Bản án 25/2020/DS-PT ngày 25/05/2020 về tranh chấp thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 25/2020/DS-PT NGÀY 25/05/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ VÀ HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Ngày 25 tháng 5 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 11/2020/TLPT-DS ngày 03 tháng 02 năm 2020 về “Tranh chấp thừa kế và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 22/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 21/2020/QĐ-PT ngày 27 tháng 02 năm 2020; các Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa; Quyết định hoãn phiên tòa số 20/2020/QĐ-PT ngày 29 tháng 4 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 21/2020/QĐ-PT ngày  13 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Phạm Thị T, sinh năm 1958. (Có mặt) Địa chỉ cư trú: Thôn V, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương.

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn X, sinh năm 1964. (Có mặt) Địa chỉ cư trú: Thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1952; địa chỉ cư trú: Thôn V, xã T, huyện  H, tỉnh Hải Dương. (Vắng mặt)  Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L: Bà Ngô Thị Xuân Thu  – Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hải Dương. (Có mặt) 3.2. Bà Phạm Thị B, sinh năm 1964; địa chỉ cư trú: Xóm G, xã M, huyện  N, thành phố P. (Có mặt)  3.3. Bà Phạm Thị Đ, sinh năm 1970; địa chỉ cư trú: Đường D, phường B,  thành phố D, tỉnh Hải Dương. (Có mặt)  3.4. Anh Nguyễn Việt D, sinh năm 1996; địa chỉ cư trú: Thôn L, xã T,  huyện H, tỉnh Hải Dương. (Vắng mặt)  Người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Đ, anh Nguyễn Việt D: Ông Nguyễn Hữu S, sinh năm 1974; địa chỉ cư trú: Thôn V, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương (theo các Giấy ủy quyền ngày  11/7/2019). (Có mặt)  3.5. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1970; địa chỉ cư trú: Thôn L, xã T, huyện  H, tỉnh Hải Dương. (Có mặt)  3.6. UBND huyện H, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch UBND huyện H, tỉnh Hải Dương  – ông Trịnh Văn K. Người đại diện theo ủy quyền: Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện H – Ông Trần Văn G (theo Giấy ủy quyền ngày 06/3/2020). (Vắng mặt)

  4. Người kháng cáo: Bà Phạm Thị T là nguyên đơn.

Bà Phạm Thị L - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 22/11/2019 của Tòa án  nhân dân huyện H, tỉnh Hải Dương, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Hai cụ Phạm Văn Y (chết năm 1977) và Hoàng Thị M (chết năm 2013) sinh được 06 người con là các ông bà: Phạm Thị T, Phạm Thị L, Phạm Thị B, Phạm Văn X, Phạm Thị Đ, Phạm Thị A (chết năm 1997, có một con là anh Nguyễn Việt D). Năm 1977, cụ Y chết không để lại tài sản, không để lại di chúc. Sau khi cụ Y chết, cụ M tạo dựng được khối tài sản là diện tích 609m2 tại thửa số 290, tờ bản đồ số 06 (theo bản đồ 299) thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương. Trên đất có  01 nhà cấp IV, 01 nhà bếp cấp IV, 01 giếng nước, 01 bể nước và một số cây trồng trên đất.

Theo nguyên đơn (bà Phạm Thị T): Năm 2013 cụ M chết không để lại di chúc. Phần lớn diện tích đất của cụ M để lại do vợ chồng ông Phạm Văn X, bà Nguyễn Thị L quản lý, sử dụng. Quá trình sử dụng, vợ chồng ông X, bà L đã xây dựng nhà hai tầng, công trình phụ trên phần đất phía tây. Phần đất còn lại ở phía đông do anh Nguyễn Việt D (con bà A) quản lý, sử dụng. Khi còn sống cụ M ở với ông X, bà L. Khoảng hai năm trước khi chết cụ M ở với anh D. Sau khi cụ M chết, nội bộ gia đình không thống nhất được cách thức chia thừa kế nên bà khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử đất của cụ M để lại theo hiện trạng đã xem xét thẩm định tại chỗ. Đối với tài sản trên đất (nhà và cây trồng) bà T không yêu cầu giải quyết và không yêu cầu ghi nhận; không đồng ý trừ đất tiêu chuẩn 721 (viết tắt: đất 03) cho ông X, bà L theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt: GCN) do UBND huyện H đã cấp mang tên ông X, bà L. Xác định khi còn sống cụ M chưa làm thủ tục tách đất cho bất cứ người nào, nên GCN cấp cho ông X, bà L đối với diện tích 428m2 (có nguồn gốc đất của cụ M) vào năm 2003 là trái pháp luật. Yêu cầu hủy GCN mang tên ông X, bà L.

