Bản án 25/2019/HNGĐ-ST ngày 19/08/2019 về tranh chấp hôn nhân gia đình

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 25/2019/HNGĐ-ST NGÀY 19/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

Trong các ngày 15 và ngày 19 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 151/2018/TLST-HNGĐ ngày 20 tháng 6 năm 2018, về việc: Tranh chấp hôn nhân và gia đình, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 15 tháng 02 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Trần Thị N, sinh năm 1958; nơi cư trú: Số 17A Nguyễn An N, phường Đ, thành phố V, tỉnh VVĩnh Phúc.

Bị đơn: Ông Đỗ Trọng H, sinh năm 1957; nơi ĐKHKTT: Số 17A Nguyễn An N, phường Đ, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc; hiện nay đang làm việc tại: Phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan;

- Công ty TNHH thương mại và xây dựng V (gọi tắt là Công ty V); trụ sở: Phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Trọng H – Chức vụ: Giám đốc.

- Ông Đỗ Trọng C, sinh năm 1959; nơi cư trú: Tổ dân phố Đ, thị trấn V, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Ông Đỗ Văn A, sinh năm 1962 và bà Đỗ Thị Bích B, sinh năm 1965; đều trú tại: Phố Đ, xã T, huyện M, thành phố Hà Nội.

- Ông Đỗ Quốc T, sinh năm 1962 và bà Vũ Thị D, sinh năm 1965; nơi ĐKHKTT tại: Thôn VP, xã V, huyện M, thành phố Hà Nội.

(Có mặt bà N, ông H, ông C, bà B, bà D và ông A; vắng mặt ông T);

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 26 tháng 10 năm 2017 và trong quá trình xét xử, nguyên đơn bà Trần Thị N trình bày:

Bà và ông Đỗ Trọng H kết hôn với nhau vào ngày 15/10/1978 tại Uỷ ban nhân dân xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội. Trước khi kết hôn, cả hai người đều được tự do tìm hiểu và chưa ai kết hôn lần nào. Sau ngày cưới bà về gia đình nhà ông H làm dâu ngay nhưng do ông bà đi công tác nên ông bà đã tách ra ở riêng luôn. Ban đầu tình cảm vợ chồng hạnh phúc, đến khoảng cuối năm 2015 thì vợ chồng xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn là do ông H có quan hệ bất chính với người đàn bà khác rồi dẫn về nhà ở nên ông H thường xuyên chửi bới, đánh đập bà buộc bà phải bỏ nhà đến ở nhờ nhà con gái. Bà N xác định, thời gian bà và ông H chính thức sống ly thân với nhau từ cuối năm 2015 cho đến nay. Xét thấy tình cảm vợ chồng không còn nên bà đề nghị Tòa án giải quyết cho bà được ly hôn với ông H.

Bị đơn là ông Đỗ Trọng H trình bày.

Về thời gian đăng ký kết hôn, thời gian chung sống, ông H xác nhận như lời trình bày trên của bà N là đúng. Ông H cho rằng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn giữa ông và bà N là do, bà N bỏ bê không trông nom chăm sóc ông khi ông bị tái phát vết thương và phải điều trị gần 05 năm trời dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng kéo dài suất từ năm 1980 cho đến năm 2006. Năm 2007, ông và bà N chính thức sống ly thân với nhau. Mặc dù ông và bà N sống ly thân, nhưng vẫn sinh sống cùng nhau chung một nhà. Thời gian sống ly thân, cả ông và bà N không còn ai quan tâm gì đến cuộc sống của nhau. Đến năm 2008, ông và bà N mới chính thức tách ra ở riêng và tiếp tục sống ly thân nhau. Bà N đi ở cùng với con gái tại khu tập thể Bệnh viện đa khoa tỉnh V, còn ông chuyển về phố L, xã N, huyện Y sinh sống và làm việc. Năm 2015, do sức khỏe của ông xuống cấp, bệnh tật cộng với việc vết thương tái phát, rất cần phải có người phụ nữ chăm sóc, gia đình ông có bảo bà N về chăm sóc sức khỏe cho ông và cụ L nhưng bà N nhất quyết không về nên bà N đã yêu cầu ông tìm người vợ khác để chăm sóc, vì vậy ông mới sống chung với bà Vũ Thị E như vợ chồng từ năm 2015 cho đến nay. Xét thấy tình cảm giữa ông và bà N không còn nên bà N xin ly hôn, ông đồng ý.

Về con chung: Bà N và ông H đều xác định, vợ chồng có 02 con chung là Đỗ Thị Thu G, sinh ngày 12/9/1981 và Đỗ Tiến F, sinh ngày 24/12/1983. Hiện tại cháu G đã có gia đình riêng còn cháu F đã chết năm 2007. Ly hôn bà N và ông H không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về tài sản riêng: Trước khi kết hôn, bà N và ông H đều xác định, vợ chồng không có tài sản riêng gì nên ly hôn ông bà không đề nghị Tòa án giải quyết.

Về tài sản chung: Bà N xác định, trong thời gian vợ chồng sống chung với nhau, bà và ông H đã tạo lập được khối tài sản chung là:

- Thửa đất có diện tích 273m2 tọa lạc tại số 17A,B đường N, phường Đ thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguồn gốc thửa đất trên là đất bà và ông H nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông I, bà P ở thành phố V vào khoảng năm 2008 hoặc năm 2009. Khi nhận chuyển nhượng thửa đất này, bà và ông H chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ thỏa thuận với vợ chồng ông I bằng giấy viết tay. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên ông bà đã chuyển nhượng lại ½ diện tích của thửa đất trên cho vợ chồng ông K bà M ở thành phố V. Sau khi vợ chồng ông K bà M nhận chuyển nhượng đất của ông bà thì vợ chồng ông K bà M trực tiếp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất trên với vợ chồng ông I. Ông H là người trực tiếp nhận tiền bán đất của vợ chồng ông K bà M. Đến năm 2010, ông bà lấy tiền bán đất ở thành phố V về mua thửa đất số 307 ở xã N. Phần diện tích còn lại của thửa đất trên, tháng 02 năm 2017 ông bà thống nhất làm thủ tục tặng cho con gái là Đỗ Thị Thu G, hiện nay cháu G đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết.

- Thửa đất số 307; tờ bản đồ 16; diện tích 150m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguồn gốc thửa đất số 307 là đất ông bà nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Tạ Văn K ở thôn Đ, xã N vào năm 2010, đến năm 2011 ông bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Đỗ Trọng H. Tại phiên tòa, bà N xác định, năm 2011 ông bà xây dựng ngôi nhà 03 tầng diện tích sử dụng thực tế cả 03 sàn khoảng 430m2 trên thửa đất 307 đến năm 2012 hoàn thành, ông bà đã chuyển cả gia đình về ngôi nhà 03 tầng này sinh sống cho đến khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn và sống ly thân nhau. Nguồn tiền để xây dựng ngôi nhà 03 tầng trên chủ yếu là tiền tích kiệm của ông bà tích cóp được trong nhiều năm.

- Thửa đất số 305, tờ bản đồ 16, diện tích 112,5m2 và 306; tờ bản đồ 16; diện tích 150m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguồn gốc thửa đất số 305, là đất ông bà nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Phạm Quang Q ở thôn Đ, xã N, còn thửa đất số 306 ông bà nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Tạ Hồng J ở cùng thôn với ông Q và nhận chuyển nhượng cùng năm 2001. Do ông bà và vợ chồng ông Đỗ Quốc T là em ruột của ông H có nhu cầu kinh doanh cây xăng nên hai gia đình đã thống nhất mua chung 02 thửa đất trên rồi cùng nhau xây dựng các công trình phụ trợ gắn liền trên 02 thửa đất số 305 và 306 và sắm sửa máy móc trang thiết bị để đầu tư phục vụ cho việc kinh doanh xăng dầu. Toàn bộ khối tài sản trên, ông bà và vợ chồng ông T bà D thống nhất tính tỷ lệ góp vốn đầu tư kinh doanh, tài sản của ông bà là thửa đất 306 và tiền mặt để mua máy móc trang thiết bị đạt tỷ lệ 2/3 vốn điều lệ, tài sản góp vốn của vợ chồng ông T là thửa đất 305 và tiền mặt đạt tỷ lệ 1/3 giá trị vốn điều lệ. Ông H là người trực tiếp đứng ra lo các thủ tục giấy tờ hành chính thành lập Công ty V để kinh doanh. Hai bên có thỏa thuận trường hợp ngừng kinh doanh thì vốn điều lệ của Công ty V được chia theo tỷ lệ, ông bà được sử dụng thửa đất số 306, vợ chồng ông T được sử dụng thửa đất 305. Nguồn tiền để hình thành nên khối tài sản mà ông bà góp vốn cùng vợ chồng ông T vào Công ty V để kinh doanh, bà xác định là tiền tích kiệm của ông bà tích cóp được trong nhiều năm không phải là tiền đi vay mượn hoặc bằng nguồn tiền nào khác. Năm 2002 Công ty V bắt đầu hoạt động, ông bà và vợ chồng ông T thống nhất chia thời gian kinh doanh, ông bà kinh doanh từ năm 2002 đến năm 2012 thì chuyển giao toàn bộ tài sản của Công ty V cho vợ chồng ông T tiếp tục kinh doanh đến tháng 3 năm 2017 thì hết hạn. Trong thời gian kinh doanh, ai kinh doanh thì người đó tự chịu trách nhiệm về vốn điều lệ, quyền và nghĩa vụ phát sinh, tự thu, tự chi và hưởng lợi nhuận không phải chia lợi tức cho cổ đông khác. Năm 2012, ông bà chuyển giao Công ty V cho vợ chồng ông T kinh doanh, khi chuyển giao hai bên có lập văn bản thỏa thuận rõ ràng. Vợ chồng ông T hoạt động kinh doanh Công ty V hết tháng 3 năm 2017 thì bàn giao lại Công ty V cho ông bà. Tại thời điểm bà làm đơn ly hôn ông H, Công ty V vẫn hoạt động kinh doanh bình thường.

