TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THƯỜNG XUÂN, TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 26/2021/HSST NGÀY 01/07/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 01 tháng 7 năm 2021 tại Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 19/2021/HSST ngày 31/5/2021; Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 28/2021/QĐXXST- HS ngày 17 tháng 6 năm 2021 đối với bị cáo:
Lò Văn C, sinh ngày 03/7/1973, tại xã Xuân Cẩm (nay thị trấn Thường Xuân), huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Nơi cư trú tại: Thôn TS1, thị trấn TX, huyện TX, tỉnh Thanh Hóa. Nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 03/12; con ông: Lò Văn T (đã chết) và con bà Vi Thị T, có vợ Vi Thị L và có 03 con; Tiền án; Tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 05/02/2021 đến nay, hiện đang tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Thường Xuân (có mặt tại phiên tòa).
+ Người bào chữa cho bị cáo:
Bà: Phan Thị Nhung - Trợ giúp viên Pháp lý của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 6 – Thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa (có mặt).
+ BỊ HẠI:
Bà Lò Thị M, sinh năm: 1958 Trú tại: Thôn TS1, thị trấn TX, huyện TX, tỉnh Thanh Hoá (có mặt).
+ NGƯỜI LÀM CHỨNG:
1. Bà Vi Thị L, sinh năm: 1972 (có mặt).
2. Chị Lương Thị T, sinh năm: 1989 (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 12 giờ ngày 14/12/2020, Lò Văn C, sinh năm 1973, trú tại thôn TS1, Thị trấn TX, huyện TX, tỉnh Thanh Hóa đi uống rượu về đến nhà, do không thấy vợ mình là chị Vi Thị L, sinh năm 1972 ở đâu nên C lấy điện thoại gọi vợ về nhưng chị L không nghe máy, khoảng 30 phút sau thì chị L về nhà, C hỏi chị L “điện thoại để đâu sao không nghe” thì chị L nói “Tôi rơi điện thoại ở đâu rồi”, sau đó chị Lá đi sang nhà mẹ đẻ là bà Lương Thị Ó, sinh năm 1920 ở cùng thôn. Lò Văn C đi theo chị L sang nhà mẹ vợ, C và chị L cãi nhau, C bảo chị L về nhà mình nhưng chị L không về nên C tức giận lấy điện thoại di động của mình ném vào người chị L và kéo về nhưng chị L vẫn không về nên C về một mình. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, thấy chị L vẫn chưa về nấu cơm chiều nên C tức giận, lấy chiếc Tuốc nơ vít (tua vít) của gia đình bỏ vào túi quần, mục đích sang nhà mẹ vợ dọa chị Lá để chị Lá về nấu cơm. Khi sang đến nhà mẹ vợ, Ch đứng dưới sàn nhà gọi chị Lá thì có tiếng của bà Lò Thị Minh, sinh năm 1958, là chị dâu của C nói vọng ra “Tôi không cho về nữa”. Nghe vậy, C không nói gì và đi lên sàn nhà, thấy chị L đang nằm đắp chăn ở trên sàn nên C lại kéo chăn ra, chị L vùng vằng đạp trúng vào tay C. Do đang bực tức nên C dùng tay phải lấy chiếc tua vít để trong túi quần ra đâm xuống chân chị L trúng vào đùi trái. Lúc này bà Lò Thị M ở dưới bếp đi lên, thấy chị L bị đâm nên đi lại dùng tay tát vào mặt C, sẵn đang cầm tua vít trong tay nên C quay lại đâm hai nhát trúng vào đùi trái, vùng háng (vùng bẹn bên trái) bà M, thấy vậy bà M nhặt chiếc gậy làm bằng tay luồng đánh lại vào người C, ngay lúc này, chị Lương Thị T là con dâu bà M vào can ngăn nên C bỏ về nhà, còn bà M và chị L được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân, sau đó bà Lò Thị M được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 28/12/2020 ra viện.
Tại biện bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 30/12/2020 xác định:
Hiện trường là nhà của bà Lương Thị Ó, ở thôn TS1, thị trấn TX, huyện TX, tỉnh Thanh Hóa. Nhà làm bằng gỗ, mái nhà lợp bằng lá thực vật, có 04 gian: gồm 03 gian chính, 01 gian buồng ngủ, được xây vách ngăn có cửa ra vào. Sàn nhà được làm bằng luồng qua gia công tạo thành mặt phẳng, tổng diện tích nhà là 100m2. Theo báo cáo của bà Lò Thị M, tại vị trí gian nhà thứ 3 tiếp giáp với buồng ngủ là vị trí mà Lò Văn C dùng tua vít gây thương tích cho bà Lò Thị M và chị Vi Thị L.
Tại biên bản xem xét dấu vết trên thân thể của bà Lò Thị M lập ngày 14/12/2020 tại bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân xác định: “Tại mặt trước ngay khớp háng (Vùng bẹn) chân trái có 01 vết thương rách da, kích thước 0,5 cm X 3 cm đang gỉ máu , bờ mép sắc nhọn; Tại 1/3 mặt ngoài đùi trái có 01 vết thương rách da kích thước (hình tròn) đường kính 0,5 đang gỉ máu, bờ mép sắc gọn; Tại 1/2 trên mặt đùi chân phải có 01 vết thâm bầm tím, kích thước 0,2 x 0,5 cm không rõ hình”.