Theo bị đơn (ông Phạm Văn X) trình bày: Năm 1992, ông kết hôn với bà L sau đó ở chung với cụ M tại thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương như bà T khai. Năm 2009, cụ M đồng ý cho vợ chồng ông phá nhà cấp IV đã cũ để xây nhà hai tầng kiên cố, công trình phụ, tường bao như hiện tại. Khi chuẩn bị làm nhà ông mới biết một phần diện tích đất nói trên đã được cấp GCN mang tên ông và bà L; ông không phải là người kê khai và cũng không biết ai đã kê khai, đăng ký xin cấp GCN. Không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà T vì ông là con trai duy nhất đương nhiên thừa hưởng di sản của cụ M. Sau đó thay đổi lời khai cho rằng ông không phải là người kê khai và cũng không biết ai đã kê khai, đăng ký xin cấp GCN; chưa bao giờ nghe cụ M nói là cho vợ chồng ông đất ở và cũng chưa bao giờ nghe cụ M nói làm thủ tục tách đất cho bất cứ ai; khi cụ M còn sống, không ai phải nuôi dưỡng, chăm sóc; khi chết cụ M không để lại nghĩa vụ dân sự. Đồng ý yêu cầu khởi kiện về chia thừa kế của cụ M và hủy GCN mang tên ông và bà L như bà T khai; đề nghị giao phần đất có nhà, công trình xây dựng của ông và bà L cho ông quản lý, sử dụng. Không đề nghị giải quyết liên quan đến công phụng dưỡng cụ M; công sức đối với tài sản là di sản cũng như cây trồng trên đất.

Người có quyền  lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đ, bà L, bà B, anh D do anh S là người đại diện theo ủy quyền trình bày:  Khi cụ M còn sống chưa làm thủ tục tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Khi chết cụ M không có di chúc. Đồng ý với trình bày của bà T, xác định toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp là di sản của của cụ M để lại và đề nghị chia theo hiện trạng; hủy GCN đã cấp mang tên ông X, bà L. Không yêu cầu giải quyết liên quan đến công quản lý, tôn tạo di sản và toàn bộ tài sản gắn liền với đất.

Người có quyền lợi , nghĩa vụ liên quan bà Ngu yễn Thị L trình bày: Bà và ông X kết hôn năm 1992 có đăng ký kết hôn tại UBND xã T, huyện H. Sau ngày cưới, ông bà sống trên phần đất của cụ M tại thôn L, xã T, huyện H. Năm 2009, cụ M và các thành viên trong gia đình đồng ý cho vợ chồng bà phá dỡ căn nhà cấp IV đã cũ để xây dựng căn nhà hai tầng, công trình phụ như hiện nay. Trước khi xây nhà hai tầng khoảng một năm, cụ M có đưa cho bà GCN mang tên bà và ông X. Bà L xác định GCN này do cụ M tự kê khai, tách đất cho vợ chồng bà; phần đất còn lại, cụ M quản lý, sử dụng. Nên 428m2 đất tại thửa đất số 125a, tờ bản đồ số 02 thôn L, xã T, huyện H được cụ M cho là tài sản của bà và ông X. Quá trình quản lý, sử dụng tài sản cụ M và các thành viên trong gia đình không ai có ý kiến thắc mắc, phản đối. Nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như ý kiến của những người thuộc diện được hưởng di sản của cụ M; xác định 428m2 đất trong đó có 208m2 đất ở; 220m2 đất 721 trong đó có  57m2 đất là tài sản của bà và ông X; diện tích đất 721 còn lại 163m2, đề nghị  tính giá trị bằng tiền để trả cho những người có tiêu chuẩn đất 721. Không yêu cầu giải quyết liên quan đến công phụng dưỡng cụ M; công duy trì, tôn tạo đất của cụ M sau khi trừ diện tích 428m2 đất của bà và ông X.

