Bản án 253/2017/HSPT ngày 28/09/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 253/2017/HSPT NGÀY 28/09/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 28-9-2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ẩm công khai vụ thụ lý số 233/2017/HSPT ngày 17-7-2017 đối vớ BC1 bị kết án về tội “Giết người”.

Do có kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị các bị cáo và kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại đối với Bản án số 38/2017/HSST ngày 29/05/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

- Các bị cáo kháng cáo và bị kháng cáo:

BC1 sinh ngày 03-11-1992; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 9/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con NLQ7 và Đinh Thị H; vợ là Đinh Thị Kỳ D, sinh năm 1994; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

BC2 sinh ngày 06-7-2000; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 10/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con ông Đinh X (đã chết) và bà Đinh Thị Đ; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

BC3 sinh năm 1994; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độvăn hoá: 7/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con ông Đinh Văn L và bà NLQ6; vợ là Đinh Thị H; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

BC4 sinh năm 1988; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 9/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con ông Đinh Văn L và bà NLQ6; vợ là NLQ4; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

BC5 sinh ngày 25-12-1999; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 10/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con ông Đinh Văn O và bà Đinh Thị K; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

- Các bị cáo không kháng cáo, nhưng bị kháng cáo:

BC6 sinh ngày 02-8-1988; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 4/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con NLQ3và bà Đinh Thị H; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

BC7 sinh ngày 13-4-1991; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 6/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con ông Đinh Văn H và bà Đinh Thị B; vợ là NLQ1; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

BC8 sinh năm 1991; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai; trình độ văn hoá: 9/12; nghề nghiệp: làm nông; dân tộc: Bana; con NLQ3 và bà Đinh Thị H; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 21-10-2016, có mặt.

- Người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo: chị Hoàng Thị T, sinh năm 1982; địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai, có mặt.

- Những người tham gia tố tụng có liên quan đến kháng cáo:

Người bào chữa cho bị cáo BC1 và BC2: Luật sư TĐN thuộc Văn phòng Luật sư HT, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo BC6 và BC5: Luật sư HVK thuộc Văn phòng Luật sư H, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo BC7 và BC4: Luật sư MVT thuộc Văn phòng Luật sư MN, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo BC8 và BC3: Luật sư HNX thuộc Văn phòng Luật sư B, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, có mặt.

- Người bị hại: anh Nguyễn Nam T (đã chết).

- Người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Nguyễn Nam C, sinh năm 1945; bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1948 và chị Hoàng Thị T, sinh năm 1982; cùng địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Nam C, bà Nguyễn Thị L ủy quyền cho chị Hoàng Thị T tham gia tố tụng (văn bản ủy quyền ngày 10 tháng 4 năm 2017); chị Hoàng Thị T có mặt.

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo BC2: bà Đinh Thị Đ, sinh năm 1964, địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai, có mặt.

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo BC5: ông Đinh Văn Ớ, sinh năm 1978 và bà Đinh Thị K, sinh năm 1977; cùng địa chỉ cư trú xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai, đều có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: NLQ1, NLQ2, NLQ3, NLQ4, NLQ5, NLQ6 và NLQ7; cùng địa chỉ cư trú: xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai, đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ ngày 20-10-2016, BC1 đi đến Trạm Bảo vệ rừng (sau đây viết tắt là Trạm) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên KHN tại xã SL, huyện K, tỉnh Gia Lai thì thấy các anh Võ Đức H1 (là cán bộ Kiểm lâm của Trạm), Hà Văn H2 và Đinh Văn T1 (là những người dân sống gần Trạm) đang nhậu nên vào cùng tham gia. Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, anh Nguyễn Nam T2 (là Trưởng trạm) đi đến Trạm. Lúc này, BC1 liền dùng tay khoác lên vai anh Nguyễn Nam T2 nói “cho xẻ ít gỗ về làm nhà cho bố”, anh Nguyễn Nam T2 không đồng ý và nói “việc này không phải việc của mày, việc này là của ông già mày”, BC1 nói tiếp “cho làm trong tuần này nhé”. Do bực tức, anh Nguyễn Nam T2 nói “mày tin tao bóp phát mày chết luôn không, ông già mày bằng tuổi tao, mày chưa đến lượt nói chuyện với tao”. Nghĩ anh Nguyễn Nam T2 xúc phạm đến bố mình, nên BC1 bực tức cầm lon bia ném xuống nền nhà. Thấy vậy, anh Nguyễn Nam T2 nói “bia này là của tao mua, mày có tiền mua bia thì mày có quyền xán (tức ném)”, sau đó đuổi BC1 ra khỏi Trạm.

