Bản án 27/2018/DSPT ngày 31/10/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 27/2018/DSPT NGÀY 31/10/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN 

Ngày 31 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 23/2018/TLPT-DS ngày 11/9/2018 về việc Tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2018/DSST ngày 23 tháng 7 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện VL bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2018/QĐ-PT ngày 05 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Đỗ Văn C, sinh năm 1959; Trú tại: thôn NL, xã TQ, huyện VL, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

2. Bị đơn:

2.1. Ông Đỗ Huy Q, sinh năm 1953 (có mặt);

2.2. Ông Đỗ Văn A, sinh năm 1954 (có mặt);

2.3. Bà Đỗ Thị Ph, sinh năm 1963 (có mặt);

Đều trú tại: thôn NL, xã TQ, huyện VL, Hưng Yên

2.4. Bà Đỗ Thị L, sinh năm 1968; Trú tại: thôn TV, xã NT, huyện VG, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Cụ Nguyễn Thị H, sinh năm 1940; Trú tại: Khu tập thể TL, xã KK, huyện GL, Thành phố HN (vắng mặt).

3.2. Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1957 (có mặt);

3.3. Anh Đỗ Hữu Gi, sinh năm 1977 (vắng mặt);

3.4. Anh Đỗ Văn D, sinh năm 1982 (vắng mặt);

Đều trú tại: thôn NL, xã TQ, huyện VL, Hưng Yên

4. Người kháng cáo: Ông Đỗ Huy Q, ông Đỗ Văn A, bà Đỗ Thị Ph và bà Đỗ Thị L là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện, lời khai của nguyên đơn ông Đỗ Văn C trình bày: Bố mẹ ông là cụ Đỗ Văn Đ và cụ Đinh Thị T có 5 người con là: ông Đỗ Huy Q, ông Đỗ Văn A, ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị Ph và bà Đỗ Thị L. Hai cụ không còn có con nuôi, con riêng nào khác. Tài sản của hai cụ có 754m2 đất ở và 477m2 ao tại thôn NL, xã TQ, huyện VL và ngôi nhà cấp bốn. Năm 1972 cụ T chết không để lại di chúc, cụ Đ là người quản lý, sử dụng tài sản. Năm 1988 cụ Đ kết hôn với cụ Nguyễn Thị H, hai cụ ở tại nhà đất trên và không có con chung. Năm 2003 cụ Đ và cụ H làm được một ngôi nhà 2 tầng. Ngày 27/02/2016 cụ Đ chết, không để lại di chúc. Ngay sau khi cụ Đ chết ông Q và ông Ađã yêu cầu cụ H ra khỏi nhà và hai ông quản lý di sản của bố mẹ. Do đó, ông C khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với ngôi nhà và đất ở, đất ao. Quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa sơ thẩm ông C tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện chia thừa kế đối với thửa đất số 113, diện tích 368m2 do gia đình ông Q đang quản lý, sử dụng. Ngoài ra, ông C còn yêu cầu chia khoản tiền phúng viếng cụ Đ còn lại là 87.000.000đ nhưng sau đó ông C cũng đã rút lại yêu cầu này.

