Bản án 27/2020/KDTM-PT ngày 17/12/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 27/2020/KDTM-PT NGÀY 17/12/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG 

Ngày 17 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2020/TLPT-KDTM ngày 27/10/2020 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng;

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 17/09/2020 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 143/2020/QĐ-PT ngày 12 tháng 11 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 155/2020/QĐ- PT ngày 02 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (tên viết tắt là Vietcombank); địa chỉ: Số 198 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị V - Phó giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng; địa chỉ: Số 275 Lạch Tray, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, (văn bản ủy quyền số 1268/2017/UQ-HPH-KHDN ngày 31/7/2019); có mặt.

- Bị đơn: Tổng Công ty Hàng Kênh - CTCP (tên viết tắt là HAKO, tiền thân là Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng); địa chỉ: Số 124 N, phường C, quận L, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn:

1. Bà Nguyễn Thị Hải N - Phó tổng giám đốc công ty, (có mặt);

2. Bà Trần Thị Ánh T - Trợ lý Tổng giám đốc, (có mặt);

3. Ông Trần Văn N - Luật sư (có mặt);

(Văn bản ủy quyền số 158/2017/GUQ-TGĐ ngày 02/11/2020).

Người kháng cáo: Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

Trong đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Từ ngày 12/6/1997 đến 14/02/1998 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam có ký kết với Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) 15 hợp đồng tín dụng cụ thể như sau:

1. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 14/NH-ĐVN ngày 12/6/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 300.000.000 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 1,15%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động.

2. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 1597/NH-ĐVN ngày 14/6/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 200.000.830 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 1,15%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, trả tiền điện tháng 4/1997 và tiền xăng dầu tháng 5/1997.

3. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 20/97/NH-ĐVN ngày 26/6/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 430.000.000 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 1,05%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động và chi phí gia công giầy.

4. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 25/97/NH-ĐVN ngày 10/7/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 305.120.028 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay mua nguyên liệu sản xuất giày, thảm.

5. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 29/97/NH-ĐVN ngày 31/7/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 669.027.400 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, trả tiền điện.

6. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 30/97/NH-ĐVN ngày 12/8/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 627.516.900 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, trả tiền mua nguyên liệu.

7. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 31/NH-ĐVN ngày 19/8/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 264.144.128 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả tiền điện, mua nguyên liệu sản xuất thảm.

8. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 32/97/NH-ĐVN ngày 29/8/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 457.700.781 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, trả tiền nước, điện, điện thoại.

9. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 35/97/NH-ĐVN ngày 13/9/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 736.150.572 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, trả tiền mua len, tiền điện 10. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 43/97/NH-ĐVN ngày 06/12/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 842.283.200 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, cao su, than, tiền điện nước sản xuất.

11. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 44/97/NH-ĐVN ngày 19/12/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 627.460.719 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại.

12. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 46/97/NH-ĐVN ngày 27/12/1997 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 392.690.970 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả tiền mua hóa chất, mua dầu, mua than, cước vận tải.

13. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 01/98/NH-ĐVN ngày 09/01/1998 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 928.306.680 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,95%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, mua hóa chất, mua dầu, mua than, bột nhẹ, cước vận tải, bao bì, dầu thủy lực, điện sản xuất.

14. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 03/98/NH-ĐVN ngày 19/01/1998 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 895.538.219 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 0,9%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, trả tiền điện thoại, tiền điện, cước vận tải, than cục, tiền gia công, tiền hóa chất.

15. Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 04/98/NH-ĐVN ngày 14/02/1998 Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cho Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP) vay số tiền 501.913.582 đồng với thời hạn 6 tháng; lãi suất 1,0%/ tháng; mục đích vay trả công người lao động, tiền điện sản xuất, tiền len mộc, tiền sợi.

Việc ký kết 15 hợp đồng tín dụng nêu trên, Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng không thế chấp bằng tài sản bảo đảm.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đã thực hiện việc giải ngân đúng theo hợp đồng hai bên ký kết. Tuy nhiên, Công ty Hàng Kênh không thu xếp được đủ nguồn trả nợ cho các khoản vay nên Ngân hàng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể:

Ngân hàng đã gia hạn nợ đối với 15 Hợp đồng tín dụng này, thời hạn gia hạn là 06 tháng. Hết thời gian gia hạn nợ, Công ty Hàng Kênh chưa thu xếp được nguồn tài chính để trả nợ cho các khoản vay đã gia hạn nên Ngân hàng đã thực hiện 02 lần khoanh nợ cho Công ty Hàng Kênh với thời gian khoanh nợ các lần là 5 năm (từ 01/4/1999 đến 31/3/2004) và (từ ngày 20/12/2005 đến 20/12/2010) đồng thời miễn giảm toàn bộ lãi vay đối với khoản nợ khoanh.

