ngọc Em 200.000đ để chuộc xe ô tô 94M-3129, trả Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện V 194.939.375đ, trả Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B 314.877.365đ và cho bà Lê Thị H1 vay số tiền 85.647.682đ.

Tính đến ngày 29/11/2011 bị cáo còn nợ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B số tiền 2.197.529.176đ (gốc 1.925.000.000đ, lãi 272.592.176đ), ngày 29/11/2011 bị cáo làm thủ tục tất toán hợp đồng tín dụng 065/09/F1/HĐTD, đồng thời thỏa thuận ký hợp đồng tín dụng số 083/11/F1/HĐTD để vay số tiền 2.300.000.000đ và hợp đồng thế chấp số 083/11/F1/HĐTC thế chấp 01 chiếc sà lan biển số BL-6878 với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B, phương thức vay của hợp đồng tín dụng 083/11/F1/HĐTD theo hạn mức tín dụng, trả lãi hàng tháng, trả vốn theo thỏa thuận, thời hạn vay 12 tháng, mục đích vay mua cát và chi phí vận chuyển.

Trước khi ký hợp đồng 083/11/F1/HĐTD và hợp đồng thế chấp tài sản số 083/11/F1/HĐTC Ngân hàng yêu cầu bị cáo đưa chiếc sà lan biển số BL-6878 là tài sản thế chấp để Ngân hàng tổ chức kiểm tra, thẩm định, định giá thì bị cáo nói dối chiếc sà lan đang vận chuyển hàng đi Campuchia, khi nào sà lan về sẽ cho ngân hàng kiểm tra, thẩm định, tái thẩm định, nhưng thực ra bị cáo đã bán sà lan cho ông Nguyễn Văn P3 ngày 20/3/2011 và bị cáo đã nhận một phần tiền của ông P3. Do tin tưởng bị cáo là khách hàng của Ngân hàng, nên ông P1 là cán bộ tín dụng, ông K trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng không kiểm tra thẩm định, tái thẩm định tài sản thế chấp và cũng không biết việc bị cáo đã bán sà lan cho ông Nguyễn Văn P3, thể hiện tại các biên ban lam viêc ngay 29/9/2011, 06/11/2011, 29/01/2012, 16/2/2012, 16/4/2012 va ngày 14/3/2012.

Quá trình điều tra xác định nguồn gốc chiếc sà lan biển số BL-6878 do bị cáo mua của ông Lê T1 theo hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT.2009 về việc mua 01 chiếc sà lan biển số CT-04979 của ông Lê Văn T1, với giá 6.200.000.000đ, bị cáo trả trước 1.860.000.000đ, còn 4.340.000.000 đồng, bị cáo thanh toán trong thời hạn 30 ngày. Đến ngày 18/5/2009 ông T1 và bị cáo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng kinh tế về việc mua, bán sà lan nêu trên và bị cáo tiếp tục ký hợp đồng kinh tế số 29/HĐKT.2009 về việc mua 01 chiếc sà lan biển số CT-04979 của ông T1 với giá 1.450.000.000đ tại phòng công chứng số 1 thành phố Cần Thơ, sau đó bị cáo đi làm thủ tục hồ sơ đăng ký sang tên trước bạ tại Sở giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu, được cấp biển số sà lan BL-6878 để chấp cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B để vay số tiền 3.500.000.000đ, khi vay được tiền bị cáo giao cho vợ chồng ông Lê Văn T1, sinh 1969, ngụ phường A, Quận N, thành phố Cần Thơ mượn, sau đó ông Lê Văn T1 chỉ trả tiền cho Nguyễn Kiều P số tiền 1.059.400.000đ (trong đó chuyển khoản cho Phương 1.000.200.000đ, trực tiếp giao 59.200.000đ) để bị cáo trả tiền lãi ngân hàng. Đến ngày 18/3/2011, ông T1 không còn khả năng thanh toán. Hiện nay, ông Lê Văn T1 còn nợ bị cáo số tiền 1.051.308.610đ.

Trong quá trình điều tra ông Ngô Hà N đã nộp số tiền 30.000.000đ, ông Lê Văn T1 nộp 200.000.000đ cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B để khắc phục hậu quả. Ngân hàng yêu cầu bị cáo giao trả số tiền vốn 2.070.000.000đ và tiền lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký.

Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng thu giữ của bị cáo 01 giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ đa năng số 9704060921173591 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 9704050619223402 mang tên Ngô Hà N, 01 thẻ ATM số 9704050616308446 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 4862830000226737 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 4862830000239102 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 6201600543604715 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 9704366801368694011 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 9704193100466641 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ ATM số 9704310004039924 mang tên Nguyễn Kiều P, 01 thẻ thanh toán Plus số 9704030092040630, 01 con dấu Doanh Nghiệp tư nhân T, 01 con dấu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên san lấp và nạo vét Thuận Phát; 01 điện thoại di động đã qua sử dụng, màu đen, hiệu Connspeed, Model: AS 129; IMEL 862617010129995. Đây là tài sản cá nhân của bị cáo, không liên quan đến vụ án nên cho bị cáo nhận lại toàn bộ (Hiện nay đã giao cho Cục Thi hành án tỉnh Bạc Liêu quản lý theo biên bản giao nhận ngày 12/3/2014).