Bị đơn ông Q, ông A, bà Ph, bà L trình bày về quan hệ gia đình như ông C đã khai. Về tài sản, các bị đơn xác định cụ Đ và cụ T có 754m2 đất ở và 477m2 ao. Sau khi cụ T chết, cụ Đ kết hôn với cụ H vào năm 1988, nhưng do cụ H có tính tắt mắt nên cụ Đ đã đuổi cụ H đi từ năm 1995 đến khi cụ Đ ốm nặng thì cụ H mới về trông nom một thời gian. Năm 2003 cụ Đ đã chuyển nhượng 368m2 đất ở cho anh Gi và anh D là con ông Q được 280 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà 2 tầng và gửi tiết kiệm 80 triệu đồng lấy tiền lãi sinh hoạt. Việc cụ Đ bán đất cho các cháu đã viết giấy tờ sang tên cho anh Gi và anh D, có cả chữ ký của ông C và ông A. Năm 2003 ông Q làm nhà trên phần đất mua của cụ Đ. Sau khi cụ Đ chết, cụ H đã thỏa thuận với 5 người con của cụ Đ là chỉ lấy 40 triệu đồng tiết kiệm và không còn có yêu cầu gì khác về tài sản. Quan điểm của các bị đơn nhất trí chia thừa kế các tài sản của cụ T và cụ Đ để lại cho 5 người con, nhưng khi nào sang cát xong cho cụ Đ mới chia. Đối với cụ H đã nhận 40 triệu đồng nên không còn quyền lợi gì nữa. Cụ H tự về ở tại khu tập thể TL, xã KK, GL, HN chứ không phải ông Q, ông A đuổi đi. Trường hợp cụ H muốn quay về ở nhà của cụ Đ thì phải nộp lại 40 triệu đồng và chỉ được ở cho đến khi chết, không được chuyển dịch cho ai. Các bị đơn đề nghị nhận di sản bằng hiện vật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Thị H trình bày: Năm 1988 cụ H kết hôn với cụ Đ nhưng hai người không có con chung. Hai cụ sống tại nhà đất của cụ Đ ở thôn NL, xã TQ. Năm 2003 hai cụ xây được ngôi nhà 2 tầng và có 80 triệu đồng gửi tiết kiệm. Năm 2003 ông Q cũng xây nhà ở phần đất bên cạnh nhưng cụ H không biết là cụ Đ bán hay cho ông Q đất, vì cụ là vợ kế nghĩ không có quyền hành gì nên không hỏi. Sau khi cụ Đ chết, ông Q, ông A, bà Ph, bà L đuổi cụ ra khỏi nhà. Ông Q đưa cho cụ 40 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm và yêu cầu cụ ký giấy nhận tiền, không được đòi hỏi tài sản gì khác. Nay cụ H xác định ngôi nhà và số tiền tiết kiệm là tài sản chung của cụ và cụ Đ nên đề nghị chia đôi. Đồng thời đề nghị chia thừa kế phần di sản của cụ Đ để lại theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm cụ H rút yêu cầu chia số tiền 40 triệu đồng của cụ Đ gửi tiết kiệm và khoản tiền tuất là 11.500.000đ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị H1, anh Đỗ Văn Gi và anh Đỗ Văn D (vợ, con ông Q) nhất trí với ý kiến, quan điểm như ông Q đã trình bày. Ủy ban nhân dân xã TQ cung cấp: Theo hồ sơ 299 đo đạc năm 1985 thể hiện, cụ Đỗ Văn Đ đứng tên sử dụng 720m2 đất ở và 302m2 ao tại thửa số 205, tờ bản đồ số 3 thôn NL, xã TQ. Hồ sơ đo đạc năm 2000 thể hiện tổng diện tích đất thổ cư và đất ao của cụ Đ là 1.231m2 được tách thành 3 thửa: thửa số 112 diện tích 367m2 đất thổ cư đứng tên cụ Đỗ Văn Đ, thửa số 113 diện tích 368m2 loại đất thổ cư đứng tên anh Đỗ Hữu Gi và thửa số 116 diện tích 477m2 loại đất ao đứng tên cụ Đỗ Văn Đ. Việc ghi tên thửa đất số 113 đứng tên anh Gi do gia đình tự đề nghị. Đo thực tế diện tích ao là 460m2 tăng lên 121m2 là do lấn ra rãnh thoát nước của thôn.

Tòa án nhân dân huyện VL đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và trưng cầu định giá tài sản kết quả như sau:

+ Thửa đất số 112 diện tích 367m2 trị giá 800.000đ/m2 bằng 300.800.000đ. Trên thửa đất này có 01 ngôi nhà xây 2 tầng, 01 tum trị giá 164.313.780đ; 01 bếp xây từ năm 1959 đã hết khấu hao; 11 cây cau trị giá 2.090.000đ; 02 cây nhãn trị giá 5.400.000đ; 02 cây bưởi trị giá 660.000đ; 02 cây khế trị giá 240.000đ; 02 cây xoài trị giá 1.200.000đ; 01 cây lộc vừng trị giá 420.000đ.

+ Thửa đất số 113 diện tích 368m2 trị giá 800.000đ/m2 bằng 294.400.000đ. Trên thửa đất này có 01 ngôi nhà xây 2 tầng, 01 tum trị giá 287.850.000đ; 01 bếp xây trị giá 23.800.000đ; nhà vệ sinh, nhà tắm trị giá 6.760.000đ; 05 cây cau trị giá 950.000đ; 01 cây xoài trị giá 600.000đ; 01 cây nhãn trị giá 2.700.000đ.