Tính đến hết ngày 20/12/2010, Công ty Hàng Kênh đã trả được cho Ngân hàng tổng số nợ gốc là 978.000.930 đồng và được miễn tổng số nợ lãi là 955.703.362 đồng.

Hết thời gian khoanh nợ lần 2, đến ngày 21/12/2010, số nợ gốc Công ty Hàng Kênh còn nợ Ngân hàng là 6.399.745.909 đồng. Theo các biên bản thỏa thuận về lộ trình trả nợ, Ngân hàng sẽ trực tiếp thu khoản nợ gốc từ số tài khoản 00310000000454 của Công ty Hàng Kênh gửi tại Ngân hàng. Đồng thời theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng thì từ ngày 22/12/2010, Công ty sẽ phải tiếp tục chịu khoản nợ lãi quá hạn phát sinh trên nợ gốc. Trong 15 hợp đồng tín dụng đã ký giữa các bên không thỏa thuận mức lãi suất quá hạn nhưng căn cứ vào các văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước cụ thể tại Quyết định số 266 ngày 27/9/1996, quyết định số 197 ngày 28/6/1997 và quyết định số 39 ngày 17/01/1998 thì lãi suất quá hạn được tính bằng 150% lãi suất trong hạn được thỏa thuận theo từng hợp đồng tín dụng.

Từ ngày 27/12/2010 đến ngày 22/12/2015, Công ty Hàng Kênh đã trả được toàn bộ số nợ gốc của các hợp đồng tín dụng là 6.399.745.909 đồng và còn nợ tiền lãi quá hạn của các Hợp đồng tín dụng tính đến ngày 21/12/2015 là 3.394.556.160 đồng.

Sau khi trả hết nợ gốc do Công ty Hàng Kênh không hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng, vì vậy Ngân hàng và Công ty chưa có buổi làm việc trực tiếp giữa hai bên để thống nhất xác nhận khoản nợ lãi.

Đối với ý kiến của Công ty Hàng Kênh về việc theo như thỏa thuận ngày 18/8/2011, Ngân hàng sẽ xem xét miễn giảm lãi khi Công ty thực hiện trả xong toàn bộ nợ gốc. Quan điểm của Ngân hàng về vấn đề này như sau:

Việc xem xét miễn giảm lãi cho khách hàng phải đảm bảo tuân thủ quy trình nghiệp vụ và khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định miễn giảm lãi của Ngân hàng như khi xem xét miễn, giảm lãi cho Công ty trong trường hợp công ty bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính, hay để tận thu cho nợ gốc, khi khách hàng có đủ hồ sơ. Tuy nhiên Công ty chưa đáp ứng được đầy đủ điều kiện về việc miễn giảm lãi và cũng không có bất kỳ văn bản đề nghị nào về việc miễn giảm lãi gửi Ngân hàng. Thực tế, đối với khoản lãi phát sinh từ ngày 21/12/2010, Ngân hàng chưa có bất kỳ văn bản hoặc thông báo nào đồng ý miễn giảm lãi cho Công ty, khi Ngân hàng thông báo trả nợ lãi quá hạn thì phía Công ty không có tinh thần hợp tác, Công ty có đầy đủ khả năng để trả nợ. Đồng thời, trong quá trình trả nợ gốc, hai bên đã nhiều lần thỏa thuận thay đổi về mức trả nợ, cụ thể đối với văn bản thỏa thuận ngày 18/8/2011, hai bên thỏa thuận tăng mức trả nợ gốc lên là 250.000.000 đồng/quý và tại buổi làm việc hai bên cùng có ý kiến về việc Ngân hàng sẽ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ gốc nhưng đến ngày 25/10/2012, đại diện Ngân hàng và đại diện Công ty tiếp tục thỏa thuận tăng mức trả nợ gốc lên là 300.000.000 đồng/quý, tại biên bản thỏa thuận hai bên đã thống nhất biên bản này thay thế hiệu lực biên bản thỏa thuận ngày 18/8/2011 và là phụ lục của các hợp đồng nêu trên. Đến ngày 26/11/2013 và ngày 26/11/2014 hai bên tiếp tục thỏa thuận tăng mức thanh toán số tiền nợ gốc lên 350.000.000 đồng, 400.000.000 đồng; tại các biên bản sau hai bên đều thống nhất biên bản này thay thế biên bản thỏa thuận trả nợ ngày 25/10/2012, ngày 26/11/2013 và là phụ lục của các Hợp đồng tín dụng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng nhiều lần đôn đốc nợ về khoản nợ lãi đến Công ty Hàng Kênh bằng nhiều hình thức như gọi điện, gửi trực tiếp, quan bưu điện các văn bản thông báo vào các ngày 09/02/2016, 29/02/2016, 04/3/2016, 17/4/2019 có lần cán bộ công ty có lần nhận, có lần không.

