TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 26/2021/DS-PT NGÀY 01/02/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 26 tháng 01 và ngày 01 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 229/2020/TLPT- DS ngày 20 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 58/2020/DS-ST ngày 14/09/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 313/2020/QĐ-PT ngày 30 tháng 11 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Bùi Văn D, sinh năm 1970 và bà Phan Thị T1, sinh năm 1982; cùng cư trú tại: Ấp V, xã T2, huyện G, tỉnh Tây Ninh (ông D và bà T1 có mặt).
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông D: Anh Mai Hoàng N – Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư N1, chi nhánh B– Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án).
- Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần B (Tên viết tắt là P); địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà H số 4A L, phường L, quận B1, H1. Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Xuân T2- Tổng Giám đốc;
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn (theo văn bản ủy quyền ngày 01/6/2020):
1. Ông Nguyễn Ngọc Q- Phó Giám đốc Ban bảo hiểm xe cơ giới (có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án);
2. Bà Nguyễn Thị T3- Ban Pháp chế và kiểm soát nội bộ - P (vắng mặt);
3. Ông Nguyễn Văn N2- Trưởng phòng giám định P Tây Nam (Vắng mặt tại phiên tòa, có mặt khi tuyên án).
- Người kháng cáo: Bị đơn- Tổng Công ty cổ phần B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 24/02/2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông D và bà T1 thống nhất trình bày:
Ông D, bà T1 có mua bảo hiểm của Tổng Công ty cổ phần B (gọi tắt là Công ty B), gồm bảo hiểm ô tô bắt buộc (bảo hiểm trách nhiệm dân sự) và bảo hiểm ô tô tự nguyện cho xe ô tô mang biển số 51F-712.23. Vào khoảng 16 giờ đến 17 giờ chiều ngày 19/8/2019 bà Nguyễn Thị Xuân T4 là nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh- đại diện cho Công ty B đến nhà ký kết hợp đồng với ông bà. Vào thời điểm mua bảo hiểm thì xe ô tô mang biển số 51F-712.23 có tại nhà, bà T1 trực tiếp làm việc với bà T4; bà T1 đã thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm cho Công ty B thông qua bà T4 với tổng số tiền là: 12.873.000 đồng (trong đó bảo hiểm tự nguyện là 12.000.000 đồng và bảo hiểm bắt buộc 873.000 đồng) và bà T1 nhận được 02 giấy chứng nhận bảo hiểm, có hiệu lực vào lúc 07 giờ ngày 20/8/2019 đến 07 giờ ngày 20/8/2020.
Vào lúc 15 giờ 30 phút, ngày 20/8/2019 ông D lái xe đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã T5, huyện B2, tỉnh Tây Ninh để làm giấy tờ thì xảy ra tai nạn bất ngờ một cây xanh bị giông gió cuốn bật gốc và đè bẹp chiếc xe. Toàn bộ giấy tờ để trong xe không lấy ra được. Ngay sau khi tai nạn bất ngờ xảy ra, ông D có gọi điện cho bà Nguyễn Thị Xuân T4 là cán bộ trực tiếp cấp giấy chứng nhận bảo hiểm để liên hệ với Đại diện Công ty B yêu cầu cử nhân viên đến lập biên bản hiện trường.
Khi ông T6– Nhân viên Công ty B đến hiện trường đã chứng kiến và lập biên bản sự việc, ông D thuê người cưa một cành cây đè bẹp cửa và xô cửa trước của xe mới lấy được giấy tờ và giấy chứng nhận bảo hiểm để trong xe cho anh Thành xem và đưa xe về Chi nhánh Công ty TNHH Toyota L tại Tây Ninh để sửa chữa.
Căn cứ vào bảng báo giá sửa chữa của Công ty TNHH Toyota L cung cấp với tổng số tiền sửa chữa là 500.042.290 đồng. Ông bà đã bổ sung hồ sơ đầy đủ và nhiều lần liên hệ yêu cầu Công ty B bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Công ty B có công văn số 4156/P-BXCG về việc thông báo phương án giải quyết vụ tổn thất xe ô tô biển kiểm soát 51F-712.23 và từ chối bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Do có nhu cầu phải sử dụng xe nên đến tháng 6 năm 2020 ông D, bà T1 phải sửa chữa xe và phải trả cho Công ty TNHH Toyota L tại Tây Ninh số tiền 461.000.000 đồng (thay vì 488.000.000 đồng nhưng được khấu trừ phí hoa hồng 10%).
