Bản án 25/2020/HS-PT ngày 01/12/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 25/2020/HS-PT NGÀY 01/12/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 01 tháng 12 năm 2020, tại Hội trường xét xử hình sự, Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai Vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 38/2020/TLPT-HS, ngày 27 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Vi Văn T do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 17/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hà Giang.

- Bị cáo có kháng cáo:

VI VĂN T - Sinh ngày 01 tháng 5 năm 1965, tại huyện V, tỉnh Hà Giang.

Nơi cư trú: Thôn B, xã K, huyện V, tỉnh Hà Giang; Nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): 04/12; dân tộc: Ngạn; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Vi Văn L, sinh năm 1930 (đã chết) và bà Vi Thị V, sinh năm 1930 (đã chết); Vợ: Hoàng Thị V, sinh năm 1969; con: Có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1989, nhỏ nhất sinh năm 1994. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo T bị tạm giam từ ngày 29-05-2020 đến ngày 08-08-2020 tại ngoại, hiện đang chấp hành theo Quyết định cho bảo lĩnh số 287/2020/HSST-QĐ ngày 03- 9-2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hà Giang và Quyết định cho bảo lĩnh số 01/2020/HSPT-QĐ ngày 30/10/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang. Hôm nay có mặt.

- Ngoài ra trong vụ án còn có nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng đầu năm 2020 (không nhớ ngày, tháng) Vi Văn T nảy sinh ý định đi cắt xẻ gỗ, tại khu vực vườn rừng của gia đình được UBND thị xã Hà Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S013717 ngày 23-01-2001, thời hạn sử dụng là 50 năm thuộc thửa số 65, tờ bản đồ số 42 với mục đích cắt xẻ gỗ về làm nhà. Ngày 01-3-2020 T đến nhà La Văn C (là cháu rể), sinh năm 1986, trú tại thôn B, xã K, huyện V nhờ C đi cắt xẻ gỗ hộ được C đồng ý. Sau đó T đến nhà Tô Văn H, sinh năm 1974, trú cùng thôn với T thuê H đi cắt xẻ gỗ với giá 150.000đ/ngày, được H đồng ý. T hẹn C và H sáng ngày 03-3-2020 cùng nhau đi lên rừng và bảo C và H mang theo máy cưa và dụng cụ (dây bật mực, thước dây) để phục vụ cho việc cắt xẻ. Khoảng 06 giờ ngày 03-3-2020 T sang nhà Vi Văn C1 (là cháu), sinh năm 1983, trú cùng thôn với T bảo C1 đi hộ cắt xẻ gỗ, C1 đồng ý. Sau đó T lại sang bảo Vi Văn T1(con trai ruột), sinh năm 1991, trú cùng thôn đi cắt xẻ gỗ hộ, T1 đồng ý. Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 03-3-2020 T, C, H, C1, T1 cùng nhau đi lên rừng. Khi đi mọi người mang theo 02 cưa máy, 01 can xăng, 01 can dầu nhớt, 01 dây bật mực, 01 thước dây. Khoảng 08 giờ cùng ngày thì đến vị trí các cây gỗ mọc tự nhiên trên rừng. T bảo C, H, C1 thay nhau sử dụng cưa máy cắt hạ 01 cây Phay (gỗ thông thường), cắt được khoảng 10 phút thì cây đổ, sau đó C và H cắt xẻ cây Phay thành các khúc, thanh, tấm gỗ kích thước to nhỏ khác nhau, còn C1 và T1 thay nhau khuân, lật gỗ cho C và H xẻ, xẻ đến khoảng 17 giờ hàng ngày thì cùng nhau đi về, sáng hôm sau lại tiếp tục đi cắt xẻ tiếp. Ngày 05-3-2020 T lại bảo C, H, C1 tiếp tục cắt hạ 01 cây gỗ Sui (gỗ thông thường), cắt được khoảng 10 phút thì cây đổ, sau đó mọi người lại cùng nhau cắt xẻ thành những khúc, thanh, tấm gỗ to nhỏ khác nhau. Ngày 06-3-2020 T bảo Vi Đình T2 (là con ruột), sinh năm 1989, trú cùng thôn với T đi cắt xẻ gỗ hộ, T2 đồng ý, rồi tất cả cùng nhau đi lên rừng để tiếp tục xẻ cây gỗ Sui. Ngày 08-3-2020 T, C, H, C1 tiếp tục đi lên rừng, còn T2 nghỉ không tham gia. Khi lên rừng mọi người tiếp tục cắt hạ 01 cây gỗ Phay (gỗ thông thường) và cắt hạ 01 cây gỗ Đinh (nhóm IIA), sau đó cắt xẻ thành những khúc, thanh, tấm kích cỡ to nhỏ khác nhau. Đến ngày 09-3-2020 Hạt kiểm lâm huyện V kiểm tra phát hiện và tiến hành lập biên bản vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại Biên bản xác định khối lượng, số lượng, chủng loại lâm sản của Hạt kiểm lâm huyện V kết luận: 03 gốc cây (gỗ thông thường) có khối lượng 6,604m3:

01 gốc cây Đinh (nhóm IIA) do cắt sát mặt đất nên không đo đếm được khối lượng. Gỗ tròn, gỗ đẽo tròn, gỗ xẻ thành khí gồm: Gỗ Đinh đẽo tròn (nhóm IIA) gồm: 06 khúc, khối lượng 1,215m3, quy tròn 1,944m3; Gỗ Đinh xẻ thành khí (nhóm IIA) gồm: 03 thanh, khối lượng 0,168m3, quy tròn 0,268m3; Gỗ tròn thông thường 21 khúc, khối lượng 13,887m3; Gỗ xẻ thành khí thông thường 122 tấm, khối lượng 13,233m3, quy tròn 21,172m3.

Tổng số khối lượng 43,875m3 gỗ nhóm IIA, gỗ thông thường gồm (gốc cây + Gỗ tròn, gỗ đẽo tròn, gỗ xẻ thành khí) số lượng 156 (đoạn gốc, khúc, thanh, tấm).

Tại Kết luận định giá tài sản ngày 20-5-2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện V định giá: Tổng số khối lượng 43,875m3 có giá trị là 80.317.000đ (Tám mươi triệu ba trăm mười bảy nghìn đồng).

Vật chứng thu giữ gồm: 03 cây (gỗ thông thường) gồm: (02 cây gỗ Phay:

01 cây gỗ Sui); 01 cây gỗ Đinh (nhóm IIA) có tổng khối lượng là 43,875m3. Trong đó: 03 cây (gỗ thông thường) có khối lượng 41,663m3, 01 cây gỗ Đinh (nhóm IIA) có khối lượng 2,212m3. Toàn bộ 04 cây gỗ trên đã bị cắt xẻ thành gỗ tròn, gỗ đẽo tròn, gỗ xẻ thành khí, cụ thể như sau:

- Gốc cây số 01 (cây Sui): Đường kính 2,0m, đường kính phần rỗng 0,60m, chiều cao từ mặt đất lên 1,5m, khối lượng 4,287m3. Gốc cây số 02 (cây Phay): Đường kính 1,10m, đường kính phần rỗng 0,80m, chiều cao từ mặt đất lên 1,2m, khối lượng 0,537m3. Gốc cây số 03 (cây Phay): Đường kính 1,8m, chiều cao từ mặt đất lên 0,7m, khối lượng 1,780m3. Gốc cây số 04 (cây Đinh): Đường kính 1,0m, gốc cây cắt sát mặt đất không tính được khối lượng. 12 khúc gỗ thông thường có khối lượng 7,620m3.

- Gỗ Đinh đẽo tròn nhóm IIA: Số lượng 06 khúc, khối lượng 1,215m3, quy tròn là 1,944m3. Gỗ Đinh xẻ thành khí nhóm IIA: Số lượng 03 thanh, khối lượng 0,168m3, quy tròn là 0,268m3. Gỗ tròn thông thường: Số lượng 09 khúc, khối lượng 6,267m3. Gỗ xẻ thành khí thông thường: Số lượng 122 tấm, khối lượng 13,233m3, quy tròn là 21,172m3.

- 01 cưa máy vỏ nhựa màu vàng cam nhãn hiệu Husqvarna 365, cưa cũ đã qua sử dụng; 01 cưa máy vỏ màu vàng cam, nhãn hiệu Kosochain Saw, cưa cũ đã qua sử dụng; 02 xích cưa đều đã qua sử dụng; 02 lam dài 97cm, đã qua sử dụng Đối với 01 chiếc can nhựa đựng xăng, 01 chiếc can nhựa đựng dầu, 01 dây bật mực bị cáo khai nhận sau khi sử dụng đã để lại tại hiện trường, ngày 21-7-2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vị Xuyên tiến hành truy tìm nhưng không thấy.

Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HSST ngày 17 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hà Giang đã QUYẾT ĐỊNH

Về tội danh và hình phạt: Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 232; Điều 54; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 48; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự. Khoản 2 Điều 136; Điều 331, Điều 333; khoản 2, khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Điều 587; Điều 589 Bộ luật Dân sự. Điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 “quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”.

Tuyên bố bị cáo Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt bị cáo Vi Văn T 36 (ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án phạt tù. (Được khấu trừ ngày tạm giam từ ngày 29-05-2020 đến ngày 08-08-2020.) Về trách nhiệm dân sự: Giao trả cho UBND xã K, huyện V số tiền 5.000.000đ do bị cáo T đã tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả trồng lại rừng, ngày 15-09-2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện V, tỉnh Hà Giang.

Về vật chứng: Tịch thu sung quỹ nhà nước gồm:

- Gốc cây số 01 (cây Sui): Đường kính 2,0m, đường kính phần rỗng 0,60m, chiều cao từ mặt đất lên 1,5m, khối lượng 4,287m3. Gốc cây số 02 (cây Phay): Đường kính 1,10m, đường kính phần rỗng 0,80m, chiều cao từ mặt đất lên 1,2m, khối lượng 0,537m3. Gốc cây số 03 (cây Phay): Đường kính 1,8m, chiều cao từ mặt đất lên 0,7m, khối lượng 1,780m3. Gốc cây số 04 (cây Đinh): Đường kính 1,0m, gốc cây cắt sát mặt đất không tính được khối lượng. 12 khúc gỗ thông thường có khối lượng 7,620m3.

- Gỗ Đinh đẽo tròn nhóm IIA: Số lượng 06 khúc, khối lượng 1,215m3, quy tròn là 1,944m3. Gỗ Đinh xẻ thành khí nhóm IIA: Số lượng 03 thanh, khối lượng 0,168m3, quy tròn là 0,268m3. Gỗ tròn thông thường: Số lượng 09 khúc, khối lượng 6,267m3. Gỗ xẻ thành khí thông thường: Số lượng 122 tấm, khối lượng 13,233m3, quy tròn là 21,172m3.

- 01 Cưa máy vỏ nhựa màu vàng cam nhãn hiệu Husqvarna 365, cưa cũ đã qua sử dụng. 01 Cưa máy vỏ màu vàng cam, nhãn hiệu Kosochain Saw, cưa cũ đã qua sử dụng. 02 Xích cưa đều đã qua sử dụng. 02 Lam dài 97cm, đã qua sử dụng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo của bị cáo.

Ngày 21 tháng 9 năm 2020, bị cáo Vi Văn T có đơn kháng cáo với nội dung không nhất trí với mức hình phạt 36 tháng tù, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vi Văn T giữ nguyên nội dung kháng cáo, bị cáo trình bày toàn bộ số gỗ trên rừng tự nhiên bị cáo đã bán cho La Văn C và Tô Văn H với số tiền 170.000.000đ, bị cáo đã nhận số tiền là 50.000.000đ; việc bán gỗ trên rừng và nhận tiền giữa bị cáo với ông C, ông H các bên chưa làm hợp đồng, chưa làm giấy biên nhận tiền, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và xử phạt bị cáo 36 tháng tù là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, do bị cáo nhận thức pháp luật còn hạn chế, không nắm rõ được quy định của Nhà nước khai thác gỗ trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; gia đình bị cáo hiện nay rất khó khăn, đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa nhận định: Việc khởi tố, truy tố, xét xử của cấp sơ đối với bị cáo Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” là đúng người đúng tội; mức hình phạt 36 tháng tù là phù hợp với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo T. Quá trình giải quyết và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo T không cung cấp được thêm tài liệu chứng cứ mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo cũng như cho bị cáo được hưởng án treo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo T, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 17-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hà Giang.

Về phần tranh luận: Bị cáo Vi Văn T nhất trí với Kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang và không tranh luận.

Lời nói sau cùng của bị cáo T: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]Về thủ tục tố tụng: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Vi Văn T có đơn kháng cáo theo đúng quy định tại các Điều 331, Điều 332, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên kháng cáo của bị cáo Vi Văn T được chấp nhận xem xét.