Đối với hành vi của bị cáo vay tiền tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện V, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-KSĐT-KT ngày 19/7/2017 đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Kiều P về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nên không đề cập xử lý.

Đối với bà Lê Thị H1, sinh 1972 ngụ xã Q, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông đã vay bị cáo với tổng số tiền 119.000.000đ, hiện nay bà H1 đã thanh toán xong cho bị cáo.

Đối với Nguyễn Văn P3, sinh 1968 ngụ phường A, Quận X3, thành phố Hồ Chí Minh: Sau khi mua sà lan BL-6878 của bị cáo, P3 đã thanh toán cho bị cáo 1.145.464.000đ, Phước còn nợ bị cáo 1.234.563.000đ và P3 còn trực tiếp nhận sà lan biển số BL-7877 của bà Trần Kim X mua của bị cáo để sử dụng trong hoạt động kinh doanh, nhưng P3 đã bán 02 sà lan này cho Trương Công T2 và Bùi Văn Đ3 để cắt lấy sắt bán phế liệu, không thu hồi được 02 chiếc sà lan nên P3, Đ3 bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 của Bộ luật Hình sự và bị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xử phạt P3 18 năm tù, Đ3 14 năm tù và buộc Phước bồi thường cho bị cáo số tiền 1.355.000.000đ.

Đối với bà Trần Kim X, sinh 1954 ngụ ấp B, huyện B1, tỉnh An Giang: Sau khi mua sà lan biển số BL-7877 của bị cáo, đã thanh toán 1.095.550.000đ (trả bị cáo 1.080.550.000đ, trả ông N chồng của bị cáo sau ngày khởi tố 15.000.000đ). X còn nợ bị cáo 2.904.450.000đ. Khi mua sà lan của bị cáo, X bàn giao chiếc sà lan này cho Nguyễn Văn P3 để sử dụng trong hoạt động kinh doanh, nhưng P3 đã bán sà lan cho Trương Công T2 và Bùi Văn Đ3 để cắt lấy sắt bán phế liệu, không thu hồi được chiếc sà lan. Khi mua sà lan X không biết tài sản này đang thế chấp Ngân hàng. Tại bản án số: 79/2013/HSST ngày 03/10/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã xét xử công nhận sự tự nguyện của bà X bồi thường cho Nguyễn Kiều P số tiền 2.630.250.000đ .

Đối với ông Ngô Hà N, là chồng của bị cáo có tham gia cùng bị cáo ký hợp đồng thế chấp 01 sà lan BL-6878 với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tại thành phố B để vay 2.300.000.000đ, đến khi bán sà lan cho Phước, không có sự đồng ý của Ngân hàng, ông N có khuyên ngăn nhưng bị cáo vẫn bán. Do đó, không có căn cứ để xác định ông N cùng thực hiện hành vi phạm tội với bị cáo nên không đề cập xử lý.

Đối với hành vi của ông Nguyễn Phú H, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh thành phố B, ông Đỗ Thanh K, Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh và ông Huỳnh Thanh P1, cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố B tách ra để tiếp tục điều tra, bổ sung chứng cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 04/2018/HSST ngày 11/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định:

Căn cứ vào các Điều 254, 260 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Kiều P phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

2. Áp dụng điêm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm i khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Nguyễn Kiều P 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hanh hình phat tù được tính từ ngày 25/7/2013.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 16/01/2018, bị cáo Nguyễn Kiều P có đơn kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi kháng cáo, yêu cầu xem xét bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền của Ngân hàng nên xin giảm hình phạt.

Ý kiến của Kiểm sát viên đánh giá tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự là có căn cứ, xử phạt bị cáo 12 năm tù là thỏa đáng. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo P và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo ý kiến cho rằng, nguyên nhân bị cáo phạm tội cũng do tên P3 lừa dối chiếm đoạt tài sản của bị cáo nên nhất thời phạm tội, bị cáo đã tích cực hết khả năng để khắc phục hậu quả, thực tế bị cáo cũng không có tiêu xài tiền của Ngân hàng đối với hợp đồng số 083 mà chỉ nhận và thanh toán tất toán đối với hợp đồng số 065. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt.