Tại phiên tòa bà N xác định: Khi có ý định thành lập Công ty V gia đình bà và gia đình ông T đã bàn bạc đi đến thống nhất mua 02 thửa đất số 305, 306 để làm địa điểm đặt trụ sở Công ty. Đến khi thành lập Công ty V vốn góp của gia đình bà và gia đình ông T vào Công ty là tiền mặt. Tỷ lệ vốn góp của gia đình bà là 2/3 vốn điều lệ, còn của gia đình ông T là 1/3 vốn điều lệ. Thửa đất 305, 306 là tài sản của 02 gia đình cho Công ty V mượn mặt bằng để làm trụ sở, đây là tài sản riêng của gia đình bà và gia đình ông T không phải là tài sản góp vốn vào Công ty V.

- Thửa đất số 10, tờ bản đồ 08, diện tích 453m2 tọa lạc tại Thôn VP, xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội.

Nguồn gốc thửa đất trên là đất của bố mẹ ông H cụ Đỗ Văn L và cụ Trần Thị U tặng cho ông bà vào năm 2000, đến năm 2001 ông bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Đỗ Trọng H. Sau khi được chia đất, ông bà đã tu sửa kiến thiết nhà cửa và công trình phụ tại thửa đất số 10 này để làm nơi thờ tự tổ tiên cho đại gia đình ông H nên bà xác định, toàn bộ khối tài sản tại thửa đất số 10 này là tài sản chung của bà và ông H.

Hiện nay toàn bộ khối tài sản chung của bà và ông H tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân, ông H đang là người trực tiếp quản lý và sử dụng. Tại phiên tòa bà đề nghị Tòa án chia theo pháp luật đối với quyền sử dụng thửa đất số 10 ở xã V, còn các tài sản xây dựng và cây cối lâm lộc trên thửa đất số 10 ở xã V bà không yêu cầu giải quyết. Đối với thửa đất số 305 ở xã N là tài sản riêng của vợ chồng ông T, bà D nên bà không yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với thửa đất 306, bà đề nghị chia quyền sử dụng đất còn các tài sản xây dựng gắn liền trên đất và trang thiết bị máy móc của Công ty V đặt tại thửa đất số 306 bà không yêu cầu Tòa án giải quyết. Bà đề nghị chia theo pháp luật toàn bộ khối tài sản tại thửa đất 307. Do bà không có chỗ ở ổn định, hiện đang phải đi ở nhờ nhà con gái ở thành phố V nên bà đề nghị xin được chia bằng hiện vật đối với khối tài sản chung tại thửa đất 307 và thanh toán tiền chệnh lệch tài sản cho ông H (nếu có), còn các tài sản chung khác bà đề nghị được chia bằng tiền.

Ngoài những tài sản bà đã kê khai ở trên, bà N không đề nghị Tòa án chia bất kỳ tài sản nào khác.

Tại phiên tòa, bà N tự nguyện chịu toàn bộ các chi phí thẩm định, định giá tài sản.

Ông H thừa nhận về nguồn gốc hình thành, quá trình sử dụng và đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 307; 305; 306 tại phố Lồ, xã N và thửa đất số 10 ở xã V như lời trình bày trên của bà N là đúng. Hiện nay ông đang là người trực tiếp quản lý sử dụng toàn bộ khối tài sản ở các thửa đất 305; 306; 307 tại phố Lồ, xã N và thửa đất số 10 tại thôn VP, xã V, huyện M.

Tại phiên tòa, ông H đề nghị Tòa án chia khối tài sản, bà N kê khai ở trên như sau:

- Đối với thửa đất có diện tích 273m2 tọa lạc tại số 17A,B đường N, phường Đ thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, ông H không yêu cầu Tòa án giải quyết mà ông sẽ khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

- Đối với thửa đất số 307; tờ bản đồ 16; diện tích 150m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc, ông H xác định. Do trụ sở kinh doanh của Công ty V sập sệ, xuống cấp nên ông đã bàn với bà N bằng miệng về việc xây ngôi nhà 03 tầng cùng các công trình phụ trên thửa đất 307 để làm trụ sở kinh doanh của Công ty V do ông làm Giám đốc. Bà N im lặng và không có ý kiến phản đối gì nên ông đã tự lấy tiền của Công ty V ra để xây dựng các công trình trên thửa đất 307, thiếu đâu thì ông đi vay mượn thêm của ông C và vợ chồng ông A bà B.

Tại phiên tòa ông H xác định, việc lấy tiền của Công ty V ra để xây nhà trên thửa đất 307 ông không thông quan Hội đồng thành viên và không vào sổ sách kế toán của Công ty V mà chỉ thể hiện bằng hợp đồng thầu khoán và phiếu chi trả đứng tên Công ty V. Sau khi xây dựng xong ngôi nhà 03 tầng tại thửa đất 307, ông đã chuyển toàn bộ Công ty V về hoạt động kinh doanh tại ngôi nhà 03 tầng nên quyền sử dụng thửa đất 307 là tài sản chung của ông và bà N tạo lập được, còn ngôi nhà 03 tầng xây dựng gắn liền trên đất 307 là tài sản riêng của ông, hiện tại tài sản này ông đã góp vốn vào Công ty V do vậy nó là tài sản của Công ty V, ông chỉ đồng ý chia cho bà N quyền sử dụng thửa đất 307, còn các tài sản khác xây dựng gắn liền trên thửa đất 307 ông không đồng ý chia.

Hiện nay Văn phòng của Công ty V đang đặt trụ sở trên thửa đất 307 nên ông đề nghị xin được chia bằng hiện vật đối với tài sản tại thửa đất 307 và ông đồng ý thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho bà N (nếu có).

- Đối với thửa đất 305, tờ bản đồ 16, diện tích 112,5m2 và thửa đất số 306; tờ bản đồ 16; diện tích 150m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc, ông H xác định. Khi thành lập Công ty V, tài sản của gia đình ông và gia đình ông T tham gia góp vốn để kinh doanh Công ty V, thỏa thuận chia tỷ lệ vốn góp, chia thời gian kinh doanh và chia tài sản sau khi không còn kinh doanh của hai gia đình như lời trình bày trên của bà N là đúng.

Tại phiên tòa ông xác định, thửa đất 305 là tài sản riêng của vợ chồng ông T nên ông không yêu cầu Tòa án giải quyết. Thửa đất 306 là tài sản riêng của ông do ông tự tích cóp mà có không liên quan gì đến bà N, tài sản này hiện ông đã góp vốn vào Công ty V nên nó là tài sản của Công ty V không phải là tài sản chung của ông và bà N tạo lập được nên ly hôn ông không đồng ý chia quyền sử dụng thửa đất 306 cho bà N.

- Đối với thửa đất số 10, tờ bản đồ 08, diện tích 453m2 tọa lạc tại Thôn VP, xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội, ông xác định là tài sản riêng của ông được bố mẹ là cụ Đỗ Văn L và cụ Trần Thị U tặng cho để làm nơi thờ tự tổ tiên. Sau khi nhận tặng cho do nhà xuống cấp, ông đã bỏ tiền riêng của mình ra để sửa chữa tu bổ toàn bộ ngôi nhà cấp 4 cùng các công trình phụ xây dựng tại thửa đất số 10 xã V cho bố mẹ ông ở và làm nơi thờ tự tổ tiên trong nội tộc, bà N không có công sức đóng góp gì đối với tài sản tại thửa đất số 10 này.

