Bản án 25/2017/KDTM-PT ngày 07/08/2017 về việc tranh chấp hợp đồng ủy quyền khai thác quặng titan

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 25/2017/KDTM-PT NGÀY 07/08/2017 VỀ VIỆC TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN KHAI THÁC QUẶNG TITAN

Vào ngày 07 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 24/2017/TLPT- KDTM ngày 08/5/2017 về việc“Tranh chấp hợp đồng ủy quyền khai thác quặng titan”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 10/3/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 24A/2017/QĐ-PT ngày 18/7/2017, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Công ty TNHH V.

Địa chỉ:               1, Tp. Q, tỉnh Bình Định.

Đại diện theo pháp luật: Bà Trần Ngọc A - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Văn T, sinh năm: 1962;

Địa chỉ:            D2, phường G, quận C1, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Huỳnh Hoài N

- Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư N - Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng.

Địa chỉ:            D3, quận C2, thành phố Đà Nẵng. Có mặt. 

* Bị đơn: Công ty TNHH một thành viên H.

Địa chỉ: Khu công nghiệp E (khu F), Khu kinh tế E, thành phố Q, tỉnh Bình Định.

Đại diện theo pháp luật: Ông Từ Phong Q - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; Đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Trường K, sinh năm 1975. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Hoài L

và bà Nguyễn Thị Thanh O, Luật sư Văn phòng Luật sư I, Đoàn Luật sư thành phố

Hà Nội.

Địa chỉ: Đường D4, quận C3, thành phố Hà Nội. Đều có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lý Thiếu U, sinh năm: 1967;

Địa chỉ:            D5, quận C4, thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

2. Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân P - Quyền Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hoàng  

Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.

Địa chỉ:            D6, thành phố Q, tỉnh Bình Định. Vắng mặt.

* Người làm chứng:

- Bà Lý W, sinh năm 1970;

Địa chỉ:            D7, quận C5, Thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt. 

- Ban quản lý khu kinh tế E, thành phố Q, tỉnh Bình Định. Vắng mặt. 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - Ông Đặng Văn T trình bày:

Ngày 01/6/2007, Công ty TNHH Một thành viên H (gọi tắt là Công ty H) lập hợp đồng ủy quyền cho công ty TNHH V (gọi tắt là Công ty V) khai thác tận thu quặng titan trên diện tích 447 ha thuộc Khu công nghiệp E (khu F), khu kinh tế E. Căn cứ hợp đồng ủy quyền trên, Công ty V đã chuyển toàn bộ thiết bị, máy móc về địa bàn để khai thác titan. Ngày 07/5/2009, UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty V, thời hạn khai thác đến hết ngày 31/12/2009. Ngày

08/12/2010, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định số 551/QĐ-UBND về việc chấm dứt khai thác tận thu titan tại khu công nghiệp A1 và khu công nghiệp B1 thuộc khu kinh tế E. Công ty V đã nhiều lần yêu cầu Công ty H để đại diện Công ty V đưa toàn

bộ thiết bị, máy móc và titan tinh, titan thô ra khỏi địa bàn của Công ty H, nhưng Công ty H cản trở không cho Công ty V thực hiện. Trước khi có Quyết định giám đốc thẩm số 105/2013/QĐ-HĐTP ngày 14/8/2013, từ ngày 26/3/2013 đến ngày 25/3/2013

Công ty V đã chuyển titan trong kho (khu vực 2) với khối lượng là 940,100 kg tương đương khoảng 3,916 m3.

Do vậy nay Công ty V yêu cầu Tòa án buộc Công ty H chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật để Công ty V đưa toàn bộ titan thô, titan tinh ra khỏi khu công nghiệp E (Khối lượng titan cụ thể mà Công ty V yêu cầu theo thẩm định của Tòa án là 12.448,574 m3, trong đó: Khu vực 1A: 7.415,78 m3 x 3,2 = 23.740,496 tấn; khu vực 1B: 900,971 m3 x 3,2 = 2.882,272 tấn khu vực 2 (titan thô trong xương còn lại sau khi thi hành án): (2.532,00 m3 - 3,916 m3) x 2,4 = 2.528,084 tương đương 6.067,4 tấn; khu vực 3: 1.605 m3 x 2,4 = 3.852 tấn). Vì điều kiện thời tiết nên số lượng titan có thể hao hụt liên tục trong quá trình xét xử và thi hành án nên Công ty V chấp nhận số lượng thực tế trong quá trình thi hành án.