Sau khi bị anh Nguyễn Nam T2 đuổi ra khỏi Trạm, BC1 ra lấy xe máy đi về. Khi đi đến mương nước trước Trạm thì bị ngã xe, bực tức BC1 liền nhặt cây, đá tự đập xe của mình rồi bỏ xe lại đi bộ về xã SL, huyện K. Khi đến trước nhà BC3thì gặp BC8, BC7, BC6. Lúc này, BC1 nảy sinh ý định đánh anh Nguyễn Nam T2 để trả thù, nên gọi BC3 ra rồi kể lại việc mâu thuẫn với anh Nguyễn Nam T2 và rủ tất cả đi đánh anh Nguyễn Nam T2, thì cả nhóm đồng ý. Cùng lúc này, BC5 chở BC2, BC4 chở Đinh Thị K đi đến, BC1 liền rủ BC5, BC2 và BC4 cùng tham gia. Biết nhóm của BC1 chuẩn bị đi đánh nhau, chị Đinh Thị Đ (là em gái BC7) đến kéo BC7 về, thấy vậy BC4 nói “mày sợ gì, có tao chịu”, nên BC7 liền giật tay chị Đinh Thị Đ ra rồi chạy lại chỗ BC1. BC1 nói cả bọn đi tìm cây làm hùng khí, nghe vậy BC2 nói BC3 về nhà lấy dao, BC3 liền đi vào trong nhà lấy 03 con dao ra đưa cho BC6 cầm 01 con dao mũi nhọn dài 80 cm, BC7 cầm 01 con dao mũi nhọn dài 77 cm, còn BC3 cầm 01 con dao mũi bằng dài 74,5 cm rồi cả nhóm đi ra Trạm. Trên đường đi, BC7 đưa dao của mình cho BC2 cầm rồi lấy dao của BC3 cầm.