Theo nội dung Hợp đồng, loại bảo hiểm mà ông bà được Tổng Công ty cổ phần B bồi thường trong phạm vi bảo hiểm do đâm, va, lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, các vật thể khác từ bên ngoài tác động vào xe. Những rủi ro do bất khả kháng do thiên nhiên như: bão, sóng thần, gió lốc, mưa đá, lụt… Hợp đồng bảo hiểm trên dựa trên điều kiện và Quy tắc Bảo Hiểm tự nguyện xe cơ giới (ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-P ngày 26/12/2018 của Tổng giám đốc Công ty B).
Nay ông D bà T1 khởi kiện yêu cầu Công ty B phải bồi thường thiệt hại toàn bộ chi phí sửa chữa xe là 461.000.000 đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa - Bị đơn và đại diện theo ủy quyền của bị đơn thống nhất trình bày:
Thông tin theo giấy chứng nhận bảo hiểm: Nhân viên B T7, Tây Ninh là bà Nguyễn Thị Xuân T4 cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng thông tin như sau: giấy chứng nhận bảo hiểm số TN190132947 ngày 20/8/2019 cho xe 51F- 712.23, chủ xe Nguyễn Thùy L:
Thời hạn bảo hiểm: từ 07 giờ 00 phút ngày 20/8/2019 đến 07 giờ 00 phút ngày 20/8/2020.
Quy tắc bảo hiểm: Quy tắc, biếu phí bảo hiểm tự nguyện xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 370/QĐ-P ngày 26/12/2018 của Tổng giám đốc P;
Điều khoản sửa đổi, bổ sung: 02, 05, 06; Số tiền bảo hiểm: 750.000.000 đồng Phí bảo hiểm: 12.000.000 đồng Quá trình cấp đơn bảo hiểm, giải quyết khiếu nại bồi thường Theo thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường của ông Bùi Văn D lái xe thì 14 giờ 30 phút ngày 20/8/2019, ông D đi từ nhà đến Ủy ban nhân dân xã T5, huyện B2, tỉnh Tây Ninh, đậu xe dưới gốc cây xanh tại Ủy ban nhân dân xã để làm giấy tờ, khoảng 15 giờ 30 phút, do mưa giông gió lốc làm bật gốc cây xanh làm đè lên xe gây hư hỏng nặng.
Cùng ngày giám định viên Công ty B Tây Nam (P Tây Nam) trực thuộc P đã đến hiện trường và lập biên bản hỏi đáp với ông Bùi Văn D, nội dung biên bản ông D thông tin: khoảng 16 giờ 00 phút, ngày 18/8/2019 ông D gọi bà T4 để mua bảo hiểm, sau đó khoảng 08 giờ sáng ngày 19/8/2019, bà T4 đến nhà và bán bảo hiểm cho ông D, khi cấp bảo hiểm thì xe đang ở Sài Gòn, điện thoại chỉ để nghe gọi nên không lưu cuộc gọi với bà T4.
Ngày 21/8/2019, giám định viên P Tây Nam có làm việc với bà T4 (số điện thoại 0919.552.375), là người bán bảo hiểm thì bà T4 thông tin: khi được hỏi khách gọi bà T4 mua bảo hiểm ngày nào, đến nhà khách cấp đơn khi nào thì bà T4 trả lời khoảng 17 giờ 00 phút ngày 19/8/2019 ông D (số điện thoại 077.5044.271) gọi cho bà mua bảo hiểm, khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày thì bà tới nhà ông D cấp đơn “Khi bà T4 đến nhà ông D thì xe đang ở trong nhà xe, ông D kéo cửa nhà xe cho bà T4 quan sát, kiểm tra xe, xe bình thường không có vấn đề gì”. Sau đó khi được hỏi lại khách gọi cho bà T4 mua bảo hiểm ngày nào thì bà T4 trả lời “ngày 20/8/2019, lúc 07 giờ 00 phút ông D gọi bà T4 để đề nghị đến nhà cấp đơn bảo hiểm” khi lại trả lời là “bà T4 là người trực tiếp gọi cho ông D để tư vấn lúc 06 giờ 30 phút sáng 20/8/2019”. Khi được hỏi khi cấp đơn thì bà T4 có xem xe không thì bà T4 trả lời là “có xem xe, ông D mở cửa cho bà xem xe, kiểm tra thấy xe bình thường nên không chụp hình”.