Đại điện theo ủy quyền của bị đơn - Ông Đặng Trường K trình bày:

Công ty H không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty V. Từ năm 2010 đến nay, bà Trần Ngọc A chưa bao giờ có văn bản hay làm việc trực tiếp với Công ty H về việc di chuyển tài sản ra khỏi Khu công nghiệp E - Khu F, Khu kinh tế E cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau khi kết thúc việc khai thác tận thu sa khoáng titan. Ngược lại, đã nhiều lần Công ty H yêu cầu Công ty V thu dọn máy móc, thiết bị và giao trả mặt bằng để Công ty H tổ chức triển khai thi công theo yêu cầu của Ban quản lý khu Khu kinh tế - UBND tỉnh Bình Định nhưng Công ty V không thực hiện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Bà Lý Thiếu U trình bày:

Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng bà U không đến Tòa do đó Tòa án không lấy được lời khai của bà U. Tuy nhiên căn cứ theo bản ý kiến ngày 07/01/2012; 27/8/2012: Năm 2008, bà và mẹ của bà là bà Trần Ngọc A cùng góp vốn vào công ty TNHH Tập đoàn cổ phẩn V (bà U góp 49%, bà A góp 51%) sau đó đăng ký lại thành Công ty TNHH V.

Với tư cách là thành viên góp vốn trong Công ty V đồng thời tham gia quản lý, điều hành công ty, bà không đồng ý về việc khởi kiện của Công ty V vì sau khi nhận được văn bản yêu cầu thu dọn, di chuyển máy móc thiết bị ra khỏi khu công nghiệp E, bà đã làm việc trực tiếp với Công ty H để tổ chức quản lý tài sản của Công ty V. Đồng thời bà đã thông báo cho bà A về việc bà trực tiếp quản lý một số tài sản của Công ty V để tiếp tục sử dụng. Sau khi chẩm dứt việc khai thác titan tại khu công nghiệp E - Khu F, bà A tập trung bán số quặng khai thác được và rút toàn bộ số tiền bán quặng titan chiếm giữ riêng, vì lo ngại bà A bán hết hàng hóa của công ty nên bà U mới ngăn cản không cho bà A chuyển titan ra khỏi khu công nghiệp. Mặt khác, công ty H yêu cầu chia quặng titan khai thác được theo thỏa thuận của hai công ty trong quá trình ủy quyền khai thác titan. Công ty H yêu cầu phân chia sản phẩm khai thác, san gạt mặt bằng trước khi vận chuyển titan ra khỏi khu công nghiệp.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Hoàng M trình bày:

Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, ngày 05/10/2012, Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định (gọi tắt là Cục thi hành án) đã ban hành quyết định thi hành án số 05/QĐ-CTHA cho thi hành án đối với bản án số 45/2012/DSPT ngàv 27/8/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng. Trong quá trình tổ chức thi hành án, Công ty H không tự nguyện thi hành án và có thái độ chống đối, cản trở việc thi hành án. Để đảm bảo thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, Cục thi hành án đã ban hành quyết định cưỡng chế số 02/QĐ-CTHA ngày 15/11/2012 buộc Công ty H không cản trở việc di chuyển titan của Công ty V hiện đang để trong khu đất của Công ty H.

Ngày 10/12/2012, Cục thi hành án dân sự tỉnh tổ chức họp bàn cưỡng chế thi hành án. Sau đó, Cục thi hành án nhận được Công văn số 43/TANDTC-DS ngày 12/12/2012 của Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu hoãn thi hành bản án nói trên trong thời hạn 90 ngày. Khi hết thời hạn hoãn thi hành án, ngày 18/3/2013 Cục thi hành án đã ban hành quyết định số 14/QĐ-CTHADS để tiếp tục thi hành án. Tuy nhiên, Công ty H đã đổ cát và đào các hố sâu tại các tuyến đường vào khu vực chứa titan nên xe không vào để vận chuyển titan được.

Ngày 28/10/2013, Cục thi hành án nhận quyết định giám đốc thẩm số 105/2013/QĐ-HĐTP ngày 14/8/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Căn cứ quy định của pháp luật Cục thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-CTHA ngày 01/11/2013 đình chỉ thi hành bản án trên.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 10/3/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:

Áp dụng các Điều 233, 255, 259 Bộ luật Dân sự 2005

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH V về việc yêu cầu Công ty TNHH MTV H phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc Công ty TNHH V vận chuyển toàn bộ khối lượng titan là 12.093,49m3. Trong đó, 8.316,49m3 titan tinh và 3.777m3 titan thô đang để trong kho của Công ty TNHH V và cuối đường nội bộ số 4 tại Khu công nghiệp E (khu F) - Khu kinh tế E.

2. Buộc Công ty TNHH MTV H chấm dứt hành vi cản trở trái phép việc chuyển toàn bộ khối lượng titan nói trên của Công ty TNHH V ra khỏi khu công nghiệp E (Khu F) - Khu kinh tế E.

3. Bác yêu cầu phân chia sản phẩm titan khai thác được theo tỷ lệ Công ty TNHH MTV H 60%, Công ty TNHH V 40% và yêu câu Công ty V phải thanh toán toàn bộ chi phí xây dựng hạ tầng tại lô đất XI, chi phí sử dụng đất cho Công ty H trước khi di dời nhà xưởng (thay cho việc thanh toán tiền thuê lại đất sau khi hết thời hạn sử dụng) của Công ty TNHH MTV H vì không có căn cứ.