Khi đến trước sân Trạm, BC1 và cả nhóm nhặt đá, cây ném vào trong Trạm. Thấy vậy, các anh Đinh Văn T1, Nguyễn Nam T2, Võ Đức H1 và Hà Văn H2 ra đứng ở cửa Trạm, anh Nguyễn Nam T2 nói “bọn này làm gì mà vác dao, đã đến Trạm bỏ xuống đi”, BC1 liền chửi “Đ.mẹ không cho làm nhà thì thôi, tao đéo cần nữa, ông không cho thì thôi, đừng xúc phạm đến ông già tôi”. Nghe vậy, anh Đinh Văn T1 nói “BC1, mày hiểu nhầm rồi, chú T2 không có xúc phạm ông già mày”, đồng thời khuyên cả nhóm đi về. Cùng lúc này, nhận được tin một số thanh niên làng ĐTN đang quậy phá tại Trạm, anh Đinh Văn B (là Công an viên) và anh Đinh Văn L (là Thôn đội trưởng) đến yêu cầu BC1 và cả nhóm giải tán. BC1 và anh Nguyễn Nam T2 bắt tay giảng hòa, sau đó cả nhóm đi về. Khi đến quán tạp hóa TT (cách Trạm khoảng 30 m), BC1 nói với cả nhóm “tao khao bia uống, tí nữa quay lại Trạm ném đá tiếp” thì tất cả đồng ý, nên BC1 gọi chị Nguyễn Thị Thương mua 10 lon bia rồi cả nhóm ngồi ở hiên quán uống. Lúc này, anh Đinh Văn B và anh Đinh Văn L đi từ Trạm đến, thấy nhóm BC1 đang ngồi uống bia, anh Đinh Văn B yêu cầu cả nhóm giải tán, thì BC1 nói “uống xong sẽ về” rồi lấy 02 lon bia đưa cho anh Đinh Văn B và anh Đinh Văn L cầm đi về. Sau đó, do vẫn còn tức anh Nguyễn Nam T2, nên BC1 tiếp tục rủ cả nhóm “uống bia xong xuống Trạm đánh ông T2 rồi mua xăng đốt Trạm luôn” và nói tìm cây làm hung khí. Nghe vậy, BC8 đi tìm lấy được 01 đoạn cây dài khoảng 03 m, BC7 liền cầm dao chặt thành 03 đoạn (mỗi đoạn khoảng 01 m) rồi đưa dao cho BC4 cầm, còn BC1, BC8 và BC7 mỗi người cầm một đoạn cây, BC1 nói “lấy đá ném để dụ T2 ra đánh”.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, cả nhóm đến gần Trạm, BC1 nhặt đá ném vào trong. Khoảng 02 phút sau, anh Nguyễn Nam T2 cầm 01 con dao đi trước, anh Võ Đức H1 cầm 01 con dao rựa đi sau ra đường TSĐ. Thấy vậy, BC1 hô lớn “nó cầm dao chơi mình kìa, chơi lại nó đi”. Ngay lập tức, BC2 cầm dao, BC6 cầm dao mũi nhọn BC5 cầm cây, BC3 không cầm gì chạy đến đuổi đánh anh Nguyễn Nam T2. Khi cách khoảng 01 m, BC2 và anh Nguyễn Nam T2 cầm dao chém nhau, anh Nguyễn Nam T2 giơ dao lên thì bị BC2 dùng dao chém 01 nhát trúng vào cẳng tay trái và 01 nhát trúng vào vai trái, chém xong BC2 lùi về phía sau thì bị vấp ngã ngửa xuống đường làm rơi dao. Bị chém, anh Nguyễn Nam T2 giơ dao lên chém BC2, BC2 đưa tay lên đỡ thì bị chém trúng vào cẳng tay phải làm xước da.

Cùng lúc này, BC1, BC8 và BC7 cầm cây, BC4 cầm dao đuổi đánh anh Võ Đức H1, anh Võ Đức H1 sợ bỏ chạy vào trong Trạm đóng cửa lại, BC4 chạy đến cầm dao chém qua khe cửa vào trong, anh Võ Đức H1 cầm dao chém lại nhưng không trúng ai. BC1 quay lại, thấy BC2 bị ngã dưới đường, còn anh Nguyễn Nam T2 đang cầm dao giơ lên chém BC2, nên BC1 chạy đến cầm cây đánh một cái trúng vào tay cầm dao của anh Nguyễn Nam T2 làm dao rơi xuống đường rồi BC1 cầm tay BC2 kéo đi. Cùng lúc, BC6 xông đến dùng dao mũi nhọn đâm 01 nhát trúng vào góc hàm (cổ) trái làm anh Nguyễn Nam T2 gục xuống đường. Khi thấy anh Nguyễn Nam T2 bị chết, cả nhóm vứt cây gậy lại, đem dao đi giấu rồi chạy về làng ĐTN, xã SL, huyện K trốn. Đến sáng ngày 21-10-2016, BC1, BC6, BC8, BC7, BC2, BC4, BC3 và BC5 đến Công an huyện K đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Tại Bản kết luận Giám định pháp y về tử thi số 389/TTPY ngày 27-10-2016, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Gia Lai kết luận nguyên nhân chết của anh Nguyễn Nam T2: đa vết thương mất máu cấp, vết thương đứt động mạch mặt trái do vật sắc nhọn.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 29-5-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên bố các bị cáo BC1, BC6, BC2, BC3, BC7, BC8, BC4 và BC5 phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm n khoản 1 Điều 48, Điều 53 của Bộ luật Hình sự 1999, xử phạt: BC1: 19 (mười chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: BC6: 19 (mười chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: BC2: 12 (mười hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: BC3: 15 (mười lăm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: BC8: 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật hình sự, xử phạt: BC4: 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: BC7: 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt: BC5: 09 (chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