[2] Về nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Vi Văn T, Hội đồng xét xử, XÉT THẤY

[3] Về tội danh: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội: Vào khoảng thời gian từ ngày 03-3-2020 đến ngày 08-3-2020 tại Lô 3, Khoảnh 8, Tiểu khu 152A rừng sản xuất thuộc thôn B, xã K, huyện V, tỉnh Hà Giang. Vi Văn T đã có hành vi thuê, nhờ một số người trong gia đình, hàng xóm sử dụng cưa máy khai thác 02 cây gỗ Phay (gỗ thông thường) 01 cây gỗ Sui (gỗ thông thường), 01 cây gỗ Đinh (nhóm IIA) có tổng khối lượng 43,875m3 có giá trị là 80.317.000đ (Tám mươi triệu, ba trăm mười bảy nghìn đồng).

[4] Bị cáo T khai thác gỗ có tổng khối lượng 43,875m3 thuộc phạm vi rừng sản xuất là rừng tự nhiên, bị cáo là chủ rừng, trước khi khai thác gỗ, bị cáo T không làm thủ tục xin cấp phép khai thác gỗ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hành vi khai thác lâm sản trái phép của bị cáo T đã vi phạm điểm b, Điều 58 Luật Lâm sản năm 2017.

[5] Bị cáo T là người có đủ năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khi có nhu cầu khai thác gỗ là phải làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền; song với động cơ mục đích muốn lấy gỗ về làm nhà cho gia đình, bị cáo đã bất chấp pháp luật đi thuê và nhờ những người thân trong gia đình lên khu rừng bị cáo được giao quản lý để khai thác gỗ; hậu quả thiệt hại bị cáo đã khai thác được 04 cây gỗ với số lượng gỗ 43,875m3, trị giá là 80.317.000đ (Tám mươi triệu ba trăm mười bảy nghìn đồng).

[6] Hành vi của bị cáo T là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý, đã xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; từ việc khai thác lâm sản trái phép sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên, gây ra lụt lội, hạn hán, lũ quét làm ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân sinh sống trong vùng.

[7]Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T khai đã bán toàn bộ cây cối trên rừng cho ông La Văn C và ông Tô Văn H, các bên thỏa thuận bằng miệng không làm giấy tờ: Xét thấy, trong quá trình điều tra, xét xử tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo đều thừa nhận mục đích khai thác gỗ trên rừng là để lấy gỗ về làm nhà cho gia đình; toàn bộ diện tích đất rừng tự nhiên bị cáo được nhà nước giao quản lý từ năm 2001 đến nay đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chủ hộ là Vi Văn T; về 04 cây bị cáo khai thác không phải do gia đình bị cáo trồng mà đã có từ lâu đời. Do đó, việc bị cáo bán hay chưa bán cây cho người khác trên diện tích đất rừng tự nhiên được nhà nước giao quản lý không liên quan đến vụ án và hành vi phạm tội của bị cáo.

[8] Bản án số 41/2020/HSST ngày 17-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện V đã xét xử bị cáo T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm là đúng người, đúng tội, không oan.

[9] Tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có.

[10] Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo T thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả nộp 5.000.000đ để trồng lại các cây bị cáo đã khai thác gỗ ; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, là người dân tộc, sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét áp dụng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.

[11] Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo T 36 tháng tù, mức dưới khung hình phạt là đã có sự khoan hồng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo gây nên và đúng quy định của pháp luật.

[12] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T không cung cấp được thêm các tài liệu chứng cứ là tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo T.

[13] Quan điểm phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HSST ngày 17-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện V là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[14] Về án phí: Bị cáo T là người dân tộc, sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có đơn xin miễn tiền án phí. Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”. Miễn tiền án phí phúc thẩm cho bị cáo.

[15] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo Vi Văn T, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 17 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hà Giang.

2. Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51: Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30- 12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”.

Tuyên bố bị cáo Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt bị cáo Vi Văn T 36 (Ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án phạt tù, (được khấu trừ ngày tạm giam từ ngày 29-05-2020 đến ngày 08-08-2020).

3. Về án phí: Miễn tiền án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Vi Văn T.

4. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS-ST ngày 17 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hà Giang về trách nhiệm dân sự, vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2020/HS-PT ngày 01/12/2020 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:25/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về