+ Thửa đất số 116, diện tích 460m2 trong đó có 338m2 đất ao hợp pháp trị giá 76.000đ/m2 bằng 25.688.000đ và 121m2 đất ao dôi dư. Trên thửa đất này có 03 cây nhãn trị giá 8.100.000đ; 01 cây khế trị giá 120.000đ; 18 cây cau trị giá  3.420.000đ; 10 cây xoài trị giá 4.200.000đ.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/2018/DSST ngày 23/7/2018 của TAND huyện VL đã quyết định: Áp dụng khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 609, 610, 612, 649, 650, 651, khoản 2 Điều 660, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015. Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Văn C. Chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Xác định quyền sử dụng đất gồm thửa đất số 112, tờ bản đồ số 11 năm 2003 diện tích thực tế 367m2; thửa số 116, tờ bản đồ số 11 năm 2003 diện tích thực tế 459m2 trừ đi 121m2 đất lấn chiếm, còn lại 338m2; ½ giá trị ngôi nhà 2 tầng, 01 tum bằng tiền là 82.156.875đồng trên thửa đất 112, tờ bản đồ số 11 năm 2003 và cây cối trên 2 thửa đất tại thôn NL, xã TQ, huyện VL, tỉnh Hưng Yên là di sản của cụ Đỗ Văn Đ và cụ Đinh Thị T để lại.

Chia cho ông Đỗ Văn C 112,3m2 đất thổ cư của thửa đất 112, tờ bản đồ số 11 năm 2003 theo hình CDGH trong sơ đồ kèm theo. Chia cho ông Đỗ Huy Q 195,7m2 đất thổ cư của thửa đất 112, tờ bản đồ số 11 năm 2003 theo hình ABCDEF trong sơ đồ kèm theo. Giao cho ông Đỗ Huy Q quản lý, sử dụng ngôi nhà 2 tầng 1 tum trên phần đất được chia.

Giành lối đi rộng 02m, chiều dài hết thửa đất 112 có diện tích 49m2 đất của thửa 112, tờ bản đồ số 11 năm 2003 theo hình ABGJKL làm lối đi chung, phần của ông Q và ông C mỗi người là 24,5m2, có sơ đồ kèm theo.

Chia cho ông Đỗ Văn C 169m2 đất ao của thửa đất 116, tờ bản đồ số 11 năm 2003 theo hình OHXQP, có sơ đồ kèm theo. Chia cho ông Đỗ Huy Q 169m2 đất ao của thửa đất 116, tờ bản đồ số 11 năm 2003 theo hình OPYZW, có sơ đồ kèm theo. Tài sản, cây cối trên phần đất được chia cho ai, người đó được quyền quản lý, sử dụng.

Buộc ông Q phải thanh toán trả bà H là 130.976.130đ. Thanh toán trả ông C, ông A, bà Ph, bà L kỷ phần ngôi nhà mỗi người là 13.692.812đ. Buộc ông Q phải thanh toán trả kỷ phần đất thổ cư thửa số 112, tờ bản đồ 11 năm 2003 cho ông A, bà Ph mỗi người là 52.844.443đ; thanh toán trả kỷ phần đất ao là 4.709.466đ và kỷ phần cây cối là 3.608.000đ cho ông A; thanh toán trả bà Ph ¼ kỷ phần đất ao là 1.177.366đ. Buộc ông C phải thanh toán trả bà L kỷ phần đất thổ cư thửa số 112, tờ bản đồ 11 năm 2003 là 52.844.443đ; thanh toán trả kỷ phần đất ao là 4.709.466đ và kỷ phần cây cối là 3.608.000đ. Thanh toán trả bà Ph ¾ kỷ phần đất ao là 3.532.099đ và kỷ phần cây cối là 3.608.000đ. Buộc ông Q và ông C mỗi người phải thanh toán bà H tiền công sức là 2.500.000đ. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Q, ông A, bà Ph, bà L trả ông C 10.000.000đ tiền lo tang lễ khi cụ Đ mất, chia theo phần mỗi người là 2.500.000đ.

Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông C đối với thửa đất thổ cư số 113, tờ bản đồ số 11 năm 2003 tại thôn NL, xã TQ, huyện VL, tỉnh Hưng Yên. Kiến nghị UBND xã TQ, huyện VL giải quyết theo quy định pháp luật 121m2 đất ao lấn chiếm. Ngoài ra, bản án còn quyết định về lãi suất chậm thi hành án, án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/8/2018 ông Đỗ Huy Q, ông Đỗ Văn A, bà Đỗ Thị Ph và bà Đỗ Thị L kháng cáo về các nội dung sau:

+ Đề nghị bà H phải hoàn trả lại 40 triệu đồng bà H nhận tại UBND xã TQ. Đồng thời, phải chia cả đất của bà H ở khu tập thể TL (xã KK, huyện GL, HN), vì cụ Đ là chồng cũng phải được hưởng.

+ Đề nghị chia di sản của cụ Đ và cụ T để lại bằng hiện vật để ai cũng có đất thổ cư và đất ao. Đề nghị để thêm 11m qua thửa đất ao để làm lối đi chung, diện tích ngõ đi chung khoảng 70m2.

+ Ngôi nhà của cụ Đ làm năm 2003 bằng tiền bán đất, khi còn sống cụ Đ đã tuyên bố sau này để làm nhà thờ không chia cho ai. Do vậy, đề nghị xác định đây là tài sản riêng của cụ Đ và đề nghị quy thành tiền và chia làm 6 phần cho 5 người con của cụ Đ và bà H bằng nhau.

+ Đề nghị Tòa án xác định cây cối vào phần đất của ai người đó được sử dụng, còn nằm trên ngõ đi chung phải chặt bỏ, không chia thừa kế về cây.

Tại phiên tòa ngày 23/10/2018 có mặt nguyên đơn, bị đơn; vắng mặt cụ Nguyễn Thị H. Ông C trình bày cụ H Đ nằm viện và xuất trình giấy ủy quyền của cụ H cho ông đại diện tham gia tố tụng. Tuy nhiên, giấy ủy quyền do ông C xuất trình không có chứng thực chữ ký nên không có cơ sở xác định có đúng là cụ H ủy quyền cho ông C hay không. Vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Tại phiên tòa ngày 31/10/2018: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất. Đối với cây cối nằm trên đất của ai được chia thì người đó hưởng, không phân chia thừa kế về cây. Ông Q, ông A, bà Ph, bà L đề nghị Tòa án chia gộp các suất thừa kế mà họ được hưởng bằng hiện vật để anh em sử dụng chung. Nguyên đơn đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, HĐXX phúc thẩm và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án, Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự: Chấp nhận 1 phần kháng cáo của đồng bị đơn, sửa bản án sơ thẩm số 09/2018/DSST ngày 23/7/2018 của Tòa án

nhân dân huyện VL theo hướng xác định lại diện tích đất ao tranh chấp, giá trị ngôi nhà cụ H được hưởng và chia thừa kế cho các đương sự bằng hiện vật theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Cụ Đỗ Văn Đ chết ngày 27/2/2016 và cụ Nguyễn Thị T chết năm 1974. Cụ T chết trước ngày ban hành Pháp lệnh thừa kế năm 1990 nên thời điểm mở thừa kế được tính kể từ ngày Pháp lệnh thừa kế có hiệu lực ngày 10/9/1990. Tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện ngày 25/3/2017, Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2017) quy định thời hiệu người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm, đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Do đó, tính đến ngày nguyên đơn khởi kiện, thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ Đ và cụ T vẫn còn.

Cụ T và cụ Đ chết đều không để lại di chúc. Tòa án chia di sản thừa kế của cụ T và cụ Đ để lại theo quy định của pháp luật là đúng. Những người hưởng di sản thừa kế của cụ T gồm: cụ Đ, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L. Những người được hưởng di sản thừa kế của cụ Đ gồm cụ H, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L.

