Bản án 25/2019/DS-ST ngày 07/11/2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền) 

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỸ TÚ, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 25/2019/DS-ST NGÀY 07/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VAY TÀI SẢN (TIỀN) 

Ngày 07 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 72/2019/TLST-DS ngày 26 tháng 6 năm 2019, về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền), theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 95/2019/QĐXXST-DS ngày 02 tháng  10 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại cổ phần K;

Địa chỉ trụ sở chính: Số 40 - 42 - 44, đường P, phường V, thành phố R,  tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Hoàng N; địa chỉ làm việc: Số 193 - 197, đường T, Phường 3, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng; là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (Văn bản ủy quyền số 633/UQ- CNST ngày 21 tháng 10 năm 2019). (có mặt).

 2. Bị đơn:

- Bà Lý Thị N;

- Ông Quách Sa P;

Cùng địa chỉ cư trú: Ấp B, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. (đều vắng mặt) 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 01-3-2019 của nguyên đơn Ngân hàng Thương mại cổ phần K và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Hoàng N, là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Vào ngày 06-12-2016, Ngân hàng Thương mại cổ phần K - Chi nhánh Sóc Trăng (gọi tắt là Ngân hàng K) với bà Lý Thị N và ông Quách Sa P có ký Hợp đồng tín dụng số 212/16/HĐTD/2100-4672. Theo nội dung hợp đồng, Ngân hàng K cho bà N, ông P vay số tiền 100.000.000 đồng, giải ngân vào ngày 07-12-2016, mục đích là bổ sung vốn chăn nuôi, thời hạn vay là 12 tháng, ngày đến hạn là 07-12-2017, thỏa thuận lãi suất vay trong hạn là 12,6%/năm, được  điều chỉnh 03 tháng một lần, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ngay  trước thời điểm phát sinh nợ quá hạn, phạt chậm trả lãi bằng 0,05%/ngày trên số tiền chậm trả, hình thức thanh toán lãi suất trả định kỳ hàng tháng, còn gốc trả cuối kỳ.

Tài sản thế chấp bảo đảm nợ vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 340, tờ bản đồ số 9, diện tích 727m2, loại đất ONT và CLN, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, thuộc quyền sở hữu và sử dụng của bà N, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CB 332753, do Ủy ban nhân dân huyện M cấp ngày 30-  10-2015, do bà N thế chấp theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 212/16/HĐTC-BĐS/2100-4672 ngày 06-12-2016. Hợp đồng thế chấp này được Văn phòng công chứng B, ở thành phố S, tỉnh Sóc Trăng công chứng ngày 06-12-2016 và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện M, tỉnh Sóc Trăng chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 07-12-2016.

Sau khi vay, bà N, ông P đóng lãi được 08 tháng với số tiền là 8.640.000  đồng thì ngưng luôn cho đến nay và khoản nợ vay này đã quá hạn.

Nay Ngân hàng K yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà N, ông P liên đới trả nợ cho Ngân hàng tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 07-11-2019) bao gồm tiền vốn gốc 100.000.000 đồng, tiền lãi trong hạn 4.458.750 đồng, tiền lãi quá hạn  38.072.222  đồng,  tiền  phạt  chậm  trả  lãi  1.661.718  đồng,  tổng  cộng  144.192.690 đồng và tiền lãi quá hạn phát sinh trên số tiền vốn gốc, kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi 02 người trả hết nợ. Trường hợp bà N, ông P không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì yêu cầu cơ quan thi hành án  dân sự kê biên, bán đấu giá tài sản thế chấp nêu trên để ưu tiên thanh toán nợ.

Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện gồm: Hợp đồng tín dụng số 212/16/HĐTD/2100-4672 ngày 06-12-2016 (bản chứng thực); Giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ số 212/16/GNN/2100-4672 ngày 07-12-  2016 (bản chứng thực); Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài   sản gắn liền với đất ngày 06-12-2016 (bản chứng thực); Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 212/16/HĐTC-BĐS/2100-4672 ngày 06-12-2016 (bản chứng thực); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CB 332753 do Ủy ban nhân dân huyện M cấp ngày 30-10-2015 cho bà Lý Thị N (bản chứng thực); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, đăng ký thay đổi lần thứ 39 ngày 27-  9-2018 (bản chứng thực); Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, đăng ký  thay  đổi  lần  thứ 10 ngày  30-12-2016  (bản  chứng  thực);  Quyết  định  số 114/QĐ-HĐQT ngày 23-4-2018 của Ngân Thương mại cổ phần K, Bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật Ngân hàng Thương mại  cổ  phần  K đối với  bà Trần  Tuấn A  (bản  chứng  thực);  Quyết  định  số  1203/QĐ-NHKL ngày 24-4-2018 của Ngân hàng Thương mại cổ phần K, V/v Ủy quyền thường xuyên đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần K thực hiện các thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm, khởi kiện, thi hành án (bản chứng thực); Giấy ủy  quyền về việc tham gia tố tụng và làm việc với cơ quan chức năng số 633/UQ- CNST ngày 21-10-2019 của Ngân hàng Thương mại cổ phần K - Chi nhánh Sóc Trăng (bản chính);  Sổ hộ khẩu, họ và tên chủ hộ Quách Sa P (bản photo); Giấy  chứng minh nhân dân mang tên Lý Thị N (bản photo); Giấy chứng minh nhân dân mang tên Quách Sa P (bản photo); Giấy chứng nhận kết hôn của ông Quách Sa P và bà Lý Thị N do Ủy ban nhân dân xã T, huyện M cấp ngày 15-5-2013 (bản photo); Bảng kê tính gốc, lãi theo hợp đồng số 212/16/HĐTD/2100-4672 của khách hàng Lý Thị N ngày 01-3-2019 và ngày 07-11-2019 (bản chính).

Đối với các bị đơn bà Lý Thị N và ông Quách Sa P:

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã tống đạt hợp lệ bằng cách niêm yết công khai thông báo thụ lý vụ án cho ông bà biết, nhưng hai người không có ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K. Tòa án cũng đã triệu tập hợp lệ ông bà để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhưng đều vắng mặt không có lý do và người đại diện hợp pháp của Ngân hàng K yêu cầu không tiến hành hòa giải nữa. Vì vậy, Tòa án đã lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó đã thông báo cho ông, bà biết kết quả phiên họp. Đồng thời, Tòa án cũng ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ông bà cũng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa sơ thẩm nhưng vẫn vắng mặt không có lý do.

Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm:

Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, còn các bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ   và hòa giải, cũng như tham gia phiên tòa sơ thẩm nhưng đều vắng mặt không phải vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, là không thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu các bị đơn liên đới trả nợ gồm các khoản tiền vốn gốc 100.000.000 đồng, tiền lãi trong hạn  4.458.750 đồng, tiền lãi quá hạn 38.072.222 đồng, tổng cộng là 142.530.972 đồng; không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu các bị đơn liên đới trả tiền phạt chậm trả lãi là 1.661.718 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Bị đơn là bà Lý Thị N và ông Quách Sa P đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa sơ thẩm nhưng vẫn vắng mặt. Việc bà N, ông P vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Do đó, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử được quyền tiến hành xét xử vắng mặt đối với  02 người này.

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Hội đồng xét xử nhận thấy, Ngân hàng Thương mại cổ phần K (gọi tắt là Ngân hàng K) ký Hợp đồng tín dụng, cho bà N, ông P vay tiền với mục đích là bổ sung vốn chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà N và ông P trả nợ không đúng kỳ hạn như thỏa thuận nên Ngân hàng K khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc 02 người này trả nợ còn thiếu, đồng thời yêu cầu xử lý tài sản thế chấp nếu không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ. Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền).

[3] Về thẩm quyền giải quyết: Tranh chấp giữa Ngân hàng K với bà N và ông P là tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền) theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự và các bị đơn bà N, ông P có cùng địa chỉ cư trú ở ấp B, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.

[4] Xét yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K, về việc yêu cầu bà N, ông P liên đới trả nợ còn thiếu tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 07-11-2019) bao gồm tiền vốn gốc 100.000.000 đồng, tiền lãi trong hạn 4.458.750 đồng, tiền lãi quá hạn 38.072.222 đồng, tiền phạt chậm trả lãi 1.661.718 đồng, tổng cộng  144.192.690 đồng và tiền lãi quá hạn phát sinh trên số tiền vốn gốc, kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi 02 người trả hết nợ, Hội đồng xét  xử thấy: Theo Hợp đồng tín dụng số 212/16/HĐTD/2100-4672 ngày 06-12-2016  và Giấy đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ số 212/16/GNN/2100-4672 ngày  07-12-2016 thì, bà N, ông P có vay và nhận tiền vay của Ngân hàng K là  100.000.000 đồng, mục đích là bổ sung vốn chăn nuôi, thời hạn vay là 12 tháng,   ngày đến hạn là 07-12-2017, thỏa thuận lãi suất vay trong hạn là 12,6%/năm, được điều chỉnh 03 tháng một lần, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ngay trước thời điểm phát sinh nợ quá hạn, phạt chậm trả lãi bằng 0,05%/ngày trên số tiền chậm trả, hình thức thanh toán là trả lãi định kỳ hàng tháng, còn gốc trả vào cuối kỳ. Sau khi vay, bà N, ông P đóng lãi được 08 tháng với với số tiền là 8.640.000 đồng thì ngưng luôn nên đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận và khoản nợ này đã quá hạn.

