Bản án 25/2019/HS-PT ngày 26/12/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM 

BẢN ÁN 25 /2019/HS-PT NGÀY 26/12/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 23, 24, 25, 26/12/2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 45/2019/TLPT-HS ngày 20/11/2019 đối với bị cáo Đinh Viết S do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Đinh Viết S, sinh năm 1957 tại tỉnh Nghệ An.

Nơi cư trú: 618/3 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Luật sư; trình độ học vấn: 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đinh Viết Nh và bà Phan Thị H; có vợ và 02 con (lớn 32 tuổi, nhỏ 24 tuổi); tiền án: Không, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; bị bắt tạm giam từ ngày 26/02/2019 đến nay. Bị cáo có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Đinh Văn H – Luật sư Văn phòng Luật sư V, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Kon Tum (Có mặt).

Địa chỉ: Số 592 đường N, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

- Bị hại:

1/ Anh Đỗ Phú Trường A, sinh năm 1972 (Có mặt).

Địa chỉ: 618/2 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

2/ Bà Phạm Thị Minh T, sinh năm 1956 (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: 618/16 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

- Người làm chứng:

1/ Anh Nguyễn Văn O, sinh năm 1982 (Có mặt).

Địa chỉ: Thôn K 1, xã V, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

2/ Anh Phạm Dương Quang V, sinh năm 1989 (Có mặt).

Địa chỉ: 18 đường L, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

3/ Anh Đinh Tuấn A2, sinh năm 1987 (Có mặt).

4/ Anh Đinh Thế P, sinh năm 1995 (Có mặt).

5/ Bà Phạm Thị X, sinh năm 1964 (Vắng mặt).

Cùng địa chỉ: 618/3 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

6/ Ông Nguyễn Văn N1, sinh năm 1968 (Có mặt).

Địa chỉ: 618/12 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

7/ Ông Đỗ Phú N2, sinh năm 1953 (Có mặt).

Địa chỉ: 26 đường N, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

8/ Ông Nguyễn Văn Th, sinh năm 1964 (Có mặt).

Địa chỉ: 618 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

9/ Anh Nhâm Đức T1, sinh năm 1993 (Vắng mặt).

Địa chỉ: 496 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

10/ Anh Ngô Văn T2, sinh năm 1995 (Có mặt).

Địa chỉ: Tổ 4, phường L, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

11/ Cháu Đỗ Nhật A, sinh năm 2009

Người đại diện hợp pháp của cháu Anh đồng thời là người làm chứng: Chị Nguyễn Thị Thu L, sinh năm 1981 (mẹ đẻ) 

Cùng địa chỉ: 618/2 đường T, phường Q, thành phố K, tỉnh Kon Tum. (Đều có mặt).

- Giám định viên: Ông Nguyễn Đức H (Có mặt) 

Địa chỉ: Trung T pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Kon Tum.

- Thư ký Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum: Anh Phạm Hữu C (có mặt).

- Điều tra viên Công an thành phố Kon Tum: Anh Lưu Đình H (có mặt).

- Cán bộ điều tra Công an thành phố Kon Tum: Chị Lê Đình Thảo N (có mặt).

- Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum:Chị Trịnh Thị T (có mặt).

- Chuyên viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum: Anh Mạc Đức T (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 20 giờ 00 phút, ngày 15/9/2018, anh Đỗ Phú Trường A, anh Nguyễn Văn O, anh Phạm Dương Quang V, anh Nguyễn Văn Th và ông Nguyễn Văn N1 cùng ngồi nhậu trước sân nhà anh A tại số nhà 618/2 đường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum. Lúc này, tại cửa nhà của bị cáo Đinh Viết S có bị cáo S, anh Đinh Tuấn A2, anh Đinh Thế P và bà Phạm Thị X ngồi ăn cơm ở bàn, ngay phòng chơi Internet. Bàn ăn của nhà bị cáo S quay mặt ra sân (nhà số 618/3 đường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum). Do có mâu thuẫn từ trước nên giữa anh A và bị cáo S có lời qua tiếng lại, chửi bới, thách thức lẫn nhau. Ông Đỗ Phú N2 (bố của anh A) đến và ngồi xuống bàn nhậu với anh A. Thấy hai bên cãi nhau, bà T (mẹ của anh A) ra và đến nhà bị cáo S, yêu cầu bị cáo S không xúc phạm anh A và gia đình bà nữa. Bị cáo S không nghe nên bà T bỏ đi về nhà mình.

Bức xúc việc bị cáo S nói: “Mấy thằng ngáo đá” và dọa gọi Công an đến bắt nên anh O đã đứng lên, đi đến chỗ bị cáo S, yêu cầu bị cáo S nói, ai là ngáo đá, nói cụ thể là người nào, lý do nói như vậy. Vì anh O cho rằng, anh và mọi người đang ngồi chơi đàng hoàng. Tuy nhiên, bị cáo S không nghe nên anh V đứng dậy, đi đến gần chỗ bị cáo S và nói bị cáo thôi chửi vì anh V và mọi người không làm gì trái pháp luật. Sau khi anh V nói với bị cáo S xong thì bà Phạm Thị X là vợ bị cáo S từ ngoài sân đi vào chỗ anh V, dùng tay kéo tai bên phải của anh V lên và hỏi: “Mày là thằng nào”. Bị bà X kéo tai nên anh V dùng tay hất ra và theo phản xạ đấm lại anh P (do tay của anh V c đeo nhẫn nên làm rách mí mắt của anh P). Thấy vậy, anh Đinh Tuấn A2 cũng lao vào dùng chân đá anh V làm anh V bị ngã ra sân và anh Tuấn A2 cũng bị ngã.