[2] Cụ Đỗ Văn Đ và cụ Nguyễn Thị T có tài sản là thửa đất thổ cư diện tích đo thực tế là 735m2 trị giá bằng 588.000.000đ (800.000đ/m2). Cụ T và cụ Đ mỗi người có ½ giá trị tài sản trên bằng 294.000.000đ. Năm 2003 cụ Đ đã bán 368m2 đất thổ cư trị giá bằng 294.400.000đ cho anh Gi và anh D nhưng không có sự thống nhất, thỏa thuận với tất cả các con; do đó, phần diện tích đất đã bán phải trừ vào di sản thừa kế của cụ Đ để lại, còn lại bao nhiêu mới đem chia thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ T và cụ Đ có 367m2 đất thổ cư, không tính phần diện tích đất cụ Đ đã bán năm 2003 là 368m2 là không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế.

Đối với diện tích ao đo thực tế là 459m2, trừ đi 121m2 lấn chiếm còn 338m2 trị giá bằng 25.688.000đ, chia ra cụ T và cụ Đ mỗi người có 12.844.000đ.

Tổng giá trị di sản là quyền sử dụng đất thổ cư và đất ao của cụ T để lại (294.000.000đ + 12.844.000đ) là 306.844.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm áng trích cho cụ Đ hưởng khoản tiền công sức quản lý tài sản của cụ T bằng 12.000.000đ. Do đó, di sản về quyền sử dụng đất của cụ T còn lại để chia thừa kế (306.844.000đ – 12.000.000đ) là 294.844.000đ, được chia cho 6 thừa kế là cụ Đ, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L mỗi kỷ phần bằng 49.140.666đ. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chia thừa kế di sản là đất ao của cụ T cho 5 người con, không chia cho cụ Đ là không đúng pháp luật. Cấp phúc thẩm sẽ sửa bản án sơ thẩm về các sai sót nêu trên.

[3] Di sản quyền sử dụng đất thổ cư và đất ao của cụ Đ bằng 306.844.000đ; kỷ phần thừa kế đất thổ cư và đất ao cụ Đ hưởng của cụ T là 49.140.666đ; khoản công sức duy trì tài sản là 12.000.000đ. Tổng cộng bằng367.984.666đ. Năm 2003 cụ Đ đã bán 368m2 đất thổ cư trị giá  bằng 294.400.000đ cho anh Gi và anh D; do đó, phần diện tích đất thổ cư và đất ao của cụ Đ còn lại để chia thừa kế (367.984.666đ - 294.400.000đ) bằng 73.584.666đ. Tòa án cấp sơ thẩm áng trích công sức cho cụ H 5.000.000đ, các đương sự không kháng cáo về nội dung này nên được giữ nguyên. Như vậy, di sản về quyền sử dụng đất của cụ Đ còn lại là 68.584.666đ, chia cho 6 thừa kế là cụ H, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L mỗi kỷ phần là 11.430.777đ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị di sản là đất thổ cư của cụ Đ để lại là 176.266.666đ và giá trị di sản là đất ao là 12.844.000đ, tổng cộng bằng 189.110.666đ là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ sửa án sơ thẩm về nội dung này.

[4] Đối với ngôi nhà 2 tầng trị xây dựng năm 2003 giá 164.313.780đ, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tài sản chung của cụ Đ và cụ H là đúng quy định của pháp luật. Các bị đơn kháng cáo cho rằng ngôi nhà do cụ Đ xây bằng tiền bán đất nên là tài sản riêng của cụ Đ là không phù hợp quy định của pháp luật về việc xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên không được chấp nhận. Như vậy, cụ Đ và cụ H mỗi người được hưởng ½ giá trị ngôi nhà bằng 82.156.890đ. Di sản của cụ Đ được chia cho 6 thừa kế là cụ H, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L mỗi kỷ phần là 13.692.815đ.

[5] Về khoản tiền gửi tiết kiệm của cụ Đ là 80 triệu đồng cũng được xác định là tài sản chung của cụ Đ và cụ H có trong thời kỳ hôn nhân. Ngày 6/4/2016 cụ H và các con riêng của cụ Đ đã thỏa thuận cụ H nhận 40 triệu, còn 40 triệu giao cho các con cụ Đ quản lý, sử dụng là phù hợp với quy định của pháp luật về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, các bị đơn kháng cáo yêu cầu cụ H phải trả lại 40 triệu đồng là không đúng pháp luật nên không được chấp nhận.

[6] Đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét quyền lợi của cụ Đ đối với nhà đất của cụ H ở khu tập thể TL, xã KK, huyện GL, HN để chia thừa kế theo pháp luật. Xét thấy, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm các đương sự không yêu cầu Tòa án xem xét khối tài sản này nên không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm.