Ông thừa nhận năm 2001, ông là người trực tiếp đi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng thửa đất số 10 ở xã V, thời điểm đó ông và bà N đang là vợ chồng nên ông đưa tên bà N vào sử dụng chung nhưng ông và bà N đã thống nhất với nhau, tài sản này là nhà thờ họ, vợ chồng sửa sang tu bổ chỉ để làm nơi thờ cúng tổ tiên cho nên không ai được hưởng quyền lợi gì trên thửa đất này. Ly hôn bà N yêu cầu chia tài sản chung đối với giá trị quyền sử dụng thửa đất số 10 xã V ông không đồng ý. Ngoài ra tại phiên tòa ông H thừa nhận, sau khi bố mẹ ông tặng cho đất, bố mẹ ông ở chung với vợ chồng ông, do vợ chồng ông kinh doanh nên ở tại xã N còn bố mẹ ông ở tại thửa đất số 10. Sau ngày mẹ ông chết thì ông đón hẳn cụ L về ở cùng vợ chồng ông tại xã N, đến khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn và sống ly thân thì ông đưa cụ L về thửa đất số 10 sống cho đến ngày cụ L chết.

Tại phiên tòa ông H bà N đều xác định, nếu phải chia các tài sản ở thửa đất số 10 xã V và các thửa đất số 306; 307 ở xã N thì ông H bà N thống nhất đề nghị Tòa án lấy kết quả đo đạc kiểm tra hiện trạng của Tòa án vào các ngày 12/10/2018 và ngày 02/11/2018 để làm căn cứ giải quyết trong vụ án này.

Về các khoản vay và cho vay: Bà N xác định, vợ chồng không vay nợ ai và không cho ai vay nợ tài sản gì. Tại phiên tòa ông H xác định, khi thành lập Công ty V, ông có vay nợ tiền và vàng của người thân trong gia đình để kinh doanh nhưng ly hôn ông không đề nghị Tòa án giải quyết.

Về công sức: Bà N và ông H không đề nghị Tòa án giải quyết. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

+ Ông Đỗ Trọng C trình bày: Ông là em trai ruột của ông Đỗ Trọng H chồng bà Trần Thị N. Ngày 20/7/2012, ông có cho ông H với tư cách là Giám đốc Công ty V vay 30 cây vàng SJC để kinh doanh. Khi vay hai bên thống nhất giá trị số vàng trên tại thời điểm cho vay là 1.122.000.000 đồng (Một tỷ, một trăm hai mươi hai triệu đồng), ngày 30/4/2015, ông cho Công ty V vay 300.000.000 đồng tiền mặt. Tổng cộng tính đến ngày 01/10/2018 , Công ty V còn nợ ông số tiền 1.422.000.000 đồng (Một tỷ, bốn trăm hai mươi hai triệu đồng), ông H là người trực tiếp nhận vàng và tiền đồng thời viết giấy nhận nợ với ông. Hai bên không thỏa thuận lãi suất nhưng thỏa thuận thời hạn trong vòng 10 năm Công ty V phải trả nợ cho ông toàn bộ số tiền trên, bà N có biết về khoản vay nợ này của ông H hay không thì ông không rõ. Ông xác định, khoản nợ trên là khoản nợ của Công ty V, do ông H với tư cách là Giám đốc của Công ty V đứng ra vay nên ông H phải có trách nhiệm trả nợ cho ông số tiền trên bằng nguồn tài sản của Công ty V. Ông H bà N ly hôn, ông khởi kiện yêu cầu độc lập, yêu cầu ông H phải có trách nhiệm trả nợ cho ông toàn bộ số tiền trên ông tự nguyện không tính lãi suất. Sau khi trả nợ cho ông xong, nếu còn tài sản thì mới được xem xét chia tài sản chung cho bà N.

Tại phiên tòa, ông C có đơn xin rút toàn bộ nội dung yêu cầu độc lập về việc đòi nợ Công ty V do ông H làm Giám đốc.

+ Ông Đỗ Văn A và bà Đỗ Thị B trình bày: Bà B là em gái ruột của ông Đỗ Trọng H, ông A là chồng của bà B. Ngày 25/4/2013, ông bà có cho ông H với tư cách là Giám đốc của Công ty V vay 30 cây vàng SJC để kinh doanh. Khi vay hai bên thống nhất giá trị số vàng trên tại thời điểm cho vay là 1.050.000.000 đồng (Một tỷ, không trăm năm mươi triệu đồng) và 500.000.000 đồng tiền mặt. Tổng cộng ông H vay nợ ông bà số tiền 1.550.000.000 đồng (Một tỷ, năm trăm năm mươi triệu đồng). Ông H là người trực tiếp nhận vàng và tiền và viết giấy nhận nợ với ông bà. Hai bên không thỏa thuận lãi suất về số tiền vay bằng vàng còn số tiền mặt 500.000.000 đồng ông bà thỏa thuận bằng miệng là lãi suất theo Ngân hàng 0,85%/tháng. Thực tế số tiền mặt ông bà cho ông H vay là tiền ông bà vay Ngân hàng hộ ông H cùng với khế ước của ông bà nên hàng tháng ông H phải trả lãi cho Ngân hàng theo hợp đồng vay nợ cùng với ông bà và thỏa thuận thời hạn trả nợ trong vòng 10 năm Công ty V phải trả cho ông bà số tiền trên. Bà N có biết khoản vay nợ này của ông H hay không thì ông bà không rõ. Ông bà xác định khoản nợ trên là khoản nợ của Công ty V, do ông H với tư cách là Giám đốc Công ty V nên ông H phải có trách nhiệm trả nợ cho ông bà số tiền trên bằng nguồn tài sản của Công ty V. Ông H bà N ly hôn ông bà khởi kiện yêu cầu độc lập, yêu cầu ông H phải có trách nhiệm trả nợ cho ông bà toàn bộ số tiền nợ trên, ông bà tự nguyện không tính lãi suất. Sau khi trả nợ cho ông bà xong, nếu còn tài sản thì mới được chia tài sản chung cho bà N.

Tại phiên tòa, ông A bà B có đơn xin rút toàn bộ nội dung yêu cầu độc lập về việc đòi nợ Công ty V do ông H làm Giám đốc.

+ Ông Đỗ Quốc T, bà Vũ Thị D trình bày: Ông Thịnh bà D xác định, ông T là thành viên của Công ty V, ông bà cùng tham gia kinh doanh với vợ chồng ông H bà N. Giá trị tài sản tham gia góp vốn vào Công ty V, thỏa thuận tỷ lệ vốn góp như lời trình bày của bà N và ông H ở trên là đúng. Thời gian ông bà kinh doanh Công ty V từ năm 2012 đến tháng 3 năm 2017 thì bàn giao lại Công ty V cho ông H tiếp tục kinh doanh. Trong thời gian ông bà kinh doanh Công ty V, ông bà đổi tên Công ty V thành Công ty Vạn Niên và kinh doanh dưới tên Công ty Vạn Niên. Thời gian ông bà kinh doanh thì vợ chồng ông H bà N tạm ngừng kinh doanh và chuyển về sinh sống tại ngôi nhà 03 tầng trên thửa đất 307, nhà và đất tại thửa số 307 là tài sản chung của vợ chồng ông H bà N không phải là tài sản của Công ty V, trụ sở của công ty V đặt tại thửa đất số 305, 306, chưa bao giờ đặt tại thửa số 307. Tài sản của Công ty V được thể hiện tại Biên bản pháp lý đánh giá vốn góp sáng lập công ty ngày 28/9/2003 gồm thửa đất 305; 306 và toàn bộ các tài sản xây dựng gắn liền trên thửa đất 305; 306. Khi thành lập Công ty V, tài sản của gia đình bà và gia đình ông H thực tế góp vốn vào Công ty V để kinh doanh là quyền sử dụng thửa đất 305; 306 và tiền mặt nhưng thống nhất với nhau, tổng giá trị góp vốn của 02 nhà được quy đổi ra thành giá trị tiền mặt để đạt tỷ lệ góp vốn 2/3 của ông bà và 1/3 của vợ chồng ông H. Thửa đất 305, 306 là tài sản riêng của hai gia đình cho Công ty V mượn để đặt trụ sở, không phải là tài sản góp vốn vào Công ty V, khi nào Công ty V không hoạt động kinh doanh thì tài sản của ai người đó lấy về không liên quan gì đến tài sản của Công ty V.

