TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 279/2018/LĐ-PT NGÀY 14/03/2018 VỀ TRANH CHẤP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 07 và 14 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm công khai xét xử vụ án lao động thụ lý số 108/2017/TLPT-LĐ ngày 25 tháng 12 năm 2017 về tranh chấp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 124/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 970/2018/QĐ-PT ngày 06 tháng 3 năm 2018, giữa:
- Nguyên đơn: Ông Trần Phong T, sinh năm 1978. (Có mặt) Địa chỉ: 21/6 khu O, thị xã D, tỉnh Bình Dương.
Địa chỉ liên lạc: 61/2B Khu dân cư O, phường I, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:
Luật sư Đinh Quang H- Công ty Luật TNHH S, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)
Địa chỉ: 83/52 đường V, phường P, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Công ty TNHH E.
Địa chỉ: Lô 8 – 9A Đường 4, Khu công nghiệp trong Khu chế xuất L, phường B, Quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật của bị đơn:
Ông Won Yu M – chức vụ: Phó Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
Bà Lê Hoài G, sinh năm 1978. (Có mặt)
Địa chỉ: 61/18 C đường N, Phường A, quận H, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền của Phó Tổng giám đốc - ông Won Yu M ngày 16/10/2017).
- Người kháng cáo: Công ty TNHH E – Bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn – ông Trần Phong T trình bày:
Ông vào làm việc tại Công ty TNHH E (Công ty) có ký hợp đồng lao động vào ngày 12/5/2006, ông làm việc tại Phòng Hành chánh – nhân sự, chức vụ quản lý. Trong quá trình làm việc, ông luôn chấp hành mọi quy định của Công ty TNHH E và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày 11/4/2014, giữa ông và Công ty xảy ra tranh chấp do Công ty yêu cầu ông giải quyết cho thôi việc 02 người lao động, ông không đồng ý vì vậy Công ty TNHH E ban hành Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 buộc thôi việc trái pháp luật đối với ông, dù áp dụng mọi biện pháp tìm việc nhưng ông vẫn chưa tìm được việc mới.
Nay, ông yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH E hủy Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 của Công ty TNHH E và nhận ông trở lại làm việc theo hợp đồng lao động; Trả lương những ngày ông không được làm việc tính từ ngày 11/4/2014 đến ngày 30/8/2017 là 40 tháng 19 ngày theo mức lương hợp đồng lao động nhưng ông chỉ yêu cầu tính theo mức lương 8.600.000 đồng/tháng, thành tiền là 350.284.615 đồng. Số tiền này chưa trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong trường hợp Công ty nhận ông T trở lại làm việc, ông không yêu cầu Công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông;
Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 17.200.000 đồng. Tổng số tiền ông T yêu cầu Công ty TNHH E bồi thường là 367.484.615 đồng.