Thấy anh V bị đánh nên A liền lao vào để can ngăn và giải vây cho anh V thì bị cáo S từ trong nhà lao ra trên tay cầm một con dao Thái Lan lưỡi bằng kim loại màu sáng trắng (kiểu dao gọt trái cây) đâm anh A. Tuy nhiên, do bị mất đà nên bị cáo đã ngã nhào xuống đất nên bị cáo đứng dậy, chạy vào nhà. Anh A tiếp tục lôi anh P ra ngoài sân bê tông và hai bên vật lộn với nhau. Anh A bị anh P nằm đè lên thì bị cáo S từ trong nhà chạy ra cầm dao nhọn (loại dao Thái Lan gọt trái cây dài khoảng 20cm, lưỡi bằng kim loại) đâm từ trên xuống hai nhát vào đùi trái của anh A. Lúc này, bà T chạy lại can ngăn thì bị bị cáo S dùng dao đâm hai nhát (01 nhát trúng cẳng tay trái, 01 nhát trúng thái dương phải) làm chảy máu. Thấy anh P và anh A vật lộn nhau nên anh Đinh Tuấn A2 chạy vào can ngăn thì bị ông Nguyễn Văn N1 kéo ra và dùng tay đấm vào mặt anh Tuấn A2. Bị đánh nên anh Tuấn A2 cũng dùng tay đánh lại rồi nhặt một chiếc dép ném về phía ông N1, sau đó bỏ chạy vào nhà và lấy chiếc muỗng múc canh trên bàn ăn ném về phía những người trong nhà anh A.

Thấy bị cáo S đâm anh A và bà T nên anh V liền dùng chân đạp bị cáo S văng ra ngoài sân. Lúc này, chân anh A chảy máu. Cảnh sát 113 đến đã đưa anh A, anh P và bà T lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu.

Ngày 17/9/2018, anh Đỗ Phú Trường A và bà Phạm Thị Minh T, ông Đỗ Phú N2 có đơn yêu cầu giám định thương tích.

Ngày 15/11/2018, anh Đỗ Phú Trường A và bà Phạm Thị Minh T có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 107/TgT-TTPY ngày 03/10/2018 của Trung T pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Kon Tum thể hiện: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Đỗ Phú Trường A là 8% (sẹo vết thương đùi bên trái là 8%, vết thương đùi trái đứt cơ thẳng đùi đã điều trị ổn định hiện tại Thông tư 20 không quy định xếp tỷ lệ). Vật gây thương tích là vật sắc nhọn.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 108/TgT-TTPY ngày 03/10/2018 của Trung T pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Kon Tum thể hiện: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Phạm Thị Minh T là 2% (sẹo xây sát vùng thái dương bên phải và sẹo ở 1/3 dưới cẳng tay trái). Vật gây thương tích là vật sắc nhọn.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 109/TgT-TTPY ngày 03/10/2018 của Trung T pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Kon Tum thể hiện: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Đỗ Phú N2 là 0% (lung lay răng R2.3, 2.4, 2.5; hiện tại, Thông tư 20 không quy định xếp tỷ lệ). Vật gây thương tích là vật tày.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 04/TgT-TTPY ngày 21/12/2018 của Viện pháp y Quốc gia – Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh thể hiện: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Đinh Thế P tại thời điểm giám định là 6% (sẹo nhỏ mi trên mắt trái là 1%; mắt trái pha lê thể vẩn đục, thị lực 6/10 là 5%).

Vật gây thương tích là vật tày.

Tại Kết luận giám định số 6016/C09-P6 ngày 06/12/2018 của Viện khoa học Hình sự - Bộ Công an thể hiện: Không tìm thấy dấu vết cắt, ghép, chỉnh sửa hình ảnh trong các tệp video gửi giám định.

Tại Kết luận giám định số 118/GĐTP-2018 ngày 17/11/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum thể hiện: Trên lưỡi dao cần giám định không có máu người.

Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum đã quyết định:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134, điểm i khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015;

Tuyên bố bị cáo Đinh Viết S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo Đinh Viết S 10 (Mười) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam, ngày 26/02/2019.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về vật chứng vụ án, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 20/10/2019 bị cáo Đinh Viết S có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum với nội dung: Bản án hình sự sơ thẩm đã xét xử oan cho bị cáo.

Ngày 25/10/2019 những người bị hại anh Đỗ Phú Trường A và bà Phạm Thị Minh T có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum tăng hình phạt tù đối với bị cáo Đinh Viết S.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum phát biểu quan điểm:

Đề nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo của những người bị hại; không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Đinh Viết S.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo:

* Về thủ tục tố tụng cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng có những vi phạm sau:

+ Biên bản nghị án ngày 14 tháng 10 năm 2019 (bút lục 565) trong cùng thời gian HĐXX nghị án cùng một lúc hai vụ án vi phạm nghiêm trọng Điều 259, Điều 260 và Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+ Người làm chứng Đinh Thế P và bị hại Đỗ Phú Trường A có lời khai mâu thuẫn với nhau nhưng cơ quan điều tra và Tòa án cấp sơ thẩm không cho đối chất.