Quan điểm của UBND huyện H do ôn g Phạm Đức B là đại diện theo ủy quyền tại cấp sơ th ẩm trình bày: GCNQSDĐ số W 007310 do UBND huyện H cấp ngày 08/12/2003 mang tên ông X, bà L đối với 428m2 đất tại thửa số 125a, tờ bản đố số 02 thôn L, xã T, huyện H có nguồn của cụ M. Về trình tự, thủ tục cấp GCN, địa phương (xã T, UBND huyện H) đã căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, kết quả đo đạc bản đồ địa chính năm 1997 và hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn xã T trong đó có hộ ông X, bà L kiểm tra kích thước, hình thể, loại đất, viết đơn xin cấp GCN. Căn cứ vào đơn, Hội đồng cấp GCN xã đã lập tờ trình đề nghị UBND huyện H cấp GCN. Căn cứ vào Luật đất đai năm 1993, Quyết định số 2946/QĐ-UB, ngày 14/12/1999 của UBND tỉnh Hải Dương quy định về lập,  cấp GCNQSDĐ và các quy định khác của pháp luật về đất đai, UBND xã T đã lập hồ sơ cấp GCN cho các hộ dân trên địa bàn xã T trong đó có hộ ông X, bà L vào năm 2003. Ngày 08/12/2003, UBND huyện H đã cấp GCN mang tên ông X, bà L như đã nêu, trong đó có 208m2 đất ở, 220m2 đất trồng cây lâu năm trừ vào tiêu chuẩn đất 721; đất đã cấp có nguồn gốc rõ ràng, không tranh chấp, không vi phạm quy hoạch, trình tự, thủ tục cấp GCN là đúng pháp luật. Nên không đồng ý hủy GCNQSDĐ đã cấp mang tên ông X, bà L, đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2017/DS-ST ngày 28/6/2017, TAND huyện H đã áp dụng pháp luật, quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T; chia di sản thừa kế của cụ M là 643,2m2 đất ở tại thôn L, xã T, huyện H theo pháp luật; hủy GCNQSDĐ số W 007310 ngày 08/12/2003 do UBND huyện H, tỉnh Hải Dương cấp cho ông X, bà L; không chấp nhận việc đối trừ 57m2 đất  721 còn thiếu của ông X, bà L và 220m2 đất trừ tiêu chuẩn đất 721 ghi trong  GCNQSDĐ vào đất của cụ M.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 22/2019/DS-GĐT ngày 09/4/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định: Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số  03/2017/DS-ST ngày 28/6/2017; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện H, tỉnh Hải Dương để xét xử sơ thẩm lại theo hướng: Xác định diện tích 428m2  đất theo GCNQSDĐ số  W 007310 do  UBND huyện H cấp  cho ông X, bà  L ngày  08/12/2003 là tài sản của ông X, bà L (áp dụng theo Án lệ 03/2016). Yêu cầu tính công sức của bà L trong việc phụng dưỡng cụ M trong khoảng thời gian 20 năm đối với di sản còn lại của cụ M (áp dụng theo Án lệ 05/2016). Yêu cầu làm rõ đất 721 nằm trong phần diện tích 220m2 được ghi trong GCNQSDĐ đã cấp  cho ông X, bà L.