Vợ chồng ông bà và vợ chồng ông H thỏa thuận, vợ chồng ông H kinh doanh Công ty V từ năm 2002 đến năm 2012, còn ông bà kinh doanh Công ty V từ tháng 3 năm 2012 đến tháng 3 năm 2017. Trong thời gian kinh doanh Công ty V, người nào kinh doanh thì người đó phải tự chủ toàn bộ về vốn kinh doanh và phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty V đồng thời không phải chia lợi nhuận cho các thành viên trong Công ty. Trường hợp Công ty V ngừng hoạt động thì tài sản tham gia kinh doanh được chia theo tỷ lệ vốn góp ban đầu. Vợ chồng ông H được chia thửa đất 306, còn ông bà được chia thửa đất 305. Ông bà khẳng định, Công ty V chỉ có ông bà và vợ chồng ông H tham gia góp vốn để kinh doanh ngoài ra không có bất kỳ thành viên nào tham gia góp vốn. Khi ông bà nhận chuyển giao Công ty V từ ông H thì Công ty V không có bất kỳ khoản nợ nào, sau khi ông bà trả Công ty V cho ông H kinh doanh thì ông bà cũng không chuyển giao cho ông H bất kỳ khoản nợ nào. Đối với nhà, đất tại thửa số 10 tại xã V, vợ chồng cụ L và toàn thể anh chị em là con vợ chồng cụ L đã tặng cho vợ chồng ông H bà N cùng thời điểm với đất của ông bà hiện nay ông bà đang sử dụng. Thửa đất số 305 là tài sản riêng của ông bà góp vốn cùng với vợ chồng ông H để kinh doanh khi thành lập Công ty V. Ly hôn, ông H bà N thống nhất trả lại thửa đất số 305 cho vợ chồng ông bà nên ông bà không có đề nghị gì. Phần tài sản xây dựng trên thửa đất số 306, vợ chồng ông bà không có ý kiến, đề nghị gì nên không đề nghị Tòa án giải quyết.

Tại phiên tòa, ông C, vợ chồng bà B và bà D đều xác nhận, sau khi ông H được bố mẹ cho thửa đất số 10 xã V, bố mẹ các ông bà ở với vợ chồng ông H. Ông H là người bỏ tiền ra để sửa chữa tu bổ toàn bộ tài sản tại thửa đất số 10, hiện tại thửa đất số 10 ông H đang ở và là nơi thờ cúng tổ tiên của đại gia đình nên ông C, vợ chồng bà B không đồng ý chia tài sản tại thửa đất số 10 cho bà N, còn bà D không có ý kiến gì.

+ Công ty V do ông Đỗ Trọng H – Giám đốc, người đại diện theo pháp luật trình bày:

Năm 2001 thành lập Công ty V do ông là Giám đốc, vốn điều lệ đăng ký kinh doanh của Công ty V là 1.350.000.000 đồng, ngành nghề đăng ký kinh doanh chủ yếu là kinh doanh xăng dầu, bếp ga, ga đốt, các loại dầu v.v…. Công ty V làm thủ tục xin Đăng ký kinh doanh từ năm 2001 nhưng do phải xây dựng cơ sở vật chất, mua bán trang thiết bị chuẩn bị kinh doanh nên năm 2002 Công ty V chính thức mới đi vào hoạt động kinh doanh. Cổ đông của Công ty V ở thời kỳ đầu chỉ có ông H, ông C và ông T tham gia góp vốn nên được xác định là cổ đông của Công ty V còn các cổ đông khác mặc dù có tên trong giấy phép kinh doanh của Công ty V nhưng không tham gia góp vốn nên bị xóa tên khỏi danh sách cổ đông của Công ty V.

Quá trình hoạt động từ năm 2002 đến năm 2012, ông là người trực tiếp kinh doanh và điều hành Công ty V nên ông chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc kinh doanh của Công ty V. Thời kỳ đầu do Công ty V chưa có lợi nhuận nhưng ông vẫn phải trả lợi tức theo tỷ lệ phần trăm vốn góp cho các cổ đông dẫn đến thua lỗ, ông phải vay mượn để bù lỗ kinh doanh. Năm 2008 do thay đổi địa điểm kinh doanh trong giấy phép kinh doanh từ xã V sang kinh doanh tại phố Lồ, xã N nên ông xin thay đổi giấy phép kinh doanh lần đầu. Ngày 28/9/2003, ông và ông T lập biên bản pháp lý đánh giá vốn góp sáng lập Công ty V để xác định tỷ lệ tài sản cố định tham gia góp vốn của ông và ông T. Cụ thể tài sản của ông tham gia góp vốm là 01 thửa đất ở + 01 ngôi nhà mái bằng + 03 cây đong xăng + 03 téc chứa xăng dầu tương đương tỷ lệ góp vốn là 2/3 giá trị vốn góp của Công ty V tại thời điểm góp vốn, tài sản của ông Đỗ Quốc T tham gia góp vốn là 01 thửa đất ở + 01 ngôi nhà mái bằng + 03 cây đong xăng + 03 téc chứa xăng dầu tương đương tỷ lệ góp vốn là 1/3 giá trị vốn góp của Công ty V tại thời điểm góp vốn. Hiện tại tài sản cố định của Công ty V tính đến thời điểm này gồm có 02 thửa đất 305; 306 + 01 ngôi nhà 3 tầng xây dựng trên thửa đất 307; 02 ngôi nhà mái bằng + 03 cột bơm xăng dầu + 03 bể chứa xăng dầu. Trong đó số tiền góp vốn của ông T vào Công ty V quy đổi ra là thửa đất 305, cùng ngôi nhà mái bằng + 01 nhà kho ga và bếp ga diện tích sử dụng khoảng 78m2 xây dựng gắn trên thửa đất 305 + 01 cột bơm xăng dầu + 01 bể chứa xăng dầu nằm trên thửa đất 306, tổng số tài sản của ông T ở trên tương đương 1/3 giá trị Công ty V, còn các tài sản cố định khác là của ông không liên quan gì đến ông T. Ông xác định, biên bản ngày 28/9/2003 giữa ông, ông T và ông C ký tên không có giá trị về mặt pháp lý khi tranh chấp tài sản chung với bà N mà chỉ có giá trị thỏa thuận giữa ông và ông T trong Công ty V. Thời gian ông kinh doanh Công ty V từ năm 2002 đến 2012 chỉ có một mình ông trực tiếp tham gia kinh doanh, bà N không đóng góp công sức gì vào việc kinh doanh của ông. Bản thân ông phải thuê nhân viên trực tiếp bán hàng, bảo vệ, hàng tháng phải trả lương cho các nhân viên. Từ năm 2002 đến 2004, bà N đang kinh doanh cửa hàng ăn uống tại thành phố Việt Trì, đến năm 2005 gia đình ông chuyển về phố Lồ sinh sống thì bà N đi chăm sóc 02 con đang học đại học ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về thăm nhà và thăm ông, mọi việc kinh doanh của Công ty V là do ông kinh doanh một mình bà N không tham gia. Do điều kiện mặt bằng kinh doanh trật trội, cơ sở vật chất của Công ty V xây dựng trên 02 thửa đất 305; 306 xuống cấp nên ông tự quyết định cho Công ty V thuê thửa đất 307 làm trụ sở kinh doanh với thời hạn 30 năm từ năm 2012. Việc này ông đã bàn bạc thông báo bằng miệng cho bà N biết, bà N không có phản đối gì nên ông tự quyết định xây dựng ngôi nhà 03 tầng trên thửa đất 307 của ông và bà N để làm trụ sở kinh doanh của Công ty V. Ngôi nhà này làm trụ sở kinh doanh của Công ty V bắt đầu từ năm 2012, hiện tại ngôi nhà 03 tầng này vẫn đang là trụ sở kinh doanh của Công ty V.

Năm 2012 đến 2017, Công ty V cho ông T thuê trụ sở thì chỉ cho ông T thuê trụ sở cũ của Công ty V tại thửa đất 305; 306 và mặt bằng phía trước ngôi nhà 03 tầng, còn trụ sở mới của Công ty V là ngôi nhà 03 tầng thì không cho thuê. Trong thời gian cho ông T thuê Công ty V kinh doanh, Công ty V được ông T chuyển sang tên là Công ty Vạn Niên và ông T kinh doanh với tư cách pháp nhân là Công ty Vạn Niên. Công ty V thời kỳ này xin dừng hoạt động kinh doanh nhưng thực tế vẫn hoạt động về mặt thủ tục hành chính chưa giải thể, trụ sở vẫn là ngôi nhà 03 tầng trên thửa đất 307. Do không phát sinh lợi nhuận nên từ năm 2012 đến 2017 Công ty V không phát sinh thuế nhưng vẫn có báo cáo thuế thường niên theo quy định và không phải nộp thuế. Từ năm 2017 trở lại đây, Công ty V mới chính thức có văn bản dừng hoạt động kinh doanh và dừng nộp thuế. Trong thời gian Công ty Vạn Niên kinh doanh ông không tham gia vào việc kinh doanh của Công ty Vạn Niên nên Công ty Vạn Niên phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, tháng 4 năm 2018 vợ chồng ông T đã bàn giao trụ sở Công ty V cho ông quản lý.