+ Trong hồ sơ vụ án (từ bút lục 32 đến bút lục 93) bị tẩy xóa bằng bút xóa là vi phạm khoản 5 Điều 88 và Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 2 Điều 35 Thông tư liên tịch số: 04/2018/TTLT - VKSNDTC - BCA- BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Biên bản giao nhận hồ sơ vụ án giữa Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum và Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum thể hiện thiếu 02 bút lục.

+ Vi phạm về thực nghiệm điều tra được quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự khi thực nghiệm không đúng vị trí, thời gian, trang phục của người bị hại và diễn biến hành vi, tình huống của sự việc không đúng với Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường cũng như diễn biến hành vi được camera 03 nhà anh A ghi lại. Và đặc biệt thực nghiệm điều tra không thực hiện đúng và đầy đủ những nội dung của Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số: 02/2019/HSST-QĐ ngày 01/07/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum.

+ Trong giám định pháp y có nhiều vi phạm:

- Bản kết luận giám định pháp y có hai giám định viên nhưng chỉ có một người ký còn người kia ký với tư cách Phó giám đốc trung T giám định pháp y là không đúng với khoản 3 Điều 28 của Luật Giám định tư pháp và Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Dùng Giấy chứng nhận thương tích là bản phô tô làm căn cứ để giám định là vi phạm quy định về quy trình giám định pháp y được quy định tại Thông tư 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y Tế.

- Vi phạm về thời hạn giám định được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+ Vi phạm những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án được quy định tại khoản 6 Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Không xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại được quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Không thu giữ vật chứng là chiếc quần của người bị hại Đỗ Phú Trường A mặc khi xảy ra sự việc.

- Không giám định hình ảnh và thu giữ vật gì gắn nằm dọc trên đùi bị hại Đỗ Phú Trường A vì đây có thể là vật gây thương tích cho bị hại A? - Không thu giữ mẫu các chất màu nâu nghi máu để giám định, nếu máu người thì là máu của ai? - Không giám định hình ảnh để chứng minh hành vi người bị buộc tội cầm dao giơ lên và đâm xuống 03 lần vào người bị hại Phạm Thị Minh T và ông Đỗ Phú Trường A như bản án sơ thẩm kết luận.

Từ đó, vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự và không áp dụng nguyên tắc có lợi và suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với vết thương của anh A: Vết thương trong trích sao bệnh án khác với kết luận giám định và mâu thuẫn với số lượng nhát đâm, quan trọng là vết thương của anh A không phù hợp tư thế đâm đã được thực nghiệm cũng như lời khai của người chứng kiến. Đối với vết thương của bà T: theo bà T và những người làm chứng khai bà T bị bị cáo dùng dao nhọn đâm nhưng tại kết luận giám định khẳng định vật gây thương tích là vật sắc và vật sắc nhọn nhưng bản án chỉ ghi vật sắc nhọn là bỏ lọt hung khí gây thương tích. Hơn nữa, qua hình ảnh và camera thấy hình dạng vết thương của bà T không phải bị dao đâm. Chưa giám định để làm rõ mối tương quan giữa hung khí dao Thái Lan với vết thương của những người bị hại.

Vì, Bản án sơ thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn chưa được làm rõ, do đó chưa đủ căn cứ để buộc Đinh Viết S về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tuyên bị cáo Đinh Viết S không phạm tội, trả tự do cho bị cáo Đinh Viết S.

Ý kiến của bị cáo:

Những người tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng có hành vi thêm, bớt, sửa đổi làm sai lệch hồ sơ vụ án để kết tội oan cho tôi như sau:

Tòa án cấp sơ thẩm tự ý đưa thêm con dao Thái Lan là hung khí gây thương tích trong khi không có kết luận giám định về nguồn gốc, xuất xứ của con dao, không có căn cứ khẳng định đó là con dao Thái Lan và trên camera không thể hiện con dao này, khi trình chiếu camera tại phiên tòa không ai chỉ được con dao này. Thêm hành vi tôi gây thương tích cho bị hại, ngụy biện rằng hình ảnh bị che khuất nhưng thực tế không có hành vi đó.

Trong lúc đánh nhau, lần thứ hai tôi ra cầm chổi quét máy vi tính và khi thực nghiệm điều tra anh A là người đưa cây chổi cho công an. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đánh tráo cho rằng tôi cầm dao lưỡi bằng kim loại là sai sự thật.

Không tiến hành thu giữ cán dao liên quan đến hung khí gây thương tích vì sau ngày đánh nhau, em của anh A là Đỗ Thị Minh T viết trên Facebook có nội dung người nhà anh A giấu cán dao trong thùng rác nhà anh A.

