Bản án 26/2018/HS-PT ngày 22/01/2018 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 26/2018/HS-PT NGÀY 22/01/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI 

Ngày 22 tháng 01 năm 2018 tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 566/2017/TLPT-HS ngày 27 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Dương Hoàng L do có kháng cáo của bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2017/HSST ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Dương Hoàng L (Tên gọi khác: Hoàng E); sinh năm 1980 tại Đồng Nai; nơi cư trú: ấp A, xã E, huyện F, tỉnh Đồng Nai; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 01/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Dương Văn V (không rõ năm sinh, hiện đã mất) và bà: (Không rõ họ tên, năm sinh, nơi cư trú); chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; tạm giam ngày 26/12/2016 (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Ngọc T là Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bị hại: Bà Lê Thị U, sinh năm: 1944 (Đã chết).

- Người đại diện hợp pháp của bị hại:

Ông Dương Văn T1 sinh năm 1960; nơi cư trú: Ấp B, xã E, huyện F, tỉnh Đồng Nai; là con của bị hại (có mặt).

Ngoài ra, còn có những người đại diện hợp pháp khác của bị hại vắng mặt tại phiên tòa gồm các ông, bà: Dương Thị T2, sinh năm 1958; Dương Thị Đ, sinh năm 1967; Dương Văn T3, sinh năm 1968; Dương Thị Đ1, sinh năm 1969; Dương Văn L1, sinh năm 1972; Dương Thị Ngọc T4, sinh năm 1974; Dương Văn T5, sinh năm 1976; Dương Thị Ngọc D, sinh năm 1978.

- Đại diện theo ủy quyền của người đại diện hợp pháp của bị hại: Bà Lê Thị M, sinh năm: 1963; cư trú tại: Chùa P, ấp N, xã O, huyện F, tỉnh Đồng Nai (có mặt).

- Người làm chứng:

Những người làm chứng không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Dương Hoàng L là con ruột của ông Dương Văn V, L sống với bà nội là bà Lê Thị U từ nhỏ. Khi L đến tuổi lao động, L làm việc tại sân golf ở cù lao E nhưng bà U giữ thẻ ATM tiền lương của L và chỉ rút đưa cho L một ít tiền để tiêu xài cá nhân.

Khoảng 15 giờ ngày 25/12/2016, bà U về nhà khi L đang nằm ngủ ở phòng khách nên la mắng L. L thức dậy đi ra sau nhà rửa mặt, bà U cũng đi ra sau rửa chén và tiếp tục la mắng L. L đi lại cây sào phơi đồ lấy một khăn rằn màu đỏ trắng đang phơi ở phía sau nhà rồi đi đến phía bà U đang ngồi rửa chén, quàng một vòng khăn qua cổ bà U và dùng hai tay siết mạnh, khi đầu bà U nghiêng sang phải, L tiếp tục quàng thêm một vòng nữa và dùng hai tay siết mạnh một lúc thì buông ra để bà U ngã nghiêng xuống sân. L lật ngửa bà U, kiểm tra thấy bà U không còn thở, bế bà đi ra đồi phía sau nhà, để bà U nằm ở đám lá lốt, sát tường rào, lấy 03 bao xác rắn đựng cát để ở gốc dừa đổ cát đi và dùng bao che lên người bà U. Sau đó, L lấy điện thoại của bà U để ở bên túi áo trái đem vào bếp tháo pin rồi vứt điện thoại xuống cống thoát nước. Khi vào nhà, L gặp ông Nguyễn Thanh Danh chở cám tới cho bà U và hỏi bà U đâu thì L nói bà U đi chơi không có ở nhà rồi phụ ông Danh bê cám vào nhà. Khi ông Danh về, L tắm rửa, giặt quần áo rồi đi làm như bình thường.

Tối cùng ngày, ông Nguyễn Văn Lang cùng gia đình bà U đi tìm và phát hiện tử thi của bà U.

