Bản án 25/2019/KDTM-ST ngày 24/06/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 25/2019/KDTM-ST NGÀY 24/06/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 24 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 26/2012/TLST-KDTM ngày 23/7/2012 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 38/2019/QĐXX-KDTM ngày 13/5/2019 giữa:

- Nguyên đơn: Tổng công ty xây dựng S Trụ sở: số 111A đường P, phường BN, Q1, TP. Hồ Chí Minh Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Hữu Việt Đ - Tổng giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn S, sinh năm: 1979 Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà L, đường 67 MCT, phường AP, Q 2, TP. Hồ Chí Minh.

(Theo giấy ủy quyền số 520/TCT-TCPC ngày 31/12/2016). (Có đơn xin xét xử vắng mặt)

- Bị đơn: Công ty cổ phần T Trụ sở: số 57 đường Đ, thành phố QN, tỉnh Bình Định.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Mai H - Giám đốc công ty. (vắng mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chi nhánh M - công ty cổ phần T Trụ sở chi nhánh: F563/59, đường B, phường CN, thị xã TDM, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Hoàng B - Giám đốc chi nhánh (vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn Tổng công ty xây dựng S:

Tại phiên tòa hôm nay, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn S – giám đốc Công ty MK có đơn xin xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, theo đơn khởi kiện đề ngày 15/7/2012 và các lời khai tiếp theo nguyên đơn trình bày:

Ngày 14/10/2008 giữa Công ty MK – chi nhánh Tổng công ty xây dựng S - TNHH một thành viên (nay là Tổng công ty xây dựng S) và Chi nhánh M - Công ty cổ phần T (gọi tắt là Chi nhánh M) có ký kết hợp đồng mua bán số 1477/08/MKVN và các phụ lục hợp đồng số 01 ngày 02/01/2009, phụ lục hợp đồng số 02 ngày 01/02/2009 và phụ lục hợp đồng số 03 ngày 02/5/2009. Theo đó, Công ty MK bán cho Chi nhánh M một lượng bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) cho công trình cầu Ông Buông 2, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Tính từ ngày 19/11/2008 đến ngày 14/6/2009 Công ty MK đã bán cho Chi nhánh M là 1.208m3 bê tông, 206,5m3 bơm, 03 ca bơm, giá trị thành tiền là 1.539.927.381đ. Theo hợp đồng thì phương thức thanh toán là Chi nhánh M chi trả cho Công ty MK 100% giá trị bê tông thực tế của từng đợt giao hàng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày giao hàng. Nếu quá hạn mà bên Chi nhánh M chưa trả đủ thì số nợ còn lại phải chịu thêm lãi suất 1,5%/tháng. Tuy nhiên, bên Chi nhánh M đã nhận đủ số lượng bê tông nhưng đến ngày 15/7/2012 Công ty cổ phần T mới chuyển tiền thanh toán cho công ty Mê Kông 8 đợt với tổng số tiền 1.094.000.000đ, đến nay còn nợ lại là 445.927.381đ.

Nay Tổng công ty xây dựng S khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần T phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền gốc còn nợ lại là 445.927.381đ và yêu cầu tính lãi chậm trả qua các đợt chậm trả tiền đến ngày xét xử vụ án, theo lãi suất 13,5%/năm.

* Bị đơn Công ty cổ phần T:

Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, theo bản khai và biên bản lấy lời khai ngày 25/7/2012 và các lời khai tiếp theo, bị đơn trình bày: Chi nhánh M - Công ty cổ phần T được thành lập từ ngày 05/6/2008. Hình thức hoạt động của chi nhánh M cũng như các chi nhánh khác theo phương thức hoạch toán phụ thuộc, hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp. Do làm ăn không hiệu quả, chi nhánh M đang tạm ngừng hoạt động từ ngày 01/7/2014. Về yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn cho rằng không ủy quyền cho Chi nhánh M ký kết hợp đồng mua bán số 1477/08/MKVN và các phụ lục hợp đồng số 01 ngày 02/01/2009, phụ lục hợp đồng số 02 ngày 01/02/2009 và phụ lục hợp đồng số 03 ngày 02/5/2009 với Công ty MK. Vì vậy, các khoản nợ phát sinh từ các hợp đồng trên, bị đơn không theo dõi, kiểm tra, xác minh nên không biết. Bị đơn công nhận đã chuyển trả nhiều lần với tổng số tiền là 1.094.000.000đ cho công ty MK, lý do của việc chuyển trả số tiền trên là theo giá trị giao khoán công trình mà Công ty cổ phần T đã giao cho chi nhánh M. Vì vậy, nay nguyên đơn yêu cầu Công ty cổ phần T phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền còn lại là 445.927.381đ, đồng thời yêu cầu tính lãi chậm trả thì Công ty cổ phần T không đồng ý vì Công ty cổ phần 504 không ủy quyền cho Chi nhánh M ký các hợp đồng nói trên. Trách nhiệm trả nợ thuộc về người đứng đầu chi nhánh M là anh Lê Hoàng B.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chi nhánh M - Công ty cổ phần T:

Tại phiên tòa hôm nay, ông Lê Hoàng B vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, theo biên bản lấy lời khai ngày 21/11/2014 và các lời khai tiếp theo, ông B trình bày: Ông thống nhất giữa Chi nhánh M và Công ty MK có ký kết hợp đồng mua bán bê tông và các phụ lục hợp đồng như nguyên đơn đã trình bày để xây dựng công trình cầu Ông Buông 2, tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Trị giá hợp đồng là 1.539.927.381đồng. Công ty T đã chuyển trả cho Công ty MK nhiều lần (08 lần) tổng cộng là 1.094.000.000đồng, còn nợ lại 445.927.381đ (theo bản đối chiếu công nợ cuối cùng giữa Chi nhánh M và công ty MK ngày 31/12/2009). Nay Tổng công ty xây dựng S yêu cầu Công ty cổ phần T phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền còn lại là 445.927.381đ, đồng thời yêu cầu tính lãi chậm trả là đúng.

Công ty cổ phần T cho rằng không ủy quyền cho chi nhánh M ký các hợp đồng nói trên với công ty MK là không đúng vì khi Chi nhánh M ký kết bất kỳ hợp đồng nào cũng đều có sự ủy quyền của Công ty T, ủy quyền theo nhiệm vụ thi công công trình khu vực TP. Hồ Chí Minh (giấy giao nhiệm vụ, hợp đồng giao khoán nội bộ, giấy ủy quyền). Nếu không có sự ủy quyền thì hàng tháng, hàng quý, hàng năm Chi nhánh M đều báo cáo (báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, nợ phải thu, phải trả, đề xuất nợ thanh toán vật tư để đảm bảo tiến độ thi công công trình liên quan,..) nhưng Công ty T không phản đối mà vẫn chuyển trả tiền cho Công ty MK. Sau khi Chi nhánh M tạm ngừng hoạt động có tiến hành bàn giao số liệu, hồ sơ có liên quan đến Chi nhánh M cho các phòng ban Công ty T để lưu trữ (khi bàn giao có cả công nợ của công ty MK) nhưng Công ty T không có ý kiến gì. Hơn nữa, Chi nhánh hoạt động đều phụ thuộc Công ty T, cụ thể: các công trình được trúng thầu thì Công ty tiến hành ký hợp đồng phân công, giao nhiệm vụ cho Chi nhánh thi công, quản lý theo quy định, quy chế của Công ty T. Ngoài ra để quản lý chặt chẽ kinh phí thi công giữa chi nhánh M và công ty T có hợp đồng giao khoán nội bộ cho từng công trình mà Công ty T phân chia cho Chi nhánh M thi công. Riêng công trình cầu Ông Buông 2, tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh đã quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng với chủ đầu tư, tiền chuyển về tài khoản Công ty T theo giá trị quyết toán 16.113.998.000đ, Công ty đã chuyển cho Chi nhánh M và các khách hàng có liên quan đến công trình này là 13.938.960.400đ (trong đó có khách hàng là công ty MK).

Như vậy, về mặt pháp lý, trách nhiệm này thuộc về Công ty T chứ không phải là trách nhiệm của Chi nhánh M.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX), Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng theo quy định của BLTTDS kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án. Tuy nhiên, Thẩm phán đã vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay bị đơn không chấp hành pháp luật. Về việc giải quyết vụ án, KSV đề nghị HĐXX áp dụng các Điều 24, 50, 54, 55, 306 Luật Thương mại: Buộc Công ty cổ phần T có nghĩa vụ thanh toán cho Tổng công ty xây dựng S số tiền gốc 445.927.381 đồng và tiền lãi do chậm trả phát sinh theo quy định; Bác lời nại của Công ty cổ phần T cho rằng không ủy quyền cho chi nhánh M ký kết hợp đồng kinh tế số 1477/08/TĐ- MKVN ngày 14.10.2008 về việc mua bán bê tông.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt, người đại diện theo pháp luật của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, vì vậy Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án (khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 BLTTDS).

Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Căn cứ vào nội dung tranh chấp của các đương sự, HĐXX xác định quan hệ pháp luật trong vụ án này là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” (khoản 1 Điều 30 BLTTDS), thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn (điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS).

[2] Về nội dung tranh chấp:

[2.1] Xét nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền 445.927.381 đồng còn nợ theo hợp đồng mua bán số 1477/08/MKVN ngày 14/10/2008 và các phụ lục hợp đồng số 01 ngày 02/01/2009; phụ lục hợp đồng số 02 ngày 01/02/2009 và phụ lục hợp đồng số 03 ngày 02/5/2009; Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do các bên xuất trình có cơ sở xác định nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ký kết, thực hiện hợp đồng, phụ lục hợp đồng như các đương sự trình bày. Giá trị hợp đồng là 1.539.927.381 đồng, đã thanh toán 8 đợt tổng cộng là 1.094.000.000đồng, còn nợ lại 445.927.381 đồng đến nay chưa thanh toán. HĐXX xét: nguyên đơn yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ thanh toán 445.927.381 đồng nợ gốc là có cơ sở chấp nhận (khoản 1, khoản 2 Điều 50 và khoản 1 Điều 55 của Luật Thương mại).

[2.2] Xét nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi do chậm thanh toán qua các đợt chậm trả tiền tính đến ngày xét xử vụ án là phù hợp, bởi lẽ: Tại Điều 4 hợp đồng mua bán bê tông số 1477/08/MKVN ngày 14/10/2008, các bên đã thỏa thuận điều khoản thanh toán là “100% giá trị bê tông thực tế của từng đợt giao hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao hàng” và “Nếu quá hạn bên A chưa trả đủ thì số nợ còn lại phải chịu thêm lãi suất 1,5%/tháng trên tổng số nợ quá hạn”. Quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn đã vi phạm thời hạn thanh toán nên phải chịu tiền lãi chậm thanh toán qua các đợt giao hàng. Về lãi suất chậm thanh toán, theo biên bản xác minh của Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn ngày 20/5/2019 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Bình Định, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Định thì lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử là 14,25%/năm. Tuy nhiên theo bản khai ngày 24/5/2019, nguyên đơn tự nguyện yêu cầu tính lãi chậm thanh toán là 13,5%/ năm (0,0375%/ngày). Đây là sự tự nguyện của nguyên đơn, phù hợp với quy định của pháp luật nên HĐXX chấp nhận (khoản 1 Điều 55 và Điều 306 của Luật Thương mại).

Số tiền lãi chậm thanh toán của bị đơn cụ thể là: Đối với Hóa đơn (HĐ) 000341 ngày 27/11/2008, số tiền chậm thanh toán 5.825.000đ x 16 ngày x 0,0375% = 34.950 đồng; Đối với HĐ 000502 ngày 25/12/2008, số tiền chậm thanh toán 141.960.000đ x 1 ngày x 0,0375% = 53.235 đồng; Đối với HĐ 000528 ngày 26/12/2008, số tiền chậm thanh toán 240.772.500đ x13 ngày x 0,0375% = 1.173.766 đồng; Đối với HĐ 000629 ngày 08/01/2009, số tiền chậm thanh toán 445.027.500đ x 6 ngày x 0,0375% = 1.001.312 đồng; Ngày 13/02/2009 thanh toán 100.000.000đ nên số tiền chậm thanh toán 345.027.500đ x 6 ngày x 0,0375% = 776.312 đồng; Đối với HĐ 000672 ngày 20/01/2009, số tiền chậm thanh toán 593.337.500đ x 15 ngày x 0,0375% = 3.337.523 đồng; Ngày 06/3/2009 thanh toán 200.000.000đ nên số tiền chậm thanh toán 393.337.500đ x 24 ngày x 0,0375% = 3.540.038 đồng; Đối với HĐ 000797 ngày 28/02/2009, số tiền chậm thanh toán 540.162.500đ x 10 ngày x 0,0375% = 2.025.609 đồng; Ngày 09/4/2009 thanh toán 248.000.000đ nên số tiền chậm thanh toán 292.162.500đ x 4 ngày x 0,0375% = 438.244 đồng; Đối với HĐ 000887 ngày 14/3/2009, số tiền chậm thanh toán 328.142.500đ x 28 ngày x 0,0375% = 3.445.496 đồng; Ngày 11/05/2009 thanh toán 150.000.000đ nên số tiền chậm thanh toán 178.142.500đ x10 ngày x 0,0375% = 668.034 đồng; Đối với HĐ 001140 ngày 21/4/2009, số tiền chậm thanh toán 208.932.500đ x 2 ngày x 0,0375% = 156.699 đồng; Đối với HĐ 001164 ngày 23/4/2009, số tiền chậm thanh toán 377.155.000đ x 17 ngày x 0,0375% = 2.404.363 đồng; Ngày 09/6/2009 thanh toán 46.000.000đ nên số tiền chậm thanh toán 331.155.000đ x12 ngày x 0,0375% = 1.490.198 đồng; Đối với HĐ 001343 ngày 22/5/2009, số tiền chậm thanh toán 352.775.000đ x 22 ngày x 0,0375% = 2.910.394 đồng; Đối với HĐ 001507 ngày 13/6/2009, số tiền chậm thanh toán 495.015.000đ x 156 ngày x 0,0375% = 28.958.378 đồng; Đối với HĐ 002649 ngày 16/11/2009, số tiền chậm thanh toán 495.927.381đ x 386 ngày x 0,0375% = 71.785.488 đồng; Từ ngày 16/11/2009 đến ngày xét xử vụ án (24/6/2019) là 3.090 ngày x 445.927.381đồng x 0,0375% = 516.718.352 đồng.