Theo Điều 7 Hợp đồng tín dụng ký kết giữa các bên quy định: Bên cho vay được tự động trích tài khoản tiền gửi các loại của bên vay để thu nợ khi đến hạn…” nên ngày 15/6/2017, Ngân hàng thực hiện việc trích tiền gửi của Công ty mở tại Ngân hàng là 111.824.845 đồng (bao gồm số tiền gửi vào tài khoản là 110.012.305 đồng và số dư tài khoản là 1.812.540 đồng) theo số TK 003100000456 được mở tại Ngân hàng để thu một phần khoản nợ lãi quá hạn. Sau khi chủ động trích số tiền trên từ tài khoản của Công ty, Ngân hàng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Đến ngày 06/8/2019 sau khi Ngân hàng khởi kiện thì mới nhận được văn bản số 100/CV-TCTHK ngày 03/8/2019 của Công ty có nội dung: Không chấp nhận số tiền trích từ tài khoản để trả số tiền nợ lãi.

Ngoài ra giữa Ngân hàng và Công ty Hàng Kênh có quyển sổ ghi chép tất cả các giao dịch của doanh nghiệp qua tài khoản tại Ngân hàng gọi là sổ phụ và sổ này Công ty đã được nhận để đối chiếu. Như vậy, Công ty Hàng Kênh đã thực hiện trả một phần nợ lãi quá hạn tại Ngân hàng. Vì vậy đối với ý kiến của Công ty về việc thời hiệu khởi kiện của vụ án đã hết là không có cơ sở bởi lẽ hợp đồng tín dụng vẫn đang thực hiện.

Tại đơn khởi kiện, Ngân hàng đề nghị Tòa án buộc Công ty Hàng Kênh phải thanh toán cho Ngân hàng toàn bộ khoản nợ lãi còn lại là 3.282.741.315 đồng. Trong trường hợp Công ty Hàng Kênh không thực hiện đề nghị Tòa án tuyên phát mại các tài sản khác của Công ty để trả nợ. Trong phiên buổi họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 13/7/2020, Ngân hàng rút một phần yêu cầu về việc trong trường hợp Công ty Hàng Kênh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì đề nghị Tòa án tuyên phát mại đối với các tài sản khác của Công ty Hàng Kênh để trả nợ, các yêu cầu khác Ngân hàng vẫn giữ nguyên Đại diện hợp pháp của bị đơn - Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP trình bày: Công ty Hàng Kênh thừa nhận về thời điểm ký kết các hợp đồng tín dụng, nội dung hợp đồng ký kết giữa các bên và quá trình thực hiện trả nợ gốc, miễn giảm lãi, khoanh nợ gia hạn nợ đến trước ngày 21/12/2010 cũng như lộ trình đã trả toàn bộ nợ gốc là 6.399.745.909 đồng từ sau ngày 21/12/2010 đến ngày 22/12/2015 như lời trình bày của Ngân hàng là đúng.