Bị đơn – Công ty TNHH E có bà Lê Thị Hoài G đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty xác nhận có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Trần Phong T, chức vụ ông T đảm nhiệm là quản lý Phòng Hành chánh - nhân sự, mức lương 6.621.316 đồng/tháng, phụ cấp trách nhiệm 2.000.000 đồng/tháng. Vào ngày 11/4/2014, ông Trần Phong T có đơn xin thôi việc với lý do cần giải quyết việc gia đình, có chữ ký hợp lệ của ông T và Giám đốc. Sau khi xem xét đơn của ông T, Công ty đã tạo điều kiện giúp đỡ và chấp nhận ngay lập tức nhằm hỗ trợ cho ông T nên Công ty đã thanh toán mọi chế độ theo quy định. Vì vậy, hai bên thỏa thuận thanh toán để chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty đã thanh toán cho ông T những khoản: Trợ cấp thôi việc tính từ ngày 31/12/2008 đến ngày ông T nghỉ việc tương ứng với số tiền 12.931.974 đồng; 04 tháng lương cơ bản tương ứng với số tiền 26.485.264 đồng; 03 ngày phép năm tương ứng với số tiền 2.291.994 đồng và tiền lương, tổng cộng ông T nhận số tiền 62.664.713 đồng. Tiền bảo hiểm xã hội ông T đã nhận đầy đủ. Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông Trần Phong T mà căn cứ vào đơn xin thôi việc của ông T để giải quyết, vì vậy các chế độ Công ty trả cho ông T không thuộc trường hợp ông T bị buộc thôi việc. Công ty không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Phong T trình bày: Trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH E, ông T luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị Công ty lập biên bản vi phạm cũng như không bị xử lý kỷ luật trong quá trình làm việc. Đến ngày 11/4/2014, Công ty yêu cầu ông T giải quyết cho 02 người lao động trong Công ty nghỉ việc trái pháp luật nhưng ông T không thực hiện nên Công ty ban hành quyết định cho ông T thôi việc với lý do không đủ năng lực làm việc. Công ty ban hành Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 là trái quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012, Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước ít nhất 45 ngày cho ông Trần Phong T, trong ngày ban hành quyết định Công ty nhanh chóng giải quyết các chế độ cho ông T và cưỡng chế ông T rời khỏi Công ty ngay trong cùng một ngày, ông T không có thời gian bàn giao công việc.
Công ty cho rằng giải quyết cho ông T nghỉ việc theo đơn xin thôi việc của ông T nhưng ông T hoàn toàn không có nộp đơn xin thôi việc, Công ty có được đơn của ông T do Công ty tự ý lấy trong tủ làm việc của ông T sau khi ông nghỉ việc và đã hợp thức hóa đơn của ông T ghi cùng ngày ban hành quyết định thôi việc. Công ty không chứng minh được ông T nộp đơn xin thôi việc. Vì vậy, đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T .
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Đ phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm: Kể từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán, Hội đồng xét xử chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số số 124/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 và Điều 79, 80, 159, 245, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 22, khoàn 2 Điều 38, khoản 1, khoản 2 Điều 90, Điều 200, khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012;
- Căn cứ Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/PL – UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về án phí, lệ phí Tòa án;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn – ông Trần Phong T.
Hủy Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 của Công ty TNHH E.
Buộc Công ty TNHH E phải nhận ông Trần Phong T trở lại làm việc theo hợp đồng lao động mà hai bên đã ký kết.
Buộc Công ty TNHH E trả tiền bồi thường 02 tháng lương số tiền 17.200.000 đồng, tiền lương trong những ngày ông Trần Phong T không được làm việc tính từ ngày 11/4/2014 đến ngày 30/8/2017 số tiền là 350.284.615 đồng, tổng cộng: 367.484.615 đồng (Ba trăm sáu mươi bảy triệu bốn trăm tám mươi bốn nghìn sáu trăm mười lăm đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông Trần Phong T, nếu Công ty TNHH E chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc trả tiền thì hàng háng Công ty TNHH E còn phải trả tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
2. Án phí lao động sơ thẩm:
Công ty TNHH E phải chịu: 11.024.538 đồng (Mười một triệu không trăm hai mươi bốn ngàn năm trăm ba mươi tám đồng).
Chi phí giám định: Ông Trần Phong T và Công ty TNHH E đã nộp đủ. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và quy định về thi hành án.
Ngày 23/10/2017, bị đơn – Công ty TNHH E nộp đơn kháng cáo toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm số 124/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm ban hành bản án sai trái không dựa vào chứng cứ trong hồ sơ vụ việc, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp.
Nguyên đơn – ông Trần Phong T trình bày không kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Phong T cho rằng ông Trần Phong T luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị Công ty lập biên bản vi phạm cũng như không bị xử lý kỷ luật trong quá trình làm việc.