[7] Đối với các cây trồng trên đất thổ cư và đất ao trị giá bằng 21.650.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là di sản riêng của cụ Đ và chiacho 6 thừa kế là cụ H, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L mỗi kỷ phần là3.608.000đ. Các bị đơn kháng cáo cho rằng 1 số cây nằm trên  diện tích đất làm ngõ đi chung, 1 số cây nằm trên phần diện tích đất lấn chiếm do xã quản lý. Do vậy, bị đơn kháng cáo đề nghị Tòa án xác định các cây cối trồng trên đất của ai được chia thì người đó hưởng, còn cây nào trồng trên ngõ đi thì phải chặt bỏ. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự nhất trí không yêu cầu chia thừa kế đối với các cây trồng trên đất. Do đó, kháng cáo của bị đơn về nội dung này được chấp nhận.

[8] Tài sản của cụ H có trong khối tài sản chung với cụ Đ là giá trị ½ ngôi nhà bằng 82.156.890đ và cụ H được hưởng thừa kế của cụ Đ về đất là 11.430.777đ, về nhà là 13.692.815đ và tiền công sức là 5.000.000đ, tổng 4 khoản bằng 112.280.482đồng. Kỷ phần thừa kế của ông Q, ông A, ông C, bà Ph, bà L mỗi người được hưởng thừa kế về đất của cụ T là 49.140.666đ, thừa kế về đất của cụ Đ là 11.430.777đ và thừa kế về nhà là 13.692.815đ, tổng 3 khoản bằng 74.264.258đ.

[9] Về việc phân chia di sản: Diện tích đất ở vào ao là di sản để chia thừa kế là 705m2 (trong đó có 367m2 đất ở và 338m2 đất ao). Căn cứ hiện trạng thửa đất và nhu cầu sử dụng của các bên thì có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Theo đó, sẽ dành ra 71m2 đất để làm ngõ đi chung (49m2 đất thổ cư và 22m2 ao), còn lại 318m2 đất ở và 316m2 đất ao sẽ phân chia như sau: Chấp nhận sự thỏa thuận của ông Q, ông A, ông C nhận chung kỷ phần thừa kế mà mình được hưởng. Giao cho ông Q, ông A, bà Ph và bà L mỗi người 212m2 đất thổ cư trị giá bằng 169.600.000đ và 316m2 ao trị giá bằng 24.016.000đ. Giao cho ông Q, ông A, bà Ph, bà L có quyền sở hữu ngôi nhà 2 tầng trị giá 164.313.780đ. Tổng giá trị di sản ông Q, ông A, bà Ph, bà L được nhận là 357.929.780đ.

Chia cho ông C 106m2 đất thổ cư trị giá 84.800.000đ.

Đối với diện tích làm ngõ đi chung là 71m2 trong đó có 49m2 đất thổ cư trị giá bằng 39.200.000đ và 23m2 đất ao trị giá bằng 1.672.000đ, tổng cộng bằng 40.872.000đ chia cho 5 người sử dụng chung là ông Q, ông C, ông A, bà Ph và bà L mỗi người cộng giá trị ngõ đi chung vào giá trị di sản thừa kế được hưởng là 8.174.400đ (có sơ đồ kèm theo).

Như vậy, giá trị di sản thừa kế ông Q, ông A, bà Ph và bà L thực tế được nhận là (357.929.780đ + 32.697.600) = 390.627.380đ, trừ đi phần giá trị di sản thừa kế ông Q, ông A, bà Ph và bà L được hưởng là (74.264.258đ x 4) =297.057.032đ, ông Q, ông A, bà Ph và bà L nhận di sản nhiều hơn suất thừa kế được hưởng là 93.570.348đ.

Giá trị di sản thừa kế ông C thực tế được nhận là (84.800.000đ +8.174.400đ) = 92.974.400đ, trừ đi phần giá trị di sản thừa kế ông C được hưởnglà 74.264.258đ, ông C nhận di sản nhiều hơn suất thừa kế được hưởng là 18.710.142đ.