Đối với yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Hàng Kênh phải trả nợ lãi quá hạn của Ngân hàng, Công ty không đồng ý, vì:

Thứ nhất, trong quá trình thực hiện việc trả nợ, hai bên đã nhiều lần làm việc để thỏa thuận về việc trả nợ khoản tiền gốc bắt đầu từ tháng 3/2010 và kết thúc vào tháng 12/2015. Theo đó mỗi quý Công ty Hàng Kênh có trách nhiệm trả 108.750.000 đồng. Đến ngày 18/8/2011, hai bên đã làm việc và thỏa thuận tăng mức trả nợ gốc lên là 250.000.000 đồng/quý, tại buổi làm việc này đại diện Ngân hàng có ý kiến sẽ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ gốc. Đến ngày 26/11/2013, đại diện Ngân hàng và đại diện Công ty tiếp tục thỏa thuận tăng mức trả nợ gốc lên là 350.000.000 đồng/quý. Ngày 26/11/2014, đại diện Ngân hàng và đại diện Công ty tiếp tục thỏa thuận tăng mức trả nợ gốc lên là 450.000.000 đồng/quý và đến 22/12/2015, Công ty Hàng Kênh đã trả nợ toàn bộ khoản nợ gốc cho Ngân hàng là 6.399.745.909 đồng. Theo như nội dung thỏa thuận ngày 18/8/2011, hai bên thỏa thuận Ngân hàng sẽ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty khi Công ty thực hiện trả xong toàn bộ nợ gốc. Vì vậy Công ty Hàng Kênh đã thực hiện trả toàn bộ khoản nợ gốc nên đương nhiên sẽ được miễn toàn bộ khoản nợ lãi theo biên bản thỏa thuận ngày 18/8/2011, nên Công ty Hàng Kênh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về số tiền lãi.

Thứ hai, theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự quy định: Thời hiệu khởi kiện là thời hạn chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu hết thời hiệu đó thì mất quyền khởi kiện. Các hợp đồng tín dụng mà Công ty Hàng Kênh được nhận chuyển giao sang đều là hợp đồng ngắn hạn có thời hạn vay là 06 tháng: Hợp đồng đầu tiên là Hợp đồng tín dụng14/NH-ĐVN ngày 12/6/1997 Ngân hàng cho Công ty vay số tiền 300.000.000 đồng với thời hạn 6 tháng; đến ngày 12/12/1997 là hết hạn. Hợp đồng cuối cùng là Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 04/NH-ĐVN ngày 14/02/1998 Ngân hàng cho Công ty vay số tiền 501.913.582 đồng với thời hạn 6 tháng, đến ngày 14/8/1998 là hết hạn.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên có thỏa thuận về việc khoanh giãn nợ nên thời hiệu khởi kiện không tính theo hợp đồng mà được bắt đầu lại kể từ sau ngày Công ty Hàng Kênh trả toàn bộ nợ gốc cho Ngân hàng tức ngày 23/12/2015; như vậy tính đến ngày 26/4/2019, Ngân hàng làm đơn khởi kiện là hơn 3 năm. Trong khoảng thời gian này, Công ty Hàng Kênh chưa một lần xác nhận khoản nợ lãi cũng như chưa thực hiện việc trả nợ lãi. Hai bên chưa một lần tự hòa giải với nhau về khoản nợ lãi này. Công ty Hàng Kênh công nhận đầu năm 2016 dã nhận được thông báo của Ngân hàng về số tiền lãi quá hạn phải trả nhưng Công ty cho rằng về số tiền lãi đã được thống nhất tại biên bản thỏa thuận ngày 18/8/2011 nên Công ty không có văn bản gửi Ngân hàng dẫn đến việc hai bên không hợp tác với nhau; mặc dù trong các điều khoản ghi Hợp đồng tín dụng là đúng nhưng giữa hai bên đã có sự thỏa thuận về số tiền lãi quá hạn. Nên yêu cầu của Ngân hàng về việc đòi lãi thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự đề nghị Tòa án nhân dân quận Lê Chân ra quyết định đình chỉ vụ án trên.