Ngày 11/4/2014, Công ty yêu cầu ông T giải quyết cho 02 người lao động trong Công ty nghỉ việc, nhưng ông T không thực hiện nên Công ty ban hành quyết định cho ông T thôi việc với lý do không đủ năng lực làm việc. Công ty ban hành Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 là trái quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012, vi phạm 45 ngày báo trước, Công ty nhanh chóng giải quyết các chế độ cho ông T và cưỡng chế ông T rời khỏi cơ quan không có thời gian bàn giao công việc. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn – Công ty TNHH E, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị đơn – Công ty TNHH E có bà Lê Thị Hoài G đại diện theo ủy quyền trình bày: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo bản án sơ thẩm, cho rằng Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông T. Công ty chỉ cho ông T thôi việc theo đơn xin thôi việc của ông T đề ngày 11/4/2014. Cùng ngày cho ông T nghỉ việc, Công ty đã thanh toán hết mọi chế độ cho ông T bao gồm các khoản: Trợ cấp thôi việc tính đến 31/12/2008 là 12.931.974 đồng; 04 tháng lương cơ bản là 26.485.264 đồng; 03 ngày phép năm là 2.291.994 đồng và tiền lương. Tổng cộng các khoản là 62.644.713 đồng.
Công ty không đồng ý bồi thường theo yêu cầu khởi hiện của ông T. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi hiện của ông T.
Kiểm sát viên - đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, có Quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên tòa đúng quy định tại khoản 1 Điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm; Gửi Quyết định đưa vụ án ra xét xử và tống đạt cho các đương sự, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nghiên cứu đúng quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đúng thành phần như trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình xét xử đảm bảo cho đương sự trình bày phát biểu quan điểm của mình theo đúng quy định tai Điều 302, 305 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định tại các Điều 70, 71, 72, 76, 86 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Về nội dung:
Nội dung Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 của Công ty TNHH E có sai sót nhưng việc ông T có đơn xin thôi việc là có thật và đã được thanh toán đầy đủ các chế độ thôi việc theo quy định mặc dù ông T không bị áp lực hay bị ép buộc để nhận thanh toán tiền nghỉ việc.
Ông T cho rằng Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ lý do Công ty cho thôi việc “không đủ năng lực làm việc” để xác định Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty. Vì vậy, Công ty kháng cáo bản án sơ thẩm là có cơ sở chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH E, sửa Bản án sơ thẩm số 124/2017/LĐ – ST ngày 13/10/2017 của Tòa án nhân dân quận Đ và ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH E hỗ trợ cho ông Trần Phong T số tiền 50.000.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Ông Trần Phong T và Công ty TNHH E đều khai ông T vào làm việc tại Công ty từ ngày 12/5/2006, có xác lập hợp đồng lao động nhưng cả hai bên đều không cung cấp được hợp đồng lao động cho Tòa án. Tuy nhiên, ông T và Công ty đều xác nhận hợp đồng lao động cuối cùng xác lập giữa hai bên là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ông T làm Trưởng phòng Hành chánh – nhân sự, mức lương hợp đồng lao động là 6.621.316 đồng/tháng, phụ cấp trách nhiệm 2.000.000 đồng/tháng, tổng lương là 8.621.316 đồng/tháng.
[2] Ngày 11/4/2014, Công ty TNHH E ban hành Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS quyết định cho ông Trần Phong T thôi việc từ ngày 14/4/2014 với lý do không đủ năng lực làm việc. Ông T cho rằng Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông nên ông đã khởi kiện Công ty TNHH E tại Tòa án và yêu cầu:
- Hủy Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 của Công ty TNHH E và nhận ông trở lại làm việc theo hợp đồng lao động.
- Trả lương những ngày ông không được làm việc tính từ ngày 11/4/2014 đến ngày 30/8/2017 là 40 tháng 19 ngày theo mức lương hợp đồng lao động nhưng ông chỉ yêu cầu tính theo mức lương 8.600.000 đồng/tháng, thành tiền là 350.284.615 đồng. Số tiền này chưa trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong trường hợp Công ty nhận ông T trở lại làm việc, ông không yêu cầu Công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông.
- Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 17.200.000 đồng
Tổng số tiền ông T yêu cầu Công ty TNHH E bồi thường là 367.484.615 đồng.
[3] Bị đơn – Công ty TNHH E cho rằng Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông T, Công ty cho ông T thôi việc theo đơn xin thôi việc của ông T đề ngày 11/4/2014. Cùng ngày cho ông T thôi việc, Công ty đã thanh toán hết mọi chế độ cho ông T bao gồm các khoản: Trợ cấp thôi việc tính từ 31/12/2008 đến ngày ông T nghỉ việc là 12.931.974 đồng; 04 tháng lương cơ bản là 26.485.264 đồng; 03 ngày phép năm là 2.291.994 đồng và tiền lương. Tổng cộng các khoản là 62.644.713 đồng. Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu khởi kiện của ông T.
Tại phiên tòa, Công ty cho rằng ông T có đơn xin thôi việc nộp trực tiếp lên Ban Giám đốc với lý do để giải quyết việc gia đình và đề nghị nghỉ ngay ngày 11/4/2014 nên Công ty đã giải quyết các chế độ cho ông T theo chế độ thôi việc, ông T đã nhận đầy đủ tiền và không có ý kiến gì. Về căn cứ cho thôi việc đối với cấp lãnh đạo, theo quy trình ông T phải nộp trực tiếp cho Ban Giám đốc không thông qua bộ phận nhân sự. Khi có đề nghị của Ban Giám đốc thì Giám đốc ký quyết định cho thôi việc. Trong quyết định có nêu lý do cho thôi việc, do Giám đốc là người Hàn Quốc nên phần lý do không được dịch sang tiếng Hàn ông không hiểu nên có sự nhầm lẫn.
[4] Hội đồng xét xử xét thấy,
Theo kết luận Giám định số 181/C54 – P5 ngày 22/6/2017 của Viện Khoa học Hình sự - Tổng Cục Cảnh sát có cơ sở xác định Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 do Công ty TNHH E ban hành nên Công ty phải chịu trách nhiệm về nội dung lẫn hình thức của quyết định. Tuy nhiên, Công ty TNHH E cho rằng Công ty ban hành quyết định cho ông T thôi việc căn cứ vào đơn xin thôi việc đề ngày 11/4/2014 của ông T.
Trong quá trình Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ giải quyết vụ án, Công ty TNHH E xuất trình tại Tòa án đơn xin thôi việc của ông Trần Phong T đề ngày 11/4/2014. Ông T cho rằng không phải chữ ký, chữ viết của mình và đề nghị thực hiện giám định. Căn cứ kết luận giám định số 2282/C54B ngày 16/9/2015 của Phân Viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận chữ viết và chữ ký trên đơn xin thôi việc là do một người ký và viết ra. Như vậy, có cơ sở xác định đơn xin thôi việc là của ông Trần Phong T. Tuy nhiên, ông T cho rằng bản thân ông không nộp đơn xin thôi việc do Công ty lấy được đơn của ông sau khi ông nghỉ việc và hợp thức hóa ghi ngày 11/4/2014 vào trong đơn.
Xét thấy, việc ông T nộp đơn xin thôi việc và việc Công ty giao quyết định thôi việc cho ông T đều không có lập biên bản giao nhận. Ông T và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông không chứng minh được việc Công ty lấy đơn xin thôi việc của ông T sau khi ông nghỉ việc và hợp thức hóa ngày tháng năm xin thôi việc. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T cũng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Công ty yêu cầu ông T giải quyết cho 02 người lao động trong Công ty nghỉ việc, nhưng ông T không thực hiện nên Công ty ban hành quyết định cho ông T thôi việc với lý do không đủ năng lực làm việc và cũng không chứng minh được việc Công ty cưỡng chế ông T rời khỏi cơ quan, không cho ông bàn giao công việc.