Buộc ông Q, ông A, bà Ph, bà L phải thanh toán trả kỷ phần thừa kế cho cụ H 93.570.348đ. Buộc ông C phải thanh toán trả kỷ phần thừa kế cho cụ H18.710.142đ, chia ra ông C,ông A, bà L bà Ph mỗi người phải trả cho cụ H là23.392.000đ.

[10] Đối với khoản tiền lo tang lễ cho cụ Đ, bản án sơ thẩm đã ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự, theo đó ông Q, ông A, bà Ph, bà L tự nguyện trả lại cho ông C 10.000.000đ. Các đương sự không có kháng cáo về nội dung này nên thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành.

[11] Về án phí: Kháng cáo của các bị đơn được chấp nhận 1 phần, bản án sơ thẩm bị sửa nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần tài sản, di sản được hưởng. Đối với cụ Nguyễn Thị H, sinh năm 1940, ông Đỗ Huy Q, sinh năm 1953 và ông Đỗ Văn A, sinh năm 1954 là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi, nên thuộc đối tượng được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và khoản 1 Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ Điều 611, 614, 623, 650, 651, 660, điểm b, d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015. Điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Đỗ Huy Q, ông Đỗ Văn A, bà Đỗ Thị Ph, bà Đỗ Thị L. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 09/2018/DSST ngày 23/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện VL như sau:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Văn C đề nghị chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất của cụ Đỗ Văn Đ và cụ Đinh Thị T để lại tại thôn NL, xã TQ, huyện VL, tỉnh Hưng Yên.

2. Di sản của cụ Đinh Thị T để lại gồm 367.5m2 đất thổ cư trị giá 294.000.000đ và 169m2 đất ao trị giá 12.844.000đ, tổng cộng giá trị di sản của cụ T là 306.844.000đ. Áng trích cho cụ Đ hưởng 12.000.000đ công sức quản lý di sản còn 294.844.000đ, chia cho 6 thừa kế là cụ Đ, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng trị giá di sản là 49.140.666đ.

3. Tài sản chung của cụ Đỗ Văn Đ và cụ Nguyễn Thị H là ngôi nhà xây 2 tầng trị giá 164.313.780đ, cụ Đ và cụ H mỗi người được hưởng ½ giá trị ngôi nhà bằng 82.156.890đ.

4. Phần tài sản của cụ Đ có sau thời điểm cụ T chết gồm 367.5m2 đất thổ cư trị giá 294.000.000đ và 169m2 đất ao trị giá 12.844.000đ, tổng cộng là 306.844.000đ, trừ đi giá trị của 368m2 đất thổ cư là 294.400.000đ mà cụ Đ đãbán cho anh Gi và anh D năm 2003 nên tài sản còn lại của cụ Đ để chia thừa kế là 12.444.000đ, cộng với ½ giá trị ngôi nhà trị giá 82.156.890đ, tiền công sức cụ Đ được hưởng là 12.000.000đ và kỷ phần thừa kế cụ Đ được hưởng của cụ T là 49.140.666đ. Tổng cộng giá trị di sản của cụ Đ để lại để chia thừa kế là 155.741.556đ.

Áng trích cho cụ H 5.000.000đ công sức quản lý di sản, còn 150.741.556đ chia cho 6 thừa kế là cụ H, ông Q, ông A, ông C, bà Ph và bà L mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng trị giá di sản là 25.123.592đ.

5. Tài sản của cụ H có trong khối tài sản chung với cụ Đ là giá trị ½ ngôi nhà bằng 82.156.890đ và cụ H được hưởng thừa kế của cụ Đ trị giá là 25.123.592đ và tiền công sức là 5.000.000đ, tổng cộng bằng 112.280.482đồng.

Kỷ phần thừa kế của ông Q, ông A, ông C, bà Ph, bà L mỗi người được hưởng thừa kế của cụ T là 49.140.666đ và hưởng thừa kế của cụ Đ là 25.123.592đ, tổng cộng bằng 74.264.258đ.

6. Chia cho ông Q, ông A, bà Ph, bà L 212m2 đất thổ cư trị giá bằng 169.600.000đ và ngôi nhà 2 tầng trị giá 164.313.780đ tại thửa số 112, tờ bản đố số 11 và 316m2 ao trị giá bằng 24.016.000đ tại thửa số 116, tờ bản đố số 11 thôn NL, xã TQ, huyện VL, tỉnh Hưng Yên. Diện tích đất thổ cư chia cho ông Q, ông A, bà Ph, bà L trên sơ đồ là hình A,B,C,D,E,F, diện tích ao chia cho ông Q, ông A, bà Ph, bà L trên sơ đồ là hình H,G,P,Q,X và J,W,Z,Y,O.