Đối với khoản tiền Ngân hàng trích từ tài khoản của Công ty là 111.824.845 đồng là do Ngân hàng tự trích ở tài khoản của Công ty Hàng Kênh mở tại Ngân hàng, Công ty không thực hiện trả nợ khoản tiền này và sau khi Công ty biết việc Ngân hàng tự động trích từ tài khoản của Công ty, Công ty đã gọi điện nhiều lần cho Ngân hàng phản đối về việc đó đồng thời đã có văn bản và làm ủy nhiệm chi để đòi lại số tiền trên từ Ngân hàng nhưng không được đồng ý cũng như không nhận văn bản của Công ty. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự thì đây không phải là căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

Đối với việc Ngân hàng trình bày đã có nhiều văn bản đôn đốc đối với khoản nợ lãi thực tế Công ty Hàng Kênh có nhận được hay không nhận được thì cũng không là căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Việc Tòa án yêu cầu Công ty cung cấp tài liệu giải trình báo cáo tài chính (thuế) đến nay Công ty chưa có để nộp theo thông báo của Tòa án. Ngoài 15 hợp đồng tín dụng ký kết trên đến nay các bên không còn tranh chấp với nhau về hợp đồng tín dụng nào khác.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2020/KDTM-ST ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã căn cứ:

Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 131, Điều 133, Điều 313, Điều 467 Bộ luật Dân sự 1995; Điều 51 Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam đối với Tổng công ty Hàng Kênh, buộc: Tổng công ty Hàng Kênh phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam số tiền lãi quá hạn là 3.282.741.315 đồng (ba tỷ, hai trăm tám mươi hai triệu, bảy trăm bốn mươi mốt nghìn, ba trăm mười lăm đồng).

2. Về án phí: Tổng Công ty Hàng Kênh phải chịu 97.654.826,3đ (làm tròn số là 97.654.000 đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước. Trả lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 48.500.000đ (bốn mươi tám triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0013701 ngày 18/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng 3. Về quyền kháng cáo: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam và Tổng Công ty Hàng Kênh có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

- Về quyền yêu cầu thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nội dung kháng cáo:

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25/9/2020 Tòa án nhân dân quận Lê Chân nhận được đơn kháng cáo của Tổng công ty Hàng Kênh Bản án số 05/2020/KDTM-ST ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng vì cho rằng: Tại phần và quyết định của bản án sơ thẩm không thuyết phục và không đúng pháp luật.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên quan điểm như tại Tòa án cấp sơ thẩm và đề nghị Tòa án phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Người kháng cáo - Tổng công ty Hàng Kênh giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

- Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự chấp hành đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án:

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm số 05/2020/ST – KDTM ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng theo hướng:

1. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện đã rút về việc yêu cầu Tòa án tuyên phát mại đối với các tài sản khác của Tổng Công ty Hàng Kênh trong trường hợp Công ty Hàng Kênh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Ngân hàng;

Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện do hết thời hiệu (6/12 HĐTD tương ứng với phần yêu cầu = 837.670.989 đồng);

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả khoản tiền lãi là 1.592.771.935 đồng;

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả khoản tiền lãi là 2,556,895,170 đồng - 1,704,596,780 đồng = 852,298,390 đồng.

4. Về án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Việc sửa án do có phần lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm và một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn được chấp nhận do đó bị đơn không phải chịu án phí.

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận; bị đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận; Trả lại cho nguyên đơn một phần tạm ứng án phí tương ứng với phần yêu cầu do đã hết thời hiệu (theo khoản 3 Điều 218, điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự);

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của bị đơn, việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa.

- Về tố tụng:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam khởi kiện Tổng Công ty Hàng Kênh về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng. Đây là vụ án tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại được quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn có điạ chỉ trụ sở tại quận Lê Chân nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân quận Lê Chân thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.

Do vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Đơn kháng cáo của bị đơn có nội dung phù hợp quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự, thực hiện trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận và đưa ra xét xử phúc thẩm.

[3] Việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện: Yêu cầu Tòa án tuyên phát mại tài sản đối với các tài sản khác của Công ty Hàng Kênh trong trường hợp Công ty Hàng Kênh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không xem xét là không đúng. Trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý yêu cầu thì cần phải đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Xét các yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty Hàng Kênh;

[4] Về tổng số tiền nợ lãi quá hạn 3.282.714.315đ và cách tính lãi quá hạn của Ngân hàng là không đúng pháp luật, vì cho rằng tại Điều 4 của 12 Hợp đồng tín dụng mà Ngân hàng khởi kiện không có thỏa thuận về lãi quá hạn. Ngân hàng tính lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn là không đúng pháp luật;

