Bản án 275A/2017/HSST ngày 18/08/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 275A/2017/HSST NGÀY 18/08/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐT

Hôm nay, ngày 18 tháng 8 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 221/2017/HSST ngày 02 tháng 6 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 221/2017/QĐXX ngày 20 tháng 7 năm 2017; Quyết định hoãn phiên tòa ngày 03 tháng 8 năm 2017 và ngày 11 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:

Lê Văn B, sinh năm 1985; địa chỉ cư trú: Xóm X, xã Y, huyện Z, tỉnh Thanh Hoá; nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 0/12; con ông: Lê Văn T, sinh năm 1953 và bà Lê Thị T, sinh năm 1954; vợ: Trần Thị L, sinh năm 1990; có 02 con: con lớn sinh năm 2009, con nhỏ sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: không; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (bị cáo bị tạm giữ ngày 16-3-2017 đến ngày 24-3-2017 bị áp dụng lệnh tạm giam; ngày 22-5-2017 được bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú).

- Những người đại diện hợp pháp của người bị hại: (người bị hại là bà Lê Thị V – sinh năm 1980, đã chết):

1. Ông Nguyễn Viết H – sinh năm 1963 (chồng bà V)

2. Chị Nguyễn Thị Q – sinh ngày 02/3/1999 (con gái bà V) Cùng trú tại: Xóm Q, thôn V, xã N, thành phố N

 (Bị cáo có mặt, những người đại diện hợp pháp của người bị hại vắng mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Mặc dù không có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ, Lê Văn B vẫn điều khiển tàu vỏ sắt (chưa có biển đăng ký) dài 46,5m, rộng 6,8m, cao 2,3m, công suất 350 CV, trọng tải 300 tấn để chở cát trên các tuyến đường thuỷ nội địa. Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 15-3-2017, sau khi đổ cát xong tại khu vực xã A, huyện T, tỉnh Nam Định, B điều khiển tàu nổi theo thượng lưu sông Đ về phía M, huyện L, tỉnh N. Khi đến cảng thuyền của Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ – Công an tỉnh Nam Định thuộc phường T, thành phố N, B cho tàu vào neo đậu tại cảng thuyền để nghỉ. Trên tàu ngoài B còn có vợ B là chị Trần Thị L – sinh năm 1990, trú tại: Xóm X, xã Y, huyện Z, tỉnh Thanh Hoá đi cùng để phụ giúp.

Khoảng 07 giờ sáng cùng ngày, B ngủ dậy, mặc dù ngồi trong cabin tàu không quan sát được tầm gần và cũng không phát còi tín hiệu cảnh báo khi tàu rời cảng nhưng B vẫn điều khiển tàu rời cảng đi về phía thượng lưu. B điều khiển tàu đi với tốc độ khoảng 1,8km/h và đánh mũi tàu chếch sang phải theo hướng đi của tàu để đưa tàu vào luồng. Lúc này cách tàu B khoảng 30m về phía thượng lưu và cách mép bờ bên trái khoảng 10m đoạn này thuộc km số 3 + 800 tuyến sông Đ thuộc phường T, thành phố N (sông Đ đoạn này rộng 250m, luồng rộng 60m, luồng cách mép bờ trái theo hướng đi của tàu 40m), anh Nguyễn Viết H – sinh năm 1963, trú tại: Thôn V, xã N, thành phố N và vợ là chị Lê Thị V – sinh năm 1980 đang ngồi trên chiếc thuyền sắt trọng tải 500kg, lắp máy công suất 6 CV neo thuyền để đánh bắt cá. Anh Nguyễn Viết H và vợ đang mải đánh bắt cá nên không phát hiện tàu B đi tới. Do xuất phát rời cảng thuyền trong tình trạng nêu trên nên phần mũi tàu bên trái do B điều khiển đã đâm thẳng vào phần ca bin và phần mạn thuyền bên phải của thuyền anh H làm thuyền bị lật úp chìm xuống sông. Chị V và anh H bị hất xuống sông.

Khi xảy ra va chạm, B cầm lái có nghe tiếng va chạm nhưng do không quan sát được nên B nghĩ tàu bị mắc cạn nên đã dừng máy về số mo và để dòng nước đẩy tàu lùi lại phía sau với mục đích tránh mắc cạn, sau đó B tiếp tục khởi động máy đánh mũi tàu sang phải để tàu vào luồng rồi lái tàu đi ra cầu T. Lúc này, anh H bơi được vào bờ trình báo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ Nam Định. Còn chị V bị đuối nước dẫn đến tử vong và chìm dưới sông. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày thì xác nạn nhân được phát hiện và đưa lên bờ. Khi tàu B ra đến đoạn gần cầu T thì bị lực lượng Cảnh sát đường thuỷ – Công an tỉnh Nam Định giữ tàu lại. Ngay sau khi xảy ra tai nạn Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Nam Định đã thành lập đoàn khám nghiệm tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và trưng cầu giám định mẫu sơn thu được ở điểm va chạm của thuyền chài, mẫu sơn thu được tại dấu vết va chạm ở tàu của B cũng như định giá để xác định thiệt hại của chiếc thuyền sắt sau khi va chạm.

Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 16/17/TT ngày 22-3-2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Nam Định xác định: Nguyên nhân tử vong của chị Lê Thị V là chết do ngạt nước.