Ngày 08/01/2021 bà Lò Thị M có đơn đề nghị giám định thương tích và đơn yêu cầu Cơ quan điều tra Công an huyện Thường Xuân xử lý hình sự đối với Lò Văn C.
Ngày 15/01/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Xuân ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 06/CSĐT, trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với Lò Thị M.
Ngày 22/01/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Xuân ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 06/CSĐT, trưng cầu Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa giám định cơ chế hình thành thương tích đối với Lò Thị M.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 16/2021/TTPY ngày 22/01/2021, Trung tâm pháp y tinh Thanh Hóa kết luận: Tại thời điếm giám định pháp y về thương tích, tổng tỷ lệ phần trăm tồn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với Lò Thị M được tính theo phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 35%.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về cơ chế hình thành thương tích số 33/2021/TTPY ngày 26/01/2021 kết luận: “Tại mặt trước ngay khớp háng (vùng bẹn) chân trái có vết thương rách da kích thước 0,5cm x 3 cm: Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật có cạnh sắc, hoặc vật có cạnh sắc nhọn, gây tổn thương thủng phúc mạc vùng tiểu khung trái, thủng ruột non; Tại 1/3 trên mặt ngoài đùng trái có 01 vết thương rách da hình tròn đường kính 0,5cm. Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật có có cạnh sắc nhọn hoặc vật tày có cạnh; Tại 1/2 trên đùi mặt trước chân phải có 01 vết thâm bầm tím kích thước 02 cm x 05 cm. Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật tày hoặc vật tày có cạnh.
Bà Lò Thị M kêu đau bụng, ngực. Do tác động của ngoại lực tạo nên bởi vật tày hoặc vật tày có cạnh. Gây tổn thương gãy cung xương sườn số 7 bên trái. Tại thời điểm giám định pháp y về cơ chế hình thành thương tích: Không đủ chứng cứ khoa học và các dữ liệu khách quan để xác định chính xác chiều hướng tác động và lực tác động của vật gây thương tích”.
Đối với hành vi của bà Lò Thị M, đã dùng tay tát vào mặt và dùng gậy luồng vụt vào người Lò Văn C, quá trình điều tra Lò Văn C không yêu cầu giám định thương tích và không đề nghị gì nên không có căn cứ để xử lý.
Về bồi thường dân sự:
Người bị hại là bà Lò Thị M có đơn yêu cầu Lò Văn C bồi thường toàn bộ chi phí điều trị vết thương với tổng số tiền 50.000.000 (Năm mươi triệụ) đồng. Lò Văn C đã tác động nhờ gia đình mình là vợ và con trai bồi thường cho bà M số tiền 43.500.000 (bốn mươi ba triệu năm trăm nghìn) đồng. Bà M đã nhận đủ số tiền và không yêu cầu Lò Văn C phải bồi thường gì thêm, đồng thời có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Lò Văn C.
Về xử lý vật chứng vụ án: Quá trình điều tra xác định không liên quan đến việc phạm tội nên đã trả lại cho Lò Văn C qua người được ủy quyền là chị Vi Thị L. 01 chiếc điện thoại di động hiệu 1TEL, vỏ màu đen, sổ 1MEL 1: 35652511727926; số IMEL 2: 356525117279634, bên trong có lắp sim số thuê bao 0975375961 của Lò Văn C.
Vật chứng còn lại gồm: 01 (một) chiếc tua vít có tổng chiều dài 25 cm, tay cầm bằng nhựa dài 12 x 4 cm, có sọc sao trắng đỏ đen, phần đầu nơ vít dài 13 cm, đầu nhọn có 4 cạnh; 01 cây gậy bằng luồng dài l,2 m, hai đầu không bằng nhau, đầu to có đường kính 1,5 cm, đầu nhỏ có đường kính 1 cm, thân cây gậy được chia làm nhiều đốt dài ngắn khác nhau là công cụ phạm tội nên tiếp tục thu giữ để xử lý.
Tại bản cáo trạng số 24/CT-VKSTX ngày 19/5/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Xuân truy tố Lò Văn C về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của bị cáo Lò Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích ”, quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã tác động với gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Lò Văn C từ 05 (năm) 03 (ba) tháng đến 05 (năm) 06 (sáu) tháng tù, thời gian chấp hành án tính từ ngày 05/02/2021.
Về vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc tuốc nơ vít có tổng chiều dài 25 cm, tay cầm bằng nhựa dài 12 x 4 cm có sọc sao trắng đỏ đen, phần đầu nơ vít dài 13 cm, dầu nhọn có 4 cạnh; 01 cây gậy bằng luồng dài l,2m, hai đầu không bằng nhau, đầu to có đường kính 1,5 cm, đầu nhỏ có đường kính 1 cm, thân cây gậy được chia làm nhiều đốt dài ngắn khác nhau.