Tại phiên tòa ông H xác nhận, hiện tại Công ty V đang tạm ngừng kinh doanh do trụ sở của Công ty V đang nằm trong khu vực dân cư nên không được phép kinh doanh xăng dầu. Tài sản cố định của Công ty V hiện nay đang tồn tại gồm nhà xưởng, trang thiết bị máy móc đặt tại 02 thửa đất 305; 306. Còn thửa đất 305; 306 đã được hai bên gia đình ông và ông T quy đổi ra thành tiền mặt nên nó là tài sản riêng của gia đình ông và gia đình ông T. Ly hôn bà N đề nghị chia tài sản chung tại thửa đất 306, Công ty V đồng ý. Đối với nhà xưởng, trang thiết bị máy móc để kinh doanh xăng dầu xây dựng gắn liên trên thửa đất 306 đã hết khấu hao không còn giá trị sử dụng nên Công ty không có yêu cầu gì và không đề nghị Tòa án giải quyết.

Để có tiền kinh doanh và xây dựng cơ sở vật chất của Công ty V nên ông đã đứng với tư cách là Giám đốc Công ty V vay của ông C và vợ chồng ông A bà B số tiền như lời trình bày trên của ông C và vợ chồng ông A bà B là đúng. Tại phiên tòa ông C và vợ chồng ông A bà B có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu độc lập đối với Công ty V, ông nhất trí và không có đề nghị gì.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lạc phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật. Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, Thẩm phán; Thư ký Toà án và Hội đồng xét xử đã làm đầy đủ và tuân theo đúng trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án cho đến khi đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa ông T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có mặt, không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông T đã được Tòa án tống đạt hợp lệ nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

Về đường lối giải quyết vụ án đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng các Điều 33; 51; 56; 59 và Điều 62 Luật hôn nhân và gia đình; Điều 213; khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự; Điều 157; khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1/ Chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà Trần Thị N, cho bà N được ly hôn đối với ông Đỗ Trọng H.

2/ Chia cho bà Trần Thị N được quyền quản lý sử dụng diện tích 150m2 cùng toàn bộ các công trình xây dựng gắn liền trên thửa đất số 307, tờ bản đồ 05 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 249166 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H vào ngày 05/01/2011. Kết quả đo đạc ngày 02/11/2018, thửa đất 307 có diện tích là 154,6m2 thừa 4,6m2.

Tạm giao cho bà Trần Thị N quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 4,6m2 (Diện tích đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Chia cho ông Đỗ Trọng H được sử dụng diện tích 384,4m2 tại thửa đất số 10, tờ bản đồ 08 tọa lạc tại thôn VP, xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N 924889 của Ủy ban nhân dân huyện M, thành phố Hà Nội cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H ngày 20/12/2001;

Chia cho Đỗ Trọng H được quyền quản lý sử dụng thửa đất số 306; tờ bản đồ 05; diện tích 148,6m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R 644336 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H vào ngày 28/8/2001;

Bà Trần Thị N và ông Đỗ Trọng H phải thanh toán giá trị tài sản chênh lệch cho nhau.

3/ Đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của ông Đỗ Trọng C, bà Đỗ Thị Bích B và ông Đỗ Văn A đối với Công ty V.

Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị N chịu toàn bộ chi phí tố tụng về xem xét thẩm định, định giá tài sản.

Về án phí: Bà Trần Thị N không phải chịu án phí ly hôn sơ thẩm, bà N và ông Đỗ Trọng H không phải chịu án phí giá ngạch chia tài sản chung.

Về án phí yêu cầu độc lập: Ông Đỗ Trọng C, bà Đỗ Thị Bích B và ông Đỗ Văn A không phải chịu án phí yêu cầu độc lập sơ thẩm nên được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Những vấn đề cần kiến nghị: Việc Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập của ông Đỗ Trọng C, bà Đỗ Thị B và ông Đỗ Văn A khởi kiện yêu cầu Công ty V trả nợ số tiền 2.972.000.000 đồng các ông bà đã cho Công ty V vay là chưa đúng theo quy định tại Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự cho nên đề nghị Thẩm phán rút kinh nghiệm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Bà Trần Thị N là nguyên đơn, yêu cầu xin ly hôn đối với bị đơn là ông Đỗ Trọng H. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà N và ông H đều xác định, ông bà kết hôn với nhau vào ngày 15 tháng 10 năm 1978, tại Ủy ban nhân dân xã V, huyện M. Tại thời điểm bà N xin ly hôn, ông H vẫn ở xã N thỉnh thoảng mới về xã V để thăm nom chăm sóc cụ L. Cuối năm 2018, do sức khỏe của cụ L yếu nên ông H chuyển về xã V sinh sống để thuận tiện cho việc chăm sóc cụ L hàng ngày, thỉnh thoảng có công việc gì cần giải quyết thì ông H mới về trụ sở Công ty V ở xã N để giải quyết. Ly hôn ông H, bà N thống nhất thỏa thuận đề nghị Tòa án huyện Yên Lạc giải quyết vụ án ly hôn của ông bà. Căn cứ vào khoản 1 Điều 28; Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xác định đây là vụ án dân sự về tranh chấp hôn nhân và gia đình, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng trình tự tố tụng dân sự.

- Ông Đỗ Quốc T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông T.

- Về tư cách tham gia tố tụng: Thửa đất số 10, tờ bản đồ 08, diện tích 453m2 tọa lạc tại Thôn VP, xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội và thửa đất số 306, tờ bản đồ16; diện tích 150m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Quá trình giải quyết thể hiện, thửa đất số 10 xã V và thửa đất số 306 xã N là đất cấp cho hộ gia đình ông H, năm 2001 gia đình ông H có 04 thành viên gồm ông H bà N và 02 con là chị Đỗ Thị Thu G và anh Đỗ Tiến F (đã chết năm 2007), trước khi chết, anh Dũng chưa có vợ con nên hàng thừa kế thứ nhất của anh Dũng là ông H và bà N. Tại bản tự khai, chị Hằng xác định khối tài sản chung gồm nhà và đất hiện ông H và bà N đang tranh chấp, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chị Hằng có tên trong hộ nhưng lúc đó còn nhỏ còn đang đi học nên không có công sức đóng góp trong quá trình hình thành tài sản. Ly hôn ông H và bà N đề nghị chia tài sản, chị không có ý kiến đề nghị gì nên Hội đồng xét xử không đưa chị Hằng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với ông Đỗ Trọng C, Đỗ Thị Bích Lan và chị Đỗ Thị Thu G, ông Trần Trọng Ngà là người có tên, có vốn góp khi thành lập Công ty V. Tuy nhiên quá trình giải quyết ông C, ông Ngà, bà Lan và chị Hằng xác nhận mặc dù các ông, bà có tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty V nhưng không tham gia góp vốn nên đã bị xóa tên khỏi danh sách cổ đông của Công ty V. Ông, bà không có quyền lợi gì liên quan tới Công ty V nên Hội đồng xét xử không đưa những người có tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty V vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Đối với cụ Đỗ Văn L là người sinh sống trên thửa đất số 10 xã V. Quá trình giải quyết, xác định năm 2001 cụ L đã tặng toàn bộ khối tài sản tại thửa đất số 10 này cho ông H, bà N. Sau khi tặng cho vợ chồng ông H tài sản, cụ L ở cùng với vợ chồng ông H, vợ chồng ông H là người trực tiếp trông nom, chăm sóc cụ L cho nên cụ L không có công sức đóng góp gì trong quá trình tu sửa tôn tạo khối tài sản tại thửa đất số 10 sau khi đã tặng cho vợ chồng ông H, bà N. Do vậy, Hội đồng xét xử không đưa cụ L tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

[2]. Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Bà N và ông H đều xác định, tình cảm vợ chồng không còn và không thể hàn gắn lại được với nhau nên ông bà đề nghị Tòa án giải quyết cho ông bà được ly hôn nhau. Căn cứ vào lời trình bày của các bên đương sự, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bà Trần Thị N và ông Đỗ Trọng H kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, không bị ai ép buộc và có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã V, huyện M, thành phố Hà Nội nên cần xác định, cuộc hôn nhân của bà N và ông H là hợp pháp và được pháp luật công nhận. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà N và ông H đều xác định tỉnh cảm vợ chồng đến nay không còn nên đề nghị Tòa án giải quyết cho ông bà được ly hôn. Điều này chứng tỏ, tình cảm vợ chồng giữa bà N và ông H đã dạn nứt đến mức độ trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Căn cứ vào Điều 51 và Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình, Hội đồng xét xử thấy rằng yêu cầu xin ly hôn của bà N là có căn cứ nên cần chấp nhận, cho bà N được ly hôn với ông H.