Sau khi thụ lý lại vụ án, Tòa án đã xác minh với UBND xã T huyện H và ông Nguyễn Xuân S (nguyên là trưởng xóm ở thôn L, xã T huyện H, là người trực tiếp chia đất nông nghiệp) thì địa phương xã T căn cứ vào số hộ dân và quỹ đất địa phương xác định tiêu chuẩn mỗi khẩu tại xã được giao 475m2 (= 1 sào  32) đất nông nghiệp (gọi tắt là đất 721). Thời điểm giao đất năm 1996, hộ cụ M  có 04 khẩu gồm: cụ M, bà A, bà Đ, bà B. Trên văn bản giao đất ghi tiêu chuẩn  1954m2 nhưng theo tiêu chuẩn 475m2/khẩu thì hộ cụ M chỉ được 1900m2, thực tế được giao 1746m2 (thiếu 154m2). Ông X khi đó đã lập gia đình, tách hộ riêng có 02 khẩu gồm ông X và bà L, tiêu chuẩn là 950m2 đất nhưng thực tế được giao  893m2 (thiếu 57m2) . Diện tích đất 721 của hộ cụ M và hộ ông X được trừ vào đất vườn thừa của cụ M theo đề nghị của cụ M; “ Diện tích 220m2  đt cây lâu năm trừ vào TC 721” ghi trên GCN mang tên ông X, bà L có 57m2 đất 721 của ông X, bà L; 163m2 còn lại là đất 721 của cụ M, bà A, bà Đ, bà B tương ứng mỗi người là 40,75m2.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 22/11/2019, TAND  huyện H quyết định: Không chấp nhận yêu cầu hủy GCNQSDĐ; xác định 428m2 thuộc thửa đất số 125a, tờ bản đố số 02 thôn L, xã T, huyện H là tài sản của ông X, bà L; xác định 214m2 đất thuộc thửa 125b, tờ bản đồ số 02 và  40,75m2  nằm tại thửa đất số 125a, tờ bản đồ số 02 thôn L, xã T, huyện H là di sản thừa kế của cụ M chia theo pháp luật; giao 214m2 đất tại thửa 125b bằng hiện vật cho anh D quản lý, sử dụng; giao 40,75m2  và 122,25m2  đất 721 thuộc thửa 125a bằng hiện vật cho ông X, bà L quản lý, sử dụng; anh D, ông X, bà L có trách nhiệm trả giá trị kỷ phần cho các đồng thừa kế và tháo dỡ tài sản xây dựng sang phần đất giao cho anh D. Ngoài ra cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04/12/2019 bà Phạm Thị T và bà Phạm Thị  L kháng cáo bản án sơ thẩm: Đề nghị hủy GCN do UBND huyện H cấp ngày  08/12/2003 mang tên ông X bà L; không đồng ý áp dụng án lệ 03/2016 khi giải quyết vụ án; xác nhận toàn bộ diện tích 642m2 đất là di sản thừa kế của cụ M để chia thừa kế; không đồng ý trừ 57m2 tiêu chuẩn đất 721 của ông X bà L; nếu trừ thì trừ đất 721 của 4 người: Cụ M, bà Đ, bà A và bà B. Đề nghị được hưởng di sản bằng hiện vật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bà T và bà L (do ông Nguyễn Hữu S đại diện) trình bày giữ nguyên kháng cáo đề nghị hủy GCN mang tên ông X, bà L, xác định toàn bộ 642m2 là di sản của cụ M để chia theo pháp luật, chia bằng hiện vật và giao cho ông X phần đất ông X đã xây nhà. Bà T đề nghị miễn án phí do là người cao tuổi. Bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đề nghị chấp nhận kháng cáo của bà T và bà L. Người bảo vệ quyền lợi cho bà L xác định không có bất kỳ văn bản nào thể hiện ý chí của cụ M cho ông X, bà L đất; hồ sơ cấp GCN thiếu nhiều văn bản quan trọng theo quy định; cấp GCN cả phần đất 721 của bà Đ, bà A, bà B mà không được sự đồng ý của họ; các tình tiết trong vụ án không giống với án lệ số 03 nên áp dụng là không hợp lý. Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà L đồng thời đề nghị miễn án phí cho bà L. Bà Nguyễn Thị L trình bày không chấp nhận kháng cáo của bà T và bà L; không yêu cầu liên quan đến công sức trong thời gian ở cùng cụ M; đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu quan điểm: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng. Về hướng giải quyết vụ án: Sau khi phân tích các tình tiết trong hồ sơ vụ án, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà T và bà L, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bà T phải chịu án phí phúc thẩm, bà L được miễn án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1].Về tố tụng: Bà T, bà L kháng cáo trong thời hạn luật định, kháng cáo hợp lệ và được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên Tòa, bà B có mặt và không tiếp tục ủy quyền cho ông S là người đại diện mà tự trình bày tại phiên  tòa.