Tại sao tại bản kết luận điều tra thể hiện có 371 bút lục nhưng tại bản cáo trạng lại thể hiện có 348 bút lục, vậy những bút lục kia ở đâu? Trong khi đó, khoảng 03,04 ngày sau khi có bản kết luận điều tra ngày 15/5/2019, Kiểm sát viên Trịnh Thị T có lên Nhà tạm giữ Công an thành phố Kon Tum hỏi cung bị can, trong lúc làm việc tôi đọc được biên bản ghi lời khai của người tên T có nội dung con dao mà tôi cầm hôm đánh nhau là con dao của cháu T đến chơi Nét để trên bàn có lưỡi làm bằng giấy bạc có màu sáng trắng dùng để tập văn nghệ. Tôi có đề nghị Kiểm sát viên viết nội dung này trong biên bản hỏi cung nhưng hiện nay trong hồ sơ vụ án không thấy Biên bản ghi lời khai của người tên T và biên bản hỏi cung bị can này.

Tài liệu, chứng cứ có thu giữ nhưng không thể hiện trong hồ sơ: Tại biên bản thu giữ hai xe mô tô ghi rõ đặc điểm của hai xe khi thu giữ có liên quan đến những mảnh vỡ sắc nhọn tại hiện trường nhưng tại phiên tòa sơ thẩm tôi đề nghị kiểm sát viên công bố nhưng kiểm sát viên không cung cấp được. Cơ quan điều tra có thu giữ của tôi điện thoại Oppo không liên quan đến vụ án nhưng không trả lại cho tôi, một số tài liệu, chứng cứ thu giữ của tôi được thể hiện trong Bản kết luận điều tra nhưng sau này không đề cập đến.

Về dấu vết màu nâu đỏ tại hiện trường là bột sơn màu nâu đỏ bị đổ, cơ quan điều tra và Tòa án sơ thẩm tự thêm và suy diễn là vết máu.

Vị trí V đánh Đinh Thế P là sát nhà ông D số nhà 618/5 ở đây có nhiều gạch kê dưới cây mai nhưng lại đánh tráo vị trí V đánh P không có chậu cây nào.

Ngoài ra, khi điều tra bổ sung xong, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum chưa giao cáo trạng bổ sung cho tôi. Điều tra viên nói khi nào tôi đủ sức khỏe sẽ cho ý kiến vào biên bản đối chất nhưng đến nay tôi vẫn chưa được ý kiến, những người làm chứng trong vụ án hầu hết là cha, mẹ, vợ, con của bị hại, khai không phù hợp với tình tiết khác trong vụ án nhưng vẫn được chấp nhận.

Đề nghị giám định những nội dung tôi viết trong đơn yêu cầu giám định đã gửi cho Tòa án nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét. Tôi đề nghị giám định vật chứng, chứng cứ, dấu vết để làm rõ nội dung sự thật khách quan của vụ án, giám định cơ chế gây thương tích và vật gây thương tích. Tôi không gây thương tích cho ai.

Ý kiến của bị hại: Mức án mà Tòa án sơ thẩm xét xử bị cáo là quá nhẹ, đề nghị Tòa án phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa, bị cáo và những người bị hại giữ nguyên kháng cáo. Đơn kháng cáo của bị cáo và những người bị hại trong thời hạn và đúng quy định nên được HĐXX xem xét.

[2] Xem xét quyết định và hành vi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng:

Bị cáo khẳng định không bị bức cung, nhục hình trong tất cả quá trình lấy lời khai, hỏi cung.

Tuy nhiên, bị cáo và luật sư cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng, qua tranh tụng tại phiên tòa, căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và đối chiếu quy định pháp luật, HĐXX xét thấy:

Đối với những tài liệu, chứng cứ bị cáo cho rằng đã thu giữ như điện thoại và các tài liệu, chứng cứ thể hiện trong bản kết luận điều tra nhưng không được thể hiện trong hồ sơ và không liên quan đến vụ án, HĐXX không xem xét. Khi có kết quả điều tra bổ sung, Viện kiểm sát thấy kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi bản cáo trạng nên chỉ ban hành công văn về việc giữ nguyên quan điểm truy tố và theo quy định không phải gửi cho bị cáo.

HĐXX đã xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án thấy rằng: Tại Biên bản giao nhận hồ sơ vụ án ngày 24/5/2019 (bút lục 354) giữa Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum và Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum không thiếu bút lục nào; tại bản kết luận điều tra ngày 15/5/2019 (bút lục 348) thể hiện hồ sơ vụ án có 346 bút lục và tại bản cáo trạng ngày 24/5/2019 (bút lục 357) thể hiện hồ sơ vụ án có 353 bút lục; việc thu giữ xe mô tô được thể hiện trong các biên bản (bút lục 01, 57) không ghi đặc điểm 02 xe mô tô thu giữ. Đối với biên bản hỏi cung bị can và biên bản lấy lời khai người tên T, kiểm sát viên Trịnh Thị T khẳng định không có nội dung này. Kiểm sát viên phúc thẩm đã tiến hành xác minh và thu thập chứng cứ là Sổ theo dõi của Nhà tạm giữ Công an thành phố Kon Tum không thể hiện việc kiểm sát viên hỏi cung bị can sau khi kết thúc điều tra như bị cáo khai. Liên quan đến việc tẩy xóa một số bút lục trong hồ sơ vụ án, tại phiên tòa điều tra viên, cán bộ điều tra Công an thành phố Kon Tum và chuyên viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum đều khẳng định việc tẩy xóa là nhằm sắp xếp lại hồ sơ theo trình tự thủ tục quy định nhưng tài liệu, chứng cứ là đầy đủ, liên tục, không bị mất đi. Tại phiên tòa, bị cáo và Luật sư cũng không chứng minh được tài liệu, chứng cứ gì bị mất. Vì vậy, lời khai của bị cáo cho rằng người tiến hành tố tụng thêm, bớt, sửa đổi làm sai lệch hồ sơ vụ án là không có cơ sở.