Về con chung: Ông H bà N không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

Về yêu cầu chia tài sản chung:

Tại phiên tòa, ông H bà N thống nhất đề nghị Tòa án lấy kết quả thẩm định của Tòa án và Trích đo hiện trạng thửa đất vào các ngày 12/10/2018 và ngày 02/11/2018 để chia tài sản chung trong vụ án này.

Căn cứ vào lời trình bày và theo yêu cầu của các bên đương sự, căn cứ vào kết quả xác minh thu thập chứng cứ cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Nhận thấy, yêu cầu chia tài sản chung của bà N là có căn cứ cho nên Hội đồng xét xử sẽ dựa vào nguyên tắc chia tài sản chung được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân gia đình và Điều 213 Bộ luật dân sự để chia nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Đối với thửa đất có diện tích 273m2 tọa lạc tại số 17A,B đường N, phường Đ thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc, tại phiên tòa ông H và bà N không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết.

Đối với thửa đất số 10, tờ bản đồ 08, diện tích 453m2 tọa lạc tại Thôn VP, xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N 924889 của Ủy ban nhân dân huyện M, thành phố Hà Nội cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H ngày 20/12/2001 và toàn bộ công trình xây dựng và cây cối lâm lộc gắn liền trên đất thì thấy. Nguồn gốc hình thành nên khối tài sản tại thửa đất số 10 là đất của vợ chồng cụ Đỗ Văn L và cụ Trần Thị U tặng cho ông H năm 2000, đến năm 2001 ông H đi kê khai đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông H cho rằng, thửa đất trên là tài sản riêng của ông bởi vì khi bố mẹ chia đất, ông và bà N đã thống nhất tài sản của bố mẹ cho chỉ làm nơi thờ tự tổ tiên không ai được hưởng quyền lợi gì nhưng ông H không đưa ra được căn cứ gì để chứng minh về việc đã thống nhất thỏa thuận với bà N đối với thửa đất số 10 như trên. Tại mục 1 Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 11/9/2001, ông H kê khai chủ sử dụng đất là ông Đỗ Trọng H cùng với vợ là bà Trần Thị N và đề nghị Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất số 10. Căn cứ vào Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của ông H, ngày 20/12/2001 Ủy ban nhân dân huyện M đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 10 cho hộ ông Đỗ Trọng H. Điều này chứng tỏ, ông H đã tự nguyện cho bà N là người đồng sở hữu thửa đất số 10 cùng với ông H. Mặt khác, thửa đất số 10 được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, thời điểm hình thành lên thửa đất hôn nhân của ông H bà N vẫn đang tồn tại, vì vậy theo quy định của Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thửa đất số 10 này được xác định là tài sản chung của ông H bà N. Điều này cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng thửa đất 10 của bà N là có căn cứ nên cần chấp nhận.

Tại phiên tòa bà N, ông H thống nhất đối với nhà và các công trình xây dựng, cây cối lâm lộc trên thửa đất số 10 ở xã V không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

Khi cân đối chia tài sản chung tại thửa đất số 10, Hội đồng xét xử thấy rằng, nguồn gốc hình thành lên quyền sử dụng thửa đất số 10 là đất ông H, bà N được nhận tặng cho từ cụ L, cụ U (bố mẹ ông H) bởi vậy cần chia cho ông H được hưởng phần diện tích đất nhiều hơn so với bà N.

Theo kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất số 10 ngày 12/10/2018 có diện tích thực tế sử dụng là 384,4m2. Đại diện chính quyền xã V xác định, nguyên nhân chênh lệch về diện tích của thửa đất số 10 là do sai số khi đo đạc, tại thời điểm ông H bà N ly hôn, thửa đất số 10 không lấn chiếm ra đất công hay tranh chấp mốc giới với các hộ giáp ranh liền kề. Do vậy, diện tích đất mà bà N và ông H được chia tại thửa đất số 10 là 384,4m2. Hội đồng xét xử sẽ chia cho bà N được hưởng 125.4m2, chia cho ông H được hưởng 259m2. Kết quả định giá tài sản đối với thửa đất 10, Hội đồng định giá, định giá 1m2 đất có giá 2.000.000 đồng nên thửa đất này có giá 384,4m2 x 2.000.000 đồng = 768.800.000 đồng.

Bà N được hưởng 125.4m2 tương đương số tiền 250.800.000 đồng (Hai trăm năm mươi triệu, tám trăm nghìn đồng), ông H được hưởng 259m2 tương đương số tiền 518.000.000 đồng (Năm trăm mười tám triệu đồng).

Đối với thửa đất số 307; tờ bản đồ 16; diện tích 150m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 249166 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H vào ngày 05/01/2011, Hội đồng xét xử thấy rằng. Nguồn gốc của thửa đất này là đất vợ chồng ông H bà N nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Trần Văn Q và bà Nguyễn Thị R năm 2010. Ngày 05/01/2011, hộ ông H đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2012, vợ chồng ông H bà N xây dựng ngôi nhà 03 tầng cùng công trình phụ khép kín và sử dụng. Ông H xác định, quyền sử dụng của thửa đất 307 này là tài sản chung của vợ chồng nên ông đồng ý chia cho bà N, còn ngôi nhà 03 tầng và các công trình phụ trợ khác xây dựng gắn liền trên thửa đất 307 là tài sản riêng của ông, hiện nay ông đang góp vốn vào Công ty V do vậy nó là tài sản của Công ty V nên ông H không đồng ý chia cho bà N các tài sản xây dựng trên thửa đất 307. Căn cứ vào kết quả thu thập chứng cứ tại UBND xã N, huyện Yên Lạc; Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, Giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty V thấy rằng, Công ty V có trụ sở tại thửa đất số 305, 306 tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y. Theo như hồ sơ đăng ký kinh doanh vốn pháp định của Công ty V khi đăng ký thành lập là tiền mặt không có tài sản cố định, điều này phù hợp với lời khai của ông T, bà D, bà N và ông H.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kết quả xác minh thu thập chứng cứ của Tòa án tại xã N, lời khai của các bên đương sự và lời khai của vợ chồng ông T bà D, thấy rằng. Trụ sở Công ty V không đặt tại thửa đất 307 mà đặt tại 02 thửa đất số 305, 306. Mặt khác, phòng Tài nguyên và môi trường huyện Yên Lạc xác định, toàn bộ khối tài sản tại thửa đất 307 hiện nay chưa được đăng ký kê khai chuyển đổi mục đích sử dụng sang tài sản doanh nghiệp nên không phải là tài sản doanh nghiệp mà là tài sản riêng của hộ gia đình ông H. Tại khoản 3 Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, tài sản chung của vợ chồng góp vốn vào hoạt động kinh doanh thì phải có sự thỏa thuận của cả vợ và chồng thì người đại diện theo pháp luật của Pháp nhân có tài sản góp vốn đó mới có quyền tự quyết định đối với tài sản góp vốn của vợ chồng. Bà N không thừa nhận việc khi xây dựng ngôi nhà 03 tầng, ông H đã thỏa thuận với bà về việc xây ngôi nhà 03 tầng làm Văn phòng của Công ty V. Tại phiên tòa ông H thừa nhận khi xây dựng ngôi nhà 03 tầng nằm trên thửa đất số 307 để làm trụ sở Công ty V, ông không thông qua Hội đồng thành viên, các khoản chi trả liên quan đến việc xây dựng ngôi nhà 03 tầng không thể hiện trong sổ sách kế toán thu chi mà chỉ thể hiện tại các hợp đồng thầu khoán và các phiếu chi của Công ty V. Điều này đã vi phạm quy định tại Điều 7 và Điều 15 của Điều lệ Công ty V.

Tại khoản 2 Điều 7 Điều lệ quy định: “Hội đồng thành viên có quyền đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, quyết định tăng giảm vốn điều lệ...v.v..”.

Tại Điều 15 Điều lệ quy định: “Tất cả các hợp đồng kinh tế phải được thông báo cho Hội đồng thành viên và phải được Hội đồng thành viên chấp nhận mới coi là hợp lệ ”.

Từ những phân tích trên, khẳng định ngôi nhà 03 tầng nằm trên thửa đất số 307 không phải là tài sản của Công ty V. Vì vậy Hội đồng xét xử xác định toàn bộ tài sản gồm đất và nhà tại thửa đất số 307 ở phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc là tài sản chung của vợ chồng ông H. Bà N yêu cầu chia tài sản tại thửa đất 307 là có căn cứ, cần chấp nhận.