- Ngày 01-6-2017, các bị cáo BC1, BC2, BC3 và BC4 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 06-6-2017, bị cáo BC5 kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt.

- Ngày 06-6-2017, ông Đinh Văn Ớ và bà Đinh Thị K là người đại diện hợp pháp của bị cáo BC5 kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt đối với BC5.

- Ngày 10-6-2017, bà Đinh Thị Đ là người dại diện hợp pháp của bị cáo BC2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo BC2.

- Ngày 12-6-2017, chị Hoàng Thị T là người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo đề nghị không áp dụng tình tiết “ra đầu thú” đối với các bị cáo; đồng thời, đè nghị kết án các bị cáo về tội “Giết người” theo điểm d khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các điểm a, b khoản 2 Điều 248; điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ luật tố tụng Hình sự:

- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo BC1; giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với bị cáo BC1.

- Không chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại; giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo BC6, BC7 và BC8.

- Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo BC2, BC3, BC4 và BC5; chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị cáo BC2 và BC5; giảm hình phạt cho các bị cáo BC2, BC3, BC4 và BC5.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1]. Do bực tức việc anh Nguyễn Nam T2(Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng) không cho khai thác gỗ nên BC1 lấy lý do anh Nguyễn Nam T2 xúc phạm cha của mình rồi rủ rê, lôi kéo BC6, BC2, BC3, BC7, BC8, BC4 và BC5 tìm đánh anh Nguyễn Nam T2 để trả thù. Khi đến Trạm, các bị cáo hò hét, chửi bới, dùng dao cậy cửa Trạm rồi dùng đá ném với mục đích tìm anh Nguyễn Nam T2 để đánh. Sau khi được các anh Đinh Văn B (là Công an viên) và anh Đinh Văn L (là Thôn đội trưởng) can ngăn, hòa giải nên giữa BC1 và anh Nguyễn Nam T2 đã giảng hòa. Tuy nhiên, do BC1 không từ bỏ ý định trả thù, nên đã chỉ đạo các bị cáo khác đem theo dao, gậy quay lại Trạm và khi thấy anh Nguyễn Nam T2 và anh Võ Đức H1 cầm dao bước ra khỏi Trạm, thì BC1 hô lớn, ra tín hiệu và ngay lập tức các bị cáo khác cầm hung khí rượt đuổi, tấn công anh Nguyễn Nam T2 và anh Võ Đức H1. Do anh Võ Đức H1 chạy vào Trạm và đóng cửa nên không bị thương tích, còn anh Nguyễn Nam T2 bị BC2 dùng dao chém hai nhát (01 nhát trúng vào cẳng tay trái và 01 nhát trúng vào vai trái). Khi anh Nguyễn Nam T2 giơ dao chống đỡ, thì BC1 dùng cây đánh rơi dao và cùng lúc này BC6 dùng dao nhọn đâm một nhát vào góc hàm trái làm cho anh Nguyễn Nam T2 bị chết do “đa vết thương mất máu cấp, vết thương đứt động mạch mặt trái do vật sắc nhọn”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận đã bàn bạc và thống nhất tìm đánh anh Nguyễn Nam T2 để trả thù. Khi nhìn thấy anh Nguyễn Nam T2 từ trong Trạm bảo vệ rừng đi ra, BC1 hô hoán và ra tín hiệu, lập tức các bị cáo khác đã đuổi đánh rồi dùng cây đập vào người, sau đó BC6 dùng dao nhọn đâm chết anh Nguyễn Nam T2, khi anh Nguyễn Nam T2 không còn khả năng tự vệ.