[5] Theo Án lệ số 08/2016/AL về giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng, tổ chức tín dụng với khách hàng vay, được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16-5-2013 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì: “Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng. Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay”.

[6] Hội đồng xét xử nhận thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định tại Điều 471, 474, 476 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 91  Luật Tổ chức tín dụng năm 2010; khoản 1 Điều 1 Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14-4-2010 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận; khoản 2  Điều 11 Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng được ban  hành  kèm  theo  Quyết  định  số 1627/2001/QĐ-NHNN  ngày  31-12-2001  của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-02-2005; Điều 7, khoản 2 Điều 8, Điều 10, Điều  13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật  về lãi, lãi suất, phạt vi phạm và theo Án lệ số 08/2016/AL, có đủ cơ sở để buộc bà N, ông P phải liên đới trả nợ cho Ngân hàng K tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 07-11-2019) gồm tiền nợ gốc chưa thanh toán 100.000.000 đồng; tiền lãi trên nợ gốc trong hạn 4.458.750 đồng; tiền lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán 38.072.222 đồng; tổng cộng là 142.530.972 đồng. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (tức ngày 08-11-2019), 02 người này còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng số 212/16/HĐTD/2100-  4672 ngày 06-12-2016, cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc trên. Trường hợp trong Hợp đồng tín dụng này, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức  lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay. Đồng thời, Hội đồng xét xử không có cơ sở buộc bà N, ông P trả tiền phạt chậm trả lãi  1.661.718 đồng nên yêu cầu này của Ngân hàng K không được chấp nhận.

[7] Xét yêu cầu của Ngân hàng K, về việc yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 340, tờ bản đồ số 09, diện tích là 727m2, loại đất ONT và CLN, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 212/16/HĐTC-BĐS/2100-4672 ngày 06-12-2016, Hội đồng xét xử nhận thấy: Hợp đồng thế chấp này đã được công chứng vào ngày 06-12-2016, được đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 07-12-2016 là phù hợp với quy định tại Điều  343 Bộ luật Dân sự năm 2005, khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013; Điều  9, khoản 1 Điều 10 và Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ, về giao dịch bảo đảm nên có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp. Hợp đồng nêu rõ là bà N đồng ý thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bà tại thửa đất số 340 nêu trên để bảo đảm cho khoản vay của vợ chồng bà theo Hợp đồng tín dụng số 212/16/HĐTD/2100-4672 ngày 06- 12-2016. Theo Điều 12 của Hợp đồng thế chấp thì quyền của bên A (tức Ngân hàng K) là được xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của  pháp luật và tại Điều 10 của Hợp đồng này cũng nêu bên A được quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ trong trường hợp bên B (tức bà N, ông P) không trả  đầy đủ, đúng hạn bất kỳ các khoản phải trả đến hạn theo quy định. Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, bà N, ông P đã vi phạm hợp đồng đó là không trả vốn, lãi đúng hạn theo thỏa thuận. Do đó, Ngân hàng K yêu cầu kê biên, bán đấu giá tài sản mà bà N thế chấp để thu hồi nợ là có căn cứ chấp  nhận.

[8] Đối với tài sản thế chấp, qua xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án, Hội đồng xét xử nhận thấy: Trên thửa đất số 340 có một căn nhà cột đúc, mái lợp tol, vách tol, mặt trước của nhà xây tường. Căn nhà và thửa đất thuộc quyền sở hữu và quản lý của vợ chồng bà N, ông P, hiện nay đang bỏ trống, không ai quản lý, sử dụng do 02 người này đã bỏ địa phương, không biết đang cư trú ở đâu. Do đó, sau này khi có yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền thì bà N, ông P phải có trách nhiệm giao lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên, để Cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

[9] Như vậy, các yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K chỉ được chấp nhận một phần. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần và bác một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K là có căn cứ.

[10] Về án phí: Hội đồng xét xử thấy, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần  yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận”. Như vậy, Ngân hàng K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận với số tiền là 300.000 đồng và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp, còn bà N, ông P phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của Ngân hàng K đối với ông, bà được Tòa án chấp nhận là 142.530.972 đồng x 5% = 7.126.548,6 đồng,  làm tròn số là 7.126.548 đồng.