[2]. Nội dung: Đơn kháng cáo của bà T, bà L có chung nội dung là yêu cầu hủy GCNQSDĐ mang tên ông X bà L, xác định toàn bộ đất là di sản đề nghị chia bằng hiện vật; kháng cáo liên quan đến xác định đất 721 của ông X bà L; của cụ M, bà Đ, bà A và bà B.

[2.1]. Xét kháng cáo liên quan đến xác định toàn bộ 642m2 đt là di sản  của cụ M để chia thì thấy:

Diện tích 642m2 đất tại thôn L, xã T, huyện H theo các đương sự là tài của cụ M tạo lập sau khi cụ Y chết (1977). Năm 2013, cụ M chết không để lại di chúc. Quá trình sử dụng, thửa đất được tách thành 02 phần : Một phần có diện tích 214m2  hiện do anh D (con bà A, bà A chết 1997) sử dụng được xác định là di sản, không ai kháng cáo về phần này. Phần còn lại 428m2 do ông X, bà L quản lý, sử dụng. Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện vợ chồng ông X, bà L sống cùng cụ M từ khi kết hôn (1992) đến năm 2011 (hai năm trước khi cụ M chết 2013). Trong thời gian đó cụ M đồng ý cho ông X, bà L phá nhà cũ để xây nhà hai tầng kiên cố như hiện nay và không ai có ý kiến hay phản đối. Tại phiên tòa, như ông X, bà T, bà Đ xác nhận thời điểm vợ chồng ông X làm nhà (năm 2009) bà L đi làm không có nhà, các bà còn đến làm giúp như phụ vữa, nấu nước. Năm 2003, ông X, bà L được UBND huyện H cấp GCN đối với diện tích 428m2. Mặc dù ông X, bà L xác định không kê khai đề nghị cấp GCN, nhưng việc cấp GCN là cấp đại trà trên địa bàn, được UBND xã xét duyệt nguồn gốc và đề nghị UBND huyện cấp, thủ tục cấp thực hiện công khai, không ai có ý kiến. Như vậy có cơ sở xác định về ý chí thì cụ M đã cho vợ chồng ông X, bà L đất; vợ chồng ông X đã xây nhà kiên cố trên đất làm nơi ở; khi xây dựng thì cụ M cũng như các thành viên khác trong gia đình không ai có ý kiến phản đối mà còn phụ giúp và ông bà đã sử dụng liên tục, ổn định, đã được cấp GCN. Theo án lệ số 03/2016/AL ngày  06/4/2016 phải xác định vợ chồng ông X bà L đã được cụ M tặng cho quyền sử dụng đất. Tại phiên tòa, bà T, người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà L cho rằng đây không phải là vụ án ly hôn nên không áp dụng án lệ 03/2016. Nhận thức như vậy là không đầy đủ, vì áp dụng án lệ để giải quyết khi vụ việc có tình huống pháp lý tương tự chứ không chỉ áp dụng khi cùng loại vụ việc nên không có căn cứ chấp nhận.