Tại Bản kết luận giám định số 723/PC54-KLGĐPY ngày 05/01/2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đã kết luận nguyên nhân tử vong của bà Lê Thị U: Ngạt do bị siết cổ; hung khí: Vật mềm (dải vải).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2017/HSST ngày 12 tháng 9 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định:

Tuyên bố bị cáo Dương Hoàng L phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 93; điểm e, khoản 1, Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Dương Hoàng L, Tử hình. Bị cáo bị bắt ngày 26/12/2016. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 20 tháng 9 năm 2017, bị cáo Dương Hoàng L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 15 tháng 9 năm 2017, bà Lê Thị M, bà Dương Thị T2 và ông Dương Văn T1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm như sau: Bị cáo đã nhận tội giết bà nội bằng khăn rằn nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo về tội “Giết người” theo điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là đúng người, đúng tội. Việc bị cáo giết người là đáng lên án. Tuy nhiên, bị cáo và ông Dương Văn T1 trình bày hoàn cảnh bị cáo đặc biệt thiếu tình thương của cha, mẹ nên kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại là có cơ sở xem xét, không cần cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo từ tử hình xuống tù chung thân.

Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cha mẹ bị cáo bỏ đi nên thiếu tình thương, 37 tuổi mà chưa có vợ con. Khi bị cáo đi làm, có được khoảng 4 triệu đồng tiền lương trả qua thẻ ATM mà bà nội giữ hết, bị cáo không được nhận tiền, chỉ được bà đưa vài trăm ngàn đồng một tháng. Vào ngày bị cáo phạm tội, do bị cáo xin tiền nhưng bà không cho mà la mắng bị cáo nên bị cáo mới giết bà, không có dự tính từ trước. Bị cáo được bà M là người được ủy quyền của các con bà U, bà Dương Thị T2 và ông Dương Văn T1 xin giảm hình phạt. Ngoài ra, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, giảm hình phạt cho bị cáo còn 20 năm tù.

Bị cáo thống nhất với phần trình bày của người bào chữa và không có ý kiến bổ sung.

Trong đơn kháng cáo, tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, bà Dương Thị T2, ông Dương Văn T1, những người con khác của bà U và bà M đều đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo L để cho bị cáo được sống và trình bày các lý do: bị cáo từ nhỏ đã bị mẹ bỏ rơi, cha mất sớm, khờ khạo, không biết chữ nhưng rất giỏi, siêng năng giữ vịt chăn trâu cho đến khi đủ tuổi đi làm, thường xuyên bị bà nội la mắng, tiền đi làm bị cáo đưa cho bà nội giữ hết hết, nhiều lần bà nội cho tiền chi tiêu hàng tháng không đủ, bị cáo xin thêm bị bà nội la mắng nên bị cáo mới bức xúc ra tay hại bà, cả gia đình bị hại đồng ý bãi nại cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Bà Lê Thị U có 09 người thừa kế là những người con của bà nên cần phải xác định họ là những người đại diện hợp pháp của bị hại trong vụ án này. Tất cả những người con của bà U ủy quyền cho bà Lê Thị M nhưng nội dung ủy quyền là “tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ án giết người của Dương Hoàng L” mà không nêu rõ được toàn quyền thay mặt những người đại diện bị hại tham gia tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm đưa bà M tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của bị hại mà không ghi rõ đại diện hợp pháp của bị hại gồm những người con của bà U là không đúng. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định người đại diện hợp pháp của bị hại là các ông, bà: Dương Thị T2, Dương Văn T1, Dương Thị Đ, Dương Văn T3, Dương Thị Đ1, Dương Văn L1, Dương Thị Ngọc T4, Dương Văn T5, Dương Thị Ngọc D và xác định bà M là người đại diện theo ủy quyền của những người đại diện hợp pháp của bị hại.

[2] Tại đơn kháng cáo, bà M ký tên với tư cách là đại diện bị cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bà khẳng định bà là đại diện theo ủy quyền của những người đại diện hợp pháp của bị hại. Theo quy định tại tiểu mục 1.3 Mục 1 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, bà Lê Thị M là đại diện theo ủy quyền của người đại diện hợp pháp của bị hại chỉ có quyền về trách nhiệm dân sự. Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (tương ứng với điểm l khoản 2 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì bà Lê Thị M chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét kháng cáo của bà M về phần hình phạt đối với bị cáo Dương Hoàng L.

