Bản án 255/2019/HS-PT ngày 23/08/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐK LK

BẢN ÁN 255/2019/HS-PT NGÀY 23/08/2019 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 23 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 250/2019/TLPT-HS ngày 25 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Văn C phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 43/2019/HSST ngày 17/06/2019 của Tòa án nhân dân huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo bị kháng nghị:

Họ và tên: Nguyễn Văn C; Tên gọi khác: Không; Giới tính: Nam; Sinh năm 1995, tại: Tỉnh Ninh Bình; nơi đăng ký HKTT: Xóm 11, xã C, huyện K, tỉnh Ninh Bình; nơi thường trú: Thôn C, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Công giáo; trình độ học vấn: 7/12; nghề nghiệp: Làm nông; con ông Nguyễn Văn Đ, con bà Đỗ Thị S, có vợ: Phạm Thị Thu H và có 01 con sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 27/01/2019 đến ngày 30/01/2019 được tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại:Võ Thị K, sinh năm 1973; Nơi cư trú: Buôn T, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nguyễn Văn C1, sinh năm 1984; Nơi cư trú: Thôn C, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai (Có mặt).

- Bà Phạm Thị D, sinh năm 1990; Nơi cư trú: Thôn C, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai (Có mặt).

- Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1975; Nơi cư trú: Buôn T, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 4 năm 2018, bà Võ Thị K vay của Nguyễn Văn C1 số tiền 30.000.000 đồng và vay của Nguyễn Văn C 20.000.000 đồng nhưng đến hạn trả nợ, mặc dù C và C1 đã đòi nhiều lần nhưng bà K không trả. Đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 22/01/2019, C rủ C1 đi đến nhà bà K để đòi nợ, C điều khiển xe mô tô hiệu Nouvo, biển kiểm soát 47E1 - 193.29, chở C1 đi đến nhà rẫy của bà K ở Buôn T, xã E, huyện E. Tại đây, C1 đứng ngoài sân, còn C vào nhà rẫy nói bà K trả nợ, nhưng bà K nói không có tiền, nên C dùng tay tát 2 cái vào mặt bà K và yêu cầu trả tiền, bà K tiếp tục nói chưa có, thì C đi xuống bếp lấy 01 con dao đi lên và nói với bà K: “Cô điện người nhà mang tiền đến trả nếu không có thì cháu sẽ chặt tay mang về”, rồi C vứt bỏ dao xuống nền nhà. Thấy vậy, bà K đi vào trong phòng ngủ khoảng 30 phút sau đi ra và nói chỉ có số tiền 1.700.000 đồng, rồi đưa cho C, C nói ít và yêu cầu bà K vào nhà lấy thêm tiền để trả. Bà K nói chỉ còn số tiền này thôi để bà K đi mượn tiền của bạn thì C đồng ý. Sau đó, bà K điều khiển xe mô tô đi trước còn C điều khiển xe mô tô chở C1 đi theo sau, khi đến nhà bà Nguyễn Thị G, ở Buôn T, xã E, thì bà K hỏi mượn tiền nhưng bà G hẹn chiều mới có. Bà K đi ra và nói với C là 17 giờ chiều mới có tiền, thì C và C1 đi uống cà phê. Đến khoảng 17 giờ ngày 22/01/2019, C gọi điện thoại cho bà K hỏi đã có tiền chưa, thì bà K nói đến nhà bà G để đưa tiền. Tại đây, bà K đưa cho C1 số tiền 3.000.000 đồng. Sau đó, bà K viết đơn trình báo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 43/2019/HSST ngày 17/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện EaH'leo, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn C phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Áp dụng khoản 1 Điều 170; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn C 01 năm 03 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 năm 06 tháng tính từ ngày tuyên án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/7/2019, Viện kiểm sát nhân tỉnh Đắk Lắk có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 20/QĐ-VKS-P7 với nội dung: Kháng nghị toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 43/2019/HSST ngày 17/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện EaH'leo, tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng hủy toàn bộ bản án nêu trên để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn C khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản cáo trạng và Bản án hình sự sơ thẩm cũng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi phân tích, đánh gia toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk xác định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn C về tội: “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự là không đứng về việc xác định tội danh của bị cáo. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 Bộ luật hình sự, do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Áp dụng điểm C khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy bản án hình sự sơ thẩm số 43/2019/HSST ngày 17/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện EaH'leo, tỉnh Đắk Lắk để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