Tuy nhiên, GCN ngày 08/12/2003 mang tên ông X, bà L: Tờ bản đồ số  02, thửa 125A, diện tích 428m2 trong đó có 220m2 đất trồng cây lâu năm « Trừ  vào TC 721 ». Tài liệu xác minh với chính quyền địa phương thể hiện 220m2 đất  721 trong đó tiêu chuẩn của vợ chồng ông X, bà L bằng 57m2 ; diện tích còn lại  163m2 là đất 721 tiêu chuẩn của cụ M, bà A, bà Đ, bà B tương ứng  40,75m2/người. Như vậy, xác định cụ M tặng cho vợ chồng ông X quyền sử dụng đất nhưng chỉ là phần diện tích 208m2; diện tích còn lại là đất 721 như đã phân tích ở trên. Đất 721 tiêu chuẩn của bà A, bà Đ, bà B (40,75m2  /người) không phải di sản của cụ M. Căn cứ thực tế sử dụng, Tòa án cấp sơ thẩm giao cho vợ chồng ông X quản lý sử dụng và có nghĩa vụ thanh toán trả bằng tiền là phù hợp. Đối với 40,75m2 đất 721 của cụ M, lẽ ra cũng phải xác định là tài sản cụ M đã tặng cho vợ chồng ông X. Tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm không ai thắc mắc về nội dung này. Vì thế kháng cáo của bà T, bà L liên quan đến nội dung này cũng không có căn cứ chấp nhận.

[2.2]. Đối với kháng cáo yêu cầu hủy GCN số W007310 ngày 08/12/2003 mang tên ông X bà L tại xã T huyện H: Theo tài liệu có trong hồ sơ thì UBND huyện H cấp GCN cho ông X, bà L bao gồm cả đất bị trừ tiêu chuẩn 721 của bà A, bà Đ, bà B mà không có sự đồng ý của những người này là không chính xác. Tuy nhiên vợ chồng ông X đã liên tục quản lý sử dụng; quá trình sử dụng vợ chồng ông X đã xây dựng công trình. Bản án sơ thẩm tiếp tục giao cho ông X, bà L quản lý, sử dụng đồng thời có nghĩa vụ thanh toán theo kết quả định giá nên không cần thiết phải hủy. Tuy nhiên, thông qua thẩm định tại chỗ thì hiện trang thửa đất có sự thay đổi so với kích thước trên GCN nên cần sửa bản án theo hướng kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn đương sự làm thủ tục đề nghị thu hồi để cấp lại GCN đảm bảo tính chính xác theo quy định của pháp  luật.

Như vậy, di sản thừa kế của cụ M được xác định để chia gồm 214m2 đất tại thửa 125b và 40,75m2 đất tại thửa 125a tổng là 254,75m2 x 7.000.000đ/m2 = 1.783.250.000đ được chia đều cho 6 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ M là các ông, bà: T, X, L, B, Đ, A (do anh D là thừa kế thế vị) mỗi kỷ phần bằng: 1.783.250.000đ: 6 = 297.208.000đ (làm tròn).

[3]. Xét kháng cáo yêu cầu chia di sản bằng hiện vật: Các đương sự đều có nguyện vọng được nhận di sản bằng hiện vật; tuy nhiên di sản thừa kế chỉ có  254,75m2 ở hai thửa khác nhau, nếu chia nhỏ hiện vật thành 06 phần thì không  đảm bảo diện tích đất ở. Mặt khác, các bà T, L, B, Đ đều đã có nơi ở ổn định; trong khi anh D là người trực tiếp sử dụng diện tích đất 214m2 nhiều năm và là chỗ ở duy nhất. Nên cần giao cho anh D quản lý, sử dụng diện tích đất này. Đối với 40,75m2 đất 721 của cụ M nằm trong tổng diện tích ông X đã sử dụng và đã xây dựng công trình trên đất nên cần giao diện tích này cho ông X tiếp tục quản lý, sử dụng. Người được giao sử dụng hiện vật có nghĩa vụ trả chênh lệch giá trị bằng tiền cho thừa kế khác như nhận định của bản án sơ thẩm là phù hợp. Và nội dung kháng cáo này của bà T, bà L cũng không được chấp nhận.