[3] Ngoài chữ ký của bà M, đơn kháng cáo còn có chữ ký của bà Dương Thị T2 và ông Dương Văn T1 là những người được xác định là người đại diện hợp pháp của bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M trình bày là các con của bà U không có điều kiện đến dự phiên tòa và vẫn ủy quyền cho bà trình bày tại phiên tòa. Ngoài ra, ông Dương Văn T1 cũng trình bày tại phiên tòa phúc thẩm là ông cùng các chị, em của ông đều thống nhất với kháng cáo xin giảm hình phạt cho bị cáo và không yêu cầu bị cáo bồi thường. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm hình phạt cho bị cáo của bà Dương Thị T2, ông Dương Văn T1 và ý kiến của những người đại diện hợp pháp cho bị hại.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm, Bà M yêu cầu giám định tâm thần đối với bị cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo, bị cáo và ông T1 đề nghị không giám định tâm thần đối với bị cáo. Do bị cáo Dương Hoàng L trả lời đầy đủ, lưu loát các câu hỏi của Hội đồng xét xử phúc thẩm và Đại diện Viện kiểm sát nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát, Luật sư bào chữa cho bị cáo, ông T1 và bị cáo, quyết định không thực hiện giám định tâm thần đối với bị cáo.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Hoàng L thừa nhận đã dùng khăn rằn quàng qua cổ bà U, siết cổ bà U đến khi bà U chết. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của những người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định và tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận bị cáo Dương Hoàng L phạm tội “Giết người” như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định.

[6] Hành vi của bị cáo L là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, làm mất trật tự trị an xã hội. Mặt khác, bị hại trong vụ án lại là bà nội của bị cáo, người đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng bị cáo từ nhỏ nên hành vi của bị cáo còn xâm phạm nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức cơ bản. Hội đồng xét xử sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) là có căn cứ, đúng pháp luật.

[7] Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định bị cáo L phạm vào tình tiết tăng nặng tại điểm e khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) với nhận xét về bị cáo: “không còn nhân tính, suy đồi đạo đức, nhẫn tâm ra tay giết chết bà nội là người có công nuôi dưỡng bị cáo từ nhỏ cho đến khi trưởng thành” là trùng với tình tiết định khung hành vi phạm tội của bị cáo. Tình tiết quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 chỉ được áp dụng nếu bị cáo “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” nhưng qua diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo L, không có tình tiết nào thể hiện bị cáo quyết tâm thực hiện bằng được hành vi phạm tội dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo L.

[8] Trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho bị cáo là có căn cứ. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xem xét các tình tiết khác như: hoàn cảnh bị cáo mất cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi, thiếu tình thương, giáo dục của cha và mẹ, học vấn thấp, đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để áp dụng thêm cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) là đúng.

[9] Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt. Bị cáo có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn: bị mẹ bỏ rơi; cha không nuôi dưỡng, chăm sóc; phải sống với bà nội từ nhỏ; không được hưởng sự giáo dục đầy đủ. Bị cáo phạm tội do nhất thời bộc phát vì sự bức xúc kéo dài trước việc thường xuyên bị bà nội la mắng, bị bà nội giữ tiền do mình làm ra. Bị cáo được các đại diện hợp pháp của bị hại tha thiết đề nghị cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt, được sống. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng chính sách khoan hồng, chấp nhận kháng cáo của bị cáo và của đại diện hợp pháp của bị hại, giảm hình phạt cho bị cáo từ hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân để tạo điều kiện cho bị cáo tiếp tục sống, ăn năn hối cải và cải tạo.

[10] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nêu trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Riêng đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị giảm hình phạt đối với bị cáo xuống còn 20 năm tù là quá nhẹ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.

[11] Kháng cáo của các bị cáo L được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này.

[12] Bà Lê Thị M, bà Dương Thị T2 và ông Dương Văn T1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[13] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 345, Điều 355 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dương Hoàng L và đại diện hợp pháp của bị hại, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2017/HSST ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Tuyên bố bị cáo Dương Hoàng L phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Xử phạt Dương Hoàng L (Tên gọi khác: Hoàng E) tù chung thân (Bị cáo bị bắt ngày 26/12/2016).

Bị cáo Dương Hoàng L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bà Lê Thị M, bà Dương Thị T2 và ông Dương Văn T1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

466
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 26/2018/HS-PT ngày 22/01/2018 về tội giết người

Số hiệu:26/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về