Đối với vi phạm trong biên bản nghị án, biên bản phiên tòa: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã có bản giải trình thể hiện có việc sai sót trong đánh máy dẫn đến việc trong biên bản nghị án viết nhầm thành Hà Anh T nhưng thực chất là nghị án đối với bị cáo Đinh Viết S; Thư ký phiên tòa sơ thẩm giải trình sai sót trong đánh máy dẫn đến việc nhầm lẫn giữa lời khai của hai người làm chứng Nguyễn Văn N1 và Đỗ Phú N2 trong biên bản phiên tòa.

Đối với những vi phạm trong công tác giám định pháp y: Giấy chứng nhận thương tích của bà T đã được kiểm sát viên phúc thẩm thu thập bản gốc hợp pháp, vi phạm về chữ ký trong biên bản giám định và thời hạn giám định.

Xét thấy, những vi phạm trên thực tế là có nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo nên những người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần rút kinh nghiệm về nội dung này.

Đối với việc không đối chất để làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của những người chứng kiến việc đánh nhau: Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất nhưng bị cáo viện lý do không đủ sức khỏe nên không thể tiến hành đối chất được. Tuy nhiên, những mâu thuẫn cũng đã được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự, thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định, do bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nên phải có người đóng thế.

Đối với nội dung không thu giữ vật chứng là chiếc quần của người bị hại Đỗ Phú Trường A mặc khi xảy ra sự việc, không giám định hình ảnh và thu giữ vật gì gắn nằm dọc trên đùi bị hại Đỗ Phú Trường A, không thu giữ mẫu các chất màu nâu nghi máu để giám định, không giám định hình ảnh để chứng minh hành vi người bị buộc tội cầm dao giơ lên và đâm xuống 03 lần vào người bị hại bà Phạm Thị Minh T và anh Đỗ Phú Trường A như bản án sơ thẩm kết luận, căn cứ Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án và phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án, không thu thập chứng cứ không cần thiết.

[3] Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo thấy rằng:

Trong tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Đinh Viết S đều không nhận tội.

Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị hại anh Đỗ Phú Trường A, bà Phạm Thị Minh T, những người làm chứng chị Nguyễn Thị Thu L, ông Đỗ Phú N2, anh Phạm Dương Quang V, anh Nguyễn Văn O, tại phiên tòa phúc thẩm cháu Đỗ Nhật A khai thống nhất với nhau việc bị cáo S đã sử dụng con dao Thái Lan dài khoảng 20cm (kiểu dao gọt trái cây) đi ra hai lần, lần một ra đâm không biết có trúng không, lần hai ra đâm hai nhát vào đùi bị hại A và đâm hai nhát vào bà T (một nhát vào thái dương, một nhát vào cẳng tay bà T). Riêng người làm chứng ông Nguyễn Văn N1 khai không nhìn thấy bị cáo S cầm dao nhưng nhìn thấy ngay sau khi đánh nhau anh A bị thương ở đùi chảy máu rất nhiều. Còn người làm chứng anh Đinh Thế P khai có nhìn thấy bị cáo cầm dao, anh Đinh Tuấn A2 và bà Phạm Thị X khai không nhìn thấy việc bị cáo cầm dao cũng như không thấy ai bị thương tích gì trong lúc đánh nhau và sau đó. Đối với bị cáo S thừa nhận lần thứ nhất cầm cây chổi quét vi tính thường để bàn vi tính nhưng vô tình cầm trúng vật gì có cán giống chổi (khi xem camera thể hiện là con dao của khách chơi Net dùng để ăn trái cây) từ trong nhà ra đâm người thanh niên áo xanh (biên bản ghi lời khai ngày 16/9/2018, ngày 24/9/2018 bút lục 314 và 316) nhưng bị người áo xanh ngắn tay đạp, bị cáo ngã nhào về phía trước làm rơi mất con dao, bị cáo chạy tay không vào nhà nên con dao này không gây thương tích cho ai; lần thứ hai cầm tiếp cây chổi quét máy tính chạy ra hiên nhà để hù dọa nhưng bị bà T, người mặc quần áo đen xô ngã, bị ông Nguyễn Văn N1 quật ngã; lần thứ ba không dám ra mà chỉ đứng trong nhà cầm con dao rựa giơ lên hù dọa để mọi người không đánh P nữa (bản tự khai ngày 24/9/2018 - bl 310, bản tự khai ngày 19/9/2018 - bl 312).

Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo luôn thay đổi lời khai nhưng đều không phù hợp với nhau, cụ thể:

Về vết thương của bị hại A: Bị cáo viện dẫn ra rất nhiều tình huống để khẳng định việc anh A không bị thương tích trong khi đánh nhau mà có thể do anh A tự gây ra vết thương để đổ oan cho bị cáo. Tại bản tự khai ngày 19/9/2018 (bl 312) bị cáo khai: “A đang ăn nhậu trước nhà của A với khoảng 10 người nữa… Lúc này A đứng dậy chạy vào nhà A lấy cái gì đ giắt vào sau lưng quần”.