[11] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”. Như vậy, Ngân hàng K là bên yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ và được Tòa án chấp nhận nên không phải chịu, mà chi phí này là bà N và ông P phải chịu toàn bộ với số tiền là  900.000 đồng. Ngân hàng K đã nộp tạm ứng trước 900.000 đồng. Khoản 1 Điều  158 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định: “Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ không phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thì người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ”. Do đó, bà N, ông P phải liên đới hoàn trả cho cho Ngân hàng K tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 900.000 đồng.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1  Điều 39, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158 và điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 343, Điều 471, Điều 474, Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 91 Luật Tổ  chức tín dụng năm 2010; Điều 9, khoản 1 Điều 10 và Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ, về giao dịch bảo đảm; khoản  1 Điều 1 Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14-4-2010 của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận; khoản 2 Điều 11 Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng  đối với khách hàng được ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ- NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-02-2005; Điều 7, khoản  2 Điều 8, Điều 10, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Án lệ số 08/2016/AL được  công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày  30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàng Thương mại cổ phần K. Buộc bà Lý Thị N và ông Quách Sa P cùng liên đới trả nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần K, tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 07-11-2019), bao gồm các khoản sau đây:

- Nợ gốc: 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng);

- Tiền lãi trong hạn: 4.458.750 đồng (Bốn triệu bốn trăm năm mươi tám nghìn bảy trăm năm mươi đồng);

- Tiền lãi quá hạn: 38.072.222 đồng (Ba mươi tám triệu không trăm bảy mươi hai nghìn hai trăm hai mươi hai đồng).

Tổng cộng là 142.530.972 đồng (Một trăm bốn mươi hai triệu năm trăm ba mươi nghìn chín trăm bảy mươi hai đồng).

2. Kể từ ngày tiếp theo của của ngày xét xử sơ thẩm (ngày 08-11-2019), bà Lý Thị N và ông Quách Sa P còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng số 212/16/HĐTD/2100-4672 ngày 06-12-2016, cho đến khi thanh  toán  xong  khoản  nợ  gốc.  Trường  hợp  trong  Hợp  đồng  tín  dụng  số  212/16/HĐTD/2100-4672 ngày 06-12-2016, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng Thương mại cổ  phần K, thì lãi suất mà bà Lý Thị N và ông Quách Sa P phải tiếp tục thanh toán  theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Thương mại cổ phần K.

3. Trường hợp bà Lý Thị N và ông Quách Sa P trả nợ không đầy đủ hoặc không có khả năng trả nợ thì Ngân hàng Thương mại cổ phần K có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tại thửa đất số 340, tờ bản đồ số 09, diện tích là 727m2, loại đất ONT và CLN, tọa lạc tại ấp B, xã T, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, do bà Lý Thị N đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CB 332753, do Ủy ban nhân dân huyện M cấp ngày 30-  10-2015, theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 212/16/HĐTC-BĐS/2100-4672 ngày 06-12-2016. Khi có yêu cầu, bà Lý Thị N và ông Quách Sa P phải có nghĩa vụ giao lại tài sản thế chấp cho Cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Bác phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại cổ phần K, về việc yêu cầu bà Lý Thị N và ông Quách Sa P liên đới trả tiền phạt chậm trả lãi,   với số tiền là 1.661.718 đồng (Một triệu sáu trăm sáu mươi mốt nghìn bảy trăm mười tám đồng).

5. Án phí:

- Ngân hàng Thương mại cổ phần K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là  300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.249.537 đồng (Ba triệu hai trăm bốn mươi chín nghìn năm trăm ba mươi bảy đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006267 ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng và được nhận lại số tiền chênh lệch là 2.949.537 đồng (Hai triệu chín trăm bốn mươi chín nghìn năm trăm ba mươi bảy đồng).

- Bà Lý Thị N và ông Quách Sa P phải cùng liên đới chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 7.126.548 đồng (Bảy triệu một trăm hai mươi sáu nghìn năm trăm bốn mươi tám đồng).

6. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Bà Lý Thị N và ông Quách Sa P cùng liên đới chịu là 900.000 đồng (Chín trăm nghìn đồng). Ngân hàng Thương mại cổ phần K đã nộp tạm ứng trước 900.000 đồng (Chín trăm nghìn đồng) nên bà Lý Thị N và ông Quách Sa P phải hoàn trả lại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần K là 900.000 đồng (Chín trăm nghìn đồng).

7. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án; đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

8. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2019/DS-ST ngày 07/11/2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản (tiền) 

Số hiệu:25/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về