Do phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên không rõ ràng, nên cấp phúc thẩm sửa bản án và quyết định lại các nội dung liên quan đến yêu cầu khởi kiện.

Do sửa bản án sơ thẩm nên bà T, bà L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

  Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 2  Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sựNghị quyết 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án lệ phí Tòa án:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T và Phạm Thị L; sửa bản án dân sự sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 22/11/2019 của TAND huyện H, tỉnh Hải Dương, cụ thể như sau:

- Áp dụng khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1  Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, Điều  273 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 649, 650, 651, 652, 357, 468 Bộ luật Dân sự; Điều 100 của Luật Đất đai; Luật phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày  25/11/2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của HĐTP- TANDTC.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W 007310 do UBND huyện H cấp ngày 08/12/2003 mang tên ông Phạm Văn X, bà Nguyễn Thị L đối với 428m2 đất thuộc thửa đất số 125a, tờ bản đố số 02 thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương.

- Công nhận 265m2 đất ở tại thửa 125a tờ bản đồ 02 xã T, huyện H, tỉnh  Hải Dương là tài sản của cụ M tặng cho ông Phạm Văn X, bà Nguyễn Thị L.

Về chia thừa kế : Xác định di sản thừa kế của cụ Hoàng Thị M là quyền sử dụng 40,75m2 đất tại thửa 125a và 214m2 đất tại thửa 125b tờ bản đồ 02 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương. Tổng bằng 254,75m2   x 7.000.000đ/m2    =  1.783.250.000đ chia theo pháp luật.

- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hoàng Thị M gồm 06 người: Phạm Thị T, Phạm Văn X, Phạm Thị L, Phạm Thị B, Phạm Thị Đ, Nguyễn Việt D thừa kế thế vị của Phạm Thị A); tổng giá trị di sản bằng 1.783.180.000đ chia đều cho 6 kỷ phần, mỗi kỷ phần bằng 297.208.000đ (làm tròn)..

Về  chia hiện  vật :  + Giao cho anh Nguyễn Việt D quản lý, sử dụng 214m2 đất tại thửa 125b tờ bản đồ 02 xã T, huyện H, tỉnh Hải Dương, theo hình BCDEGHIKL (có sơ đồ kèm theo).

+ Giao cho ông Phạm Văn X và bà Nguyễn Thị L quản lý, sử dụng  122,25m2 đất 721 tiêu chuẩn của bà Phạm Thị A, Phạm Thị B, Phạm Thị Đ; giao cho ông Phạm Văn X quản lý, sử dụng 40,75m2 đất 721 là di sản thừa kế của cụ Hoàng Thị M. Tổng ông X, bà L được quản lý, sử dụng 428m2 theo hình ABLMNOQ (có sơ đồ kèm theo). Ông Phạm Văn X và bà Nguyễn Thị L có trách nhiệm trả giá trị đất tiêu chuẩn 721 cho bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Đ, bà Phạm Thị A (do anh Nguyễn Việt D nhận) mỗi người 285.250.000đ (Hai trăm tám mươi lăm triệu hai trăm năm nghìn đồng). Ông X, bà L có nghĩa vụ tháo dỡ, thu dọn tài sản xây dựng sang phần đất giao cho anh Nguyễn Việt D theo hình BB1B2B3 (có sơ đồ kèm theo), để tạo ranh giới giữa hai thửa đất.

+ Anh Nguyễn Việt D có trách nhiệm trả giá trị kỷ phần thừa kế cho bà  Phạm Thị T, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị Đ mỗi người  297.208.000đ (Hai trăm chín mươi bảy triệu hai trăm không tám nghìn đồng); trả cho ông Phạm Văn X 11.958.000đ (Mười một triệu chín trăm năm mươi tám nghìn đồng).

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chậm thanh toán các khoản tiền trên thì người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

2. Về án phí phúc thẩm: Bà Phạm Thị T và bà Phạm Thị L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án 25/5/2020.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1306
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2020/DS-PT ngày 25/05/2020 về tranh chấp thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Số hiệu:25/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về