Khi cân đối công sức hình thành lên khối tài sản tại thửa đất 307 thì thấy:

Về quyền sử dụng đất, ông H và bà N đều xác nhận nguồn tiền để mua thửa đất 307 là tiền tích cóp của vợ chồng và tiền chuyển nhượng đất ở thành phố V cho vợ chồng ông K. Do vậy cần chia đôi cho ông H bà N mỗi người được hưởng ½ diện tích đất. Nguồn tiền đóng góp để xây dựng ngôi nhà 03 tầng cùng các công trình phụ trợ xây dựng trên thửa đất 307, tuy không phải là tiền của Công ty V và cũng không phải là tiền riêng của ông H nhưng nguồn tiền để xây dựng lên ngôi nhà 03 tầng cùng các công trình phụ trợ xây dựng trên thửa đất 307 chủ yếu là tiền lấy từ nguồn lợi nhuận phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty V. Ông H là Giám đốc Công ty V và là người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty V, bà N chỉ là người tham gia kinh doanh cùng ông H với tư cách là người hỗ trợ giúp đỡ nên công sức đóng góp của ông H đối với ngôi nhà 03 cùng các công trình phụ khác xây dựng gắn liền trên đất sẽ nhiều hơn bà N. Do vậy, cần chia cho ông H phần giá trị tài sản xây dựng gắn liền trên thửa đất 307 nhiều hơn bà N.

Theo kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất 307 ngày 02/11/2018 có diện tích là 154,6m2, Ủy ban nhân dân xã N xác định nguyên nhân chênh lệch về diện tích đối với thửa đất số 307 chủ yếu là do sai số khi đo đạc dẫn đến khi kiểm tra hiện trạng đối với thửa đất 307 thừa 4,6m2 so với giấy chứng nhận. Xã Nguyệt Đức khẳng định, thửa đất 307 không lấn chiếm ra đất công hay tranh chấp mốc giới với các hộ giáp ranh liền kề. Căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 249166, thửa đất 307 hộ ông H được cấp diện tích 150m2 nên Hội đồng xét xử chia cho ông H bà N diện tích đất được cấp là 150m2, ông H bà N mỗi người được hưởng 75m2, phần diện tích đất thừa so với giấy chứng nhận sẽ được tạm giao.

Theo kết quả định giá tài sản đối với thửa đất 307, Hội đồng định giá định giá 1m2 đất có giá 7.000.000 đồng nên thửa đất 307 có giá 150m2 x 7.000.000 đồng = 1.050.000.000 đồng (Một tỷ, không trăm năm mươi triệu đồng). Bà N và ông H mỗi người được hưởng 75m2 tương đương mỗi người được hưởng số tiền 525.000.000 đồng (Năm trăm hai mươi năm triệu đồng).

Về tài sản xây dựng gắn liên trên thửa đất: Ngôi nhà 03 tầng cùng các công trình phụ trợ xây dựng trên thửa đất 307 có giá là 400.000.000 đồng Bốn trăm triệu đồng). Hội đồng xét xử chia cho bà N 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng), chia cho ông H 250.000.000 đồng (Hai trăm năm mươi triệu đồng).

Tổng giá trị tài sản tại thửa đất 307, bà N được hưởng 675.000.000 đồng (Sáu trăm bảy mươi năm triệu đồng), ông H được hưởng 775.000.000 đồng (Bảy trăm bảy mươi năm triệu đồng).

Đối với thửa đất số 305; tờ bản đồ 16; diện tích 112,5m2 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông H, bà N và vợ chồng ông T bà D không đề nghị Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

Đối với thửa đất số 306 diện tích 150m2; tờ bản đồ 16; tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R 644336 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H vào ngày 28/8/2001. Nguồn gốc của thửa đất này là đất vợ chồng ông H bà N nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Tạ Hồng J ngày 5/8/2001, giá chuyển nhượng 18.000.000 đồng. Ngày 28/8/2001 được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chủ hộ ông Đỗ Trọng H. Căn cứ vào lời khai của ông H, bà N và vợ chồng ông T bà D thấy rằng. Khi thành lập Công ty V hai gia đình thống nhất lấy thửa đất số 305, 306 làm nơi đặt trụ sở Công ty V. Bà N đề nghị chia tài sản chung là quyền sử dụng thửa đất 306, ông H xác định toàn bộ khối tài sản tại thửa đất 306 là tài sản riêng của ông và đã được ông góp vốn vào Công ty V nên đây là tài sản của Công ty, ông không đồng ý chia cho bà N. Căn cứ vào kết quả thu thập chứng cứ của Tòa án tại Phòng tài nguyên môi trường và hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 306 thấy rằng, thửa đất 306 là đất cấp cho hộ gia đình ông H chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất doanh nghiệp theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 22 Luật doanh nghiệp năm 1999:

“1/ Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người cam kết góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất, thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.” Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử khẳng định, thửa đất 306 không phải là tài sản của Công ty V mà là tài sản riêng của hộ gia đình ông H bà N. Ông H cho rằng nguồn tiền để mua thửa đất 306 là tiền riêng của ông nên nó là tài sản riêng của ông và ông không đồng ý chia cho bà N nhưng trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông H không đưa ra được tài liệu gì để chứng minh nguồn tiền mua thửa đất 306 là tiền riêng của ông. Căn cứ vào hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 306 thể hiên. Bên chuyển nhượng đất là ông Tạ Hồng J và bà Hoàng Thị Hồng, bên nhận chuyển nhượng là ông Đỗ Trọng H bà Trần Thị N. Tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa đất số 306 thì chủ sử dụng đất là ông Đỗ Trọng H. Thửa đất số 306 được Nhà nước cấp quyền sử dụng năm 2001, thời điểm này hôn nhân của ông H và bà N vẫn đang tồn tại. Theo quy định của Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thửa đất 306 được xác định là tài sản chung của ông H, bà N. Do vậy, yêu cầu chia tài sản đối với thửa đất 306 của bà N là có căn cứ nên cần chấp nhận.

Khi cân đối để chia thì thấy, nguồn tiền mua thửa đất 306 là tiền tích cóp của ông H bà N, thời điểm này Công ty V chưa được thành lập nên không có việc lấy tiền từ lợi nhuận kinh doanh của Công ty V. Vì vậy thửa đất này sẽ chia cho ông H bà N mỗi người được hưởng ½ diện tích thửa đất 306.

Theo kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất 306 ngày 02/11/2018 có diện tích là 148,6m2, có sự chênh lệch so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thiếu 1,4m2 . Cũng như thửa đất 307, Ủy ban nhân dân xã N khẳng định chênh lệch diện tích là do sai số khi đo đạc, thửa đất 306 không lấn chiếm ra đất công hay tranh chấp mốc giới với các hộ giáp ranh liền kề nên Hội đồng xét xử sẽ chia đôi cho ông H bà N diện tích thửa đất 306 theo diện tích đo đạc thực tế là 148,6m2, ông H và bà N mỗi người được hưởng 74,3m2.

Kết quả định giá tài sản đối với thửa đất 306, Hội đồng định giá định giá 1m2 đất có giá 7.000.000 đồng nên thửa đất 306 có giá 148,6m2 x 7.000.000 đồng = 1.040.200.000 đồng (Một tỷ, không trăm bốn mươi triệu, hai trăm nghìn đồng), chia cho bà N và ông H mỗi người được hưởng được hưởng 74,3m2 tương đương số tiền 520.100.000 đồng (Năm trăm hai mươi triệu, một trăm nghìn đồng).

Các tài sản xây dựng gắn liền trên thửa đất 306, các bên đương sự thống nhất tự thỏa thuận, không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết.

Xét yêu cầu chia bằng hiện vật của bà N và ông H, Hội đồng xét xử thấy rằng: Bà N, ông H tuổi đều đã cao, đều có nhu cầu về chỗ ở như nhau. Bởi vậy cần chia tài sản bằng hiện vật cho ông H bà N để ông bà ổn định cuộc sống sau khi ly hôn.

Từ những phân tích trên, căn cứ vào Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, Hội đồng xét xử.

Chia cho bà N được quyền sử dụng thửa đất số 307 và các tài sản xây dựng gắn liền trên thửa đất 307, tổng giá trị tài sản bà N được hưởng tại thửa đất 307 là 1.450.00.000 đồng (Một tỷ, bốn trăm năm mươi triệu đồng), bà N phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho ông H là 775.000.000 đồng (Bảy trăm bảy mươi năm triệu đồng).

Đối với 4,6m2 đất thừa không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần tạm giao cho bà Trần Thị N quản lý, sử dụng. Bà N phải chấp hành các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến phần diện tích đất này.