Người bảo vệ quyền lợi cho ông K ý kiến cho rằng việc cho vay thực tế trong 2 hợp đồng 065 và 083 ông K không có làm sai, chỉ vì tin tưởng khách hàng mà thiếu kiên quyết để thẩm tra ngay tài sản thế chấp mà thôi, việc này theo quy định của Ngân hàng nhà nước cũng cho phép nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho ông K.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Kiều P đã khai nhận hành vi đúng như bản án sơ thẩm nêu. Bị cáo chỉ kháng cáo cho rằng mình không có ý chiếm đoạt tiền của Ngân hàng mà bị cáo vay tiền hợp đồng sau và thanh toán lại liền cho Ngân hàng để tất toán hợp đồng trước, nên đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai của nguyên đơn dân sự và những người liên quan, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập có trong hồ sơ, có căn cứ xác định:

[2] Ngày 25/5/2009, bị cáo ký hợp đồng tín dụng số 065/09/F1/HĐTD vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh thành phố B số tiền 3.500.000.000 đồng, lãi suất 10,5%/năm, thời hạn vay 60 tháng, mục đích vay kinh doanh. Cùng ngày bị cáo ký hợp đồng thế chấp tài sản số 065/09/F1/HĐTC với Ngân hàng, tài sản thế chấp là chiếc sà lan BL – 6878 để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, đến ngày 20/3/2011 bị cáo tự ý bán chiếc sà lan (là tài sản thế chấp) cho ông Nguyễn Văn P3 mà không có ý kiến của Ngân hàng. Tính đến ngày 29/11/2011 dư nợ của hợp đồng tín dụng số 065 là 2.197.259.176 đồng không còn khả năng thanh toán nữa. Bị cáo lại tiếp tục quan hệ với cán bộ Ngân hàng xin ký hợp đồng tín dụng số 083/11/F1/HĐTD ngày 30/11/2011 để vay số tiền 2.300.000.000 đồng, đồng thời ký hợp đồng thế chấp số 083/11/F1/HĐTC tài sản thế chấp vẫn là chiếc sà lan BL – 6878, cán bộ Ngân hàng có yêu cầu thẩm định lại tài sản thì bị cáo nói dối rằng sà lan đang vận hành ở Campuchia, khi về sẽ thẩm định sau nhưng thực chất là đã bán cho ông P3 mà không nói cho phía Ngân hàng biết. Vì tin tưởng khách hàng thân quen nên phía Ngân hàng đồng ý giải ngân, bị cáo nhận tiền và thanh toán tất toán nợ quá hạn của hợp đồng số 065. Số tiền bị cáo nhận theo hợp đồng số 083 đến nay không còn khả năng thanh toán.

[3] Xét thấy, vì thiếu nợ Ngân hàng không khả năng thanh toán, trong khi tài sản thế chấp bị cáo đã lén bán cho người khác không còn, bị cáo lợi dụng là khách hàng thân quen ký tiếp hợp đồng tín dụng số 083 vay 2,3 tỷ đồng vẫn thế chấp tài sản của hợp đồng trước đã bán mà không cho phía Ngân hàng biết, cán bộ Ngân hàng có yêu cầu thẩm định lại thì bị cáo nói dối sà lan đang vận hành sẽ thẩm định sau, làm cho Ngân hàng tin và đồng ý giải ngân cho bị cáo nhận tiền, hiện nay đối với hợp đồng này bị cáo không còn khả năng thanh toán, cũng không có tài sản bảo đảm. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật. Việc bị cáo chi tiêu số tiền đã nhận từ Ngân hàng như thế nào không có ý nghĩa định tội. Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để được vay tiền sử dụng mục đích cá nhân và hiện tại cũng không có khả năng trả, tội phạm đã hoàn thành từ khi ký nhận tiền. Do đó, lời biện hộ này của bị cáo không có căn cứ chấp nhận.

[4] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm, dùng thủ đoạn gian dối xâm phạm nghiêm trọng tài sản của người khác, ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động đúng đắn của Ngân hàng, mất trật tự trị an xã hội nên cần xử phạt thỏa đáng để răn đe giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Tòa án cấp sơ thẩm có xem xét các tình tiết như khai báo thành khẩn, hối cải; tự nguyện bán tài sản khắc phục một phần thiệt hại; bị cáo là con của gia đình có công với cách mạng là các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là đúng đắn, quyết định xử phạt bị cáo 12 năm tù. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm còn áp dụng tình tiết tăng nặng “xâm phạm tài sản của nhà nước” theo điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không phù hợp, bởi tình tiết tăng nặng này theo Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ, đây là trường hợp có lợi cho bị cáo nên được vận dụng khi xét  xử, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần sửa án sơ thẩm phần này cho phù hợp, vả lại số tiền bị cáo chiếm đoạt của Ngân hàng cũng nộp lại cho chính Ngân hàng liền trong ngày chứ không có tiêu xài cá nhân, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có thái độ tỏ rõ sự hối cải. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015) giảm cho bị cáo một phần hình phạt cũng có tác dụng răn đe giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; Áp dụng điêm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Kiều P. Sửa bản án sơ thẩm. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Kiều P phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Kiều P 10 (mười) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 25/7/2013. Quyết định tạm giam bị cáo Nguyễn Kiều P 45 ngày kể từ ngày tuyên án để đảm bảo việc thi hành án.

2. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Kiều P phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí dân sự sơ thẩm và nghĩa vụ chậm thi hành án không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

435
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 281/2018/HS-PT ngày 23/05/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:281/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:23/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về