Ngày 09/9/2019, bà T4 có lập bản tường trình về việc bán bảo hiểm cho ông D như sau: “Vào chiều 19/8/2019, lúc 15 giờ 30 phút, tôi có điện thoại cho Vương P báo giá xe của anh D Fortuner đời xe năm 2016”, sau đó bà T4 gọi điện cho ông D hỏi xe có nhà không và ghé vào ghi bảo hiểm cho ông D. “Lúc tôi đến nhà khoảng 17 giờ 50 phút, ngày 19/8/2019 và kêu anh D mở cửa nhà xe để em quan sát xe. Lúc đó, tôi quan sát xe từ trước ra sau và 2 bên hông xe thì xe không có vấn đề gì cả”. Bà T4 không chụp lại ảnh xe vì xe tái tục. “Lúc tôi ghi bảo hiểm xong là chiều ngày 19/8/2019 gần khoảng 6 giờ tối nên chị T1vợ anh D nói tôi là cấp bảo hiểm ngày 20/8/2019 luôn nhen để không mất ngày bảo hiểm của xe anh D” bà T4 hỏi ông D có đi đâu không thì anh D nói cất luôn cho nên kêu tôi ghi 07 giờ sáng ngày 20/8/2019. Đến 15 giờ 30 phút, ngày 20/8/2019, khi xe bị tai nạn ông D gọi điện cho bà T4, bà T4 nói ông D lấy bảo hiểm ra gọi cho đường dây nóng bảo hiểm. “Anh D bảo cây đè không mở cửa được. Tôi cho số điện thoại đường dây nóng và kêu anh D điện thoại báo bảo hiểm”. Tuy nhiên, khi giám định viên P Tây Nam đến hiện trường thì toàn bộ giấy tờ xe và thẻ bảo hiểm anh D đang cầm sẵn trên tay trong khi xe vẫn đang đậu tại vị trí xảy ra tai nạn, cây vẫn đang đè bẹp lên xe.
Cùng ngày, Giám định viên P Tây Nam, bà T4 có làm việc và lập biên bản về việc đối chiếu nội dung làm việc với bà T4 và ông D có các nội dung mâu thuẫn và sai lệch như sau: Khi được hỏi khi cấp thẻ bảo hiểm xe đang ở đâu thì ông D nói xe đang ở Sài Gòn, bà T4 nói xe đang ở trong nhà xe và ông D mở cửa nhà xe cho bà T4 kiểm tra; khi được hỏi ông D mua bảo hiểm khi nào thì ông D đáp khoảng 08 giờ 00 phút, ngày 19/8/2019 còn bà T4 đáp khoảng 17 giờ 00 phút ngày 19/8/2019. Khi được hỏi tại sao cấp đơn ngày 19/8/2019 mà lại ghi hiệu lực 07 giờ 00 ngày 20/8/2019 thì ông D nói không biết còn bà T4 trả lời do xe không đi đâu nên nói chủ xe cấp hiệu lực 07 giờ 00 ngày 20/8/2019; khi được hỏi về việc lưu lịch sử cuộc gọi thì cả bà T4 và ông D đều nói điện thoại chỉ nghe gọi nên không thể lưu lịch sử cuộc gọi.