Bị cáo tranh luận bào chữa cho rằng bị cáo chỉ hù dọa người bị hại để lấy nợ chứ không cướp tài sản như quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai rằng: Do bà K nợ tiền của bị cáo và C1 nhưng đòi mãi không trả. Ngày 21/01/2019 bị cáo điện thoại đòi nợ thì bà K hẹn mai (tức 22/01/2019) sẽ trả nhưng khi đến nhà thì bà K lại nói không có tiền nên bị cáo yêu cầu bà K điện thoại cho người nhà đến trả, bà K vẫn không chịu trả nên bực tức, bị cáo tát 02 cái để cảnh cáo, sau đó bị cáo dọa chặt tay để bà K sợ để nói người nhà mang tiền đến trả thì bà K mới trả được 1.700.000 đồng, đến chiều bà K mượn và trả thêm được 3.000.000 đồng cho bị cáo và C1.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Hành vi của bị cáo xuất phát từ việc người bị hại nợ tiền của bị cáo, do đến hạn trả nợ nhưng người bị hại không trả và hẹn khất nhiều lần, bị cáo điện thoại thì không nghe máy, khi hẹn đến nhà trả nợ thì lại nói không có tiền, nên bị cáo có phần bực tức. Vào ngày 22/01/2019, bị cáo đến nhà thì bị hại không tiếp chuyện mà ra trốn ngoài vườn tiêu thì bị phát hiện, khi gặp bị cáo hỏi việc trả nợ nhưng bà K nói chưa lo được tiền, có ý định trốn tránh nên bị cáo đã dừng tay tát 2 cái vào mặt bà K và yêu cầu trả tiền, bà K tiếp tục nói chưa có, thì C đi xuống bếp lấy 01 con dao đi lên và nói với bà K: “Cô điện người nhà mang tiền đến trả cho cháu, nếu không có thì cháu chặt tay cô mang về”, vừa nói xong, liền ngay sau đó bị cáo vứt dao đi (người bị hại cũng thấy). Nhận thấy từ thái độ, cử chỉ, lời nói “Cô”, “cháu” không thể hiện sự lưu manh, hung hãn hay mãnh liệt, không làm tê liệt ý chí của người bị hại, người bị hại không lo sợ sự nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe ngay lập tức của mình. Sau lời hù dọa của bị cáo, bà K đi vào phòng ngủ của mình, có cửa chắc chắn, có điện thoại di động cầm theo, lúc này bị hại có nhiều cách lựa chọn để không giao tài sản vì có thể ở trong phòng hô hoán, điện thoại cho chính quyền địa phương, hàng xóm hay người thân để can thiệp, rõ ràng người bị hại biết bị cáo chỉ hù dọa để lấy nợ chứ không dám xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, thể hiện qua hành vi bị cáo hù dọa xong là vứt dao ngay. Hơn nữa lúc này bị hại cũng không có tài sản gì trong tay, bị cáo cũng không biết người bị hại có 1.700.000 đồng, bị cáo chỉ dọa người bị hại để người thân mang tiền đến trả, người bị hại đưa bao nhiêu thì bị cáo lấy bấy nhiêu và thực tế, sau khi hù dọa thì bà K cũng chỉ đưa cho bị cáo 1.700.000 đồng, sau đó người bị hại hẹn đến chiều và đưa thêm 3.000.000 đồng, chứ bị cáo không hù dọa để nhằm chiếm đoạt số tiền 50.000.000 đồng, nên Viện kiểm sát cho rằng bị cáo chiếm đoạt 50 triệu đồng là không có cơ sở.

Như vậy, rõ ràng hành vi của bị cáo là uy hiếp tinh thần của người bị hại, lời đe dọa này chỉ được thực hiện trong tương lai (thể hiện qua câu nói của bị cáo là: “Cô điện người nhà mang tiền đến trả cho cháu” mà không phải ngay tức khắc tại chỗ. Sau khi bị cáo nói vậy, bà K đi vào trong phòng ngủ của mình, có điện thoại di động, bà K biết rằng, mình có điều kiện để báo với chính quyền, người thân, hàng xóm nếu muốn. Mặt khác, tính chất việc đe dọa ít mãnh liệt (thông qua cách xưng hô, bị cáo đã vứt dao, bị cáo yêu cầu điện người nhà bà K đến trả tiền chứ không buộc bà K ngay tức khắc đưa tài sản...Rõ ràng, bị cáo có ý định làm cho người bị hại hiểu rằng bị cáo không dám thực hiện ngay mà chỉ dọa, bị cáo không nhàm chiếm đoạt của người bị hại ngay tức khắc lúc đó, mà hướng tới một khoản thời gian nhất định thể hiện qua câu nói “Cô điện người nhà mang tiền đến trả nếu không có thì cháu chặt tay mang về”.

Do đó hành vi của bị cáo là thỏa mãn với các yếu tố cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo như Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Xét mức hình phạt mà án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là phù hợp, tương xứng với hành vi, tính chất, hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự;

Không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 43/2019/HSST ngày 17/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk.

Áp dụng khoản 1 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn C 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Thời gian thử thách là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Nguyễn Văn C cho Ủy ban nhân dân xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[2] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, 585 và 589 Bộ luật dân sự: Chấp nhận việc bị cáo Nguyễn Văn C đã tự nguyện bồi hoàn cho người bị hại bà Võ Thị K số tiền là 4.700.000 đồng.

[3] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 46 và 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 con dao dài 30 cm, loại dao bầu có mũi nhọn, cán bàng gỗ, lưỡi làm bằng kim loại, chỗ rộng nhất 6 cm.

[4] Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo Nguyễn Văn C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Về án phí phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Văn C không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

311
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 255/2019/HS-PT ngày 23/08/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:255/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về