Như vậy, bị đơn có nghĩa vụ phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 1.086.845.772 đồng (trong đó 445.927.381 đồng tiền gốc và 640.918.391 đồng tiền lãi, tính đến ngày xét xử 24/6/2019).

[3] Xét lời trình bày của bị đơn cho rằng không ủy quyền cho Chi nhánh M ký kết các hợp đồng nói trên với nguyên đơn, không theo dõi, kiểm tra nên bị đơn không chấp nhận trả nợ cho nguyên đơn. Lời trình bày này không có cơ sở để chấp nhận bởi lẽ: Tại biên bản lấy lời khai ngày 30/10/2014, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn khai nhận Chi nhánh M hoạt động theo phương thức hoạch toán phụ thuộc, theo ủy quyền của công ty, các công trình được trúng thầu thì Công ty tiến hành ký hợp đồng phân công, giao nhiệm vụ cho Chi nhánh thi công, quản lý. Như vậy trên cơ sở trúng thầu xây dựng mới cầu Ông Buông 2, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh, bị đơn đã ký Hợp đồng kinh tế số 236/HĐ-KQL1-KHĐT ngày 25/7/2008 với khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 06/8/2008, bị đơn đã có Quyết định số 477/QĐ-KHKD về việc giao nhiệm vụ thi công hạng mục này cho Chi nhánh M và Giấy ủy quyền số 479/GUQ ngày 06/8/2008 về việc giao dịch mua bán vật tư và thuê thiết bị phục vụ thi công công trình cầu Ông Buông 2. Đồng thời, tại Biên bản lấy lời khai ngày 25/7/2012 và các lời khai tiếp theo bị đơn cũng công nhận có chuyển tiền cho nguyên đơn nhiều lần, tổng cộng là 1.094.000.000đồng.

[4] Về án phí sơ thẩm: Theo khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nên được hoàn lại 16.800.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 009039 ngày 23/7/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Quy Nhơn; Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 44.605.000 đồng.

[5] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án phù hợp với nhận định của HĐXX nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228; Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 24; khoản 1, khoản 2 Điều 50; khoản 1 Điều 55 và Điều 306 của Luật Thương mại;

Căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Căn cứ khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử :

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty xây dựng S.

Buộc Công ty Cổ phần T có nghĩa vụ thanh toán cho Tổng công ty xây dựng S số tiền 445.927.381 đồng còn nợ theo hợp đồng mua bán số 1477/08/MKVN và các phụ lục hợp đồng số 01 ngày 02/01/2009; phụ lục hợp đồng số 02 ngày 01/02/2009 và phụ lục hợp đồng số 03 ngày 02/5/2009 và 640.918.391 đồng tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 24 tháng 6 năm 2019.

2. Không chấp nhận lời nại của Công ty Cổ phần T cho rằng không ủy quyền cho Chi nhánh M ký kết các hợp đồng và phụ lục hợp đồng nói trên với nguyên đơn.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

3.1. Tổng công ty xây dựng S được hoàn lại 16.800.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 009039 ngày 23/7/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Quy Nhơn.

3.2. Công ty Cổ phần T phải chịu án phí là 44.605.000 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Báo cho các đương sự có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

486
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2019/KDTM-ST ngày 24/06/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:25/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Qui Nhơn - Bình Định
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:24/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về