4. Bác yêu cầu của bà Lý Thiếu U về việc được trực tiếp quản lý và nắm giữ các tài sản là phần tài sản chia trước của bà trong Công ty V.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 21/3/2017, bị đơn- Công ty TNHH một thành viên H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, với lý do:

- Công ty TNHH một thành viên H không cản trở Công ty TNHH V vận chuyển quặng titan.

- Xác định số lượng titan 12.453,49m3 tại Khu F - Khu kinh tế E, thành phố Q thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH V là không có căn cứ.

- Bản án sơ thẩm không giải quyết các quan hệ có liên quan đến việc ủy quyền khai thác như: Phân chia sản phẩm quặng khai thác được và san gạt hố bè, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu các phí sử dụng đất là không bảo đảm quyền lợi chính đáng của bị đơn. Đồng thời bản án sơ thẩm còn chưa thực hiện việc điều tra thu thập nội dung liên quan đến quá trình cấp phép và hoạt động khai thác titan của Công ty TNHH V.

Ngày 23/3/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định có quyết định kháng nghị số 410/QĐKNPT-VKS đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 10/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, vì Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Cụ thể như sau:

- Chưa thu thập tài liệu chứng cứ để xác định khối lượng và tính pháp lý của số lượng titan do Công ty TNHH V đã khai thác sau khi hết thời hạn được cấp phép khai thác (từ ngày 01/10/2010 đến tháng 10/2010).

- Không xem xét thẩm định thực tế số lượng titan hiện có mà dựa vào lời khai của Công ty TNHH V để quyết định số lượng ti tan, gây khó khăn cho việc thi hành bản án.

- Không đưa cơ quan quản lý tài nguyên môi trường vào tham gia tố tụng và chưa thu thập chứng cứ quá trình khai thác quặng titan cũng như việc thực hiện đúng các quy định về thuế khai thác tài nguyên thuế bảo vệ môi trường... của Công ty TNHH V.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; bị đơn không thay đổi, bổ sung, không rút kháng cáo; các đương sự không tự hoà giải được với nhau.

Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phúc thẩm giữ nguyên quyết định kháng nghị số 410/QĐKNPT-VKS của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định và đề nghị hủy bản án sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 10/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Qua nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát. HĐXX thảo luận và nghị án

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1]. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất vào ngày 23/6/2017 nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt; bị đơn có đơn xin hoãn phiên tòa nên Tòa án đã hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa hôm nay, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo là Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt; người tham gia tố tụng khác là bà Lý W đã được triệu tập nhiều lần nhưng vắng mặt và có đơn trình bày không tham gia phiên tòa. Do đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án.

 [2]. Xét kháng cáo của Công ty TNHH một thành viên H và Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định:

 [2.1]. Về quyền vận chuyển khối lượng khoáng sản titan do Công ty TNHH V khai thác:

 [2.1.1]. Được sự nhất trí của UBND tỉnh Bình Định tại Văn bản số 1485/UBND-NĐ ngày 23/5/2007 về chủ trương cho Công ty TNHH một thành viên H ủy quyền cho Công ty TNHH V khai thác tận thu khoáng sản làm sạch môi trường tại Khu Công nghiệp E nên vào các ngày 01/6/2017 và ngày 12/02/2009 giữa Công ty TNHH một thành viên H với Công ty TNHH V ký kết 02 hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD và số 07/HĐ/HY-VD với nội dung: Công ty TNHH một thành viên H giao toàn bộ diện tích đất 447 ha tại Khu Công nghiệp E (khu F) cho Công ty TNHH V khai thác tận thu titan sa khoáng.

Thực hiện các hợp đồng ủy quyền khai thác nêu trên, Công ty TNHH V đã lập hồ sơ xin cấp phép khai thác và UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 18/GP-UBND ngày 04/3/2008 và số 29/GP-UBND ngày 27/5/2009 cho Công ty TNHH V theo quy định tại Điều 49, Điều 50 và Điều 51 Luật khoáng sản. Sau khi được cấp phép khai thác Công ty TNHH V đã khai thác sa khoáng titan theo nội dung của các hợp đồng ủy quyền và cấp giấy phép khai thác khoáng sản ngày 04/3/2008 và ngày 27/5/2009.

Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và biên bản đo đạc xác định khối lượng titan ngày 10/01/2012 thể hiện số lượng titan dạng tinh và dạng thô là do Công ty TNHH V khai thác được đang còn trong kho của Công ty TNHH V và cuối đường nội bộ số 4 Khu công nghiệp E (Khu F) - Khu kinh tế E, thành phố Q 12.453,49m3. Số lượng titan trên trong quá trình thi hành án theo Quyết định Thi hành án số 14/QĐ-CTHADS của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định ngày 18/3/2013, Công ty TNHH V đã vận chuyển 360m3 titan. Như vậy khối lượng titan tranh chấp còn lại tại Khu công nghiệp E (Khu F) - Khu kinh tế E là 12.093,49m3. Trong đó: Khối lượng titan dạng tinh là 8.316,49m3 và khối lương titan dạng thô là 3.777m3 như bản án sơ thẩm đã quyết định.

 [2.1.2]. Kết quả khai thác theo biên bản xác minh ngày 30/3/2012 tại Sở Công thương tỉnh Bình Định và văn bản tổng hợp khối lượng tinh quặng titan tồn kho của Công ty TNHH V do UBND tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Công văn số 4750/UBND-KTN ngày 30/12/2012 gửi Bộ Công thương xin phép xuất khẩu tinh quặng đã thể hiện Công ty TNHH V đăng ký xuất khẩu tinh quặng titan; đã xuất khẩu tinh quặng titan và số lượng đăng ký xuất khẩu titan còn tồn kho tại Khu kinh tế E. Công ty TNHH một thành viên H không xuất khẩu tinh quặng titan, không đăng ký xuất khẩu tinh quặng titan và không có titan tồn kho.

 [2.1.3]. Kháng cáo của Công ty TNHH một thành viên H cho rằng: Khối lượng titan do Công ty TNHH V khai thác được, hai bên thỏa thuận phân chia theo tỉ lệ: Công ty TNHH một thành viên H được hưởng 60% và Công ty TNHH V được hưởng 40%. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận về trách nhiệm của Công ty TNHH V về san gạt hố bè, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu các phí sử dụng đất nhưng Công ty TNHH V đã không thực hiện theo thỏa thuận. Khai nại của Công ty TNHH một thành viên H, HĐXX thấy rằng:

+ Tuy rằng tại điều 2 của các hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD ngày 01/6/2007 và số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009 hai bên có thỏa thuận về trách nhiệm của Công ty TNHH V về sử dụng đất, khai thác khoáng sản trên đất và theo khoản 2 Điều 53 Luật khoáng sản quy định trách nhiệm của Công ty TNHH V phải san lấp hố bè như khai nại của Công ty TNHH một thành viên H. Khoản 2 Điều 53 quy định “2- Khi giấy phép khai thác tận thu bị thu hồi hoặc đã hết hạn thì tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực khai thác, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai”. Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD ngày 01/6/2007 và số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009 thì giữa Công ty TNHH một thành viên H với Công ty TNHH V không đã có văn bản thỏa thuận số 18/BB-HY ngày 13/6/2007 và văn bản thỏa thuận không số ngày 12/02/2009 thống nhất việc san lấp hố bè, tái tạo môi trường thuộc trách nhiệm của Công ty H: “Điều 2: Bên B (Công ty TNHH V) không phải thực hiện công tác hoàn thổ, tái tạo môi trường, công việc này là một bộ phận của công tác san lấp mặt bằng do bên A (Công ty TNHH một thành viên H) chịu trách nhiệm thực hiện”. Hơn nữa, việc san lấp hố bè này đã được bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2017/KDTM-PT ngày 12/01/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định quyết định việc san lấp hố bè không thuộc nghĩa vụ của Công ty TNHH V, đang có hiệu lực pháp luật. Cho nên, khai nại của Công ty TNHH một thành viên H không thể chấp nhận.

+ Hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD ngày 01/6/2007 và số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009 giữa Công ty TNHH một thành viên H với Công ty TNHH V không có thỏa thuận về việc phân chia tỉ lệ khối lượng titan, trách nhiệm của Công ty V xây dựng cơ sở hạ tầng và thu các phí sử dụng đất. Trong quá trình tố tụng (lần thứ nhất) do cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xét xử vào các ngày 26/4/2012 và 27/8/2012 Công ty TNHH một thành viên H đã có ý kiến về việc hai bên thỏa thuận phân chia tỉ lệ sản phẩm titan khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu các phí sử dụng đất nêu trên nhưng Công ty TNHH một thành viên H không có yêu cầu phản tố và không cung cấp chứng cứ để chứng minh nên Tòa án hai cấp không xem xét ý kiến của Công ty TNHH một thành viên H. Vì lý do không xem xét đến các ý kiến nêu trên nên Quyết định giám đốc thẩm số 105/2013/QĐ-HĐTP ngày 14/8/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án sơ thẩm; phúc thẩm ngày 26/4/2012 và ngày 27/8/2012 và yêu cầu khi giải quyết lại vụ án phải xem xét đến ý kiến của Công ty TNHH một thành viên H nêu trên để giải quyết triệt để vụ án.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết lại vụ án này, Tòa án nhân dân Bình Định đã triệu tập Công ty TNHH một thành viên H yêu cầu cung cấp chứng cứ chứng minh và trong các bản tự khai vào các ngày 12/12/2016, 31/8/2016 và 29/8/2016 đại diện của Công ty TNHH một thành viên H đã có cam kết cung cấp các chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu (thỏa thuận phân chia tỉ lệ sản phẩm titan khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu các phí sử dụng đất) nhưng Công ty TNHH một thành viên H không thực hiện, không cung cấp chứng cứ theo như cam kết và yêu cầu của Tòa án. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Công ty TNHH một thành viên H vẫn không cung cấp được chứng cứ chứng minh (Văn bản thỏa thuận, cam kết phân chia; văn bản giao nhận khối lượng giữa hai bên hoặc chứng từ chuyển tiền bán quặng titan cho bị đơn; hợp đồng xây dựng hạ tầng...). Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 6; khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, HĐXX cấp phúc thẩm căn cứ vào các chứng cứ có tại hồ sơ để giải quyết vụ án.