Về phần bồi thường dân sự: Người bị hại không có yêu cầu gì thêm nên không xem xét. Về án phí theo quy định của pháp luật.
*Người bào chữa cho bị cáo Lò Văn C có quan điểm bào chữa cho rằng: Đồng ý với quan điểm luận tội của Viện kiểm sát. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, là người dân tộc thiểu số, quá trình điều tra và tại phiên toà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện khắc phục hậu quả bồi thường thiệt hại cho bị hại bà Lò Thị M, bà M không yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm và có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo mức án phù hợp.
Bị cáo nhận tội và không có tranh luận gì với đại diện viện kiểm sát.
Căn cứ vào những chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện Thường Xuân, Điều tra viên, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện TX, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Lò Văn C không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng, người tiến hành tố tụng đã tiến hành đều hợp pháp.
[2]. Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của người bị hại, phù hợp với nội dung kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Hội đồng xét xử xét có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 17 giờ 00 phút ngày 14/12/2020, tại thôn TS1, thị trấn TX, huyện TX, do mâu thuẫn cá nhân bộc phát, Lò Văn C đã dùng tuốc nơ vít là hung khí nguy hiểm đâm vào đùi trái và vùng háng (vùng bẹn bên trái) của bà Lò Thị M, gây thương tích với tỷ lệ 35% sức khỏe.
[3]. Xét tính chất vụ án: Đây là vụ án thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Các loại tội phạm đặc biệt là tội phạm xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
[4]. Xét hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi của bị cáo C đã dùng tuốc nơ vít gây thương tích đối với bà Lò Thị M. Theo kết luận giám định pháp y về thương tích số 16/2021/TTPY ngày 22/01/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với Lò Thị M là 35%. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm, chỉ vì bức xúc, thiếu kìm chế bản thân nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo gây mất trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ của người khác, cấu thành đầy đủ tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Xuân truy tố đối với bị cáo là chính xác và có cơ sở.
[5]. Xét về nhân thân; tình tiết giảm nhẹ:
Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự;
Tình tiết tăng nặng: không; Tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bị cáo đã tác động với gia đình tự nguyện bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại; Người bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo. Vì vậy khi lượng hình, Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các quy định cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật.
[6]. Với tính chất vụ án; hành vi phạm tội và nhân thân; tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy việc cách ly Lò Văn C ra khỏi đời sống xã hội một thời gian là cần thiết, áp dụng Điều 38 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo một mức án nhất định để giáo dục, cải tạo bị cáo thành người công dân có ích cho xã hội.
Lời nói sau cùng của bị cáo Lò Văn C xin giảm nhẹ hình phạt.
[7]. Về trách nhiệm dân sự: Quá trình giải quyết vụ án bị cáo Lò Văn C tác động với gia đình, tự nguyện, thỏa thuận bồi thường cho bà Lò Thị M số tiền là 43.500.000đ (bốn mươi ba triệu năm trăm đồng), bà M đã nhận đầy đủ số tiền, không có yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm và có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tịch thu, tiêu huỷ: 01 (một) chiếc tuốc nơ vít có tổng chiều dài 25 cm, tay cầm bằng nhựa dài 12 x 4 cm có sọc sao trắng đỏ đen, phần đầu nơ vít dài 13 cm, dầu nhọn có 4 cạnh; 01 cây gậy bằng luồng dài l,2m, hai đầu không bằng nhau, đầu to có đường kính 1,5 cm, đầu nhỏ có đường kính 1 cm, thân cây gậy được chia làm nhiều đốt dài ngắn khác nhau là công cụ phạm tội, không có giá trị sử dụng.
[8]. Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Thường Xuân tại phiên tòa và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” đề nghị mức hình phạt; Bồi thường dân sự; án phí là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[9]. Xét quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Lò Văn C phù hợp, đúng quy định của pháp luật nên được chấp nhận.
Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự; Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tuyên bố: Lò Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”;
Xử phạt: Lò Văn C 05 (năm) 03 (ba) tháng tù. Thời gian chấp hành án được tính từ ngày 05/02/2021.
Về xử lý vật chứng:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a,c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc tuốc nơ vít có tổng chiều dài 25 cm, tay cầm bằng nhựa dài 12 x 4 cm có sọc sao trắng đỏ đen, phần đầu nơ vít dài 13 cm, dầu nhọn có 4 cạnh; 01 cây gậy bằng luồng dài l,2m, hai đầu không bằng nhau, đầu to có đường kính 1,5 cm, đầu nhỏ có đường kính 1 cm. Vật chứng vụ án theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Xuân và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thường Xuân giao nhận ngày 21/5/2021.
Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại không có yêu cầu gì thêm nên miễn xét.
Về án phí: Căn cứ Điều 135 và Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21; Điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”. Buộc Lò Văn C phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí Hình sự sơ thẩm.
Quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo, người bị hại được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (01/7/2021).
Bản án 26/2021/HSST ngày 01/07/2021 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 26/2021/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thường Xuân - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/07/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về