Như vậy, chỉ vì duyên cớ rất nhỏ nhặt, các bị cáo đã sử dụng hung khí tước đoạt tính mạng của người khác; do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo cùng về tội “Giết người” theo điểm n “có tính chất côn đồ” khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

 [2]. Xét kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại; kháng cáo của các bị cáo và của người đại diện hợp pháp của bị cáo BC2, bị cáo BC5, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

 [2.1]. Đối với kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại:

Người đại diện hợp pháp của người bị hại (chị Hoàng Thị T) kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm kết án các bị cáo về tội “Giết người” theo điểm d “giết người đang thi hành công vụ” khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Hình sự; đồng thời, cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “ra đầu thú” đối với các bị cáo là không đúng, bởi lẽ: Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội “Giết người”, nên đã bắt tạm giam các bị cáo để điều tra.

- Đối với kháng cáo về tình tiết định khung hình phạt: 

Nội dung các lời khai của những người làm chứng là anh Đinh Văn T1 (bút lục 367 và số 368), anh Hà Văn H2 (bút lục số 343, 373) và anh Võ Đức H1 (từ bút lục số 335 đến số 339), thể hiện: khoảng 19 giờ 30 phút ngày 20-10-2016, anh Nguyễn Nam T2 uống rượu với anh Đinh Văn T1 tại nhà ông Đinh U (là bố vợ anh Đinh Văn T1) ở xã SL, huyện K. Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, anh Nguyễn Nam T2 rủ anh Đinh Văn T1 về Trạm Bảo vệ rừng tiếp tục uống bia, nên anh Đinh Văn T1 đã đến Trạm và cùng uống bia với anh Nguyễn Nam T2, anh Võ Đức H1, anh Hà Văn H2, BC1 và các anh Cẩm, Thục (nhà ở gần Trạm). Trong lúc ngồi uống bia, thì giữa anh Nguyễn Nam T2 và BC1 nảy sinh mâu thuẫn, từ đó dẫn đến hậu quả anh Nguyễn Nam T2 bị BC6 đâm chết. Như vậy, có cơ sở để xác định đêm 20-10-2016, anh Nguyễn Nam T2 không thực hiện nhiệm vụ, nên kháng cáo của chị Hoàng Thị T cho rằng các bị cáo phạm tội “Giết người” với tình tiết “giết người đang thi hành công vụ” là không có căn cứ.

- Đối với kháng cáo về tình tiết đầu thú:

Người đại diện hợp pháp của người bị hại cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “ra đầu thú” đối với các bị cáo là không đúng. Tuy nhiên, căn cứ vào các biên bản về việc người phạm tội ra đầu thú (bút lục số 209, 244, 255, 228, 213, 272, 287 và 298) thể hiện: từ 04 giờ đến 06 giờ 30 phút ngày 21-10- 2016BC1, BC6, BC2, BC3, BC7, BC8, BC4 và BC5 đã đến Công an huyện K, tỉnh Gia Lai đầu thú và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo là đúng pháp luật.

Như vậy, các nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại (chị Hoàng Thị T) đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, nhưng không có cơ sở để chấp nhận.

 [2.2]. Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo và của người đại diện hợp pháp của bị cáo BC2 và bị cáo BC5:

Tại phiên tòa, các Luật sư bào chữa cho các bị cáo đều thống nhất về tội danh và điều luật mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng. Tuy nhiên, các Luật sư cho rằng các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; gia đình các bị cáo có công với cách mạng; các bị cáo đều là dân tộc thiểu số; bị cáo BC2, BC5 là người chưa thành niên phạm tội, nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng: chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ, các bị cáo đã sử dụng dao, gậy đuổi đánh và đâm vào góc hàm trái của anh Nguyễn Nam T2 làm cho anh Nguyễn Nam T2 bị chết do “đa vết thương mất máu cấp, đứt động mạch mặt trái do vật sắc nhọn”. Hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; hành vi này đã làm mất trật tự, trị an địa phương và gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Do đó, cần phải áp dụng đối với các bị cáo một hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo.