Tại bản tự khai ngày 24/12/2018 (bl 313) và bản ý kiến về nội dung kháng cáo ngày 02/12/2019 bị cáo đều cho rằng có thể A tự gây thương tích để đổ cho gia đình bị cáo; tại đơn yêu cầu giám định, xác định ngày 07/9/2019 (bl 534), bị cáo cung cấp thêm nội dung: sau hôm đánh nhau khoảng 04 đến 05 ngày A có đánh nhau với một thanh niên vào lúc nửa đêm và A có bị thương, cơ quan điều tra có khám nghiệm hiện trường; tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo khai khi xảy ra xô xát thấy anh A cầm 01 vật màu trắng; tại đơn yêu cầu giám định ngày 12/12/2019: bị cáo lại cho rằng “sau khi đánh nhau A đi đến góc tối của bức tường Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum quan sát thấy gia đình tôi đang sơ cứu cho Đinh Tuấn A2 và Đinh Thế P nên A đã bẻ gãy lưỡi dao rồi dùng phần lưỡi dao bị gãy còn sót lại ở cán dao để rạch vào đùi trái nhằm tạo ra vết thương không sâu (3,6cmx0,01cm) rồi băng b tạo dáng chụp hình lên facebook để đổ oan cho tôi”.

Cùng với bị cáo, tại phiên tòa luật sư cũng cho rằng khi anh A kéo ống quần lên thấy một vật màu trắng ngay đùi, rồi cho rằng có nhiều mảnh vỡ của gương chiếu hậu xe mô tô tại nơi đánh nhau, trong khoảng thời gian anh A bước vào nhà và chở đi cấp cứu là 11 phút, anh A làm gì ở trong nhà? Luật sư viện dẫn ra những điều này để củng cố thêm lời khai của bị cáo cho rằng anh A tự gây ra vết thương cho mình để đổ oan cho bị cáo. Nhưng khi giám định viên khẳng định vết sẹo không phải do tự rạch mà do bị đâm bởi vật sắc nhọn thì luật sư lại cho rằng có thể trong quá trình vật lộn với P, anh A bị những mảnh kính xe gây ra vết thương thể hiện ý kiến trước sau mâu thuẫn với nhau.

Đối với thương tích của bà T: Tại bản tự khai ngày 19/9/2018 (bl 312) bị cáo khai qua camera thấy bà T chỉ vết thương gần cổ tay bị bầm; bản tự khai ngày 24/12/2018 (bl 313) và biên bản ghi lời khai ngày 24/9/2018 (bl 317) bị cáo khai qua camera thấy dấu vết ở mặt bà T được hình thành sau khi đánh nhau (vì ngay sau khi đánh nhau bà T đến đứng trước cửa nhà tôi mặt của bà T không có xây xát gì) nhưng tại bản ý kiến về nội dung kháng cáo ngày 02/12/2019 bị cáo cho rằng người mặc áo ngắn tay sọc ngang đã cầm một vật đâm vào tay bà T và tại đơn yêu cầu giám định ngày 12/12/2019 bị cáo cho rằng qua camera thấy An cầm 01 vật giống như lưỡi dao, vật này đã gây thương tích ở 1/3 dưới cẳng tay trái của bà T.

Đối với con dao bị cáo thừa nhận mang ra lần thứ nhất: Tại biên bản ghi lời khai ngày 24/9/2018 (bl 317) bị cáo khai tôi bị đạp ngã nên rơi tại vị trí ngã văng đi đâu không rõ (tuy nhiên sau đó Cảnh sát 113 lấy ở vị trí nào tôi không biết đưa đến nhà tôi và sau đó công an đã lập biên bản niêm phong, thu giữ), trong khi tại biên bản ghi lời khai ngày 24/12/2018 (bl 320) bị cáo cho rằng con dao này không biết văng đi đâu nên không thể giao nộp được cho cơ quan điều tra; tại biên bản ghi lời khai ngày 16/9/2018 (bl 315) bị cáo khai không nhớ là con dao gì, có đặc điểm như thế nào nhưng tại bản ý kiến về nội dung kháng cáo ngày 02/12/2019 bị cáo cho rằng: Tôi (S) đã cầm một con dao của người đến chơi Internet để trên bàn (tôi không biết dao gì) lưỡi bằng kim loại màu sáng trắng (kiểu dao gọt trái cây). Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo lại nại ra rằng bị cáo có cầm con dao nhưng con dao này là của một người tên T đến chơi Net, con dao này có lưỡi làm bằng giấy bạc có màu sáng trắng, cháu T làm để đi diễn văn nghệ. Tuy nhiên, bị cáo không xác định được cụ thể họ tên và địa chỉ của người này.