Tại hồ sơ vụ án, chứng cứ duy nhất có liên quan là lời khai của bà Lý Thiếu U cho rằng có sự thỏa thuận tỉ lệ phân chia sản phẩm quặng titan như lời ý kiến của Công ty TNHH một thành viên H nhưng bà Lý Thiếu U là người đang có tranh chấp thành viên công ty với bà Trần Ngọc A - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH V. Bên cạnh đó, bà Lý Thiếu U là vợ của ông Từ Phong Q - Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH một thành viên H - bị đơn trong vụ án nên lời khai của bà Lý Thiếu U không thể tin cậy. Đối với bà Lý W - là người ký kết hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD ngày 01/6/2007. Tuy nhiên, bà Lý W đã được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng bà W không có mặt theo giấy triệu tập; Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập tham gia phiên tòa nhưng cũng không có mặt. Tại đơn xin xét xử vắng mặt ngày 12/02/2016 bà W khai bà chỉ là người được thuê làm giám đốc của Công ty TNHH V khi ký kết hợp đồng và bà W cũng không khai báo việc thỏa thuận về phân chia sản phẩm quặng titan, về  xây dựng cơ sở hạ tầng và thu các phí sử dụng đất theo yêu cầu của Tòa án; trong trường hợp bà Lý W có lời khai về việc hai bên có sự thỏa thuận thì cũng không đủ căn cứ để chấp nhận ý kiến của bị đơn trong vụ án này. Bên cạnh đó, khối lượng titan đang có tranh chấp được khai thác ở hợp đồng ủy quyền số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009 là do bà Trần Ngọc A- Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH V ký kết (lúc này bà Lý W không còn là thành viên Công ty TNHH V) và theo lời khai của bà A thì khi ký kết hợp đồng số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009, hai bên không có thỏa thuận về việc phân chia tỉ lệ titan khai thác được cũng như trách nhiệm của Công ty TNHH V về xây dựng cơ sở hạ tầng và các phí sử dụng đất như lời khai nại của Công ty TNHH một thành viên H. Mặt khác, Công ty TNHH V đã tiến hành khai thác titan và xuất khẩu bán (theo lời khai của Sở Công thương tỉnh Bình Định thì Công ty TNHH V đã xuất khẩu titan để bán nhiều lần và riêng trong năm 2010 đã xuất khẩu là 6.670 tấn) từ năm 2007 cho đến thời điểm Công ty TNHH một thành viên H khai nại về phân chia sản phẩm quặng titan đã được hơn 03 năm nhưng bị đơn - Công ty TNHH một thành viên H (chưa được phân chia sản phẩm quặng titan) lại không có yêu cầu phân chia hoặc ý kiến về việc hai bên đã thỏa thuận là không phù hợp.

Do đó, không chấp nhận ý kiến của Công ty TNHH một thành viên H về việc hai bên có sự thỏa thuận phân chia tỉ lệ sản phẩm titan khai thác, về nghĩa vụ của Công ty TNHH V xây dựng cơ sở hạ tầng và phí sử dụng đất.

 [2.1.4]. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty TNHH một thành viên H cho rằng Công ty TNHH một thành viên H - là bên ủy quyền cho Công ty TNHH V - là bên được ủy quyền khai thác titan nên khối lượng ti tan thu được thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên H theo quy định tại Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 587 Bộ luật dân sự năm 2005. Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty TNHH một thành viên H không có cơ sở để chấp nhận, vì lẽ:

+ Công ty TNHH một thành viên H là doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Định giao đất để thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp E – Khu F Khu kinh tế E; Công ty TNHH một thành viên H không có chức năng và năng lực khai thác khoáng sản và Công ty TNHH một thành viên H không được UBND tỉnh Bình Định cho phép khai thác khoáng sản titan.