Bản kết luận giám định số 1341/C54 (P4) ngày 20-3-2017 của Viện khoa học hình sự kết luận: Chất màu nâu đỏ thu tại vị trí thanh kim loại mép nóc ca bin mạn phải thuyền chài (ký hiệu 039828) gửi giám định là sơn, cùng loại với mẫu sơn màu nâu đỏ thu tại vị trí mạn trái khu vực mũi tàu của tàu nổi không biển kiểm soát (ký hiệu 039830).

Ngày 03-4-2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Nam Định kết luận: Tổng thiệt hại của chiếc thuyền chài của anh Nguyễn Viết H là 1.610.000 đồng.

Ngày 15-3-2017, B đã đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Nam Định đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi nêu trên.

Về trách nhiệm dân sự: Sau khi tai nạn xảy ra gia đình B đã bàn bạc, thống nhất tham gia khắc phục hậu quả, bồi thường cho gia đình chị V 220.000.000 đồng. Anh Nguyễn Viết H (chồng chị V) đã nhận đủ số tiền trên, không yêu cầu gì thêm đồng thời có đơn đề nghị cơ quan pháp luật xem xét giảm nhẹ hình phạt cho H.

Vật chứng của vụ án là chiếc thuyền chài vỏ sắt trọng tải 500kg, lắp máy 6CV là tài sản hợp pháp của anh Nguyễn Viết H, cơ quan điều tra đã trả lại cho anh H. Anh H không có đề nghị gì khác. Chiếc tàu vỏ sắt lắp máy 350CV, dài 46,5m, rộng 6,8m (chưa đăng ký) là tài sản hợp pháp của Lê Văn B và vợ là chị Trần Thị L, cơ quan điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu. Chị L đã nhận lại và không có đề nghị gì khác.

Bản cáo trạng số 221/QĐ – KSĐT ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định truy tố bị cáo Lê Văn B tội “Vi phạm qui định về diều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” theo điểm a khoản 2 Điều 212 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Lê Văn B về tội danh, điều luật áp dụng như bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 212; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Văn B 03 (ba) năm tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (năm) năm.

Bị cáo nói lời sau cùng: Xin Hội đồng xét xử xử bị cáo mức án thấp nhất để bị cáo có cơ hội cải tạo trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

 [1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thành phố Nam Định, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Tại phiên toà, Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà đã tuân thủ đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2] Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 15-3-2017, mặc dù không có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ nhưng Lê Văn B vẫn điều khiển tàu sắt chưa có đăng ký dài 46,5m, rộng 6,8m có công suất 350CV rời cảng thuyền của Phòng cảnh sát giao thông đường thuỷ Nam Định (thuộc địa phận phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định) vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa gây ra tai nạn giao thông đường thuỷ làm chết một người. Do đó, có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Lê Văn B phạm tội “Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” theo Điều 212 của Bộ luật Hình sự như kết luận của Kiểm sát viên là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đánh giá tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm an toàn, sự hoạt động bình thường của các phươ ng tiện giao thông đường thuỷ, xâm phạm tính mạng và tài sản của công dân. Việc đưa bị cáo ra xét xử góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân.

 [3] Về tình tiết định khung hình phạt:

Bị cáo Lê Văn B điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ tham gia giao thông vi phạm khoản 1 Điều 37 và khoản 3 Điều 44 Luật giao thông đường thuỷ nội địa gây ra tai nạn giao thông làm chết một người và không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ nên hành vi của bị cáo thuộc trường hợp “Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao”, hình phạt qui định tại điểm a khoản 2 Điều 212 của Bộ luật Hình sự.

 [4] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo:

Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm Hình sự. Bị cáo có nhân thân tốt, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải đối với hành vi của mình; sau khi sự việc xảy ra bị cáo đã tác động gia đình bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại; người đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.

Bị cáo có nhân thân tốt; có nơi cư trú rõ ràng; xét không cần thiết cách ly bị cáo khỏi xã hội mà cho bị cáo được cải tạo tại địa phương cũng đủ để răn đe, giáo dục bị cáo thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

 [5] Về phần dân sự: Gia đình bị cáo và gia đình người bị hại đã thoả thuận giải quyết xong vấn đề dân sự, người đại diện hợp pháp của người bị hại không có yêu cầu gì thêm, vì vậy vấn đề dân sự không xem xét giải quyết.

 [6] Án phí Hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải nộp theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Lê Văn B phạm tội: “Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”.

- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 212; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật Hình sự:

- Xử phạt bị cáo Lê Văn B 03 (ba) năm tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo (bị cáo bị giam giữ từ ngày 16-3-2017 đến ngày 22-5-2017), thời gian thử thách 05 (năm) năm. Thời gian thử thách của bị cáo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Giao bị cáo cho UBND xã H, huyện K, tỉnh Thanh Hoá giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

2. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

3. Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng Hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội: Bị cáo Lê Văn B phải nộp 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí Hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo bản án: Bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Những người đại diện hợp pháp của người bị hại được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

5. Áp dụng Điều 26 Luật thi hành án dân sự: Bị cáo có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại Điều 6, Điều 7, Điều 9 của Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

362
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 275A/2017/HSST ngày 18/08/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐT

Số hiệu:275A/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Nam Định - Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về