Về dấu vết màu nâu đỏ tại hiện trường: Tại biên bản ghi lời khai ngày 16/9/2018 (bl 315) bị cáo khai: bên kia họ bị thương tích như thế nào tôi không biết, tôi chỉ thấy sau này có vết máu ở trước nhà A, tôi không biết là của ai và tại biên bản ghi lời khai ngày 13/11/2018 (bl 319) bị cáo đề nghị xác minh vết máu tại hiện trường để xác định địa điểm gây thương tích cho A. Nhưng tại đơn yêu cầu giám định, xác định ngày 07/9/2019 (bl 534) và tại phiên tòa phúc thẩm: bị cáo lại yêu cầu giám định, xác định vết màu nâu trong biên bản khám nghiệm hiện trường là chất gì, chất này từ đâu mà có và tại đơn yêu cầu giám định ngày 12/12/2019 bị cáo yêu cầu giám định vết màu nâu mà biên bản hiện trường đã ghi lại, bị cáo cho rằng đó là nước sơn màu nâu đỏ của nhà bị cáo dùng để quét chân tường bị đổ ra tạo thành những vết màu nâu chứ không phải vết máu.

Về lưỡi dao cơ quan điều tra thu được tại hiện trường: Tại biên bản ghi lời khai ngày 08/01/2019 (bl 332) bị cáo khai: không phải con dao tôi cầm trong video, chưa thấy bao giờ; tại biên bản hỏi cung bị can ngày 27/02/2019 (bl 324) và đơn yêu cầu giám định ngày 12/12/2019 bị cáo lại cho rằng: A cầm một vật qua camera thấy được giống lưỡi dao, khi công an tới địa điểm đánh nhau thấy 01 lưỡi dao trước nhà A, người trong nhà A đều biết cán dao gây thương tích được giấu vào thùng rác trong nhà A (em gái Đỗ Phú Trường A là Đỗ Thị Minh T viết trên facebook).

Thấy rằng trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo luôn quanh co, chối tội. Tuy nhiên, qua tranh tụng tại phiên tòa cũng như xem xét toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thấy rằng trước khi xảy ra sự việc đánh nhau giữa gia đình ông Đinh Viết S với gia đình anh Đỗ Phú Trường A thì cả hai bên gia đình đều có uống rượu và hai bên gia đình đã có mâu thuẫn với nhau từ trước.

Qua theo dõi camera thấy rằng, trong camera 1 nhà bị cáo S thể hiện rõ lần đầu tiên bị cáo S dơ dao lên đâm nhưng bị ngã nhào về phía trước nên bị cáo đứng dậy đi vào nhà, lần thứ hai bị cáo đi ra trong lúc anh An và anh P vật lộn ở bên dưới và góc khuất nên camera không ghi lại được nhưng tại camera 3 nhà anh A có thể thấy được cảnh xô xát diễn ra rất nhanh (bắt đầu từ đoạn 20 giờ 23 phút 05 giây đến 20 giờ 23 phút 42 giây). Lần thứ hai đi ra bị cáo dơ tay lên và đâm 3 lần xuống dưới (lần 1 đâm về phía anh A, lần 2 đâm về phía bà T và lần 3 nhìn thấy bị cáo vung tay đâm xuống). Ngay sau khi được mọi người can ngăn kéo ra, tại đoạn 20 giờ 23 phút 51 giây camera 3 nhà A thể hiện A đi về phía nhà A cùng với người mặc áo xanh, ông Đỗ Phú N2, đi được khoảng hơn chục bước chân thì A cúi xuống nhìn vết thương (được nhìn rất rõ tại camera 1 nhà A đoạn 20 giờ 24 phút). Hơn nữa, qua camera 3 nhà A thể hiện trước và sau vị trí A và P vật lộn đánh nhau không có vật gì có màu khác so với màu sân bê tông hay phản chiếu ánh sáng (ví dụ mảnh kính vỡ) có kích thước đủ lớn để gây ra vết thương như vết thương của A. Và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám định viên cũng khẳng định rõ với vết thương và thương tích của A không phải do tự rạch cũng như mảnh kính rơi xuống đất nằm ngang thì không thể gây ra vết thương sâu như vậy. Điều này khẳng định A không thể tự gây ra vết thương cho mình cũng như không phải vết thương do vật gì đâm vào trong quá trình vật lộn đánh nhau với P như ý kiến của bị cáo và luật sư.

Đối với vết thương của bà T, cùng thời điểm đó tại đoạn 20 giờ 23 phút 53 giây camera 3 nhà A, bà T chỉ vết thương trên tay và vết thương trên thái dương được nhìn rất rõ tại camera 1 nhà A đoạn 20 giờ 24 phút 40 giây. Qua hình ảnh camera thể hiện ngay sau khi xảy ra xô xát, đánh nhau đã gây ra vết thương cho anh A và bà T nên lời khai của bị cáo cho rằng vết thương của anh A, bà T hình thành sau khi đánh nhau là không có cơ sở.