+ Khối lượng ti tan nằm trong diện tích đất mà UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty TNHH một thành viên H không thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH một thành viên H mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo đó, các tổ chức cá nhân nếu muốn tiến hành khai thác khoáng sản thì phải có Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công ty TNHH V là tổ chức được UBND tỉnh Bình Định cho phép khai thác khoáng sản titan theo đúng quy định tại Điều 1, Điều 10, Điều 21, Điều 50, Điều 55 Luật khoáng sản năm 1996 và Điều 6 Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ nên số titan do Công ty TNHH V khai thác, Công ty TNHH V có quyền cất giữ, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ theo quy định tại Điều 51 Luật khoáng sản năm 1996.

+ Việc khai thác titan của Công ty TNHH V là khai thác tận thu titan sa khoáng để làm sạch môi trường trước khi Công ty TNHH một thành viên H thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp E – Khu F Khu kinh tế E (theo như giấy phép khai thác khoáng sản số 18/GP-UBND ngày 04/3/2008 và số 29/GP-UBND ngày 27/5/2009 của UBND tỉnh Bình Định). Cho nên, theo quy định tại Điều 61, Điều 66 Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ thì các hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD ngày 01/6/2007 và số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009 không phải là điều kiện, trình tự, thủ tục bắt buộc để Công ty TNHH V được cấp giấy phép khai thác tận thu titan. Công ty TNHH một thành viên H đã được cấp giấy phép đầu tư, đã được giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu Công kinh tế E nên các hợp đồng ủy quyền khai thác tận thu titan số 17/HĐ/HY-VD ngày 01/6/2007 và số 07/HĐ/HY ngày 12/02/2009 của Công ty TNHH một thành viên H nhằm mục đích thể hiện sự đồng ý của một bên được giao đất với một bên khai thác tài nguyên tận thu trên đất đã được giao cho người khác và để đảm bảo cho việc khai thác hợp lý, đúng tiến độ của nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: “Điều 1: Công ty H sẽ bàn giao diện tích 447 ha đất tại KCN E (Khu F) cho Công ty TNHH V khai thác tận thu titan sa khoáng theo quy hoạch được BQLKKT E giao đất cho Công ty H. Diện tích đất bàn giao từng đợt, tùy theo tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp E - Khu F, Khu kinh tế E”. Và: “Công ty V đảm bảo khai thác theo kế hoạch thi công san lấp mặt bằng của Công ty H’’.

Từ các cơ sở nêu trên [2.1.1]; [2.1.2]; [2.1.3] và [2.1.4], cấp sơ thẩm xác định Công ty TNHH V có quyền vận chuyển khối lượng ti tan của Công ty TNHH E khai thác ra khỏi Khu Công nghiệp E - Khu F Khu kinh tế E là đúng quy định của pháp luật.

 [2.2]. Về hành vi cản trở việc vận chuyển titan của Công ty TNHH một thành viên H:

 [2.2.1]. Công văn số 130/BC-ĐCA ngày 23/12/2011 của Đồn Công an Khu Y gửi lãnh đạo Ban quản lý R Bình Định báo cáo hành vi của Công ty TNHH một thành viên H cản trở Công ty TNHH V di dời tài sản, trang thiết bị, máy móc, ti tan ra khỏi Khu F - Khu Công nghiệp E. Công văn số 130/BC-ĐCA ngày 23/12/2011 của Đồn Công an Khu Y căn cứ vào các biên bản sự việc, biên bản xác minh... như:

+ Biên bản ngày 05/8/2010, thể hiện nội dung: Ông Từ Phong Q và bà Lý Thiếu U ngăn cản không cho bà Trần Ngọc A xuất bán titan.

+ Biên bản ngày 06/9/2010, thể hiện nội dung: Ông Từ Phong Q dùng thùng sắt chắn trước cổng ra vào khu chứa titan; dùng titan thô đổ quanh đống titan đã qua tinh luyện để không cho bà Trần Ngọc A xuất bán titan.

+ Biên bản ngày 31/10/2010 thể hiện nội dung: Bà Trần Ngọc A vận chuyển titan từ kho của Công ty đến Cảng Q, ông Từ Phong Q cho ô tô tải, máy đào, máy ủi, máy xúc chặn đường không cho vận chuyển titan.

 [2.2.2]. Tại Công văn số 2171/BQL-TNMT ngày 24/11/2010 của Ban quản lý R đã gửi cho các cơ quan và hai Công ty, có yêu cầu Công ty TNHH một thành viên H không được cản trở việc di dời thiết bị, tài sản thuộc sở hữu của Công ty TNHH V.

 [2.2.3]. Quá trình thi hành án Quyết định thi hành án số 14/QĐ-CTHADS ngày 18/3/2013 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, Công ty TNHH một thành viên H đã đổ cát, đào các hố sâu tại các tuyến đường vào khu vực chứa titan do Công ty TNHH một thành viên H quản lý nên xe vận chuyển titan không đi vào được.