Đối với Quyết định cho thôi việc, hai bên đều thừa nhận từ cấp quan lý phải nộp đơn thôi việc trực tiếp cho Ban Giám đốc duyệt trước khi đề nghị Giám đốc ký quyết định. Do đó, căn cứ cho ông T thôi việc là có cơ sở. Về nội dung quyết định nêu lý do cho thôi việc “không đủ năng lực làm việc” là sai sót, ông T là cấp quản lý Phòng Hành chính - nhân sự phải biết việc Công ty ra quyết định như vậy là không đúng nhưng ông lại đồng ý nhận tiền thanh toán lương, trợ cấp thôi việc mà không phản đối. Nội dung quyết định có sai sót nhưng ông T có đơn xin thôi việc là có thật.
Xét thấy, Công ty TNHH E trình bày giải quyết cho ông T thôi việc theo đơn xin thôi việc của ông là có cơ sở bởi ông T là Trưởng phòng Hành chánh - nhân sự phải hiểu biết rõ nội dung thanh toán lương và trợ cấp thôi việc. Nếu cho rằng tại thời điểm đó Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông, ông có quyền phản đối không ký nhận các khoản hỗ trợ lương và trợ cấp thôi việc đồng thời phải báo cho Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ông.
Xét thấy, cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào quyết định của Công ty cho ông T thôi việc với lý do “không đủ năng lực làm việc” nhận định Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông T là chưa đánh giá toàn diện và đầy đủ các chứng cứ có liên quan, Công ty TNHH E kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T là có cơ sở chấp nhận.
Tại phiên tòa hôm nay, Công ty TNHH E tự nguyện hỗ trợ cho ông T số tiền 50.000.000 nên ghi nhận.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH E và chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sửa lại toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – ông Trần Phong T về việc hủy Quyết định thôi việc buộc Công ty trả lương và bồi thường do Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH E hỗ trợ cho ông T số tiền 50.000.000 đồng.
Đối với những phần Quyết định khác của bản án sơ thẩm, các đương sự không kháng cáo, Viện Kiểm sát không kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật.
[5] Về án phí:
- Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bị đơn - Công ty TNHH E không phải nộp án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm.
Nguyên đơn - ông Trần Phong T thuộc trường hợp được miễn nộp án phí theo quy định.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, Điều 148, 293, khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Áp dụng:
QUYẾT ĐỊNH
Điểm a khoản 1 Điều 22, khoản 3 Điều 36; Điều 200; khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động năm 2012;
Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án.
Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014;
Chấp nhận yêu cầu kháng cáo bị đơn - Công ty TNHH E, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi hiện của nguyên đơn - ông Trần Phong T về việc buộc Công ty TNHH E:
- Hủy Quyết định thôi việc số 01/04/2014/QĐ – HCNS ngày 11/4/2014 và nhận ông trở lại làm việc theo hợp đồng lao động.
- Trả lương những ngày ông không được làm việc tính từ ngày 11/4/2014 đến ngày 30/8/2017 là 40 tháng 19 ngày theo mức lương 8.600.000 đồng/tháng, và bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tổng số tiền là 367.484.615 đồng.
2. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH E hỗ trợ ông Trần Phong T số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông Trần Phong T, nếu Công ty TNHH E chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc trả tiền thì hàng háng Công ty TNHH E còn phải trả tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
3. Về án phí:
3.1. Án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm Công ty TNHH E không phải nộp. Hoàn lại Công ty TNHH E số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2017/0037369 ngày 25/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ.
3.2. Án phí dân sự sơ thẩm, ông Trần Phong T thuộc trường hợp không phải nộp.
4. Về chi phí giám định: Ông Trần Phong T và Công ty TNHH E đã nộp đủ.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 279/2018/LĐ-PT ngày 14/03/2018 về tranh chấp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 279/2018/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 14/03/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về