Xét thấy, 15 Hợp đồng tín dụng ngắn hạn được ký kết giữa Ngân hàng và Công ty thảm Hàng Kênh Hải Phòng (nay là Tổng công ty Hàng Kênh) trong giai đoạn từ ngày 12/6/1997 đến 14/02/1998 được ký kết giữa các bên hoàn toàn tự nguyện, các chủ thể tham gia ký đều đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự, hình thức và nội dung hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết nên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Quá trình thực hiện hợp đồng: Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty đúng theo thỏa thuận trong 15 hợp đồng tín dụng mà hai bên ký kết. Đến thời hạn trả nợ, công ty Hàng Kênh không trả được nợ. Ngân hàng đã gia hạn nợ đối với 15 hợp đồng tín dụng nêu trên trong thời hạn 01 năm. Sau 01 năm Công ty vẫn không thu xếp được nguồn tài chính trả nợ và Ngân hàng thực hiện 02 lần khoanh nợ với thời gian khoanh nợ mỗi lần là 05 năm, lần 1 từ 01/4/1999 đến ngày 31/3/2004, lần 2 từ 20/12/2005 đến 20/12/2010 và miễn giảm toàn bộ lãi vay đối với khoản nợ khoanh. Tất cả được thể hiện cụ thể trong biên bản thỏa thuận ngày 18/11/2011 (về khoản nợ tính đến hết ngày 20/12/2010: Nợ gốc Công ty đã trả và còn phải trả; số tiền nợ lãi: Công ty được miễn, sẽ được miễn; thời hạn trả nợ…). Sau ngày 18/8/2011 hai bên tiếp tục ký với nhau các văn bản thỏa thuận ngày 25/10/2012, ngày 26/11/2013 để tăng mức trả nợ gốc mỗi quý rút ngắn thời gian trả nợ. Như vậy, với nội dung thoả thuận ngày 18/8/2011 thì mọi nghĩa vụ tồn tại của những Hợp đồng tín dụng như trên đã chốt lại. Số tiền nợ gốc được chốt lại là 6.399.745.909 đồng, Công ty Hàng Kênh đã thanh toán từ ngày 27/12/2010 đến ngày 22/12/2015 cho Ngân hàng.

Đối với khoản nợ lãi:

Tại biên bản thỏa thuận ngày 18/11/2011, hai bên có chốt tất cả các vấn đề như đã nêu ở trên và thỏa thuận: “Ngân hàng sẽ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty nếu Công ty thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ gốc với Ngân hàng”; Biên bản ngày 25/10/2012, ngày 26/11/2013 không đề cập vấn đề này. Như vậy có thể khẳng định giữa Công ty và Ngân hàng có thỏa thuận về lãi nhưng không xác định rõ lãi suất là bao nhiêu, lãi trong hạn hay quá hạn? Tính từ 21/12/2010 đến 21/12/2015, Công ty chưa thanh toán tiền lãi nào của 12 hợp đồng tín dụng tương ứng với 6.399.745.909 đồng tiền nợ gốc còn lại cho Ngân hàng. Theo khoản 2 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian vay tại thời điểm trả nợ”.

Vậy nên việc Ngân hàng yêu cầu Công ty Hàng Kênh phải trả khoản tiền lãi quá hạn với mức lãi suất là 150% lãi suất trong hạn và Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu này là chưa đúng quy định của pháp luật mà theo Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010, Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29- 11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là Quyết định 2868), Công văn số 244/TANDTC-KHXX ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Tòa án nhân dân Tối cao quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm và số tiền lãi được tính là: 1.806.704.303đ (Một tỉ tám trăm lẻ sáu triệu bẩy trăm lẻ tư nghìn ba trăm linh ba đồng), có bảng tính toán chi tiết kèm theo.