 [2.2.4] Lời khai của Công ty TNHH một thành viên H thừa nhận đã thông báo cho Công ty TNHH V nội dung: Công ty TNHH V không có quyền sử dụng đất tại khu vực khu Kinh tế E nên Công ty TNHH V muốn vào khu Công nghiệp phải thông báo trước lý do, nội dung và phải được sự đồng ý thì Công ty TNHH V mới được vào.

Vì vậy, HĐXX cấp phúc thẩm có cơ sở khẳng định: Công ty TNHH một thành viên H đã có hành vi cản trở Công ty TNHH V vận chuyển ti tan. Cho nên bản án sơ thẩm buộc Công ty TNHH một thành viên H chấm dứt hành vi cản trở Công ty TNHH V vận chuyển khối lượng titan của Công ty TNHH V khai thác ra khỏi Khu Công nghiệp E - Khu F Khu kinh tế E là có căn cứ, phù hợp với các quy định của pháp luật.

 [2.3]. Về các nội dung kháng cáo và kháng nghị còn lại, HĐXX xét thấy:

 [2.3.1]. Về xác định khối lượng titan mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định kháng nghị cho rằng khai thác trái phép:

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH V có lời khai việc Công ty TNHH V khai thác titan đến tháng 10/2010. Lời khai của Công ty TNHH V phù hợp với báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản và xin gia hạn khai thác của Công ty TNHH V ngày 28/12/2009 và đơn xin gia hạn giấy phép khai thác khai thác khoáng sản của Công ty TNHH V ngày 05/01/2010 gửi UBND tỉnh Bình Định; đồng ý chủ trương cho gia hạn Giấy phép tận thu titan đã cấp cho Công ty TNHH V của UBND tỉnh Bình Định ngày 05/01/2010; tờ trình của Ban quản lý khu kinh tế E số 1016/TTr-BQL ngày 24/6/2010 gửi UBND tỉnh Bình Định đề nghị gia hạn Giấy phép cho Công ty TNHH V và Công văn số 2195/UBND-NĐ  ngày 30/6/2010 của UBND tỉnh Bình Định thể hiện sự đồng ý gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản titan đối với Công ty TNHH V của Ban quản lý khu kinh tế E và UBND tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, theo quy định tại 2 Điều 59; Điều 76 Luật Khoáng sản năm 2010; khoản 1 Điều 25; khoản 2, khoản 3 Điều 31 Nghị định 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản và quy định tại Chương III Thông tư số 16/2012/TT-BTNMT ngày 29/11/2012 của Bộ tài nguyên và Môi trường thì khi hết thời hạn khai thác ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có nhu cầu gia hạn Giấy phép thì tổ chức, cá nhân đó phải đóng cửa mỏ quy định. Trường hợp trong khu vực khai thác khoáng sản vẫn còn trữ lượng khoáng sản (bảo đảm theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 15/2012/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ) mà tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có nhu cầu khai thác tiếp (tức là có nhu cầu gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản) thì không phải đóng cửa mỏ mà chỉ lập hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản. Mặt khác, sau khi Công ty TNHH V ngừng khai thác thì UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp ngày 29/11/2010 để giải quyết việc ngừng khai thác, xử lý sai phạm trong việc sai phạm về khai thác titan và ban hành Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 08/12/2010 về việc chấm dứt tận thu titan. Nội dung cuộc họp ngày 29/11/2010 và Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 08/12/2010 của UBND tỉnh Bình Định chẳng những không xác định có sự vi phạm của Công ty TNHH V trong khai thác mà còn đề nghị các bên nguyên đơn với bị đơn thương lượng giải quyết khối lượng titan Công ty TNHH V khai thác hiện còn tồn kho và vào ngày 30/12/2011 UBND tỉnh Bình Định ban hành Công văn số 4750/UBND-KTN ngày 30/12/2012 gửi Bộ Công thương xin phép xuất khẩu tinh quặng tồn kho năm 2011 của Công ty TNHH V - khối lượng xin phép xuất khẩu này tương đương với khối lượng titan tinh tồn kho theo biên bản xác định khối lượng titan ngày 10/01/2012 của Hội đồng xem xét, thẩm định tại chỗ Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã cho thấy sự thừa nhận khối lượng titan mà Công ty TNHH V khai thác được của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Do đó, Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng Công ty TNHH V khai thác titan trái phép sau khi hết hạn ngày 31/12/2009 không thể chấp nhận.

 [2.3.2]. Về thẩm định lại để xác định chính xác khối lượng titan:

Như đã nhận định trên, chỉ có Công ty TNHH V có quyền vận chuyển toàn bộ khối lượng titan mà Tòa án đã xem xét thẩm định trong kho Công ty TNHH V và cuối đường nội bộ số 4 tại Khu công nghiệp E (Khu F) - Khu kinh tế E vào ngày 10/01/2012 nên không cần thiết phải xác định chính xác lại khối lượng titan. Vì do tác động của môi trường, mưa gió...của thiên nhiên trong thời gian xét xử, thi hành án vụ án này sẽ làm thất thoá, hao hụt một lượng titan nhất định và sẽ không đủ khối lượng như bản án đã tuyên.