Chia cho ông H được quyền sử dụng thửa đất số 10 tại xã V, tổng giá trị tài sản ông H được hưởng tại thửa đất số 10 là 768.800.000 đồng (Bảy trăm sáu mươi tám triệu, tám trăm nghìn đồng), ông H phải thanh toán tài sản chênh lệch cho bà Ngà là 250.800.000 đồng (Hai trăm năm mươi triệu, tám trăm nghìn đồng).

Chia cho ông H được quyền sử dụng thửa đất số 306, tổng giá trị tài sản ông H được hưởng tại thửa đất 306 là 1.040.200.000 đồng (Một tỷ, không trăm bốn mươi triệu, hai trăm nghìn đồng), ông H phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho bà N là 520.100.000 đồng (Năm trăm hai mươi triệu, một trăm nghìn đồng).

Tổng giá trị tài sản bà N được hưởng sau khi chia tài sản chung là 1.450.000.000 đồng (thửa đất 307) + 520.100.000 đồng (thửa đất 306) + 250.800.000 đồng (thửa đất số 10 xã V) = 2.220.900.000 đồng (Hai tỷ, hai trăm hai mươi triệu, chín trăm nghìn đồng). Bà N phải thanh toán tài sản chênh lệch cho ông H 775.000.0000 đồng (Bảy trăm bảy mươi năm triệu đồng). Ông H được hưởng 775.000.0000 đồng (thửa đất 307) + 1.040.200.000 đồng (thửa đất 306) + 518.000.000 đồng (thửa đất 10 ở xã V) = 2.333.200.000 đồng (Hai tỷ, ba trăm ba mươi ba triệu, hai trăm nghìn đồng). Ông H phải thanh toán tài sản chênh lệch cho bà N 770.900.000 đồng (Bảy trăm bảy mươi triệu, chín trăm nghìn đồng).

Tổng giá trị tài sản sau khi đã khấu trừ nghĩa vụ thanh toán tài sản chênh lệch, bà N được hưởng 1.445.900.000 đồng (Một tỷ, bốn trăm bốn mươi năm triệu, chín trăm nghìn đồng), ông H được hưởng 1.562.300.000 đồng (Một tỷ, năm trăm sáu mươi hai triệu, ba trăm nghìn đồng).

Sau khi đối trừ nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản chênh lệch, bà N còn phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho ông H 4.100.000 đồng (Bốn triệu, một trăm nghìn đồng).

Về khoản vay, cho vay và công sức: Ông H bà N không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết.

[4]. Về yêu cầu độc lập của ông C, bà B và ông Nhân, tại phiên tòa ông C, bà B và ông Nhân có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu độc lập đối với Công ty V. Căn cứ vào khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của ông C, bà B và ông A.

Về chi phí tố tụng: Tại phiên tòa bà N tự nguyện chịu toàn bộ 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) tiền chi phi thẩm định, định giá tài sản nên căn cứ Điều 157 của Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử cần ghi nhận sự tự nguyện trên của bà N.

Về án phí: Do bà N là người cao tuổi đang sinh hoạt tại Hội người cao tuổi phường Đống Đa, thành phố V và có đơn xin miễn án phí, ông H là thương binh đang hưởng trợ cấp thương binh. Căn cứ Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, bà N và ông H được miễn toàn bộ án phí.

Đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát đối với vụ án này là có căn cứ nên cần được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 33; 51; 56; 59 và Điều 62 Luật hôn nhân và gia đình. Điều 213; khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự. Điều 157; khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án .

1/ Về hôn nhân: Cho bà Trần Thị N được ly hôn với ông Đỗ Trọng H.

2/ Về tài sản chung:

+ Chia cho bà Trần Thị N được quyền sử dụng diện tích 150m2 đất ở cùng toàn bộ các công trình xây dựng gắn liền trên thửa đất số 307, tờ bản đồ 05 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 249166 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H vào ngày 05/01/2011.

Tạm giao cho bà Trần Thị N quản lý, sử dụng phần diện tích 4,6m2 đất thừa không nằm trong diện tích Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 249166 của thửa đất 307. Bà N phải chấp hành các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến phần diện tích đất này.

Vị trí thửa đất được chia có các chiều tiếp giáp (có sơ đồ kèm theo) như sau:

- Cạnh giáp đất ông H gồm các điểm: 3, 6;

- Cạnh giáp mương thoát nước gồm các điểm: 5, 6;

- Cạnh giáp đường bê tông gồm các điểm: 4, 5;

- Cạnh giáp đường huyện lộ (đường nhựa): 3, 4;

+ Chia cho ông Đỗ Trọng H được sử dụng diện tích 384,4m2 thửa đất số 10, tờ bản đồ 08 tọa lạc tại thôn VP, xã V, huyện M, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay là thành phố Hà Nội. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N 924889 của Ủy ban nhân dân huyện M, thành phố Hà Nội cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H ngày 20/12/2001.

Vị trí thửa đất được chia có các chiều tiếp giáp (có sơ đồ kèm theo) như sau:

- Cạnh 3, 4 dài 22,62m;

- Cạnh 4, 5 dài 17,08m;

- Cạnh 5, 2 dài 20.82m;

- Cạnh 3, 2 dài 17,68m;

Chia cho Đỗ Trọng H được quyền quản lý sử dụng diện tích 148,06m2; thửa đất số 306; tờ bản đồ 05 tọa lạc tại phố L, xã N, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R 644336 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc cấp cho hộ ông Đỗ Trọng H vào ngày 28/8/2001.

Vị trí thửa đất được chia có các chiều tiếp giáp (có sơ đồ kèm theo) như sau:

- Cạnh 2, 3 dài 6,05m;

- Cạnh 3, 6 dài 25m;

- Cạnh 6, 7 dài 5,78m;

- Cạnh giáp 7, 2 dài 25m;

Tổng giá trị tài sản bà N được hưởng sau khi chia tài sản chung là 2.220.900.000 đồng (Hai tỷ, hai trăm hai mươi triệu, chín trăm nghìn đồng), bà N phải thanh toán tài sản chênh lệch cho ông H là 775.000.0000 đồng (Bảy trăm bảy mươi năm triệu đồng). Tổng giá trị tài sản sau khi đã khấu trừ nghĩa vụ thanh toán tài sản chênh lệch bà N được hưởng 1.445.900.000 đồng (Một tỷ, bốn trăm bốn mươi năm triệu, chín trăm nghìn đồng).

Tổng giá trị tài sản ông H được hưởng sau khi chia tài sản chung là 2.333.200.000 đồng (Hai tỷ, ba trăm ba mươi ba triệu, hai trăm nghìn đồng). Ông H phải thanh toán tài sản chênh lệch cho bà N 770.900.000 đồng (Bảy trăm bảy mươi triệu, chín trăm nghìn đồng). Tổng giá trị tài sản sau khi đã khấu trừ nghĩa vụ thanh toán tài sản chênh lệch ông H được hưởng 1.562.300.000 đồng (Một tỷ, năm trăm sáu mươi hai triệu, ba trăm nghìn đồng).

Sau khi đối trừ nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản chênh lệch, bà N còn phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho ông H 4.100.000 đồng (Bốn triệu, một trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp Cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015.

3/ Đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của ông Đỗ Trọng C, bà Đỗ Thị Bích B và ông Đỗ Văn A đối với ông H là Giám đốc Công ty V.

Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị N chịu toàn bộ chi phí tố tụng về xem xét thẩm định, định giá tài sản và thuê Công ty đoc đạc kiểm tra hiện trạng 04 thửa đất số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).

Về án phí: Bà Trần Thị N không phải chịu án phí ly hôn sơ thẩm và án phí giá ngạch chia tài sản chung nên được hoàn trả lại 23.550.000 đồng (Hai mươi ba triệu, năm trăm năm mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: AA/2016/0000293 ngày 28/11/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V. Ông Đỗ Trọng H không phải chịu án phí giá ngạch chia tài sản chung.

Về án phí yêu cầu độc lập: Ông Đỗ Trọng C, bà Đỗ Thị Bích B và ông Đỗ Văn A không phải chịu án phí nên được hoàn lại số tiền tạm ứng đã nộp, ông C được hoàn lại số tiền 21.330.000 đồng (Hai mươi mốt triệu, ba trăm ba mươi ba nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: AA/2017/0000535 ngày 15/10/2018, ông A bà B được hoàn lại số tiền 29.250.000 đồng (Hai mươi chín triệu, hai trăm năm mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: AA/2017/0000536 ngày 15/10/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Lạc.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7; 7a và 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự có mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

358
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2019/HNGĐ-ST ngày 19/08/2019 về tranh chấp hôn nhân gia đình

Số hiệu:25/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 19/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về