Đây là vụ án đồng phạm, các bị cáo cùng chung ý chí thực hiện tội phạm, nhưng hành vi này chỉ do bột phát, nhất thời, nên các bị cáo không có sự bàn bạc, phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể, do đó chỉ mang tính chất đồng phạm giản đơn; xét vai trò của các bị cáo trong vụ án thấy:

- Đối với BC1: là người tổ chức và rủ rê các bị cáo khác cùng phạm tội. Mặc dù, bị cáo đã được mọi người can ngăn, hòa giải, nhưng với quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, bị cáo đã chỉ đạo các bị cáo khác chuẩn bị công cụ phạm tội, đề ra cách thức tiếp cận người bị hại và khi nhìn thấy người bị hại, bị cáo hô hào, rượt đuổi và trực tiếp tấn công làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng tự vệ, từ đó tạo điều kiện cho BC6 dùng dao đâm chết người bị hại. Ngoài vai trò là người chủ mưu, cầm đầu việc thực hiện tội phạm, thì bị cáo còn có hành vi xúi giục các bị cáo BC2 và BC5 là người chưa thành niên phạm tội, nên bị cáo còn bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự.

Xét thấy, sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; gia đình có công với cách mạng, nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 19 năm tù về tội “Giết người” là tương xứng với hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Mặc dù, trước khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người đại diện hợp pháp của người bị hại (theo quyết định của bản án sơ thẩm), nhưng với vai trò là người tổ chức, rủ rê đồng phạm và hành vi phạm tội này thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo.

- Đối với BC6: mặc dù, bị cáo không có mâu thuẫn với người bị hại, nhưng khi được BC1 rủ rê, bị cáo đồng ý tham gia và thực hiện tội phạm rất tích cực. Ngoài hành vi cùng đồng phạm nhặt đá, cây ném vào Trạm, thì khi thấy người bị hại bị BC2 chém 02 nhát dao và bị BC1 dùng gậy đánh rơi dao trong tay, không còn khả năng tự vệ, thì bị cáo đã dùng dao đâm 01 nhát vào góc hàm cổ trái làm cho người bị hại bị chết do “đa vết thương, mất máu cấp, đứt động mạch mặt trái do vật sắc nhọn”. Như vậy, nguyên nhân chính dẫn đến người bị hại bị chết là do vết dao đâm của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo ngang với trách nhiệm hình sự mà BC1 đã bị áp dụng là có căn cứ. Sau khi bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án, bị cáo không kháng cáo bản án sơ thẩm, nhưng bị người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo về tình tiết định khung hình phạt và tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo; đồng thời, xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án, sau khi phạm tội không tự nguyện bồi thường thiệt hại để khắc phục hậu quả, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét giảm hình phạt đối với bị cáo.