Đối với số lượng vết thương của anh A và bà T: Tại kết luận giám định pháp y về thương tích thể hiện A có 02 vết sẹo vết thương (01 sẹo vết thương 1/3 giữa mặt trước đùi bên trái, kích thước (5,3x0,1) cm, 01 sẹo vết thương 1/3 dưới mặt trước đùi bên trái, kích thước (01x0,1) cm). Nhưng, tại trích sao bệnh án thể hiện A có 01 vết thương đùi trái 3cm. Làm rõ về nội dung này, tại Công văn số 229/CV-TTPY ngày 01/10/2019 của Trung tâm pháp y Kon Tum và tại phiên tòa giám định viên cũng đã trình bày và giải thích vết thương ở dưới mặt trước đùi trái được hình thành là do bác sỹ phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để điều trị. Nội dung này phù hợp với số lượng nhát đâm mà camera thể hiện là A bị đâm 01 nhát gây ra 01 vết thương.Về hình dáng vết thương ở cẳng tay của bà T, qua ý kiến của giám định viên cũng như hình ảnh camera, kết luận giám định về đặc điểm vết thương và vật gây thương tích thấy rằng bà T bị đâm một nhát vào thái dương còn vết thương ở cẳng tay không phải là vết đâm trực tiếp mà chỉ là bị dao sượt hoặc kéo qua tại lúc bị cáo đâm vào thái dương và bà T dơ tay lên đỡ. Vì vậy, bản án sơ thẩm nhận định bị cáo đâm bị hại A 02 nhát trúng đùi trái và đâm bà T 02 nhát (một nhát trúng thái dương, 01 nhát trúng cẳng tay) là chưa phù hợp với trích sao bệnh án, giấy chứng nhận thương tích cũng như hình ảnh camera. Điều này tại phiên tòa, người bị hại anh A cũng thừa nhận.

Mặc dù, cơ quan điều tra không thu giữ được con dao gây thương tích cho anh A, bà T và những người làm chứng khai nhìn thấy bị cáo S dùng dao loại dao Thái Lan, lưỡi bằng kim loại sáng trắng (kiểu dao gọt trái cây) ra đâm anh A và bà T đều là người quen, thân với những người bị hại, tuy nhiên lời khai của người làm chứng phù hợp với diễn biến sự việc diễn ra và đã được camera ghi lại thể hiện trong quá trình xô xát, đánh nhau chỉ có một mình bị cáo Đinh Viết S sử dụng dao, ngoài ra không có ai sử dụng hung khí gì. Điều này phù hợp với kết luận giám định thương tích của anh A, bà T do vật sắc nhọn gây ra và biên bản khám nghiệm hiện trường.

Từ những phân tích trên, có đủ cơ sở khẳng định vào hơn 20 giờ ngày 15/9/2018 tại hẻm 618 đường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum, bị cáo Đinh Viết S đã có hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm anh A và bà T gây thương tích cho anh A là 08% và bà T là 02%. Khi thực hiện hành vi đâm anh A và bà T, bị cáo đủ tuổi và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, năng lực điều khiển hành vi, phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật và không oan. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh đối với bị cáo.

[4] Xét kháng cáo tăng hình phạt của bị hại anh A và bà T thấy rằng: Trong quá trình xét xử, lượng hình, HĐXX sơ thẩm đã xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, áp dụng đầy đủ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xét xử bị cáo mức án 10 tháng tù là phù hợp, đủ răn đe, phòng ngừa tội phạm. Hơn nữa, bị hại cũng không cung cấp được tình tiết nào mới để HĐXX xem xét, do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt của bị hại anh A và bà T, giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại chưa yêu cầu nên HĐXX không xem xét.

[6] Về vật chứng của vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử lý theo quy định pháp luật, tại phiên tòa không có ai có ý kiến gì về việc xử lý vật chứng này nên HĐXX giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về vật chứng.

[7] Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm; kháng cáo của bị hại không được chấp nhận nên bị hại phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[8] Về các vấn đề khác:

Đối với thương tích của anh Đinh Thế P và anh Đinh Tuấn A2: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã làm rõ anh Đinh Thế P bị anh Phạm Dương Quang V và anh Đinh Tuấn A2 bị ông Đỗ Phú N2 đều dùng tay đánh gây thương tích; do đó không đủ cơ sở xử lý hình sự nên Cơ quan điều tra đã xử lý hành chính đối với anh Phạm Dương Quang V và ông Đỗ Phú N2, HĐXX phúc thẩm thấy là phù hợp, không xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh Viết S.

Không chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt của những người bị hại anh Đỗ Phú Trường A và bà Phạm Thị Minh T.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134, điểm i khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Tuyên bố bị cáo Đinh Viết S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo Đinh Viết S 10 (Mười) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (26/02/2019).

Về vật chứng vụ án: Áp dụng khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tiếp tục lưu trữ trong hồ sơ vụ án: 01 chiếc USB, màu đen, chứa file video, trích xuất từ camera của gia đình bị cáo Đinh Viết S; 01 chiếc USB, màu đỏ, chứa file video, trích xuất từ camera của gia đình anh Đỗ Phú Trường A.

Tịch thu và tiêu hủy đối với:

01 bộ đồ thun dài màu xanh có sọc trắng; 01 con dao bằng sắt dài 41cm; 01 lưỡi dao nhọn dài 10cm; 01 vá múc canh dài 29,5cm; 01 chổi quét máy vi tính (Tất cả theo Biên bản giao, nhận vật chứng ngày 06/9/2019 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Kon Tum và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum).

Về án phí: Căn cứ các Điều 135 và 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; các Điều 6, 21 và Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy  ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Đinh Viết S phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Bị hại anh Đỗ Phú Trường A và bà Phạm Thị Minh T, mỗi người phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (26/12/2019)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

366
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2019/HS-PT ngày 26/12/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:25/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/12/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về