Ngày 15/6/2017 Ngân hàng tự động trích số tiền 111.824.845 đồng để thu một phần nợ lãi quá hạn cho các hợp đồng tín dụng. Do đó số tiền lãi Công ty Hàng Kênh phải trả cho Ngân hàng: 1.806.704.303đ -111.824.845 đồng = 1.694.879.458đ (một tỷ sáu trăm chín mươi tư triệu tám trăm bảy mươi chín nghìn bốn trăm năm mươi tám đồng) [5] Đề nghị được miễn giảm lãi theo biên bản thỏa thuận ngày 18/8/2011;

Như đã phân tích ở trên, tại biên bản thỏa thuận ngày 18/11/2011, Ngân hàng có ý kiến sẽ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ gốc với Ngân hàng. Công ty đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc cho Ngân hàng trước thời hạn. Lẽ ra sau khi trả hết nợ gốc, Ngân hàng phải có văn bản đề nghị Ngân hàng chốt lại toàn bộ nợ gốc, lãi hoặc xóa nợ nhưng Công ty không làm và cho rằng đã trả hết nợ gốc trước thời hạn thì đương nhiên được miễn lãi, xóa nợ. Còn Ngân hàng cho rằng Công ty phải có đơn, có văn bản đề nghị thì mới có cơ sở xem xét. Ngân hàng cũng chưa có bất kỳ văn bản hay thông báo nào đồng ý miễn giảm lãi cho Công ty Hàng Kênh sau thời điểm khoanh nợ lần 2. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của Công ty Hàng Kênh là có cơ sở.

[6] Tổng Công ty Hàng Kênh cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm lấy ngày 15/6/2017 là thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện của toàn bộ khoản nợ lãi của 12 Hợp đồng tín dụng là không đúng pháp luật vì các hợp đồng tín dụng độc lập với nhau;

Xét thấy, ngày 22/12/2015 Công ty đã trả hết nợ gốc của 15 hợp đồng tín dụng cho Ngân hàng, nội dung của 15 Hợp đồng tín dụng và các biên bản thỏa thuận ký giữa các bên không có điều khoản nào thỏa thuận về thời hạn chấm dứt hợp đồng. Tại mục 8.2.2 Điều 8 trong 15 Hợp đồng tín dụng, cụ thể: “Bên vay có trách nhiệm chủ động trả nợ đúng hạn cho bên cho vay. Đến hạn nếu bên vay không trả nợ, bên cho vay được quyền tự động trích tài khoản tiền gửi các loại của bên vay để thu nợ. Nếu tài khoản tiền gửi của bên không có tiền thì chuyển sang nợ quá hạn”. Với thỏa thuận này, Ngân hàng tự động trích số tiền 111.824.845 đồng để thu một phần nợ lãi quá hạn cho các hợp đồng tín dụng vào ngày 15/6/2017 (có bảng tính toán chi tiết). Vì vậy, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu khởi kiện vụ án được tính lại từ 15/6/2017 và Điều 429 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm. Vậy nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của Tổng Công ty Hàng Kênh là có căn cứ.

Từ những căn cứ phân tích nêu trên nên chấp nhận một phần kháng cáo của Tổng Công ty Hàng Kênh, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, sửa bản án sơ thẩm.

- Về án phí:

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án được Tòa án chấp nhận, Nguyên đơn phải chịu phần án phí không được Tòa án chấp nhận.

Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm, một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn được chấp nhận nên bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 131, Điều 133, Điều 313, Điều 467 Bộ luật Dân sự 1995khoản 2 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ Điều 51 Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997;

Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Xử:

Chấp nhận một phần kháng cáo của Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, sửa Bản án sơ thẩm số 05/2020/ST-KDTM ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng, cụ thể như sau:

1. Buộc Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam số tiền lãi là 1.694.879.458 đồng (một tỷ sáu trăm chín mươi tư triệu tám trăm bảy mươi chín nghìn bốn trăm năm mươi tám đồng)

2. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam về việc yêu cầu Tòa án tuyên phát mại đối với các tài sản khác của Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP trong trường hợp Công ty Hàng Kênh – CTCP không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam;

3. Về án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Tổng Công ty Hàng Kênh – CTCP phải chịu 62.846.383đ (làm tròn số là 62.846.000đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam phải chịu 59.635.855đ (làm tròn số là 59.636.000đ) đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam đã nộp số tiền tạm ứng án phí là 48.500.000đ (bốn mươi tám triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0013701 ngày 18/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Vậy Ngân hàng còn phải nộp 11.136.000 đồng (mười một triệu một trăm ba mươi sáu nghìn đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Tổng Công ty Hàng Kênh– CTCP không phải chịu 2.000.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Trả lại Tổng Công ty Hàng Kênh số tiền này theo biên lai thu tiền số 0014005 ngày 01/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

465
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 27/2020/KDTM-PT ngày 17/12/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:27/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 17/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về