- Đối với BC2: sau khi tiếp nhận sự rủ rê, lôi kéo từ BC1, bị cáo BC3 về nhà lấy 03 con dao làm hung khí, sau đó cùng cả nhóm nhặt đá, gậy ném vào Trạm. Khi nghe BC1 hô đánh, bị cáo là người đầu tiên xông lên rồi dùng dao chém 02 nhát (trúng vào cẳng tay trái và vai trái của người bị hại). Hành vi phạm tội của bị cáo đã làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng tự vệ và xuất phát từ hành vi này của bị cáo đã tạo ra sự tự tin về mặt tinh thần cho các đồng phạm khác đuổi và đâm chết người bị hại, do đó vai trò của bị cáo trong vụ án chỉ thấp hơn BC1 và BC6. Với hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử phạt bị cáo với hình phạt thật nghiêm khắc. Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; bị cáo là người chưa thành niên phạm tội; gia đình bị cáo có công với cách mạng; trước khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người đại diện hợp pháp của người bị hại (theo quyết định của bản án sơ thẩm), nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa, bị cáo được người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, do đó Hội đồng xét xử sẽ xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với BC3: là đồng phạm giúp sức, sau khi tiếp nhận ý chí của BC1, bị cáo về nhà lấy 03 con dao để các bị cáo khác làm hung khí gây án. Mặc dù, người bị hại bị chết không phải do bị cáo trực tiếp gây ra, nhưng việc bị cáo tham gia đuổi đánh người bị hại cũng tạo ra sự tự tin về mặt tinh thần cho các đồng khác phạm tội, Tòa án cấp sơ thẩm xác định vai trò của bị cáo sau BC2 là có căn cứ, do đó cần áp dụng đối với bị cáo một mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; gia đình bị cáo có công với cách mạng; trước khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người đại diện hợp pháp của người bị hại (theo quyết định của bản án sơ thẩm), nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa, bị cáo được người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, do đó Hội đồng xét xử sẽ xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với BC7: bị cáo không có mâu thuẫn với anh Nguyễn Nam T2, nhưng khi được BC1 rủ rê, lôi kéo, bị cáo đã đồng ý tham gia. Nguyên nhân anh Nguyễn Nam T2 bị chết không phải do bị cáo trực tiếp gây ra, nhưng với việc sử dụng dao chặt cây làm 03 đoạn để đưa cho đồng phạm làm hung khí, đồng thời với hành vi cùng tham gia đuổi đánh anh Nguyễn Nam T2 đã tạo ra lợi thế để các đồng phạm khác tự tin đuổi đánh và đâm chết anh Nguyễn Nam T2. Mặt khác, khi thấy BC2, BC6 và BC5 đuổi đánh anh Nguyễn Nam T2 thì ngay lập tức bị cáo đã kết hợp với BC1 và BC4 đuổi đánh anh Võ Quốc H1, làm cho anh Võ Quốc H1 không có cơ hội để hỗ trợ, cứu giúp anh Nguyễn Nam T2. Như vậy, với hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng này, cần phải áp dụng đối với bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; gia đình bị cáo có công với cách mạng. Mặc dù, bị cáo không kháng cáo xin giảm hình phạt, nhưng trước khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người đại diện hợp pháp của người bị hại (theo quyết định của bản án sơ thẩm), nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa, bị cáo được người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, do đó Hội đồng xét xử sẽ xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với BC8: sau khi được BC1 rủ rê, lôi kéo, bị cáo đồng ý tham gia và đã chủ động tìm cây để cho đồng bọn làm hung khí, sau đó bị cáo cùng tham gia đuổi đánh anh Nguyễn Nam T2. Như vậy, hành vi này của bị cáo đã tạo ra lợi thế về mặt lực lượng để các đồng phạm khác tự tin đánh và đâm chết anh Nguyễn Nam T2, do đó cần phải xử phạt đối với bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, xét thấy nguyên nhân anh Nguyễn Nam T2 bị chết không phải do bị cáo trực tiếp gây ra, bị cáo tham gia với vai trò là người giúp sức, sau khi phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo có công với cách mạng và tại phiên tòa, bị cáo được người đại diện hợp pháp của gia đình người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt do đó Hội đồng xét xử sẽ xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với BC4: là đồng phạm với vai trò là người giúp sức, cùng tham gia đuổi đánh anh Nguyễn Nam T2; đồng thời, khi thấy BC2, BC6 và BC5 đuổi đánh anh Nguyễn Nam T2 thì ngay lập tức BC4 đã kết hợp với BC1 và BC7 đuổi đánh anh Võ Quốc H1, làm cho anh Võ Quốc H1 không có cơ hội để hỗ trợ, cứu giúp anh Nguyễn Nam T2. Như vậy, cần phải áp dụng đối với các bị cáo hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; gia đình bị cáo có công với cách mạng; trước khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người đại diện hợp pháp của người bị hại (theo quyết định của bản án sơ thẩm), nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa, bị cáo được người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, do đó Hội đồng xét xử sẽ xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo.