Bên cạnh đó, tại cấp sơ thẩm thì nguyên đơn - Công ty TNHH V cũng đã có lời khai cho rằng nguyên đơn chỉ có yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở việc vận chuyển titan, không có yêu cầu xác định khối lượng titan và không có yêu cầu xem xét thẩm định lại khối lượng titan mà Hội đồng xem xét, thẩm định tại chỗ Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã xem xét thẩm định ngày 10/01/2012 và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay Công ty TNHH V tự nguyện và cam kết chấp nhận khối lượng titan thực tế khi thi hành án. Sự tự nguyện này của Công ty TNHH V phù hợp với thực tế, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu thẩm định lại số lượng titan hiện còn trong vụ án này không có cơ sở chấp nhận.

 [2.3.3]. Các nội dung về thuế, về trình tự thủ tục khai thác và thủ tục tố tụng:

Bản án đã nhận định: UBND tỉnh Bình Định cho phép khai thác khoáng sản titan theo đúng quy định tại Điều 1, Điều 10, Điều 21, Điều 50, Điều 55 Luật khoáng sản năm 1996; Điều 6 Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính Phủ; Thông tư số 05/2008/TT- BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và môi trường. Lời khai của Công ty TNHH V đã nộp đầy đủ các loại thuế khai thác tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường phù hợp với báo cáo tài chính năm 2008 năm 2009 và năm 2010 của Công ty TNHH V và phù hợp với nội dung văn bản số 1016/TTr-BQL ngày 24/6/2010 của Ban quản lý khu kinh tế E cũng xác định Công ty TNHH V đã hoàn thành các loại thuế: “Ban Quản lý khu kinh tế phối hợp với UBND xã E kiểm tra hiện trường và đề nghị Công ty TNHH V thực hiện nghĩa vụ tài chính còn thiếu như: Hoàn thành nộp thuế theo quy định, hỗ trợ địa phương... Cho đến nay, Công ty TNHH V đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính nêu trên...”.

Các cơ quan quản lý tài nguyên tỉnh Bình Định là các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Luật khoáng sản và như đã nhận định ở phần trên, các cơ quan này không có nghĩa vụ hoặc quyền lợi gì trong vụ án này nên cấp sơ thẩm không đưa cơ quan quản lý tài nguyên tỉnh Bình Định vào tham gia tố tụng là có căn cứ.

Từ các nhận định [2.1]; [2.2] và [2.3] trên, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH một thành viên H và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định.

Công ty TNHH một thành viên H không có yêu cầu phản tố mà chỉ có ý kiến về việc phân chia tỉ lệ sản phẩm titan nhưng Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu là không chính xác nên cấp phúc thẩm điều chỉnh lại cho phù hợp.

 [3]. Do không chấp nhận kháng cáo nên Công ty TNHH một thành viên H phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Luật tố tụng dân sự và khoản 1, Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về các phần còn lại không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.H và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định; giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 10/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào Khoản 1, Điều 308 của Bộ luật Dân sự 2015: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH MTV H và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định; giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 10/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

- Áp dụng Điều 233, Điều 255, Điều 259 Bộ Luật Dân sự 2005;

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn V:

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên H chấm dứt hành vi cản trở Công ty trách nhiệm hữu hạn V vận chuyển khối lượng titan đang để trong kho Công ty trách nhiệm hữu hạn V tại cuối đường nội bộ số 4 tại Khu công nghiệp E (Khu F) - Khu kinh tế E ra khỏi Khu công nghiệp E (Khu F) - Khu kinh tế E, thành phố Q (có sơ đồ kèm theo; Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 10/01/2012 và quá trình thi hành án thì khối lượng titan còn lại là 12.093,49m3).

Bác ý kiến của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên H về việc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên H cho rằng hai bên có sự thỏa thuận phân chia sản phẩm quặng titan; thỏa thuận về việc Công ty trách nhiệm hữu hạn V có nghĩa vụ thanh toán chi phí xây dựng hạ tầng, chi phí sử dụng đất.

2/ Các quyết định còn lại của bản án sơ thẩm về yêu cầu của bà Lý Thiếu U; về án phí sơ thẩm và về quyền, nghĩa vụ thi hành án không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3/ Về án phí dân sự phúc thẩm: Công ty TNHH một thành viên H phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000đ, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000đ theo biên lai số 07ZZZ ngày 05/4/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định. Như vậy, Công ty TNHH một thành viên H đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1103
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2017/KDTM-PT ngày 07/08/2017 về việc tranh chấp hợp đồng ủy quyền khai thác quặng titan

Số hiệu:25/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 07/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về