7. Chia cho ông C 106m2 đất thổ cư trị giá bằng 84.800.000đ tại thửa số 116, tờ bản đố số 11 thôn NL, xã TQ, huyện VL, tỉnh Hưng Yên. Diện tích đất thổ cư chia cho C trên sơ đồ là hình D,C,G,H.

8. Diện tích ngõ đi chung của các thừa kế là 71m2 trong đó có 49m2 đất thổ cư trị giá bằng 39.200.000đ và 22m2 đất ao trị giá bằng 1.672.000đ, tổng cộng bằng 40.872.000đ chia cho 5 người sử dụng chung là ông Q, ông C, ông A, bà Ph và bà L, mỗi người cộng giá trị ngõ đi chung vào giá trị di sản thừa kế được hưởng là 8.174.400đ. Diện tích đất ngõ đi chung của ông Q, ông A, ông C, bà Ph, bà L trên sơ đồ là hình A,B,C,G,P,O,J,K,L.

Các cây cối trên phần đất của ai được chia thì người đó có quyền quản lý, sử dụng, nếu nằm trên ngõ đi chung thì phải di chuyển hoặc chặt bỏ để bảo đảm việc sử dụng ngõ đi chung. Có sơ đồ phân chia đất thổ cư, đất ao và ngõ đi chung kèm theo bản án.

9. Giá trị di sản thừa kế ông Q, ông A, bà Ph, bà L thực tế được nhận là (169.600.000đ + 164.313.780đ + 24.016.000đ + 32.697.600đ) = 390.627.380đ, trừ đi phần giá trị di sản thừa kế ông Q, ông A, bà Ph, bà L được hưởng là (74.264.258đ x 4) = 297.057.032đ, ông Q, ông A, bà Ph, bà L nhận di sản nhiều hơn suất thừa kế được hưởng là 93.570.348đ.

Giá trị di sản thừa kế ông C thực tế được nhận là (84.800.000đ + 8.174.400đ) = 92.974.400đ, trừ đi phần giá trị di sản thừa kế ông C được hưởng là 74.264.258đ, ông C nhận di sản nhiều hơn suất thừa kế được hưởng là 18.710.142.

10. Buộc ông Q, ông A, bà Ph, bà L thanh toán trả cho cụ Nguyễn Thị H giá trị tài sản, di sản cụ H được hưởng là 93.570.348đ, chia ra ông C,ông A, bà L bà Ph mỗi người phải trả cho cụ H là 23.392.000đ.

Buộc ông C thanh toán trả cho cụ Nguyễn Thị H giá trị tài sản, di sản cụ H được hưởng là 18.710.000đ.

11. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Q, ông A, bà Ph, bà L trả lại cho ông C 10.000.000đ đóng góp lo mai táng cho cụ Đ, chia ra mỗi người phải trả 2.500.000đ.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

12. Kiến nghị UBND cấp có thẩm quyền xử lý 121m2 đất ao dôi dư theo quy định của pháp luật. Diện tích đất dôi dư trên sơ đồ là Q,Y,Y1,Q1.

13. Về án phí: Ông Đỗ Huy Q, ông Đỗ Văn A, bà Đỗ Thị Ph, bà Đỗ Thị L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Q, ông A, bà Ph, bà L mỗi người 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, theo biên lai thu số 014959, 014960, 014961, 014962 ngày 07/8/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VL.

Ông Đỗ văn C, bà Đỗ Thị Ph, bà Đỗ Thị L mỗi người phải chịu 3.713.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Ông C được đối trừ với số tiền tạm ứng án phí đã nộp 5.000.000đ theo biên lai thu số 014706 ngày 13/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VL, trả lại ông C 1.286.000đ tạm ứng án phí.

Miễn án phí cho cụ Nguyễn Thị H, ông Đỗ Huy Q và ông Đỗ Văn A do thuộc đối tượng người cao tuổi.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1114
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 27/2018/DSPT ngày 31/10/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:27/2018/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:31/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về