- Đối với BC5: sau khi được BC1 rủ rê, lôi kéo, bị cáo cùng với BC2, BC6 và BC3 đuổi đánh người bị hại; bị cáo sử dụng gậy gỗ làm hung khí, tuy bị cáo chưa thực hiện được hành vi nhưng về ý thức chủ quan, bị cáo đã tiếp nhận ý chí của BC1, cùng chung mục đích, cùng chung hành động với các bị cáo khác, nên đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” với vai trò là người giúp sức; do đó, kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh của bị cáo và của người đại diện hợp pháp của bị cáo không có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, xét thấy sau khi phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại; bị cáo là người chưa thành niên phạm tội; gia đình bị cáo có công với cách mạng; trước khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường xong cho người đại diện hợp pháp của người bị hại (theo quyết định của bản án sơ thẩm), nên đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa, bị cáo được người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, do đó Hội đồng xét xử cũng xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo.

Như vậy, kháng cáo của các bị cáo, của người đại diện hợp pháp của bị cáo BC2 và BC5, kháng của người đại diện hợp pháp của người bị hại đã được Hội đồng xét xử xem xét và có căn cứ chấp nhận kháng cáo của BC2, BC3, BC4 và BC5.

Đối với BC8, BC7, mặc dù không kháng cáo xin giảm hình phạt, nhưng xét thấy các bị cáo tham gia trong vụ án với vai trò là đồng phạm giúp sức, sau khi phạm tội, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo có công với cách mạng và tại phiên tòa phúc thẩm được người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; vì vậy, căn cứ Điều 241 của Bộ luật tố tụng Hình sự, Hội đồng xét xử cũng sẽ xem xét, giảm hình phạt cho các bị cáo.

 [3]. Về áp dụng pháp luật: do có sự thay đổi của pháp luật, nên “Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng” sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015; tuy nhiên, trong vụ án này, BC1, BC6, BC3, BC2, BC7, BC8 và BC4 chỉ có ông bà nội, ngoại là người có công với cách mạng. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo theo điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là không đúng. Vì vậy, với tình tiết gia đình các bị cáo có công với cách mạng, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ áp dụng khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các bị cáo.

 [4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

 [5]. Về án phí: theo quy định của pháp luật, thì bị cáo kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; bị cáo kháng cáo được chấp nhận không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ các điểm a, b khoản 2 Điều 248, điểm c khoản 1 Điều 149 của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo BC1; giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với BC1.

Không chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại (chị Hoàng Thị T) về tình tiết định khung hình phạt đối với các bị cáo; chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại về việc xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo: BC2, BC3, BC4, BC7, BC8 và BC5.

Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo BC2, BC3, BC4 và BC5.

Chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị cáo BC2 và bị cáo BC5.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm n khoản 1 Điều 48 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC1: 19 (mười chín) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC6: 19 (mười chín) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 69 và Điều 74 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC2: 10 (mười)

năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-

2016.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự; xử phạt BC3: 13 (mười ba) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC4: 10 (mười) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 69 và Điều 74 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC5: 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

2. Căn cứ khoản 2 Điều 249 của Bộ luật tố tụng Hình sự.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC7: 12 (mười hai) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: BC8: 12 (mười hai) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21-10-2016.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí hình sự và án phí dân sự không có kháng cáo, không bị kháng cáo và không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Về án phí:

Căn cứ khoản 2 Điều 99 của Bộ luật tố tụng Hình sự; điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: - Đinh Văn Hợp phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

535
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 253/2017/HSPT ngày 28/09/2017 về tội giết người

Số hiệu:253/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:28/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về