Ngày 11/9/2019, P Tây Nam làm việc với bà Nguyễn Thị Thu S, lãnh đạo B T7 ghi nhận tại biên bản làm việc: Thời gian bà T4 nộp phí là gần 16 giờ 00 ngày 20/8/2019 (bà T4 đi công tác ghé nộp), bà S nhập Paypost (Paypost là phần mềm nhập thông tin giấy chứng nhận bảo hiểm của B Việt Nam – đại lý bảo hiểm của P:
ngay sau khi cấp đơn bảo hiểm, cán bộ B phải lập tức nhập thông tin bán bảo hiểm vào phần mềm này để làm cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường của P khi có tai nạn xảy ra) vào lúc 16 giờ 18 phút ngày 20/8/2019. Hình ảnh bà T4 gửi ấn chỉ bảo hiểm qua Zalo, viber cho bà S vào lúc 15 giờ 56 phút, ngày 20/8/2019.
Ngày 07/10/2019, P có ra công văn số 4156/P-BXCG thông báo phương án giải quyết vụ tổn thất xe ô tô 51F-712.23 ngày 20/8/2019 từ chối bồi thường với lý do như sau: Căn cứ vào thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường của ông D thì thời gian xảy ra tai nạn là 15 giờ 30 phút ngày 20/8/2019; căn cứ vào các biên bản làm việc giữa các bên (cán bộ P Tây Nam, ông D, bà T4) về việc cấp đơn bảo hiểm thì các thông tin cấp đơn không chính xác và đồng nhất, căn cứ vào thời gian giao dịch để cung cấp bảo hiểm cho xe 51F-712.23 của bà S giám đốc B T7 và bà T4 cán bộ cấp đơn thì thời gian thực hiện việc cấp đơn là ảnh chụp giấy chứng nhận bảo hiểm mà bà T4 gửi cho bà S vào lúc 15 giờ 56 phút, ngày 20/8/2019 (thời điểm xe đã xảy ra tổn thất).
Ý kiến của P:
- Căn cứ các biên bản làm việc và nội dung thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường của ông D thì tổn thất xảy ra vào hồi 15 giờ 30 phút, ngày 20/8/2019 tại Ủy ban nhân dân xã T5, huyện B2, tỉnh Tây Ninh.
- Căn cứ các biên bản làm việc giữa cán bộ P Tây Nam và bà T4, ông D, P nhận thấy toàn bộ lời khai giữa người bán và người mua bảo hiểm hoàn toàn mẫu thuẫn về thời gian cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cũng như việc khai báo xe để ở đâu khi cấp bảo hiểm; P xác định thời điểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm như hai bên khai báo là không đúng. Vì vậy thời điểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm phải căn cứ vào chứng cứ khách quan bà T4 khi gửi Giấy chứng nhận bảo hiểm về B T7 để nhập chương trình bảo hiểm.
- Căn cứ biên bản làm việc ngày 11/9/2019 giữa cán bộ P Tây Nam và bà Nguyễn Thị Thu S, lãnh đạo B T7 thì thời điểm mua bảo hiểm được xác nhận là lúc 15 giờ 56 phút ngày 20/8/2019, sau khi tai nạn đã xảy ra.
- Khi giám định viên P Tây Nam đến hiện trường thì toàn bộ giấy tờ xe và thẻ bảo hiểm anh D đang cầm sẵn trên tay trong khi xe vẫn đang đậu tại vị trí xảy ra tai nạn, cây vẫn đang đè bẹp lên xe nhưng ông D trình bày khi ông T6 đến hiện trường thì giấy tờ vẫn còn trong xe.
- Căn cứ theo quy định điểm c khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Điều 22. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu 1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”;
Như vậy, thời điểm chủ xe mua bảo hiểm thì tổn thất đã xảy ra, do đó giấy chứng nhận bảo hiểm số TN190132947 bị vô hiệu theo quy định của pháp luật, P không có nghĩa vụ bồi thường cho tổn thất nêu trên. Do đó, P đề nghị Tòa án nhân dân thành phố T không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D, bà T1.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 58/2020/DS-ST ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
Căn cứ Điều 12, 14, 15, 43, 46 và 47 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 về án phí, lệ phí Tòa án;
Chấp nhận yêu cầu của ông Bùi Văn D, bà Phan Thị T1 đối với Tổng Công ty cổ phần B về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”;
Buộc Tổng Công ty cổ phần B (P) có trách nhiệm bồi thường cho ông D, bà T1 số tiền 461.000.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi mốt triệu đồng);
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/9/2020, Tổng Công ty cổ phần B có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm giải quyết không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngày 24/12/2020, Tổng Công ty cổ phần B có văn bản số 5882 5882/P- PCKSNB bổ sung kháng cáo về việc P cũng đã có đơn đề nghị Tòa án nhân dân thành phố T triệu tập bà T4 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng Tòa án nhân dân thành phố T đã không triệu tập bà T4.
Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử, Thẩm phán và Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành của người tham gia tố tụng thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần B, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, xét thấy:
[1] Ngày 15/9/2020 Tổng Công ty cổ phần B (tên viết tắt P) có đơn kháng cáo với bản án dân sự sơ thẩm số 58/2020/DS-ST ngày 14/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, kháng cáo của P là hợp lệ theo quy định của pháp luật.
[2] Ngày 24/12/2020, P có văn bản số 5882/P-PCKSNB về việc bổ sung nội dung kháng cáo, P đề nghị đưa bà Lê Thị Xuân Trang tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử xét thấy: Giữa P và Tổng công ty B Việt Nam có ký hợp đồng đại lý số 185/HĐĐL/000/2014 ngày 08/12/2014 (BL 135-149). Hợp đồng này thể hiện sự thỏa thuận của 2 bên về quy trình thực hiện việc chào bán bảo hiểm, nhiệm vụ quyền hạn của các bên. Trong đó có nội dung thỏa thuận:
“P ủy quyền cho Tổng công ty B Việt Nam thực hiện các công việc:
- Giới thiệu, chào bán các sản phẩm bảo hiểm theo quy định;
- Đánh giá rủi ro, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Thu phí bảo hiểm và thông báo số liệu phát sinh theo quy định sau khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho khách hàng;
- Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” Như vậy Tổng công ty B Việt Nam là đơn vị đại diện cho P thực hiện các công việc được ủy quyền trong hợp đồng đại lý và bà Nguyễn Thị Xuân T4- nhân viên của B Tây Ninh có nhiệm vụ trực tiếp chào bán và giao kết hợp đồng bảo hiểm, trực tiếp cấp giấy chứng nhận bảo hiểm đã được giám đốc P Tây Nam ký tên và đóng dấu giao cho bà T1.
[2] Quá trình giải quyết vụ án, ông D và bà T1 cung cấp cho Tòa án chứng cứ là Giấy chứng nhận bảo hiểm thể hiện thông tin: giấy chứng nhận bảo hiểm số TN190132947 ngày 20/8/2019 cho xe biển số 51F-712.23, chủ xe Nguyễn Thùy L (Bà Linh đã ủy quyền cho ông D bà T1); Thời hạn bảo hiểm: từ 07 giờ 00 phút ngày 20/8/2019 đến 07 giờ 00 phút ngày 20/8/2020; Quy tắc bảo hiểm: Quy tắc, biểu phí bảo hiểm tự nguyện xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 370/QĐ-P ngày 26/12/2018 của Tổng giám đốc P; Số tiền bảo hiểm: 750.000.000 đồng; Phí bảo hiểm: 12.000.000 đồng. Tuy nhiên, quá trình làm việc tại cấp sơ thẩm thể hiện tại các BL 85-93; BL 128-131 thì giữa bà T4 và ông D bà T1 nhiều lần trình bày mâu thuẫn nhau về nhiều nội dung, cụ thể: Thời điểm và người chủ động gọi để yêu cầu bảo hiểm, thời gian thực tế cấp bảo hiểm; việc kiểm tra xe và chụp ảnh xe khi cấp đơn bảo hiểm. Cấp sơ thẩm không tiến hành đối chất để làm rõ được trách nhiệm của các bên. Do đó, cần phải đưa bà T4 và Tổng công ty B Việt Nam vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này thì mới giải quyết triệt để vụ án.
Những thiếu sót trên cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
[3] Về án phí: Do hủy bản án sơ thẩm nên Tổng Công ty cổ phần B không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308; Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 58/2020/DS-ST ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tây Ninh và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố T giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm:
Hoàn trả lại cho Tổng Công ty cổ phần B số tiền tạm ứng án phí 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng đã nộp theo biên lai thu số 0000536 ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 26/2021/DS-PT ngày 01/02/2021 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 26/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 01/02/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về